Ba đi Ấn

Chân Hội nghiêm

Ba đi Ấn

–          Ba ơi, mai con đi Ấn.

–          Cho ba đi với, cho ba đi thăm Bụt với !

Trước khi đi đâu xa khỏi Làng, tôi thường gọi điện cho ba mẹ để hỏi thăm sức khỏe và báo tin là tôi đi đâu đó để ba mẹ không trông điện thoại của tôi trong những ngày này. Thường thì ba tôi nói: «Chúc sư cô đi vui, nhớ giữ gìn sức khỏe nhé.» Nhưng lần này thì: «Cho Ba đi với, cho ba đi thăm Bụt với!»

Câu nói của Ba khích lệ tôi rất nhiều, cho tôi thêm cảm hứng và trân quý hơn chuyến đi của mình. Tôi chuẩn bị hành lý trong niềm phấn khởi với ý thức là mình sẽ đi Ấn cho ba, sẽ mang ba theo mình. Tôi ra đi trong một niềm hân hoan. Các sư em chuẩn bị cho tôi thật chu đáo. Bình thường đi đâu tôi chỉ xách theo mấy bộ đồ và những thứ thật cần thiết. Lần này thì… nào là mì gói, rong biển, nào là muối xả, muối ớt, nào xì dầu, bánh Pháp… Các em nói thức ăn bên đó khó ăn lắm, những người đi đợt trước về bảo là thức ăn bên đó ăn không được. Rồi nào là đồ cạo gió, nào là xà bong giặt, các em nói ở bên đó dơ và nóng lắm nên đem theo xà bong để giặt đồ cho tiện, bên đó trời nắng phơi đồ sẽ rất mau khô. Vì thế chuyến đi này tôi được xem là well prepared (chuẩn bị chu đáo).

Tôi đi bằng đôi chân của ba, thở bằng hơi thở của ba và nhìn bằng đôi mắt của ba. Tôi thăm Bụt cho ba. Ba tôi thương Bụt nên thương luôn nước Bụt, thương luôn những con người được sinh ra trên đất nước này, mặc dù ba tôi chưa biết gì về Ấn và những con người nơi đây. Có đi chăng nữa cũng chỉ trên sách vở. Ba tôi thương Ấn và thương người Ấn, như thể khi mình thương ai thì thương luôn cả gia đình, dòng họ, quê hương và đất nước của người ấy vậy. Tôi tận hưởng chuyến đi của mình hết lòng. Từ ngày đi đến ngày về. Một chuyến đi thật đầy.

 

Bụt hay hàng xóm?

Cuối chuyến đi, mọi người chia tay nhau. Người thì bay về Mỹ, người thì bay về Hongkong. Quý thầy đi thăm gia đình của sư chú Bảo Tích. Tôi và sư cô Đàn Nghiêm đáp máy bay về lại Pháp, đến phi trường lúc 11 giờ đêm. Quý thầy ra đón chúng tôi như đi đón các bậc Tôn túc từ Việt Nam qua, mang theo đầy đủ trà nước, áo ấm. Chúng tôi đi lúc Làng đang bước vào Thu và khi về lại là chuẩn bị sang Đông nên khí trời khá lạnh. Thầy Pháp Hữu và sư chú Giới Tạng đi đón, sợ quý thầy không đủ đồ ấm nên mang theo rất nhiều. Quý thầy kể cho chúng tôi nghe chuyện ở Làng. Chúng tôi kể cho quý thầy nghe sơ lược những chuyện ở Ấn. Sơ lược thôi, chứ hết thì không hết được. Chúng tôi về đến Xóm Hạ khoảng 2 giờ sáng. Khung cảnh rất yên tĩnh và vắng lặng, không một bóng người. Tất cả đều đi ngủ hết rồi. Chúng tôi nhẹ nhàng vào phòng và tìm chỗ của mình. Mọi người đổi phòng, chuẩn bị cho khóa an cư. Phòng sư em Đàn Nghiêm giữ nguyên, phòng tôi thì có thay đổi, tôi được chuyển sang một phòng khác, tôi được báo tin rồi, nhưng không biết là giường nào. Tôi bật đèn bên ngoài, nhẹ nhàng mở hé cửa cho ánh sáng lọt vào đủ để thấy giường nào trống, không người. Tôi nhẹ nhàng leo lên giường, đặt lưng xuống, ngủ một giấc đến sáng. Thì ra các sư em nằm đợi tôi về rồi ngủ quên hồi nào không hay.

