Tiếng gọi của thơ

Tôi biết được Hoàng Cầm là một nhà thơ lớn là nhờ Thầy cho chúng tôi đọc và giảng cho chúng tôi về tập thơ Tiếng hát Quan họ của thi sĩ.

Hôm đó tại Bruxelles, thủ đô nước Bỉ, thầy trò đi mua được một số sách của các nhà văn và học giả miền Nam và một tập thơ của Hoàng Cầm, tập Tiếng hát Quan họ. Cùng với tập thơ Tiếng hát Quan họ, chúng tôi còn mua được một tập Tranh Đông Hồ với những bức tranh dân gian truyền thống như Hái dừa, Đánh ghen, Đám cưới vhuột. Qua tranh Đông Hồ, tôi thoáng thấy được nụ cười sống động của người dân quê miền Bắc đất nước. Nhưng phải nhờ đọc Tiếng hát Quan họ, xem Tranh Đông Hồ và nghe Thầy giảng thơ, bình ca dao Việt Nam thì tôi mới thấy được giá trị của nền văn học dân gian qua ca dao, dân ca và tranh dân gian thân thương gần gũi.

Tập thơ quá hay, độc giả đọc qua sẽ thấy ngay ngụ ý của thi sĩ: Dù thời nào – thời phong kiến hay thời đại mới – thì cũng có những người khắt khe, bắt bẻ những trái tim thơ ngây, ép buộc những tâm hồn phong phú nghệ thuật vào khung giáo điều, đạo đức. Khuôn phép càng nhiều càng giết chết sự sống thơ ngây phong phú của thi ca và nghệ thuật. Nếu cụ lý trưởng thời phong kiến cấm trai gái yêu đương thì cụ “lý trưởng” đời nay cũng giết chết nghệ thuật văn chương thi ca bằng những giáo điều như vậy.

Sau đó tôi được đọc bài thơ Em bé lên sáu của Hoàng Cầm. Bài thơ kể về một chị cán bộ đang nấu cơm chiều trong nhà thì thấy một đứa bé lên sáu đói khát, ỏng eo, quá tội nghiệp. Bố nó là địa chủ, mẹ nó thì đã di tản vào Nam. Chị thấy nó ốm xanh và đói rét, nhớ lại khi còn nhỏ, chị cũng đã từng trải qua cảnh ngộ này, đã từng đứng liếm lá ngoài chợ, liếm những tấm lá còn sót chút chất ngọt béo của thức ăn khi người ta ăn xong vứt đi. Chị cán bộ liền đem chút cơm nguội cho nó ăn. Nhưng sau đó chị bị cấp trên bắt viết bài tự phê bình kiểm điểm vì đã nuôi một thằng bé con địa chủ. Chị chong đèn nhưng tìm hoài vẫn không thấy bóng dáng người địa chủ gian ác nào trong em bé gầy còm đói khát đó. Chị chỉ thấy thằng bé bị bỏ lại một mình, bơ vơ và đói. Bắt chị làm kiểm điểm, chị không biết kiểm điểm cái gì. Bài thơ Em bé lên sáu đó đã đánh động niềm thương xót trong tôi.

EM BÉ LÊN SÁU

I

Lủi thủi tìm miếng ăn

Bố: cường hào nợ máu

Mẹ bỏ con lay lắt

Đi tuột vào trong Nam

Từ khi lọt lòng mẹ

Ăn sữa, ngủ giường êm

Áo hoa lót áo mềm

Nào biết mình sung sướng

Ngọn sóng đang trào lên

Ai nghĩ thân bèo bọt

Nhưng người với con người

Vẫn sẵn lòng thương xót

Có cụ già đói khổ

Lập cập đi mò cua:

Bố mẹ nó không còn

Đứa trẻ nay gầy còm

Bỗng thương tình côi cút

Cụ nhường cho miếng cơm

Chân tay như cái que

Bụng phình lại ngẳng cổ

Mắt tròn đỏ hoe hoe

Đo nhìn đời bỡ ngỡ:

“Lạy bà xin bát cháo

Cháu miếng cơm, thầy ơi!”

II

Có một chị cán bộ

Đang phát động thôn ngoài

Chợt nhìn ra phía ngõ

Nghe tiếng kêu lạc loài.

Chị rùng mình nhớ lại

Năm đói kém từ lâu

Chị mới năm tuổi đầu

Liếm lá khoai giữa chợ

Chạy vùng ra phía ngõ

Dắt em bé vào nhà

Nắm cơm dành chiều qua

Bẻ cho em một nửa.

Chị bần nông cốt cán

Ứa nước mắt quay đi:

“Nó là con địa chủ

Bé bỏng đã biết gì

Hôm em cho bát cháo

Chịu ba ngày hỏi truy.”

Chị đội bỗng lùi lại

Nhìn đứa bé mồ côi

Cố tìm vết thù địch

Chỉ thấy một con người

Em bé đã ăn no

Nằm lăn ra đất ngủ

Chị nghĩ: “Sau lấy chồng

Sinh con hồng bụ sữa.”

III

Chị phải đình công tác

Vì câu chuyện trên kia

Buồng tối lạnh đêm khuya

Thắp đèn lên kiểm thảo

Do cái lưỡi không xương

Nên nhiều đường lắt léo

Do con mắt bé tẻo

Chẳng nhìn xa chân trời

Do bộ óc chây lười

Chỉ một màu sắt rỉ,

Đã lâu năm ngủ kỹ

Trên trang sách im lìm

Do mấy con người máy

Đầy gân thiếu trái tim

IV

Nào “liên quan phản động”

“Mất cảnh giác lập trường”

Mấy đêm khóc ròng rã

Ngọn đèn soi tù mù

Lòng vặn lòng câu hỏi:

“Sao thương con kẻ thù?

Giá ghét được đứa bé

Lòng thảnh thơi bao nhiêu!”

Tôi rất biết ơn thi sĩ đã dám nói lên điều mình nghĩ và có cảm tình đặc biệt với ông ngay từ đó.

Tôi lại nhớ những điều thầy chúng tôi từng chia sẻ về những năm kháng chiến chống Pháp từ 1947 đến 1954. Khi đó Thầy đã yêu kịch thơ Lên đường, bài thơ Bên kia sông Đuống và kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm. Những tác phẩm ấy làm tinh thần kháng chiến lên rất cao. Thanh niên trai trẻ sẵn sàng bỏ nhà cửa lên đường đi chiến đấu. Chúng tôi cũng được Thầy dạy là một số văn nghệ sĩ và những học giả tham gia viết bài cho tập Nhân Văn (chỉ ra được 5 số báo trong thời gian vỏn vẹn chưa đến ba tháng) và các ấn bản Giai phẩm Mùa Xuân, Mùa Thu (ấn hành đầu năm và bị chấm dứt cùng Nhân Văn vào cuối năm 1956) đã bị đưa đi học tập cải tạo vì đã viết những bài phê bình thẳng thắn cách hành xử của những cán bộ lạm quyền đưa cách mạng xuống dốc quá đà. Sau khi viết Em bé lên sáu, Hoàng Cầm cũng bị kiểm thảo, đi học tập cải tạo trong rừng sâu. Văn nghệ sĩ thời đó vì dám nói thật những gì trong trái tim mình mà bị lưu đày, lao động cải tạo, sống rất gian khổ.

Lời giới thiệu

Tôi thường học hỏi được rất nhiều từ những học trò của tôi. Với tôi, học trò cũng là thầy. Sư cô Chân Không là một trong những người ưu tú nhất trong số những học trò như vậy. Để tôi kể cho quý vị nghe một trong những bài học quan trọng mà tôi đã học được từ Sư cô. Đó là vào năm 1966. Cuộc chiến tại Việt Nam đang càng ngày càng khốc liệt. Tôi mải miết nghĩ cách để vận động nhiều vị tôn đức trong Giáo hội chịu cùng đứng ra kêu gọi chấm dứt chiến tranh, và nhiều khi không thể nuốt trôi miếng cơm nào mỗi khi nghe tin một trận chiến khốc liệt vừa xảy ra. Bữa đó, tại chùa Pháp Vân ở Phú Thọ Hoà, Sư cô Chân Không, đang chuẩn bị một dĩa rau thơm cho món phở, Sư cô quay qua hỏi tôi: “Bạch Thầy, Thầy có thể cho con biết những loại rau thơm này ở miền Bắc gọi là gì không?” Nhìn Sư cô đang cẩn trọng đặt những nhánh rau vào chiếc dĩa lớn với tất cả sự chú tâm, tôi bỗng bừng tỉnh. Sư cô có khả năng duy trì sự chú tâm vào những cọng rau thơm. Và tôi nhận ra rằng tôi cũng nên học để tâm tới những nhánh rau, chứ không phải chỉ nghĩ về chiến tranh mà thôi. Thầy trò chúng tôi trao đổi với nhau mười phút về những loại rau thơm ở miền Nam, Trung và Bắc. Tâm trí tôi thoát khỏi những suy nghĩ về cuộc chiến trong khoảng thời gian đó đủ giúp tôi lấy lại được sự cân bằng mà tôi đang rất cần. Năm 1968, khi sống ở miền Nam nước Pháp, tôi đã phát hiện ra những loại rau thơm của vùng Provence với tất cả sự chú tâm và thích thú.

Nhiều năm sau, một người bạn Hoa Kỳ hỏi tôi: “Thưa Thầy! Thầy trồng rau xà lách làm gì cho mất thời gian. Thầy dành thời gian đó để làm thơ có hơn không? Ai mà không trồng được rau xà lách, nhưng ít ai có thể sáng tác những bài thơ sâu sắc như thơ của Thầy.” Tôi mỉm cười đáp: “Bạn ơi! Nếu tôi không trồng những cây xà lách thật chánh niệm như vậy thì tôi không làm ra những bài thơ như vậy được.” Tôi đã không tiết lộ rằng câu trả lời của tôi có xuất xứ từ bài học với Sư cô Chân Không mười hai năm trước. Cho đến hôm nay, tôi vẫn tiếp tục học từ Sư cô. Một vị thầy luôn nên có khả năng làm học trò và một đệ tử cũng luôn phải cùng lúc làm thầy. Nhớ được điều này, cả thầy và trò sẽ cùng lợi lạc.

Điều khiến tôi khâm phục nhất ở Sư cô là khả năng sống an lạc và hạnh phúc. Niềm tin vững chắc của Sư cô đối với Giáo pháp ngày càng được củng cố khi sự tu tập không ngừng mang lại cho Sư cô hoa trái của chuyển hoá, chữa trị và niềm vui. Sự vững chãi, an lạc và hạnh phúc của Sư cô là nguồn động viên nhiệm màu cho rất nhiều các bạn ở Làng Mai cũng như trong đại gia đình Tăng thân. Nguồn vui của Sư cô là làm việc giúp người và giúp chuyển hoá xã hội. Nằm sâu bên trong những công tác của Sư cô là một tình thương lớn và sự quan tâm sâu sắc. Chân Không cũng có nghĩa là tình thương đích thực. Câu chuyện cuộc đời Sư cô vượt xa những gì ngôn từ có thể diễn tả, đó là cả một bài Pháp sống.

Thật tiếc là cuốn sách này còn quá ngắn, không chuyển tải hết sự sâu sắc và sống động những gì Sư cô đã đi qua. Sư cô còn rất nhiều chuyện để kể cho chúng ta, có thể dài gấp mười lần cuốn sách này. Nhưng Sư cô là một nhà hoạt động xã hội hơn là một nhà văn, và hiện tại chúng ta phải bằng lòng với tác phẩm này thôi. Nếu có cơ hội tiếp xúc với Sư cô, quý vị đừng quên xin Sư cô chia sẻ cho nghe những kinh nghiệm của Sư cô. Quý vị sẽ học hỏi được rất nhiều. Sư cô đích thực là một vị Bồ tát.

Thích Nhất Hạnh

Làng Mai, Pháp quốc – Tháng 5 năm 1993

Vài lời của Sư cô Chân Không với độc giả

(Nhân dịp xuất bản bộ hồi ký 60 năm theo Thầy học đạo và phụng sự)

Sư cô Chân Không rất cảm động khi bộ hồi ký này được xuất bản và ra mắt độc giả, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chân Không theo Thầy học đạo và phụng sự.

Tuy nói là hồi ký của Sư cô Chân Không, nhưng trong những tập sách này, Chân Không cố ý viết chi tiết một số công tác hướng dẫn của Sư Ông – những điều đã thực hiện trong suốt 60 năm qua gây cảm hứng cho các sư cô, sư chú đã cạo đầu đi tu theo Sư Ông – một cụ già 93 tuổi mà đa số các em cũng không biết rõ ông cụ này đã làm được những gì mà thế giới quy ngưỡng đến vậy. Chân Không chỉ thuật được chút xíu những hạnh nguyện của vị Thầy quý kính của các em, đó là Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Người đã thực hiện những gì mà trong các quyển sách dạy giáo lý của Sư Ông, người chỉ nói phớt qua mà không hề kể về những công hạnh đã làm ấy.

Viết bốn tập hồi ký này, Chân Không chỉ mong các sư cô, sư chú, học trò xuất sĩ và cư sĩ của Sư Ông có thêm niềm tin nơi vị Thầy mà mình đã quyết tâm suốt đời theo tu học.

Bộ hồi ký gồm bốn tập:

Tập 1: Con đường mở rộng. Chân Không nói sơ về gốc rễ, cô bé Chân Không đến từ đâu, một vài chuyện tình rất thật trong đời một người trẻ. Rồi cô gái mười tám tuổi đó gặp Bụt ra sao, muốn xuất gia, muốn tự lập một ngôi chùa kiểu mới, muốn tự cạo đầu để có thể đi làm công tác giúp trẻ em nghèo đói một mình, không theo đường quý ni sư theo Phật giáo truyền thống. Gặp Thầy Nhất Hạnh, cô đi theo con đường phụng sự xã hội do Thầy hướng dẫn ra sao? Cứu trợ nạn nhân lũ lụt, đói lả trên sông Thu Bồn sau trận lụt Giáp Thìn 1964 với 4875 người chết như thế nào? Vượt qua những nơi giáp chiến hiểm nguy đến tính mạng để cứu trợ cho người đói, kêu gọi hoà bình, có duyên may cứu vài mảnh đời tan tác, đi chôn xác người chết quá nhiều trên đường phố Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân 1968.

