Mùa yên
Tôi vừa cùng sư em tôi trồng những củ thủy tiên quanh cái bệ đá dưới gốc phong cổ thụ. Những củ hoa này sẽ ở yên đó trong suốt ba tháng tới, và khi nắng bắt đầu sưởi ấm thảm lá mục, mà giờ đây hãy còn vàng tươi đang đùa vui với gió, chúng sẽ biểu hiện thành những bông hoa vàng xinh đẹp. Đã nhiều năm nay, mùa Xuân nào chúng tôi cũng tiếc là tại sao trước mùa Đông đã không trồng một ít củ hoa quanh tượng Bụt dưới cội phong già này. Chỉ cần ở yên ba tháng thôi và cho dù là phải ở trong cái lạnh khắc nghiệt của mùa Đông, tôi tin là mùa Xuân tới những củ hoa ấy sẽ làm cho anh em tôi chẳng còn ai phải tiếc nữa.
Anh em tôi cũng đã bắt đầu ở yên. Mùa an cư đã bắt đầu được ba ngày rồi. Chiều nay trong giờ thiền ngồi, khi chuông vừa xả thiền, tôi bỗng nhận ra rằng hiếm có khi nào thiền đường Thánh Mẫu Ma Gia này lại đông anh em như thế. Tôi vừa xoa bóp hai chân và cùng lúc ấy, thấy lòng dâng lên một niềm vui mà trong suốt những vòng kinh hành sau đó, niềm vui ấy đã in dấu thật rõ ràng trong từng bước chân của tôi.
Mùa này anh em chúng tôi ở yên trong tu viện, không cần phải đi đâu cả dù là để hướng dẫn khóa tu; mùa này mỗi anh em chúng tôi đều sẵn sàng để ở yên mà không có ai cần phải phân tâm cho một dự án nào ngoài tu viện cả; mùa này chương trình tu học hàng ngày của đại chúng cũng yên và ổn định hơn. Những cái yên đó gặp nhau làm biểu hiện ra một cái yên rất hùng tráng. Tôi may mắn đã tiếp xúc được với cái yên ấy. Cho nên tôi nghĩ, có nên gọi mùa này là Mùa Yên?
Mùa Yên thật đấy chứ. Mùa Yên về sau những chuyến đi dài của các anh chị em tôi, những sự tiếp nối đẹp đẽ của Thầy tôi, những người đã và đang mang giống Pháp đi khắp nơi trên thế giới. Thân tăng là một biểu hiện rất mầu nhiệm. Thân ấy đã gửi một hóa thân của mình đi về Ấn Độ, lại còn gửi một hóa thân khác đi sang Canada; cùng lúc ấy một hóa thân khác lại được gửi đi tận châu Đại Dương và còn một hóa thân khác được gửi đi Anh quốc nữa. Những hóa thân ấy của thân tăng chẳng phải là những cá nhân, mà mỗi một hóa thân cũng là một thân tăng, chỉ là bé hơn mà thôi. Kinh Pháp Hoa nói rằng Bụt Thích Ca đã gọi về hết những hóa thân của Ngài trước giây phút linh thiêng Ngài mở cửa tháp báu. Thân tăng của tôi cũng vậy, cũng đã gọi về hết những hóa thân của mình trước Mùa Yên. Thân tăng không nói kinh Pháp Hoa theo cách của Bụt Thích Ca, thân tăng nói kinh ấy bằng sự biểu hiện của cái yên hùng tráng trong giờ thiền ngồi, trong giờ ăn, trong lúc uống trà, trong lúc đi thiền và cả trong những lúc vui chơi nữa.
Mùa Yên bắt đầu cùng lúc với mùa Thu đang chín. Ngày bắt đầu Mùa Yên là một ngày nắng ấm, ngày ấy, mùa Thu cũng rất yên. Chữ thu trong mùa Thu có nghĩa đen là lúa đã chín vàng. Nhưng thu cũng có một chữ đồng âm khác có nghĩa là rút về. Tôi thích cả hai nghĩa, đặc biệt là nghĩa sau: rút về. Chẳng phải là các hóa thân của thân tăng đã rút về hết đó sao? Rút về để được nuôi dưỡng và ôm ấp trong cái yên hùng tráng ấy, cũng như ngàn cây, rút hết sức sống về cội để sẵn sàng cho một mùa Tuôn Dậy sẽ đến. Mùa Yên, vì vậy cũng còn là Mùa Về.
Một người bạn của tôi thích gọi mùa này là Mùa Buông bởi vì mùa này ngàn cây đều buông hết những sắc màu và dáng dấp đẹp đẽ của mình, như rừng sồi đỏ, như rừng bạch dương… đều đã buông hết lá. Nhiều năm trước đây, thân tăng tôi cũng thực tập buông như thế. Cứ trước mỗi Mùa Yên, một cái thùng lớn sẽ được đặt ở tăng xá với ba chữ lớn: Thùng Buông Bỏ. Nếu như mình có một vài đĩa nhạc và mình nghĩ là chẳng cần thiết lắm trong Mùa Yên này, mình sẽ buông cho cái thùng ấy giữ. Nếu như mình có vài cuốn tiểu thuyết hay sách nghiên cứu mà mình thấy là có thể sẽ làm ảnh hưởng đến phẩm chất yên của mình trong mùa tới thì mình cũng có thể nhờ thùng buông bỏ ấy giữ giùm cho mình. Và cứ thế, hễ có gì có thể ảnh hưởng đến Mùa Yên là đều cần được buông. Vì thế, tôi rất thích chữ Buông của bạn tôi, tôi sẽ không chỉ gọi Mùa Yên là Mùa Về mà còn gọi là Mùa Buông nữa.
