Phỏng vấn thầy Minh Mẫn

Thầy Minh Mẫn, một trong những vị giáo thọ tập sự trẻ tuổi của Làng Mai, xuất thân từ Việt Nam, Thầy có duyên may đến Làng tháng 8/2001. Xuất gia năm 19 tuổi, tính đến nay Thầy đã có 10 năm tu tập. Tăng thân rất quý mến Thầy và rất thích được nghe Thầy chia sẻ bởi tính hài hước, có nhiều câu nói đầy dí dỏm, tuy đơn giản nhưng thâm sâu vô cùng.

1. Kính thưa Thầy, theo chúng con nghĩ, với cái tên Minh Mẫn có nghĩa là vừa thông minh, lại cần mẫn, chắc Thầy vốn như thế nên Sư Phụ đã đặt cho Thầy Pháp tự này phải không?

(Cười) Minh Mẫn nghĩ Sư Phụ mong mình được như vậy thì đúng hơn!

2. Thưa Thầy, động cơ nào thúc đẩy Thầy chọn con đường xuất gia?

Đó là niềm yêu thích của Minh Mẫn từ lúc nhỏ, nhưng mãi đến khi học xong trung học thì mong muốn đó mới được thành tựu.

3. Xin Thầy kể cho chúng con biết nhân duyên nào đã đưa Thầy tới Làng Mai?

Đúng là phải có nhân duyên từ trước, và cho đến năm 1999 thì Minh Mẫn được người cậu ở Berlin gởi tặng một quyển sách Thiết Lập Tịnh Độ và trong thư cậu có chia sẻ về cách tu tập của Làng. Qua vài lần trao đổi cậu có ý muốn giúp Minh Mẫn sang Làng để tham học trực tiếp, và đến năm 2001 các duyên đầy đủ nên Minh Mẫn được biểu hiện ở Làng.

4. Chúng con thấy Thầy đến Làng là một cơ duyên hơn là một sự tìm kiếm phải không ạ?

Nói chung là hình như "Bụt đã an bày" như thế!

5. Trước đó Thầy có đọc sách của Sư Ông chưa?

Minh Mẫn có đọc nhiều nhưng thích nhất là hai quyển Nói Với Người Xuất Gia Trẻ Tuổi (1996) và Từng Bước Nở Hoa Sen (1997).

6. Thầy có thể kể cho chúng con nghe một trong những kỷ niệm khó quên trong thời Sadi của Thầy không ạ?

Chỉ lo ăn học, tu và chơi, không phải lo bất cứ một việc gì cả. Không có kỷ niệm nào đáng nhớ thì làm sao khó quên. Chỉ nhớ là không phải lo bất cứ việc gì ngoài bốn việc: ăn, học, tu và chơi.

7. Và hiện tại thì sao thưa Thầy? Có phải không bằng cái ngày xưa ấy?

Tuổi thơ qua nhanh. Ngày xưa ấy đương nhiên là huy hoàng, nhưng ngày nay niềm vui và hạnh phúc mới cũng không kém. Được sống trong một Tăng thân lớn có con đường đi tới. Tự biết chăm sóc mình và còn chăm sóc các sư em nữa, đối với Minh Mẫn như vậy là tuyệt vời.

8. Chúng con rất thích buổi pháp thoại kỳ trước của Thầy, chúng con cảm thấy đó là một sự kết hợp hòa điệu của Khoa học, Phật học, Văn học, Toán học và Tu học. Có phải hồi xưa Thầy học giỏi lắm phải không, đặc biệt là môn Toán?

Làm gì có bác học như thế. Minh Mẫn học bình thường thôi, riêng môn Toán thời Trung học có lần phải xin cô giáo 0,5 điểm mới được lên lớp !
(Thầy cười)

9. Thưa Thầy, Thầy muốn được chia sẻ điều gì với các bạn trẻ ?

Thế giới bây giờ đang chạy đua, cho nên tất cả mọi người rất dễ bị căng thẳng (stress). Điều Minh Mẫn muốn nói với các bạn trẻ là các bạn phải nhớ rằng mình đang còn rất trẻ, cần phải hoạt động và đóng góp hết sức trong khả năng của mỗi người, nhưng điều quan trọng là phải biết rằng mình đang sống, nên dành một ít thời giờ để xúc chạm một tí vào cuộc sống riêng tư thì cuộc sống này mới thật sự có ý nghĩa.

10. Bằng cách cụ thể nào thưa Thầy?

Mỗi ngày có đầy các công việc thì mình nên có một chút thời gian để lắng đọng. Thứ nhất: trước giờ đi ngủ nên ngồi cho thật yên khoảng 5-10 phút để thân thể được nghỉ ngơi và đầu óc thư giãn. Thứ hai: ý thức mình đang còn sống. Chúng ta phải biết sống hạnh phúc với cuộc sống mà mình đang có, điều này nói thì dễ nhưng phải bỏ công nghiên cứu về thiền hoặc yoga một chút, và cần thời gian để luyện tập đều đặn.

11. Được biết Thầy từ Việt Nam sang, như vậy là có sự thay đổi từ truyền thống này sang truyền thống khác, Thầy thấy thế nào về cặp phạm trù khách và chủ ?