Tập 2: Bước chân hộ niệm, hơi thở từ bi. Chân Không nói về vai trò Phái đoàn Hoà bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hoà đàm Paris 1968 đến 1975, kể chuyện Thầy Nhất Hạnh đã dang tay cứu thuyền nhân trên Vịnh Xiêm La năm 1976, 1977 ra sao, khó khăn như thế nào.

Tập 3: Phương Hương xuôi vạn lý. Chân Không thuật chuyện Thầy Nhất Hạnh nhờ Chân Không đứng ra giúp giới văn nghệ sĩ, những nhạc sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ tài ba mà không được tự do sáng tác. Thầy đã viết thư (qua ngòi bút của một cô bác sĩ trẻ, qua những hộp thuốc men đầy ân tình) nâng đỡ họ, động viên, khen ngợi sâu sắc tài năng của họ, để họ có cảm hứng sáng tác trở lại. Đặc biệt trong tập này, Sư cô nói nhiều về nhạc sĩ Lê Thương với ba kiệt tác Hòn Vọng Phu.

Tập 4: Cần Thơ về Kinh Bắc. Chân Không chép giùm Thầy Nhất Hạnh những lời Thầy khen ngợi sâu sắc thi sĩ Hoàng Cầm – tác giả bài Bên kia sông Đuống ra sao. Bác sĩ Cần Thơ (dưới ngòi bút của Thầy) xuất hiện để đưa thi sĩ ra khỏi khung trời tuyệt vọng.

Đây toàn là những giây phút rất màu nhiệm trong đời mà Sư cô Chân Không được làm học trò của một vị chân tu, để khuyến khích các sư chú, sư cô trẻ rằng: nếu Sư cô Chân Không làm được, thì mình cũng làm được.

Bốn tập hồi ký này, Chân Không sẽ gửi tặng các bậc cha mẹ các sư cô, sư chú đã cho con đi theo con đường của một vị chân tu tròn 77 năm phụng sự để làm gương cho mỗi sư cô, sư chú. Mong mỗi người sẽ tiếp tục sự nghiệp của hàng triệu vị chân tu khác, nối tiếp những bước chân của Bụt Thích Ca.

Nam mô Đức Bồ tát Đại hạnh Phổ Hiền và Đức Bồ tát Đại bi Quán Thế Âm.

Sư cô Chân Không Tháng 9 năm 2019

Xây dựng ngôi trường hạnh phúc

(Trích pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngày 15/6/2014 trong khóa tu 21 ngày tại Làng Mai, Pháp)

Là một nhà giáo, tôi rất yêu nghề. Là những thầy giáo, cô giáo, chắc hẳn quý vị cũng yêu nghề. Chúng ta đều muốn đào tạo ra những con người lành mạnh, có khả năng tạo dựng hạnh phúc cho tự thân và cho xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là trao truyền kiến thức mà còn là xây dựng con người, xây dựng một xã hội nhân bản để có thể chăm sóc hành tinh yêu quý của chúng ta.

Tôi có rất nhiều may mắn vì những người trẻ đến với tôi đều có cùng một ước muốn chuyển hóa tự thân, sống hạnh phúc và giúp cho những người khác cũng sống hạnh phúc như mình. Mỗi khi vào lớp, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì giữa thầy trò có sự cảm thông, có tình huynh đệ, điều này giúp cho việc trao truyền và tiếp nhận trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi hỏi thăm các học trò của tôi về đời sống của họ và tôi cũng kể cho họ nghe những khó khăn cũng như những ước mong của tôi, vì vậy luôn luôn có sự kết nối giữa thầy và trò.

 

 

Những khó khăn trong công tác giáo dục

 Chúng ta biết những người trẻ và các bậc phụ huynh trong thời đại chúng ta có rất nhiều nỗi khổ, niềm đau trong lòng. Cha mẹ không truyền thông được với nhau hay giữa cha mẹ và con cái không dễ dàng nói chuyện được với nhau. Trong lòng những người trẻ luôn có sự cô đơn, trống vắng và chúng tìm cách khỏa lấp nỗi cô đơn trống vắng ấy bằng những trò chơi điện tử, phim ảnh, nghiện ngập hay những thú tiêu khiển độc hại.

Khổ đau trong lòng những người trẻ càng nhiều thì công tác giáo dục càng trở nên khó khăn. Là những thầy giáo, cô giáo, chúng ta cũng có những khó khăn. Chúng ta đã luôn cố gắng nhưng môi trường sống và làm việc của chúng ta quá nhiều khó khăn.

Là những thầy giáo, cô giáo, nếu chúng ta không hạnh phúc thì làm sao chúng ta mong đợi con em mình hạnh phúc? Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng. Có phải là do chúng ta chưa có đủ kiên nhẫn, hiểu biết, thương yêu và tươi mát để xử lý những khó khăn này? Có phải là chúng ta đang cần một đường hướng tâm linh cụ thể để giúp chúng ta chuyển hóa tự thân và sau đó giúp chuyển hóa những người thương đang sống quanh mình? Bởi vì khi chúng ta chưa thay đổi được tự thân thì chúng ta khó lòng giúp được những người khác làm vơi bớt khổ đau của họ. Một khi chúng ta đã có được sự thành công trên con đường chuyển hóa, chúng ta sẽ trở nên vui tươi hơn, từ bi hơn và ta sẽ có khả năng giúp cho những người xung quanh cũng làm được như vậy.

Đem tâm về với thân

 Điều đầu tiên chúng ta có thể làm là trở về với tự thân chúng ta. Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm. Trở về để chăm sóc chính mình. Chúng ta cần học cách chế tác niềm vui, cách xử lý những cảm thọ khó chịu hay lắng nghe những nỗi khổ, niềm đau trong mình để có thể hiểu được, thương được và nhờ vậy, khổ đau cũng từ đó mà được vơi nhẹ. Có những phương pháp giúp chúng ta làm được điều này.

Bằng hơi thở chánh niệm, ta đem tâm trở về với thân và sẽ nhận ra rằng trong thân của ta đang có sự căng thẳng, đau nhức và ta thở như thế nào để làm lắng dịu sự đau nhức đó. “Thở vào, tôi ý thức rõ rệt về thân thể tôi. Thở ra, tôi buông thư những căng thẳng trong thân thể tôi”. Chỉ cần thực tập thở như thế trong nửa giờ đồng hồ, hay thậm chí là trong năm phút, thì ta cũng đã có thể thay đổi được cảm xúc.

Nếu không có sự bình an trong thân thì cũng sẽ không có bình an trong tâm bởi vì thân và tâm tương tức. Ta có thể thực tập thở như thế trong những tư thế đi, đứng, nằm, ngồi. Ta có thể thực tập khi ngồi trong xe buýt hay trong xe hơi. Ta cũng có thể thực tập khi chuẩn bị bữa ăn sáng hay khi rửa bát. Vì vậy ta có rất nhiều thì giờ để thực tập buông thư.

Nghệ thuật sống

 

 

 

Thực tập chánh niệm là phải vui. Đó là một nghệ thuật sống. Với niệm, định và tuệ, ta có thể chế tác niềm vui bất cứ khi nào ta muốn. Cũng với năng lượng chánh niệm, ta có thể ôm ấp và xử lý những nỗi khổ, niềm đau. Thiếu năng lượng chánh niệm này, ta sẽ cảm thấy sợ hãi mỗi khi đối diện với những nỗi khổ, niềm đau đang tràn ngập trong lòng ta.

Chánh niệm là nguồn năng lượng giúp ta có mặt trọn vẹn ngay bây giờ và ở đây, giúp ta tiếp xúc được với những gì đang xảy ra trong hình hài, cảm thọ, tâm ý và trong vũ trụ này. Từ đó, ta có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống để ta được nuôi dưỡng và trị liệu.

Khi ta thở vào, thở ra có ý thức là ta đang thở chánh niệm. Khi ta đi trong ý thức là ta đang thực tập thiền đi. Khi ăn sáng trong chánh niệm là ta đang thực tập thiền ăn. Ta không cần phải ngồi suốt ngày trong thiền đường mới gọi là thực tập thiền. Chúng ta có thể thực tập mọi nơi, ngay cả khi đang tắm, đang lái xe, hay đang tập trung cho một dự án, một công việc tại công sở, hay trong những mối quan hệ với mọi người xung quanh. Năng lượng chánh niệm được chế tác bằng những hơi thở ý thức hay những bước chân chánh niệm. Chánh niệm giúp ta đem tâm trở về với thân và một khi thân tâm đoàn tụ thì ta đang thực sự an trú trong phút giây hiện tại. Những mầu nhiệm của sự sống chỉ có mặt trong giây phút đó. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, sự sống chỉ thật sự có mặt ngay bây giờ và ở đây.

Chánh niệm giúp ta nuôi lớn chánh định. Với niệm và định thì tuệ giác cũng được phát sinh. Thở vào một hơi thở ý thức, ta sẽ khám phá ra những điều vô cùng đơn giản mà thiết yếu, như cái thấy rằng ta đang còn sống và đang có một hình hài. “Ta biết là ta đang có một hình hài”, đó đã là một tuệ giác rồi. “Thở vào, ta biết ta đang còn sống, còn sống là một mầu nhiệm, mầu nhiệm lớn nhất trong tất cả những mầu nhiệm.” Những người đã chết thì đâu có thể thở được nữa. Thở ra, ta có thể ăn mừng sự sống rằng phổi ta còn khỏe để thở vào, chân ta còn mạnh để có thể bước đi, có thể chạm lên đất Mẹ. Duy trì niệm và định, tuệ giác sẽ được lớn lên.

Dừng lại sự rong ruổi

 Ta đang có đầy đủ những điều kiện hạnh phúc, ta không cần phải kiếm tìm thêm. Nếu ta ngồi yên và viết xuống những điều kiện hạnh phúc mình đang có thì một trang giấy không đủ, hai trang giấy cũng không đủ, hay thậm chí đến mười trang rồi mà vẫn còn quá nhiều những hạnh phúc chưa được viết xuống. Và ta sẽ nhận ra rằng mình may mắn hơn nhiều người khác, mình may mắn được sống hạnh phúc bây giờ và ở đây. “Hạnh phúc có thể có được ngay bây giờ và ở đây”, đó là lời Bụt dạy.


 

Nhiều người nhầm lẫn giữa hạnh phúc và sự hưng phấn. Khi ta vui trong chộn rộn, ta không có đủ bình an trong lòng, chính vì vậy hạnh phúc lúc đó không đủ sâu. Chánh niệm giúp ta nhận biết được rằng hạnh phúc chân thật không đến từ danh vọng, quyền hành, giàu sang và dục lạc. Hạnh phúc chân thật đến từ hiểu biết và thương yêu.

Hạnh phúc chân thật có nghĩa là ta không còn phải chạy đi tìm cầu thêm bất cứ điều gì nữa. Ta hài lòng với những gì ta đang có bây giờ và ở đây, ta nhận thấy có quá nhiều những điều kiện hạnh phúc vốn có quanh ta rồi. Cái thấy đó đem lại cho ta niềm vui lớn. Đó là nghệ thuật hạnh phúc, rất dễ dàng và giản dị mà ai cũng có thể làm được.

Ta chế tác niềm vui không những cho chính ta mà còn cho những người xung quanh. Khi ta có chánh niệm, năng lượng đó sẽ được lan truyền đến mọi người. Một khi ta có được niềm vui, hạnh phúc và sự tỉnh thức, ta cũng đang thắp sáng ngọn đèn tỉnh thức ấy trong những người khác. Hạt giống chánh niệm, tỉnh thức ai cũng có, chỉ là chưa được tưới tẩm, chưa được thắp sáng mà thôi. Đây là một nghệ thuật, không có gì quá khó. Một giáo viên cũng vậy, chỉ trong tích tắc bạn có thể biểu diễn những phép mầu đó, chắc chắn học sinh của bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Nhịp cầu cảm thông

 Cuộc sống ngày nay tuy có nhiều phương tiện truyền thông như điện thoại thông minh, mạng xã hội… nhưng càng ngày thì sự truyền thông giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái, thầy cô giáo và học sinh… lại càng trở nên khó khăn. Điều đó nói lên rằng phương tiện truyền thông hiện đại không hề giúp ta truyền thông tốt hơn. Nếu ta không trở về tiếp xúc với tự thân để thấy được đâu là nguyên nhân của những sợ hãi, giận hờn và nỗi khổ, niềm đau trong ta, thì làm sao ta có thể truyền thông được với chính mình? Và một khi ta không thể truyền thông với tự thân thì làm sao ta có thể truyền thông được với những người khác?

Tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải là chuyện có thể làm được. Sự thực tập ái ngữ và lắng nghe giúp cho chúng ta thiết lập lại truyền thông và đưa tới sự hòa giải.

Trước tiên, chúng ta cần có mặt và hiểu được hình hài, cảm thọ, tri giác và khổ đau của chính chúng ta. Chánh niệm giúp ta có khả năng đối diện và hiểu thấu những khổ đau trong ta mà không phải trốn chạy hay tìm cách khỏa lấp chúng.

Tiếp đến, thầy cô giáo có thể ngồi lại với học sinh của mình để cùng chia sẻ những khó khăn nằm sâu bên trong mỗi người. Một khi học sinh đã cảm thông được những khó khăn của thầy cô giáo rồi thì các em sẽ không tiếp sức làm cho những khó khăn ấy lớn thêm. Cũng vậy, một khi thầy cô giáo đã lắng nghe được những khó khăn của học sinh, thầy cô giáo sẽ biết cách để giúp cho các em bớt khổ. Khi đó lớp học sẽ trở thành một không gian chia sẻ hạnh phúc cho tất cả mọi người. 

 

 

Lắng nghe với tình thương và sự cảm thông giúp cho người kia trải hết lòng ra. Đó là thực tập của Bồ tát Quán Thế Âm, chỉ lắng nghe thôi, không phán xét, không phản ứng. Trong vòng nửa giờ đồng hồ lắng nghe, chúng ta đã có thể làm vơi nhẹ khổ đau trong lòng của người kia.

Thực tập nói lời ái ngữ cũng rất quan trọng. Chúng ta dùng ngôn ngữ hòa ái để nói lên sự thật về niềm đau, nỗi khổ trong ta và cũng nhẹ nhàng khuyến khích người kia mở lòng nói ra những khổ đau của họ. Ái ngữ chính là chìa khóa để mở cửa trái tim của nhau.

