Bài kệ 13
Tỳ-kheo hữu thế sinh
比 丘 有 世 生
Hữu hữu hữu tác hành
有 有 有 作 行
Hữu vô sinh vô hữu
有 無 生 無 有
Vô tác vô sở hành
無 作 無 所 行
Này các vị khất sĩ, trên đời có cái sinh, có cái hữu, có cái tạo tác và có cái hình thành. Nhưng cũng có cái không sinh, không hữu, không tạo tác và không hình thành để làm nẻo thoát cho những cái có sinh, có hữu, có tạo tác và có hình thành ấy.
Bài kệ 13 là bài kệ khó nhất, mà cũng là bài hay nhất trong kinh.
Tỳ kheo hữu thế sinh: Tỳ kheo là này các vị khất sĩ. Thế là trong cuộc đời này (sur la terre, ici bas, in this world). Hữu thế sinh là trên đời có cái sinh ra.
Hữu hữu hữu tác hành: Hữu hữu là có cái đang có.
Hữu tác hành là có cái tạo tác và có cái hình thành.
Sinh là born, hữu là being (existence), tác là made, hành là formed hay compounded, created. Trên đời có cái sinh, cái có, cái tạo tác và cái hình thành. Trên bình diện hiện tượng, ta thấy có cái sinh để rồi diệt, có cái có để rồi không, có cái sáng tạo ra để tiêu diệt, có cái hình thành để tan rã. Trên phương diện tích môn, ta thấy có sinh, có diệt, có có, có không, có tạo tác, có hình thành, có hư hoại và có tan rã.
Chữ hành, tiếng Phạn là saṃskāra, tiếng Anh là formation. Tất cả hiện tượng đều là những hành và tất cả các hành đều vô thường. (All formations are impermanent.) Chúng do nhiều cái tụ hợp làm thành (compounded). Vì là một hành (formation) nên nó được hình thành (formed). Ta thấy giống như nó được tạo tác (made). Cái bàn, bông hoa, trái đất… đều là tạo tác.
Being là có (exist). Being là brought into being, brought into existence. Nhưng trong đạo Bụt ta hay dùng chữ becoming, chữ becoming hay hơn chữ being, tiếng Phạn là bhāva. Trong chữ becoming có ý của sự chuyển biến; chúng ta không có mặt, chúng ta đang trở thành tại vì ta của phút sau không còn là ta của phút trước. Chữ bhāva, dịch là being hay existence cũng được, nhưng dịch là becoming thì hay hơn, tại vì trong becoming có cái nghĩa luôn luôn có chuyển biến, vì hành không là một cái chắc thật đồng nhất trong thời gian.
Đứng về phương diện tích môn, ta thấy có những cái được sinh ra, có những cái được có mặt, có những cái được tạo tác ra và có những cái được hình thành ra.
Hữu vô sinh vô hữu
Vô tác vô sở hành
Nhưng nhìn kỹ dưới chiều sâu của “những cái có sinh, có có, có tác, có hành” thì ta thấy có “cái vô sinh, vô hữu, vô tác và vô hành”. Đó là Niết bàn.
Vô sinh là unborn. Vô hữu không phải là không có (non-being). Vô hữu là không có (being) cũng không không (non-being). Vô hữu là vượt thoát cả có và không. Ví dụ một đám mây, khi thấy đám mây ta cho nó là có (being, existing). Nhưng lúc chưa thấy đám mây, mà ta cho nó là không (non-existing) là không đúng, vì trước khi là đám mây nó đã là hơi nước và ta đã không thấy được hơi nước. Trong phòng này có biết bao nhiêu hơi nước. Ta thở ra rất nhiều hơi nước, nhưng ta không thấy và ta nói đám mây không có mặt. Nói không có đám mây cũng sai mà nói có đám mây cũng sai. Cái không và cái có đều là cái thấy của ta. Sự thật vượt ra ngoài cái không và cái có. Cái ta cho là không, thật ra là có và cái ta cho là có, chưa chắc đã thật có, nó có thể là không.
Trong bình diện bản môn, có cái không có sinh, nghĩa là không có diệt; có cái không có có, mà cũng không có không; có cái không chế tác, mà cũng không có không chế tác; có cái không hình thành, mà cũng không phải là không hình thành.
Câu này là câu then chốt mà chúng ta có thể tìm thấy trong kinh Như Thị Ngữ (Itivṛttaka) và trong kinh Vô Vấn Tự Thuyết (Udāna). Chính nhờ tìm được mà chúng ta dịch được bài kệ này. Pali Text Society dịch ra tiếng Anh như sau:
Bhikkhus, there is a not-born, a not-become, a not- made, a not-compounded. Bhikkhus, if that not-born, not- become, not-made, not-compounded were not, there could be apparent no escape from this here, that is born, become, made, compounded.
Này các vị khất sĩ, có một cái không có sinh, không có hữu, không có tác, không có hành. Này các vị khất sĩ, nếu cái không sinh, không hữu, không tác, không hành không có mặt thì không có nẻo thoát cho những cái trên cuộc đời có sinh, có hữu, có tác và có hành.
Chúng ta có thể dịch như thế này:
Này các vị khất sĩ, trên bình diện hiện tượng, chúng ta thấy có cái có sinh, có diệt, có tạo tác, có hình thành. Nhưng ở chiều sâu bản thể, ta thấy có cái không sinh, không diệt, không có, không không, không tạo tác cũng không hình thành. Cái ấy là Niết bàn. Nếu không có cái ấy, thì không có lối thoát cho những cái có sinh, có hữu, có tác và có hành.
