Lời mai đây cao ngút Trường Sơn – nhạc Phạm Duy

Bình thơ đêm Giao thừa Quý Tỵ 10.02.2013 tại Xóm Mới Làng Mai – Thiền sư Nhất Hạnh nói về nhạc sĩ Phạm Duy

I. TÌM NHAU

Bụt là người. Và vì vậy cho nên một người có thể trở thành Bụt. Đây là điều rất là quan trọng. Bài Tìm Nhau này nói về việc chúng ta đi tìm chúng ta. Và nếu chúng ta tìm được chúng ta, chúng ta biết chúng ta là ai rồi thì chúng ta cũng tìm ra được Bụt. Đây là một bài thiền quán.

 

Con đã tìm ra Thế Tôn
Con đã tìm ra con

 

Khi mình tìm ra được mình thì đồng thời mình tìm ra được Thế Tôn. Trong cuộc sống bận rộn có thể mình không có thì giờ để đi tìm, để biết mình là ai. Nếu mình chưa tìm được mình thì làm sao mình tìm được Bụt? Đây là một sự thực tập thiền quán.

 

II. BẾP LỬA HỒNG

 

Kính thưa đại chúng hôm nay là ngày ba mươi Tết (thật ra là hăm chín Tết do năm nay không có ba mươi). Bây giờ là 15h30’ chiều (giờ nước Pháp). Chỉ 2h30’ nữa Việt Nam đón giao thừa. Buổi bình thơ này là một buổi thực tập cho chúng ta có cơ hội nhìn trở lại. Có thể là trong năm chúng ta bận rộn. Và chúng ta không có thì giờ để nhìn lại chính chúng ta và cách sống của chúng ta. Giờ cuối năm là giờ linh thiêng. Chúng ta cần phải buông bỏ hết. Ngồi yên để nhìn lại, để chúng ta có một cơ hội sẽ làm hay hơn trong năm tới. Đề tài của chiều hôm nay là Bếp Lửa Hồng.

 

Bếp Lửa Hồng tượng trưng cho sự đoàn tụ, cho sự ấm áp, cho tình thương, cho hạnh phúc. Bếp lửa đó nằm ở đâu? Nó nằm ở đây (Pháp) hay ở bên nhà (Việt Nam)? Có những người trong chúng ta thật sự không có một bếp lửa. Nghĩ tới nhà thì chúng ta không có hạnh phúc. Tại vì chúng ta không có một bếp lửa hồng. Chúng ta chưa thật sự có một bếp lửa. Có thể trong gia đình còn có đủ mẹ cha và anh chị. Nhưng mà liệu tối hôm nay mọi người có nhìn mặt nhau được hay không, có nói chuyện với nhau được hay không? Có đủ tình thương không? Có đủ hạnh phúc không?

 

Bếp lửa là một hình ảnh rất là thân quen. Chúng ta ai nấy đều mong muốn có một bếp lửa hồng, có một cái tổ ấm. Chính người xuất gia cũng vậy. Chúng ta cũng mong muốn có một chỗ ấm áp, ngồi chung với nhau trong tình huynh đệ. Huống hồ những người ở ngoài đời cuộc sống bận rộn, đi ngang qua bao khổ đau thì họ rất mong ước có một chỗ quay về để có thể cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Chúng ta đã hiểu rằng, chúng ta đã biết rằng nếu không có hiểu nhau thì chúng ta không thể thương nhau, chấp nhận nhau được. Mà trong đạo Bụt, Đức Thế Tôn dạy rất rõ. Nếu mình không hiểu được mình và thương được mình thì mình không thể hiểu được và thương được người khác, dù người đó là bố của mình, mẹ của mình hay là anh chị em của mình hay là người đồng bào của mình. Vì vậy cho nên từ Hiểu và từ Thương rất quan trọng.

 

Chất lửa phải từ trong trái tim đi ra. Đạo Bụt dạy chúng ta làm ra lửa, làm ra tình thương, làm ra sự hiểu biết. Và khi chúng ta học giáo lý đạo Bụt thì chúng ta có thể chế tác được lửa, ngọn lửa ở trong trái tim của chúng ta. Đó là ngọn lửa của thương yêu, của hạnh phúc. Và nếu chúng ta có ngọn lửa đó rồi thì chúng ta mới châm cho trái tim của những người khác.

