Làm bánh là thiền, vẽ cũng là thiền

Thiền làm bánh

Nếu không đi tu có lẽ nhiều khả năng của con sẽ không được phát hiện ra và phát triển. Đây là những kỹ năng không bao giờ con nghĩ mình có. Vì vậy nhân duyên, môi trường và con người xung quanh đã góp phần làm nên con của hôm nay. 

Ngày đến Xóm Mới, Làng Mai Pháp cách đây sáu năm, con đã có cảm giác thân quen với ngôi nhà bằng đá bình dị của kiến trúc nông thôn nước Pháp. Căn bếp nhỏ gọn gàng với đầy đủ các loại gia vị Á-Âu và đặc biệt là gần các gian nhà ở của các sư cô. Xóm Mới có một đặc trưng là trước khi đến thiền đường thì sẽ đi ngang nhà bếp, tựa như câu “có thực mới vực được đạo” vậy. Mà cho dù đi đến đâu thì các hướng đi ở đây đều có thể đi ngang nhà bếp cả. Có lẽ điều đó dẫn con trở nên thân quen với nhà bếp và bắt đầu khám phá bên trong mình có sở thích nấu nướng hay làm bánh của mẹ.

Mẹ con là người phụ nữ của “nữ công gia chánh” vì vậy mà rất khéo tay và nhất là thích làm bánh.Trước đây con thường nói với mẹ mình là: “làm chi cho cực, muốn ăn bánh gì ra ngoài mua cho lẹ. Thời gian đó con đầu tư học hành để làm ra nhiều tiền có hơn không.” Vậy mà khi đi tu rồi và ở Xóm Mới, thấy các sư cô làm bánh là con lại đến phụ. Ban đầu con tham dự vì mọi người tụ họp làm chung rất vui. Mình làm mà cứ như chơi thôi, đâu có cực nhọc chi mà chị em lại có dịp cười nói vui vẻ với nhau. Chúng con tự làm bánh ở tu viện thay vì mua cũng là cách lựa chọn thức ăn lành hơn và đỡ xả rác bao bì. Dần dần con để ý học cách làm bánh, cho đến một ngày thì con trở thành “Xóm Mới baker”- người làm bánh của Xóm Mới luôn. Cho nên các sư cô mỗi lần thấy con làm bánh là lại nói “Mẹ biểu hiện rồi. Bàn tay này là của mẹ đây. Mẹ đang về chơi với các sư cô.” Con nghĩ điều đó là thật! Vì con đã từng nói với mẹ trong tâm mình rằng dù mẹ mất thì mẹ sẽ không dừng ở đây, mẹ có ở trong con vì vậy mẹ sẽ cùng con đi tiếp về tương lai. Mẹ chưa từng được đi Làng ở Pháp thì giờ mẹ đã ở đây trong hình hài của con.

