Chánh niệm là suối nguồn hạnh phúc
GS Hà Vĩnh Thọ/ Chân Đại Tuệ
Gíám đốc trung tâm GNH tại thủ đô Thimphu, Bhutan
BBT chuyển ngữ
Khóa tu chánh niệm 4 ngày tại thủ đô Thimphu, Bhutan được tổ chức bởi các vị giáo thọ Làng Mai và một số cư sĩ của phong trào Wake up quốc tế.
Vị vua cao quý thứ tư của vương quốc Bhutan là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về “Tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia” – Gross National Happiness (GNH). Theo Ngài, chỉ số này đánh giá sự thịnh vượng của quốc gia một cách toàn diện hơn so với “Chỉ số hàng hóa quốc gia” – Gross National Products (GNP) và tin rằng sự phát triển tích cực của xã hội loài người chỉ có thể có được khi sự phát triển về mặt vất chất và tinh thần diễn ra song song, vừa bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau.
Để có được sự phát triển theo tinh thần Tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia thì luật pháp, chính sách và hành động của chính phủ đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, có một điều quan trọng không kém, đó là sự chuyển hóa về nhận thức và quan niệm của chúng ta, nếu không có điều này thì chỉ số Hạnh phúc quốc gia không thể được áp dụng một cách triệt để.
Lấy ví dụ về việc tiêu thụ, chúng ta đều biết rằng các cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế cũng như về môi trường sinh thái mà nhân loại đang phải đối mặt đều có liên hệ mật thiết đến sự tiêu thụ quá mức và thiếu chánh niệm của chúng ta đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ có thể thay đổi một khi chúng ta tìm ra được những cách thức mới để nuôi dưỡng hạnh phúc trong tự thân mà không phải đi tìm hạnh phúc trong việc mua sắm và tiêu thụ.
Nếu nhìn sâu vào tình trạng tiêu thụ quá mức, chúng ta sẽ thấy được gốc rễ chính là lòng ham muốn và thèm khát không giới hạn. Nếu tiếp tục nhìn sâu vào gốc rễ của lòng ham muốn và thèm khát đó, chúng ta nhận ra một khoảng trống trong lòng mình, cảm giác vô nghĩa của cuộc sống, cảm giác cô đơn, lạc lỏng mà chúng ta đang cố khỏa lấp bằng cách mua sắm nhiều thứ hơn nữa và tìm kiếm những điều mới lạ. Thế nhưng sự thỏa mãn mà các điều kiện vật chất đó mang lại cho chúng ta lại rất có giới hạn. Xe hơi mới, máy tính mới, điện thoại thông minh đời mới hay thậm chí ngôi nhà mới cũng chỉ có thể làm cho ta thích thú trong một khoảng thời gian ngắn và sớm muộn gì thì cái cảm giác chưa thỏa mãn cũng sẽ quay trở lại. Khi đó chúng ta lại có nhu cầu mua thêm nhiều thứ nữa, chạy theo kiểu dáng đắt tiền hơn, mới mẻ hơn mà chúng ta cho rằng điều đó sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc hơn.
Cũng tương tự đối với các hiện tượng nghiện ngập, bia rượu hoặc ma túy chỉ mang lại cho chúng ta cảm giác dễ chịu và thỏa mãn trong một khoảnh khắc ngắn và ngay sau đó chúng ta luôn có cảm giác thèm khát, muốn tiêu thụ nhiều thêm nữa, và khi không được đáp ứng thì cảm giác thích thú ngắn ngủi đó sẽ trở thành đau khổ và tuyệt vọng.
Bằng cách này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể chuyển hóa được cái cảm giác vô vị và trống rỗng bên trong mỗi chúng ta. Để trở thành một con người toàn vẹn và đạt được sự mãn nguyện hoàn toàn thì chỉ có thể bằng cách rèn luyện tâm ý mà thôi. Lòng từ ái, niềm an vui, thanh thản và cái nhìn bình đẳng, không phân biệt, cũng như trí tuệ và sự viên mãn là những cái mà ta không thể dùng tiền để mua được, mà phải cần tu tập và rèn luyện.
Thực tập chánh niệm là một trong những công cụ hiệu quả nhất để nuôi dưỡng và làm lớn mạnh những hạt giống đẹp và lành trong tâm thức chúng ta – đây là điều có tính chất quyết định hạnh phúc và sự an vui của chúng ta hơn bất cứ những điều kiện, hoàn cảnh nào từ bên ngoài.
Đó là lý do tại sao khóa tu đầu tiên của được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu và thực tập những phương pháp tạo dựng hạnh phúc ở Bhutan kết hợp với Tăng thân Làng Mai có tên “Chánh niệm là suối nguồn của Hạnh phúc”. Chúng tôi hướng đến người trẻ vì đây là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lối tiêu thụ Tây phương thông qua các phương tiện truyền thông như tivi và Internet. Thật là xúc động khi được chứng kiến những người trẻ mở lòng ra để tiếp nhận và thực tập chánh niệm trong các sinh hoạt như ngồi thiền, thiền hành, ăn cơm im lặng, thực tập chia sẻ từ trái tim và lắng nghe bằng lòng từ ái.