 

Gánh nước đêm ba mươi

 

Đối với văn hoá Việt Nam, hình ảnh ngọn lửa đi đôi với hình ảnh của gánh nước. Gánh nước đêm ba mươi. Có nhiều địa phương ở Việt Nam, đêm ba mươi gánh nước là một nghi lễ. Dù cho mấy cái chum, cái lu trong nhà đầy rồi thì mình vẫn phải đi gánh nước ở giếng như thường. Và đêm ba mươi người ta gặp nhau ngoài giếng, gánh một gánh cuối cùng và người ta kể chuyện cho nhau nghe. Người ta nói hy vọng của nhau đối với năm mới sắp tới. Do đó gánh nước đêm ba mươi trở thành một đề tài thi ca.

 

Nếu chúng ta sinh ra trong thời đại mới này thì chúng ta nên biết là ở trong nhà ngày xưa có người em gái, người mẹ đi ra giếng gánh cho đầy chum, đầy lu, đầy vại. Đó là chuyện phải làm trong ngày Tết. Cũng như Tây Phương người ta đổ xăng, đổ dầu cho đầy. Lu nước, chum nước tượng trưng cho những tiện nghi về vật chất. Nếu trong nhà đầy nước thì có nghĩa là chúng ta có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, chúng ta có lương bổng đàng hoàng. Chúng ta có ruộng vườn, trâu bò, ao cá. Vì vậy tối ba mươi thế nào cũng phải có những chum nước đầy, vại nước đầy. Điều này người nào làm cũng được. Không cần phải là người giàu. Bất cứ người nào dù nghèo cách mấy cũng có thể lấy thùng đi gánh một đôi nước về. Đó là điều bình đẳng. Và giếng trong làng đóng vai một vị Đại Bồ Tát cung cấp nước cho tất cả dân ở trong làng mà không hề kỳ thị. Người giàu cũng nước đó. Người nghèo cũng nước đó. Người già cũng nước đó. Người trẻ cũng nước đó. Người sang cũng nước đó và người hèn cũng nước đó. Vậy nên nhìn vào cái giếng chúng ta có thể thấy đó là một vị Bồ Tát không kỳ thị, không phân biệt, là một nguồn sống, nguồn hạnh phúc cho cả làng.

 

Thi sĩ Nguyễn Nhã Tiên có viết bài thơ Khúc Quê nói về chuyện đi gánh nước đêm 30. Có thể là chúng ta chưa từng thấy, chưa từng nghe, chưa từng làm. Nhưng chúng ta phải biết được chuyện ngày xưa cha ông của chúng ta ăn Tết như thế nào. Và lệ đi gánh nước đêm ba mươi là một nghi lễ. Dầu cho nước trong nhà đã đầy rồi thì vẫn phải đi gánh như thường. Nó có nghĩa là mối quan tâm hàng đầu của mình là làm thế nào để có được điều kiện vật chất đầy đủ để mà sống. Đó là mối quan tâm đầu tiên của con người.

 

Khúc quê

 

Em va gàu vào giếng khuya gọi ngàn đêm thức giấc

Bếp lửa thức xa xôi rực đỏ một góc trời

Ngọn gió thức ngoài đường chập chùng cung bậc

Trừ tịch thức gọi người đủ mặt lứa đôi

Đập vỡ thời gian hoa lửa rơi rơi

Mọi ẩn nấp xô bật tường rêu nhú lời cỏ biếc

Bấc se se ngập ngừng ngoài sân đợi tết

Nước tràn mái tràn thùng em gánh tiếp niềm tin

Giếng ngời ngời gương mặt của đêm đêm cháy sáng

Đêm giũ mình bóng tối

Những cát bụi không còn nơi ẩn trốn

Hạnh phúc từ ngực người nhuộm thắm cỏ hoa

Cả ngàn nhà nước từ giếng chia ra

Cười nói dội vang vang hồi âm của đất

Có một thiên đường đêm ba mươi rất thật

Trừ tịch chia đều mọi ngõ trầm hương

Khói bay trong nhà khói bay hàng hiên về em nhé

Giao thừa đang điểm

Có một tiếng gàu bỏ quên ngoài giếng

Chạm vào tôi ngân mãi khúc quê mùa !

 

Mối quan tâm thứ hai là làm sao để có một Bếp lửa hồng. Nghĩa là phải có tình thương, phải có niềm tin, phải có hạnh phúc. Và cái bếp lửa hồng này từ đâu mà có? Ai cung cấp cho mình sức nóng đó? Ai cung cấp cho mình ngọn lửa đó? Làm thế nào để thắp lên ngọn lửa trong trái tim? Làm thế nào để thắp trái tim của mình lên?

