Tôi yêu Đất Mẹ
(Bài viết được trích và chuyển ngữ từ sách “Love letter to the Earth” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh)
Vào mỗi sáng mùa đông, sau khi thức dậy, tôi thường khoác thêm áo ấm và bước ra ngoài đi dạo một vòng quanh Xóm Thượng. Trời vẫn còn nhá nhem tối, tôi nhẹ nhàng đặt từng bước chân cẩn trọng, tôi thấy mình giao cảm với đất trời, với trăng sao và vũ trụ bao la. Lần đó, sau khi đi tản bộ, tôi về phòng và viết xuống:”Tôi yêu Đất Mẹ”. Lòng tôi xao xuyến với những rung động của một người trẻ đang yêu. Trái tim tôi thổn thức những nhịp đập của tình yêu. Đó là sự thật. Chỉ cần nghĩ tới việc bước ra ngoài trời đi dạo, chân nhẹ nhàng chạm lòng đất, thưởng thức trọn vẹn những vẻ đẹp nhiệm mầu của sự sống thì tôi đã thấy lòng ngập tràn hân hoan rồi. Đất Mẹ đã ban tặng cho tôi rất nhiều. Tôi yêu Đất Mẹ cũng thật nhiều. Một tình yêu sắt son không bao giờ có sự phản bội. Tôi gửi tôi cho Đất, và Đất gửi Đất cho tôi với tất cả bản thể nguyên vẹn.
Đất mẹ là một thực tại nhiệm mầu. Ta có thể sử dụng tất cả các giác quan của mình để thấy, nghe, ngửi, nếm, và chạm vào Đất Mẹ. Mẹ đã ban cho ta sự sống. Và khi chết đi, ta sẽ trở về với Mẹ, để rồi Mẹ lại đưa ta ra đời không biết bao nhiêu lần nữa. Có những người đã đánh mất hy vọng vào cuộc sống, họ mỏi mệt và chán chường, họ cầu nguyện để kiếp sau được tái sinh ở thiên đường hay một cõi nào đó mà không có khổ đau hiện diện. Chính bản thân họ cũng không dám chắc là liệu có thật sự tồn tại một thiên đường như vậy không. Các nhà khoa học đã sử dụng kính viễn vọng tối tân nhất để tìm kiếm khắp nơi trong vũ trụ mà vẫn chưa tìm ra được một hành tinh nào xinh đẹp bằng Trái Đất. Chúng ta còn muốn đi tới chốn nào, khi mà Đất Mẹ luôn luôn có mặt ở đây dang rộng vòng tay thương yêu và chào đón chúng ta?
Tôi đã được học rằng Trái Đất là nhà, là quê hương xứ sở của tôi. Tôi không giới hạn tình yêu ở một khoảnh đất nhỏ Việt Nam hay Châu Á. Nhờ có tuệ giác ấy mà tôi đã được chuyển hóa và trị liệu rất nhiều. Nếu tình thương của bạn vẫn còn nhỏ bé, thì hãy mở rộng trái tim của mình để tình thương có thể bao trùm cả trái đất.
Sự thay đổi thật sự chỉ có thể xảy ra khi chúng ta thương Đất Mẹ. Chỉ có tình thương mới có thể giúp ta biết sống hài hòa với thiên nhiên và mọi loài. Chỉ có tình thương mới cứu chúng ta khỏi những hiểm họa của biến đổi khí hậu. Khi thấy được những đức hạnh và tài năng của Mẹ, thì ta sẽ nhận ra sự liên hệ mật thiết giữa ta với Mẹ. Ta và Đất Mẹ là một. Tình thương sẽ đơm hoa kết trái.
Khi thương một ai đó, ta muốn chăm sóc cho người ấy như chăm sóc cho chính mình. Nếu chúng ta thương Đất Mẹ vô điều kiện như chính người thương của mình thì chúng ta sẽ có thể làm tất cả để gìn giữ và nuôi dưỡng Đất. Rồi Đất cũng sẽ thương yêu bảo hộ, và hết lòng nuôi dưỡng ta.
Có gì mới lạ trong tiếng ca mùa mới đang lên?
“Tháng Tư đồng nội trăm hoa nở
mong ước ôm đầy hai cánh tay
sắc xuân rực rỡ trời phương ngoại
thơ hát yêu thương rộng tháng ngày”
(Thơ Sư Ông Làng Mai)
Những tia nắng ấm mang thông điệp báo hiệu một mùa Xuân đang về, lay động và đánh thức những hạt mầm xanh còn ngủ yên suốt mùa đông lạnh. Những cành cây khẳng khiu, trơ trụi đủ nắng, đủ gió đã đâm chồi, kết hoa, vươn mình ra vui đùa trong nắng. Mỗi loài hoa đều khoác lên mình chiếc áo mới, khoe sắc, hiến tặng vẻ đẹp rực rỡ nhất cho đất trời, cho sự sống.
Có đôi mắt, bạn có một cuộc hẹn muôn đời với trời xanh, mây trắng, nụ hoa, chiếc lá,… Đứng lặng nhìn, nghe bông hoa đang hát ca, mỉm cười với bạn và nhắn nhủ: “Tôi đang có mặt đây cho bạn”. Mời bạn thưởng thức những khoảng khắc mùa xuân ở Làng…
(Tiêu đề được trích trong bài thơ “Trường ca Avril” của Sư Ông Làng Mai)
Khóa tu “Tiếng hát mùa xuân” – tuần thực tập chánh niệm tại xóm Thượng, Làng Mai Pháp 2024
Khoá tu diễn ra từ ngày 17 đến 24 tháng 05 năm 2024
Tháng năm hoa nở, mùa rừng sồi tái sinh. Làng Mai vào tháng Năm là Tịnh Độ của những ngày nắng ấm giữa đồi cao, hay giữa thảm cỏ xanh non mọc lên vài bông hoa cúc dại. Ta lắng nghe được tiếng hát mùa xuân, của pháp thân mầu nhiệm. Thân mời quý thân hữu, quý anh chị em khắp nơi đến tham dự khóa tu “Tiếng hát mùa xuân” (diễn ra từ ngày 17 đến 24 tháng 5/2024 tại xóm Thượng, Làng Mai) để tắm mình trong không gian đó. Chúng ta có cơ hội trải nghiệm nếp sống chánh niệm qua cách thở, cách đi, cách tiếp xử với nhiệm mầu của sự sống, cách lắng nghe và chăm sóc thân và tâm. Để đăng ký tham dự khoá tu:
- Các bạn Nam xin vui lòng truy cập vào đây
- Các bạn Nữ xin vui lòng truy cập vào đây
- Các cặp Vợ chồng xin vui lòng truy cập vào đây
- Các bạn Giới tính mở xin vui lòng truy cập vào đây
Khóa tu Doanh nhân đã bị hủy nhưng bạn vẫn có thể đăng ký tham dự tuần thực tập chánh niệm. Các thời khóa chủ yếu bằng tiếng Anh nhưng sẽ có thông dịch sang tiếng Việt, và sẽ có hướng dẫn tổng quát bằng tiếng Việt và một nhóm pháp đàm tiếng Việt.
