Nhìn đời trong chiếc gương soi

(Trích từ sách Áo vách núi của sư cô Chân Đẳng Nghiêm)

Có lần con đi theo tăng thân Bích Nham đến chùa Hoa Nghiêm để hướng dẫn khoá tu. Ngày đầu tiên, quý thầy và quý sư cô đã đi thăm Washington D.C nhưng con không đi được. Hôm đó, con bị đau nhức trong người nên phải nằm dài trên cái túi ngủ.

Hết giờ này qua giờ khác, con chỉ nhìn vào đôi mắt của mình trong một chiếc gương soi nhỏ. Tất cả những kỉ niệm khi con còn ba, bốn tuổi đã lần lượt trở về và con đã thấy rõ được từng kỉ niệm một. “Ồ, đây là biến cố mình đã đi qua với sự tuyệt vọng, sợ hãi và lo âu”. Con nhận thấy con người chúng ta, dù khi còn là một đứa trẻ đã có những cảm xúc mạnh rất sớm. Dù không gọi tên được những cảm xúc ấy nhưng đứa trẻ vẫn cảm nhận được với tất cả con người của nó.

Con nằm với chiếc gương như vậy sáu tiếng đồng hồ và nhìn vào cả chuỗi dài cuộc đời với những kỉ niệm lần lượt trôi vào kí ức. Con chỉ buông thư, mỉm cười và nhận diện chúng một cách đơn thuần. Con thú thật, trước khi đi tu, nếu con gợi lên một kỉ niệm của thời thơ ấu thì nó có thể làm con tê liệt cả một tuần. Nhưng khi con nhìn vào cuộc đời mình với hơi thở chánh niệm và toàn thân buông thư như vậy, con đã hiểu trọn vẹn hơn về đời mình, hiểu hơn về những ngọn sóng lên xuống, những thành bại, vui buồn hay hạnh phúc, khổ đau.

Sau sáu giờ nhìn lại cuộc đời mình như vậy, con đi tập thể dục hơn một tiếng rưỡi nữa. Khi các sư cô trở về, con cảm thấy mình khoẻ hơn và vui vẻ ngồi chơi với các sư chị, sư em. Sự tu học cho con một thứ quyền lực để nhìn lại đời mình một cách trọn vẹn mà tài sắc và danh vọng không thể nào mang đến được. Năng lượng của niệm, định và tuệ cho con khả năng nhìn lại cuộc đời mình, có được sự chấp nhận, sự bình an đối với những gì đã, đang và sẽ xảy ra.

Mỗi người chúng ta dù còn trẻ hay đã lớn tuổi, ai cũng có những kỉ niệm, những kí ức về chính chúng ta, về cha me, ông bà tổ tiên và về biết bao người mình đã gặp, đã thương, đã từng ân oán. Khi có những căn bệnh mãn tính, cấp tính hoặc khi chúng ta sắp lìa đời, các kí ức sẽ cuồn cuộn đi lên và liệu chúng ta có cái khả năng để nhìn chúng hay không? Hồi còn làm trong các bệnh viện, con đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân khi gần chết đã tỏ ra rất sợ hãi và tuyệt vọng. Đó là vì những chuyện cần làm nhưng chưa được làm xong (unfinished buisiness) đã cùng kí ức cuồn cuộn trào lên trong tâm thức họ. Trong lúc cơ thể đã yếu đuối mong manh hoặc sắp chết, người ta có thể bị cuốn đi bởi những cơn bão của hối tiếc, sợ hãi và tuyệt vọng. Có những người có quá nhiều đau đớn và sợ hãi nên phải chích morphine cho hôn mê. Họ ra đi trong tình trạng lãng quên và mê man như vậy.

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta có khả năng nhìn vào gương soi để thấy được con người thật của mình để thương yêu, chấp nhận, trân quý; cũng như từ từ chăm sóc được những liên hệ tình cảm với cha mẹ, con cháu, bạn bè, với chính mình, học làm tri kỉ của chính mình thì khi những đợt sóng đó đi lên, chúng ta có thể buông thư và mỉm cười được.