 

“Thắp tim lên” là cách dùng từ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Ai là người sẽ thắp trái tim của mình lên?

Ai là người giúp cho mình hiểu, mình thương để mình có thể hiểu và thương người khác?

Đó là ngôi chùa ở trong làng.

 

Ngôi nhà, trung tâm thực tập là nơi người ta tinh luyện, tu tập để người ta chế tác ra cái hiểu và cái thương. Những khoá tu của chúng ta ở Làng Mai đã được tổ chức ở khắp Âu châu, Mỹ châu và các châu khác. Những khoá tu đó đem lại rất nhiều niềm tin cho người ta về tương lai. Có nhiều người khi mới tới với khoá tu họ rất là đau khổ. Họ có nhiều tuyệt vọng, chia rẽ, hận thù, kỳ thị. Họ không có đủ chất liệu thương yêu và tin cậy. Nhưng mà sau một khoá tu năm ngày, bảy ngày thì tự nhiên họ thấy có sự chuyển hoá. Và họ mỉm cười được. Mắt họ sáng lên. Như vậy chúng ta – những người tổ chức khoá tu, hướng dẫn tu học – chúng ta đã châm (mồi) lửa vào trong trái tim của họ để cho họ đem về nhà. Vì vậy cho nên trung tâm tu tập là một vị Bồ Tát.

 

Nếu mình được tham dự vào chuyện giữ bếp lửa hồng đó thì mình là người có hạnh phúc. Mình giữ bếp lửa hồng đó không phải cho chính mình mà thôi. Mình giữ cho dân cả xóm, cả tỉnh, cả nước. Do đó việc có cơ duyên tới với nhau, sống chung trong tình huynh đệ làm nên một bếp lửa hồng để mình có dư lửa cho chính mình, để có dư lửa phân phát cho người chung quanh là hạnh phúc của những người tu.

 

Trước khi Thầy nói tiếp thì chắc có lẽ mình nên hát chung với nhau bài Vui Bếp Lửa Hồng. Tại vì đó là chủ đề của buổi sinh hoạt tối nay. Bài này lời và nhạc của Xuân Tiên. Và quý thầy Xóm Thượng thêm một vài lời.

 

III. VIỆT NAM! VIỆT NAM!

 

Chúng ta vừa nói tới những quan tâm thường nhật. Làm sao để có được những điều kiện vật chất như là công ăn việc làm, lương bổng, nhà cửa và những tiện nghi tình cảm. Làm sao để có một cuộc sống lứa đôi, một cuộc sống gia đình có hạnh phúc. Nhưng nếu chúng ta có thì giờ để quán chiếu thì chúng ta sẽ thấy rằng ngoài những mối quan tâm thường nhật, cái “daily concerns”. Mỗi người trong chúng ta còn có một mối quan tâm khác, mối quan tâm tối hậu, cái “ultimate concern”. Chúng ta muốn vươn lên một cái gì cao hơn cuộc sống thường ngày. Chúng ta biết rằng ở Việt Nam bây giờ ước mơ của dân chúng là có được một nền dân chủ. Chúng ta đã có độc lập, chúng ta đã có tự do với ngoại bang. Nhưng có một điều mà chúng ta chưa có là tự do dân chủ. Hầu hết nhà tri thức và những người trẻ đều nghĩ rằng nếu mà có dân chủ thì chúng ta đạt tới hạnh phúc hoàn toàn rồi. Và vì vậy mục tiêu mà người Việt Nam đang hướng tới là Dân Chủ và Tự Do.

 

Nhưng mà nghĩ cho cùng thì chúng ta thấy rằng có những nước ở Tây phương họ có dân chủ, họ có tự do nhưng mà họ cũng còn nhiều đau khổ lắm. Trong nước họ có nhiều đảng phái và các đảng phái được tự do hoạt động. Họ có tự do thật, họ có dân chủ thật nhưng khổ đau trong xứ họ cũng rất là nhiều. Vậy nên ngoài cái Độc Lập – Tự Do – Dân Chủ thì chúng ta muốn cái gì nữa? Đó là hạnh phúc chân thật, là tình thương. Mà tình thương là cái mà chúng ta phải chế tác.