Mọi thắc mắc xin liên hệ văn phòng ghi danh của khoá tu theo email:
uh-office@plumvillage.org
Mộc Lan thắp lên sự sống
Nắng ấm, sương tan, vài giọt đọng lại còn vương trên những đóa mộc lan. Nụ hoa cứng cáp ngày nào giờ đây đã bung ra chiếc vỏ lụa nâu sẫm cho từng cánh hoa bắt đầu hé nở, vươn mình múa ca trong không gian thênh thang, xanh tươi cỏ cây. Mỗi bông hoa là một ngọn đèn trời, thắp sáng sự sống bằng vẻ đẹp mầu nhiệm của mình.
Ngước nhìn lên, một nụ cười nhẹ nở trên môi – tự nhiên, bình thản. Vươn tay chạm vào cánh hoa, sự sống trở nên chân thật, mọi thứ xung quanh không còn là một giấc mơ. Dừng lại ngắm khoảng không rực rỡ đèn trời, thân tâm trở về một thể, nhất như, tỉnh thức. Lắng yên cùng nhịp thở, những đóa hoa đang mời ta cùng có mặt trong giây phút hiện tại…
Mùa xuân 2024
Lễ Xuất Gia Cây Hồng Táo (Jambu) ngày 06.03.2024
Ngày 06/3/2024, Tăng thân Tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan chào đón sáu Sư chú mới. Từ nhiều năm nay, mỗi đợt xuất gia đều được Sư Ông và Tăng thân gọi là một gia đình xuất gia. Cây Hồng Táo (Jambu), tên của gia đình xuất gia đợt này, là hình tượng cội cây được nói đến trong tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng, khi Thái tử Tất Đạt Đa ngồi lại sau khi vui chơi với các bạn và bắt đầu cảm nhận sự lắng dịu tâm ý đầu tiên.
Sau thời gian thực tập tập sự xuất gia tại Tu viện, được hướng dẫn nếp sống thiền môn, sáu bạn trẻ phát tâm dũng mãnh cầu xin được thọ giới Sa-di, chung bước trên con đường tỉnh thức, thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày, đem lại niềm vui tự thân, gia đình, và xã hội. Được sự cho phép của Tăng thân, các vị tập sự trẻ tuổi trình diện trước bốn chúng trong buổi Lễ Dẫn Thỉnh và sau đó là Lễ Xuất Gia được tổ chức tại Thiền đường Voi Trắng. Quý vị phụ huynh và thân hữu cũng đã có mặt để yểm trợ cho giờ phút huyền thoại.
Trong không khí trang nghiêm, các giới tử quỳ xuống tiếp nhận Mười Giới Sa-di, y của Bụt, và Điệp hộ giới, chính thức trở thành những người con của Tăng thân và hoà cùng dòng chảy trong gia đình tâm linh. Pháp tự của các Sư chú mới là Chân Nhất Nghĩa, Chân Nhất Dung, Chân Nhất Tín, Chân Nhất Xứ, Chân Nhất Hạo, và Chân Nhất Lộ. Các Sư chú thuộc thế hệ 44 của Tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của Thiền phái Liễu Quán.
Là những người trẻ với nhiều thao thức về nếp sống giải thoát, hạnh phúc, vững chãi, thảnh thơi, các Sư chú mới biểu lộ tình thương và lòng biết ơn đến gia đình, nuôi lớn niềm tin vững chắc vào con đường thực tập đi như một dòng sông cùng Tăng thân, và truyền cảm hứng thực tập cho không biết bao nhiêu bạn trẻ. Chẳng những đây là tin vui cho các Sư chú, cho gia đình và bè bạn, mà cả Tăng thân và khắp cả mười phương đều hoan hỷ chào đón những vị xuất sĩ trẻ thật tinh anh.
“Sáng nay cạo sạch mái tóc.
Mở thêm rộng lớn con đường.
Phiền não vô biên nguyện đoạn.
Một tâm mà động mười phương.”
(Trích từ bài thơ “Mở thêm rộng lớn con đường” của Sư Ông Làng Mai)
Kính mời Đại chúng thưởng thức một vài hình ảnh đẹp đón chào những vị xuất sĩ trẻ!
Trân trọng!
Thầy và em bé
(Tâm An)
Thầy kính thương,
Những khoảnh khắc xúc động vẫn còn đó trong con, dù những ngày chúng con được cùng nhau có mặt trong các sinh hoạt xuất sĩ trong lễ Đại tường Thầy đã qua. Con muốn kể cho Thầy nghe một chút niềm vui của con trong buổi talkshow (chương trình trò chuyện) của các sư em. Con bước lên thiền đường và nhìn thấy bức hình Thầy ngồi thiệt tự tại với cái micro trên tay, mắt nheo nheo và cười rất thoải mái, lòng con đã rộn vui rồi. Mặc dù đêm qua con gởi cho sư chị con bức hình đó, nhưng sáng lên tới thiền đường nhìn bức hình thật to còn vui sướng hơn nữa Thầy ạ. Mà bức hình đó Thầy đang giới thiệu điều gì về quý tôn đức mà Thầy cười thích thú lắm kìa.
