Bình thơ Nguyễn Bính – Hành Phương Nam

Thầy Làng Mai bình thơ đêm giao thừa – ngày 12.02.2002 – Làng Mai

Vì lý tưởng, vì chí hướng, sự nghiệp mà người con trai đành phải từ giã người mình yêu để lên đường. Rồi sau đó, vào một ngày cuối năm, trong khi mọi người đang chuẩn bị đón giao thừa, ngồi một mình trên căn gác trọ người con trai cảm thấy cô đơn và chợt chạnh lòng nhớ lại người xưa, nhưng anh cũng biết rằng mình không thể nào ở lại được, mình phải tiếp tục con đường, phải tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình thôi. Người ở nhà nếu quả thực là hiểu được người mình yêu thì phải yểm trợ cho người ấy, để cho người ấy đi dù rằng đó là một quyết định rất khó khăn, dù trong lòng mình có xót xa, tiếc nuối.

Người con trai ấy có hoài bão, có chí hướng mà mình giữ chặt người ấy cho riêng mình thì người ấy sẽ không có hạnh phúc. Người ấy có một năng lượng mà mình đem nhốt năng lượng đó lại thì chỉ làm khổ người yêu và làm khổ chính mình thôi. Một làn hương, một tia nắng mà mình còn không giữ được, huống nữa là giữ một người con trai có chí nguyện lớn ?

Ngày xưa Yasodhara cũng có tâm trạng như vậy. Yasodhara biết rằng Siddhata không thể không ra đi. Yasodhara cũng chỉ là một người phụ nữ thường tình, nhưng cô biết là phải để cho chồng ra đi, bởi nếu vì mình mà người con trai không ra đi được thì người con trai đó đâu còn là người con trai của mình ? Tuy thân người ấy bên mình nhưng tâm người ấy không còn ở bên mình nữa. Có giữ thì cũng không còn.  Và Yasodhara cũng hiểu rằng dùng tất cả mọi cách để trói buộc người con trai đều vô hiệu nghiệm.

Hồi 1940 cho tới 1945 phần lớn những người con trai Việt Nam đều muốn ra đi, tôi lớn lên trong giai đoạn đó và tôi đã chứng kiến được những cuộc ra đi. Hồi ấy người Pháp đang đô hộ Việt Nam, đất nước ta đang lầm than trong cảnh nô lệ, người dân đói khát, khổ đau. Năm tôi khoảng 14, 15 tuổi có những buổi sáng thức dậy, tôi thấy ngoài đường có những chiếc xe cam nhông chở đầy những xác chết của những người đói. Và tôi cũng thấy những anh, những chị, chỉ khoảng 20, 22 tuổi bị bắt, họ bị người ta trói lại, giải đi, trông cảnh đó tôi rất sót thương. Lúc ấy tôi không biết họ đã làm gì để bị bắt như vậy? Nhưng tôi biết rằng trong trái tim họ đã ôm ấp một lý tưởng gì đó nên mới bị lâm vào vòng tù tội. Mới 14 tuổi tôi đã được đọc sách báo cách mạng và tôi cũng muốn ra đi.

Năm 1940, Thâm Tâm có viết một bài thơ rất nổi tiếng đó là bài «Bài Tống Biệt Hành » :

Đưa người ta không đưa qua sông,

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Phải đưa qua sông thì mới thấy có sóng và thấy sóng ở bên ngoài thì sóng ở trong lòng mới nổi dậy. Nhưng ở đây mình đâu có đưa sang sông « sao có tiếng sóng ở trong lòng? » Tình trạng đất nước, xã hội, và những khổ đau đã thúc đẩy những người con trai, những người con gái lên đường. Là một người thanh niên trong hoàn cảnh ấy thì phải nên làm một cái gì đó cho đất nước. Tác giả cũng muốn đi nhưng chưa đi được, mà phải ở lại. Và khi những người bạn của mình, những người anh, người chị, người em của mình ra đi thì mình phải đưa tiễn. Đưa tiễn mà trong lòng không yên, những đợt sóng cứ chồm lên không ngớt.

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Tuy đang là mùa hè, đất trời đang xanh tươi, cây cối chưa vàng vọt nhưng sao nhìn vào mắt của người kia mình thấy có hoàng hôn, có một nỗi buồn nào đó.

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình, một dửng dưng.

Gia đình có mẹ, có chị, có em, lúc từ giã người đi phải làm bộ dửng dưng, nếu không thì không thể cất bước được.

Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ.

Chí lớn chưa về bàn tay không,

Ly khách là người đi. Nếu đã ôm một chí nguyện to lớn thì không thể nào về với hai bàn tay không được.

Thì không bao giờ nói trở lại!

Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.

Khi ra đi mình đã mang một chí nguyện nào đó và nếu không đạt được chí nguyện ấy thì mình sẽ nhất định không trở về. Có một hình ảnh mà tất cả thanh niên Việt Nam thời đó đều tôn thờ đó là hình ảnh của Kinh Kha. Kinh Kha sống ở thời Chiến Quốc, cuối đời Xuân Thu, vào thế kỷ thứ 5 cho đến thế kỷ 13 trước Tây lịch, khi ấy có bảy nước đang tranh chấp nhau. Có hai người anh hùng, một người tên Nhiếp Chính, một người tên là Kinh Kha. Nhiếp Chính là một người anh hùng ẩn thân đời Chiến Quốc đi giết tướng quốc của nước Hàn là Hiệp Lũy, rồi rạch nát mặt, tự vẫn chết để không ai tìm được tung tích. Kinh Kha là người nhận trách nhiệm đi ám sát Tần Thủy Hoàng, ngày Kinh Kha lên đường Thái tử Yên Đan tổ chức lễ tiễn đưa rất lớn vì biết rằng người này đi sẽ không bao giờ trở lại. Tại vì Kinh Kha đã lãnh một sứ mạng rất lớn, đó là phải giết cho được Tần Thủy Hoàng, giết cho được tên bạo chúa. Câu thơ ca ngợi hình ảnh đó người thanh niên Việt Nam thời bấy giờ người nào cũng thuộc :

Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn

Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn

Nghĩa là gió thổi rờn rợn, nước sông Dịch lành lạnh và người tráng sĩ một phen đi thì không bao giờ trở lại. Bây giờ, trong bối cảnh phải đưa tiễn người bạn ra đi cũng  vậy, cũng nghĩ tới Kinh Kha.

– Ly khách ! Ly khách! Con đường nhỏ.

Chí lớn chưa về bàn tay không,

Thì không bao giờ nói trở lại !

Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.

Trước năm 1940 các thi sĩ sáng tác toàn thơ tình, cứ yêu qua yêu lại rồi đau khổ, rồi sầu thương. Nhưng bắt đầu từ năm 1939-1940 có sự thức tỉnh trong giới thanh niên, tỉnh dậy trước thực tại cay đắng, khổ đau đen tối của đất nước, của xã hội. Do đó  họ không còn làm những  bài  thơ theo lối khóc gió thương mây nữa. Bài này là một trong những bài đánh dấu giai đoạn thức tỉnh của người thanh niên Việt Nam thời chống Pháp.

Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước,

Bây giờ mùa hạ, sen nở nốt,

Một chị, hai chị cũng như sen,

Khuyên nốt em trai dòng lệ xót.

Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay

Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Vo tròn thương tiếc chiếc khăn tay…:

Buồn chứ sao không buồn, bỏ mẹ, bỏ các em ở lại để ra đi trong khi chưa biết rõ con đường phía trước như thế nào. Không biết mình sẽ làm cái gì? Chỉ biết là mình muốn đi thôi, con đường trước mặt là cả một khu rừng chưa khai phá. Rất là mờ ảo. Con đường cách mạng xã hội của một dân tộc, chưa có cái gì rõ ràng, chưa có gì được chuẩn bị, sắp đặt cả. Người ra đi mang tâm trạng hoang mang, nhớ nhung, luyến tiếc nhưng cố giả vờ dửng dưng « Một giã gia đình, một dửng dưng ».

Người đi? Ừ nhỉ ! Người đi thực !

Không phải chuyện chơi.

Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

Chị thà coi như là hạt bụi,

Em thà coi như hơi rượu cay.