Hôm nhạc sĩ Phạm Duy qua đời… Nhạc sĩ Phạm Duy là một nhạc sĩ lớn của nền Tân Nhạc Việt Nam. Giữa ông và Thầy có một mối giao tình khá mật thiết. Hôm đó Thầy nhờ nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, một người chuyên môn nghiên cứu về Huế gọi là Huế học. Những ngày chót của nhạc sĩ Phạm Duy thì Nguyễn Đắc Xuân đã ở bên giường bệnh và tiễn Phạm Duy vào những phút giây cuối cùng. Khi Phạm Duy tịch rồi thì Nguyễn Đắc Xuân có gửi thư cho thầy và nói rằng “Phạm Duy đã rời cõi tạm để đi tới cõi vĩnh hằng”. Ý nói là cõi mình đang sống đây chỉ là cõi tạm. Và trong cuộc sống này có 100 năm thì mình phải biết đầu tư cho cái cõi vĩnh hằng. Chia ra hai cõi. Một cõi gọi là cõi Tạm. Và một cõi gọi là Vĩnh Hằng. Trong dân gian người ta cũng nói “sống gửi thác về”. Nó có một nghĩa tương đương như vậy. Sống là gửi tạm ở đây thôi. Còn thác là về chỗ đó, chỗ vĩnh hằng. Thầy có gửi cho Nguyễn Đắc Xuân một câu thư pháp để đưa vào cho gia đình Phạm Duy. Câu của Thầy viết là “lời mai đây cao ngút Trường Sơn”. Đó là chữ của Phạm Duy.

 

Vào năm 1964, khi Thầy gặp Phạm Duy nói chuyện thì anh có tiết lộ cho Thầy biết là anh đang có mơ ước làm một trường ca gọi là Trường Ca Trường Sơn. Phạm Duy rất là nổi tiếng về Trường Ca Con Đường Cái Quan và Trường Ca Mẹ Việt Nam. Hai Trường Ca đó chưa được phép hát tại Việt Nam. Trường Ca Con Đường Cái Quan nói về con đường xuyên Việt từ Bắc vào Nam, con đường lập quốc, nối liền 3 miền với nhau. Trong đó có biểu lộ niềm mong ước đất nước được thống nhất. Rồi khi Phạm Duy sáng tác Trường Ca Mẹ Việt Nam thì có Đất Mẹ, Núi Mẹ, Sông Mẹ và Biển Mẹ. Trong thời gian sáng tác thì đất nước còn chia đôi. Con sông Bến Hải chia đôi đất nước làm 2 miền. Trong Trường Ca Mẹ Việt Nam, khúc nói về những con sông chia rẽ buồn lắm. Cùng một mẹ mà chia rẽ ra làm hai. Phạm Duy còn tiết lộ sau Trường Ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam thì anh sẽ sáng tác một trường ca thứ ba gọi là Trường Ca Trường Sơn.

 

Con Đường Cái Quan thì anh nói  nhạc đó là nhạc hiện thực, tả chân, tả thực. Nốt nhạc có nhiều dấu thăng. Đến Mẹ Việt Nam thì nhạc có tính cách biểu tượng, tượng trưng. Và trong đó có nhiều nốt giáng. Và khi anh sáng tác Trường Sơn thì nhạc ngụ ngôn, ví dụ. Và nó sẽ có những dấu không có theo tiết tấu thông thường, nó tự do. Phạm Duy có chia sẻ là Trường Ca Trường Sơn sẽ nói về chiều cao tâm linh của đất nước. Tại vì chúng ta đã có những người cha, người anh vươn lên rất cao trên đỉnh tâm linh. Chúng ta không phải chỉ khám phá và thực hiện được những gì ta ước mơ trong đời sống hằng ngày là những tiện nghi vật chất, tiện nghi tình cảm mà chúng ta đã khám phá được chiều sâu, chiều cao tâm linh. Vào đời Lê, đời Lý, đời Trần, chúng ta đã vươn lên rất cao. Nhờ có đạo Bụt mà chúng ta đã đi tới một đời sống tâm linh rất là cao. Cho đến nỗi một ông vua đã đi xuất gia trở thành một vị xuất sĩ. Chúng ta đã có những người cha, người anh vươn tới được như vậy. Tuệ Trung Thượng Sĩ là một người cư sĩ nhưng đã trở thành thiền sư. Và các vua Trần Thái Tông, Trần Anh Tông, Trần Nhân Tông đều là những người có ngồi thiền, có tu học và sáng tác. Mẹ Việt Nam là nói về những người mẹ. Và Trường Sơn là nói về những người cha. Phạm Duy nói rất rõ là “có lẽ tôi sẽ bắt đầu bằng hình ảnh của một người đang đi từng bước. Đang đi thì tự dưng dừng lại vì thấy dưới chân có một con giun, con trùng. Và nếu mình bước lên thì sẽ dẫm chết con giun, con trùng đó.”