Sáng mai căn phòng tôi cứ rộn ràng tiếng nói cười của từng nhóm các chị em đến chơi. Chúng tôi say xưa kể chuyện, nhiều khi cùng một chuyện mà không biết kể đi kể lại mấy lần. Có em hồ hởi hỏi: «Sư cô có gặp Bụt không?» Tôi trả lời: «Cũng không biết nữa, nhiều khi gặp hàng xóm mà tưởng là Bụt, nhiều khi gặp Bụt mà tưởng là hàng xóm cũng không chừng».

Có em đề nghị: «Thôi, sư cô thâu băng rồi ai vào chơi mở ra cho nghe, khỏi phải kể đi kể lại nhiều lần, hết hơi.» Tôi cười, ừ chắc sẽ làm thế.

Ngày đầu tiên trên đất Ấn


Chuyến đi của chúng tôi gồm có thầy Pháp Dung, thầy Pháp Siêu, sư chú Bảo Tích, sư cô Đàn Nghiêm và tôi bay qua từ Làng, sư cô Mai Nghiêm từ Hongkong, sư cô Đẳng Nghiêm từ Mỹ và bốn em cư sĩ, hai người từ Mỹ, một người từ Đức và một người từ Hà Lan. Nhân lực khá hùng hậu. Trong chuyến đi này, ngoài sư chú Bảo Tích là người Ấn, thầy Pháp Dung đã đến Ấn một lần, còn lại ai cũng mới đi lần đầu nên rất hồ hởi và phấn khởi. Đặt chân xuống phi trường là thấy thích rồi. Trên tường, người ta gắng một loạt những bàn tay bắt ấn cát tường làm cho mình thêm cảm giác gần gủi thân thương.

Chúng tôi được đón về nhà anh chị Shantum và Gitu. Anh chị Shantum và Gitu đã đến Làng tu học từ khi mới quen nhau, họ làm lễ cưới ở Làng và thường xuyên về Làng tu học nên trở thành thành viên rất thân thiết của Làng. Tối đó, chúng tôi được ăn cơm Ấn, theo phong tục Ấn. Không dùng muỗng đũa, chỉ dùng năm ngón tay của mình. Trong niềm hân hoan, phấn khởi, ai cũng vui thích hòa mình vào trong buổi ăn đó. Mọi người quây quần chung quanh chiếc bàn tròn. Trong bữa ăn có cả ông bà nội ngoại của mấy cháu nhỏ. Một bữa ăn gia đình thân mật và ấm cúng. Ngay từ đầu chúng tôi đã thấy gần gũi thân thiết như đây là nhà mình. Ngồi quây quần bên bàn ăn với nhiều món được bày lên, chúng tôi được hướng dẫn cách ăn, ăn thức gì với thức gì, sử dụng bàn tay của mình như thế nào. Rồi gia đình anh chị kể cho chúng tôi nghe thêm vài nét về truyền thống Ấn Độ. Tôi nhớ có lần làm thị giả cho Thầy, Thầy cũng dạy tôi ăn theo kiểu Ấn, Thầy lấy cơm và thức ăn bỏ lên bàn tay phải, rồi dùng ngón tay cái vo lại thành viên tròn, và cũng ngón tay cái này đẩy cơm vào miệng. Mình chỉ được dùng tay phải để ăn cơm thôi. Nhưng lúc đó thầy dùng cơm với muối xả, tương đối đủ khô ráo. Còn bây giờ ăn cơm với cà ri mà cũng ăn theo kiểu đó. Người ta chan cà ri lên cơm, dùng mấy ngón tay trộn đều cơm và cà ri lại với nhau rồi khoanh thành một nhúm, bốc lên, dùng ngón cái đẩy cơm vào miệng. Chúng tôi cũng được ăn bánh chapati, bánh mà hồi xưa Bụt cũng ăn như trong sách Đường Xưa Mây Trắng có nói đến. Một bữa ăn đáng nhớ! Thực ra không phải mình không được dùng muỗng nĩa, trên bàn cũng bày ra đầy đủ những thứ ấy, nhưng vì muốn hội nhập, muốn mình là một với gia đình, muốn học hỏi văn hóa của họ nên ai cũng muốn thử.