Đi là phải như vậy, thương mẹ bao nhiêu cũng phải đi, thương em bao nhiêu cũng phải đi tại vì chí hướng của người thanh niên là phải lên đường. Sống trong thời đại của mình, mình là một chàng trai, mình là một cô gái, thì mình đại diện cho cả một thế hệ của mình. Mình không đi với tư cách một cá nhân, mình đi với tư cách của cả một thế hệ. Mình thấy tất cả những người đó trong mình, mình không phải đi đơn độc.

Nguyễn Bính cũng ra đi nhưng trước khi giật mình tỉnh thức thì Nguyễn Bính đã nghiện rượu, đã nghiện thuốc phiện. Thời đó thanh niên Hà Nội cũng ăn chơi, cũng lao vào cuộc sống của sự hưởng thụ.

Bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính làm vào khoảng năm 1946-1947.

Hai ta lưu lạc phương Nam này

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

Xuân đến khắp trời, hoa rượu nở

Riêng ta với ngươi buồn vậy thay !

Hai đứa không nhà, không cửa, đi vào Nam, đi tìm con đường, tìm chí hướng nhưng mà tìm chưa ra, cũng không biết tìm ở đâu nữa, hai đứa cứ lang thang với nhau trong cảnh cô đơn không nhà. Tội nghiệp ghê.

Lòng đắng xá gì đôi hớp rượu

Mà không uống cạn mà không say !

Đã nghiện rượu rồi, đâu có thể không uống được, vì vậy có đồng nào là đem ra uống rượu hết đồng đó. Muốn ra đi lắm nhưng vốn liếng của mình còn nghèo nàn quá, đã vướng vào rượu, vào ma túy rồi thì ‎ ý chí còn được bao nhiêu ?

Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã

Mà áo khinh cừu không ai may !

Tư Mã Tương Như là một chàng nhạc sĩ đánh đàn cho Trác Văn Quân nghe, khúc đàn đó là Tư Mã Phượng Cầu. Phượng Cầu Hoàng là con chim Phượng đi tìm con chim Hoàng tức là khúc hát của tình yêu.

Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã

Mà áo khinh cừu không ai may.

Không có ai may cho mình, đan cho mình một chiếc áo để mình có thể ra trận.

Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo

Ta trói thân vào nợ nước mây

Vấn đề cơm áo là vấn đề rất lớn. Nợ nước mây là nói về sự nghiệp của người con trai.

Ai biết thương nhau từ thuở trước

Bây giờ gặp nhau trong phút giây

Nợ tình chưa trả tròn một món

Sòng đời thua đến trắng hai tay

Tất cả những cố gắng của mình từ trước đến nay đều thất bại hết từ sự nghiệp cho tới danh vọng.

Nợ tình chưa trả tròn một món

Tình yêu thì không xong mà chí hướng cũng chẳng thành.

Nợ tình chưa trả tròn một món

Sòng đời thua đến trắng hai tay

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

Quê nhà thì ở mãi Hà nội còn mình đang lưu lạc tận miền Nam.

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc

Phân tán vì cơn gió bụi này

Người ơi ! Buồn lắm mà không khóc

Mà vẫn cười qua chén rượu đầy

Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết

Ngày mai ra sao rồi sẽ hay

Trong lòng mình có mang một sứ mệnh lớn muốn ra đi nhưng những tập khí cũ, những thói quen xấu nghiện ngập, yếu đuối cứ trói buộc lấy mình. Nguyễn Bính cũng có nhắc tới Kinh Kha, cũng nhắc tới Nhiếp Chính.

Ngày mai sáng lạn mầu non nước

Cốt nhất làm sao từ buổi này

Đây là một sự giác ngộ, thi sĩ thấy rằng ngày mai có tươi sáng hay không là do ngày hôm nay quyết định. Nhưng ngày hôm nay như thế nào? Hoàn cảnh của mình, tâm trạng của mình ra sao, và vốn liếng thì đến đâu rồi?

Ngày mai sáng lạn mầu non nước

Cốt nhất làm sao từ buổi này

Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn

Mặt đỏ lên rồi, cứ chết ngay

Hỡi ơi ! Nhiếp Chính mà băm mặt

Giữa chợ ai người khóc nhận thây?

Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén

Ai kẻ dâng vàng, ai biếu tay?

Trước khi lên đường Kinh Kha được Thái tử Yên Đan hậu đãi, có một cô thị nữ mang khay trà vào, Kinh Kha khen hai bàn tay của cô đẹp quá. Thái tử Đan nghe báo cáo như vậy thì nói với cô thị nữ: cô tặng cho tráng sĩ hai bàn tay đi. Rồi sai chặt hai bàn tay cô thị nữ để trên khay rồi mang vào tặng cho Kinh Kha. Thái Tử đã hy sinh một mạng người để nung nấu chí hướng của người tráng sĩ.

Ai kẻ dâng vàng, ai biếu tay?

Tráng sĩ nói ưa hai bàn tay đó thì chúng tôi dâng tặng cho tráng sĩ hai bàn tay. Ngày Kinh Kha lên đường, đi qua sông Dịch, ba ngàn người mặc đồ tang đến đưa tiễn.

Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự

Hài cỏ, gươm cùn, ta đi đây

Đôi giày của mình là giày cỏ, gươm của mình là gươm cùn nhưng người tráng sĩ Nguyễn Bính vẫn không biết đi về đâu?

Ta đi nhưng biết về đâu chứ?

Đã dấy phong yên khắp bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi!

Muốn đi mà không biết đi về đâu! Thôi, nếu không đi thì ở lại uống cho say. Nguyễn Bính có tâm trạng như vậy nhưng rốt cuộc vẫn đi vào chiến khu, phục vụ trong Ủy ban Việt Minh tỉnh bộ tỉnh Rạch Giá và đi vào rừng U Minh phục vụ kháng chiến trong vòng chín năm trời cho đến khi tập kết ra Bắc. Trong thời gian đó Nguyễn Bính cưới một người vợ người miền Nam. Tôi đọc thơ thì thấy rằng thơ kháng chiến, thơ cách mạng của Nguyễn Bính không hay lắm, thơ Nguyễn Bính không hợp với thơ kháng chiến.

Số thanh niên có lý tưởng cách mạng, có lý tưởng kháng chiến ra đi rất là đông nhưng có hàng ngàn người, hằng chục ngàn người, hằng trăm ngàn người đã ngã gục. Không phải giữa súng đạn mà ngã gục trong tổ chức gọi là cách mạng. Điều này không phải chỉ đúng ở Việt Nam mà đúng cho hết tất cả các nước. Trong cuộc cách mạng có sự thủ tiêu lẫn nhau.

Khi ra đi mình mang một lý tưởng rất cao đẹp nhưng khi đã đi vào trong tổ chức, dù là tổ chức cách mạng, thì mình cũng thấy được sự lạm quyền, sự lợi dụng, thói đạo đức giả… Trong hoàn cảnh ấy nỗi khổ, niềm đau của người trẻ rất lớn, muốn lùi lại thì không được mà muốn tiến tới cũng chẳng xong, đi tới đây thì không còn phương hướng nữa. Đi tu cũng vậy, ban đầu mình nghĩ rằng trong tổ chức giáo hội có sự thánh thiện, có hào quang, có sự tốt đẹp nhưng khi đi vào trong tổ chức giáo hội mình cũng có thể thấy được những hư hỏng những tham vọng, những danh lợi, những giả dối, và người xuất gia cũng có thể ngã gục trên bước đường tu của mình.

Quý vị có thể đặt câu hỏi là tại sao tôi không đi vào đảng mà lại đi vào chùa? Đó là câu hỏi rất là hay. Chắc chắn phải có một hạt giống nào đó, phải có một nguyên do nào đó khiến một người thay vì đi vào một đảng chính trị thì lại đi vào một ngôi chùa. Muốn tìm hiểu được điều này thì phải đi vào trong đời sống của dân tộc mình, tại vì mình có tổ tiên huyết thống  nhưng cũng có cả tổ tiên tâm linh và người thanh niên nào cũng có ít nhiều chí hướng cả.

