Chương 16: Thường tại và đoạn diệt
Các nhà học giả Tây phương chắc chắn đã đọc kinh Ca Chiên Diên và cũng đã biết Bụt không chủ trương thường tại (eternalism) mà cũng không chủ trương đoạn diệt (annihilation). Ngoài kinh Kaccāyana (Ca Chiên Diên, Tạp 301, S.II.17) còn có kinh Jānussoni (Bà La Môn Lạ Mặt, Tạp 300, S.II.76) trong đó Bụt cũng đã nói tới con đường Trung đạo vượt thoát có và không. Có một vị Bà la môn hỏi Bụt:
– Người làm và người chịu có phải là một không? Bụt trả lời:
– Nếu nói người làm và người chịu là một thì rơi vào thường kiến (eternalism).
– Vậy thì có phải người làm và người chịu là hai người khác nhau?
Bụt trả lời:
– Nếu nói người làm và người chịu là hai người khác nhau thì rơi vào đoạn kiến (annihilation). Khi thuyết pháp, tôi lìa bỏ cả hai cực đoan ấy và trú ở con đường Trung đạo.
Lời kinh rõ ràng như thế, ấy vậy mà vẫn có nhiều người cứ khăng khăng cho rằng Bụt chủ trương thuyết hư vô đoạn diệt. Điều này chứng tỏ tập khí suy tư theo chiều hướng lưỡng nguyên đã rất sâu nặng, ngay cả đối với những học giả thông minh.
Vô ký
Trong kinh A Nậu La Độ (Anuradha, S.IV. 380, Tạp 99) kể chuyện thầy A Nậu La Độ đang đi khất thực ngoài đường thì bị một số thầy ngoại đạo chặn lại hỏi:
– Thầy A Nậu La Độ, Bụt Sakya, thầy của ông có nói gì về chuyện tương lai không? Sau này khi Bụt nhập diệt rồi thì Bụt còn, hay không còn, hay vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn? Thầy nói Bụt ở trong mệnh đề nào của bốn mệnh đề đó?
Bốn mệnh đề đó gọi là tứ cú (four propositions): còn, không còn, vừa còn vừa không còn, vừa không còn cũng không không còn. Thầy A Nậu La Độ nói:
– Tôi chưa bao giờ nghe thầy tôi nói về sự có mặt của thầy tôi dưới dạng của bốn mệnh đề đó nên tôi không thể trả lời các ông được.
Sự thật thì người ta thường hay đặt vấn đề: Sau khi thân xác này tan hoại rồi thì ta còn tiếp tục hay không, hay là ta không còn gì hết? Đi sâu hơn thì có thể ta vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn?
Các thầy ngoại đạo không thấy thỏa mãn với câu trả lời đó, nghĩ rằng chắc thầy A Nậu La Độ mới tu nên không biết gì và họ đã bỏ đi. Thầy A Nậu La Độ đi về, nghĩ mình sẽ hỏi đức Thế Tôn cho rõ hơn về câu hỏi đó. Chiều hôm đó thầy đi thăm Bụt, kể lại câu chuyện và hỏi Bụt:
– Con phải trả lời các vị đó như thế nào?
Bụt nhìn thầy A Nậu La Độ nói:
– Thầy hãy trả lời tôi những câu hỏi sau: Như Lai có phải là hình hài này không?
– Dạ, không phải.
– Vậy thọ, tưởng, hành và thức của Như Lai có phải là Như Lai không?
– Dạ, không phải.
– Vậy Như Lai có phải ở ngoài sắc mà có không?
– Dạ, không.
– Như Lai có ở ngoài thọ, tưởng, hành và thức không?
– Dạ, không.
– Vậy Như Lai ở đâu?
Thầy A Nậu La Độ bắt đầu thấy là mình không nắm được Như Lai bằng những khái niệm, những phạm trù tư tưởng (mental categories) của mình. Có, không, vừa có vừa không, vừa không có vừa không không có là những phạm trù khái niệm mà ta không thể dùng để nắm bắt Như Lai, cũng như ta không thể dùng năm ngón tay để nắm giữ lại một cơn gió hay một mùi hương.
Như vậy có nghĩa là không có Như Lai hay sao? Điều này thật là vô lý, vì rõ ràng là có Như Lai. Như Lai đang đi, đang mỉm cười, đang giảng pháp, nhưng ta không thể nắm được Như Lai. Đó gọi là bất khả đắc.
Bụt nói:
– Này thầy A Nậu La Độ, tôi đang ngồi sờ sờ trước mặt thầy mà thầy còn không nắm bắt được tôi thì làm sao thầy nắm được tôi sau khi tôi tịch.