Chúng ta có thể áp dụng sự thực tập ái ngữ và lắng nghe trong trường học như thế nào? Chúng ta cần tạo ra những cơ hội để thầy cô giáo và học sinh có thể ngồi lại bên nhau, lắng nghe nhau để có thể cảm thông và hiểu thấu được những khó khăn của nhau. Hiểu được thì thương được. Thử tưởng tượng hình ảnh người thầy ngồi yên chăm chú lắng nghe những tâm tư nỗi niềm của những người học trò của mình. Đó là một hình ảnh đẹp và nuôi dưỡng. Ở nhà, ba mẹ các em đã quá bận rộn nên không thể có mặt được cho các em thì làm gì có thời gian để ngồi xuống và lắng nghe các em? Đó là một thiệt thòi lớn. Đến trường, thầy cô giáo cho các em một cơ hội khác để bù đắp, để các em được lắng nghe, được cảm thông và được thấu hiểu. Chỉ cần được thấu hiểu, các em đã bớt khổ nhiều rồi. Khi đó, thầy cô giáo và học sinh có thể nối kết với nhau, xây dựng niềm tin trong nhau và lấy đi những giận hờn và sợ hãi trong nhau. Đây là một sự thực tập rất cần thiết và nên được khuyến khích tổ chức thường xuyên trong nhà trường. Thầy cô giáo và học sinh nhờ sự thực tập này mà có thêm năng lượng để dạy và học, và đặc biệt là khoảng cách giữa hai thế hệ cũng được gần lại với nhau nhờ nhịp cầu cảm thông.

Nghệ thuật khổ đau

 Nhiều người trong chúng ta tin rằng ta không thể có được hạnh phúc bây giờ và ở đây. Ông bà tổ tiên ta cũng từng nghĩ như vậy. Điều này lý giải vì sao ta luôn có khuynh hướng chạy về tương lai để kiếm tìm hạnh phúc. Chúng ta có tập khí rong ruổi, tìm cầu và chẳng bao giờ hài lòng với những gì mình đang có. Tập khí này rất mạnh. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân chánh niệm giúp ta dừng lại, nhận diện và mỉm cười.

Xử lý khổ đau là một nghệ thuật. Chúng ta nói tới nghệ thuật hạnh phúc nhưng cũng có thể nói tới nghệ thuật khổ đau. Chúng ta phải học cách khổ đau. Người biết cách khổ đau thì khổ ít hơn những người khác. Sự thật thì khổ đau đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu chúng ta biết cách ôm ấp, chăm sóc và nhìn sâu vào bản chất của khổ đau, chúng ta có thể chế tác được rất nhiều hiểu biết và thương yêu, nền tảng của hạnh phúc chân thật.

Hoa là rác – Rác là hoa

 Thầy trò chúng tôi vừa hoàn thành xong Năm giới tân tu, có thể được xem là nền tảng của đạo đức mang tính chất toàn cầu. Nó không mang màu sắc tín ngưỡng cục bộ của một tôn giáo hoặc của một chủ thuyết. Tôn giáo nào, văn hóa nào, chủng tộc nào, địa phương nào cũng có thể lấy Năm giới làm cương lĩnh cho một nếp sống có hòa điệu, có thương yêu, có hiểu biết, có sự tương kính và chấp nhận lẫn nhau. Thực tập theo Năm giới (hay còn gọi là những nguyên tắc sống) này, chúng ta có thể xử lý những khổ đau và hạnh phúc, tái lập lại truyền thông và góp phần giúp cho gia đình, cộng đồng và thế giới vơi đi nỗi khổ. Thực tập theo Năm giới chúng ta cũng có thêm nhiều niềm vui, bình an và hạnh phúc. Nền tảng đạo đức này dựa trên tuệ giác tương tức của đạo Bụt.

“Tương tức” có nghĩa là ta không thể tồn tại một cách riêng biệt. Nhìn vào một bông hoa, ta thấy được những yếu tố không- phải-bông-hoa có mặt. Ta thấy được mặt trời, đám mây, đất đai, người làm vườn, vân vân… Cả vũ trụ đều đang có mặt trong một bông hoa.

 

 

Hạnh phúc cũng vậy. Hạnh phúc cũng được làm từ những yếu tố không-phải-hạnh-phúc. Nếu chúng ta liệng bỏ hết những gì không hạnh phúc ấy đi thì chúng ta cũng không bao giờ có được hạnh phúc. Chúng ta cần có bùn để nuôi sen. Mọi thứ nương vào nhau để biểu hiện.

Với tuệ giác tương tức này, chúng ta thấy rõ rằng hạnh phúc không còn là vấn đề cá nhân. Nếu chúng ta hiểu được những khổ đau của chúng ta, nếu chúng ta đủ khéo léo để sử dụng những khổ đau ấy thì chúng ta có thể chế tác được hạnh phúc. Khổ đau và hạnh phúc tương tức nhau là vậy.

Không có gì có thể tự mình tồn tại. Tuệ giác tương tức lấy đi ý niệm về một cái ta biệt lập. Mặc cảm hơn người, thua người và bằng người – nền tảng của khổ đau – cũng từ đó mà không còn. Hầu hết những khổ đau xuất hiện cũng chính từ những tri giác sai lầm như vậy.

Ăn cơm có canh, tu hành có bạn

 Chúng ta phải nghĩ tới việc xây dựng tăng thân, tức là một đoàn thể trong đó có những đồng nghiệp hay những người làm việc trong trường học, có thể là 3 hay 4 người mà ta truyền thông được dễ dàng nhất. Chúng ta phải đến với nhau để có thể tiếp tục sự thực tập, thực tập không phải với tính chất một cá nhân hay một gia đình mà là với tính chất một đoàn thể. Chúng ta có thể cùng đi thiền, cùng uống trà hay thực tập thiền buông thư với nhau.

Chúng ta hãy bắt đầu với một nhóm gồm những thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc. “Thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Với tăng thân nhỏ bé đó ta có thể làm thay đổi cả tập thể của trường. Chúng ta có thể viết một lá thư: “Chúng tôi là một nhóm người, chúng tôi đã thực tập như vậy và đã đạt được nhiều sự chuyển hóa trong đời sống, trong việc làm cũng như trong lớp học. Chúng tôi nghĩ thật là tuyệt vời nếu quý vị cùng thực tập với chúng tôi”. Như vậy những đồng nghiệp khác cũng sẽ bắt đầu nếm được sự bình an, tình huynh đệ và sự buông thư đó.

Chúng ta không thể tiếp tục như hiện nay, tại vì nếu các giáo chức không có hạnh phúc, không có sự bình an và sự hòa hợp với nhau thì làm sao chúng ta giúp được cho những người trẻ bớt khổ và thành công trong sự học hành. Xây dựng tăng thân là một công tác cấp bách và mỗi giáo chức phải là một người dựng tăng. Sau khi giác ngộ, việc đầu tiên Bụt đã làm là xây dựng một tăng thân. Ngài biết rất rõ là nếu không có tăng thân thì Ngài sẽ không hoàn thành được sự nghiệp của một vị Bụt.

Giáo chức là một nghề rất cao quý, rất đẹp, rất đáng được kính trọng. Nhưng nếu không có một tăng thân thì chúng ta cũng không làm được gì nhiều. Vì vậy xây dựng tăng thân là một việc tối cần thiết!

 



Lễ xuất gia Gia đình Hoa Thuỷ Tiên 05.11.2023

Trong mùa an cư kiết Đông năm nay, tăng thân Làng Mai hạnh phúc chào đón thêm 10 sư chú, sư cô mới gia nhập vào dòng chảy của Tăng thân. Buổi lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm tại thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân, xóm Thượng. Năng lượng tu tập tinh chuyên của mùa an cư từ quý thầy, quý sư cô và các vị cư sĩ đã làm cho buổi lễ thêm hùng tráng, tiếp thêm năng lượng cho các giới tử trong giờ phút thiêng liêng của cuộc đời.

Cả thiền đường Nước Tĩnh như rung động khi đại chúng đồng tụng “Đầu cành dương liễu vương cam lộ – Một giọt mười phương rưới cũng đầy – Bao nhiêu trần luỵ tiêu tan hết…”. Giọt nước từ bi thanh lương, an lành của chư Bụt, chư Bồ tát như làm tiêu tan bao phiền luỵ, bế tắc, tủi hờn còn sót lại trong các giới tử. Và bắt đầu giờ phút này, các em chính thức được sinh trở ra lại giữa lòng tăng thân, cùng bước đi trên con đường hiểu biết và thương yêu. 

Gương mặt của các giới tử thêm sáng ngời hơn trong giờ phút được tiếp nhận Mười giới sadi, sadi nữ để hành trì trong đời sống xuất gia của mình. Quỳ trước Tam Bảo, các giới tử đã thành kính phát nguyện một lòng trở về tiếp nhận gia tài của Bụt, của Thầy: “Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức”. Những người con trai lành, những người con gái lành mang trong mình những lý tưởng cao đẹp, đã biết buông bỏ nếp sống tiện nghi ngoài xã hội để cùng trở về chia vui nếp sống tịnh thường, cùng Tăng thân hiến tặng bình an cho mọi người.

“Cạo sạch mái tóc

Nguyện cho mọi người

Dứt hết phiền não

Độ thoát cho đời”

Gia đình xuất gia cây Hoa Thuỷ Tiên (Daffodil) gồm các sư cô Chân Đôn Hạnh, sư chú Chân Nhất Vân, sư chú Chân Nhất Vũ, sư chú Chân Nhất Thanh, sư chú Chân Nhất Lương, sư cô Chân Diệu Hạnh, sư cô Chân Đăng Hạnh, sư chú Chân Nhất Nguyên, sư chú Chân Nhất Mộc và sư chú Chân Nhất Xuân. Các sư chú, sư cô thuộc thế hệ thứ 44 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 phái Liễu Quán.

Vào buổi chiều, đại chúng đã có buổi thiền trà để mừng đón sự biểu hiện của các sư em gia đình Hoa Thuỷ Tiên. Các sư chú, sư cô mới bày tỏ niềm biết ơn với tăng thân, quý thầy, quý sư cô lớn và đặc biệt là những vị Y chỉ Sư đã dạy dỗ, dìu dắt trong những tháng ngày thực tập còn nhiều bỡ ngỡ. Và cũng chia sẻ niềm hạnh phúc khi được gia nhập vào gia đình áo nâu. 

Trước đó một tuần, ngày 29.10.2023, sư cô Đào Nghiêm đã hướng dẫn các giới tử trình diện trước tăng thân, dâng lên lời thỉnh nguyện xuất gia của mình. 

Giữa tiết trời Thu giao mùa khi những cơn mưa kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Nhưng sáng nay, những tia nắng ấm bỗng xuất hiện như một lời chào mừng sự biểu hiện của các sư chú, sư cô mới. 

Đây là một vài hình ảnh trong buổi lễ, kính mời đại chúng thưởng thức.

 

 

Lễ xuất gia Gia đình Hoa Thuỷ Tiên 05.11.2023

Trong tiết trời se lạnh của ngày thu 05.11.2023, tăng thân Làng Mai vui mừng chào đón thêm 10 thành viên mới trong gia đình xuất gia Hoa Thủy Tiên. Buổi lễ xuất gia được diễn ra trong không khí trang nghiêm mà đầm ấm tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, với sự chứng minh và hộ niệm của quý thầy, quý sư cô 3 xóm tại Làng Mai và 300 thiền sinh trong đó có người thân của các giới tử.

Sau một thời gian thực tập dưới tư cách của những vị tập sự xuất gia, các giới tử đã có cơ hội trở về với chính mình, đã biết nương vào bước chân, hơi thở để nuôi dường và làm vững vàng hơn chí nguyện đem thương yêu, hạnh phúc cho mình và cho mọi người. 

 

 

Hình ảnh các giới tử cùng quỳ trước Tam bảo dũng mãnh tiếp nhận giới pháp mà hành trì đã làm thổn thức biết bao trái tim của những người có mặt trong không gian ấy. Giây phút những giọt nước mắt lăn dài trên má vì quá sung sướng của những người con trai lành và những người con gái lành một lần nữa thật sự gây xúc động. Đó như là những giọt cam lộ tưới xuống cho cây bồ đề được tiếp tục xanh tươi.

Một nghi thức không thể thiếu trong ngày trọng đại chính là nghi thức xuống tóc. Giây phút huyền thoại trở nên thiêng liêng hơn khi đại chúng đồng niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm để hộ niệm cho các giới tử trong khoảnh khắc ý nghĩa này.

Chiều cùng ngày, đại chúng đã quây quần bên nhau để các sư em mới được ra mắt tăng thân. Các sư em là những sư chú Chân Nhất Vân, Chân Nhất Vũ, Chân Nhất Thanh, Chân Nhất Lương, Chân Nhất Nguyên, Chân Nhất Mộc, Chân Nhất Xuân, và các sư cô Chân Đôn Hạnh, Chân Diệu Hạnh và Chân Đăng Hạnh. Các sư cô và sư chú mới của tăng thân đến từ nhiều quốc gia nay đã nguyện cùng cạo sạch mái tóc, cùng đi chung con đường lý tưởng và nguyện hòa vào dòng chảy của hiểu thương để tiếp nối con đường của Bụt và của Thầy.

 

 

Nhân dịp này, các sư em mới cũng có dịp được nói lên lòng biết ơn của mình tới sự yểm trợ và đồng hành của cả hai gia đình tâm linh và huyết thống. Những lời chia sẻ mộc mạc một lần nữa chạm vào trái tim của tất cả mọi người. Đại diện người thân, bạn bè của các sư em cũng qua đây bày tỏ niềm tin nơi sự lựa chọn của các sư em khi thấy các em thật sự có hạnh phúc với ước nguyện xuất gia của mình.

Trước đó ngày 29.10.2023 đã diễn ra buổi lễ dẫn thỉnh. Đây là giây phút quan trọng cho các giới tử trình lên tăng thân thỉnh cầu xuất gia của mình.  

 

 

Ở Làng Mai, Pháp, cứ mỗi mùa xuân về sẽ có hàng ngàn bông hoa thủy tiên xuất hiện từ lòng đất và bắt đầu nở rộ khắp nơi. Hình ảnh hoa thủy tiên rực rỡ vươn mình trong ánh nắng mùa xuân như lời gửi gắm các sư em mới luôn mạnh mẽ vươn lên rực rỡ để cùng với tăng thân tiếp tục làm đẹp cho cuộc đời, và tiếp nối sự nghiệp của Bụt, của Tổ và của Thầy. 

