Người làm vườn tận tụy
Thầy Trung Hải
Khung cửa sổ phòng tôi nhìn xuống vườn cỏ rộng, nơi có cái nhà kính và vườn rau. Ngay cạnh cửa sổ, tôi kê một tấm ván gỗ coi như là bộ phản để ngồi uống trà. Từ chỗ ngồi này, mỗi ngày tôi nhìn xuống những thay hình đổi dạng của vườn rau. Nhưng những thay hình đổi dạng liên tục của vườn không phải là đề tài tôi muốn nói, mà điều tôi muốn nói tới là những người làm vườn.
Mùa Xuân và mùa Hè vừa rồi, một người em Tây phương của tôi đảm nhận việc làm vườn. Làm vườn, đối với người em ấy của tôi là một niềm hạnh phúc. Một lần, có người so sánh niềm vui khi làm vườn ấy của em tôi với niềm vui của những người trẻ đi shopping, em tôi cười hiền từ gật gù, nhưng im lặng. Chẳng những em tôi có mặt ở vườn trong những giờ chấp tác của đại chúng, em tôi còn có mặt ở vườn cả những lúc mà mọi người gọi là giờ rảnh rỗi hay giờ cá nhân. Vào những giờ rảnh rỗi và giờ cá nhân ấy, có người trong anh em chúng tôi dùng để học thêm chút tiếng Anh, tiếng Pháp hay chữ Hán; có người ngồi trước máy tính viết thư cho gia đình, bạn bè; cũng có người nhâm nhi tách trà rồi khe khẽ hát một mình trong phòng vắng; cũng có người ở phòng học, trước một chồng sách dày đang tìm tòi nghiên cứu; và cũng có người đi lang thang trong rừng hay đơn giản chỉ là nằm khoèo trong chăn ấm. Người em ấy của tôi hiếm khi cầm tới cuốn sách, cũng chẳng hề để dành hàng giờ trong phòng học. Những giờ rảnh rỗi ấy, tôi thường thấy em tôi, từ điểm nhìn sau khung cửa sổ trên tấm phản, vui tươi quanh quẩn trong vườn rau. Có khi thì lo tưới tắm, khi thì chăm chú nhặt từng cọng lá vàng cho gốc cà chua, khi thì lấy rơm kê cho trái bí non mới rụng cuống hoa; lại có khi chỉ ngồi đó, trên gốc sồi giữa vườn cỏ rộng tênh đưa mắt mỉm cười nhìn quanh từng ngọn rau, từng cánh hoa.
Một buổi chiều, khi đó hãy còn là đầu Xuân, lúc mặt trời vừa chín đỏ trên đỉnh ngọn bạch dương ở góc rừng, tôi cũng ngồi sau khung cửa sổ, nhìn xuống vườn rau còn mùi đất mới, thấy em tôi ngồi trầm tư thật lâu trên một phiến đá cạnh cái giàn nhỏ mà năm trước một người em khác của tôi đã trồng su su và bầu. Tôi đã chẳng phải rời khỏi phòng, sẽ vẫn ngồi yên đó để ngắm những khoảnh khắc bình yên của em tôi như mọi khi nếu như khuôn mặt quen thân với đôi mắt xanh trong vắt ấy không mang vẻ hoang mang và kiếm tìm. Ngồi yên, nhìn quanh, rồi đứng dậy lục từng hũ từng bao bì trong cái thùng xốp ở góc vườn; mân mê từng cái gốc bầu khô dưới chân giàn, rồi trở về ngồi nơi phiến đá dáo dác nhìn quanh. Tôi rời phòng, xuống vườn sau và đi ra vườn rau nơi em tôi, khi ấy đang đào bới tìm tòi gì đó nơi mấy gốc su su, gốc bầu khô quắt.
