Ngồi yên dưới mái nhà

Sư cô Duyệt Nghiêm

…nhiều đêm muốn đi về con phố xa

nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà…(*)

Ngồi yên dưới mái nhà.1Tôi nhớ, ngày trước tôi thường hay lẩm nhẩm hát những lời này khi các bước chân một mình đã bắt đầu thấm mỏi và tâm tư bắt đầu hoang mang trên một đường phố xa hun hút nào đó. Hát một cách vô thức như những lời hát đã nằm sẵn ở đầu môi mà không cần phải nhớ lại lời bài hát và không cần ý thức rõ thêm về cái thân thế nhỏ bé, mông lung của mình đang như một hạt cát giữa bao la. Có lẽ, từ đâu đó trong sâu thẳm, một bản năng “đi” cùng một nỗi cô liêu và trống trải của thân phận con người vẫn luôn hiện diện, cho nên một ước muốn “quay về” cũng luôn hiện diện.

Bây giờ, ngồi đây nghĩ về “mái nhà”, tự nhiên tôi thấy cái khái niệm này ngày càng lớn rộng ra, vô định không chừng mà cũng nhẹ nhàng và tự do hơn nhiều lắm.

Tôi nhớ, hồi xưa khi đi học xa nhà, có nhiều khi mỏi mệt và buồn tủi, tôi hay ước ao được về nhà, nằm ở cái góc nhà của mình, nơi mà dường như mình đã sống từ lâu lắm, nơi có ba má, anh chị và mọi thứ tiện nghi mà mình đã quá quen thuộc… Lúc đó, tôi có cảm tưởng mình chỉ cần về nằm im ở đó, thở, và ngủ một giấc, không cần ai hỏi han, chăm sóc hay làm gì cho thì tôi cũng đã thấy đủ, thấy khỏe lắm rồi. Nhưng khi đó tôi đi học xa lắm, cái ước mơ đơn giản đó dường như là một điều không thể. Cho nên tôi chỉ có thể nằm yên ở cái góc phòng cô liêu xa nhà của mình. Và “về nhà” đôi lúc cháy lên như một niềm ước ao sâu sắc trong tâm thức.

Và rồi, có những ngày, tôi ném những ngày trống trải của mình vào những chuyến đi. Tôi đi chơi nơi này, nơi khác xen với những ngày đi học và làm việc bận rộn. Thời gian của tôi đầy kín và đầu óc của tôi cũng đầy kín những dự định, kế hoạch cùng những tâm tư tình cảm… Tôi cứ đi như vậy, như thể tuổi trẻ là để dành cho tôi đi và làm những điều đó. Cái ước muốn về nằm trong góc phòng của căn nhà tuổi nhỏ phai lạt dần. Nhưng… trời cao, đất rộng… bất chợt đôi khi, trên một con đường nào đó, tôi thấy thương đôi chân và đôi giày của mình nhiều lắm. Dần dần, sau những chuyến đi hay những ngày dài bên ngoài, tra chìa khóa vào ổ và mở cửa căn phòng quen thuộc của mình, tôi có một cảm thức quen thuộc là để hết những ưu tư, buồn phiền lại ngoài cánh cửa đó. Đóng cửa lại, căn phòng trở thành một cõi yên ổn và bình dị của riêng tôi. Và từ một lúc nào đó, căn phòng trở thành “mái nhà” của tôi. Dù tôi không còn cần phải “về nhà đúng giờ” như khi còn là một đứa con ngoan ngoãn nữa, nhưng đi đâu lâu xa là tôi lại nhớ đến và thấy cần trở về đó, để tìm lại sự bình an kín đáo cho mình.