Đối với vấn đề khách và chủ lúc đầu cũng gặp khó khăn, bởi vì lần đầu tiên Minh Mẫn đến sống trong một môi trường hoàn toàn mới lạ so với những gì mình đã biết trước đây. Nhưng nhờ để tâm quan sát, học hỏi tu tập, cộng với yếu tố thời gian và sự đóng góp hết lòng của mình thì vấn đề khách chủ từ từ lắng đọng, hơn nữa mình phải xác định rõ mục tiêu đến đây để làm gì? Ví như một người đi rừng để tìm gỗ trầm hương, trên đường đi họ bị một tí gai góc quấn chân rồi nản chí thì cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu; trường hợp này cũng vậy, hiện tại vấn đề khách chủ không còn là vấn đề.

12. Thưa Thầy, Thầy thường thực tập xây dựng tình huynh đệ trong Tăng thân như thế nào?

Phong tục người Việt Nam thì "Miếng trầu là đầu câu chuyện", còn với Minh Mẫn thì "Chén trà đậm đà câu chuyện". Anh em cùng ngồi uống trà với nhau, trong sự thân thiện và ấm cúng, là sự nuôi dưỡng tình huynh đệ của Minh Mẫn và khi mình có đủ thân thiện thì có thể nói rất thật với nhau. Việc xây dựng tăng thân do đó rất dễ, không có gì ngăn ngại.

13. Thưa Thầy, khó khăn nào Thầy cho là lớn nhất trong cuộc đời tu tập của mình và Thầy đã vượt qua nó như thế nào?

Đó là sự thiếu truyền thông giữa Thầy và Trò, cần phải có thời gian hay nói một cách khác là có đủ duyên để 2 bên có sự dung thông với nhau. Tuy khó khăn về mặt truyền thông nhưng bổn phận mình là học trò thì lúc nào cũng phải giữ đúng lễ, nhờ niềm vui trong sự thực tập và tình đồng môn đã giúp mình đi tới.

14 . Thưa Thầy, sai lầm lớn nhất mà Thầy đã vấp phải là gì?

Đó là quá tự tin vào khả năng của mình. Mình cứ tưởng người khác sẽ suy nghĩ và sẽ làm theo cách của mình vạch ra, mình quên là mỗi người đều có một khối óc và một con tim, không ai giống ai, nhưng thất bại là mẹ thành công mà .

15. Thưa Thầy, xin Thầy chia sẻ sự thực tập trong việc chữa trị em bé bị thương của mình cho chúng con được học hỏi?

Em bé trong mình nếu bị tổn thương thì đã tổn thương rồi. Điều mình cần làm là hiểu được người lớn cũng có thể là nạn nhân của những tổn thương đó hoặc chưa có kinh nghiệm trong sự trao truyền, họ còn đang tự mày mò, nên không thể tránh được những điều sai sót. Điều quan trọng là những cái không hay và không đẹp đó đừng lặp lại cho đàn em của mình.

16. Thầy có một lời khuyên cụ thể nào về vấn đề này không?

Theo Minh Mẫn thấy thì tuổi thơ giống như những khung lụa trắng phau, người lớn như những người thợ vẽ. Nếu bạn là một họa sĩ tài ba thì bạn sẽ hiến tặng cho đời những bức tranh đầy nghệ thuật; nhưng nếu bạn là một họa sĩ vụng về thì những đường vẽ ngoằn ngoèo (thiếu hiểu biết và thương yêu nhưng lại đầy bạo động …)trên tấm lụa ấy dù đã cố công tẩy xóa vẫn sẽ không bao giờ phai nhạt kể gì 10 năm, 20 năm hay 30 năm…

17. Đối với những người già, đặc biệt là những người già cô đơn, Thầy có gì để nhắn nhủ đến họ không ?

Vấn đề này thật là khó nói, Minh Mẫn thấy có nhiều gia đình người già rất hạnh phúc với cháu con, bên cạnh đó cũng có những người già cô đơn. Vấn đề này thì những người già cô đơn nên nhìn lại lúc còn trẻ mình có đủ tình thương cho con cháu hay chưa ? Nếu chưa, thì nên tỏ tình thương cho con cháu hiểu dù là hơi muộn, và Minh Mẫn tin rằng tình thương sẽ có đủ sức mạnh để cảm hóa tất cả.

18. Hay lắm Thầy à, chúng con biết Thầy cũng thích làm thơ, vậy Thầy có thể đọc một bài thơ mà Thầy đã làm lúc mới tới Làng và một bài thơ làm gần đây nhất được không?

Thơ dở lắm đừng chê nhé (cười):

– Bài này được viết khi mới tới Làng :

Thanh Phong chốn tạm nghỉ đầu tiên
Cảnh vật xung quanh vẻ rất thiền
Trà lọc đơn sơ tô bún lạc
Bắt đầu cuộc sống thảy tùy duyên
– Bài này viết vào mùa thu năm 2005
Một chiếc lá lìa cành
Thôi tạm biệt trời xanh
Em về nương đất mẹ
Đủ duyên lại vận hành.
 
Chúng con xin chân thành cảm ơn thầy. Chúc thầy luôn vui khỏe.