Lúc sư chị con mời đại chúng cùng nghe chuông và tự viết xuống chữ gì đi lên khi nghĩ về Thầy. Thầy có biết con đã đi lên chữ gì không ạ? Chữ “tâm lý” và “chịu chơi”. Con thấy Thầy là người thầy chịu chơi nhất quả đất, và cũng là người thầy vô cùng tâm lý với các đệ tử. Từng đứa học trò đến với Thầy, Thầy đã dùng “chiêu thức” khác nhau để thu phục, để thương yêu, để sách tấn, để có mặt và nâng niu, có lúc Thầy rất nghiêm, rất cứng rắn, thật dứt khoát, dù chỉ qua một ánh mắt thôi cũng đủ rồi. Nhưng Thầy luôn biểu hiện như một người Ông thương yêu, dịu dàng, chiều chuộng, lân mẫn, có lẽ lúc con về Làng là lúc Thầy đã giao phó trọng trách chăm em cho các sư anh, sư chị lớn để Thầy được làm Ông thưởng thức nét ngơ ngơ của các sư bé thôi.
Con nhớ hoài cái ánh mắt cười vui của Thầy, diễn tả sao cho đủ trong ánh mắt ấy lộ rõ nét tinh nghịch, hồn nhiên, thích thú và con vui lắm mỗi khi bắt gặp nét vui cười trong ánh mắt ấy của Thầy, Thầy ạ.
Thầy có còn nhớ có một mùa Đông, ngày xuất sĩ ở Sơn Cốc, hôm đó Thầy nằm võng sau vườn và chúng con thì xúm xít chơi quanh Thầy. Lần đó ban cắt cỏ sau ngày chấp tác thì dồn đất thành một cái ụ cao cao. Qua một mùa Đông thì rau ngứa mọc quanh ụ đất ấy. Ai nghe tới rau ngứa cũng e ngại vì sợ nó ngứa. Mà nó ngứa thật. Thầy bảo hái rau ngứa phải chánh niệm và chú tâm vào động tác hái mới không bị ngứa. Con đã thử nghiệm sau đó nhiều lần và nó hiệu nghiệm thật. Rau ngứa nấu canh thì ăn rất ngon. Ngày xuất sĩ hôm ấy Thầy đã gọi sư chị T.N ra và bảo “con làm thiền lăn đi con” rồi chỉ khoảnh cỏ chỗ có cái ụ đất ấy. Các anh chị em con được phen cười ngon và thưởng thức pháp môn thiền lăn mới của Thầy. Hồi tưởng lại chuyện ấy con mới thấy Thầy con rất ư là chịu chơi.
Trong buổi talkshow, có sư em nghĩ tới Thầy và nghĩ tới từ “em bé”, vì sư em có rất nhiều em bé bên trong, mỗi đứa một tánh, sư em đã mời từng đứa đi thời khoá và nhẹ nhàng giới thiệu pháp môn thiền ngồi, thiền ăn cho tụi nó. Sư em đã đối diện, đã chăm sóc em bé bị “ghẻ lạnh” bên trong mình, và đồng thời sư em cũng chăm sóc em bé bị “ghẻ lạnh” bên trong mẹ của sư em nơi sư em. Lần đầu tiên ngồi nghe sư em của mình thẳng thắn chia sẻ em bé bên trong, đối diện và chăm sóc em bé ấy, Thầy ơi, lòng con tràn ngập vui sướng. Con vui vì thế hệ của các em rất can đảm đối diện, gọi tên, và chơi được với từng em bé rất nhỏ, rất thơ trong mình.
Sư em nói “không có sự chuyển hoá nào mà không đi qua nước mắt”. Con cũng đồng thời nhận ra “không có niềm hờn tủi, cô đơn, khổ đau nào mà không có phương pháp chữa trị, chăm sóc. Không có em bé nào bị bỏ lại phía sau”. Chỉ cần một chút thời gian, không gian, một chút thương yêu, lân mẫn, từng em bé đều sẽ được chăm sóc đến.
Thầy kính thương!
Con nhận ra rằng trong con có một em bé rất mong manh, rất sợ bị hiểu lầm, bị nghĩ khác. Con ngồi yên và nhớ lại tuổi thơ con từng bị hiểu lầm. Tuy con đã từng trình bày là con không làm như thế nhưng con vẫn bị ba đánh trước mặt người lạ. Từ đó, hễ ai hiểu lầm con, một nỗi sợ hãi âm thầm vẫn đến với con, dù sau này con biết sẽ không ai đánh con nữa. Ngay cả khi lớn lên, vào chùa, mỗi khi bị hiểu lầm, con vẫn rất sợ hãi, có lúc con rất cần giải thích, cần phân minh. Rồi dần dần lớn lên, con không còn muốn làm việc ấy nữa. Thế nhưng, nỗi ám ảnh khi bị người khác hiểu lầm vẫn đeo bám con. Con biết, đó là sự tự tôn của bản thân. Nhưng đó cũng là một cái gì rất “tự ái” âm thầm chi phối bên trong mình. Con nhớ con từng đọc được một câu thế này: “Kẻ sĩ Việt Nam nếu đạt đến tầm quốc sĩ đều nên lấy quốc sỉ làm trọng”. Con chợt nghĩ đến tu sĩ nếu thiếu đi tu sỉ thì sẽ không phân biệt được điều gì nên làm và không nên làm, nhưng nếu để tu sỉ làm điều quan trọng thì dần dà sẽ mất đi phẩm chất quan trọng của một tu sĩ đích thực, có phải không thưa Thầy?!
Con nhớ những ngày tháng của năm 2009-2010, khi nhiều biến cố xảy ra với tăng thân, có huynh đệ đã từng hỏi Thầy rằng: “Vì sao Thầy biết về Việt Nam sẽ xảy ra như vậy mà Thầy vẫn về, vẫn xây dựng tăng thân?” Con nhớ lúc đó Thầy chỉ im lặng, rồi Thầy dạy ban biên tập trang nhà đăng câu chuyện Chàng trai khờ dại, Thầy cũng cho chúng con đọc tập truyện ấy. Thầy bảo: “Chàng trai trong câu chuyện thương cô gái nên hy sinh đôi mắt cho cô gái, dù biết khi mắt sáng, cô gái sẽ phụ chàng. Khi mình thương một cái gì, một điều gì, hay thương một ai thật lòng thì tình thương ấy vô điều kiện, không tính toán, thương chỉ là thương thôi”. Và Thầy nói “Thầy thương quê hương như vậy đó”. Thầy ơi, con biết vì con chưa thương con, con cũng chưa thương người kia đủ nên con mới sợ bị hiểu lầm, sợ bị nghĩ sai, mới cần phải giải thích này kia,…
Con cũng nhận ra rằng trong con có một em bé mà hễ nhắc đến Thầy là nó tự động phát khởi thương yêu, tự động mềm nhũn ra, tự động long lanh và ấm áp. Và cũng hễ nhắc đến Thầy là em bé ấy cũng giống như Phù Đổng Thiên Vương – vươn vai, oai hùng, là chiến sĩ đầy nhiệt huyết. Và cũng hễ nhắc đến Thầy thì em bé ấy cũng như Tý, như Thạch Lang, quấn quýt và huyên thuyên kể chuyện bên chân Thầy vậy đó.