Nghỉ một đêm ở đây, hôm sau chúng tôi đến Padgodha, ngủ lại qua đêm để sáng mai bay đến Bhutan. Chiều đó chúng tôi có cơ hội đi dạo trên những con đường làng chung quanh. Trên đường quốc lộ thì đầy những tiếng ồn ào và bụi bặm. Nhìn xe chạy mà mình không sao tưởng tượng được cảnh người ta nhét người, hơn cả những ngày gần Tết ở Việt Nam, mà đường sá thì bụi bặm hơn nhiều, khí trời thì nóng bức. Đúng là mỗi nơi văn hóa mỗi khác. Thế nhưng khi đi vào làng thì yên tĩnh và trong lành hơn, không xe cộ qua lại. Chúng tôi đi dọc một con sông mà không biết tên nó là gì. Ở đây người ta cũng ra sông tắm giặt, rửa chén bát và đùa giỡn trên sông. Những câu chuyện xưa cứ từ từ hiện về trong tôi. Dân làng cũng đổ ra nhìn. Chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với họ, thân thiện và cởi mở. Đi sâu vào làng là một đồng cỏ mênh mông, ở đó những em bé chạy nhảy, nô đùa, đá banh và những đàn bò bình an đang gặm cỏ. Chúng tôi mon men đến gần vài em, chào hỏi và chụp hình lưu niệm. Sau đó, nhiều em chạy tới, em nào cũng thích chụp hình chung. Các em rất thân thiện, hiền lành và dễ thương. Mặt mũi thì lấm lem nhưng tâm hồn thì trong sáng. Chúng tôi tiếp tục đi dạo, các em cũng kéo nhau đi theo. Càng lúc càng đông. Cuối cùng thì tất cả đều bỏ chơi và đi theo chúng tôi. Lúc đầu chỉ có các em nhỏ, sau đó có cả người lớn. Những câu chuyện trong sách Đường Xưa Mây Trắng kể về cuộc đời của Bụt và các em bé chăn trâu cứ từ từ hiện về trong tôi. Tôi thầm nhủ, sao giống thời của Bụt thế. Chúng tôi hát cho các em nghe bài Con về nương tựa Bụt, rồi các em hát lại cho chúng tôi nghe một bài hát bằng tiếng Ấn. Các em ở đây không hiểu tiếng Anh. Chúng tôi nói các em không hiểu, các em nói chúng tôi không hiểu. Nhưng sau đó có một em, có học tiếng Anh ở trường. Chúng tôi hỏi em tên gì, em đứng nghiêm trang, hai tay buông xuôi ép sát vào thân thể như thể đang trả bài cho cô giáo. «My name is… » _ «How old are you?» _ «I’m 11 years old». Tất cả những con mắt kinh ngạc và thán phục của những em khác đổ dồn vào em. Hễ chúng tôi hỏi điều gì là các em đều hướng về em ấy đợi câu trả lời, vừa như để khích lệ, vừa như đặt hết niềm tin tưởng và trông đợi của mình. Dễ thương quá đi! Mắt nào mắt nấy mở to, tròn xoe, ngây thơ đứng nhìn. Chúng tôi đứng chơi với các em như thế rất lâu.