Sau này mỗi khi cần bánh cho các sự kiện, các sư cô sẽ nghĩ đến nên nhờ ai trong vài người có thể làm bánh của xóm để các chuyên gia làm bánh này có thể thay phiên nhau làm. Vì thế mà các sư cô cũng bận lắm, không chỉ có thở và cười đâu. Con nói với bạn trung học của mình rằng con còn bận hơn lúc làm cư sĩ, các cuộc họp còn gấp nhiều lần hơn khi con còn đi làm nữa, nhưng là bận trong sự thảnh thơi. Bạn không thể hiểu được điều này dù cho con giải thích. Những người thực tập thiền chánh niệm có lẽ sẽ hiểu nếu từng nếm trải được kinh nghiệm này. Đôi khi con thích cảm giác làm bánh một mình. Tâm trí con sẽ đặt hoàn toàn ở việc làm bánh. Từng động tác trộn bột, thêm nguyên liệu, cắt hoa quả, đi tới đi lui lấy dụng cụ đều được làm một cách thong thả, sẽ không ai hối con phải làm cho nhanh. Con sắp xếp thời gian và không gian cho mình. Con không cần nghĩ ngợi đến điều gì khác mà chỉ tận hưởng từng bước biểu hiện khi các nguyên liệu kết hợp với nhau. Con làm mọi thứ trong trạng thái thả lỏng toàn thân. Đôi lúc chúng ta cứ gồng người lên không cần thiết dù làm một động tác nhỏ hay đôi khi các bạn chỉ đứng yên nhưng ngón chân thì bấu chặt vào dép. Mọi người có bao giờ ý thức ngón chân của mình khi đứng hay làm việc không? Cơ bắp tê cứng, máu không lưu thông, cơ thể sinh căng thẳng và lâu dần sẽ phát sinh bệnh. Bệnh đau vai và tê tay của con ngày xưa vì làm việc máy vi tính với sự căng thẳng lâu ngày đã bớt đi nhiều khi con thực tập thiền buông thư. Vì vậy con thường nhắc nhở mình thả lỏng cơ thể, tìm những tư thế để cơ thể có thể buông thư thoải mái nhất khi làm việc. Tại sao mình cứ bắt cơ thể căng thẳng, đôi chân đứng lâu mỏi hay là đôi tay cứ phải với ra xa nhiều lần khi chỉ cần bắt một cái ghế ngồi xuống hay sắp xếp dụng cụ làm việc hợp lý là đỡ mất rất nhiều năng lượng. Đôi lúc con thấy chỉ là do tâm đang suy nghĩ chuyện khác hoặc do người ta không quan tâm và xem chuyện buông thư này là cần thiết. Hàng ngày con cũng cố gắng duy trì ý thức buông thư trong bất cứ tư thế nào, bất cứ tình huống nào. Làm như thế con như đang chơi và tận hưởng niềm vui làm bánh mà không chỉ là lao động để có bánh. Các suy nghĩ vẩn vơ và phiền não không đến với con khi con làm việc như thế. Làm việc cả ngày trong tinh thần đó ta sẽ không mệt, có thể cuối ngày ta mỏi chân mỏi tay nhưng về đến giường gác chân lên và thư giãn là ta lại thoải mái tận hưởng cảm giác được nghỉ ngơi sau một ngày thật ý nghĩa. Chỉ có làm việc mà đầu óc suy nghĩ nhiều, so đo tính toán mới làm ta mất năng lượng và mệt thôi. Và chỉ cần thấy được niềm vui của mọi người khi ăn bánh là con lại có rất nhiều động lực để cống hiến khả năng của mình. Sau này khi hướng dẫn người khác làm bánh và cùng làm thì có hơi bối rối một chút lúc ban đầu. Vì vậy con tập để sắp xếp mọi việc một cách rõ ràng và cách hướng dẫn, và rồi con vẫn có thể trở về thả lỏng mình thì áp lực đó dần tan đi và đổi lại là tận hưởng niềm vui cùng có mặt cho nhau.

Có thể nếu không có căn bếp nhỏ của Xóm Mới, sự nhiệt tình của các sư cô thì hạt giống này đã không nảy mầm. 

Vẽ cũng là thiền

Có những điều không bao giờ con nghĩ tới mình có thể làm được nhưng có lẽ khu vườn tăng thân tạo điều kiện để cho các loại hạt giống có thể biểu hiện nên những hạt giống vùi sâu lòng đất đã trỗi dậy và đơm hoa kết trái. Vì vậy, khu vườn của con một ngày kia đã xuất hiện bông hoa lạ và với con nó là một điều kỳ diệu khi mình từng ngày khám phá thêm khu vườn tâm của chính mình. 

Con thường ngưỡng mộ các họa sĩ và tự hỏi làm sao mà họ có thể lưu giữ được khoảnh khắc đẹp của tự nhiên chỉ trên một tờ giấy như vậy. Con cũng ước chi mình có thể vẽ nhưng đã nghĩ rằng mình không thể làm điều đó. Nhưng có một ngày cảm hứng từ đâu đến mà con đi lượm một hộp màu nước và thử họa lại bức vẽ của sư chị mình, và rồi các hình ảnh biểu hiện ra một cách suôn sẻ như con là người biết vẽ vậy. Tranh của con không đẹp như sư chị, nhưng nhìn vào biểu hiện của nó thì con biết rằng mình có thể vẽ rồi. Với một người đã từng không thể vẽ cho đẹp kể cả một cái biểu tượng mặt cười với vài nét đơn giản thì đây là một điều không thể ngờ tới. Cái gì đã làm nên điều này? Con nghĩ chắc như Sư Ông đã dạy, hạt giống được tưới tẩm đủ ngày thì lớn thôi, mọi thứ đầy đủ điều kiện thì biểu hiện. Có lẽ đó là kết quả sau nhiều năm ở trong môi trường thanh bình, được đắm mình trong thiên nhiên mầu nhiệm và được nhìn thấy các bức vẽ của các sư cô. Cho dù hạt giống đó có bé đến nỗi mình không thấy nhưng ở trong môi trường thích hợp thì nó nẩy mầm. Vì bây giờ ngẫm lại con thấy khả năng này một phần được truyền từ người thân mà mấy chục năm rồi nó vẫn ẩn tàng cho đến khi có điều kiện thích hợp. Từ đó, mỗi sáng thứ hai làm biếng, con pha một bình trà, thắp ngọn nến nhỏ và vẽ như một niềm vui khi thấy hình ảnh hoa lá nho nhỏ, các chú tiểu dễ thương dần hiện ra.