 

Nếu bắt đầu ngay đoạn đó thì chúng ta biết là từ bi, từ bi không những với loài người mà còn đối với những loài cỏ cây, đất đá và cầm thú. Tâm linh là như vậy. Chúng ta biết đạo Bụt là một đạo chuyên về tình thương, bất bạo động. Chiều hôm nay chúng ta nói về chuyện tâm linh, chuyện đạo đức của nhạc Phạm Duy. Vào những năm 1960, chính xác là 64-65, những hạt giống đạo đức, những hạt giống tâm linh của Phạm Duy được tưới tẩm rất nhiều. Cho nên Phạm Duy đã sáng tác được những bài nhạc thấm nhuần tinh thần tâm linh, đạo đức. Trong đó có 10 bài Tâm Ca. Cuộc vận động của đạo Bụt đã khôi phục lại quyền làm người trong những năm 1963-1964 và đã gây cảm hứng rất lớn cho nhiều văn nghệ sĩ. Ngọn lửa tự thiêu của Hoà thượng Quảng Đức đã đi vào trong Trường Ca Mẹ Việt Nam. Trong bài Chung Khúc của Trường Ca Mẹ Việt Nam. Chúng ta hát như thế này:

 

Việt Nam, Việt Nam, nghe tự vào đời
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi.
Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người
Việt Nam, hai câu nói sau cùng khi lìa đời

Đây là những câu chứng tỏ là Phạm Duy muốn đi, Phạm Duy muốn đất nước đi trên con đường của tình thương hơn là con đường của gươm giáo và hận thù.

Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Tức là hoà giải với nhau. Bỏ gươm xuống để tới với nhau.
Việt Nam trên đường tương lai
Lửa thiêng soi toàn thế giới

 

Phạm Duy có nói rất rõ. Lửa thiêng đây là ngọn lửa của Hoà thượng Quảng Đức đem từ bi xoá bỏ hận thù. Trên con đường xây dựng tương lai thì Việt Nam đóng góp cho thế giới bằng ngọn lửa thiêng đó. Không có làm khổ người. Lấy thân làm đuốc. Lấy từ bi để làm khí giới.

Lửa thiêng soi toàn thế giới

Ngọn lửa của Hoà thượng Quảng Đức không chỉ soi sáng cho đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam mà là cho tất cả thế giới.

Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời

Tức là không chỉ tranh đấu cho đất nước riêng của mình mà là tranh đấu cho cả nhân loại. Và con đường tranh đấu là con đường bất bạo động, con đường tình thương. Chứ không phải là con đường gươm giáo.

Tình yêu đây là khí giới.
Tình thương đem về muôn nơi

Rất là rõ ràng. Khí giới của mình là tình thương và mình muốn khắp nơi trên thế giới đều được thừa hưởng tình thương đó.

Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người.

Tức là tình người, tình anh chị em là mục đích, là chí hướng của Việt Nam. Việt Nam không phải chỉ để cho Việt Nam mà thôi. Việt Nam phải phụng sự thế giới, phụng sự theo con đường bất bạo động, tâm linh và tình thương. Có rất nhiều người ở Việt Nam muốn dùng bài này để làm Quốc Ca nhưng mà chuyện đó chắc phải chờ đợi. Bài Quốc Ca cũ thì có xương, có máu quá nhiều. Bài này thì không đòi xương máu mà chỉ kêu gọi thương yêu mà thôi. Nếu mà tuổi trẻ muốn thì nội trong vòng ba mươi năm thì có thể có được bài này.

 

Các thầy, các sư cô có thể hát bài này được không? Mấy anh chị sinh viên có nhớ, có biết bài này hay không?

 

IV. TÂM CA

 

Năm 1964, Thầy thành lập  trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH). Và từ đó các thầy trẻ, các sư cô trẻ, những người thanh niên Phật tử đã đi vào nông thôn để giúp cải thiện đời sống miền quê. Đó là những chiến sĩ hoà bình. Thầy cũng thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh và mời thầy Minh Châu về làm Viện Trưởng. Trường TNPSXH thường tổ chức những buổi nói chuyện của văn nghệ sĩ. Và Phạm Duy được mời tới rất là thường. Phạm Duy đã sáng tác Mười bài Tâm Ca trong thời điểm này. Bài Tâm Ca đầu là Tôi Ước Mơ. Đó là một bài thơ của Thầy Nhất Hạnh và Phạm Duy phổ nhạc. Bài đó rất đơn sơ. Khi đó chiến tranh đang tiếp diễn khốc liệt và trong nước không ai dám mở miệng ra nói hoà bình hết. Thì bài này là bài thơ đầu tiên dám nói về hoà bình.

