Bài hát từ trái tim
Thầy Pháp Siêu
Thường thường câu mà người ta hay hỏi một người xuất gia trẻ là: “Tại sao thầy/sư cô đi tu?” Khi được hỏi câu này, tôi thấy mình trả lời mỗi lúc mỗi khác. Câu trả lời tùy thuộc vào tâm trạng của tôi ngày hôm đó và tùy đối tượng. Dù gì đi nữa thì câu trả lời nào cũng đều đúng cả. Điều đó chứng tỏ rằng không có một cái gì thật là rõ ràng, cũng không có một khoảnh khắc nào thật đặc biệt xảy ra để mở cánh cửa cho bạn đi vào cuộc đời tu hết. Càng nhớ lại, tôi càng thấy rõ ràng hơn. Tôi cho rằng việc tôi đi xuất gia là một quá trình liên tục, bắt đầu từ tình thương không biên giới và không ngằn mé của một người mẹ dành cho con trai của mình. Tuy nhiên, có một vài điều đặc biệt sâu đậm trong ký ức của tôi mà tôi muốn chia sẻ với bạn.
Lần đó, trong một chuyến đi cắm trại do Gia đình Phật Tử Việt Nam tổ chức, có một cuộc cãi vã khá quyết liệt giữa hai vị huynh trưởng. Lúc tình hình trở nên căng thẳng, đột nhiên người lớn tuổi hơn tuyên bố: “Tôi đi thở đây.” Thế rồi anh ấy biến mất giữa những lùm cây. Với cái tuổi 13, tôi chỉ có thể chờ đến mức tối đa là 15 phút rồi chạy theo anh. Tôi thấy anh ngồi dưới một gốc cây với khuôn mặt tươi cười, bình thản, không có vẻ gì giống với cái anh mà lúc nãy vừa la lối om sòm. Sau này anh giải thích là khi anh ở trong một tu viện tại miền Nam nước Pháp, anh đã học được cách làm sao để đối trị với cơn giận.
Thế nhưng lần gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và quý thầy quý sư cô Làng Mai là một việc xảy ra ngoài ý muốn.
Phép lạ của tình huynh đệ
Làm gì có chuyện tôi đi một cách không hề chống đối như vậy! Khóa tu thiền? Mà lại vào đầu mùa hè nữa chứ! Nhưng dù tôi có chống đối cách mấy cũng vô hiệu. Cuối cùng chúng tôi (má tôi và hai anh em) đi đến một thỏa thuận như sau: nếu anh tôi và tôi chịu tham gia khóa tu một tuần thì hai đứa sẽ có nguyên một tháng hè cho mình mà không phải học thêm, không phải đi trại thiếu niên, không cần phải viết sổ báo cáo gì hết.
Buổi hướng dẫn tổng quát thật chán ngắt. Sao lại không chán cho được? Một ngàn người ngồi đó, nghe mấy thầy nói bằng tiếng Việt. Trong 20 chữ tôi hiểu chừng 1 nhưng lại quá tự ái để xin thông dịch (dĩ nhiên là hồi đó dễ gì mà tôi thú nhận như vậy). Hát trước pháp thoại hay. Chuông cũng hay. Có một cái gì không diễn tả được khi trong phòng hoàn toàn tĩnh lặng – và nếu bạn đã từng ở trong một căn phòng toàn bạn bè người Việt không thôi thì bạn sẽ hiểu tại sao đó là một việc rất hiếm hoi.
Tôi đi tới một căn phòng có bảng đề “Chương trình Thiếu niên” với cái vẻ rất điển hình của bọn con trai tuổi teens: đôi vai thì so lại và cặp mắt thì có vẻ thách thức. Coi lại trong túi lần nữa để chắc ăn là máy nghe CD và tai nghe có sẵn, tôi bước vào phòng.