Vậy nên, “mái nhà” hay “quê hương” dần trở thành những khái niệm. Đó không hẳn là một nơi chốn địa lý nữa. Khi ta gọi một nơi là “nhà” không phải dựa trên thời gian đủ dài hay sự yên ấm mà mình đã trải qua ở đó mà là sự gắn bó, chở che và là một nơi tựa như suối nguồn bình an để mình có thể quay về trú ẩn trong những tháng ngày gió mưa, đông giá của trời đất hay của tâm hồn. Có lần tôi nghe Sư Ông nói về quê hương là hành tinh này, là trái đất này mà tôi thấy mông lung và mơ hồ quá. Tôi rất kính thương đất nước mà mình sinh ra và lớn lên với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm, cho dù trong đó vẫn còn biết bao nhiêu ngổn ngang, nhọc nhằn, bức xúc. Nhưng rồi dần dần tôi cũng hiểu ra là không phải tôi nhận nơi này là quê hương thì nơi kia không còn là quê hương nữa. Từ những nẻo đi về của tâm thức, những biên giới ngày càng nới rộng ra hơn, để tôi biết yêu thêm và biết ơn thêm những nơi chốn địa lý hay những cõi tâm linh mà tôi đã thấy ra để lần lối trở về.

Bây giờ tôi ngồi đây, dưới “mái nhà” này. Tôi thương quý nơi này nhiều lắm. Tôi không còn nghĩ đến chuyện phải đi đâu để lấp đầy những khoảng trống thời gian hay những khoảng trống trong lòng mình nữa. Nơi này đang dung dưỡng tôi với đầy đủ mọi ý nghĩa của một mái nhà, từ vật chất đến tinh thần, từ nơi ăn, chỗ ngủ đến những không gian để chạy nhảy, vui chơi hay đến cả những góc yên vắng để tôi ngồi với tôi. Đôi khi tôi nghĩ, nếu có đi xa, hay nhắm mắt lại, tôi sẽ vẫn nghe thấy hoài cái khung cảnh thấm đượm bình an và ấm áp đó… “Thoang thoảng hương trầm dưới mái nhà thầm lặng. Tình chị tình em tròn vẹn tấm lòng…” Có những ngày nắng đẹp, tôi thấy mình như con nai, con thỏ chạy nhảy trên những cánh đồng, trong những vạt rừng, hoặc những đêm sáng trăng nhẩn nha dạo bước, tắm gội trong cái tịch mịch, trong trẻo không cùng của trời đất.

Ở đây, có những buổi chiều hoàng hôn rất tím. Mây giăng xa xa, từ xóm nhỏ nhìn ra vạt rừng xung quanh, tôi thấy như có những dãy núi chập chùng đâu đó. Cho nên đôi khi nỗi nhớ núi trong tôi chợt dâng đầy. Không hiểu vì sao, những ngọn núi vẫn luôn là một nỗi nhớ nhung và ám ảnh trong tôi. Tôi thèm cái bao la ngút ngàn, chênh vênh và tự tại ở núi vô cùng. Có lẽ, núi cũng đã từng là một quê hương xa xưa nào đó của tôi. Mà bây giờ đây, tôi đang ở phía “đồng bằng”, ngày ngày rảo bước ngang qua những cánh đồng, và một chút dốc đồi. Tôi không biết tôi có sẽ đi về phía núi không nữa? Chỉ biết bây giờ bàn chân tôi đang chấm trên mặt đất này và tôi vẫn ngồi trong một góc nhỏ ở miền quê hiền lành, yên ắng này. Tôi nhớ hình ảnh Thầy dấn từng bước chân trong một lần thiền hành qua đồi Xóm Thượng. Những lần khác, Thầy đi rất nhẹ nhàng, thong thả, như mây trôi, gió thoảng vậy. Mà lần đó, mỗi bước đi là Thầy lại nhấn nhấn thêm cho hằn dấu. Tôi chợt nhận ra, nhớ ra, là tôi đang đi cùng Thầy và có Thầy trong mỗi bước chân, trên mỗi lối đi. Tôi biết ra rằng tôi có đi đâu cũng không đi ra khỏi Thầy. Tôi non dại quá. Mà tôi lại đang hạnh phúc thêm. Tôi đang có Thầy là quê hương và mỗi mỗi thứ mà Thầy tạo ra là một dấu ấn đang truyền trao, là một nơi chốn đi về của tôi.