 

Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã
Nơi chiến trường
Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình
Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa

 

Em mình chết ngoài chiến trường nhưng mà cây tường vi vẫn nở thêm một đoá.

 

Tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở
Nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng điều tôi ước mơ ?

 

Đầu đề bài thơ là Hoà Bình. Phạm Duy có can đảm đặt nhạc bài đó. Tiếp theo là 9 bài khác. Và trong 9 bài, bài nào cũng có ước vọng về hoà bình, có ước vọng nuôi lớn tình thương, đem từ bi để xoá bỏ hận thù.

 

Bài Tiếng Hát To thì Phạm Duy có nói là tôi muốn tiếng hát của tôi nó át được tiếng súng. Tiếng hát này là tiếng hát của tình thương. Đây là tâm ca thứ hai sau bài Tôi Ước Mơ – Hoà Bình.

 

Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già
Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo

 

Đây không phải là tiếng kêu gọi chiến tranh giết nhau. Đó là tiếng kêu gọi thương nhau.

Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
Lời tôi xây cho vững tay cày
Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy
Lời ca êm ru giấc ngủ say
Trẻ em đi ngủ trong tiếng súng nổ bên bờ ruộng.
Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa
Một miền quê, một miền quê tim héo và khô
Lời tôi ca khâu vá tình thương

Mình nhớ lại bài Kim Chỉ của Xuân Diệu.

Chúng ta là cây kim,
Chúng ta là sợi chỉ,

Để may lại cuộc đời
Cho liền trong vạn kỷ

Mình thế gian rách nát,
Ôi cái áo ăn mày
Chúng ta là kim chỉ
Thương khó những đêm ngày

 

Đó là công việc của tình thương. Lời tôi ca khâu vá tình thương nghĩa là làm cho êm dịu lại những nỗi khổ niềm đau và đem mọi người lại với nhau.

 

Lời hôm qua chắp nối Con Ðường
Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn

 

Lời hôm qua chấp nối Con Đường tức là Con Đường Cái Quan. Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn tức là Mẹ Việt Nam. Và lời mai đây cao ngút Trường Sơn là muốn nói đến Trường Ca Trường Sơn mà Phạm Duy chưa có cơ hội viết trước khi lìa đời. Hứa với Thầy rồi. Sẽ làm ra một Trường Ca lớn nói về chiều cao tâm linh của dân tộc, nói về người cha lớn của Việt Nam. Nhưng mà tại vì cuộc đời nó kéo đi. Lỗi một phần cũng tại Thầy. Tại vì Thầy bỏ nước đi kêu cứu hoà bình. Thành ra ở nhà không có ai tưới tẩm hạt giống cho Phạm Duy. Không có ai mời Phạm Duy tới ăn cơm chay… Cho nên trong đám tang của Phạm Duy, thầy gửi về cho Phạm Duy câu chót của bài Tiếng Hát To này.

 

Lời mai đây cao ngút Trường Sơn.

 

Phạm Duy anh chết rồi nhưng anh chưa chết đâu. Anh phải tái sinh trở lại. Anh phải bảo con cháu anh làm cho được chuyện anh đã hứa với tôi. Phải sáng tác cho được Trường Ca Trường Sơn. Chúng ta đã có Độc Lập, chúng ta đã có Thống Nhất. Chúng Ta đã có Mẹ Việt Nam, Con Đường Cái Quan thì giờ đây chúng ta phải vươn lên đến Trường Sơn. Chúng ta phải có một nếp sống tâm linh có hạnh phúc để có thể đóng góp cho hoà bình của thế giới.

 

Tôi sẽ hát to hơn những kẻ
Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù
Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu

Lời rất là đạo vị.