Thái tử Siddhatta cũng có thể đi vào con đường chính trị nhưng Siddhatta đã chọn con đường tâm linh. Trong khi vua Tịnh Phạn rất muốn Siddhatta đi vào con đường chính trị, ông đã đặt hết hy vọng của mình vào Siddhatta nhưng Siddhatta khước từ con đường đó và đi kiếm một lối đi khác. Mình là những người con trai, những người con gái đã không đi làm chính trị mà đi tu là vì mình cũng có cái gì đó giống như Siddhatta. Mình thấy đây cũng là con đường phụng sự, mình hợp với con đường này hơn và mình thấy con đường này đem lại cho mình nhiều sự an tâm, nhiều năng lượng hơn.

Những năm gần đây tôi khám phá ra rằng niềm thao thức, niềm trăn trở ở nơi mỗi người thanh niên phải được nuôi dưỡng, và người thanh niên không thể nào sống một cách thất niệm chôn vùi đời mình trong chuyện ăn chơi được. Thanh niên Việt Nam hồi 1940 đã làm được như vậy, trước tình hình của đất nước họ đã không thể tiếp tục sống cuộc sống quên lãng, ăn chơi. Thanh niên Việt Nam thời đó đã thức dậy, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người đã đi vào con đường cách mạng nhưng cũng có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn đã ngã gục trên bước đường phục vụ cho cách mạng. Có những thầy trẻ, có những sư cô trẻ đi tu nhưng cũng phục vụ cách mạng và có nhiều người bị bắn chết. Tôi đã mang những người đó trong tôi. Liệu lý tưởng tâm linh có thể đi đôi với lý tưởng cách mạng? Có sự dùng dằng giữa hai con đường, một là cởi áo tu đi theo cách mạng, hai là tiếp tục giữ áo tu? Câu hỏi đó day dứt trong rất nhiều người tu sĩ trẻ của thời đại 1945-1950. Hồi đó tôi có viết bài Trái Ý Thức Chín Rồi.

Tuổi trẻ tôi
Trái mơ xanh
Vết răng của em
Gây thành thương tích nhỏ
Những chân răng rúng động
Và nhớ hoài
Nhớ hoài

Đây là tình yêu của tuổi thanh niên.

Nhưng từ thuở yêu em
Cánh cửa tôi mở rộng trước gió
Thực tại kêu gào cách mạng
Trái ý thức chín rồi
Cánh cửa
Không thể nào còn khép lại

Đó cũng là tâm trạng chung của những người thanh niên Việt Nam thời 1940. Một khi đã thấy được những đau thương, những khổ nhục của đất nước mình thì không thể nào an tâm để sống một cuộc đời hưởng thụ được nữa.

Nhưng từ thuở yêu em
Cánh cửa tôi mở rộng trước gió
Thực tại kêu gào cách mạng

Đòi hỏi cách mạng

Trái ý thức chín rồi
Cánh cửa
Không thể nào còn khép lại

Lửa
Lửa cháy tràn thế kỷ
Loang lổ núi rừng hoang
Gió thét ngang tai
Bão tuyết bên trời quằn quại
Vết thương mùa đông
Vết thương mùa đông nằm nhớ lưỡi thép lạnh
Bồn chồn, trăn trở,
Nhức nhối
Thâu đêm

Những câu thơ rất ngắn, chỉ có hai chữ, ba chữ. Những hình ảnh vết thương và đêm không ngủ, ôm lấy vết thương đó và nhớ lưỡi gươm đã tạo ra vết thương của mình.

Vết thương mùa đông
Vết thương mùa đông nằm nhớ lưỡi thép lạnh
Bồn chồn, trăn trở,
Nhức nhối
Thâu đêm

Mình biết tình trạng của giáo hội và của đất nước thời kỳ ấy như vậy và ký ức đó không thể nào phai mờ được. Mình có một nỗi niềm thao thức, trăn trở và chính trăn trở đó, thao thức đó đã đưa mình đi tới. Trong hàng vạn người thanh niên đi cách mạng, người nào cũng có niềm trăn trở đó nhưng họ đã đi tới đâu? Sau hai năm, sau ba năm, sau năm năm, sau mười năm ý chí của họ bị nhụt đi. Tại vì họ thiếu chất liệu nuôi dưỡng, họ không có đủ tình thương, không có đủ tình người, trong đó có sự tranh đua, có sự đè nén, có sự thủ tiêu. Vì vậy cho nên biết bao người thanh niên bị gục ngã trên con đường cách mạng.

Số thanh niên bị nhụt chí, chùn chân, bị thất vọng trên con đường phụng sự, con đường tranh đấu, rất là đông. Có những người chết âm thầm, có những người chết oan ức, có những người không có cơ hội nói ra được sự thật trong lòng mình. Số người sống âm thầm, chết oan khốc như vậy ở trong các trào lưu cách mạng đông lắm. Nếu quí vị có cơ hội nói chuyện với những người đã ở 10 năm, 20 năm, 40 năm trong cách mạng và nghe họ kể chuyện của họ thì quí vị sẽ thấy được.

Những thao thức, trăn trở của mình có thể đưa mình đi tới giai đoạn nào đó trong thời đại nào đó, nhưng nếu mình không được nuôi dưỡng, nuôi dưỡng bằng chất liệu rất cần thiết cho tâm linh thì mình cũng bị khô kiệt tại vì sức người có giới hạn. Vì vậy cho nên chỉ trăn trở và thao thức không thôi thì chưa đủ. Trên bước đường cách mạng cũng như trên đường tu học mình phải được nuôi dưỡng, phải có môi trường trong đó mình vừa phấn đấu, vừa được trị lành những thương tích.

Nếu không có môi trường thích hợp, không được nuôi dưỡng thì không thể đi xa được và mình sẽ chết giữa đường, khi ấy chí hướng của người thanh niên không thể thành tựu được. Nghĩ như vậy thì chúng ta thấy cảm thông cho biết bao nhiêu triệu người thanh niên Việt Nam đã bị ngã gục. Trong nửa đầu thế kỷ 20 vừa qua, những người thanh niên có dư bầu nhiệt huyết, có dư năng lượng của sự chiến đấu nhưng họ lại không được nuôi dưỡng trong môi trường của họ, môi trường của tổ chức, môi trường của đảng, môi trường của xã hội, mà trong đó chỉ có sự giành giật, sự lấn áp, sự thủ tiêu, mà không có đủ sự nâng đỡ, nuôi dưỡng và thương yêu.

Chuyện ngoài đời như vậy mà chuyện trong đạo cũng như vậy, một tổ chức giáo hội cũng có thể có sự hư hỏng, cũng có sự tham nhũng, hủ hóa. Những người lãnh đạo trong giáo hội có thể hoạt động trên cơ sở cái ngã của danh và lợi. Ngoài đời thì họ xôi thịt, danh lợi, còn trong đạo thì có thể “xôi chuối” thôi. Danh lợi trong chùa tuy “chay” hơn nhưng nó vẫn là danh lợi như thường.

Người trẻ khi thấy những người lớn bị  vướng vào vòng danh lợi thì họ mất niềm tin, họ không đi tới được và họ cũng “chết” như những người đi làm cách mạng. Biết bao nhiêu người tu cũng đã chết theo cái kiểu đó. Cởi áo tu đi ra đời là gì nếu không phải là cái “chết” của người tu? Bao nhiêu người đã chết trong môi trường của sự tu học? Mình có dư ý chí, có dư sự thao thức, mình có dư sự trăn trở nhưng mình không có được sự nuôi dưỡng, mình không có được sự vỗ về, không có đủ tình thương.

Làm người xuất gia, Tôi đã đi ngang qua những kinh nghiệm đau thương đó, không những ở ngoài đời mà còn trong đạo nữa. Tôi sẽ đọc một bài thơ nói lên thông điệp đó:

Trán tôi đã từng nhăn
Và ưu tư cuộc đời đã về ghi dấu chân nặng nề
Trên khoảng trời mai ấy
Nhưng trẻ thơ tâm hồn tôi hôm nay trở lại
Hoa lá về trên nụ cười buông thả
Vô tình xóa mờ những nếp nhăn đi

Nếp nhăn ở trên trán, mình đã đi tu rồi nhưng trên trán cũng có hằn lên những vết nhăn. Nếp nhăn đó vừa do hoàn cảnh xã hội bên ngoài tạo ra và cũng vừa do hoàn cảnh của giáo hội đem lại.

