Thiết kế trang phục cho xuất sĩ
Thư Thầy, ngày 13/10/2014
Agen Pháp
Ngày 13 tháng 10 năm 2014
Thương gửi các con của Thầy khắp nơi,
Cộng đồng xuất sĩ của chúng ta đang tu học và hành đạo trên thế giới bây giờ đã đông trên cả ngàn người và gồm có hơn 30 quốc tịch, trong đó có nhiều thầy và sư cô trẻ các nước tây phương. Chúng ta đang là một tăng đoàn quốc tế, nên cách ăn mặc, cách thiết kế y phục, giày, nón phải được nghĩ tới. Hôm nay nghĩ tới cũng đã chậm rồi. Là một cộng đồng xuất sĩ quốc tế, chúng ta phải có dáng dấp quốc tế trên phương diện hình thức. Vì tất cả đều đang toàn cầu hoá, nên chúng ta cũng phải toàn cầu hoá. Tuy nhiên cộng đồng xuất sĩ của chúng ta vì có nguồn gốc từ truyền thống Việt Nam, cho nên chúng ta cần phải giữ lại ít nhất những yếu tố căn bản của truyền thống ấy.
Trước hết là chiếc y tăng già lê màu vàng, chiếc áo tràng, chiếc áo nhật bình và chiếc áo vạt hò màu nâu, chiếc bình bát nhỏ và chiếc nón lá. Chiếc nón lá này, cùng với chiếc bình bát và chiếc áo tràng nâu đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trên thế giới. Ai trông thấy hình ảnh ấy thì biết rằng đây là những vị xuất sĩ phật giáo có nguồn gốc truyền thống Việt Nam.
Chúng ta đã tổ chức lễ cổ phật khất thực ở nhiều thành phố trên thế giới. Cho nên hình ảnh chiếc nón lá, bình bát và chiếc áo tràng nâu đã trở nên thân thương đối với các phật tử trên thế giới. Thấy những hình ảnh đó, người ta liên tưởng tới những pháp môn tu học của truyền thống chúng ta. Tuy nhiên, hiện giờ trong nước các vị xuất sĩ Việt Nam mang nhiều màu sắc quá, nhất là màu vàng, do đó hình ảnh thân thương của chiếc áo tràng màu nâu truyền thống tượng trưng cho nếp sống bình dị của đời sống dân quê gần như thiếu vắng.
Chiếc nón lá tuy đẹp nhưng hơi cồng kềnh nên có khi các thầy, các sư cô hay chọn một cái nón bằng vải kiểu tai bèo. Chúng ta cũng nên thiết kế một cái nón như vậy chung cho cả hai phái. Chiếc khăn nâu mà các sư cô chít là có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam. Ngày xưa các thầy miền Bắc cũng chít khăn tương tự như vậy vì khí hậu ngoài đó khá lạnh. Chiếc khăn này rất đơn giản mà rất đẹp, chúng ta nên giữ cho được chiếc khăn nâu đó.
Bây giờ đây, trước hết ta phải nghĩ chuyện thiết kế một chiếc áo cho các thầy và các sư cô sử dụng trong khi chấp tác. Không nên mặc áo tràng hay áo nhật bình trong khi chấp tác. Áo chấp tác phải ngắn, phải gọn và tay áo không dài để đừng bị vướng trong khi làm việc. Cắt cỏ, làm vườn, nấu ăn, rửa dọn, tưới rau, cưa cây, cuốc đất, trộn xi măng, lái máy cày hay xe truck… mình đâu cần phải mặc áo tràng hay áo nhật bình, rất bất tiện. Ta phải cởi áo tràng, áo nhật bình ra, mặc áo chấp tác vào rồi mới làm việc. Làm xong thì cởi áo chấp tác ra rồi đi tắm gội hoặc rửa chân tay, sau đó mới mặc áo tràng hay áo nhật bình trở lại.
Vào ngày mà các thầy tới để chấp tác nơi trú xứ của các sư cô hay các sư cô tới chấp tác nơi trú xứ của các thầy, cố nhiên là mình phải mặc áo tràng hoặc áo nhật bình khi tới. Nhưng khi bắt đầu chấp tác thì phải thay áo tràng hoặc áo nhật bình bằng y phục chấp tác. Nếu mình thiết kế (design) một loại áo chấp tác cho thật tiện nghi và đơn giản và có thể được sử dụng cho cả hai phái (unisex) thì rất quý. Tại vì mình rất muốn đẹp.