Buổi talkshow để lại trong con nhiều ấn tượng, nhưng hôm nay con chỉ kể Thầy nghe chuyện đó thôi, con để dành thư sau Thầy ạ.
Thương kính Thầy,
Con của Thầy.
Thầy Đây
(Chân Xuân Linh Sơn – Chân Xuân Tản Viên)
Châu báu chất đầy thế giới
Tôi đem tặng bạn sáng nay
Một vốc kim cương sáng chói
Long lanh suốt cả đêm ngày.
Chúng con đáp chuyến bay về lại Sài Gòn sau năm ngày an trú nơi chốn Tổ Từ Hiếu cùng tăng thân tứ chúng trong lễ Đại Tường của Thầy. Hành trang mang theo là nguồn năng lượng chánh niệm vô cùng hùng hậu của hàng ngàn con người trong mấy ngày cùng nhau thực tập hơi thở bình an và bước chân tỉnh thức, sống với nhau trong sự hiểu biết và thương yêu. Trong tâm con lúc này vẫn còn vang vọng hai chữ “Thầy đây” (I am here) khi thăm Phòng thở, khi nghe pháp thoại hay lúc ngắm nhìn bức thư pháp như một món quà trong dịp Đại tường. Nhớ ngày xưa con đã từng chấn động khi được Thầy chỉ dạy mấy câu thần chú, trong đó có câu “I am here for you”. Con hay nói với các bạn nhỏ và với cả các thầy cô giáo câu thần chú này trước khi bắt đầu khai giảng khoá học, hay trong buổi chia sẻ định hướng cho môn học, hoặc trong thời khoá hướng dẫn tổng quát cho những khóa tu dài ngày. Chỉ cần thực tập trở về theo dõi hơi thở, thân tâm hợp nhất và bật ra câu thần chú “I am here for you” thì con đã mang lại cho chính con và cộng đồng món quà quý nhất. Đó chính là sự có mặt hay còn được gọi là năng lực hiện diện có công năng chế tác niềm vui sống, khả năng lắng nghe sâu để cải thiện các mối quan hệ trong đời sống hàng ngày.
Hai năm trôi qua, một mặt con vẫn thực tập ý thức “đám mây không bao giờ chết” nhưng mặt khác vẫn cho phép mình gọi tên, chấp nhận và ôm ấp những cảm thọ đau buồn thương tiếc đến Thầy. Con đã dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu bước đi trên những con đường vô cùng gập ghềnh và đầy ắp những khó khăn, chướng ngại. Có lúc cảm giác thất vọng, buồn tủi đi lên trong con bởi con nhận ra rằng bản thân thật đơn độc. Nhưng cũng nhờ biết quay về với hơi thở, quay về nương tựa hải đảo tự thân cho nên con đã thực tập tự vực dậy và tiếp tục cuộc hành trình. Và trong những lúc ấy, con nhận ra Thầy khẽ gọi “I am here for you”.
Những ngày về chốn Tổ con đã thấy “Thầy đây” qua dòng chảy tăng thân khắp nơi hội tụ về. Từ tăng thân xuất sĩ cho đến tăng thân cư sĩ, người Việt Nam và cả nước ngoài. Con nhìn ra rất nhiều gương mặt thân thương. Những dáng hình, nụ cười bước chân và giọng nói hoặc đã gặp từ lâu, hoặc mới biết nhau hay cũng có người chưa thấy lần nào. Không có nhiều thì giờ và nhân duyên để chào hỏi hết thảy, để tay bắt mặt mừng trong chén trà tao ngộ nên cũng đã có lúc con cảm thấy trong lòng có chút chộn rộn lao xao đi lên. Cũng may chốn Tổ thênh thang trong tiết trời lành lạnh dễ chịu giúp con nhanh chóng trở về hơi thở bình an, sáng bước qua cổng tam quan ngồi ngắm hồ bán nguyệt, chiều thiền hành qua tháp chuông ngồi an trong thiền đường Trăng Rằm. Và rồi trong con vỡ oà khi bước vào Phòng thở, ngồi xuống trong góc phòng mà không nói năng chi, nước mắt chỉ chực trào, nhìn dòng chữ “Thầy đây” mà xốn xang bao kỷ niệm. Ôi sao thân thương quá kệ sách đơn sơ giản dị của Thầy trong những năm tháng lập Làng, rồi đôi guốc, chiếc nón quê hương, và cả cuốn sách Trái tim của Bụt, cùng nhiều tác phẩm khác, là tâm huyết và tuệ giác Thầy trao,…
Trong lòng con dâng lên niềm thương chi lạ khi nghe chia sẻ của tăng thân xuất sĩ trong đêm tưởng niệm Thầy. Với con, Thầy vĩ đại không phải chỉ dừng lại ở những công trình tu tập hay kinh sách. Với con, Thầy vĩ đại bởi công trình xây dựng tăng thân, “công trình ngàn năm nhưng ngàn năm đã hoàn tất”. Dòng chảy tăng thân, tình thầy trò, tình huynh đệ dẫu có buồn có vui, dẫu có lúc lên lúc xuống nhưng lại là chất liệu nuôi dưỡng tâm bồ đề kiên cố. Những học trò xuất gia của Thầy, cũng như những học trò tại gia dù đi đâu hay dưới bất kỳ hình tướng nào cũng quay trở về dưới mái chùa Tổ thắp nén tâm hương dâng lên Thầy. Ai cũng ý thức rõ tiếp nối Thầy không phải là một việc cao siêu khó với tới mà chỉ cần buông xuống cái tôi nhỏ bé, sống đời sống thật sự tự do, xoá tan phân biệt và thoát khỏi não phiền. Con đã gặp và mừng vui muốn khóc khi nhìn thấy hình bóng của những vị xuất sĩ và cư sĩ là học trò lớn của Thầy đã có mặt trong lễ Đại Tường mà cũng thương luôn cả những vị vì lý do sức khoẻ mà không thể trở về hoặc đã về mà không thể có mặt. Pháp thân của Thầy là dòng chảy tăng thân, và công trình mà Thầy đã xây dựng đó cho con niềm tin lớn mạnh đối với Tam Bảo. Càng có niềm tin, con càng thấy rõ đường đi lối về rộng mở thênh thang.