Trán tôi đã từng nhăn
Và ưu tư cuộc đời đã về ghi dấu chân nặng nề
Trên khoảng trời mai ấy

Vầng trán của người thanh niên là một bình minh nhưng cuộc đời đã ghi dấu nhăn lên trên đó.

Nhưng trẻ thơ tâm hồn tôi hôm nay trở lại

Rồi không biết vì lý do nào đó mà hôm nay những nếp nhăn trên trán biến đi. Như trẻ thơ tâm hồn tôi hôm nay trở lại, có nghĩa là tâm hồn tôi hôm nay trở lại như tuổi thơ.

Hoa lá về trên nụ cười buông thả

Mình có thể cười được và vì cười được nên những nếp nhăn trên trán biến đi.

Hoa lá về trên nụ cười buông thả
Vô tình xóa mờ những nếp nhăn đi
Như mưa chiều nay xóa đi
những dấu chân trên bãi vắng – qua một chu kỳ.
Tôi đi giữa rừng chông gai
Như đi giữa vườn kỳ hoa dị thảo

Đó là một phép lạ, khi mình đi trong rừng chông gai mà mình thấy như mình đi trên vườn kỳ hoa dị thảo.

Đầu cất cao, nụ cười ngày xưa còn đó
Những vần thơ đã nở trong tiếng gào súng đạn
Nước mắt ngày xưa khóc nắng quái chiều hôm
Trên chiến trường vàng vọt
Bỗng đã trở thành mưa.
Tiếng mưa rơi êm êm trên mái lá
Quê hương tuổi thơ thầm gọi tôi về
Mưa xóa đi bao tâm tư sầu muộn

Có những người có quê hương tuổi thơ rất đẹp và khi ấy phải về cầu cứu cái quê hương đó.

Tôi vẫn còn – nụ cười chiều nay bình lặng
Trái ngọt chín trên cây rừng cay đắng
Ôm xác em thơ, tôi băng qua ruộng lúa quê hương đêm nay

Biết bao nhiêu người vào nhà thương ôm xác người em của mình, người anh của mình băng qua ruộng lúa.

Đất mẹ sẽ gìn giữ em
Để trên bãi cỏ xanh non,
Sáng mai này em sẽ luân hồi thành những bông hoa mới
Những bông hoa cười trầm lặng trong bình minh đồng nội.

Giờ phút này em có còn khóc đâu
Qua một đêm dài thăm thẳm sâu
Sáng nay tôi quỳ trên bãi cỏ xanh
khi trông thấy những bông hoa mang nụ cười huyền diệu
Thông điệp của hy sinh của hiểu biết quả đã tới nơi rồi.

Tôi đã thấy những người bạn tu, những người thanh niên 25 tuổi, 20 tuổi, 18 tuổi, 17 tuổi, 16  tuổi bị bắn chết.

Khi đi tu tức là mình phải nhập vào một đoàn thể và mình đặt hết niềm tin vào đoàn thể đó, nhưng cũng có thể trong đoàn thể đó có người phản bội mình, phản bội lý tưởng của chính họ. Mình đi làm cách mạng, mình phải đặt niềm tin nơi đảng; mình đi tu mình phải niềm tin nơi giáo hội, nhưng đảng có thể phản mình, phản bội lý tưởng của người trẻ; giáo hội có thể phản bội lại niềm tin của người xuất gia trẻ. Tôi sẽ đọc bài “Xin Cúi Đầu Đưa Về”, bài này nói lên những khổ đau của tôi đối với những người trong giáo hội thời bấy giờ.

Nếu đọc bài này mà không để ý thì không thấy được.

Đây hai bàn tay tôi
Xin trả về cho em
Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát
Tôi đã trở về, như một kẻ đầu hàng ngoan ngoãn
Dù muôn khổ đau, lòng không oán thán,
Bởi vì dưới ngôi sao em tôi đã sinh ra,
Bởi vì vì em tôi mới sinh ra
Để vạn kiếp làm người trai khờ dại

Người ta phụ mình nhưng mình vẫn cứ thương. Mình thương Tăng bảo, mình đặt hết niềm tin vào Tăng bảo và Tăng bảo không có đủ “bảo”, Tăng bảo có phần tử vì danh, vì lợi đã phản bội mình, phản bội lý tưởng của mình. Mình gọi là người yêu của mình, mình nói là em, em đây tức là tổ chức giáo hội.

Đây hai bàn tay tôi
Xin trả về cho em

Đầu hàng thôi, mình đã bỏ đi rồi nhưng bỏ đi không được phải trở về xây dựng tăng thân, dù tăng thân hư hỏng, dột nát thì vẫn phải trở về để xây dựng lại tăng thân, không có sự lựa chọn thứ hai.

Đây là hai bàn tay tôi
Xin trả về cho em
Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát

hai bàn tay đã từng bị nghiến nát rồi và mình đã băng bó cho lành rồi để bây giờ đem dâng lại. Mình chỉ có hai bàn tay thôi, hai bàn tay của một người trẻ, hai bàn tay để mà thương yêu, để mà xây dựng, đóng góp nhưng bàn tay cứ bị nghiến nát hoài, nên có khi giận, có khi buồn bỏ đi, rồi vì thương nên bị nghiến mà vẫn trở về.

Đây hai bàn tay tôi
Xin trả về cho em
Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát
Tôi đã trở về, như một kẻ đầu hàng ngoan ngoãn
Dù muôn khổ đau, lòng không oán thán,
Bởi vì dưới ngôi sao em tôi đã sinh ra,
Bởi vì vì em tôi mới sinh ra
Để vạn kiếp làm người trai khờ dại

Yêu rồi bị phụ tình, phụ tình mà vẫn cứ yêu như thường mới lạ?

Đây là hai bàn tay tôi
Là trái tim
Là khối óc
Là cuộc đời
Là tất cả những gì còn sót lại
Những bàn tay không mang quyền phép lạ
Nhưng đã hơn một lần nhỏ máu trên cung bậc thương yêu.

Trên phím Piano đó, trên cây Guitar đó, những ngón tay này đã đàn, những bản nhạc của thương yêu, của phụng sự nhưng những ngón tay đó đã nhỏ máu. Thương hết sức, thương bằng tất cả trái tim của mình chứ không phải là thương sơ sơ.

Đây là hai bàn tay tôi
Là trái tim
Là khối óc
Là cuộc đời
Là tất cả những gì còn sót lại
Những bàn tay không mang quyền phép lạ
Nhưng đã hơn một lần nhỏ máu trên cung bậc thương yêu.

Trong Truyện Kiều cũng có câu: “Bốn dây nhỏ máu, năm đầu ngón tay.”

Những bàn tay không mang quyền phép lạ
Nhưng đã hơn một lần nhỏ máu trên cung bậc thương yêu.

Đây hai bàn tay tôi
Xin trả về cho em
Kẻ thương yêu, mẹ dạy, không bao giờ tính toán
Cỏ mộ úa vàng, cũng như hoa hồng đương lứa
Thương yêu muôn đời vẫn hạt sương trong

Người ta có sao thì sao mình vẫn cứ thương như thường.

Đây hai bàn tay tôi
Xin cúi đầu đưa về
Em nhìn xem: những vết thương ngày xưa vẫn chưa lành dấu máu
Mười ngón đơn sơ hồn em xin đậu
Như những giọt sương ngời đầu ngọn cỏ rung rinh

Đây là những câu đẹp nhất của bài thơ. Những ngón tay của mình dâng hiến cho lý tưởng, cung đàn của thương yêu, của phụng sự và dầu mình có nhỏ máu trên năm đầu ngón tay thì mình vẫn phải tiếp tục như thường.

Đây hai bàn tay tôi
Một kiếp luân hồi chưa xóa nhòa thương tích
Nụ cười còn đây, tôi không bao giờ oán trách
Còn đây tâm hồn thơ dại ngày xưa

Đây hai bàn tay xưa
Băng bó vẫn chưa lành
Tôi mang về trả lại
Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát
Nguyện cầu mười phương trăng sao chứng minh.