Ngay trong giây phút hiện tại mà thầy A Nậu La Độ còn không nắm bắt được Như Lai thì làm sao mà thầy có thể nắm bắt được Như Lai bằng những phạm trù tư tưởng. Như Lai là bất khả đắc. Nhưng như vậy không có nghĩa là Như Lai không có. Vì vậy trả lời những câu hỏi đó mất thì giờ vô cùng. Kinh A Nậu La Độ đã cho ta câu trả lời rất rõ ràng về vấn đề sau khi nhập diệt, Thế Tôn còn hay không còn, v.v…
Làng Mai chúng ta có một bài thực tập rất hay mà tôi rất thích. Đó là bài:
Để Bụt thở, để Bụt ngồi
Mình khỏi thở, mình khỏi ngồi
Có khi ta hơi làm biếng ngồi thiền hay đi thiền. Ta mời Bụt ngồi thiền hay đi thiền giùm cho mình. Bụt nhận lời ngay vì Bụt rất thích ngồi thiền và đi thiền. Khi Bụt thở hay Bụt ngồi thì phẩm chất của hơi thở, của thế ngồi rất cao. Khi Bụt đi thì ta thấy rõ đó là Bụt mà không là ai khác vì bước chân đó thảnh thơi, an lạc vô cùng.
Tìm Bụt ngoài năm uẩn không được mà cho Bụt là năm uẩn cũng không được. Nhưng nhìn vào cách thở, cách ngồi, cách đi, ta biết có Bụt đó hay không. Cũng với năm uẩn đó mà ta ngồi cách này thì có Bụt nhưng ngồi cách kia thì không có Bụt, ta đi cách này thì có Bụt nhưng đi cách kia thì không có Bụt. Vì vậy nói Bụt là hình hài này không đúng mà nói Bụt có ngoài hình hài này cũng không đúng. Bụt nói rất rõ: Không bao giờ tìm thấy một Như Lai thường hằng, vĩnh cửu ngay cả trong khi Như Lai đang còn sống.
Chúng ta thường nghĩ khi ta yêu người đó là ta đã nắm được người đó. Nhưng kỳ thực ta không thể nắm được, người đó là bất khả đắc. Chính ta cũng không biết mình là ai, vì vậy tính chất của Như Lai cũng như của bất cứ hiện tượng nào là bất khả đắc. Ta thường dùng những khái niệm, những phạm trù tư tưởng như: có, không, sinh, diệt, tới, đi, một, nhiều để nắm bắt. Cũng như ta đem rổ xuống sông múc nước, rổ có nhiều lổ nên ta không múc được nước. Chúng ta đưa năm ngón tay ra để chụp lấy không khí, nhưng làm sao mà năm ngón tay ta có thể chụp được một làn gió. Những phạm trù tư tưởng như có, không, sinh, diệt, còn, mất, một, khác, không thể nào nắm bắt được sự thật. Sự thật là vô thường, vô ngã mà ta cho nó là thường và ngã nên ta không thể nào nắm bắt được.
Các pháp, nghĩa là các hiện tượng đang có mặt, nhưng đó không phải là sự có mặt của những thực tại có bản chất riêng, có tự tính riêng, một sự có mặt bất biến, vĩnh hằng. Chúng chỉ là những dòng biến chuyển liên tục, sinh diệt trong từng sát na, gọi là sát na diệt. Chúng có tính chất điện ảnh (cinématographique). Nói chúng là thật sự có thì không đúng, mà nói chúng thật sự không cũng không đúng, cho nên đối với Bụt, cái thấy chánh kiến vượt khỏi ý niệm có và không, còn và mất, sinh và diệt. Đó là cái thấy trung đạo.
Một trong những câu hỏi thường hay đặt ra là sau khi diệt độ, đức Thế Tôn còn hay là không còn, hoặc vừa còn vừa không còn, hoặc vừa không còn vừa không không còn. Thường thường với những câu như thế thì Bụt trả lời: đó là vô ký (avyakrta). Vô ký (non-declared) có nghĩa là không muốn trả lời. Tại sao không trả lời? Tại vì không biết cho nên không trả lời, hay tại vì nếu trả lời thì có thể sẽ bị kéo theo một cuộc hý luận về các vấn đề siêu hình? Hoặc tại vì câu trả lời nếu có cũng không giúp ích được gì cho sự tu học giải thoát?
Tuy Bụt không trực tiếp trả lời những câu ta vừa hỏi nhưng ta đã biết rằng nếu trả lời thì phải sử dụng những phạm trù khái niệm như: có, không, còn, mất, một, khác, tới, đi, v.v… trong khi mình biết sự thực vượt thoát những phạm trù tư tưởng ấy. Tại sao các vị học giả không thấy được điều ấy? Bụt đã nói Ngài thuyết pháp ở trung đạo, xa lìa những ý niệm cực đoan như có không, còn mất, v.v… rồi mà?