Xem thêm hình ảnh về Lễ dẫn thỉnh và Lễ xuất gia tại đường dẫn dưới đây: 

le-xuat-gia-cay-hoa-thuy-tien-05.11.2023



 

Nuôi Dưỡng Lòng Từ Bi khi có Chiến Tranh (phần 2)

(Trích pháp thoại của thầy Pháp Ấn trong khoá tu tại Tyrol, Áo, ngày 12 tháng 10 năm 2023)

Sự thực tập chánh niệm sẽ giúp chúng ta hoàn toàn ý thức về mọi kinh nghiệm trong sự sống. Và nếu năng lượng chánh niệm được tiếp tục duy trì và nuôi dưỡng thì sẽ đưa đến năng lượng của định.

Khi thực tập chánh niệm, chúng ta học cách để duy trì sự có mặt liên tục của tâm ta về một “đối tượng của chánh niệm”. Tâm chúng ta luôn luôn chuyển động. Và chính vì tính cơ động đó nên khi có chuyện gì xảy ra, tâm chúng ta rất dễ bị trôi dạt, mất định hướng, vì tâm ta không có sự vững chãi, không có gốc rễ. Tâm trí chúng ta cứ rong ruổi nắm bắt từ đối tượng này sang đối tượng khác. Vì vậy, thực tập chánh niệm giúp chúng ta học được thói quen đem tâm ta trở về và duy trì sự có mặt của tâm ta với một đối tượng trong một thời gian liên tục. Sự thực tập này sẽ giúp tâm chúng ta dừng lại sự rong ruổi đi hoang và giúp chúng ta nuôi dưỡng yếu tố vững chãi và an trú trong ta.

Khi có sự bất như ý xảy ra, chúng ta thường hay phản ứng bằng những giận dữ, phẫn nộ hay buồn bã, chán chường và tuyệt vọng, hay những tâm hành tiêu cực khác. Đó là vì tâm chúng ta ngay lập tức bị kẹt vào hoàn cảnh đó hay một đối tượng nào đó và chúng ta đánh mất sự bình an, vững chãi của mình cũng giống như một cái cây không có gốc rễ vững chắc, khi có gió bão, cả cây bị bật gốc và bị gió thổi bay đi. Nhưng một cái cây có gốc rễ sâu và vững chắc vẫn có thể đứng vững ngay cả khi có gió mạnh. Nhờ hệ thống rễ, cây có được sự ổn định và vững chắc. Nó sẽ không bị cuốn đi.

Thường trong đời sống hằng ngày chúng ta nghe điều gì, thấy điều gì hay tiếp xúc với điều gì đó và ngay lập tức chúng ta bị cuốn đi bởi vì chúng ta không có gốc rễ để bám víu. Ví dụ, người thương của chúng ta nói điều gì đó. Anh ấy hoặc cô ấy chỉ nói điều đó vì tập khí mà không có ý định làm tổn thương chúng ta. Nhưng khi nghe thấy, chúng ta bám lấy và ngay lập tức chúng ta bị thổi bay đi như một cái cây. Chúng ta đau khổ suốt ngày. “Tại sao anh ấy/cô ấy lại nói như vậy với mình?”. Và tâm trí của chúng ta tiếp tục tập trung vào những gì anh ấy/cô ấy nói. Chúng ta đánh mất gốc rễ của mình.

Sự thực tập chánh niệm giúp chúng ta trở về chăm sóc và cắm rễ vào gốc rễ của tự thân. Chúng ta có thể cắm rễ ở đâu trong tự thân của chúng ta? Đức Bụt dạy rằng có bốn lĩnh vực để chúng ta có thể thiết lập chánh niệm, nuôi dưỡng gốc rễ của mình. Năng lượng chánh niệm có thể được phát khởi, duy trì và làm cho lớn mạnh hùng hậu bằng cách ý thức liên tục về bốn lĩnh vực: thân thể, cảm thọ, tâm hành và nhận thức.

Gốc rễ đầu tiên là thân thể của chúng ta. Chúng ta thực tập chánh niệm bằng cách ý thức về thân thể của mình trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Khi đi, chúng ta biết mình đang đi; khi ngồi biết mình đang ngồi; khi đứng, chúng ta biết mình đang đứng. Khi chúng ta mặc áo, ăn cơm chúng ta biết mình đang mặc áo, ăn cơm. Khi chúng ta đi tới, chúng ta biết mình đang đi tới; khi chúng ta đi lui, chúng ta biết mình đang đi lui. Bất kể trong tư thế nào – đi, đứng, nằm, ngồi – chúng ta đều ý thức trọn vẹn và chuyên nhất vào những tư thế của thân thể. Đó là sự thực tập quán niệm (hay ý thức) thân trong thân, niệm thân. Nghĩa là chúng ta duy trì sự ý thức sáng tỏ về thân thể trong suốt quá trình hoạt động hay tư thế của thân thể từ đầu cho đến cuối. Khi chúng ta rèn luyện thường xuyên như vậy, ý thức sáng tỏ về thân thể hay niệm thân sẽ trở thành thói quen của chúng ta.

 

 

Nhờ vậy, chúng ta nuôi được gốc rễ của tâm ta nơi thân thể. Tâm ta được cắm rễ vào thân của ta. Khi ai đó nói điều gì bất như ý với ta, thay vì chú ý đến lời nói đó và bị lời nói đó cuốn chúng ta bay đi, chúng ta hãy tiếp tục thực tập niệm thân. Đúng là chúng ta đang lắng nghe sâu, nhưng nội dung của điều chúng ta nghe không làm chúng ta bị cuốn đi. Chúng ta vẫn ý thức sáng tỏ về thân thể của mình. Đó là sự thực tập niệm thân. Ví dụ, hiện nay tôi đang nói pháp thoại cho quý vị nhưng tôi cũng đang thực hành niệm thân. Tôi không để nội dung bài giảng cuốn tôi đi. Tôi hoàn toàn nhận thức được vị trí thân thể của mình, hoàn toàn chú ý đến cách tôi di chuyển cơ thể và tôi tiếp tục quay trở về ý thức thân thể của mình khi đang cho pháp thoại. Cho pháp thoại là một phần hiện hữu của tôi, nhưng một phần khác của sự hiện hữu đó là ý thức sáng tỏ của tôi về thân của mình. Và đó là lãnh vực quán niệm đầu tiên để thiết lập chánh niệm, thân thể. Điều này rất quan trọng vì nếu chúng ta không thể cắm rễ vào thân thể mình thì chúng ta cũng không biết điều gì đang xảy ra trong thân của ta.

Trong cuộc sống của chúng ta, luôn có sự chia chẻ, phân ly hay tách rời giữa các hoạt động của thân và tâm. Do đó thân và tâm luôn có sự bất hài hòa hay không đồng bộ. Thân của chúng ta ở đây nhưng tâm chúng ta lại ở một nơi khác. Vì thế mà có khi chúng ta không thực sự biết rõ chuyện gì đang xảy ra với thân của mình, không biết rõ chuyện gì đang thực sự xảy ra cho tâm của mình, vì thân tâm chúng ta bị phân ly và không hợp nhất. Sự bất hài hòa giữa thân và tâm sẽ đưa đến sự bất hài hòa trong gia đình, cộng đồng, xã hội, và trên toàn thế giới.

Khi người thương của chúng ta nói hay hành xử ra ngoài sự suy nghĩ của chúng ta, ngay lập tức tâm thức chúng ta bị trói buộc và chúng ta đánh mất sự tự do của mình. Phản ứng của chúng ta tạo ra một thế giới ảo, một thế giới tưởng tượng với những suy đoán, kết tội hay phê phán dựa trên tất cả những năng lượng tiêu cực tiềm ẩn trong chúng ta. Lúc đó, tất cả những tổn thương, khổ đau trong quá khứ giữa chúng ta và người đó đều sống dậy trở lại, đều trở thành một phần của hiện thực của cái bây giờ và ở đây. Tất cả sự tức giận, buồn phiền của cha mẹ, ông bà, tổ tiên dòng họ chúng ta đều dồn dập đi vào hiện thực ảo đó, tất cả năng lượng tiêu cực của nền văn hóa và lịch sử của chúng ta đều ập vào giây phút đó và chúng ta thấy một hiện hữu không như nó đang thực sự biểu hiện, không như nó đang thực sự là như vậy. Chúng ta không biết rằng chúng ta đang tạo ra rất nhiều ảo giác, tưởng tượng với rất nhiều sự thổi phồng và bóp méo.

Những gì người thương của chúng ta nói hay hành xử có thể chỉ nhỏ bằng một hạt đậu phộng. Nhưng ngay lập tức tâm trí của chúng ta bám vào hạt đậu phộng đó, bóp méo và thổi phồng những điều đó lên thành một quả dưa hấu chỉ trong một vài phút ngắn ngủi. Và chúng ta sống trong hiện thực của một quả dưa hấu, trong khi hiện hữu đích thực chỉ là một hạt đậu phộng. Tất cả mọi chuyện thường xảy ra như vậy. Dĩ nhiên, luôn luôn có những khổ đau và chúng ta không nên phủ nhận nó hoàn toàn. Nhưng chúng ta nên nhận thức những khổ đau như nó đang thực sự là như vậy mà không nên thổi phồng những khổ đau đó lên thêm. Điều đó rất quan trọng. Nếu không, mọi chuyện sẽ trở nên tệ hơn và tình trạng sẽ khó mà cứu vãn được.

Vì vậy, thí dụ như khi người thương của chúng ta phàn nàn với chúng ta một câu nói rất là bâng quơ: “Sao hôm nay anh/cô không tử tế với tôi như thế?”. Ngay lập tức, chúng ta bắt đầu trả đũa: “Sao cô/anh có thể nói như vậy được với tôi? Tôi luôn luôn tử tế với cô/anh mà. Cô/anh hãy nhớ lại đi, khi chúng ta mới kết hôn (có thể là 30 năm trước) …”. Rồi sau đó chúng ta đưa ra tất cả những điều tử tế mà chúng ta nghĩ chúng ta đã đối xử với người đó, có thể đó là lúc tổ chức đám cưới hoặc những năm chung sống sau đó ra để kể lể. “Mười năm trước tôi đã làm điều này, năm năm trước tôi đã làm điều kia…” Chúng ta viện hết mọi lý lẽ, dẫn ra mọi ký ức và bằng chứng để chứng tỏ là chúng ta đã sống rất tử tế với cô/anh ấy. Và chúng ta từ từ đánh mất chính mình với quả dưa hấu đó. Bụt gọi đó là sự lẫn lộn, ảo tưởng, hay vô minh.

 

 

Khi chúng ta không đủ năng lượng chánh niệm, chúng ta không thể an trú được liên tục, lâu dài và bền vững nơi bốn lãnh vực quán niệm. Vì thế chúng ta đánh mất chính mình và chúng ta rơi vào tình trạng lẫn lộn đầy ảo tưởng và vô minh như vậy. Chúng ta dựng xây một hiện thực ảo dựa trên một ít thực tế có thật. Thực tập chánh niệm là học cách để nhận ra sự thật như chúng đang thực sự là như vậy. Khi nỗi đau chỉ nhỏ bằng một hạt đậu phộng thì chúng ta tự nhủ: “Ôi, nỗi đau đó chỉ là nỗi đau nhỏ bằng một hạt đậu phộng mà thôi”. Chúng ta có thể cảm thấy đau nhói hay buồn phiền sau lời nói hay hành xử của người thương nhưng chúng ta thực tập ngay sự quán niệm hơi thở vào và hơi thở ra của mình; chúng ta cảm nhận thân thể của mình, chúng ta cảm nhận các cảm giác khó chịu từ những gì người đó đã nói và đã làm, và chúng ta ôm lấy niềm đau đó, chúng ta ôm lấy với tất cả tình thương và lòng bi mẫn ứa ra từ chính trái tim của chính mình. Người thương của ta đã nói: “Sao hôm nay anh/cô không tử tế với tôi như thế?” Ta nghe thấy điều đó thật trọn vẹn, ta nhận diện hoàn toàn lời nói đó và ta đón nhận nó, ôm ấp nó bằng tất cả tình thương và lòng bi mẫn ứa ra từ chính trái tim của chính mình trước khi ta làm bất cứ một hành động nào hay một phản ứng nào. Sự thực tập của chúng ta là trở về an trú nơi bốn lãnh vực quán niệm, đón nhận và ôm ấp những gì ta đang cảm nhận, kinh nghiệm qua ngay trong tự thân của mình. Ta hãy khoan làm gì cả. Ta học cách cắm rễ vào tự thân. Đó là sự thực tập chánh niệm.

Chúng ta học cách quay trở về gốc rễ đầu tiên là thân thể của chúng ta và thực tập ôm ấp thương yêu thân thể của mình.

Gốc rễ thứ hai là cảm thọ, cảm giác hay cảm nhận của chúng ta – đó là trường năng lượng sinh học trong cơ thể chúng ta. Cảm thọ là gốc rễ thứ hai, lãnh vực quán niệm thứ hai mà chúng ta ý thức đến để năng lượng chánh niệm có thể được phát khởi, duy trì và được lớn mạnh lên: “Tôi hoàn toàn có ý thức sáng tỏ về những gì tôi đang cảm giác hay cảm nhận trong tôi. Và tôi đón nhận nó, ôm ấp nó bằng tất cả tình thương và lòng bi mẫn của chính tôi”. Chúng ta hãy thực tập để đừng bị cuốn trôi đi trước mọi hoàn cảnh mà hãy tập trở về và cắm rễ nơi lãnh vực quán niệm thứ hai là cảm thọ, niệm thọ. Chúng ta hoàn toàn nhận biết những cảm giác bất an khổ đau và tập cho tâm thức dừng lại đứng yên. Trong bài nói chuyện trước, tôi đã đưa ra hình ảnh một con cá đứng yên trong hồ để làm ví dụ về hoạt động của tâm thức được dừng lại và đứng yên. Chung quanh hồ gợn sóng nhưng có những con cá đứng yên bất động. Những con cá khác di chuyển liên tục quanh hồ, theo những gợn sóng. Nhưng, giống như “con cá đang thực tập đứng yên”, tâm thức của chúng ta duy trì sự quán niệm liên tục và bền vững nơi cảm thọ, niệm thọ sẽ từ từ trở nên an định và vững vàng.