Những bài thơ này không phải là thơ, những bài thơ này là xương thịt của sự sống hàng ngày. Nếu quí vị có thì giờ tìm đọc truyện ngắn của tôi, câu chuyện “Người Con Trai Khờ Dại.” Dù bị phụ tình hoài mà vẫn cứ trở về như thường. Bí quyết của tôi là chỗ biết rằng mình phải nuôi dưỡng chính mình, đừng để cho nguồn năng lượng của mình bị khô cạn. Tôi viết những câu rất đơn sơ:

Quê hương tôi là đây
Chỉ có dòng sông, hàng cau, bụi tre, vườn chuối.
Mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
Nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm

Tuy trên mặt đất nơi mình đang đứng có nhiều bụi nhưng mỗi khi ngước mặt lên thì mình vẫn tiếp xúc được với trăng sao trên bầu trời. Vừa có một thế giới của trần lụy, của nhỏ mọn, ganh đua nhưng cũng có một thế giới của tâm linh lung linh đầy mầu sắc nếu mình không bỏ cuộc. Nếu không thua cuộc chính là nhờ mình tiếp xúc được với thế giới đó. Có một câu ngạn ngữ nói rằng: “đừng tự khinh mình”. Phải biết rằng mình rất quí giá tại vì mình được làm bằng trăng sao. Ở trong ta có trăng sao, có tinh hà.

Trong tôi có ngọn hùng phong
Vẫn vươn cao, trời mây khói
Trong tôi có một tinh hà chuyển động âm thầm
Những triệu tinh cầu sáng chói

Trong con người của mình có hai phần, một phần đất bụi và một phần trăng sao. Nhưng mình đừng mặc cảm vì là đất bụi, cũng đừng có tự hào quá vì chất liệu của trăng sao.

Quê hương tôi là đây
Chỉ có dòng sông, chỉ có hàng cau, bụi tre, vườn chuối.
Mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
Nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm

Mỗi khi tiếp xúc với những cái trần tục, với những cái hèn mọn, nhỏ nhoi thì mình đừng quên rằng trăng sao vẫn còn đó, chỉ cần ngẩng đầu lên thì sẽ thấy năng lượng, niềm tin của mình không hề mất đi. Đây là chuyện rất quan trọng đối với người tu. Cho nên có một bài thơ tôi đã tự nhắc lại cho mình cái câu đó, nó giống như là ngẫu nhiên mà không phải ngẫu nhiên. Đó là bài Tươi Son Bền Sắt, hãy giữ cho mình được tươi như là một thỏi son, bền vững như một thanh sắt:

Trăng sao vẫn đẹp đêm Rằm
Bãi dương vẫn mướt, sóng tùng vẫn xao

Khi tiếp xúc với những khổ đau, tuyệt vọng, mình có thể đánh mất thăng bằng, vì vậy phải tìm cách thiết lập lại sự thăng bằng để vượt qua giai đoạn của cơn bão tố đó.

Trăng sao vẫn đẹp trăng Rằm
Bãi dương vẫn mướt, sóng tùng vẫn xao

Có những bãi tùng rất lớn, khi gió thổi tùng như là sóng.

Lòng quê dù có khát khao
Hoa mai vẫn cứ đồi cao gọi mời
Tháng tư lá lục hoa cười
Cho trăng thêm tuổi, cho đồi thêm xuân
Vườn xanh cây mướp trổ bông
Trẻ thơ đùa giỡn trước sân nắng đào
Chợ Văn bán sách lầu cao
Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui

Đây là năm 1975, là thời điểm tất cả các cơ sở của giáo hội, tất cả những hoạt động văn hóa xã hội bị ngưng hết điều này đã gây ra rất nhiều khổ đau cho đất nước, cho những người đồng hành trên con đường tu học. Vì vậy, trong lúc đó nếu muốn sống sót phải biết nhìn lên, nhìn lên để tiếp xúc với trăng sao. Những câu thơ này không phải để ca tụng trăng sao đẹp, ca tụng bãi dương, sóng tùng, ca tụng hoa mai, ca tụng tháng tư, trường ca Avril mà là để nhắc cho mình rằng ngoài bình diện của khổ đau, của tuyệt vọng thì còn có bình diện của sự nhiệm mầu của trăng sao. Những hình ảnh đó không làm cho mình tuyệt vọng, những hình ảnh đó nó nuôi dưỡng mình. Bài này tôi viết ở Phương Vân Am.

Chợ Văn bán sách lầu cao
Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui

Hồi đó thầy trò xuất bản sách và bán sách.

Xót quê lòng cũng ngậm ngùi
Tin quê dồn dập tới lui chẳng ngừng
Chùa xưa vắng tiếng chuông ngân
Trẻ kia cha mẹ gởi thân tù đày
Văn nhân nghệ sĩ bó tay
Con thơ nheo nhóc chẳng ai ngó ngàng
Sóng xô nghiêng vịnh Thái Lan
Bao nhiêu tuổi ngọc chìm làn nước sâu

Cái bi kịch của thuyền nhân, cái bi kịch của các chùa bị đóng cửa và các thầy bị đi học tập cải tạo thì chỉ có tám câu thôi nhưng vì tám câu đó nên mới có mười hai câu trước và nếu không có mười hai câu trước thì tám câu kia nó sẽ làm cho mình ngã quỵ.

Chùa xưa vắng tiếng chuông ngân
Trẻ kia cha mẹ gởi thân tù đày
Văn nhân nghệ sĩ bó tay
Con thơ nheo nhóc chẳng ai ngó ngàng
Sóng xô nghiêng vịnh Thái Lan
Bao nhiêu tuổi ngọc chìm làn nước sâu

Trong tình trạng đó mình chưa tìm ra cách nào để có thể nâng đỡ cho những người đang kẹt vào trong tình huống khổ đau đó, tại vì bao nhiêu công tác của mình ở nhà đều bị ngưng lại hết. Không những người tu sĩ mà là người cư sĩ cũng vậy, không những nhà chính trị, những nhà văn hóa mà những nhà nghệ sĩ đều bị đi vô tù hết.

Tấm thương, lòng vẫn nguyện cầu
Nỗi đau dường ấy, làm sao đỡ đần?

Nỗi đau khổ quá lớn, trong khi đó thì mình không được phép làm gì để yểm trợ, giúp đỡ. Có cái gì giống như là niềm tuyệt vọng và đó là giai đoạn khó khăn mà mình phải đi ngang qua. Khi ấy phải cầu cứu tới trăng sao, cầu cứu tới hoa mai, cầu cứu tới trẻ thơ.

Trước sau xin chớ ngại ngần
Những bàn tay ấy tình thâm vẫn tròn
Giữ cho bền sắt tươi son
Giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào

Rất là tuyệt vời, giữ cho bền sắt tươi son, cho bền, cho tươi, hai cái đó là sắt là son. Son thì luôn luôn là đỏ thắm và sắt thì luôn luôn bền vững, đó là bản chất của người tu, đó là bản chất của nhà cách mạng.

Siddhatta có những đêm ngồi trong rừng, sức khỏe hao mòn gần như tuyệt vọng, ban đêm ngồi thiền dưới gốc cây, nghe một cành cây khô gãy, tưởng tượng là có con trăn đang trườn tới làm gãy. Có tiếng lá khô xào xạc, tưởng tượng là có một con cọp đang từ từ tiến lại. Siddhatta xa hoàng cung đã bốn năm, năm năm mà vẫn chưa làm nên một công trạng gì hết, giờ này thì vẫn đang ngồi một mình trong rừng, còn những người bạn đồng tu đã bỏ chàng đi hết, những lúc đó thật là khó khăn, nếu không có son, không có sắt thì không thể nào tiếp tục được.

Giữ cho bền sắt tươi son
Giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào

Còn đây nắng gọi đồi cao
Còn đây những gốc anh đào trước sân
Còn đây trăng đẹp đêm Rằm
Còn đây dương mướt sóng tùng năm xưa

Bài thơ này là một chứng tích của một cuộc tranh đấu nội tâm để mình có thể đứng vững trên con đường của mình.

Bây giờ mời đại chúng nghe bài “Thơ Từng Ôm và Mặt Trời Từng Hạt”. Bài thơ này nếu không quen thì sẽ thấy nó hơi lạ, cố nhiên không quen thì là lạ rồi, tại vì không biết tác giả muốn nói gì trong này.