Vài ngày sau, không ai có thể nhận ra anh chàng trẻ tuổi có một khuôn mặt rạng rỡ và một nụ cười không tắt trên môi lại chính là tôi. Chương trình Teens thật là quá tuyệt vời! Ai mà biết được là mấy thầy và sư cô lại có thể ….ngon lành như vậy! Họ thậm chí còn dẫn chúng tôi đi biển nữa – họ còn xắn ống quần lên và nhảy sóng và chơi tạt nước nữa chứ! Thế nhưng diệu kỳ nhất chính là cảm giác của tình huynh đệ với các bạn khác trong nhóm. Khó ai tin được chỉ trong vòng 5 ngày thôi tôi đã trở nên thật cởi mở, thấy mình được bao dung, ôm ấp bởi mấy đứa trẻ tôi mới gặp lúc đầu tuần? Tôi thì không thể tin rồi đó – các bạn khác cũng không tin. Chính trong sự đáng kinh ngạc mà kỳ diệu đó, chúng tôi đã tiếp tục cùng nhau chia sẻ, cười đùa và học hỏi.
Đường về San Francisco từ San Diego khoảng 8 tiếng. Khi về đến gần nhà, tôi thức giấc: “Mẹ, con có một câu hỏi.” Mẹ có vẻ hơi bất ngờ vì tôi đã giữ yên lặng gần như suốt dọc đường. “Sao mình lại chờ lâu vậy mới đi khóa tu hở mẹ?”
Chạy theo sự tiêu thụ
Thật là quá mệt mỏi. Cảm giác này theo tôi lên giường ngủ mỗi đêm, và chực sẵn vào buổi sáng khi tôi thức dậy. Năm thứ nhất ở trường đại học đúng như tôi chờ đợi. Cái tôi thao thức là tìm một hướng đi phù hợp, có ý nghĩa thật sự cho cuộc đời mình. Thay vào đó, tôi lại được dạy phải làm sao để “thành công”: làm sao để kiếm ra tiền và giữ tiền. Đó là chưa kể việc tôi phải lo lắng về tiền thuê nhà, bài vở, đơn xin việc làm, quần áo, tiệc tùng, bạn bè và những cái khác nữa mà tôi sẽ phải làm trong suốt cuộc đời. Tôi đã coi nhẹ hạnh phúc của trái tim để chạy theo sự tính toán của lý trí. Tôi bắt đầu cảm thấy chán đời. Bạn bè nói cho tôi biết là nhìn tôi có vẻ xuống sắc quá cho nên tôi cần phải đi chơi nhiều hơn. Thầy cô giáo bắt đầu khảo bài vở tôi nộp trễ, mấy đứa bạn cùng phòng rủ tôi đi chơi vào tối thứ Năm.
Thiếu thực tập và sự yểm trợ của tăng thân, tôi bắt đầu thật sự bị ảnh hưởng. Khóa tu ở Làng Mai như đã xảy ra vào một thời quá xa xôi; tôi bây giờ quá “ngon lành”, quá già dặn để đứng trong vòng tròn, nắm tay và ca hát. Mấy cái đó dễ gì có tác dụng ở ngoài đời.
Thế nên thay vì quay trở lại với tự thân, với hơi thở, và chăm sóc cảm thọ của mình, tôi đi chơi. Mới đầu tiệc tùng có vẻ đầy nhiệt tình, phấn khích, thậm chí cả hạnh phúc nữa. Rồi nó trở thành môt cái gì giống như sự bắt buộc. Bạn bè gặp nhau, thay vì hỏi thăm “Bạn có khỏe không?”, hay “Hôm nay bạn thế nào?”, thì chúng tôi lại hỏi nhau “Tối qua như thế nào?” Không đủ can đảm và không đủ chánh niệm để đối diện với những đau khổ trong tự thân để dừng lại, tôi bị cơn xoáy của tiêu thụ cuốn đi.
Tự dưng tôi sốt ruột chờ bộ phim mới nhất ra mắt, cuốn sách hay CD mới nhất được trình làng, hoặc một cái nhà hàng mới mở. Cuộc sống trở nên nhỏ hẹp lại trong việc tìm ra những phương tiện để thỏa mãn nhu yếu tiêu thụ trong tôi. Sau này, trong lá thư bày tỏ nguyện vọng đi xuất gia, tôi đã ví việc chạy theo sự tiêu thụ của mình như là một ngày trong khu vui chơi. Đứng xếp hàng ba tiếng đồng hồ để chờ đến lượt trượt chơi trên đường sắt có toa lộ thiên với những đường ngoặc và đoạn dốc, vào trượt được 25 giây hưng phấn rồi leo xuống lại và tiếp tục xếp hàng.