Tiếp đến là giày. Cố nhiên là giày của người xuất sĩ không được làm bằng các chất liệu lấy từ da thú vật. Chúng ta cần một loại giày vải thật đẹp, cũng đơn giản, có tiện nghi, mang vào thấy thoải mái, có thể dùng chung cho cả hai phái. Đôi giày này phải thật sự mới, không nên mô phỏng theo một kiểu đã có sẵn trong những truyền thống lâu đời. Ta phải thiết kế một kiểu giày mới có tính cách quốc tế.
Tiếp đến là áo tắm cho các thầy, các sư cô. Thầy nhớ ngày xưa ở Ấn Độ vào thời của Bụt, các thầy tắm sông, tắm hồ, tắm suối nước nóng và tắm dưới mưa nhiều lắm. Các sư cô cũng vậy. Đọc kinh Samidhi (Tam Di Đề) ta thấy hình ảnh thầy Samidhi là một hình ảnh điển hình. Buổi sáng mùa hè nóng nực, thầy ra bờ sông, cởi bỏ y áo, để lại trên bờ và lội xuống sông tắm. Tắm xong thầy lên lại trên bờ, đứng đợi cho mình mẩy khô rồi mới mặc y áo trở lại. Nhưng lúc ấy bờ sông đã có người rồi, mà có thể lại là người nữ nữa chứ.Trong trường hợp thầy Samidhi đó là một cô thiên nữ. Cô tới gần, hỏi thầy là tại sao tóc còn xanh, tuổi còn trẻ mà lại cạo bỏ râu tóc, xoay lưng lại với cuộc đời và đi tìm một thứ hạnh phúc nào đó trong tương lai, trong khi tuổi trẻ đang hưởng thụ bao nhiêu thứ hạnh phúc ngay trong hiện tại. Ta thử hỏi lúc đó, mình mẩy thầy Samidhi đã khô chưa và thầy đã mặc y áo vào chưa? Nếu chưa thì thật là bất tiện. Ai mà không cảm thấy lúng túng. Thầy Samidhi thời nay cố nhiên cần một chiếc áo tắm để có thể sử dụng khi tắm sông, tắm biển, tắm hồ và tắm nước mưa.
Các sư cô cũng vậy. Không biết ông Cấp Cô Độc có nghĩ tới chuyện thiết kế áo tắm cho các thầy lần nào không. Nhưng bà Lộc Mẫu (Visakha) cũng gọi là Migara’s Mother (Migāramāta), người ủng hộ giáo đoàn nữ khất sĩ tại tu viện Migāramātupāsāda gần thành phố Savatthi của các sư cô thì có. Bà là người yểm trợ ni chúng cũng như ông Cấp Cô Độc là người yểm trợ các thầy. Các sư cô thường xem bà là một bà mẹ. Một hôm bà tới thăm tu viện các sư cô trong khi trời mưa rất lớn, và thấy các sư cô đang tắm ở dưới mưa mà không có một mảnh gì để che thân. Cho nên bà mới phát tâm cúng dường các sư cô khăn tắm và áo tắm. Tăng đoàn xuất sĩ thời Bụt có rất nhiều người trẻ, và tăng đoàn xuất sĩ chúng ta ngày nay cũng vậy.
Thường thường sau những khoá tu, các thầy hoặc các sư cô cũng có cơ hội đi ra bãi biển hoặc bờ hồ hay bờ sông để thiền hành, ngồi thiền, thực tập mười động tác chánh niệm và ai cũng rất muốn được tắm. Vì các vị không có áo tắm cho nên cứ để nguyên áo nhật bình hoặc áo vạt hò mà lội xuống nước. Điều này rất bất tiện và có khi nguy hiểm nữa. Đó là lý do khiến ta phải thiết kế một chiếc áo tắm cho các thầy và các sư cô.
Tại trung tâm tu học mình đang cư trú, nếu các con biết được một phật tử có khả năng thiết kế y phục chấp tác, giày, mũ và áo tắm cho các vị xuất sĩ thì xin vị ấy giúp làm công việc này cho mình. Công đức vô lượng. Chúng ta sẽ chọn trong các kiểu được vẽ ấy một kiểu y phục chấp tác, một kiểu mũ, một đôi giày vừa tiện nghi, vừa đơn giản mà ta ưng ý nhất, sau đó mới nhờ sản xuất và đem ra sử dụng cho cả tăng đoàn quốc tế chúng ta, kể cả các vị đang có mặt tại Việt Nam. Thầy sẽ mặc theo các con cho giống.
Thầy mong các con của thầy thực hiện điều này càng sớm càng tốt.
Thầy của các con
Nhất Hạnh