Nắng trên không gian và thơ trên nắng

Thơ làm ra nắng nắng ra thơ

Đây có phải là những suy luận triết học? Hay thi sĩ muốn diễn bày một giáo lý nào đó?

Nắng trên không gian và thơ trên nắng

Thơ là một cái gì rất là hiện thực. Thơ là nỗi khổ, niềm đau; thơ là hy vọng, là niềm vui; thơ là sự giải thoát. Có thơ vào tất cả đều thay đổi hết.

Nắng trên không gian và thơ trên nắng

Nếu không có thơ trên nắng thì nắng không còn là nắng nữa và mình sẽ không thấy mình, nhờ thơ mình còn thấy được nắng, cho nên có nắng là có thơ và có thơ là có nắng, nắng và thơ tương tức.

Thơ làm ra nắng nắng ra thơ

Mặt trời cất chứa trong lòng trái khổ qua

Thơ bốc thành hơi trên bát canh mùa Đông,

Trong khi bên ngoài gió hú

Thơ theo gió đi về cồn xưa bãi cũ

Mái tranh nghèo còn đứng đợi ven sông

Có đủ hết trong này. Mùa hè mình trồng rau và có thể khổ qua ra trái nhiều quá ăn không hết, mình đem để dành trong tủ đá. Vào mùa Đông, khoảng tháng giêng mình đem ra để nấu canh. Mình thấy rõ ràng rằng trời lạnh như vậy, mặt trời đi vắng luôn cả tháng không chịu xuất hiện, nhưng mình vẫn thấy được mặt trời ở trong trái khổ qua, trái khổ qua đã giữ mặt trời lại cho mình, mình chứa mặt trời ở trong tủ đá và bây giờ mình lấy khổ qua ra thì khổ qua nói: Ở trong tôi có mặt trời. Mặt trời đâu phải chỉ ở ngoài, nó có cả ở trong nữa.

Mặt trời cất chứa trong lòng trái khổ qua

Nếu không có mặt trời thì làm sao có trái khổ qua?

Thơ bốc thành hơi trên bát canh mùa Đông,

trong khi bên ngoài gió hú

Có khổ qua tức là có thơ rồi, có khổ qua là có bát canh mùa đông và bát canh đó bốc hơi lên. Thơ là đó chứ thơ ở đâu nữa?

Thơ bốc thành hơi trên bát canh mùa Đông,

trong khi bên ngoài gió hú

Mùa Đông ở Làng Mai có nhiều khi như vậy, mùa Đông năm nay rất lạnh. Có những mùa Đông cứ mưa, mưa, mưa hoài… không thấy mặt trời đâu hết, chỉ thấy một màu xám xịt và gió hun hút.

Thơ theo gió thì mình nghe gió, đi theo gió, gió đi đâu, mình đi đó. Thơ theo gió, đi đâu? Đi về cồn xưa bãi cũ và mình thấy.

Mái tranh nghèo còn đứng đợi ven sông

Lời thề của mình năm xưa nó còn, nhìn lên trời không hổ câu vàng đá. Khi ra đi, cũng như Siddhatta, mình đã phát lời nguyền lớn, bây giờ nhìn lên trời, mình không thấy hổ thẹn với lòng, tại vì đời sống của mình không có giây phút nào trong đời sống hàng ngày mà mình phản lại lời thề năm xưa. Mình vẫn còn là mình. Anh vẫn còn là anh chứ? Chị vẫn còn là chị chứ? Em vẫn còn là em chứ? Mình đã phản bội mình chưa? Mình đã phản bội lại cái câu gọi là đá vàng năm ấy chưa?

Thấy trăng chẳng thẹn lời nguyền non sông

Tại vì ngày xưa, trăng sao đều chứng giám cho lời nguyền của mình. Làm sao để nhìn trăng mà không thấy mắc cỡ? Trong Kiều có câu:

Thấy trăng mà thẹn những lời non sông

Lời thề non sông là gì? Là lời nguyền khi mình đi xuất gia, mình đã hủ hóa chưa? Mình đã phản bội lý tưởng xuất gia của mình chưa? Mình đã để Bồ đề tâm của mình chết rũ chưa?

Thơ theo gió đi về cồn xưa bãi cũ.

Vẫn canh cánh bên lòng. Tình trạng xã hội, tình trạng đất nước, tình trạng quê hương, nó vẫn còn là đối tượng, chí hướng của người xuất gia, cho nên trong vùng tâm thức đó, mái tranh nghèo năm xưa bên bờ sông nó hiện ra và nói : Tôi vẫn đang chờ đợi. Mình chưa phản bội lời thề năm cũ. Trong khi ăn bát canh ở cái vùng rất xa lạ, thơ của mình chợt sống dậy, thơ của mình đi theo gió và gió đưa mình về ven sông để thấy được mái tranh nghèo còn đứng đợi. Mình chưa phản bội, mình chưa bao giờ phản bội.

Lời nguyền xưa còn nguyên vẹn như trái tim ban đầu.

Thơ nơi từng giọt mưa Xuân

Thơ trong từng đốm lửa hồng

Mưa Xuân có đó, lửa hồng có đó và thơ bao giờ cũng còn đó. Thơ là chất liệu của lý tưởng, thơ là sự sống của từng giây, từng phút.

Nắng cất chứa trong lòng gỗ thơm.

Khi mình lấy ra một thanh gỗ để bỏ vào lò suởi, mình phải thấy rõ ràng đó là nắng, tại vì mình cần năng lượng của mặt trời để sưởi ấm, bây giờ mặt trời bị mây che lấp thì thanh củi này nó đại diện cho mặt trời vì thanh gỗ chứa mặt trời trong đó.

Nắng cất chứa trong lòng gỗ thơm.

Khói ấm đưa thơ về trên trang ngoại sử

Nhờ sức ấm của mặt trời từ gỗ thơm đưa ra mà mình ngồi đó và mình viết được những trang của tác phẩm « Am Mây Ngủ ». « Am Mây Ngủ » là một ngoại sử, một truyện thuộc lịch sử nhưng mà không phải là chính sử. Vì vậy cho nên mặt trời, trái khổ qua, bát canh mùa đông bốc hơi lên là những nguyên tố làm ra tác phẩm « Am Mây Ngủ », tác phẩm viết về Trúc Lâm Đại Sĩ và công chúa Huyền Trân.

Nắng cất chứa trong lòng gỗ thơm

Khói ấm đưa thơ về trên trang ngoại sử

Nắng vắng trong hư không,

nhưng nắng chất đầy một lò sưởi đỏ.

Ai nói là không có nắng?

Nắng trong trái khổ qua, nắng trong lò sưởi.

Nắng lên thành mầu Khói, thơ đọng lại thành mầu Sương.

Không có sự xa cách nào hết, nắng luôn luôn có đó cho mình và vì vậy thơ cũng luôn luôn có mặt.

Nắng cất chứa trong lòng gỗ thơm

Khói ấm đưa thơ về trên trang ngoại sử

Nắng vắng trong hư không,

nhưng nắng chất đầy một lò sưởi đỏ.

Nắng lên thành mầu Khói,

thơ đọng thành mầu Sương

Nắng cất giữ trong từng hạt mưa Xuân

Giọt nước cúi xuống hôn đất, cho hạt cây nẩy mầm

Thơ đi theo mưa, về trên từng đọt lá

Nắng thành mầu xanh, thơ mầu hồng

Thơ cũng có mầu và nắng không phải chỉ là mầu vàng hay là mầu đỏ. Nắng có thể là mầu xanh. Mình là người tu thì mình có khả năng thấy được nắng trong màu xanh. Tại vì nếu không có nắng thì làm sao có màu xanh của cây cỏ? Cho nên thấy màu xanh của cây cỏ là phải thấy nắng, không thấy như vậy thì không thấy được duyên sinh mà không thấy được duyên sinh thì không thấy được Bụt, dầu cho mình vào chánh điện một ngày mười lần cũng vậy. Cho nên mình phải thấy nắng là mầu xanh và mình phải thấy nắng trong những màu khác, mình phải thấy thơ màu hồng và thơ thêm nhiều màu sắc khác nữa.