Liều thuốc giải nhiệm mầu
Một ngày nọ tôi nhận được một lá thư qua đường bưu điện. Lá thư đó do má tôi gửi. Quá bực mình vì tôi cứ tránh không nói điện thoại, sau cùng má tôi đã viết tất cả những gì bà cảm nhận lên giấy: tất cả có 18 trang. Ba trang đầu bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của tôi; ba trang kế đầy những lời an ủi và khích lệ. Sáu trang tiếp theo gồm các bảng và sơ đồ tỉ mỉ về chi phí của tôi ở bậc đại học. Và 5 trang cuối cùng tiết lộ rõ ràng tất cả những gì mà má tôi đã trải qua khi mới đặt chân lên nước Mỹ: cuộc vật lộn không vẻ vang gì khi đi qua bậc trung học như một người từ hành tinh khác tới; phải chịu trách nhiệm cho sáu người em vừa trai vừa gái, phải thích nghi với một đất nước hoàn toàn xa lạ – tệ nhất là tất cả những cái này má tôi đã phải trải qua khi không nói được ngôn ngữ địa phương.
Lá thư đó quả là một liều thuốc giải độc thần diệu cho tôi. Má tôi tự tay viết và vẽ sơ đồ, nó quả thật đã cụ thể hóa lòng mẹ thương con là như thế đó. Đọc lá thư, tiếp nhận được nội dung của nó, tôi nhận ra đau khổ của chính mình. Cái đau khổ mà những năm qua tôi che dấu bằng tiêu thụ, tiệc tùng và cả tư vấn nữa, nay đã được phơi bày. Tôi không còn là nạn nhân của sự tự thương hại, không tự lực và thờ ơ nữa. Đọc lá thư của má, lòng tôi đã bắt đầu được mở ra trở lại. Đồng thời tôi cũng không còn viện cớ “đó chỉ là chuyện của trẻ con” nữa.
Không lâu sau đó, tôi lái xe về phía Nam để đến tu viện Lộc Uyển. Tôi tiếp tục viếng Lộc Uyển thường xuyên, cứ vài tháng một lần. Tôi lái xe lên xuống dọc theo bờ biển California để về đó vào các cuối tuần hoặc vào các kỳ nghỉ xuân. Vào một trong những chuyến đi như vậy, tôi mở hết cửa sổ xe trong khi loa vang vang một CD cổ điển của làng Mai có tên là Rivers thì tự dưng tôi như được thức tỉnh. Cho đến thời điểm ấy, tôi đã lái xe đi về trên con đường cao tốc này hơn 50 lượt nhưng chưa bao giờ nhận ra cái đẹp khi mặt trời lên ở bên tay trái và cái đẹp của những ngọn núi cao vút nằm bên tay phải của tôi. Đẹp quá! Tại sao tôi có thể lái xe ngang qua đây bao nhiêu năm trời mà không hề nhìn thấy chúng? Tim tôi tự dưng tràn đầy một niềm vui rộng lớn không bờ bến. Chính vào giây phút đó, tôi đã phát nguyện là mình sẽ làm bất cứ một cái gì có thể để được tiếp tục sống thật đầy trong mỗi giây mỗi phút, để mắt tôi không còn bị che, và tai tôi không còn bị điếc trước những nhiệm mầu xung quanh tôi, và trước sự sống nữa! Đó là một bước, dù là một bước nhỏ, mà tôi đã bước từ đó đến Làng Mai, nơi mà cánh tay của tăng thân đang dang ra để đón tôi vào.
Thầy Pháp Siêu rất nhiệt tình trong việc chia sẻ giáo pháp với người trẻ. Thầy đặc biệt thích uống trà và chơi với các huynh đệ khác. Thầy hiện đang sống và thực tập tại chùa Pháp Vân, Xóm Thượng, Làng Mai.
BBT chuyển ngữ từ bản tiếng Anh “The Heartsong” đăng trên Mindfulness Bell.