Lửa âm u ai đốt từ lâu
Miền quê tôi khan tiếng kêu gào
Lời tôi ca như nước nhiệm mầu
Thành mưa rơi cho dứt niềm đau

 

Đúng là Cam Lộ. Đó là chiều hướng tâm linh trong nhạc Phạm Duy. Lời tôi ca như nước nhiệm mầu. Đó là Cam Lộ Thủy. Thành mưa rơi cho dứt niềm đau. Thấy rất là rõ. Khi mà một nhà nhạc sĩ được tưới tẩm những hạt giống tốt, tâm linh, thương yêu thì có thể sáng tác như vậy. Cả triệu người hát theo. Rất tiếc là Thầy bỏ nước đi kêu gọi hoà bình nên ở nhà không có ai chăm sóc và tưới tẩm tiếp tục. Đây là những bài ca có thể gọi là chống chiến tranh:

 

Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè
Trẻ bơ vơ, trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa
Hỏi thăm em, em có mẹ cha
Hỏi thăm em, em có ông bà
Hỏi thăm em, em có cửa nhà
Một ngày qua em mất cả ba
Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang tìm nụ cười
Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, xin đến gần tôi
Cùng em côi tôi có bàn tay
Và đôi môi tôi hát ăn mày
Chia hạt cơm rơi hay bát gạo đầy
Cùng ngủ ven sông hay gối bụi câỵ

 

Có rất nhiều trẻ em đói, chỉ còn đôi môi để hát những câu “lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, cho con xin một bát cháo, chén cơm”. Chúng ta thấy những lời thơ này có đạo vị, bắt đầu có chất liệu tình thương. Tâm ca số 3 là Ngồi Gần Nhau. Mình không phải làm gì nhiều. Mình chỉ cần tới ngồi gần nhau.

Ngồi gần ngồi gần nhau, vai sát vai nhau tựa đầu
Ngồi gần ngồi gần nhau, tay nắm tay cho thật lâu
Ngồi gần ngồi gần nhau, xin nói cho nhau một điều
Ngồi gần ngồi gần nhau cho nhiều
Phải tới ngồi gần nhau thì mới có cơ hội hiểu nhau.
Ngồi gần tình thương yêu, nghe rõ tiếng Bụt kêu.

 

Phạm Duy trong thời gian được tưới tẩm những hạt giống tốt đã sáng tác như vậy. Còn đây là Giọt mưa trên lá – Tâm ca số 4

Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.
Đứa con trai vừa mới chết trên chiến trường.
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về

Đây là nói về ước mơ.

Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa
Đứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười
Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la
Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già.
Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế

Như vậy rất là đẹp.

 

Tâm ca số 5 – Để lại cho em (thơ Nguyễn Đắc Xuân) là lời thú thật với thế hệ trẻ: các anh đã làm ăn bê bối, để lại cho các em một đất nước chia lìa, chiến tranh.

 

Để lại cho em này nước non mình
Để lại cho em một nước đẹp xinh
Một miền oai linh hiển hách
Chỉ còn dư vang thần thánh
Để lại cho em hèn kém của anh
Để lại cho em cuộc sống mệt nhoài
Để lại cho em hồn nước tả tơi

Đường đời quanh co kẹt lối
Để lại cho em một nước phân lìa
Để lại cho em một giống nòi chia
Hận thù nhân danh chủ nghĩa
Bạo tàn vênh vang bề thế
Để lại cho em giọt máu dân lành
Để lại cho em từng nấm mồ xanh
Chập chờn bay trong bại thắng
Ngọn cờ khăn sô mầu trắng
Để lại cho em một bãi sa trường.

 

Đó là lời thú tội của một người anh bất lực. Không để lại cho đất nước một điều gì tốt đẹp mà lẽ ra thế hệ trẻ đáng được hưởng. Bài Tâm Ca số 7 phổ nhạc từ một ý thơ của Thầy: “kẻ thù ta không phải là người, giết người đi thì ta ở với ai”

 

Bài này là một bài hát phản chiến. Hồi đó thanh niên đã hát trên đường phố Sài Gòn. Năm 1966 Thầy đã gặp Mục sư  Martin Luther King, Jr. Thầy đã đọc cho Mục sư nghe trong một cuộc biểu tình ở Memphis thì mục sư đã giăng câu này ra để đi biểu tình.

 

My ennemy is not people.
If I kill people who shall I live with?

 

Có lẽ trong khoá tu xuất sĩ, mình có thì giờ mình sẽ hát bài Tâm Ca này.

Khi Thầy đi qua Tây Phương để kêu gọi thế giới giúp một tay để chấm dứt cuộc chiến khốc liệt ở Việt Nam thì Phạm Duy cũng được nghe dư âm đó và Phạm Duy cũng viết vài bài nói về tình trạng đó. Những bài đó không phải là Tâm Ca mà là Tâm Phẫn Ca. Tức là sự phẫn nộ của tâm. Trong đó có bài Tôi không phải là gỗ đá. Đại ý là tôi thấy người dân chết mỗi ngày mỗi đêm. Đâu phải là tôi không biết. Tôi không phải là gỗ đá. Thành ra tôi phải nói thôi. Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ phản chiến của Thái Luân là Bi Hài Kịch và bài Đi Vào Quê Hương (thơ Hoa Đất Nắng). Thái Luân là một sĩ quan trong Quân đội Việt Nam Cộng Hoà khi chứng kiến sự chết chóc của đồng bào đã viết nên những bài thơ phản chiến rất là bi đát. Và Phạm Duy  có can đảm phổ nhạc một số các bài như vậy.