Nắng chở trên cánh ong tới trút ấm lên đài hoa

Khi con ong bay, nó chở những tia nắng trên đôi cánh và khi nó bay tới bông hoa thì nó trút nắng lên trên đài hoa.

Nắng chở trên cánh ong tới trút ấm lên đài hoa

Thơ theo nắng về rừng xa uống mật

Có những tổ ong trong rừng và thơ theo nắng về rừng xa uống mật. Tại vì hoa với ong vốn gần nhau lắm. Hoa, ong với mật là một cho nên thơ mà đi theo nắng thì thơ thể nào cũng theo ong, mà thơ đi theo ong thì thơ thế nào cũng về rừng và thơ thành mật.

Nắng chở trên cánh Ong tới trút Ấm lên đài hoa

Thơ theo nắng về rừng xa uống Mật

Tưng bừng, xôn xao, bướm ong về chật đất

Nắng làm nên khúc múa, thơ làm nên lời ca

Chiều nay, trong buổi văn nghệ các sư cô có múa và cái đó do thơ làm ra hết. Nắng làm nên khúc Múa. Ta thử nghĩ xem cái gì làm nên khúc múa nữa? Nếu không phải là nắng, nếu không có nắng thì làm sao quí vị múa được? Nếu trong quí vị không có nắng và không có thơ và không có khổ qua thì làm sao múa được?

Nắng làm nên khúc múa, thơ làm nên lời ca

Mồ hôi giọt xuống đất khô, thơ bay trên luống cày

Thơ bây giờ trở thành mồ hôi của người nông dân, nhỏ từng giọt xuống đất khô.


Cán cuốc trên vai, thơ vào ra theo nhịp thở

Nắng rụng bên sông, bóng chiều ngập ngừng bỡ ngỡ

Thơ đi về chân trời, nơi vầng sáng đang đắp chăn mây

Chăn mây là cái mền làm bằng mây, đắp cho một người sắp đi ngủ và người đó là mặt trời. Mặt trời sắp đi ngủ và mây làm cái mền đắp cho mặt trời.

Mặt trời xanh rờn một rổ rau tươi

Mặt trời dẻo thơm trong bát cơm gạo Tám

Các vị có thấy rằng nắng mầu xanh, nhìn vào rổ rau tươi đó mình thấy mặt trời. Mình chưa nhìn thấy mặt trời trong rổ rau xanh là mình chưa thấy rau mà cũng chưa thấy mặt trời. Người tu là người quán chiếu về tự tánh duyên khởi, người tu nhìn vào rổ rau xanh là thấy được mặt trời và thấy được mặt trời thì mới thật sự thấy được rổ rau xanh, còn không thấy được như vậy thì không thật thấy cái gì hết.

Việt Nam có gạo Tám thơm rất ngon, khi nhai hạt cơm gạo Tám thơm là thấy như mình nhai mặt trời, còn nếu không thấy tức là mình đang ăn trong thất niệm, ăn trong thất niệm tội lắm đó! Thế nào quí vị cũng đã từng được ăn cơm gạo Tám rồi mà quí vị không biết rằng mình đã ăn cơm gạo Tám. Có ai nói mặt trời dẻo thơm không?

Thơ trong ánh mắt em thơ,

thơ trong mầu da nắng sạm

Thơ nơi từng cái Nhìn chăm chú

Thơ nơi từng bàn tay vun xới miền đồng chua nước mặn xa xăm

Đã là người tu thì phải nhìn với con mắt chánh niệm, phải có định lực, nhìn chăm chú, sâu sắc để có thể thấy hết được chân tướng của sự vật. Nhìn rổ rau phải thấy được mặt trời, thấy được nắng, mưa. Muốn như vậy thì phải thực tập chánh niệm trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày.

Mặt trời cười tươi trên bông hướng dương

Mặt trời trĩu nặng nơi trái đào Tiên tháng tám

Mình đã đi tới tháng tám rồi.

Thơ nơi từng bước chân thiền quán

Nếu mà sư chú bước những bước chân có chánh niệm là sư chú đang làm thơ, nếu mà sư cô đang nhìn với ánh mắt của chánh niệm là sư cô đang làm thơ. Và sáu năm mà Siddhatta ở trong rừng để tu tập khổ hạnh là sáu năm làm thơ và nguồn thơ đó nó đã tỏa chiếu, nó đã trôi về cho nhân loại trong suốt 2500 năm.

Thơ nơi từng dòng chữ

Dòng chữ của cái gì ? Dòng chữ của những trang sách ngoại sử.

Thơ nơi từng nắp hộp kín đáo nuôi tình Thương.

Hồi đó, trước tình hình của đất nước chúng tôi không làm được gì nhiều về phương diện cứu trợ xã hội. Khi ấy đang ở nước ngoài, tuy không thể gửi tiền về cho những người nghèo được nhưng mỗi ngày thầy trò đều gói những gói quà gửi về Việt Nam với danh nghĩa là thân nhân. Ai cũng biết rằng thuốc Tây thời đó có giá trị kinh tế cao nên thầy trò đã gửi những hộp thuốc Tây về và biết rằng những loại thuốc nào thì người nhận có thể giữ lại một hộp để uống còn những hộp thuốc khác đều đem bán để lấy tiền để mua gạo và mua thức ăn.

Có biết bao nhiêu người cần được cứu trợ mà ở nhà chưa có thuốc tây, hồi đó đất nước bị phong tỏa nên thuốc men rất thiếu thốn, người dân chỉ dùng toàn thuốc dân tộc, chưa có “thuốc phi dân tộc” mà thiên hạ lúc ấy rất cần những “thuốc phi dân tộc” như: vitamin B, B1, B6, B12. Đối tượng mà thầy trò tôi gửi những thùng thuốc ấy là những gia đình có người đi học tập cải tạo, cho những trẻ em đói, cho các gia đình văn nghệ sĩ. Khi nhận được những gói quà này thì các gia đình có thể sống được trong ba tháng hay là bốn tháng và cũng có thể có phương tiện đi thăm nuôi những người đang ở trong tù hay trong các trại học tập cải tạo.

Hồi ấy người ta chưa vượt biên nhiều, chưa có thuyền nhân nhiều, chưa có đồng bào ở Cali, ở Pháp để có thể gửi tiền về cho người thân của họ, nhưng mình đã “sản xuất” ra không biết bao nhiêu là “thân thân nước ngoài”. Theo luật lúc đó thì mỗi gói quà gởi về chỉ được tối đa là 1 kg, cho nên mình đã chọn những loại thuốc có thể bán được tiền nhiều nhất và trong những nắp hộp đề có ghi lời căn dặn: “Thuốc này rất quý, thuốc này phải bán với giá này mới không bị lỗ, còn cái hộp này có thể giữ lại để trị bệnh cho gia đình và phải uống như thế này, thế này…” Người nhận được hướng dẫn rất kỹ cách sử dụng để có thể vừa trị bệnh cho gia đình vừa mua được gạo mà cầm cự sống sót qua mấy tháng trước khi nhận được một gói quà mới.

Bưu điện mỗi ngày nhận hàng trăm gói quà như vậy và họ rất lấy là lạ. Những gói quà gửi về Hà Nội, Huế cho tới Sài Gòn. Thầy trò chúng tôi đều thực tập chuyện gói quà, lấy dây để cột và viết những hàng hướng dẫn trên nắp hộp một cách rất khéo để không bị hiểu lầm là bức thư có tính cách chính trị.

Người họ Đào thì có thân nhân họ Đào ở bên này gởi về, người họ Lê thì có thân nhân người họ Lê gởi về, toàn những cái thân, cái tên hóa ra hết. Vì vậy mình cần rất nhiều hóa danh và hóa thân, ví dụ ở bên kia là Đào Duy Từ thì bên này có cháu là Đào thị Mây, bên kia là Lê Thương thì bên này là Lê thị Phương Hương.

Như một phép lạ, có những văn nghệ sĩ đã buông bút, không sáng tác nữa vậy mà khi nhận được những gói quà và những lời thăm hỏi khơi gợi cảm hứng, đã thúc đẩy họ họ sáng tác trở lại. Thầy trò làm việc dưới sự chỉ huy của sư cô Chân Không, sư cô rất giỏi về lĩnh vực này, sư cô biết rất rõ thuốc này là thuốc nào, đáng giá bao nhiêu, làm sao để không bị đánh lừa, làm sao để bán được với giá cao nhất và những điều đó đều được ghi lại trong những bức thư.