Một nụ cười tươi trên môi, nhưng không đủ vẻ hân hoan và sáng ngời trong mắt như mọi khi. Em tôi vừa chào hỏi và nói chuyện với tôi vừa tiếp tục tìm tòi cái gì đó nơi mấy gốc su su, gốc bầu từ năm ngoái. Mấy vồng đất mới đã xanh chồi non, những bụi rau thơm trong nhà kính cũng đã cho nhiều lá non, cái giàn dưa leo cũng đã có ngọn, những vồng khoai tây đã gieo xong và vẫn còn đợi hơi ấm dưới lớp rơm phủ vàng nâu. Đưa mắt quanh vườn, em tôi chỉ cho tôi những loại rau củ vừa được trồng, vừa được gieo và trong giọng nói đã bắt đầu có chút hân hoan tươi tắn thường ngày. Sau khi đi hết một vòng bằng mắt quanh vườn, em tôi trở lại những cái gốc khô trước mặt và nói với tôi rằng năm ngoái, cũng thời gian này, những ngọn su su và những ngọn bầu đã bắt đầu leo lên giàn rồi, đã hơn tuần nay, em tôi tìm khắp vườn mà chẳng thấy hạt giống nào của những loài cây ấy cả. Em tôi cũng muốn có giàn mướp đắng, có giàn su su và giàn bầu như năm ngoái. Tuy phát âm những chữ đó không rõ lắm, nhưng tình thương cho những giống cây ấy qua giọng nói và ánh mắt em tôi là rất rõ ràng.
Năm ngoái, người làm vườn là một thầy người Việt Nam. Mùa Hè năm ngoái, những cái giàn thấp này được phủ đầy màu xanh của mướp đắng, su su và bầu. Em tôi trồng khoai tây và cà chua rất giỏi, và cũng bắt đầu thương mướp đắng, su su và bầu. Tôi chẳng rành rẽ chuyện vườn tược, kể cả chuyện trồng bầu, trồng su su và trồng mướp đắng. Tuy nhiên, tôi thấy vườn các xóm khác đã bắt đầu trồng xuống những loài cây này vào các hố ủ phân dưới chân giàn rồi. Tôi nói với em tôi thế, và trong đôi mắt màu xanh trong vắt ấy đã lấp lánh phản chiếu niềm vui, niềm vui ấy phảng phất một chút màu nâu nếu như tôi không nhìn lầm.
Ngày hôm sau, tôi được nghe các anh chị em làm vườn của các xóm khác kể lại niềm vui của họ khi họ lấy những cây su su giống, những cây bầu giống và những cây mướp đắng giống cho một thầy người Tây phương.
Cũng sau khung cửa, trên tấm phản gỗ ấy vào một buổi chiều đầu mùa Hè, tôi cũng ngồi đó nhìn xuống vườn, em tôi cũng ngồi trên phiến đá dưới những cái giàn thấp, nhưng chẳng hề có dáng tìm tòi và lo âu nữa mà đôi mắt trong màu xanh ấy đã vui tươi phản chiếu màu xanh của những trái mướp đắng, những trái bầu non, những trái su su non đang treo lủng lẳng trên giàn. Vườn rau là đạo tràng, là nơi tu đạo và cũng là nơi hành đạo của em tôi.
Mấy tuần nay, cũng sau khung cửa sổ trên cái phản gỗ trong phòng, tôi ngồi đó nhìn xuống vườn rau đầu mùa Đông. Những cái giàn trống trơn chỉ còn vài cành khô quắt queo, đám dây bí vàng vọt dập nát sau thu hoạch, những vồng khoai tây chỉ còn cỏ dại, những luống cà chua còn lủng lẳng vài quả hoặc rất non hoặc đã thối và quanh vườn, lá khô phủ vương vãi trên những đám cỏ dại tốt tươi. Người em làm vườn của tôi đã đi tới một trung tâm khác rồi, đã mấy tuần nay cái dáng nâu điềm đạm ấy chẳng còn quanh quẩn trong nhà kính hay những vồng đất nữa. Vườn rau đã bị bỏ hoang gần cả tháng cuối mùa Thu. Tôi vẫn thường ngồi yên nhìn xuống vườn rau và theo dõi từng thay hình đổi dạng của nó, nhưng vì chẳng phải là người làm vườn giỏi, tôi ít khi để ý tới từng giống cây, từng họ quả mà chỉ ngắm nghía khung cảnh chung chung vậy thôi, đơn giản là vì tôi thích cái cảnh ấy. Thế nhưng ngày này qua ngày khác, khung cảnh vườn rau yêu thích của tôi vẫn là cái khô quắt ấy trên giàn, vẫn là cái dập nát ấy nơi đám dây bí và vẫn là cái tươi tắn hớn hở của cỏ dại nơi những vồng cà chua khoai tây. Có thay đổi chăng là cái khô quắt kia trở nên quắt queo hơn, cái dập nát kia có thêm màu vàng vọt và cái tươi vui của cỏ dại trở nên hân hoan, hớn hở hơn.