Nước mắt lăn dài trên gương mặt con khi nghe chư Tôn đức xướng tụng trong lễ Tiến linh tại thiền đường Trăng Rằm. Bài Sám quy mạng vang vọng chốn Tổ đình, từng lời Tâm kinh Tuệ giác qua bờ như hải triều âm chấn động từng viên sỏi cành cây trong lòng Từ Hiếu. Hàng ngàn học trò cùng niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm và thiền hành quanh khu tưởng niệm trà tỳ nhục thân của Thầy hai năm trước ở công viên Vĩnh Hằng. Xin nguyện tiếp nối bằng sự thực tập để đền đáp ân sư cũng như là để nhận ra “Thầy đây” trong mỗi phút giây trở về.
Kính tri ân Thầy
Thắp sáng hiện hữu
Đây là đoạn trích từ cuộc phỏng vấn do Jo Confino thực hiện với Thầy tại thất Da Cóc, Sơn Hạ vào năm 2012. Lúc ấy Jo là phóng viên của báo The Guardian, Vương quốc Anh. Bản ghi âm cuộc phỏng vấn đã bị thất lạc một thời gian và gần đây đã tìm lại được. Quý vị có thể nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh trên Plum Village Podcast “The Way Out is In” số 41, phát thanh vào ngày 21 tháng 3 năm 2023.
Jo Confino: Thưa Thầy, trước tình hình biến đổi khí hậu và môi trường thiên nhiên bị tàn phá như hiện nay, nhiều người vẫn có vẻ thờ ơ và chưa muốn hành động gì cả. Thầy nghĩ gì về điều này?
Thầy: Thực ra, họ không hành động không chỉ đối với vấn đề biến đổi khí hậu mà còn đối với nhiều vấn đề khác. Họ có nhiều vấn đề cá nhân như liên hệ với chính tự thân, với người khác và với gia đình, nhưng họ đâu làm gì để cải thiện những mối liên hệ này.
Nếu chúng ta đòi hỏi họ phải làm gì cho môi trường thì có thể hơi quá, trong khi họ chưa làm gì cho những vấn đề cấp thiết của chính họ. Họ sợ phải đối diện với khổ đau, với các vấn đề của chính mình. Mà nếu vậy thì làm sao họ đủ sức để nghĩ tới nỗi khổ của đất Mẹ hay của môi trường? Vậy nên nhiều người có thái độ thờ ơ. Họ sợ. Họ không muốn nhìn thấy sự thật.
Jo Confino: Một khi họ thấy được sự thật thì chuyện gì sẽ xảy ra thưa Thầy?
Thầy: Khi họ nhìn ra sự thật thì có thể đã quá trễ để hành động. Đúng vậy, có thể là quá muộn màng. Những người như anh muốn thức tỉnh họ, nhưng có thể họ không muốn thức tỉnh vì sẽ phải đối diện với khổ đau. Vì vậy họ sẽ tiếp tục đắm chìm trong giấc mơ. Họ không đủ mạnh để đối diện với sự thật. Điều đó không có nghĩa là những người này không hay biết chuyện gì đang xảy ra. Họ chỉ không muốn nghĩ đến nó. Họ cố tình bận rộn để quên đi. Đâu phải vì họ thích làm những gì họ đang làm nên mới bận rộn, họ cần bận rộn để khỏi phải nghĩ tới thực tại.
Jo Confino: Thầy có nghĩ mọi người chờ đến khi có một thảm hoạ thực sự xảy ra thì mới thức tỉnh hay không? Hay lúc đó có khi họ còn trốn chạy nhiều hơn? Thầy nghĩ điều gì có thể giúp tạo ra sự thay đổi?
Thầy: Nếu anh chỉ cho họ thấy sự thật, thí dụ cho họ xem một cuốn phim, hay cái gì đó làm bằng chứng để thuyết phục họ là tình hình đang rất cấp bách, họ sẽ bỏ ra một ít thời gian để xem. Nhưng sau đó, họ sẽ trở lại y như cũ, bởi vì họ không muốn nghĩ đến nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không đủ thông minh để biết chuyện gì đang xảy ra.
Tôi nghĩ cũng có một vài cách để thức tỉnh họ, như chỉ cho họ thấy có một thực tại khác. Cho họ thấy một người vui vẻ, hạnh phúc, biết sống thảnh thơi. Người đó không cần có nhiều tiền hay quyền lực mới hạnh phúc. Ta có thể giúp họ trải nghiệm một chút những hạnh phúc như vậy. Nếu họ nếm được hạnh phúc của sự thư giãn và bình an thì may ra họ sẽ thay đổi. Họ sẽ thấy theo đuổi tiền bạc, quyền hành là không đáng. Ta nên đem họ tới một nơi có nhiều hạnh phúc, cho họ gặp những người có hạnh phúc thật sự. Đó là cơ hội cho họ, bởi vì họ nghĩ rằng không có con đường nào khác ngoài con đường họ đang đi. Phải chỉ cho họ thấy những người hạnh phúc như vậy để họ được thức tỉnh.
Jo Confino: Thầy cũng có nói về đức vô úy, về cái dũng. Điều gì có thể giúp người ta có đủ dũng khí để đứng ra làm một điều gì đó cho dù có thể bị đe dọa đến sự an thân của mình?