Hôm nay đại chúng đã ngồi yên bên cạnh Thầy và tám vị Bụt tại đồi Xóm Thượng giữa buổi đi thiền hành. Tôi nghe tiếng chuông vang lên, len qua những cành lá, ngọn cây và mỏng dần, mỏng dần để tỏa ra mọi hướng và thấm vào không gian, cho đến khi tôi chỉ còn “thấy” tiếng chuông ở tận ngọn đồi bên kia. Sự sống đẹp quá. Sự sống đang dàn trải không cùng. Mỗi phút giây ta có mặt cho sự sống thì sự sống cũng có mặt đó cho ta. Vậy mà sao ta vẫn hoài là đứa con lưu lạc và nghèo xơ nghèo xác của cuộc đời? Lạ quá!

Thế nên, quê hương là mỗi lần quay về như vậy đó. Quê hương là sự trở về mà quê hương cũng là từng bước chân, từng hơi thở, từng tiếng chuông, từng chiếc lá… Đôi khi không thể và không muốn đi đâu nữa, cũng không thể làm gì, tôi trở về với mình qua từng hơi thở. Những lúc đó, tôi hay cố gắng thở vào thật sâu, thở ra thật dài, vài ba lần thôi. Tôi có cảm tưởng như là thở càng sâu thì tôi về với mình càng gần thêm, cứ như là tôi đã bỏ tôi mà đi đâu lâu lắm rồi vậy. Và tôi buông bỏ hết mọi thứ xung quanh, buông bỏ cả chính mình. Giống như tôi không còn gì quan trọng trên đời hơn là cái hơi thở đó vậy. Lồng ngực tôi căng đầy, cơ thể tôi được nhận một luồng không khí mới, sạch và lọc bỏ đi những thứ cặn bã, bụi bặm. Và rồi sau đó, tôi thở bình thường trở lại, thiết lập mối quan hệ với mọi thứ như bình thường. Nhiều lần như vậy, tôi thấy rằng tôi có một nơi nương náu rất gần và rất thật của riêng tôi. Bất cứ ở đâu, khi nào tôi cũng có thể tìm về đó được.

Ấy vậy mà có nhiều lần tôi cũng quên. Tôi quên cả những hơi thở của mình. Có lẽ vì sự thực tập đôi khi cần phải tinh nhạy, khéo léo mà tôi thì không đủ kiên tâm và miên mật. Hoặc có nhiều khi không thể thở nổi nữa. Lại có khi tôi quên mất mình vì những tập khí dày sâu và vụng dại. Tôi đã có nhiều may mắn để đến với cuộc sống xuất gia và tôi rất trân quý đời sống tu tập này, nhưng tôi cũng thấy những yếu đuối và bất toàn trong con người mình. Có những ngày, tôi chỉ còn biết đi lên thiền đường để ngồi yên, tụng kinh, lạy Bụt và một lòng hướng tâm về Tam Bảo. Tôi biết Tam Bảo mới là quê hương đích thực của tôi, của mỗi người xuất gia. Có một vị Bụt và muôn ngàn vị Bụt đang có đó cho tôi, tĩnh lặng, mơ hồ mà cũng rất thật, uy hùng và vững chãi. Đôi khi, tôi nghĩ về Bụt của 2600 năm về trước, một con người bình thường như bao con người khác mà ý chí dũng mãnh xuất chúng và trí tuệ, từ bi thấm đẫm cả không gian và thời gian. Nhiều khi, tôi lạy xuống trước một vị Bụt cao cả, thiêng liêng và ngập tràn hồn phách trên bệ thờ của thiền đường khói nhang ấm áp. Hoặc có khi, tôi thấy có rất nhiều muôn vị Bụt đang ở quanh tôi mà tôi đang khẩn cầu quý Ngài từ bi nâng đỡ, bảo hộ và chỉ lối cho tôi. Những khi đó, tôi cũng trở về với Bụt trong tôi, trong trái tim, khối óc, trong từng dòng tâm thức và trong từng tế bào cơ thể tôi. Bụt trong tôi là những hạt giống trong sạch, an lành, độ lượng, thương yêu. Bụt trong tôi đang thực tập trì giới, đang học khiêm cung, buông xả… Trước Bụt, tôi buông bỏ hết tất cả những buồn phiền, khó khăn, bất nhẫn… Tôi như một đứa con bé nhỏ trở về, mang đâu đó trong người những thương tích và không biết bao nhiêu dòng sinh mạng đã từng nhiều kiếp nổi chìm, bấp bênh. Đứa con đó đang thành tâm một niềm khát khao chuyển hóa và giải thoát. Ngày ngày, tôi đang rũ dần bụi bặm đã bám lên người mình, đã chảy trong huyết quản mình từ đời này sang kiếp khác.