Một lần, tôi chẳng còn thấy vui khi nhìn mãi xuống vườn rau như mọi khi nữa. Thu chín, cây phong lớn trước cửa phòng tôi đang thay một chiếc áo mới rực rỡ và đã kéo tôi ra khỏi vườn rau héo úa. Ngồi bên cửa sổ, trên cái phản gỗ, tôi nhìn từng chiếc lá hình sao theo điệu hát khe khẽ của gió mà diễn điệu múa trở về. Từng chiếc từng chiếc, từng đám từng đám và rồi cơn mưa lớn hôm qua đã mời được hết những chiếc lá cuối cùng lên chuyến tàu chót mà trở về với Mùa Yên. Chiều nay, khi chút nắng ấm hiếm hoi cuối Thu đang lau khô những cành nâu khẳng khiu ấy, tôi vẫn ngồi bên khung cửa trên tấm phản gỗ, gió mang theo một mùi thơm rất quen thuộc đến cho tôi và khi đưa mắt nhìn theo hướng đến của cái mùi thơm thân quen ấy, tôi thấy một cột khói nhạt đang tung tăng nhảy múa tươi vui giữa bầu xanh và niềm vui. Vâng, một thứ niềm vui nhẹ như cột khói ấy cũng từ lòng tôi thoát ra, và ngay lập tức, cùng nhảy múa hân hoan giữa bầu xanh với cột khói đang bốc lên từ vườn rau ấy.
Một người em khác của tôi, cũng có đôi mắt xanh, trong và sáng như bầu xanh lồng lộng đầy nắng cuối Thu hôm nay, đang nói cười tung tăng trong vườn rau và với vài người cư sĩ nữa, đang gom hết những thứ khô quắt, héo úa và dập nát ấy thành một đống lớn, và từ đó mà những đám khói đã nhảy múa cùng với mùi thơm quen thuộc tới cửa sổ phòng tôi. Không như người em kia của tôi: trầm lặng, kỹ lưỡng và ân cần, người em này của tôi năng nỗ, sinh động và vui tính; trong khi người em kia của tôi chăm chút, tưới tắm, nuôi dưỡng từng cọng lá chồi hoa, thì người em này của tôi cắt, nhổ, đốt bằng hết những “hậu thân” của những cọng lá chồi hoa ấy. Thế nhưng, từ chỗ ngồi của tôi sau cửa sổ, vườn rau bỗng trở nên sinh khí lạ thường.
Trong đám dây bí dập nát ấy, em tôi nhặt được dăm quả còn tươi. Trước khi nhổ hết những bụi cà chua, em tôi đã gom hết quả dù còn non hay đã bắt đầu vữa. Ở cuối vườn, em tôi đã cắt hết cỏ dại và đang lật hết đám đất ấy lên. Chỉ trong một buổi chiều, cái vẻ hoang vu tiêu điều của vườn rau như đã bốc hơi theo đám khói thơm. Vườn rau, sau khi được dọn dẹp sạch sẽ và cày xong đất đã sẵn sàng cho một mùa mới. Em tôi với những người bạn trở lại bên đống lửa đang tàn dần theo hoàng hôn ngắn ngủi của buổi cuối Thu, ngồi đó, trên những khúc củi khô, cười nói và lên kế hoạch cho một vụ mùa khác vào năm tới. Nhìn xuống từ khung cửa sổ, tôi đã thấy màu xanh yêu thương quen thuộc từ đôi mắt phản chiếu những lá bó xôi, những lá cải, những đọt bầu, đọt mướp đang biểu hiện trong ánh mắt tươi vui hồng ánh lửa của em tôi. Vườn rau, dù lúc này chỉ là những đám đất nâu trống trơn, vẫn là đạo tràng của em tôi, là nơi tu đạo và là nơi hành đạo của em tôi.