Có khoảng 500 thiền sinh đăng ký tham gia khóa tu này. Một vài người trong số họ trước đó chỉ đăng ký tham gia có một ngày nhưng rồi lại trở lại trong những ngày sau đó. Tôi đã tiếp xúc với nhiều ông bố, bà mẹ chia sẻ rằng con của họ khi về nhà sau ngày đầu tiên của khóa tu đã thuyết phục bố mẹ đến tham dự khóa tu ngay ngày hôm sau.
Nhiều thiền sinh tham dự nói với chúng tôi rằng đó là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của họ. Những người khác tâm sự họ chưa bao giờ cảm thấy được bình an đến như vậy. Hầu như tất cả các cánh tay đều giơ lên khi được hỏi ai muốn tiếp tục thực tập theo pháp môn này.
Lễ khai mạc của khóa tu được tổ chức long trọng với sự có mặt của Công chúa thuộc hoàng gia Bhutan, ông Dasho Karma Ura – Bộ Trưởng Bộ Lao Động và Nhân Sự, một vị giáo sư lỗi lạc của Trung tâm GNH, hai vị dân biểu quốc hội và nhiều khách mời cao quý khác.
Công chúa của Hoàng gia Bhutan đã khai mạc khóa tu bằng một bài diễn văn vô cùng sâu sắc và ấn tượng, đó thực sự là một bài pháp thoại sống động với lời kết là những câu nói bất hủ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chúng tôi đã tặng cho Công chúa bức thư pháp do Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết với dòng chữ “Peace begins with your wonderful smile” (có nghĩa là: hòa bình bắt đầu với nụ cười tuyệt vời của bạn). Không có gì có thể chính xác hơn thế!
Có một vài vị dân biểu quốc hội tham gia cùng với người trẻ và sau khóa tu họ đến gặp tôi và đề nghị chúng tôi tiếp tục tổ chức những khóa tu tương tự ở các khu vực bầu cử của họ và trên tất cả các tỉnh còn lại của Bhutan. Vị Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục đã tham dự ngày cuối cùng và mời cả đoàn chúng tôi dùng bữa tối thân mật để chia sẻ về Chánh niệm ứng dụng trong trường học.
Tất cả các thiền sinh đều cảm thấy rất thích thú với khóa tu Chánh niệm được tổ chức bởi quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Các bạn trẻ đều cảm nhận rằng dòng tâm linh đang thấm nhuần trong đất nước Bhutan có tác động rất lớn đến giới trẻ và mặc dù giới trẻ bây giờ chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với các thế hệ trước bởi lối sống hiện đại qua màn ảnh tivi hoặc internet và các phương tiện truyền thông khác thì sức ảnh hưởng đó cũng không đáng kể và họ vẫn có thể dễ dàng tiếp xúc với những hạt giống đẹp và lành trong tự thân.
Dường như chánh niệm, thiền định và các giá trị đạo đức đều dễ hiểu và dễ tiếp nhận đối với giới trẻ Bhutan và họ cảm thấy hứng thú với những cách nhìn tích cực về cuộc sống. Bản tính hiền thiện vốn có nơi những người bạn trẻ này không bị che lấp nhiều bởi những thú vui tầm thường của cuộc sống. Một vài người trong số đó chia sẻ rằng khóa tu là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của họ.
Các bạn trẻ vô cùng cảm động khi được xem phim về các hoạt động của nhóm Wake up. Họ nhận ra rằng những người trẻ ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới cũng đang thực tập Chánh niệm để có một cuộc sống lành mạnh, an bình và hạnh phúc.
Khi nhìn thấy những khuôn mặt rạng ngời của người trẻ tham gia khóa tu, chúng tôi cảm nhận rằng chánh niệm đích thực là suối nguồn của hạnh phúc! Thật tuyệt vời khi nhìn nhìn thấy những đôi mắt sáng long lanh, những nụ cười rạng rỡ và những khuôn mặt hạnh phúc. Cuối khóa tu, họ dường như không muốn về và bịn rịn không rời quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Ấn tượng làm sao khi chứng kiến những giây phút đó! Dường như các bạn trẻ đã mong đợi khóa tu này từ rất lâu và trong lòng họ tràn ngập sự biết ơn và lòng nhiệt huyết.
Chúng tôi dự định sẽ thành lập một tăng thân trẻ nơi đây để họ có thể tiếp tục tu tập thường xuyên và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ trở những sứ giả của trung tâm GNH khi mang chánh niệm về thực tập trong gia đình, trường học và xã hội.