Thầy: Một người có dũng khí để đứng lên khi người đó có đủ từ bi. Từ bi là một năng lượng rất hùng tráng. Không có từ bi, ta không thể làm gì được. Có lòng từ bi, người ta có thể chết vì người khác, như người mẹ có thể chết vì con của mình. Từ bi chỉ có mặt khi ta thấu hiểu được khổ đau. Từ bi được sinh ra từ tuệ giác. Tuệ giác đó có được khi ta đi qua khổ đau và hạnh phúc. Ta sẽ có đủ cái dũng để làm, để nói mà không sợ bị mất một cái gì cả. Ta không sợ mất danh vọng hay địa vị, bởi ta biết đó không phải là nền tảng của hạnh phúc. Nền tảng của hạnh phúc chính là hiểu và thương. Cho nên nếu ta có tuệ giác đó, và ta sống với tuệ giác đó thì không có gì để sợ nữa. Nhưng nếu ta còn sợ mất danh vọng, địa vị, nhà cửa, … ta sẽ không có can đảm để hành động. Nếu ta đã từng có hạnh phúc, như hiểu và thương, ta biết rằng hạnh phúc không đến từ những điều kiện bên ngoài. Ta biết hạnh phúc đến từ cái thấy nội tâm. Ta biết cách tạo nên hạnh phúc và biết nhận diện những điều kiện thật sự của hạnh phúc mà ta đang có. Và ta không còn sợ hãi nữa.
Jo Confino: Thưa Thầy, đâu là cách truyền thông hay nhất để có thể thật sự tạo nên sự thay đổi trong quảng đại quần chúng mà không phải chỉ trong một vài người?
Thầy: Là một nhà báo, anh có thể viết một quyển sách về nghệ thuật tiêu thụ, bởi vì hàng ngày người ta dùng tiền để mua rất nhiều thứ. Anh có thể sử dụng một loại ngôn ngữ giúp người ta thức tỉnh để thấy những cái người ta mua không thể làm cho họ thực sự hạnh phúc.
Rất nhiều người mua sắm để che lấp khổ đau. Điều đó không giúp gì được cho họ, bởi vì khi đêm đến, những thứ trong lòng trồi lên làm cho họ khổ sở và tự giam mình trong địa ngục do chính họ tạo ra. Cho nên ta cần chỉ cho họ cách tiêu thụ và tiêu thụ cái gì, để họ có thể được chữa lành và có thêm bình an, thương yêu.
Khi thiền hành, chúng ta tiêu thụ thời gian. Trong bối cảnh của nền văn minh hiện đại, đi như vậy là phí thời giờ. Bạn chẳng làm gì cả, không nói, không suy nghĩ, chỉ đi thôi. Đó là một sự phí phạm thời gian. Thời gian là tiền bạc. Nhưng đối với chúng ta, đó là một sự tiêu thụ có ích, bởi vì chúng ta cho phép thân và tâm được nghỉ ngơi, thư giãn. Chúng ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, với những yếu tố tươi mát và trị liệu trong mỗi bước chân. Đó là một sự tiêu thụ có ích lợi. Sau nửa giờ thiền hành như vậy, ta cảm thấy tươi mới và khỏe khoắn. Điều đó không cần phải có nhiều tiền mới làm được. Không cần tốn kém gì cả. Chúng ta không phản đối chuyện tiêu thụ như vậy.
Cho nên ta cần chia sẻ cho họ cách đi từ bãi đậu xe đến nơi làm việc. Đi như thế nào để mỗi bước chân có thể phục hồi sự bình an, niềm vui và tình yêu cuộc sống trong họ. Giúp cho họ làm thế nào để dừng suy nghĩ.
Jo Confino: Rất nhiều người mất sự kết nối giữa cuộc sống của họ và những điều ảnh hưởng đến cuộc sống ấy. Thí dụ như khi mua một cái gì đó, họ không biết nó đến từ đâu, cũng không biết ai đã sản xuất nó và những người sản xuất đó sống ra sao. Họ thật sự bị cách biệt với thế giới xung quanh. Và họ không thấy được rằng bất cứ điều gì họ làm cũng có ảnh hưởng đến thế giới. Thầy có nghĩ rằng người ta sống mà bị mất kết nối như vậy là một vấn đề hay không?
Thầy: Chính vì thực trạng đó cho nên trong quyển sách “Nghệ thuật tiêu thụ”, ta có thể chỉ cho họ cách ăn: nghệ thuật ăn. Thay vì suy nghĩ và nói nhiều trong khi ăn, người ta tập dừng lại để ăn cho đàng hoàng. Nhìn vào thức ăn, tiếp xúc với miếng cà rốt, với phân bón, với nước, với mưa, với nắng. Tiếp xúc với đất Mẹ. Ăn như thế nào để có thể tiếp xúc được với sự sống, với gốc rễ của mình. Đó là thiền tập. Và thiền tập rất dễ chịu. Người ta vốn đã có một thói quen ăn uống cho nên ta phải chỉ cho họ một cách ăn khác để họ có thể thấy được làm thế nào một miếng cà rốt có mặt trong bữa ăn của họ. Trước khi bắt đầu ăn, ta đọc Năm lời quán nguyện. Nhưng sự quán chiếu phải kéo dài trong suốt bữa ăn chứ không phải chỉ lúc bắt đầu mà thôi. Khi dừng lại mọi suy tư, ta nhai mỗi miếng thức ăn trong ý thức đó, tiếp xúc với thức ăn và phát khởi lòng biết ơn. Chừng nào còn biết ơn, chừng đó ta còn hạnh phúc.
Sáng nay lúc tôi lạy xuống, tôi không lạy như một cá nhân. Tôi thấy cả hai dòng tổ tiên tâm linh và huyết thống. Tôi thấy tôi là một với tăng thân tứ chúng. Và tôi lạy xuống như một tăng thân đông đảo mà không phải là một cá nhân. Tôi không thấy mình là cái ngã riêng biệt mà là cả dòng họ tổ tiên.
Khi tôi lạy xuống trước Bụt, tôi không thấy Bụt là một cái ngã riêng biệt mà là sự tiếp nối của cả một dòng tâm linh bất tận. Cho nên ta có thể thấy được gốc rễ của Bụt trong nhiều thế hệ. Trong khi lạy xuống như vậy, ta có được tuệ giác vô ngã. Người ngồi trước mặt của bạn chính là một vị đại sứ. Người ấy có mặt không như một cá nhân. Người ấy đại diện cho cả dòng họ tổ tiên, cho đất nước, dân tộc của mình. Cho nên bạn cần tập nhìn người thương, bạn bè của mình như những vị đại sứ của cả dòng họ tổ tiên. Và bạn xá xuống trước họ: “Xin chào ngài đại sứ”. Nhìn được như vậy bạn sẽ có thể liên hệ với người đó với lòng kính trọng và nể phục, bởi vì trong họ có những tài năng và đức hạnh của rất nhiều thế hệ. Bạn không nói với người ấy như một cá nhân. Bạn nói chuyện với người ấy với lòng kính trọng bởi vì trong người ấy cũng có một vị Bụt. Đó là cách để nhìn mọi người.