Gốc rễ thứ ba mà chúng ta có thể thiết lập chánh niệm là các hiện tượng tâm lý hay còn gọi là tâm hành của chúng ta, lãnh vực quán niệm thứ ba. Đó là sự thực tập quán niệm tâm hành trong tâm hành hay niệm tâm. Cũng như sự thực tập niệm thân và niệm thọ, chúng ta thực tập ôm ấp mọi nỗi buồn đau mà chúng ta trải qua với tất cả tình thương và lòng bi mẫn ứa ra từ chính trái tim của chính mình. Chúng ta không để nỗi buồn đau lan rộng, chúng ta học cách ôm lấy nó bằng tất cả tình thương của chính mình, vì khi nỗi đau lan rộng ra thì rất khó rút lại. Ví dụ: khi người thương của chúng ta nói: “Sao hôm nay anh/cô không tử tế với tôi như thế?” thì ta bắt đầu bùng nổ, ta bắt đầu nói những điều tiêu cực và như vậy mối quan hệ sẽ bị đổ vỡ rất nhiều. Chúng ta gây ra một vết thương trong mối quan hệ mà sau này sẽ rất khó hàn gắn. Trong các mối quan hệ bình thường hằng ngày, chúng ta cần học cách nhận diện và ôm ấp ngọn lửa bên trong mình – ngọn lửa giận dữ, trầm cảm, buồn bã và sợ hãi – và không để năng lượng này bùng nổ. Điều đó rất quan trọng. Vì vậy, tâm hành hay những cảm xúc là gốc rễ thứ ba mà chúng ta cần thiết lập chánh niệm, cần trở về để học cách cắm rễ.

 

 

Gốc rễ thứ tư là nhận thứctri giác của chúng ta về cuộc sống. Nhận thức hay tri giác là lãnh vực quán niệm thứ tư. Nhận thức thông thường của chúng ta là chúng ta có một cái ngã riêng biệt, “cái tôi”. Và cái tôi này hoàn toàn hiện hữu độc lập và “tách biệt” với toàn thể vũ trụ. Và chúng ta luôn luôn bảo vệ cái tôi này, coi cái tôi này là điều cao quý nhất trên đời, và coi bản thân ta là trung tâm điểm của toàn thể vũ trụ. Nhưng cái tôi này chỉ là một sản phẩm được tạo dựng nên trong tâm thức của chúng ta. Có một sự thật, đó là sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào người khác. Chúng ta không thể nào tồn tại được một mình. Trở lại ví dụ về người thương của chúng ta, khi họ nói: “Sao hôm nay anh/cô không tử tế với tôi như thế?”, chúng ta liền tìm mọi cách chống trả để tự vệ; để chứng tỏ thể diện của TÔI, bản thân TÔI rất là cao quý. Có lẽ người thương của chúng ta không hề có ý lên án toàn thể hiện hữu của chúng ta, toàn thể con người và nhân phẩm của chúng ta. Ngôn ngữ rất dễ gây sự hiểu lầm. Anh/cô ấy có thể chỉ đang biểu lộ một cảm giác bực bội nhỏ nhoi, một sự thất vọng nho nhỏ. Nhưng chúng ta đồng nhất sự biểu lộ những cảm giác tiêu cực nhỏ nhoi này với sự phán xét về toàn thể con người chúng ta. Chúng ta coi đó là lời nhận xét rằng chúng ta hoàn toàn không tử tế, và vì vậy chúng ta tìm mọi cách để tự bảo vệ mình, bảo vệ cái tôi của mình.

Trong bất kỳ một mối liên hệ nào giữa con người và con người, nhận thức và tri giác của mỗi bên về phía bên kia đều mang tính chủ quan và vì thế không ai hoàn toàn đúng, không ai hoàn toàn sai. Điều này cũng đúng với những quan hệ hỗ tương ở qui mô rộng lớn hơn giữa những quốc gia khác nhau trên thế giới. Trong bất kỳ một cuộc xung đột nào, mỗi bên đều có quan điểm và nhận thức riêng. Những quan điểm và nhận thức đó đúng ở một phương diện nào đó và sai ở một phương diện nào đó. Nếu chúng ta chỉ hành động dựa trên trí năng và suy tư lý luận, chúng ta sẽ không thể nào hòa giải được những dị biệt một cách công bằng và hợp lý, vì mỗi bên đều có sự thật riêng của chính mình. Chúng ta sẽ không thể tìm ra phương án để hai bên có thể cùng nhau chung sống và giải tỏa các xung đột dị biệt. Nhưng nếu mỗi bên của cuộc tranh chấp có thể mở lòng ra và nhìn các mâu thuẫn và xung đột đó bằng trái tim xót thương thì mỗi bên đều có thể nhận ra được rằng con người ai ai cũng đều có nhu yếu được sống trong an toàn, bình an và có thể mưu sinh. Chúng ta có thể đi đến một giải pháp. Chắc chắn đó sẽ không phải là một giải pháp hoàn hảo nhưng ít nhất chúng ta có thể cùng nhau chung sống và tồn tại.

Tuy vậy, ngay trong các mối liên hệ của một gia đình – trong các mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái – chúng ta thấy cũng rất khó để thực tập sống và hành xử như thế. Chúng ta thường rơi vào cái bẫy của lý trí, suy tư và lý luận để đi tìm cái đúng và cái sai. Chúng ta sử dụng lý trí và sự suy luận của mình để nhìn mọi sự việc, mọi hoàn cảnh. Kết quả là chúng ta không thấy nhiều cặp có thể duy trì được mối quan hệ đôi lứa của mình kéo dài cho suốt 30, 40 hay 50 năm. Có lẽ lúc đầu các cặp vợ chồng nam nữ rất thương yêu nhau và muốn chia sẻ cuộc sống của mình cho người kia. Nhưng rất tiếc chỉ sau 5, 10 hay 15 năm, mối quan hệ của họ bị tan vỡ. Họ không thể tiến xa hơn được vì họ chỉ có thể nhìn người bạn đời của mình bằng suy tư lý luận, bằng đúng sai và trách móc giận hờn. Nhưng nếu chúng ta thực tập trở về sống với tâm thương yêu, ôm ấp sự sống bằng trái tim thương yêu và chấp nhận, thì chúng ta cũng đang bắt đầu phát triển năng lượng chánh niệm.

 

 

Năng lượng chánh niệm làm phát sinh năng lượng tình thương và lòng từ bi. Chỉ với tình thương và lòng từ bi chúng ta mới có thể sống chung và chấp nhận lẫn nhau. Với lý trí và suy tư lý luận thì rất khó để chấp nhận nhau và để sống chung với nhau, nhưng khi chúng ta sống bằng tâm thương yêu của trái tim thì việc đó lại dễ dàng hơn nhiều. Khi chúng ta thực tập cắm rễ vào bốn lãnh vực quán niệm – thân thể, cảm thọ, tâm hành và nhận thức – chúng ta làm lắng dịu năng lượng bạo động và những ngọn lửa trong tâm của chúng ta. Năng lượng chánh niệm là một năng lượng mầu nhiệm để chữa lành và trị liệu các vết thương trong ta. Trong mỗi người chúng ta luôn luôn có nhiều niềm đau nỗi khổ trong cơ thể và cảm thọ, trong tâm hành và nhận thức. Khi chúng ta thực tập trở về cắm rễ nơi bốn lãnh vực quán niệm, để đón nhận những kinh nghiệm sống qua bốn lãnh vực đó với tất cả tình thương và lòng bi mẫn ứa ra từ chính trái tim của chúng ta, năng lượng từ bi bắt đầu chữa lành và trị liệu cho chúng ta. Đó là cách duy nhất mà chúng ta có thể sống với một người khác. Không có năng lượng từ bi thương yêu, người khác luôn làm những việc mà lý trí của chúng ta không thể chấp nhận được.

Vì vậy, mỗi người trong chúng ta hãy nên học cách trau dồi năng lượng của chánh niệm và thực tập cắm rễ vào bốn lãnh vực quán niệm. Trong chúng ta ai cũng đều có tiềm năng sống một cuộc sống chánh niệm. Ai cũng có tiềm năng phát triển lòng từ bi và một đời sống chánh niệm. Bụt đã xác định với chúng ta điều đó. Ngài gọi tiềm năng này là “tính Bụt” (hay “Phật tánh”). Chính tiềm năng này bên trong mỗi chúng ta có thể làm phát sinh năng lượng từ bi. Nhưng chúng ta cần phát triển tiềm năng này. Chúng ta cần phải thực tập để có thể chung sống hòa bình với nhau.

Tôi đã chứng kiến nhiều cặp vợ chồng tiếp tục sống không hạnh phúc với nhau, tiếp tục dằn vặt nhau, hành hạ lẫn nhau và làm cho nhau tràn ngập khổ đau. Chúng ta không cần phải sống một cuộc sống đầy khổ đau như vậy. Chúng ta có thể sống chung với nhau trong bình an, hòa ái, thương yêu và chấp nhận lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau cùng lớn lên và trưởng thành. Ta có thể làm được điều đó. Tôi đã chứng kiến những liên hệ vợ chồng bị tan vỡ, vì một trong hai người (hoặc cả hai) không biết nuôi dưỡng năng lượng chánh niệm, lòng từ bi trong mình. Người đó gây ra nhiều đau khổ trong mối quan hệ. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm với chính mình và với người khác. Mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm về phần của mình. Trong bất kỳ cuộc xung đột nào, không phải chỉ một bên mắc phải sai lầm. Lầm lỗi luôn xảy ra ở cả hai phía. Xung đột nảy sinh do sự lẫn lộn, ảo tưởng và thiếu hiểu biết sáng suốt của cả hai bên. Không bao giờ chỉ là phần lỗi của một bên.

Nếu chúng ta thực tập chánh niệm để trở về với tự thân, học cách chăm sóc tự thân, ôm ấp và trị liệu những thương tích trong thân tâm của mình bằng tình thương, để cho những so đo phân biệt của trí năng được lắng dịu xuống, chúng ta sẽ nhận ra được nhiều điều. Đó là lý do tại sao chánh niệm được gọi là sự trọn đầy (toàn vẹn) của tâm trí = mindFULness. “Full” có nghĩa là tròn đầy, vì thế khi chánh niệm có mặt, tâm chúng ta sẽ không bị xé ra thành những mảnh vụn rời rạc. Như thế với năng lượng chánh niệm chúng ta sẽ có cái nhìn, cái thấy trọn vẹn, đầy đủ, viên mãn hơn về sự vật, hiện tượng. Vì vậy, hãy trở về với chính mình, ôm ấp lấy bản thân mình thật sâu sắc với tình thương và lòng từ bi. Từ mâu thuẫn trong gia đình đến mâu thuẫn giữa các quốc gia, dân tộc, con người chúng ta cần học được bài học thương yêu và chấm dứt mọi hành vi mang tính hủy diệt, bạo động. Chúng ta cần thực tập để tâm chúng ta được lắng dịu lại và ôm ấp những nỗi buồn, khổ đau của mình bằng tất cả tình thương và lòng từ bi sâu đậm. Từ tình thương, lòng từ bi sâu đậm và khả năng chữa lành và trị liệu cho chính mình, chúng ta có thể giúp người khác được chữa lành và trị liệu.

 

 

Hôm nay tất cả chúng ta đều cùng có nỗi đau chung với người Palestine và người Israel. Họ cần sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và từ mỗi chúng ta. Là con người, tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về chiến tranh, dù cuộc chiến tranh bùng nổ ở bất cứ nơi nào. Chúng ta có bổn phận và trách nhiệm nuôi dưỡng tâm thương yêu và lòng từ bi sâu đậm. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách giải quyết những xung đột trong tự thân, trong gia đình, trong mối quan hệ với bạn bè, xã hội và đất nước của chúng ta. Chúng ta có bổn phận và trách nhiệm phải làm điều đó. Để con cháu chúng ta có được tương lai, điều quan trọng là tất cả chúng ta đều phải tu tập.

Thế giới dường như đang ngày càng khó khăn hơn, với cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu và giờ đây lại có thêm một cuộc chiến được tái diễn tại Trung Đông. Biểu hiện này của tâm thức cộng đồng là dấu hiệu cho thấy tất cả chúng ta cần phải quay về với chính mình và tự hỏi: “Gia đình mình đang có được bình an hay không?” “Chúng ta đang có được bình an trong mối quan hệ với cha mẹ, với bạn đời, con cái, xã hội của chúng ta hay không?” Nếu chúng ta không có sự bình an trong tất cả các mối quan hệ này, một ngày nào đó năng lượng khổ đau này sẽ ngập tràn thành tâm thức cộng đồng và sẽ biểu hiện ra ở nơi này hay nơi nọ trên thế giới.

Con đường thoát ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay không phải là do lời nói hay lý luận mà do khả năng thực tập chánh niệm để nuôi dưỡng năng lượng từ bi trong mỗi chúng ta để chúng ta có thể góp phần thay đổi tình trạng của cả thế giới. Đây là một nhu cầu rất cấp bách. Tất cả chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm thực tập. Chúng ta cần trở về bản chất cơ bản của nhân sinh và thực tập cắm rễ vào bốn lãnh vực quán niệm. Từ nhận thức quan Phật giáo, tôi tin rằng đây là con đường thoát duy nhất.

Nuôi Dưỡng Lòng Từ Bi khi có Chiến Tranh (phần 1)

(Trích pháp thoại của thầy Pháp Ấn trong khoá tu tại Tyrol, Áo, ngày 12 tháng 10 năm 2023)

Sự bùng nổ của cuộc chiến tranh ở Trung Đông trong những ngày vừa qua đã khiến cho cả thế giới bị dao động và bất an. Quả thật là một niềm đau rất lớn của cả nhân loại khi chúng ta chứng kiến sự giết chóc của cả hai bên tham chiến. Tôi tự hỏi: “Loài người chúng ta có thể cùng sống chung với nhau trong hòa bình thân ái được không?”