Tôi cũng đang nhận diện những vị Bụt quanh tôi, rất gần và thật mỗi ngày trong cuộc sống của tôi. Có những vị Bụt còn nhỏ, có những vị Bụt lớn hơn. Mỗi vị Bụt đó đang mang trong mình một trái tim, một đôi mắt thương yêu và cảm thông, một tấm lòng phụng sự, một đôi tai lắng nghe, một bàn tay để dắt người qua cơn khốn khó… Tôi đang học cúi xuống trước những vị Bụt đó để Bụt trong tôi được lớn hơn thêm. Những khi đắp y, cúi đầu đọc thầm bài kệ: “Đẹp thay áo giải thoát. Áo ruộng phước nhiệm mầu. Con cúi đầu tiếp nhận. Đời đời nguyện mang theo” là tôi lại liên tưởng đến những bóng dáng áo vàng của tăng đoàn Bụt đang đi trên con đường lịch sử suốt gần 2600 năm. Thật đẹp! Tôi ưa mấy câu thơ này lắm: “Sa môn giữa rộn ràng phố chợ. Áo vàng trầm khuất nẻo phồn hoa. Tinh châu mấy giọt ngời cam lộ. Trong mắt người ánh mắt thiết tha…”(**) Tôi thấy Bụt đang dẫn đầu những con người lặng lẽ, kham nhẫn mà rất nhiều bình an và từ bi đó. Tôi cũng thấy mình trong đoàn người này, cũng đã lặng yên và đi dọc dài qua suốt bao nhiêu năm tháng. Những bước chân đi xuyên qua thời gian, qua không gian, không cần ai xôn xao biết đến, duy có một điều rõ ràng là mỗi người và đoàn người đó đang đi về lại phía cội nguồn nguyên sơ sâu thẳm, chân thật, hiền lành và đẹp đẽ nhất của chính mình…

Tôi cũng đang tìm về nơi cội nguồn đó. Ngày ngày, nơi đây, tôi vẫn đang học trở về. Trở về với tôi, trở về với Bụt, trở về với đời sống thênh thang và độ lượng. Tôi vẫn còn đang ở lớp vỡ lòng về bài học thương yêu và hiểu biết, con đường của tôi vẫn còn đang lần hồi, khúc khuỷu, chông chênh. Nhưng tôi vẫn hằng nguyện…  tôi sẽ luôn có đó cho tôi, cho tròn thêm từng bước chân, từng hơi thở. Tôi cũng nguyện nhớ quay về với Bụt, có Bụt trong mỗi giây phút, trong từng hơi thở, lời nói, cái nhìn… Tôi biết cái hạt giống “đi” hay ruổi rong của mình còn nhiều lắm. Nhưng có lẽ, ‘đi’ cũng có thể là ‘trở về’. Tôi nghĩ một khi tôi còn những hơi thở này và một khi mà Bụt còn đó trong mỗi hơi thở của tôi thì tôi sẽ không lầm đường, lạc lối.

Cơn mưa tuyết đầu tiên của mùa đông đã rơi. Tôi muốn đốt lên một bếp lửa, lùi vào đó mấy củ khoai và pha một bình trà. Mọi người sẽ về ngồi quây quần bên bếp lửa hồng ấm áp, hơ tay, uống trà và ngắm tuyết. May mắn lắm thay, còn có một mái nhà như vậy để tôi ngồi yên.

—————-

(*) “Lời thiên thu gọi” – nhạc TCS

(**) “Sa môn” – Thơ Phan Thịnh