Bài kệ 5

Tùng nhân sinh thiện

從 因 生 善

Tùng nhân đọa ác

從 因 墮 惡

Do nhân nê hoàn

由 因 泥 洹

Sở duyên diệc nhiên

所 緣 亦 然

Các cõi trời do tạo tác nhân lành mà mình được sinh lên,

Các ác đạo cũng do ác nhân mà mình bị đọa xuống

Niết bàn cũng như thế

Do nhân duyên tu tập mà có Niết bàn.

Trong nguyên văn chữ Hán không có chữ “cõi trời”.

Tùng nhân sinh thiện: Do sự thực tập những điều lành mà được sinh lên các cõi lành.

Ví dụ, Làng Mai là một cõi lành. Trong quá khứ, chắc mình có làm điều tốt nên được sinh ra trong Làng Mai. Làng Mai là một cõi thiện. Không hẳn trên mây mới có cõi trời, chỗ nào không có khổ đau thì đều là cõi trời.

Không phải ngẫu nhiên mà mình được sinh vào cõi thiện, phải do những nguyên nhân tích tụ trong quá khứ, nên bây giờ mình mới được sinh lên cõi thiện. Không phải trên trời mới có cõi trời, ngay ở dưới đất cũng có cõi trời. Nếu được sinh lên cõi trời, thì đó là do những nhân duyên, những hành động tốt trong quá khứ.

Tùng nhân đọa ác: Đọa là rơi xuống. Rơi xuống cõi ác. Nếu không tu, người đang ở cõi thiện rớt xuống cõi ác. Bị rơi xuống cõi hệ lụy cũng là do nhân.

Trong khi ở cõi trời, có thể ta không chịu nhận diện được những may mắn và hạnh phúc của mình. Ta coi thường, không giữ giới, đi ra ngoài không có đệ nhị thân. Đó là những nhân khiến ta rơi xuống cõi ác.

Hai câu kệ này xác nhận rằng: không có gì là ngẫu nhiên. Nếu ta được sinh ra ở một cõi an lành, đó là do ta, do nhân duyên của ta. Nếu ta rơi xuống cõi hệ lụy, cũng là do nhân duyên của ta.

Do nhân nê hoàn: Niết bàn cũng do nhân duyên mà có được.

Sở duyên diệc nhiên: Trong vấn đề duyên khởi, cũng giống như trường hợp được sinh lên cõi thiện hay bị đọa xuống cõi ác; đi vào Niết bàn cũng do nhân duyên mà sinh ra.

Điều chúng ta cần phải hiểu trong câu kinh là: Niết bàn không phải là một cái gì được tạo tác ra, tại vì Niết bàn là một pháp vô vi (unconditioned dharma), mà không phải là một hành (formation), hay một pháp hữu vi (conditioned dharma). Niết bàn không phải do những nguyên nhân tạo tác mà thành. Vì vậy, chữ “do nhân” không có nghĩa là do những điều kiện làm ra Niết bàn. “Do nhân”, có nghĩa là do sự tu tập mà Niết bàn hiển lộ ra. Niết bàn không phải có do ta tu tập, mà nó đã có sẵn rồi, nếu có tu tập thì ta được hưởng. Chữ nhân ở đây không phải là những nhân duyên tới với nhau để làm cho Niết bàn biểu hiện, như bông hoa, như mặt trời… Nhân là do công phu tu tập mà ta hưởng được Niết bàn.

Vào lúc bốn, năm giờ sáng, xóm Thượng trời rất trong, rất đẹp. Hương đêm rất thơm, tinh khiết. Ta trùm chăn ngủ, chuông thỉnh ta không chịu dậy. Cảnh vật lung linh, huyền ảo, mầu nhiệm bên ngoài tượng trưng cho Niết bàn. Trùm chăn ngủ, thì ta không hưởng được Niết bàn. Khi có tiếng chuông hay sư anh tới kéo dậy, ta tung mền đứng lên, rửa mặt. Đó là nhân, là công phu tu tập. Không phải nhân đó làm ra Niết bàn. Niết bàn đã có sẵn ngoài trời, ta chỉ cần mặc áo ấm, mở cửa đi ra thì tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của cảnh trời khuya ở xóm Thượng. Những nguyên do đó không tạo ra Niết bàn, mà chỉ giúp cho mình hưởng được Niết bàn đang sẵn có. Niết bàn là một pháp vô vi. Nhưng pháp vô vi gọi là Niết bàn này không phải là một cái gì tách biệt ra khỏi các pháp hữu vi mà có. Nói cho đúng nó không phải là một trong một trăm pháp của tông Pháp tướng. Nó là bản thể, là lưng dựa, là nẻo thoát của tất cả các pháp hữu vi. Lìa hữu vi thì không có vô vi, ngược lại cũng thế. Như nước không lìa sóng và sóng không lìa nước mà có.

Có những tông phái cho rằng có nhiều pháp vô vi và có những tông phái nói chỉ có một pháp vô vi, đó là Niết bàn, còn các pháp khác đều là hữu vi. Ở Làng Mai, ta đi theo thuyết: Tất cả các pháp đều là hữu vi. Chỉ có một pháp vô vi, đó là Niết bàn.

Câu “Do nhân nê hoàn” có thể bị hiểu lầm là Niết bàn cũng do nhân mà có. Niết bàn không có cũng không không, vượt ra khỏi ý niệm có và không, nó là pháp vô vi. Niết bàn đang có mặt bây giờ và ở đây. Cảnh trời khuya mầu nhiệm của xóm Thượng có đó, sư em muốn hưởng thì chỉ cần đi ra ngoài. Nếu không đi ra bây giờ, thì làm gì hưởng được cảnh khuya mầu nhiệm như vậy? Nó có sẵn đó rồi, chỉ có điều ta có muốn hay không muốn, ta có khả năng hay không có khả năng. Hạnh phúc là một cái gì có thật đó, cái chính là ta có khả năng hưởng hạnh phúc hay không? Khả năng đó là nhân, do nhân. Nhân là khả năng tự giải phóng mình (ra khỏi chiếc chăn ấm), để được hưởng một buổi khuya mầu nhiệm trên xóm Thượng. Chúng ta đi tới bài kệ thứ 6, một trong những bài kệ rất đẹp trong kinh.