Thơ từng bước chân nơi thiền quán

Thơ nơi từng dòng chữ

Thơ nơi từng nắp hộp kín đáo nuôi tình Thương

Hồi ấy phải làm một cách rất là kín đáo, để không ai biết là mình làm việc cứu trợ xã hội. Làm kín đáo thì bên kia mới có an ninh và việc làm này hoàn toàn không có danh, có lợi gì hết. Mỗi tuần thầy trò nhịn đói một buổi chiều để nhớ là bên quê nhà dân mình đang đói khổ. Tôi nhớ là thầy trò tôi đã sống một cách rất xứng đáng trong thời gian đó và vượt thắng được những thất vọng, những u buồn, những gánh nặng bằng phương pháp tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống và nuôi lớn tình thương ở trong trái tim của mình, chớ không để cho nó khô héo và chết dần chết mòn.

Trong cuộc đời có những lúc chúng ta rơi vào tình trạng bế tắc, không biết mình có thể làm được gì nhưng một khi đã tìm ra được một vài việc có thể giúp cho chí hướng phục vụ, chí hướng thương yêu được biểu hiện thì trong người mình bỗng cảm thấy nhẹ nhàng và mình có thể sống vui được trong hoàn cảnh đó, còn nếu như khi ấy mình bị hoàn cảnh chi phối, mình sống một cách bất động không tìm ra con đường nào để đi hết thì rất là khó sống.

Nếu không có thơ, nếu không có nắng, nếu không có bát canh khổ qua, nếu không có hoàng hôn, nếu không có những bước chân thiền quán, nếu không có những dòng ngoại sử, nếu không có những nắp hộp để mình dàn trải tình thương của mình vào đó thì làm sao mình sống được? Và đó là nuôi tình thương. Tình thương ở đâu mà nuôi? Tình thương bên nhà hay là bên này? Tình thương nằm trong trái tim mình và mình phải nuôi tình thương thì mình mới sống được. Chừng nào tình thương của mình chết là chừng đó mình cũng chết luôn. Bởi vậy, người tu là người phải biết nuôi tình thương và có khi phải nuôi cho kín đáo, đừng có rầm rộ.

Ngoài ra cũng phải nuôi mình bằng thơ nữa nếu không mình cũng sẽ chết.

Bài thơ này có tựa đề là Thơ Từng Ôm và Mặt Trời Từng Hạt. Thường thường người ta nhìn mặt trời như những luồng ánh sáng nhưng ở đây mình thấy từng hạt. Tại vì không có mặt trời thì làm sao mà nước bốc thành hơi, hơi trở thành mây và đến khi mây nặng thì hóa thành mưa rơi xuống dưới dạng những hạt nước và mình phải thấy trong những hạt mưa có mặt của mặt trời. Vì vậy mặt trời có thể thấy được từng hạt và thơ có thể thấy từng ôm, ta dễ thấy một ôm hoa hay một ôm lá nhưng ta cũng thấy được một ôm mặt trời. Mình đã rất nhiều lần ôm từng ôm mặt trời đưa vào trong nhà, chất lại, nó là những ôm củi, tại vì trong những ôm củi đó có chất chứa mặt trời bên trong.

Bài “Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt” sử dụng một hình ảnh mầu nhiệm của tương tức và tương tục để nói lên nếp sống lý tưởng của mình. Tuy không có mục đích để nói, nhưng tự thơ đã phản ảnh lại sự sống hàng ngày của mình và bài thơ nào cũng có chất liệu của sự nuôi dưỡng.

Nếu tình thương của anh, của chị không được nuôi dưỡng thì anh, chị sẽ chết. Chết với tư cách của một người làm cách mạng, chết với tư cách của một người tu. Vì vậy phải tự lo liệu cái thân của mình mà lo cho thân mình tức là lo cho lý tưởng của mình, lo cho tăng thân của mình. Đừng bao giờ để cho mình bị khô cạn, bị đốt cháy, đừng để cho khổ đau tiêu diệt mình, đừng để cho tuyệt vọng xâm chiếm mình. Cuộc đời của người đi tu cũng không khác gì cuộc đời của một nhà cách mạng. Biết bao nhà cách mạng đã ngã gục trên con đường lý tưởng của mình, biết bao người tu cũng ngã gục trên con đường lý tưởng của mình. Vì vậy cho nên cả người cách mạng, cả người tu đều phải biết giữ gìn thân tâm, phải biết thương lấy mình, đó là kinh nghiệm của tôi. Biết tự nuôi dưỡng thân tâm thì mới có thể đi xa được. Phải ngước lên để trông thấy trăng sao, mà đừng đòi về với cát bụi.

Giá trị của mình không phải nằm ở chỗ mang nhiều khắc khoải, thao thức. Nếu anh chị không có nỗi thao thức trong lòng để đi tới thì anh chị cũng chết. Nhưng nếu anh chị bồn chồn, khắc khoải lắm anh chị cũng chết. Giá trị của mình là ở chỗ biết giữ gìn thân tâm, nuôi dưỡng tình thương để gìn giữ cho năng lực đừng cạn kiệt

Hành phương nam

Hai ta lưu lạc phương Nam này
Đã mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay !

Lòng đắng xá chi muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say !
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu chưa ai may !

Ngươi giam chi khí vòng cơm áo
Ta trói thân vào lụy nước mây
Ai biết thương nhau từ buổi trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây


Nợ tình chưa trả tròn một món
Sòng đời, thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi ! Buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Vẫn dám  tiêu hoang  cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi sẽ hay
Ngày mai sáng lạn màu non nước
Cốt nhất làm sao tự buổi này
Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
Mắt đỏ lên rồi, cứ chết ngay.

Hỡi ơi ! Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây?
Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, ai biếu tay?
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
Giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây

Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên khắp bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi !

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại
Hát rằng phương Nam ta với ngươi
Ngươi ơi ! Ngươi ơi ! Hề ngươi ơi !
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi !


(Nguyễn Bính – Đa Kao 1943)

____________________________________

Nguyễn Bính sinh vào năm 1918 với tên thật Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội nay là xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam Ninh nay là tỉnh Nam Định.

Thuở nhỏ Nguyễn Bính không được đi học ở trường mà chỉ được học ở nhà với cha là ông đồ nho Nguyễn Đạo Bình và người cậu ruột là Bùi Trinh Khiêm dạy kèm. Ông mồ côi mẹ rất sớm, gia đình túng quẫn, lên 10 tuổi đã phải theo anh là Nguyễn Mạnh Phác ra Hà Nội sinh sống. Thời gian này ông được người anh dạy học ở nhà. Năm 13 tuổi ông đã bắt đầu làm thơ và năm 1937 được giải khuyến khích về thơ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với tập thơ Tâm hồn tôi. Những năm đầu thập niên 1940, Nguyễn Bính nhiều lần lưu lạc vào miền Nam và đổi tên là Nguyễn Bính Thuyết. Năm 1943, Nguyễn Bính lại đi vào miền Nam lần thứ ba và đã gặp Đông Hồ, Kiên Giang. Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây… Chính vì vậy ông được gọi là “thi sỹ giang hồ”.

Năm 1947, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Đến năm 1954, khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Nguyễn Bính tập kết về Bắc năm 1955 và được bố trí phục vụ trong Hội Nhà Văn ở Hà Nội một thời gian. Năm 1956, ông được giao nhiệm vụ phụ trách tờ Trăm Hoa và tham gia vào phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Đến năm 1958, bị buộc chuyển về tỉnh nhà Nam Định phục vụ trong Ty Văn hoá Nam Định cho đến khi mất.

Nguyễn Bính mất ngày 20 tháng 1 năm 1966, để lại cho đời nhiều tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang (1940), Tâm Hồn Tôi (1940), Hương Cố Nhân (1941), Mây Tần (1942), Người Con Gái Ở Lầu Hoa (1942), Tình Nghĩa Đôi Ta (1960), Tuyển Tập Nguyễn Bính (1984); kịch thơ Bóng Giai Nhân (1942); truyện thơ Truyện Tỳ Bà (1944)…