Mạ còn đó bình yên như hơi thở

 

Mạ thuỷ chung âm thầm như nguồn cội

Bãi vắng trưa xô gió cát lao xao

Mặc gió mưa giông bão thét gào

Mạ còn đó bình yên như hơi thở.

Tôi chẳng nhớ những câu thơ tôi viết cho Mạ khi nào, có lẽ đã lâu lắm rồi, lúc tôi còn là một cô sa di nhỏ. Mỗi lần cùng Mạ lên Diệu Trạm thăm, thế nào cũng có sư em rỉ tai tôi, giọng nghịch ngợm: “Sư cô ơi, sao con nhìn Mệ trẻ trung vui vẻ hơn sư cô nữa à nha!”. Các sư em gọi Mạ tôi là Mệ, như cách người Huế thường gọi người lớn tuổi. Tôi muốn viết và kể chuyện của Mạ, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, bởi có quá nhiều điều vui buồn, khổ đau và hạnh phúc suốt cuộc đời của Mạ. Nhìn thấy tất cả nét vui tươi hồn nhiên trong mắt cùng giọng cười vui vẻ của Mạ, thật khó mà tin rằng Mạ đã đi qua bao nhiêu gian nan, lao nhọc và khó khăn, khổ đau chồng chất trong đời.

Lúc mới hơn mười tuổi, tôi đã tròn xoe mắt khi Mạ dặn dò: “Ra đường phải vui vẻ và mỉm cười với mọi người nghe con. Dù con có đói ba ngày, con vẫn phải tử tế với người khác. Có khi người đang đứng trước mặt con còn khó khăn hơn con nhiều lắm, con không có gì để cho, nhưng con còn có nụ cười!”. Lớn lên tôi là một người hay cười, có lẽ cũng nhờ những lời dạy và cách hành xử của Mạ.

Mạ không biết chữ, lúc mang thai tôi, là con thứ năm trong nhà, Mạ mới được vài ba đêm cầm cây đèn dầu đến nhà cô giáo làng ở xóm trên, theo lớp Bình dân học vụ. Ba mất, để lại cho Mạ bảy đứa con và lời trăn trối thiết tha: “Một là đừng cho đứa nào theo nghề của Ba đi đánh cá, hai là cố gắng cho con học hành tới nơi tới chốn”. Năm đó Mạ 38 tuổi. Ba mất, Mạ không còn cơ hội nào mơ đến những con chữ bí mật mà hấp dẫn đó nữa, dù niềm yêu thích đọc chữ vẫn không hề nguôi ngoai. Những người con của Mạ, hết người này đến người khác, học hành và ra trường, là những người đỗ đại học đầu tiên ở quê, sau này làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm thầy giáo và là niềm tự hào của Mạ. Anh em tôi từ lâu đã có ý định bày cho Mạ học đọc, nhưng hình như chưa ai thật sự làm cả.

Có một lần, anh Phong, anh thứ ba của tôi, lúc đó đã là thầy giáo, về thăm Mạ. Buổi trưa hôm đó, nằm thiu thiu nơi võng, anh Phong nghe giọng Mạ chầm chậm đánh vần từng chữ một, anh tỉnh hẳn và lắng tai nghe. Mạ đánh vần thật. Mạ biết đánh vần và đọc từng chữ, từng chữ nơi cuốn “kinh Nhật Tụng của Mạ”. Sư em Nguyên Tịnh đã chọn in một số bài kinh, bài sám với cỡ chữ lớn và làm quà tặng Mạ, trong một dịp các anh chị em xuất sĩ đi thăm các ba mẹ. Anh Phong ngồi dậy, len lén nhìn sang Mạ, có lẽ để biết chắc đó là Mạ. Mạ vẫn hồn nhiên chăm chú đánh vần, không biết rằng thằng con trai đã lớn của mình đang khóc. Anh Phong khóc, và các anh em tôi đều khóc khi nghe anh kể chuyện đó.

 

 

Sau này mỗi lần về thăm, tôi đều nghe Mạ khoe: “Mạ đã thuộc lòng bài Ba Sự Quay Về rồi nghe cô”, hay là: “Lần vừa rồi ở Diệu Trạm, Mạ đã tụng theo được với quý thầy, quý sư cô hết bài Quy Nguyện luôn đó cô”. Tôi vui vẻ khen ngợi và động viên Mạ. Tôi vui với niềm vui của Mạ, lòng hân hoan như những tháng ngày mới vào chùa và  học thuộc lòng thần chú Lăng Nghiêm. Khoảng sáu tháng trước, Mạ băn khoăn: “Cô nè, bài Sám Nguyện dài quá, Mạ học có thuộc nổi không hè?”. Tôi mỉm cười, nói giọng tự tin và “tỉnh bơ”, dù lòng rưng rưng thương Mạ: “Đương nhiên là Mạ sẽ thuộc rồi, như là Mạ đã thuộc rất nhiều bài sám khác. Mạ học từ từ từng đoạn thôi. Bây chừ Mạ đọc ro ro rồi mà”. Mạ đã lớn tuổi, mỗi đêm, vẫn thắp hương lên bàn thờ Bụt, bàn thờ Tổ tiên và thầm khấn nguyện để kiếp sau được làm người xuất gia.

Tôi và em tôi xuất gia, dù “đã là con của Phật chớ mô còn là con của mình” như lời Mạ thường trả lời các bác hàng xóm mỗi lần họ tán dương rằng Mạ quả thật phước đức khi có hai người con đi tu, tôi vẫn biết rằng thực tập để nuôi dưỡng và làm cho tươi mát niềm vui sống mãnh liệt trong tim là điều tôi sẽ học hỏi và thừa hưởng suốt đời từ Mạ. Hễ lúc nào cánh cửa còn hé mở, thì ánh sáng nhất định biết cách tràn vào. Hễ lúc nào trái tim còn để ngỏ thì tình thương và niềm tin sẽ mãi thắp sáng đôi mắt và mọi nẻo đường mình bước qua. Tôi nguyện giữ gìn nụ cười của Mạ để tâm hồn tôi được tắm mát trong dòng suối thanh lương đó.

 

Mùa Đông, Huế, 04.01.2020

Chân Thuần Khánh