Mỗi năm, chúng tôi đón hàng ngàn người về Làng tu học. Vào mùa Hè, mỗi tuần có cả ngàn người đến tu học chung với chúng tôi. Những khi ấy, tôi chẳng có cơ hội ngồi yên ở cửa sổ phòng tôi mà nhìn các em tôi làm vườn. Những lúc ấy là lúc chính tôi phải thực tập chuyện làm vườn. Thầy tôi dạy rằng thiền sinh là vườn của chúng tôi. Anh em tôi không phải ai cũng làm vườn rau giỏi như những người em có đôi mắt xanh mà tôi vừa kể, nhưng ai cũng phải học làm vườn, nhất là những khu vườn sinh động đến với chúng tôi hàng ngàn lượt mỗi năm. Chuyện làm vườn của anh em tôi là một quá trình học hỏi cam go tuy cũng có nhiều hoa trái. Mùa này là Mùa Yên, tuy cũng có những “khu vườn” đến tu học chung với chúng tôi và chúng tôi vẫn tiếp tục săn sóc những khu vườn ấy, nhưng mùa này, người làm vườn tận tụy nhất là Thầy của chúng tôi, bởi vì, mùa này là mùa mà Thầy chúng tôi phải nuôi dưỡng và chuẩn bị nhiều nhất cho những người làm vườn con, những sự tiếp nối của mình.
Thầy tôi đã bắt đầu sự nghiệp làm vườn của mình từ rất trẻ. Từ lúc ấy, Thầy tôi thường nói, Thầy đã ước có một khu vườn lý tưởng cho mình. Và Thầy đã thực hiện được điều mong muốn ấy một cách tuyệt hảo. Mới đây thôi, Thầy nói rằng cho đến lúc này, sau 70 năm thực tập làm vườn, Thầy vẫn thấy rất cần nương tựa một mảnh vườn. Có thể mường tượng ra một người làm vườn mà không có một mảnh vườn chăng? Điều Thầy tôi nói thật dễ hiểu làm sao, nhưng nếu đã từng là một người làm vườn, người ta sẽ dễ dàng hơn để hiểu rằng cái điều nghe dễ hiểu ấy mới thực sự khó làm như thế nào!
Vì đã mang ước vọng ấy, mọi công phu của Thầy tôi đều nhắm đến việc rèn luyện mình trở nên một người làm vườn chuyên nghiệp. Thầy thích thú với công việc của một người làm vườn. Thầy cũng an trú trong công việc của một người làm vườn. Thầy yêu thương những mảnh vườn của mình và có hạnh phúc với những mảnh vườn ấy. Những mảnh vườn là đạo tràng của Thầy tôi, là nơi tu đạo và cũng là nơi hành đạo của Thầy tôi. Chúng tôi là đạo tràng của Thầy tôi, chúng tôi là nơi tu đạo và cũng là nơi hành đạo của Thầy tôi.
Nhiều khi tôi tự hỏi mình rằng có phải mình là một góc vườn đẹp của Thầy? Hay mình đang là một luống rau héo úa vàng vọt phải cần Thầy thường xuyên chăm bón. Có khi, tôi phải cẩn thận lắm mới không để cho mình tự biến thành một ổ sâu, có thể lây lan sang các phần vườn khác của Thầy. Lắm khi, nhìn Thầy phải dụng công chăm bón cho nhiều thứ không thuận tiện đang hẹn nhau diễn trò trong vườn, tôi xót xa, nhưng chẳng biết làm gì khác ngoài việc giữ cho cành lá của mình xanh tươi mạnh khỏe để Thầy bớt phải lo phần mình. Từ chỗ ngồi sau khung cửa sổ phòng mình, tôi có thể nhìn thấy hết việc làm vườn của các em tôi. Nhưng từ góc nhìn hẹp tối của tâm mình, khó khăn lắm tôi mới nhìn được một chút nhỏ bé việc làm vườn của Thầy tôi. Và từ việc làm của Thầy tôi, không biết tự lúc nào, tôi đã bắt đầu thấy cái ước vọng lúc trẻ của Thầy tôi mỉm cười trong lòng tôi, và tôi bắt đầu thấy được nhiều hơn sự cao quý của nó.