Một cây thông được làm bởi rất nhiều thế hệ, có cả trăng, sao trong đó. Cho nên bạn xá xuống trước một cây thông. Đó là một hành động văn minh, một lối sống đẹp. Nếu bạn học theo lối sống đó, bạn không cần ai nhắc nhở trong việc chăm sóc môi trường. Bạn có thể tự làm được. Đó chính là tuệ giác có được khi bạn thực hành vô ngã. Chúng ta sống cuộc sống hàng ngày với những trải nghiệm như vậy. Khi đó những gì chúng ta nói hay viết đều có thể chạm đến trái tim của người khác. Bởi vì chúng ta viết từ tuệ giác của chính mình mà không phải lấy từ ý của người khác. Vì vậy viết quyển sách “Nghệ thuật tiêu thụ” cũng chính là một sự thực tập. Những người sản xuất ra sản phẩm cho chúng ta tiêu thụ, và chúng ta, những người mua các sản phẩm đó, tất cả chúng ta đều cần học cách tiêu thụ.
Jo Confino: Theo Thầy, những nhà hoạt động xã hội nên làm gì? Thầy nói rất đúng là việc đầu tiên họ phải làm là chế tác hạnh phúc cho chính họ. Nhưng về phương diện hành động, ta phải làm thế nào để lên tiếng chống lại áp bức và bất công xã hội? Có cách nào để làm việc đó với sự bình an và lòng quyết tâm?
Thầy: Các vị xuất sĩ Làng Mai an cư ba tháng mỗi năm, và trong mùa an cư, mỗi tuần sẽ có một ngày dành riêng cho tăng thân xuất sĩ. Chúng tôi ý thức rằng nếu chúng tôi không thể là chính mình, không đủ tình huynh đệ và hạnh phúc thì những điều chúng tôi làm sẽ không có ý nghĩa gì cả. Chúng tôi tổ chức ngày xuất sĩ để nuôi dưỡng chính mình và nuôi dưỡng tăng thân, rồi từ đó chúng tôi mới có thể cống hiến những khóa tu và những ngày chánh niệm ở nơi này nơi khác.
Chúng tôi thấy rõ là chúng tôi không nên đánh mất mình trong công việc. Nếu không, những gì chúng tôi cống hiến sẽ không phải là “hàng thiệt”. Vấn đề không phải ở chỗ làm nhiều việc, mà làm việc một cách chân thật. Không nên có mặc cảm là mình chưa làm đủ trong việc giúp người, giúp đời mà nên bảo đảm là khi làm gì thì làm đàng hoàng, đúng mức. Được như vậy chúng ta sẽ an tâm, bởi vì bất cứ cái gì chúng ta làm cũng đều đem lợi ích cho mọi người, ngay cả khi chúng ta đơn giản chỉ ngồi thiền hoặc đi thiền.
Nếu bạn đi thiền cho đàng hoàng, bạn sẽ được nuôi dưỡng và trị liệu trong mỗi bước đi. Không chỉ tổ tiên trong bạn được lợi lạc, mà thế hệ tương lai cũng được lợi lạc. Không làm được điều đó, ta sẽ không thể làm được điều gì ích lợi cả. Vậy nên mỗi bước chân là sự hành trì căn bản. Mỗi hơi thở, mỗi buổi ngồi thiền đều phải có phẩm chất nuôi dưỡng và trị liệu. Thậm chí bạn chỉ làm một việc nhỏ thôi, thí dụ như tổ chức một ngày quán niệm, nếu bạn làm hết lòng và hạnh phúc thì bạn cũng đồng thời làm tất cả mọi việc khác rồi. Cho nên, bất cứ việc gì bạn làm cho chính bạn một cách đàng hoàng, bạn cũng đồng thời làm việc đó cho tất cả mọi người. Đó là cách tôi thực tập. Bạn không cần phải mặc cảm là bạn chưa làm đủ. Điều này rất quan trọng.
Tôi nghĩ để góp phần làm nên một sự tỉnh thức tập thể, chúng ta cần vận hành như một cộng đồng, như một tăng thân. Các nhà báo cũng cần có tăng thân để chia sẻ nỗi khổ niềm đau, khó khăn, hạnh phúc, hy vọng và thành công của họ với nhau. Đây là một điều rất quan trọng. Điều này rất rõ ở Làng Mai: không có tăng thân, chúng tôi không thể làm bất cứ việc gì có ý nghĩa. Cho nên nương tựa tăng thân là một điều căn bản.
Một doanh nhân sản xuất ra những sản phẩm không lành mạnh thì người ấy không giúp gì được cho chính mình, cũng không giúp được cho khách hàng. Ta muốn ông ấy thay đổi. Nhưng làm sao để thay đổi đây? Có rất nhiều cách. Một trong những cách đó là tới gặp ông và nói rằng ông có thể hạnh phúc hơn, thư giãn hơn. Ông có thể sống một cuộc sống không quá bận rộn, hối hả như vậy. Ông có thể buông thư hơn và có nhiều niềm vui hơn. Ông không cần phải chìm ngập trong lo lắng, giận dữ, … Đó là một cách.
Cách thứ hai là khuyên bạn bè nên tiêu thụ dựa theo Năm giới. Tại sao bạn phải mua những thứ đó? Chúng ta cần những loại sản phẩm làm chúng ta khỏe mạnh hơn. Nếu khách hàng có sự tỉnh thức thì người sản xuất sẽ phải thay đổi. Nếu không thì việc làm ăn không thể kéo dài. Cho nên, chúng ta buộc nhà sản xuất phải thay đổi bằng cách không mua những thứ chúng ta không cần. Tôi có thể sống khoẻ mà không cần đến các loại máy móc điện tử. Tôi có nhiều thời gian hơn cho chính mình và cho tăng thân nhờ không sử dụng quá nhiều các loại máy móc điện tử này. Chúng ta có thể sống khỏe mà không nhất thiết phải có ti-vi, thậm chí không cần cả điện thoại hay báo chí. Chúng ta đâu cần phải xem chương trình thời sự mỗi ngày, có khi cả hai lần mỗi ngày. Bao giờ mấy tờ báo đăng những tin nuôi dưỡng thì chúng ta sẽ mua báo. Vì vậy có rất nhiều cách. Tôi nghĩ nếu chúng ta vận hành như một tăng thân và chúng ta làm việc với những người hoạt động ở cấp cơ sở thì sự thay đổi có thể bắt đầu ở đó. Không cần phải thuyết phục những người ở cấp cao nếu việc đó quá khó khăn.
