Hoằng pháp ở Bhutan
Tháng chín vừa qua (2012), một số các vị Giáo Thọ của Làng Mai cùng với một số Phật tử trẻ trong phong trào Wake Up đã đến Bhutan để tổ chức những lớp tu học và huấn luyện cho giới giáo chức và sinh viên ở Vương Quốc này. Tại Bhutan hiện có một trung tâm nghiên cứu và thực tập những phương pháp tạo dựng hạnh phúc gọi là Center of Gross National Happiness (tổng chỉ số Hạnh Phúc Quốc Gia). Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, một vị giáo thọ của truyền thống Làng Mai đã được chính quyền Bhutan mời đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc Điều Hành trung tâm này. Hồi tháng tư năm nay, giáo sư Hà Vĩnh Thọ cũng đã đi tham dự buổi họp của Liên Hiệp Quốc tại New York, một buổi họp có chủ đích đưa vào việc thực thi nghị quyết số 65/309 về chủ đề hạnh phúc đã từng phê chuẩn trước đó. Thầy Nhất Hạnh hồi đó cũng đã được Thủ Tướng Bhutan, ngài Lyonpo Kinzang, trân trọng thỉnh mời tới tham dự buổi họp này, nhưng vì đang hướng dẫn các khóa tu ở Anh Quốc và Ái Nhĩ Lan nên Thầy không thể nhận lời. Giáo Sư Hà Vĩnh Thọ Giáo cũng đã chuyển tới Quốc Vương Jigma Khesar Namguyel WangChuck và Thủ Tướng Lyonpo Kinzang mỗi vị một tác phẩm Phật học của Thầy viết, và các vị cũng đã viết thư cám ơn Thầy.
Thành phần những vị trong chuyến đi hoằng pháp tại Bhutan này gồm có các thầy Pháp Dung, Pháp Siêu, Bảo Tích, các sư Cô Đẳng Nghiêm, Mai Nghiêm, Hội Nghiêm, Đàn Nghiêm và các vị cư sĩ trẻ Thúy Hân, Huyền Chi, Miranda và Robert.
Lễ khai mạc và bế mạc của các khoá huấn luyện đã được tổ chức với sự có mặt của một vị công chúa của gia đình hoàng gia, ông bộ trưởng bộ giáo dục, ông bộ trưởng nhân sự cùng nhiều vị bộ trưởng khác và rất nhiều các vị dân biểu quốc hội. Mỗi ngày đều có khoảng 150 người (thiền sinh) tham dự, trong đó có các giáo chức đại học trẻ, sinh viên, học sinh và cả những người thất nghiệp, những người nghiện ma túy và cả những cô vũ nữ và những người bị bệnh sida.
Thầy Pháp Dung tặng Thư Pháp cho Công chúa Kesang Choden Wangchuck
Có những vị dân biểu ở lại tham dự suốt ngày và đã đặt câu hỏi: làm thế nào để có thể tổ chức những khoá tu tập như thế này trong cả các tỉnh của Vương Quốc? Báo chí, truyền thanh và truyền hình nói tới rất nhiều về những khóa tu tập này. Giới thanh niên tới tham dự cảm thấy rất nhiều thích thú và bồng bột. Có người nói: “ Đây là ngày đẹp nhất trong cuộc đời tôi, từ trước đến giờ.”. Có người nói: “ Chưa bao giờ tôi cảm thấy được cái niềm bình an mà tôi có được hôm nay!” . Người khác: “ Phải đem những pháp môn này vào dạy trong tất cả các trường học.”
Chủ đề và nội dung các khóa tu tập mà tăng thân Làng Mai đưa ra tại Vương Quốc này là đạo đức học ứng dụng. Vào những ngày chót của các khóa huấn luyện, có nhiều bậc phụ huynh đã nói với các thầy và các sư cô rằng chính con cái họ ép họ phải tới tham dự cho biết. Khi được các thầy hỏi: những vị nào muốn được tiếp tục học hỏi và thực tập theo pháp môn này, thì tất cả đều đưa tay lên, không sót một người. Một đơn vị Wake Up đã được thành lập ngay tại chỗ để cung cấp sự thực tập đều đều cho giới trẻ mỗi buổi chiều. Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, giám đốc trung tâm GNH (Gross National Happiness (Tổng chỉ số Hạnh Phúc Quốc Gia)) đã quyết định tổ chức những lớp huấn luyện cán bộ để lần lượt cung cấp sự thực tập này trong phạm vi học đường, gia đình và cộng đồng. Tiến Sĩ Saamdu Chetri giám đốc của trung tâm đã quyết định sang năm, khi Thầy và phái đoàn về Thái Lan giảng dạy, ông sẽ đến để có cơ hội gặp gỡ và học hỏi với Thầy. Phái đoàn đã hoàn tất chuyến hoằng pháp tại Bhutan và hiện đang tiếp tục công trình giảng dạy tại Ấn Độ. Ở đây có trên 1000 giáo chức toàn quốc đã ghi tên tham dự khóa huấn luyện về đạo đức học Ứng Dụng.
Bhutan là một vương quốc thật đặc biệt. Dân chúng không sát sanh, không giết gà, heo, bò, hay câu cá để ăn thịt. Trong nước không có trộm cướp và bạo động. Đi ra khỏi nhà không cần khóa cửa. Rau trái thì được trồng 100% theo lối hữu cơ. Cần làm nhà ở thì vật liệu cất nhà đều do chính quyền cung cấp. Khám bệnh, chữa bệnh, thuốc men đều miễn phí. Đi học cũng miễn phí. Tại các miền núi xa xôi, nơi không có điện thì dân chúng được cấp phát những thiết bị để thu lấy năng lượng mặt trời mà sử dụng. Số lượng du khách được hạn chế triệt để để bảo tồn môi trường và phong hóa. Mỗi du khách đến Bhutan phải trả tới 200 đô mỹ kim một ngày, năm 2009, chỉ có 25480 du khách. Quốc Vương Jigma Khesar mới được truyền ngôi năm 2008, nhưng đã ban hành chế độ dân chủ lập hiến, và làm việc tận tụy ngày đêm để phục vụ cho dân. Có khi vua phải đi bộ cả trăm cây số đường núi để thăm viếng và ủy lạo những gia đình đang gặp khó khăn. Vua thương dân cũng như thương con, đúng theo mô thức của một vị Vua hiền ngày trước, biết sống đơn giản và làm việc tận tụy. Do đó, Vua cũng được dân chúng trong nước thương yêu hết mực.
Cụm từ Gross National Happiness đã được đức vua thứ tư của vương quốc Bhutan đưa ra tại đại hội đồng Liên Hiệp Quốc từ năm 1970 để so sánh với cụm từ thường dùng Gross National Product- nặng tính kinh tế mà nhẹ tính hạnh phúc.
Sau đây là một ít hình ảnh do phái đoàn gửi về từ thủ đô Thimpu.
Công chúa Kesang Choden Wangchuck nhận sách của Thầy
Ngồi thiền cùng Tăng thân
Thở vào tôi biết tôi đang thở vào – Thở ra tôi biết tôi đang thở ra