Một nén tâm hương
Chia sẻ nhân ngày Hiệp kỵ của các tác viên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội – tháng 5/ 2014
Vì vận nước nổi trôi, bất đắc dĩ chúng tôi phải rời quê hương mà đi, ngậm ngùi bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm đã hằn sâu trong lòng thành những nỗi niềm…
Thông thường những ký ức êm đềm thơ mộng của tuổi thơ vẫn luôn là kho tàng vô giá được nâng niu gìn giữ trong một góc nhỏ của tâm hồn của bất cứ một ai. Song kỷ niệm đáng ghi nhớ và in lại thật đậm nét trong lòng chúng tôi lại là những tháng ngày hăng say với lý tưởng thanh cao, trong sáng, cùng các anh chị tác viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đi vào làng quê hàn gắn phần nào những đau thương mất mát của đồng bào do chiến tranh gây ra.
Sau bao năm xa cách quê hương, nay được về thăm quê cha đất tổ, thăm lại mái chùa xưa, lòng những nghẹn ngào xúc động. Cảnh vật giờ đã vật đổi sao dời quá lớn lao khiến ta phải ngỡ ngàng, nuối tiếc!
Đâu rồi mái chùa lá thân thương ngày xưa, và trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội nơi các thầy, sư cô cùng các anh chị tác viên đã miệt mài dấn thân cho hoài bão, lý tưởng cao đẹp.
Năm mươi năm đã trôi qua! Một khoảng thời gian của hơn nửa đời người! Về lại chùa xưa với biết bao kỷ niệm thương yêu chất chứa trong lòng, vừa đến thăm phần mộ của thầy Thanh Văn và các tác viên xã hội đã hy sinh, chúng tôi bật khóc nức nở, nhất là khi đọc tám câu thơ trong bài Đến đi thong dong của bậc Thầy khả kính được khắc ghi trên đá:
Chùa lá Pháp Vân
Gió vẫn còn bay con biết không
Khi mưa xa tiếp áng mây gần
Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp
Cho lòng đất thấy bầu trời trong
Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có không còn mất chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng.
Chúng tôi ngồi yên cho nước mắt tuôn chảy để xoa dịu những nỗi đau đã âm thầm đè nén chất chứa bao năm qua. Thả hồn quay về kỷ niệm xa xưa, cách đây năm mươi năm…
Ngày ấy quê hương còn tan tác bởi chiến tranh, tuổi trẻ chúng tôi lạc loài, bơ vơ, mất phương hướng. Những người an phận, không lý tưởng thì cứ an nhiên vui sống. Riêng lũ chúng tôi với niềm thao thức băn khoăn cho tương lai của dân tộc và đạo pháp thì thật khổ đau, trăn trở và mong muốn được đóng góp tâm huyết của mình cho quê hương.
May mắn thay cho chúng tôi lúc ấy, một quyển sách quý được truyền tay cho giới trẻ và là tiền đề cho sức bật của sự dấn thân của tuổi trẻ chúng tôi, nhất là các anh chị tác viên thanh niên phụng sự xã hội, quyển “Nói Với Tuổi Hai Mươi” của Thầy. Đó chính là một chiếc phao cứu chúng tôi giữa cơn chết đuối!
Một luồng sinh khí mới đã thổi đến giới trẻ khiến đôi mắt chúng tôi bỗng sáng lên, đôi vai như rắn chắc, bền vững hơn, sẵn sàng lăn xả, dấn thân đi vào thôn xóm bị tàn phá bởi chiến tranh để giúp đồng bào gầy dựng lại cuộc sống.
Các anh chị tác viên xã hội dấn thân trực tiếp với dân làng, đi sâu sát để giúp người dân dựng trường, xây lớp cho con em có nơi học tập, chỉ bảo cách trồng lúa cho tăng năng suất, cách chăn nuôi gia súc theo phương pháp mới để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhằm cải thiện cuộc sống đang rất khó khăn vì chiến tranh triền miên.
Chúng tôi là thân hữu của Trường nên luôn sát cánh với các anh chị bằng cách đi xin học bổng của bạn bè và những vị mạnh thường quân giàu của, giàu lòng. Chúng tôi luôn giới thiệu và nhắc nhớ đến mọi người đang có một nhóm các anh chị tác viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, là đệ tử của Thầy Thích Nhất Hạnh đang âm thầm đi xây dựng lại thôn làng sau cuộc chiến.
Càng ngày số người cho học bổng càng đông, tuy số tiền giúp không nhiều vì đa số là những Phật tử nghèo có lòng, nhưng người ta đã hiểu và biết đến hoạt động của Trường.
Các học viên của Trường TNPSXH
Những tưởng những hoài bão cao đẹp, những âm thầm dấn thân cho đồng bào dân tộc sẽ được mọi người thương yêu, ngưỡng mộ. Ai ngờ bóng tối của vô minh quá lớn, nghi ngờ và sợ hãi đã chiếm ngự cõi lòng con người quá nhiều. Hậu quả là mạng sống của một số các anh chị đã bị sự vô mình ấy cướp đi cùng những hoài bão thanh cao, trong sáng của họ trong những ngày tháng 4, tháng 6 và tháng 7 năm 1967.
Và để rồi chị Nhất Chi Mai, người chị cả đáng yêu và trân quý của dòng Tu Tiếp Hiện đã phải đem thân mình làm đuốc sống để gióng lên tiếng nói lương tri của con người, mong mọi sự giết chóc dừng lại, để máu xương dân mình thôi đổ, trong đó có một phần xương thịt của các anh, các chị.
Đã gần năm mươi năm trôi qua, mỗi năm các anh chị Tiếp Hiện cựu tác viên TNPSXH đều tổ chức lễ Hiệp kỵ cho các anh, chị đã hy sinh cho lý tưởng phụng sự. Năm nay, ở phương trời xa, không về được để dự lễ, chúng tôi xin mạo muội viết đôi dòng như một nén hương thành kính dâng lên các anh, các chị để tự nhắc nhở mình và để cho giới trẻ ngày nay hiểu rằng: vì quê hương yêu dấu, vì hoài bão cao đẹp, vì thiết tha tâm huyết đi băng bó những đau thương, mất mát cho đồng bào ruột thịt, các anh, các chị đã hy sinh thân mình khi tuổi đang độ thanh xuân, tràn đầy nhựa sống.
Tinh thần phụng sự, cách sống đầy tình thương, đầy trách nhiệm, luôn luôn sẵn sàng hy sinh thân mạng cho lý tưởng phụng sự cao đẹp của các anh chị thật đáng cho tất cả chúng ta hãnh diện, ngưỡng mộ và noi theo.
Chúng tôi nguyện sẽ luôn gìn giữ thật bền bỉ và truyền mãi ngọn lửa phụng sự, thương yêu đến giới trẻ sau này và mãi mãi… như là phẩm vật dâng lên các anh chị nhân Lễ Hiệp kỵ.
Thành kính nghiêng mình trước hương linh các anh các chị
Chân Bảo Nguyện (chanbaonguyen.blogspot.com)