Chiều nay, tôi đã rất vui vì thấy anh em tôi ngồi trong thiền đường rất đông, đông hơn những mùa khác. Tôi bỗng thấy biết ơn Mùa Yên, bởi vì nếu không nhờ Mùa Yên thì anh em tôi sẽ không đông đủ như thế. Thiền đường Thánh Mẫu Ma Gia có những lúc chỉ có ba hay bốn anh em tôi ngồi thiền. Không phải vì có người bỏ thời khóa, mà vì anh em tôi quá ít. Vì vậy, khi thấy thiền đường có nhiều hơn những dáng áo nâu, tôi đã không thể không hạnh phúc. Mùa Yên thì anh em tôi được sum vầy đông đủ vui vẻ thế đấy. Cho nên nếu tôi gọi mùa này là Mùa Đông thì hề chi? Đông theo đúng nghĩa đen của nó là đông đúc, là sum vầy. Thì mùa này là mùa Đông, hoặc chí ít cũng là đang rất gần mùa Đông. Nhưng nếu như thân tăng tôi không chọn mùa này làm Mùa Yên thì chắc chắn tôi sẽ không thể nào được phép gọi mùa này là Mùa Đông được. Mùa Đông, tiếng đáp danh hiệu Bụt Thích Ca trước mỗi giờ thiền tọa trở nên hùng tráng biết mấy, tiếng triều của những buổi tụng kinh trước pháp thoại cũng trở nên uy nghiêm biết mấy… và thân tăng sẽ càng vui tươi và tràn đầy sức sống.
Cội phong già trước sân đang buông dần muôn vạn bàn tay màu vàng tươi đẹp của mình xuống thảm cỏ xanh. Mỗi cơn gió đi qua là một lần những bàn tay ấy từ trên cành thực hiện một điệu múa như một nghi lễ trang nghiêm mà vui tươi trước khi nằm yên cạnh những người anh em của mình. Cội phong già đang thu hết sức sống của mình về cái thân hùng vĩ, những chiếc lá cũng theo tiếng gọi ấy mà buông hết những sắc màu dáng dấp mà tìm đường trở về hội họp với sức sống bền bỉ của những chiếc rễ cây đang đợi chờ dưới lòng đất.
Tượng Bụt bằng đá ngồi dưới cội phong đang mỉm cười. Nắng gọi những sắc màu phô diễn trên những tán cây, nắng thắp sáng thảm lá vàng quanh gốc phong cổ thụ làm cho nụ cười ấy như vừa thoát khỏi bức tượng và đang tung tăng cùng muôn vàn chiếc lá đang gọi nhau về.
Tôi mỉm cười nhìn cái thảm lá đang che phủ những củ thủy tiên chúng tôi vừa trồng. Những củ hoa ấy đang thu hết sức sống về nội thể; đã buông bỏ hết những cành lá, sắc màu, dáng dấp và sẽ ở yên trong suốt ba tháng mùa Đông. Mùa Yên là thời gian chuẩn bị của những củ hoa ấy, để cuối mùa, chúng sẽ bật dậy khỏi lòng đất mà biểu hiện thành những đóa vàng tinh khôi xinh đẹp. Mùa Yên của chúng tôi cũng mới vừa bắt đầu, tôi tự hỏi mình rằng liệu mình đã thu hết sức sống về nội uẩn hay chưa; tôi tự hỏi mình rằng liệu mình đã buông bỏ được chút nào những gì cần buông hay chưa; và tôi cũng tự hỏi mình rằng liệu tôi có thể như những đóa thủy tiên, không ngừng âm thầm hấp thụ sức sống của đất trời để có thể biểu hiện thành những đóa hạnh phúc tinh khôi khi Mùa Yên chấm dứt?
Tượng Bụt rêu phong bỗng nhìn tôi mỉm cười. Tôi đón nụ cười ấy khi lòng vừa mở. Và câu trả lời cho những thắc mắc của tôi biểu hiện qua tiếng gió hát thì thầm trong thảm lá vàng ngập nắng nói rằng tôi có thể làm được, và còn có thể làm hay hơn cả những củ hoa thủy tiên tôi vừa trồng chiều nay. Vì rằng những củ hoa ấy phải đợi đến hết Mùa Yên rồi mới có thể biểu hiện thành những đóa hoa vàng tươi xinh đẹp, còn tôi, nếu tôi biết về, biết buông cho giỏi thì chẳng những là tôi có thể làm biểu hiện những đóa hạnh phúc bình an tinh khôi sau Mùa Yên mà tôi còn có thể làm cho những đóa bình yên hạnh phúc ấy biểu hiện ngay lập tức trong từng giây từng phút của Mùa Yên.
Thân tăng tôi đã gọi về hết những hóa thân của mình trước Mùa Yên. Và cũng như Bụt Thích Ca, thân tăng tôi đã nói kinh Pháp Hoa trong giờ phút linh thiêng ấy: Mùa Yên đến rồi, về đi, buông đi để có thể gieo trồng và nuôi dưỡng những đóa bình an hạnh phúc trong từng giây từng phút.
Thầy Trung Hải
Bài viết này đã được đăng trên Lá Thư Làng Mai số 36, ra ngày 10.02.2013.