Cũng như những đợt sóng kia đang khổ đau, đang vùng vẫy tuyệt vọng trong thế có cao có thấp, có sinh có diệt của chúng. Nhưng nếu đợt sóng biết nó là nước, thì nó thấy có một nẻo thoát. Thấy được nẻo thoát, biết mình là nước rồi, thì đợt sóng vượt thoát được cái sinh, cái diệt, cái lên, cái xuống, cái cao, cái thấp. Lúc đó nó mới thật sự vui. Chưa thấy được mình là nước, thì đi lên đợt sóng mới vui, còn đi xuống thì nó lo sợ. Niết bàn là cái không cần phải đi tìm cầu đâu xa, nó nằm ngay trong tự thân của mình.
Tỳ-kheo hữu thế sinh
Hữu hữu hữu tác hành
Hữu vô sinh vô hữu
Vô tác vô sở hành
Có ba chữ hữu đi với nhau. Tại vì trong một câu kệ chỉ có năm chữ, nếu không chúng ta sẽ có câu: Hữu hữu hữu tác hữu hành. Như vậy là có bốn chữ hữu.
Chữ thế có thể nằm trước chữ hữu.
Này các vị Tỳ kheo, trên đời này có cái sinh, có cái hữu, có cái tác, có cái hành. Nhưng cũng có cái không sinh, có cái không hữu, có cái không tác, có cái không hành để làm nẻo thoát cho những cái có sinh, có hữu, có tác, có hành ấy.
Vô tác ở đây có nghĩa là không có một tác giả tồn tại ngoài tác nghiệp. Tác giả là người làm, là chủ thể; tác nghiệp là việc làm, là hành động. Ví dụ nói “mưa rơi”, thì mưa là tác giả, còn rơi là hành động, là tác nghiệp. Nhìn kỹ thì ta thấy ngoài rơi không thể có mưa, và ngoài mưa không thể có rơi. Mưa mà không rơi thì đâu phải là mưa nữa, mà chỉ là mây. Nói mây rơi là rất buồn cười. Nói mưa là đủ rồi, không cần nói mưa rơi nữa. Cũng như nói gió thổi. Gió mà không thổi thì đâu phải là gió nữa. Vì vậy, cả mưa lẫn gió đều không cần một chủ thể, một tác giả. Tác giả và tác nghiệp là hai ý niệm, không phải là hai thực tại riêng biệt. Không thể lấy tác giả ra khỏi tác nghiệp, không thể lấy tác nghiệp ra khỏi tác giả. Cả hai cái tác giả và tác nghiệp đều không tự đứng vững một mình. Cả hai đều không có bản chất riêng biệt, cả hai đều không có tự tính.
Trong tác phẩm Những bài kệ Thắng Nghĩa của Bồ tát Vô Trước, có bài kệ:
Các hành sát na diệt
Trú còn không, huống dụng
Cái sinh khởi của chúng
Là dụng, là kẻ làm.
Tất cả các hiện tượng đều sinh diệt trong từng sát na, sự có mặt của chúng còn không có huống là công dụng (tác dụng) của chúng. Phải nói rằng sự sinh khởi của chúng chính là công dụng của chúng, và cũng chính là tác giả của chúng.
Vô tác như vậy có nghĩa là không có tác giả và tác nghiệp như những thực tại riêng biệt, không có năng tác và sở tác như những thực tại riêng biệt. Cái thấy vô tác giúp ta dẹp bỏ tà kiến chấp ngã và đạt được bình đẳng tánh trí.
Vô hành ở đây có nghĩa là các hiện tượng (hành) không có bản chất, không có tự tính, chỉ là những tập hợp nhất thời không có thực thể. Hành được dịch từ chữ saṃskṛta, nghĩa là những pháp hữu vi. Các pháp hữu vi sinh diệt trong từng sát na, không có tự tính, không có bản ngã, bên trong trống rỗng không có thực chất. Hành có hai nghĩa: được hình thành và giúp làm hình thành những cái khác. Các hành nương vào nhau mà hình thành, cũng như cái trái nương vào cái phải mà biểu hiện, cái trên nương vào cái dưới mà biểu hiện, cái chủ thể nương vào cái đối tượng mà biểu hiện. Tiếng Anh dịch là conditioned (được hình thành, được tập hợp bởi các điều kiện), và conditioning (giúp hình thành, giúp cho các hành khác được biểu hiện). Nói hành là những pháp hữu vi (composed things) có nghĩa là phải chấp nhận có những pháp vô vi (uncomposed things) như Niết bàn, như không gian. Bởi vì hữu vi và vô vi là một cặp đối lập, một cặp tương đãi, như sinh tử, có không, tác giả tác nghiệp, v.v… Sự thực là pháp vô vi không thể thành lập ngoài pháp hữu vi, cũng như cái trái không thể có mặt nếu không có cái phải. Do đó, tưởng tượng có một cái Niết bàn tồn tại ngoài cái sinh tử, đó cũng là một tà kiến. Cho nên Niết bàn, cũng như đám mây hay bất cứ một hiện tượng nào khác, theo chính kiến (kinh Ca Chiên Diên) đều nằm ngoài hai ý niệm có và không. Do đó ta thường nghe câu “Niết bàn sinh tử thị không hoa.” (Niết bàn và sinh tử như những thực tại tách biệt chỉ là hai ý niệm, giống như những hoa đốm trong hư không, không phải là thực tại.) Năng hành (conditioner) và sở hành (conditioned) không phải là những thực tại riêng biệt.
Với vô hành, ta vượt được ý niệm vô vi và hữu vi, sinh tử và Niết bàn.