Là con người, trong một ý nghĩa chừng mực nào đó, chúng ta rất may mắn vì chúng ta có ý thức, có lý trí và có thể suy tư với khả năng lý luận. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vẫn bị bất lực trước những cảm xúc mạnh và phần lớn chúng ta không thể vượt qua được những cảm giác khó chịu khổ đau. Cách hành xử của chúng ta vì vậy có thể rất là tiêu cực đưa đến sự đổ vỡ tàn hại cho chính chúng ta và cho những người khác. Ta có thể có được bình an thực sự không? Ta có thể hiến tặng bình an cho chính mình và cho những người chung quanh không?

 

 

Gần ba mươi năm trước, trong một khóa tu ở Mỹ với Sư Ông Làng Mai, tôi đã chia sẻ với các bạn thiền sinh trong một bài pháp thoại rằng cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại trong lòng tôi một nỗi đau sâu thẳm và vì thế từ từ tôi bị rơi vào tâm thức trầm cảm trong nhiều năm. Cho đến khi về Làng Mai nhờ thiền tập tôi mới hiểu ra vết thương trong lòng tôi là kết quả khi phải đối diện với cuộc chiến tranh Việt Nam trong lúc tôi chỉ mới là cậu bé 4-5 tuổi. Các bạn thiền sinh hỏi tôi có bao giờ mong ước để cuộc chiến xảy ra ở một nơi nào khác trên thế giới thay vì đã xảy ra ở Việt Nam không. Tôi nói rằng điều đó không thực sự quan trọng vì dù chiến tranh ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi nào khác, đó là chỉ là sự biểu hiện của tâm thức cộng đồng, của năng lượng hủy diệt nằm sâu trong tâm thức loài người.

Khi chúng ta tức giận, chúng ta góp phần tạo ra năng lượng hủy diệt trong tâm thức cộng đồng. Khi chúng ta sợ hãi, lo lắng, trầm cảm và buồn bã, chúng ta đang đóng góp vào nguồn năng lượng tiêu cực này. Nhiều người trong chúng ta đang đau khổ rất nhiều nhưng không biết rằng mình đang bị đau khổ. Vì thế, chúng ta vung vãi những năng lượng khổ đau đó của chúng ta cho những người chung quanh. Chúng ta tự gây đau khổ cho chính mình và chúng ta gây đau khổ cho những người khác.

Điều đó cho chúng ta nhận ra tầm mức quan trọng của sự giác ngộ về Tứ Diệu Đế của Bụt, hay bốn sự thật chân chính được các bậc Giác ngộ và các bậc Thánh bỗng trực nhận ra khi nhìn sâu vào bản chất của sự sống và vào hoạt động tâm thức của các Ngài. Vậy các bậc Giác ngộ đã trực nhận ra điều gì? Các bậc Giác ngộ đã trực nhận ra rằng có những đau khổ đang biểu hiện ra trong sự sống, trong thân và trong tâm của các Ngài. Các Ngài bỗng trực nhận ra rằng, là con người, chúng ta ai cũng có những bất an và đau khổ và chính các Ngài – những bậc Giác ngộ – cũng có những bất an và đau khổ. Khi thực sự ý thức được điều này ngay trong tự thân của chúng ta, chúng ta bắt đầu thức tỉnh và cảm thấy mình phải cần phải làm một cái gì đó để chăm sóc nỗi đau khổ này. Tuy nhiên, thường thì chúng ta không thật sự có mặt cho thân và tâm của chúng ta. Vì thế, ít khi nào chúng ta trực nhận ra rằng mình đang có những bất an và đau khổ.

Theo giáo lý đạo Bụt, biết mình đang đau khổ, đó là giác ngộ. Tất cả chúng ta đều có khổ đau, bất kể chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nào. Chúng ta hầu như không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Thí dụ, chúng ta đang ngồi và rồi chỉ trong một vài phút, chúng ta lại muốn thay đổi tư thế của mình. Chúng ta phải di chuyển để giảm bớt cảm giác bất an trong mình. Cứ như vậy suốt cả ngày, lúc thức cũng như ngủ, chúng ta luôn luôn trăn trở, bất an.

 

 

Hãy lấy ví dụ về một hồ nước. Chúng ta có thể hiểu được một phần nào về trạng thái của tâm thức giác ngộ khi ngắm nhìn những con cá đang bơi lội trong hồ. Hoạt động tâm thức của chúng ta cũng tựa như sự di chuyển của các con cá đang đi vòng quanh trong cái hồ nhỏ hẹp. Chúng ta thấy hầu hết những con cá đều di chuyển liên tục. Tâm thức chúng ta cũng vậy không lúc nào có thể dừng lại. Một vài con cá đứng yên chính là những con cá đã giác ngộ. Tâm thức yên tĩnh có khả năng an trụ là một tâm thức giác ngộ. Những con cá đang di chuyển không ngừng vì chúng chưa giác ngộ. Những con cá đó đang đi đâu vậy? Cái hồ thì quá nhỏ. Chỉ có những con cá di chuyển không ngừng mới cảm thấy sự hạn hẹp của cái hồ. Còn những con cá đang đứng yên sẽ không cảm thấy bị giới hạn bởi chu vi của bờ hồ nên những con cá đứng yên đó được giải thoát, được tự do. Tâm thức di chuyển không ngừng sẽ luôn luôn cảm thấy bị tù túng chật chội. Tâm thức an trụ là tâm thức giải thoát vượt ra ngoài tất cả các biên giới và đối đãi. Trong nhà Phật chúng ta gọi đó là tâm thức của trời phương ngoại, phương ngoại phương.

Đức Bụt, Đấng Giác ngộ, đã thức tỉnh được gốc rễ khổ đau của loài người. Và gốc rễ đó là gì? Nhìn sâu vào tự thân, chúng ta thấy rõ chúng ta là một cơ thể sống năng động, nghĩa là chúng ta thường ở trong trạng thái động và luôn luôn cảm thấy bất an vì bất an là một cơ chế phản hồi của sự sống đang lưu chuyển. Đức Bụt gọi sự sống năng động luôn thay đổi đó là vô thường, và những tín hiệu bất an thường trực đó là khổ hay không thỏa mãn, bất như ý. Vô thường và khổ hay bất an là bản chất của sự sống. Luôn luôn có sự bất an nào đó trong cơ thể, trong tâm trí của chúng ta. Là một hệ thống năng động, chúng ta muốn đạt được sự hài hòa nào đó, sự cân bằng nội tại nào đó bên trong chúng ta qua những tín hiệu phản hồi của bất an. Chúng ta luôn luôn không ngừng tìm kiếm một trạng thái cân bằng. Bụt gọi đó là ham muốn (tham ái). Gốc rễ của đau khổ là tham ái, ham muốn sự ổn định, khao khát… một điều gì đó.

Để làm êm dịu, ngưng lắng sự thúc đẩy của tham ái, Sư Ông Làng Mai đã đem tuệ giác này của Bụt ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày qua sự thực tập tiếng chuông chánh niệm. Tiếng chuông chánh niệm thường được thỉnh vào những thời điểm khác nhau trong sinh hoạt hằng ngày. Đó là một sự thực tập giúp đưa ta trở lại trạng thái của con cá đứng yên, nghĩa là chúng ta tập dừng lại sự thúc đẩy của tham ái biểu hiện qua ba nghiệp thân, khẩu và ý. Chúng ta đang di chuyển, tiếng chuông vang lên và chúng ta tập dừng lại. Chúng ta quay trở lại với hơi thở vào và hơi thở ra. Chúng ta học cách lắng yên ba nghiệp với hơi thở của mình. “Ý thức hơi thở vào, tôi thở vào; ý thức hơi thở ra, tôi thở ra. Cảm nhận sự mầu nhiệm của hơi thở khi được thở vào; cảm nhận sự mầu nhiệm của hơi thở khi được thở ra”. Sau vài hơi thở có ý thức, chúng ta làm dịu đi sự ham muốn về thân cũng như về tâm.

Đứng về phương diện chức năng của hơi thở, khoa học cho chúng ta biết hơi thở gồm có hai chu kỳ: chu kỳ vào và chu kỳ ra. Là con người, chúng ta có hai phần trong hệ thống thần kinh tự trị (autonomic nervous system) để làm cho những hoạt động trong cơ thể của chúng ta được cân bằng và hài hòa. Phần hệ thống thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system) hoạt động với chu kỳ thở vào. Chúng ta lấy oxy vào và sẵn sàng hoạt động; sẵn sàng để chạy hoặc làm bất cứ hoạt động gì. Hệ thống thần kinh giao cảm kích hoạt một phần trong chúng ta được gọi là “hoạt động” (“doing”). Phần hệ thống thần kinh đối giao cảm (parasympathetic nervous system) hoạt động với chu kỳ thở ra. Đó là một phần của hệ thống thần kinh giúp chúng ta “thư giãn”. Nó kích hoạt phần “an trú” (“being”) – chỉ có mặt an trú với những gì đang xảy ra và thư giãn. Vì vậy, chúng ta có chu kỳ vào và chu kỳ ra, cộng với ý thức của chúng ta về hơi thở.

 

 

Sự tham ái về mặt sinh lý học (physiology) trong mỗi chúng ta xuất phát từ sự bất hòa hoặc “không đồng bộ” giữa hai khía cạnh này trong hơi thở của chúng ta – có khi do tác động quá nhiều của hệ thần kinh giao cảm hoặc cũng có khi do tác động quá nhiều của hệ thần kinh đối giao cảm. Khi chúng ta chiếu ánh sáng tỉnh thức (mindfulness) vào hai chu kỳ này, điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Năng lượng của thương yêu xuất phát từ sự thắp sáng năng lượng tỉnh thức này bắt đầu bao trùm hơi thở vào và hơi thở ra. Các chu kỳ bắt đầu đồng bộ với nhau, đi vào trạng thái cân bằng và hài hòa. Chúng ta bắt đầu có cảm giác hạnh phúc bên trong mình.

Khi chúng ta rèn luyện bản thân để ý thức được hơi thở vào và hơi thở ra của mình càng nhiều thì những cảm giác bất an trong chúng ta – như chúng ta đang thiếu thứ gì đó, hoặc chúng ta cần tìm kiếm thứ gì đó để đảm bảo hạnh phúc và an lạc của mình – sẽ bắt đầu lắng xuống và từ từ chuyển hoá. Bình an là cảm giác có được khi chúng ta có cảm giác hạnh phúc sâu sắc bên trong mình, khi chúng ta cảm thấy an trú được ngay trong phút giây hiện tại, bây giờ và ở đây. Vậy thì bình an là điều có thể thực hiện được không? Theo Bụt thì có thể. Nhưng chúng ta cần phải rèn luyện chính bản thân mình. Nó không phải là thứ được trao cho chúng ta một cách tự động. Chúng ta có khả năng bình an. Nhưng chúng ta cần phải thực tập để biến nó thành hiện thực.

Sư Ông Làng Mai đã từng nói: “Không có con đường đưa đến hòa bình và an lạc, nếp sống hòa bình và an lạc, đó chính là con đường”. Hòa bình và an lạc không phải là một trạng thái chúng ta sẽ đạt tới được trong tương lai, mà nó là một nếp sống, một con đường thực tập. Đó là một nếp sống trong đó chúng ta học cách điều hòa hai chu kỳ thở để về mặt thể chất, chúng ta có thể cảm nhận được rằng hai phần của hệ thần kinh của chúng ta đạt được sự hòa điệu.

Với sự bùng nổ chiến tranh vào đầu năm ngoái[1] giữa Nga và Ukraine, và bây giờ[2] lại có thêm chiến tranh ở Trung Đông, mỗi người trong chúng ta rất cần phải thực tập ngay để có được sự bình an và có thể cùng chung sống hòa bình thân thiện với những người chung quanh. Cả thế giới cần thực tập nuôi dưỡng sự bình an và khả năng sống chung hòa bình giữa các chủng tộc, quốc gia và văn hóa khác nhau. Những khó khăn và khủng hoảng trên thế giới không thể được giải quyết bởi một nhóm người, mà đòi hỏi một nỗ lực toàn cầu. Cả thế giới cần thực tập chế tác hòa bình. Khi có chiến tranh, những lời dạy của Bụt cần được lan truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội và trên khắp thế giới, bởi vì những trạng thái dao động bất an, rối loạn và lo âu luôn hiện diện trong mỗi chúng ta. Chúng ta cần thực tập làm lắng dịu những cảm xúc này. Bụt dạy rằng điều đó có thể thực hiện được khi chúng ta biết cách nuôi dưỡng năng lượng tỉnh thức – còn được gọi là năng lượng chánh niệm.

Chánh niệm là khả năng có mặt và ý thức trọn vẹn những gì đang diễn ra trong ta và chung quanh ta trong giây phút hiện tại, ngay bây giờ và ở đây. Thông thường, sự không hòa hợp giữa hơi thở vào và hơi thở ra làm phát sinh sự bất hòa giữa thân và tâm chúng ta. Cũng giống như hơi thở vào và hơi thở ra, thân và tâm của chúng ta thường không hợp nhất với nhau. Thân thể chúng ta hiện diện ở đây nhưng tâm trí chúng ta lại đang rong ruổi một nơi nào khác. Thân thể chúng ta nói: “Xin làm ơn quay lại để chăm sóc cho tôi đi!” Nhưng tâm trí chúng ta nói: “Đợi một chút, ngoài kia còn nhiều thứ hấp dẫn lắm”. Thân thể nói: “Khổ quá, tôi đang đau.” Tâm trí nói: “Đừng lo lắng gì cả. Tôi sẽ quay lại trong chốc lát”.

Điều này cũng xảy ra trong các mối quan hệ của chúng ta. Sự bất hòa giữa thân và tâm của chúng ta sẽ dẫn đến sự bất hòa trong môi trường sống, từ trong gia đình đến xã hội, từ quốc gia này đến các quốc gia khác và trên toàn thế giới. Đó chính là cách thức vận hành và lớn lên của khổ đau. Từ một sự bất an rất nhỏ trong thân thể và tâm trí của chúng ta, nó lan tỏa ra và biểu hiện ngày càng lớn hơn… đến các mối quan hệ khác nhau và cuối cùng là lan ra toàn thế giới. Đôi khi những người thân yêu của chúng ta rất đau khổ nhưng chúng ta hoàn toàn không hay biết. Tâm trí của chúng ta đang ở một nơi khác. Chúng ta không chú ý đến những đau khổ đang diễn ra trong gia đình mình với người bạn đời, con trai, con gái của mình. Chúng ta không có mặt ở đó cho họ. Chúng ta hoàn toàn không có chánh niệm với những gì đang xảy ra chung quanh ta. Chúng ta đang bận rộn với các dự án, công việc kinh doanh khác nhau. Những bất an lo âu của cá nhân dần dần lan rộng thành bất an lo âu của tâm thức cộng đồng và gây ra khổ đau trên toàn thế giới.