Nhưng việc làm vườn không phải luôn luôn suông sẻ. Thầy tôi thường bảo khi rau cải trong vườn không được tươi thì đừng đổ lỗi cho rau cải, đó chính là trách nhiệm của người làm vườn. Đó là Thầy tôi, luôn có trách nhiệm và hết lòng trong phần việc của mình. Nếu như anh chị em rau cải chúng tôi luôn hợp tác tốt với người làm vườn thì sẽ bớt cho Thầy tôi được rất nhiều công sức. Thầy tôi hiểu rõ từng loại hoa quả trong vườn mình và luôn luôn hết lòng săn sóc chúng tôi. Như tôi đã nói, Thầy tôi luôn nhận trách nhiệm về mình khi trong vườn có cọng rau, ngọn cải nào không được tươi tốt. Thế nhưng những khó khăn của Thầy tôi không phải biểu hiện từ việc không tươi tốt của những cọng rau ngọn cải.
Có lần, mấy quả mướp đắng trong vườn không chịu lớn nữa, không chịu tiếp tục chín nữa. Lý do bởi vì chúng muốn mình là dưa leo như những quả tươi xanh phẳng phiu ở giàn bên cạnh. Làm sao mà một quả mướp đắng lại có thể trở thành một trái dưa leo? Thầy tôi phải mất biết bao công sức để chuyển hóa cái tưởng ấy của người anh em mướp đắng của tôi. Và thường thì Thầy tôi sẽ cho trái mướp đắng thấy được hết cái đẹp cái hay của mình để rồi chúng tiếp tục lớn lên, tiếp tục chín mà chẳng còn chật vật với ý tưởng trở thành một quả dưa leo nữa. Nhưng đôi khi tôi cũng thấy Thầy tôi buồn khi phải nhìn một vài trái mướp đắng ấy héo đi rồi rụng xuống khỏi giàn.
Cũng có lần Thầy tôi phải ngồi hàng giờ cạnh một bụi ớt tươi tốt để truyền thông với những quả ớt tí hon ấy, chỉ với mục đích để chúng hiểu rằng ớt là cay. Tôi chẳng hề thấy các em tôi phải làm thế với đám bí hay đám khoai tây của mình bao giờ. Nhưng Thầy tôi thì thường phải làm thế, và đó là một việc rất mất công. Bụi ớt anh em kia của tôi tuy tươi tốt, nhưng phàn nàn, rằng tại sao chúng không hút được những tinh chất thơm tho của đất trời như những bụi rau húng của vồng bên cạnh mà chỉ toàn là vị cay xè, ít người ưa. Làm như rằng chuyện quả ớt cay là do Thầy tôi tự ý gây ra. Nhìn Thầy tôi với đầy yêu thương kiên nhẫn, tháo gỡ từng nút thắt trong cái vọng tưởng của bụi ớt, tôi thấy thương Thầy lạ lùng. Thế đấy, tuy là cùng uống nước cả, tuy là cùng thở khí trời cả và tuy là rễ hút chất trong cùng một mảnh đất nhưng từng loài rau quả lại thu nhận những thứ chất liệu khác nhau, sử dụng chúng khác nhau và cuối cùng biểu hiện ra những thứ hoa trái khác nhau. Thầy tôi biết tường tận từng loại hạt giống và cũng hiểu tường tận hoa trái của những loại hạt giống ấy với những điều kiện biểu hiện của chúng. Bụi ớt anh em của tôi cuối cùng cũng nhận ra gia tài đích thực của mình và chiều hôm qua đã biểu hiện thành niềm hạnh phúc trong những tô phở của anh em tôi.
Lắm khi, Thầy tôi biết rõ là sẽ khiến cho chúng tôi chẳng vui, chẳng hoan hỷ nhưng Người cũng phải làm điều Người cần làm. Mới đây thôi, khi những gốc bí bắt đầu mạnh và những ngọn bí xanh tươi vươn ra bốn phía, chúng bò lan cả sang luống cà và còn muốn níu kéo cả những đám dâu rừng đầy gai. Thầy tôi phải dứt khoát tháo những ngọn bí với tua tủa những chiếc vòi lò xo ra khỏi những đọt cà chua hãy còn chưa có hoa rồi hướng chúng quay trở vào vườn bí. Còn những ngọn bí bò quá xa, muốn gia nhập hội của những đám dâu rừng đầy gai ấy cũng được Thầy tôi dứt khoát kéo về. Có mấy ngọn đã bám quá chặt những chiếc vòi lò xo của mình vào những cành đầy gai, Thầy tôi phải đành lòng cắt bỏ chúng. Cũng có mấy đọt bí dại dột bò ra hướng lối đi, đã mấy lần được Thầy tôi kéo về hướng khác nhưng chúng vẫn cứ một mực quay ra hướng cũ, lại “khéo léo” núp dưới những đám cỏ làm Thầy tôi chẳng thấy chúng được. Chỉ sau một vài hôm, chúng dập nát dưới những gót giày. Dù vậy, Thầy tôi vẫn phải tiếp tục công việc của mình và nhờ thế, cuối cùng bí đã được thu hoạch. Mùa này, anh em chúng tôi chẳng có ngày nào là không được ăn một món bí.