Thánh Gandhi có khả năng kêu gọi người dân tẩy chay nhiều thứ, và ngài biết cách tự chăm sóc cho mình. Ngài biết là trong quá trình tranh đấu bất bạo động, ngài cần phải chăm sóc chính mình. Ngài nói với vợ là: chúng ta cần phải thực tập phạm hạnh trong thời gian này. Chúng ta cần tập thở và bảo tồn năng lượng vì đây là một cuộc tranh đấu khó khăn. Ngài biết tất cả những điều này, làm sao để bảo tồn năng lượng vì cuộc tranh đấu kéo dài. Cho nên sự thực tập tâm linh rất cần thiết trong quá trình hoạt động nhằm góp phần thay đổi xã hội.
Chúng ta cần tổ chức cuộc sống của mình như thế nào để có thêm bình an, thư giãn và trị liệu mỗi ngày. Ta cần những người bạn đồng tu và cần có tăng thân. Ý tưởng đem các nhà báo đến với nhau như một tăng thân để có được tuệ giác tập thể và tìm ra cách làm việc rất là quan trọng. Ở Làng Mai, chúng tôi cần các thầy, các sư cô cùng làm việc với nhau. Chúng tôi cần yểm trợ nhau, nếu không sống cùng nhau như một tăng thân, chúng tôi không thể làm gì được cả. Chúng tôi không thể phụng sự, theo nghĩa tích cực nhất của từ “phụng sự”.
Jo Confino: Làm sao người ta có thể nhìn ra thế giới một cách bình thản khi có quá nhiều khổ đau như thế? Chiến tranh xảy ra khắp nơi, không thấy có dấu hiệu hòa bình. Nếu tình trạng biến đổi khí hậu càng lúc càng trầm trọng thì khổ đau sẽ vô cùng khủng khiếp. Có cách nào để duy trì sự bình an của chính mình khi đứng trước những điều đang xảy ra chung quanh như thế?
Thầy: Theo tôi, chúng ta cần thay đổi quan niệm về thời gian. Đối với chúng ta, thời gian là một cái gì đó hữu hạn. Nhưng đối với đất Mẹ, nếu có tổn thương gì, đất Mẹ sẽ có khả năng tự chữa lành. Nếu cần, đất Mẹ có thể để ra hàng trăm triệu năm để phục hồi. Với chúng ta, thời gian ta ở trên trái đất chỉ có khoảng 100 năm, cho nên chúng ta không có sự kiên nhẫn.
Tôi nghĩ chúng ta có một cộng nghiệp. Sự vô minh tập thể của loài người, sự giận dữ và bạo động của loài người có thể sẽ dẫn chúng ta đến chỗ diệt vong. Chúng ta phải học chấp nhận điều đó. Biết đâu đất Mẹ sẽ cho ra đời một thánh nhân trong một vài thập niên tới và vị ấy sẽ dẫn đường cho chúng ta tránh khỏi tai ương. Không thể biết trước được. Đất Mẹ rất tài ba. Người đã cho ra đời các vị Bụt, Bồ tát và đại nhân. Cho nên, hãy nương tựa nơi đất Mẹ, phó thác cho đất Mẹ, cầu xin đất Mẹ hãy chữa lành và yểm trợ chúng ta.
Chúng ta phải tập chấp nhận để chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất có thể xảy ra, đó là loài người sẽ hầu như bị diệt vong cùng với nhiều loài khác. Sau vài triệu năm, đất Mẹ sẽ có khả năng đem chúng ta trở lại lần nữa, hy vọng lúc ấy chúng ta sẽ khôn ngoan hơn. Chúng ta rất thông minh, nhưng chúng ta chưa học được cách hành xử khá hơn. Mà đầu tiên là học cách yêu thương đất Mẹ.
Khi chúng ta thực tập chánh niệm, nhìn vầng thái dương trong khi thiền hành, quán thân trong thân, chúng ta sẽ thấy mặt trời có trong ta. Không có mặt trời thì cũng không có sự sống. Thấy được như thế, lập tức chúng ta tiếp xúc với mặt trời rất khác. Mối liên hệ giữa ta và mặt trời thay đổi. Mặt trời ôm ta như một người cha ôm con. Đó chính là sức mạnh của chánh niệm: làm phát sinh tuệ giác. Trước đó, ta thấy mặt trời như một cái gì đó rất xa xôi, không liên hệ gì mấy tới ta. Trên thực tế, mối liên hệ đó vô cùng sâu sắc. Ta là đứa con của mặt trời. Ta từ mặt trời mà sinh ra.
Điều này cũng đúng với đất Mẹ. Ta đi như thế nào để có thể thấy được mối liên hệ giữa ta và đất Mẹ vô cùng sâu sắc, và đất Mẹ có trong ta. Đây không phải là một điều khó thấy. Nó dễ hơn rất nhiều so với triết học. Nếu ta có thể đi như thế, mối liên hệ giữa ta và đất Mẹ sẽ thay đổi một cách vô cùng mầu nhiệm.
Khi ta có thể cảm được đất Mẹ ở trong ta, ta là đất Mẹ, khi đó ta không còn sợ cái chết nữa, bởi vì đất Mẹ không bao giờ chết. Ta có thể sẽ được sinh ra trở lại dưới một hình thức khác hay hơn, đẹp hơn. Giống như một con sóng vậy. Một con sóng biến mất và xuất hiện trở lại. Làm sao con sóng có thể chết được? Đó là tuệ giác phát sinh khi mình có liên hệ tốt với đất Mẹ. Tôi không nghĩ chỉ các triết gia mới có thể cảm được những điều như vậy. Ai trong chúng ta cũng có thể thấy được mối liên hệ đó.
Jo Confino: Cám ơn Thầy rất nhiều vì đã dành thời gian quý báu cho cuộc phỏng vấn này.