Câu kinh như sau: “Như Lai kiến pháp, chân thực, như trú, vô sở đắc, vô sở thi thiết, nhữ vân hà ngôn…” Nghĩa là: Ngay trong đời sống hiện tại của Như Lai (Như Lai kiến pháp), mà thầy cũng không nắm bắt được (vô sở đắc, anupalabhiya) một Như Lai thường chân, thường trú, bằng khái niệm (anupalabhiyamāna) thì thử hỏi làm sao thầy có thể nắm bắt được Như Lai sau khi hình hài Ngài tan rã? Chính vì sự vắng mặt của một cái thường chân, thường trú ấy, sự vắng mặt của một tự tính thường hằng vĩnh cửu ấy, sự vắng mặt của một linh hồn bất tử ấy, mà ta không thể nói được là các pháp đang thực sự có. Và nếu cái có chỉ là một ý niệm thì cái không cũng chỉ là một ý niệm. Sự thực và chánh kiến vượt thoát cả hai ý niệm ấy. Cho nên không trả lời cũng đã là một cách trả lời rồi. Câu trả lời cho sự còn mất của Như Lai cũng có thể áp dụng cho tất cả các pháp hữu vi: một đám mây, một dòng sông, một bậc thánh, một người phàm, một dòng tâm thức, v.v… Các nhà học giả Phật học Tây phương chỉ cần nhìn vào sự có mặt của đạo Bụt trong văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật và các truyền thống Phật giáo đang có mặt trong hiện tại là có thể trả lời sau khi nhập diệt, Bụt còn hay là không còn ngay, đâu có khó khăn gì.
Câu trả lời có lợi ích
Không trả lời cũng có thể là vì câu trả lời không giúp ích được cho người hỏi. Ví dụ trường hợp của Vacchagotta (S.IV). Vacchagotta (Bà Tha Chủng), một vị du sĩ Phạm Chí hỏi Bụt: Có ngã không? Bụt không trả lời. Ông ta hỏi tiếp: “Như vậy có nghĩa là không có ngã phải không?” Bụt cũng không trả lời. Sau khi vị du sĩ đi khỏi, thầy Ananda hỏi Bụt: Tại sao Thầy không trả lời cho ông ấy? Bụt dạy: Nếu tôi nói với ông ta là có ngã thì tôi nói không đúng sự thật. Nếu tôi nói với ông ta là không có ngã thì ông ra sẽ sửng sốt điên loạn, nghĩ rằng từ xưa đến nay mình đã tin chắc rằng mình có một cái ngã, bây giờ nghe nói rằng không có ngã thì làm sao mình sống cho được? Vì thế cho nên tôi đã giữ sự im lặng. (S.IV.400)
Chúng ta hãy đọc đoạn kinh tương đương trong Hán tạng (Tạp 961) như sau:
“Nếu ta nói có ngã, thì như thế là ta giúp cho tà kiến có sẵn ở nơi ông ta tăng trưởng. Nếu ta nói là không có ngã thì cái nghi ngờ có sẵn nơi ông ta cũng sẽ gia tăng. Đã có sẵn nghi ngờ, bây giờ ông ta sẽ nghi ngờ thêm lên, nghĩ rằng trước kia mình tin rằng mình có cái ngã (thì yên ổn biết mấy), bây giờ nếu không có ngã thì mình rơi vào đoạn diệt. Nếu trước kia tin có ngã, thì đó là thường kiến, mà bây giờ tin vào đoạn diệt thì đó là đoạn kiến. Như Lai lìa cả hai cực đoan, đứng ở giữa mà thuyết pháp, nói rằng cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, duyên vô minh mà có hành, v.v… cho đến sinh lão bệnh tử”.
Trong trường hợp Vacchagotta (Bà Tha Chủng), chính tâm lý và căn cơ người hỏi đã quyết định rằng nên có câu trả lời hay không nên có câu trả lời. Như vậy, không trả lời không có nghĩa là vì ta không biết trả lời, mà có nghĩa là câu trả lời đó không có lợi ích cho người hỏi.
Kinh A Nậu La Độ cho ta câu trả lời rất rõ ràng về vấn đề sau khi nhập diệt, Thế Tôn còn hay không còn, v.v… Thầy A Nậu La Độ bị các thầy trong các giáo phái khác chất vấn bằng những câu hỏi ấy đã về hỏi lại Bụt để kỳ sau có thể trả lời hay hơn. Bụt hỏi thầy có thể tìm Như Lai trong sắc, thọ, tưởng, hành và thức không thì thầy nói không. Bụt hỏi thầy có thể tìm Như Lai ngoài sắc, thọ, tưởng, v.v… được không, thì thầy cũng trả lời là không. Bụt nói với thầy: “Tôi đang còn sống sờ sờ đây mà thầy tìm tôi còn không ra thì nói gì tới chuyện tìm tôi sau khi tôi ẩn diệt?”
Các pháp, nghĩa là các hiện tượng, đang có mặt; nhưng đó không phải là sự có mặt của những thực tại có bản chất riêng, có tự tính riêng, một sự có mặt bất biến, vĩnh hằng. Chúng chỉ là những dòng biến chuyển liên tục, sinh diệt trong từng sát na, gọi là sát na diệt. Chúng có tính chất điện ảnh (cinématographique). Nói chúng là thật sự có thì không đúng, mà nói chúng thật sự không cũng không đúng, cho nên đối với Bụt, cái thấy chánh kiến vượt khỏi ý niệm có và không, còn và mất, sinh và diệt. Đó là cái thấy trung đạo.