Nếu chúng ta mong muốn thay đổi hoàn cảnh, Bụt khuyên chúng ta nên bắt đầu bằng việc thực tập chánh niệm. Đầu tiên, hãy học cách quay trở về và thiết lập sự hài hòa trong hơi thở của chúng ta: “Thở vào, ý thức đây là hơi thở vào; thở ra, ý thức đây là hơi thở ra. Trở về với hơi thở, cảm nhận hơi thở và cảm thấy an lạc với hơi thở của mình”. Tiếp đó: “Ý thức về thân thể; cảm nhận thân thể và buông bỏ những căng thẳng trong thân thể… Ý thức về tâm ý và làm lắng dịu những căng thẳng trong tâm ý…” Chúng ta thực hành như vậy suốt cả ngày.

 

 

Đôi khi chúng ta chỉ muốn sống cho chính mình nhưng lại không biết cách để thật sự thương yêu và chăm sóc cho chính mình. Vì thế, chúng ta không đủ nhạy cảm để cảm nhận về người khác và những nhu yếu của họ. Điều này sẽ thay đổi khi chúng ta học cách trở về và làm cho hơi thở chúng ta trở nên hài hòa êm dịu. Năng lượng chánh niệm giúp cho chúng ta tạo nên sự hài hòa trong thân và trong tâm của ta. Dần dần với ý thức và năng lượng chánh niệm chúng ta học được bài học từ bi, thương yêu đối với bản thân. Từ đó, lòng từ bi của chúng ta đối với thế giới bên ngoài bắt đầu được nảy nở và tỏa rộng ra. Chúng ta từ từ học được bài học thương yêu, ôm ấp và chấp nhận toàn bộ sự sống đang biểu hiện mầu nhiệm chung quanh ta từ bạn bè, gia đình cho đến xã hội, quốc gia và cho cả thế giới. Trong hoàn cảnh chiến tranh và tao loạn hiện nay, đó là nhu cầu lớn mà cả thế giới và nhân loại đang cần. Chúng ta cần nâng đỡ nhau, yêu thương nhau để toàn thể nhân loại có thể cùng nhau tiến xa hơn nữa trong quá trình tiến hóa của loài người. Sự tồn tại của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều khi chúng ta có thể tồn tại cùng với những người khác chung quanh mình. Quả thật là rất đẹp, đầy ý nghĩa trọn vẹn và nhân tính cao cả nếu người Israel có thể chung sống hòa bình bên cạnh người Palestine ở Gaza. Và quả thật sẽ rất là đẹp, đầy ý nghĩa trọn vẹn và nhân tính cao cả nếu người Palestine có thể chung sống hòa bình bên cạnh người Israel.

Giống như một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ, cuộc sống cũng cần có sự đa dạng trọn vẹn đầy đủ muôn màu muôn vẻ. Chúng ta cần thực tập để có được cái nhìn rộng rãi, cởi mở và bao dung. Cách nhìn, cách thấy đó được gọi là chánh niệm. Đó là năng lượng thương yêu chấp nhận toàn bộ sự sống với muôn màu muôn vẻ của nó. Đó là năng lượng bao trùm ôm ấp mọi thứ và hạnh phúc với mọi thứ. Đó chính là ý nghĩa của danh từ chánh niệm, được viết trong tiếng Anh là “mindFUL”. Đó trạng thái của một tâm thức “trọn vẹn, tròn đầy”, tâm thức giác ngộ và giải thoát. Trong đời sống hằng ngày, rất nhiều khi tâm thức chúng ta không được như vậy, mà trái lại luôn luôn bị phân chia thành những mảnh vụn rời rạc, đầy dẫy những vướng mắc và chấp trước. Vì thế, cùng với tất cả những người khác trên thế giới này, chúng ta cùng nhau tạo dựng nên một thế giới đầy phân ly, chia rẽ và để cùng nhau hiện hữu trong khổ đau, tranh chấp và rối loạn. Sự thực tập chánh niệm giúp cho tâm thức chúng ta trở nên sáng tỏ trọn vẹn và tròn đầy viên mãn. Khi đạt được trạng trái tâm thức này, chúng ta không loại trừ bất cứ một ai. Chúng ta học được cách mở lòng ra để ôm ấp và chấp nhận được toàn bộ sự sống. Khi chúng ta thực hành theo cách này, tâm trí chúng ta tràn đầy thương yêu và đạt được sự bình yên sâu lắng trong tâm hồn.

Theo kinh Hoa Nghiêm, trong cảnh giới không thể nghĩ bàn, bất khả tư nghị giải thoát của Bụt, tâm của Bụt rộng lớn bao la bao trùm toàn thể vô số, vô lượng, vô biên vũ trụ. Đó là tâm thức chánh niệm cao tột thâm sâu bất khả tư nghị của Bụt. Vì lẽ đó, theo kinh Hoa Nghiêm, Bụt chỉ thị hiện giác ngộ tại Bồ Đề Đạo tràng ở Ấn Độ. Và trong sự thật tuyệt đối, Bụt, đã, đang và sẽ mãi mãi ngồi yên bất động tại Bồ Đề Đạo tràng. Sự chánh niệm trọn vẹn tuyệt đối này của Bụt được gọi là Pháp thân (dharmakaya) của Bụt, một trong ba thân của Bụt. Pháp thân của Bụt có mặt khắp mọi nơi, bất động và pháp thân đó đã có mặt từ vô thủy và sẽ tiếp tục ở đó cho đến vô chung. Năng lượng chánh niệm của Bụt luôn tròn đầy, rộng mở, bao la, vĩ đại và trải rộng đến toàn thể vũ trụ. Vì vậy, Pháp thân của Bụt vẫn còn mãi. Bụt tiếp tục ở trong đại định tuyệt đối này trong thời gian vô tận. Pháp thân của Bụt bất động.

Phần lớn chúng ta chỉ biết biết đến Ứng thân hay Hóa thân (nirmanakaya) của Bụt. Đó là Ứng than Bụt đi khắp Ấn Độ để giảng dạy và là thân Bụt ứng hiện với mục đích cứu độ chúng sinh tùy theo nhu yếu và hoàn cảnh. Vì vậy, Bụt hiện thân làm người và đi khắp nơi giảng dạy. Theo kinh Hoa Nghiêm, có vô số hóa thân giảng dạy giáo pháp ở các cõi Bụt khác nhau. Có vô số chư Bụt trong tam thiên đại thiên thế giới.

Chúng ta cũng có Pháp thân: đó chính là mức độ chánh niệm của chúng ta, khả năng lan tỏa năng lượng đó ra thế giới bên ngoài. Càng thực tập chánh niệm, năng lượng chánh niệm của chúng ta càng ngày càng lớn mạnh và làm cho tâm trí chúng ta rộng mở và tròn đầy. Chúng ta có khả năng đón nhận mọi khác biệt; chúng ta có khả năng ôm ấp mọi thứ trong cuộc sống của mình. Chúng ta không muốn loại bỏ bất cứ ai; chúng ta không đối xử phân biệt kỳ thị với bất cứ một ai.

 

 

Chúng ta có thể dùng hình ảnh mà tôi đã đề cập ở trên, đó là sự chuyển động liên tục vươn về phía trước của những con cá để làm ẩn dụ cho khát vọng mong muốn những tư tưởng và khái niệm, những tư kiến và quan điểm nhận thức của riêng mình được những kẻ khác tuân theo. Chúng ta có một quan niệm nhất định về cuộc sống và chúng ta muốn người khác phải làm theo quan niệm đó. Chúng ta có một ý kiến nào đó và chúng ta đòi hỏi người khác phải làm theo ý kiến đó. Giống như con cá tìm cách rẽ nước để bơi tới phía trước, chúng ta tìm mọi cách để những ý kiến của riêng mình có thể được thực hiện. Chúng ta muốn buộc người khác phải làm theo ý kiến, ý tưởng riêng của chúng ta. Vì vậy, con cá ở trong lòng chúng ta không ngừng chuyển động để buộc người khác phải đi theo lối sống do chúng ta vẽ ra, qui định ra. Nhưng với sự thực hành chánh niệm thì sẽ khác. Chúng ta sẽ để cho người khác sống theo cách của họ. Chúng ta cho phép họ được là chính họ. Chúng ta cho phép họ sống. Chúng ta cho phép họ biểu hiện và chúng ta cho phép người khác cùng chung sống với chúng ta. Do đó có một sự thật, đó là có thể có những quan điểm, những ý kiến khác nhau, tuy vậy, vẫn có thể sống chung hòa hợp với nhau được. Đó chính là sự mầu nhiệm của năng lượng chánh niệm.

Với mức độ chánh niệm cao tột, Bụt có khả năng thương yêu, ôm ấp được tất cả mọi người, mọi loài chúng sanh hữu tình cũng như vô tình. Với sự giác ngộ vô thượng, trí tuệ viên mãn và từ bi vô lượng, Ngài đã hoàn toàn chấp nhận và ôm trọn vào lòng tất cả thế gian này: “Thế giới có thể gây chiến với tôi, nhưng tôi đã chấm dứt mọi chiến tranh. Tôi không gây chiến với ai cả”. Nói cách khác, Bụt đang nói: “Ta không có khó khăn mâu thuẫn xung đột với bất kỳ một ai trên thế gian này. Tâm trí ta hoàn toàn rỗng rang vô ngại tự tại. Ta hoàn toàn bình an. Ta là bình an”. Bụt có thể đạt đến trạng thái này vì Bụt đã không ngừng nuôi lớn chánh niệm, làm cho nó lớn mạnh đến không cùng.

[1] 24.02.2022

[2] 07.10.2023

 

Lễ xuất gia cây Toyon 24.09.2023

Trong chuyến hoằng pháp tại một số tiểu bang Hoa Kỳ (US Tour), 2023. Tăng thân đã tiếp nối những bước chân của Sư Ông mở các khoá cho hàng trăm người về tu tập tại ba trung tâm Bích Nham – tiểu bang New York, Mộc Lan – bang Mississippi và Lộc Uyển – bang California. 

Đại chúng càng hân hoan đón chào thêm sáu thành viên mới gia nhập vào tăng đoàn áo nâu vào ngày 24 tháng 9 vừa qua, khi phái đoàn về tới tu viện Lộc Uyển. Niềm vui lan toả cả vào núi rừng Đại Ẩn. Miền núi dốc cheo leo những ngày ấy xanh mơn mởn, hương núi rừng thơm trong gió. Bởi thế nên gia đình xuất gia này cũng được mang tên một loài cây đặc trưng của vùng Cali, gia đình xuất gia cây Toyon. Loài cây chịu được thời tiết khô cằn và khắc nghiệt của mùa hè nơi đây, mùa xuân cây khoe những đóm hoa sắc trắng nhỏ xinh và kết thành chùm trái đỏ thắm đến tận cuối năm. 

Gia đình xuất gia Toyon gồm có hai sư cô và bốn sư chú, ngày các vị xuống tóc có đông đảo sự chứng minh của 140 vị xuất sĩ có mặt và hộ niệm tại tu viện Lộc Uyển. Gia đình người thân của các vị cũng về tham dự, ai cũng hân hoan và vui với niềm vui của các vị, những con người từ bỏ hết các chức danh, sự nghiệp và gia đình riêng để đi theo con đường cao rộng, phụng sự cho đời. 

Ngay sau lễ xuất gia là hai khoá tu lớn diễn ra liên tiếp cho giới khoa học gia và khoá tu tiếng Việt. Các sư cô sư chú mới được tham dự vào dòng chảy và cống hiến với đại chúng trong những khoá tu ấy. 

Các sư cô sư chú mới có pháp tự: 

Chân Nhất Lâm (True One Forest) 真一林

Chân Ân Hạnh (True Gratitude Action) 真恩行

Chân Thuần Hạnh (True Adaptable Action) 真淳行

Chân Nhất Thiên (True One Sky) 真一天

Chân Nhất Điền (True One Field) 真一田

Chân Nhất Sơn (True One Mountain) 真一山

Kính gửi đại chúng những giây phút thiêng liêng và ấm áp trong lễ xuất gia của các sư cô sư chú: 

 

 

 

Lời thỉnh cầu cùng ngồi yên yểm trợ hoà bình thế giới

Mindfulness Concentration Insight

 

 

Đức Bụt, bậc Giác Ngộ đã thực chứng được sự giải thoát cao tột với nếp sống thánh thiện đầy an lạc, giải thoát và vững chãi trong thời đại đầy xung đột và bạo động của Ngài, đã không ngừng hiến tặng cho nhân loại một con đường đưa đến an lạc tự thân và hòa bình cho thế gian này. Ngài đã dạy rằng trên thế gian này không cách nào có thể dùng lòng hận thù để đối đáp lại được ngọn lửa của hận thù; mà chỉ có lòng từ bi mới có thể làm xoa dịu và dập tắt được sự thù hận mà thôi. Ngài gọi điều này là một chân lý vĩnh hằng, một qui luật thiên thu.

Cuộc xung đột hiện nay tại Trung Đông là những phản ứng và hành động kết quả từ một lịch sử phức tạp, kéo dài với những xung đột, khó khăn và bế tắc. Quả thật là một niềm đau rất lớn cho cả nhân loại khi chúng ta chứng kiến những gì đang diễn ra, đặc biệt là đối với những người dân vô tội của cả hai bên lâm chiến. Chúng tôi thành khẩn nguyện cầu tất cả những ai đang tham gia cuộc chiến hãy dừng lại ngay tất cả sự giết chóc và bạo lực. Chúng tôi biết điều này rất khó thực hiện, nhưng chúng ta không còn con đường nào khác. Không thể nào giải quyết được vấn đề và chấm dứt được khổ đau nếu tình trạng bạo động cứ tiếp tục diễn ra như hiện nay.

Thầy chúng tôi, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã trải qua thời kỳ chiến tranh dai dẳng của Việt Nam và đã dành cả cuộc đời mình hoạt động cho hòa bình, đã nói rằng con người không phải là kẻ thù của chúng ta. “Kẻ thù thật sự của chúng ta là hận thù, vô minh, sợ hãi và những hạt giống bạo động nằm sâu trong tâm thức của chúng ta.”

