Thư Thầy
Những lá thư thầy viết cho đệ tử
Trong kinh Lăng Nghiêm, ở chương Đại Thế Chí Niệm Phật, ta được học rằng trong khi mẹ nhớ con và đi tìm con, nếu con cũng nhớ mẹ và đi tìm mẹ thì thế nào mẹ và con cũng tìm được nhau và hai mẹ con sẽ không bao giờ xa nhau. Điều này cũng đúng với liên hệ thầy và đệ tử: nếu thầy có chủ tâm đi tìm đệ tử trong khi đệ tử cũng có chủ tâm đi tìm thầy thì chắc chắn là thầy và đệ tử sẽ gặp nhau. Thầy tìm được con thì thầy nắm tay con để đi trên con đường thực tập, con trở thành thầy và thầy có trong con. Và như thế trong tay con đã có tay thầy.
Bài kệ xưng tán Pháp Hoa như sau:
Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Tiếng xao động tinh hà
Địa cầu vừa tỉnh giấc
Lòng đất bỗng đơm hoa
Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Bảo tháp hiện chói lòa
Khắp trời Bồ tát hiện
Tay Bụt trong tay ta
Tay Bụt trong tay ta có nghĩa là ta được nắm tay Bụt mà đi. Cũng có nghĩa là trong tay ta đã có tay Bụt. Bụt và ta không còn là hai thực tại riêng biệt. Ta và Bụt bất nhị. Lúc ấy thì hạnh phúc ta rất lớn.
Những lá thư thầy viết cho con là để trao truyền cho con. Trao truyền cái gì? Không phải một mớ kiến thức, một mớ giáo lý. Thầy trao truyền cho con chính bản thân của thầy. Và nếu con biết cách tiếp nhận thì thầy trở thành con và con trở thành thầy. Đó là nguyên lý Tam Luân Không Tịch: người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp nhận không phải là ba cái riêng biệt, mà chỉ là một cái.
Đọc những lá thư thầy viết, ta thấy được ta, và ta thấy ta trong thầy và thầy trong ta. Liên hệ thầy trò trở nên bất diệt nhờ ta có được cái thấy Tam Luân Không Tịch. Nhờ thầy mà ta tiếp cận được với Bụt và Tổ, nhờ ta mà thầy có thể đem Bụt và Tổ đi về tương lai.
Tình thầy trò là như thế. Tuyển tập những lá thư thầy viết cho con sẽ còn được tiếp nối dài dài…
Thầy,
Thất Ngồi Yên,Thứ Bảy, ngày 22 tháng 11 năm 2010.
Lời giới thiệu
Chúng ta đang cầm trên tay món quà quý – Tuyển tập những lá thư thầy viết cho đệ tử. Mỗi lá thư là một chứng tích của tình Thầy, chứa đựng trọn vẹn những gì Thầy muốn trao truyền. Những lá thư ấy không bị giới hạn bởi thời gian, do vậy không xếp theo trình tự thời gian để ta có thể đón nhận mỗi lá thư trong một hình thức mới, nội dung trao truyền được sống dậy trong thời khắc mà ta đang đọc.
Trong sách chúng ta cũng góp được những thông bạch mà Thầy gởi trong những năm qua, mỗi thông bạch như những khuôn thước nền tảng thực tập. Và phần cuối là “câu chuyện người con trai khờ dại” được Thầy viết tại Phương Bối- Bảo Lộc, Lâm Đồng năm 1961. Đọc câu chuyện để ta cảm thêm sự rộng lớn của tình Thầy qua những lá thư. Chúng ta thấy người con trai trong câu chuyện là một người rất thật và cho đến nay chưa một lần từ chối làm người “khờ dại” cho tình thương.
Đây là mối tình Thầy gởi cho người học trò mà cũng cho quê hương, cho nhân loại. Tình thương ấy đã được trao truyền, được tiếp nối và làm nền tảng cho công trình xây dựng con người.
Chúng ta đón nhận mối tình rất đẹp này
và giữ riêng cho mình những gì rất gần,
để cùng hiểu, cùng thương và cùng hiến tặng.