Dạo gần đây con đang học vẽ một cách nghiêm túc cho nên những bài học đầu tiên là vẽ chì các tĩnh vật. Khi đó con nhận ra mình có những giờ vắng lặng các suy nghĩ một cách tự nhiên mà không cần cố gắng. Đôi khi con ngồi thiền hay đi thiền nhưng phải rất chú tâm và cố gắng nhiều để đem tâm trở về với hơi thở. Cái tâm con khỉ vẫn thường luôn chuyền hết cành này sang cành khác. Vậy mà tâm của con đi theo từng đường chì vẽ một cách dễ dàng dù mấy giờ trôi qua thì tâm con vẫn đi theo hướng này. Phải chăng vẽ cũng là thiền khi mình rất tận hưởng hoạt động đó, tâm chỉ chuyên chú vào một đối tượng, ý thức được hành động mình và buông thư thân tâm. Điều này cũng do những thực tập chánh niệm hàng ngày đã hun đúc nên. Bởi vì cũng có người trong nhóm học vẽ của con rất căng thẳng vì cố gắng làm cho được một bức tranh. Cho nên con mở tiếng chuông chánh niệm và mời mọi người nghỉ ngơi sau mỗi nửa giờ. Vẽ là một hoạt động đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung. Đôi lúc say mê vẽ cũng cuốn hút mọi người không thể dừng và nghỉ ngơi. Thực tập chánh niệm giúp con biến việc vẽ trở thành một hoạt động chánh niệm và tận hưởng nó một cách nhẹ nhàng thư thái. 

 

 

Vẽ cũng giúp con trở nên kiên nhẫn, tỉ mỉ và làm việc một cách cẩn trọng từng chi tiết hơn. Bạn không thể chỉ vẽ cho xong được vì kết quả là một bức tranh không thể gọi là đẹp. Nhiều lần con vẽ như thế cũng vì còn thói quen muốn hoàn thành công việc, chưa có kỹ năng vẽ và cả háo hức muốn có một tác phẩm của mình. Nhưng cô giáo dạy vẽ là người truyền đến cho con sự tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ tưởng như không nhìn thấy. Chỉ cần vẽ, vẽ trong sự thoải mái và tận hưởng việc vẽ đó mà không để tâm khi nào nó sẽ hoàn thành.

Có nhiều điều thú vị khi vẽ nữa, ví dụ như bông hoa được hình thành từ nắng, từ mưa, từ đất,… thì khi pha màu vẽ con cũng được học. Màu da người được hình thành từ màu vàng đất, màu xanh lá, màu đỏ, màu trắng cũng giống như con người được hình thành từ đất, nước, gió, lửa vậy. Trong màu xanh cũng sẽ có yếu tố đỏ, trong màu đỏ sẽ có yếu tố xanh như là vạn vật có trong nhau. Thật là có rất nhiều điều thú vị để khám phá về thế giới xung quanh và về bản thân. Tranh vẽ cũng biểu hiện được nội tâm của mình do đó đôi khi vẽ tranh cũng là sự khám phá bản thân và là phương pháp trị liệu. Mong rằng mọi người cũng sẽ cùng con đi trên hành trình mỗi ngày mỗi khám phá và hiểu về chính mình hơn bởi vì không có niềm vui nào bằng niềm vui hiểu được mình và làm bạn được với chính mình. 

( Sư cô Chân Trăng Tùng Hạc)