Với cách nhìn của đạo Bụt, những cuộc chiến ở Trung Đông, Ukraine cũng như những cuộc chiến khác đang xảy ra khắp nơi trên thế giới là một biểu hiện của tâm thức cộng đồng, của năng lượng hủy diệt tập thể có mặt trong chiều sâu tâm thức của cả nhân loại. Năng lượng hủy diệt này là nền tảng tạo ra khổ đau cho loài người. Là con cháu trong đại gia đình nhân loại, mỗi người trong chúng ta phải có trách nhiệm nhận ra khổ đau nơi chính mình và phải có bổn phận chuyển hóa những hạt giống bạo động thành năng lượng bình an thực sự trong tự thân.

Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách giải quyết những xung đột và mâu thuẫn trong đời sống hàng ngày của chúng ta, trong tự thân cũng như trong gia đình và trong mối tương quan với bạn bè và xã hội. Tất cả mọi người trên thế giới cần thực tập sống trong hòa bình và an lạc. Cùng sống chung với nhau luôn luôn là một điều có thể xảy ra được. Cùng ngồi chung để thảo luận và để đi đến những hòa giải, để tìm ra con đường thoát luôn luôn là một điều có thể thực hiện được. Chúng ta rất cần những cá nhân và tập thể biết sống với ý thức sáng tỏ như vậy trong cộng đồng nhân loại để góp phần đối trị và để tìm ra hướng đi và giải pháp cho những xung đột và khủng hoảng hiện nay trên thế giới.

Trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại, điều quan trọng nhất cho mỗi người chúng ta là trở về thực tập cắm rễ vào tự thân để có được sự vững chãi và để có thể làm lắng dịu những cảm xúc bất an và dao động của chính mình. Chúng tôi xin mời những người bạn Israel, Palestine, Ukraine, và tất cả những ai đang gánh chịu khổ đau trong các vùng đang có chiến tranh mâu thuẫn, hãy cùng ngồi yên với chúng tôi để cùng nhau chúng ta có thể làm lắng dịu ngọn lửa hận thù, để có thể dừng lại những hành động gây đau khổ và tàn hại, để có thể trải rộng tình thương, phát khởi tâm lượng từ bi và để tỏa chiếu sức mạnh, năng lượng của hòa bình và an lạc.

Những người bạn Israel và Palestine yêu quý của chúng ta đang rất cần sự yểm trợ của cả thế giới, của mỗi người trong chúng ta. Những người bạn đó cũng nên biết rằng cả thế giới đang chia sẻ những nỗi khổ niềm đau của họ, rằng chúng ta đang gửi đến họ tình thương và lời nguyện cầu cho họ được yên ổn và bình an. Đây là lúc để cả gia đình nhân loại tỏa rạng khả năng trí tuệ, từ bi, khoan dung và bình an trong mỗi chúng ta.

Như Thầy chúng tôi đã từng nói: “Không có con đường đưa đến sự hòa bình và an lạc, nếp sống hòa bình và an lạc, đó chính là con đường”.

Tất cả tổ tiên và con cháu của chúng ta đang trông cậy và đặt niềm tin vào khả năng tạo dựng một nếp sống hòa bình và an lạc ngay trên trái đất này của tất cả chúng ta.

Thương yêu và tin cậy,

 

 

 

Mindfulness Concentration Insight

 

Kính gởi Ngài Joseph R. Biden, Jr.

Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ

Được gởi qua email và trực tiếp bằng tay đến Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Berlin

Sứ mệnh Trung Đông của Ngài

Thư ngỏ từ Đạo Tràng Mai Thôn Quốc tế của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

 

Ngày 19 tháng 10 năm 2023

Kính thưa Ngài Tổng Thống,

Ngay vào thời điểm chiến tranh này, thế giới rất mong đợi Hoa Kỳ sử dụng ảnh hưởng của mình trong vùng Trung Đông để chấm dứt ngay lập tức việc sát hại và bạo lực đang tiếp diễn, và có thể đẩy nhanh thực thi sự viện trợ nhân đạo vào dải Gaza.

Thưa Tổng thống, từ kinh nghiệm thực tế của mình, Ngài thấy rõ rằng các mâu thuẫn và xung đột dù khó khăn đến mức độ nào cũng đều có thể được giải quyết một cách tốt đẹp nhất khi chúng ta đạt được tiến bộ trong những cuộc đàm phán hòa bình dù cho các cuộc hòa đàm có thể phức tạp đến đâu chăng nữa. Chắc chắn những đau khổ tại vùng Trung Đông không thể nào chấm dứt được nếu mọi sự vẫn tiếp diễn như hiện nay.

Từ tuệ giác thâm sâu của Đức Bụt, chúng tôi tin rằng, trên thế gian này không thể nào chúng ta có thể dùng lòng hận thù để đối đáp lại được ngọn lửa của hận thù; mà chỉ có lòng từ bi mới có thể làm xoa dịu và dập tắt được sự thù hận mà thôi. Cũng như Thầy chúng tôi, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, người đã cống hiến cả cuộc đời mình để xây dựng một nền văn hóa hòa bình cho nhân loại và kêu gọi sự chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam, từng nói: “Không có con đường đưa đến hòa bình và an lạc, nếp sống hòa bình và an lạc, đó chính là con đường”.

Trong chuyến công du mang tính lịch sử tại Việt Nam năm 2016, Tổng thống Obama đã tán thán quá trình chuyển hóa mối bang giao Việt Nam-Hoa Kỳ, dù trước đây hai nước đã có chiến tranh với nhau,và đã trích dẫn lời dạy của Thầy chúng tôi: “Trong một cuộc đối thoại đích thực, cả hai bên đều sẵn sàng mở lòng để thay đổi”. Quan hệ giữa hai đất nước Việt Nam và Hoa Kỳ minh chứng cho lời dạy đó, cũng như chuyến công du đến Hà Nội gần đây của Ngài đã xác định hơn nữa sự thật đó.

Là những học trò của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, hôm nay chúng tôi mạn phép đưa ra lời ngỏ thỉnh cầu tất cả mọi người trên thế giới cùng ngồi yên lại với nhau để chúng ta có thể yểm trợ cho nền hòa bình ở Trung Đông, Ukraine và các vùng chiến tranh khác trên địa cầu (trang 3-5). Chúng tôi cũng xin hiến tặng một bài thiền tập có hướng dẫn (trang 6-8), hai bài pháp thoại với chủ đề “Nuôi Dưỡng Lòng Từ Bi khi có Chiến Tranh”, những sự thực tập chánh niệm khác và những lời cầu nguyện cho hòa bình (trang 9-30) để hỗ trợ tất cả những ai mong muốn nuôi dưỡng sự hiểu biết, lòng từ bi, khoan dung, nếp sống hòa bình an lạc ngay trong chính tự thân, gia đình, cộng đồng và quốc gia của họ.

Chúng tôi trân trọng thỉnh cầu Ngài, quý vị trong Nội Các và tất cả cộng sự của Ngài, ngồi yên với chúng tôi bất cứ khi nào, bất cứ nơi nào quý Ngài có thể, vì tình thế hiện nay rất là cấp bách. Chúng tôi hết sức mong mỏi Ngài sẽ thành công trong việc phát khởi một cuộc đối thoại chân thành và đích thực ở Trung Đông giữa tất cả những ai khao khát hòa bình và mong muốn một sự đổi mới.

Với tất cả lòng thành kính và trân trọng,

 

 

Bài Thiền Tập có Hướng Dẫn

Để Nuôi Dưỡng Sự Vững Chãi An Định và Tỏa Rộng Tâm Từ Bi

(Bản lược)

 Vào thời điểm hết sức đau thương này của thế giới, chúng tôi mạn phép hiến dâng một bài thiền tập để giúp chúng ta nuôi dưỡng được sự vững chãi an định, mở lòng ra để tỏa rộng tâm từ bi và để hỗ trợ tất cả những người phải gánh chịu khổ đau vì chiến tranh và các thiên tai thảm họa khác. Năng lượng lớn rộng của tâm từ bi có thể làm lắng dịu lòng căm phẫn, hận thù và bạo lực.

Chúng ta bắt đầu bằng cách ngồi yên, giữ lưng cho thẳng và nhẹ nhàng theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra. Chúng ta thả lỏng cơ thể và dần dần tập trung sự chú ý vào vùng bụng dưới, dần dần đưa năng lượng xuống vùng bụng dưới, nơi đó là trung tâm và gốc rễ năng lượng của chúng ta.

Cho phép năng lượng trong cơ thể lắng xuống vùng bụng dưới, tôi thở vào.

Hình dung những chiếc rễ từ dưới cơ thể tôi từ từ tỏa ra và cắm sâu bám vào lòng Đất Mẹ, tôi thở ra.

Gắn kết thật sâu vào lòng Đất Mẹ, tôi thở vào.

Cho phép năng lượng lắng sâu hơn vào lòng Đất Mẹ, tôi thở ra.

Cảm thấy vững chãi hơn, bình yên hơn, tôi kính mời tất cả những ai đang đau khổ ở các vùng chiến tranh khắp nơi trên thế giới cùng ngồi yên xuống với chúng tôi.

Tôi kính mời tất cả người dân Israel và Palestine cùng ngồi yên xuống với chúng tôi, ngay bây giờ trong sự vững chãi và an định.

Chúng ta bám rễ sâu vào lòng Đất Mẹ để những căm phẫn, hận thù, buồn bã, chán nản và tuyệt vọng không thể lay chuyển chúng ta.

Với sự vững chãi an định, chúng ta không để cho cuộc chiến này cuốn chúng ta bay bổng đi và biến chúng ta thành nạn nhân của nó.

Con người không phải là kẻ thù đích thực của chúng ta. Kẻ thù đích thực của chúng ta là sự hận thù, bạo động và thiếu hiểu biết trong mỗi chúng ta.

Tôi gắn kết thật sâu vào lòng Đất Mẹ. Tôi rất vững chãi và an định.

Giờ đây tôi kính mời những người bạn xứ Ukraine, Nga, Syria, Afghanistan, Yemen, Somalia và các vùng đất đang trải qua khủng hoảng khó khăn trên toàn thể địa cầu cùng ngồi yên xuống với chúng tôi.

Tôi kính mời những người bạn ở trong các vùng động đất, hỏa hoạn, lũ lụt và các thiên tai thảm họa khác cùng ngồi yên xuống với chúng tôi.

Chúng ta sẽ cùng nhau ngồi thật yên, thật vững chãi và an định, cội rễ của chúng ta gắn kết thật sâu vào lòng Đất Mẹ, để những khó khăn này không thể cuốn bổng chúng ta đi và biến chúng ta thành nạn nhân của nó.

Tôi vững chãi như một ngọn núi, vượt thoát khỏi mọi hận thù, vượt thoát khỏi mọi bạo lực.

Tôi cho phép năng lượng từ bi trong tâm mình tuôn trào ra để ôm ấp lấy chính bản thân và tất cả những người đang trải qua các chấn thương về cơ thể cũng như tâm hồn, các bạo lực và chết chóc.

Nguyện cho năng lượng Đại Từ Đại Bi Bi ôm ấp và bảo hộ cho tất cả loài người chúng ta trên trái đất này để tất cả chúng ta có thể được trị liệu và chuyển đổi được các tình trạng khó khăn.

Nguyện cho dòng suối cam lộ thanh lương của chất liệu Đại Từ Đại Bi xoa dịu và làm lắng xuống mọi ngọn lửa căm phẫn, hận thù và bạo lực, để tất cả những ai đang phải sống trong các hoàn cảnh chiến tranh bom đạn binh lửa được bảo hộ che chở.

Đức Bụt dạy: “Không thể dùng hận thù để đáp lại hận thù; chỉ có tình yêu thương và lòng từ bi mới có thể đáp lại hận thù. Đây là một chân lý vĩnh hằng, một qui luật thiên thu.”

Loài người chúng ta luôn luôn có thể sống chung với nhau. Chúng ta luôn luôn có thể cùng nhau ngồi xuống thật yên để thảo luận, thực tập hòa giải và để cùng nhau tìm ra phương hướng giải quyết các khó khăn và bế tắc.

Nguyện cho tất cả mọi người trên trái đất mở lòng ra, để tất cả đều có thể nhận thấy ánh sáng, ánh sáng của Đấng Chúa Trời, ánh sáng của Chân, Thiện, Mỹ.

Chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng sự vững chãi và an định để có thể hiến tặng sự nâng đỡ của chúng ta ngay bây giờ cho tất cả những ai đang phải chịu đựng mọi khổ đau do chiến tranh và các thảm họa thiên tai gây nên.

Con đường thoát duy nhất là sự bình an vững chãi và an định của chính chúng ta.

Với năng lượng này, chúng ta có thể hiến tặng sự nâng đỡ của chúng ta cho họ.

Chúng ta ôm ấp những người bạn đó với tất cả lòng từ bi và trái tim thương yêu của chúng ta.

 

 

 

Dưới đây là một số tài liệu trực tuyến:

  • A Cloud Never Dies, phim tài liệu về cuộc đời và công tác hòa bình của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

https://www.youtube.com/watch?v=DRObW9noiVk&ab_channel=PlumVillage

  • Pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong các khóa tu tại Làng Mai, Pháp, trong các khoá tu này người Israel và người Palestine được mời tham dự để cùng thực tập chánh niệm

https://plumvillage.org/articles/peace-between-palestinians-and-israelis

  • Các chuyến hoằng pháp của các Thầy các Sư cô Làng Mai tại Israel và Palestine

 https://plumvillage.org/articles/touching-peace-in-palestine

Cho đến hôm nay, có nhiều nhóm người Israel và Palestine đã tiếp tục được mời đến tu tập tại Làng Mai.

  • Pháp thoại phiên tả của thầy Pháp Ấn trong khoá tu ở Tyrol, Áo:

     – Nuôi dưỡng Lòng Từ Bi khi có Chiến Tranh (phần 1)

     – Nuôi dưỡng Lòng Từ Bi khi có Chiến Tranh (phần 2)

Đọc toàn bộ nội dung Lời thỉnh cầu cùng ngồi yên để yểm trợ cho nền hoà bình thế giới:  https://langmai.org/wp-content/uploads/2023/11/Loi-thinh-cau-cho-hoa-binh.pdf