Thầy tôi chưa từng từ chối một mảnh vườn nào. Chỉ cần mảnh vườn ấy chịu để cho Thầy tôi cày xới, gieo giống, vun bón và tưới tẩm thì thế nào hoa trái cũng biểu hiện trên mảnh vườn ấy; chỉ cần những rau cải hoa màu trên những mảnh vườn ấy không từ chối ánh sáng, không từ chối nước và sự săn sóc của Thầy tôi thì thế nào chúng cũng được lớn lên tươi tốt. Thầy tôi có niềm tin rất lớn vào đất, vào nắng, vào nước, vào hạt giống… và quan trọng hơn cả là rất tự tin vào khả năng chăm bón tưới tẩm của mình. Nhưng mọi việc sẽ dễ dàng biết mấy cho Thầy tôi nếu như anh em tôi cũng có được những đức tính của mảnh vườn nhỏ mà tôi thường ngồi nhìn các em tôi săn sóc. Bởi vì đất tâm của chúng tôi rất khác nhau cho nên Thầy tôi có khi phải đợi mười năm hoặc hơn thế nữa cho một hạt giống nảy mầm nơi mảnh đất này, trong khi trên một mảnh đất khác, hạt giống ấy nảy mầm chỉ sau thời gian một bài thiền ca; có khi Thầy tôi phải gieo cùng một hạt giống ấy rất nhiều lần cho một mảnh đất nọ mà lần nào mảnh đất ấy cũng làm cho hạt giống kia thối đi, nhưng trên mảnh đất khác thì chỉ cần một lần gieo, hạt giống ấy liền nảy mầm và lớn lên tươi tốt. Nhưng dù cho đó là một mảnh đất như thế nào thì Thầy tôi vẫn có khả năng làm cho hoa trái biểu hiện được trên mảnh đất ấy.
Có thật nhiều chuyện để kể về việc làm vườn của Thầy tôi, nhưng tôi chẳng thể kể hết được. Tuy nhiên, có một điều tôi không thể không nhớ khi học làm vườn, điều này Thầy tôi thường dạy chúng tôi, đó là đừng bao giờ cho rằng mình đã là một người làm vườn thành công rồi, và đừng bao giờ lìa bỏ mảnh vườn của mình.
Tôi là một góc vườn của Thầy tôi, nhưng tôi cũng là một người đang học làm vườn và tôi cũng đang có những mảnh vườn để thực tập. Tăng thân tôi là mảnh vườn lớn và tôi, vừa thuộc về mảnh vườn ấy mà cũng vừa là người làm vườn. Thầy tôi, đã gần 90 tuổi và đã làm vườn trong 70 năm mà vẫn luôn thấy rằng mình cần một mảnh vườn. Nếu thế thì Thầy tôi vừa là người làm vườn, việc làm vườn là việc của Thầy tôi và Thầy tôi cũng là một mảnh vườn. Chúng tôi thuộc về mảnh vườn ấy, và đó là một mảnh vườn tuyệt hảo. Cho dù Thầy tôi không cho rằng mình là một người làm vườn thành công thì ai cũng biết rằng vườn của Thầy tôi là một mảnh vườn tuyệt hảo. Và ai ai cũng thấy được rằng dù đã gần 90 tuổi, Thầy tôi vẫn còn là một người làm vườn rất tận tụy.
Từ chỗ ngồi sau cửa sổ trên tấm phản gỗ, tôi thích nhìn xuống vườn rau, nơi các em tôi đang hành đạo. Từ góc vườn của mình, tôi nhìn khắp mảnh vườn, tôi thấy Thầy tôi vẫn đang làm vườn. Các em tôi, những người làm vườn có hạnh phúc. Thầy tôi, người làm vườn tận tụy.
(Hình ảnh: Sư Ông Làng Mai trồng cây tại đất mới – Thái Lan, năm 2011)