 

IV. RONG CA

 

Năm 1988 thì thầy gặp Phạm Duy ở California. Hồi đó ông mới sáng tác 10 bài mới. Gọi là Rong Ca. Rong là rong chơi. Lúc đó ông đã 71 tuổi. Và ông tập hợp tất cả những bài nhạc của ông để in thành một tập gọi là Ngàn Lời Ca. Ở trên này đề là kính tặng Thầy Nhất Hạnh, Phạm Duy – 1989. Trong tập nhạc này có một băng cassette trong đó có Mười bài Rong Ca. Trên con đường lái xe từ Los Angeles đi lên San Francisco thì Thầy đã bỏ vào trong máy và Thầy nghe 10 bài. Thầy đã chiêm nghiệm và thấy trong đó Phạm Duy đã bắt đầu có những cái mà Thầy gọi là “ultimate concern”. Tức là những mối quan tâm về siêu hình, về sống chết, về tâm linh.

 

Dầu cho không làm được Trường Ca Trường Sơn nhưng mà vẫn khắc khoải. Tại vì Phạm Duy có kể rằng năm 1988 có dịp đi San Francisco thì tự nhiên nhớ là chỉ còn có 12 năm nữa là tới năm 2000 và lúc đó có thể là mình đã chết rồi cho nên mới đặt vấn đề là sau khi chết mình sẽ đi đâu, thành cái gì và thấy rằng cuộc sống 100 năm quá ngắn. Phạm Duy tự nhận mình là một người tình, một người tình già. Vậy nên Rong Ca Đầu Tiên mang tên là Người Tình Già Trên Đầu Non.

 

Người tình già trên đầu non
Tuyết đã tan trên vai mỏi mòn
Giữa đám mây xanh xao chập chờn
Nhìn mặt trời thoi thóp hoàng hôn
Người tình già trên đỉnh khơi
Muốn lãng quên trăm năm một đời

 

Trong bài này Phạm Duy tìm cách để hiểu thế nào là thời gian, tìm cách vượt thoát thời gian. Tại vì thấy 100 năm sống ở cõi đời này quá ít, nó không có nghĩa gì hết. Cái đó thuộc về những ưu tư tối hậu.

 

Người từng là nắng mùa Xuân
Ðã dắt em đi trên đường trần
Ðã vuốt ve em trong Hạ mềm
Rồi lạnh lùng Thu đến… lìa em

Tức là mình sẽ phải chết.

Người trở thành cây mùa Ðông
Lá úa rơi vun cao cội nguồn
Nhưng cuối bước đi trăm năm một lần
Ðầu cành khô bỗng hoa nở tràn

 

Đó là hình ảnh của một cây mai. Tới mùa Đông thì tất cả những lá mai rụng xuống và tự nhiên những bông mai nở tràn ra đầy. Hình ảnh đó cho Phạm Duy ý tưởng là có thể mình sẽ đầu thai thành những người trẻ. Mình chết đi đây tức là không phải mình hết mà mình sẽ đầu thai. Và Phạm Duy có nhắc tới lời nói trong dân gian là “lá rụng về cội”. Trở về cội thì mình phải có thì giờ để hoá thành đất. Hoá thành đất rồi thì mới luân hồi ra thành những bông hoa mai của năm mới. Chứ đâu thể rớt xuống rồi thành hoa liền được. Nhưng mà Phạm Duy nóng lắm, muốn mình thành mai lập tức cho nên trong bài đó những câu như vậy.

 

“Người ta thường có ý nghĩa lá rụng về cội khi nói tới tuổi già. Trong cái băng nhạc tình của tuổi Bảy mươ này, tôi lại muốn nói rằng cái quan trọng không phải là sự về cội nguồn của những chiếc lá chết. Cái quan trọng là làm sao để hoa vẫn nở rộ trên những cành khô. Chúng ta là những người tình của bách niên 1900, là những lá vàng khô đang chết, nhắn nhủ người tình của thế kỷ thứ 21 là những nụ hoa đang hé…”

 

Ở đây có một khoảng cách giữa mình và thế hệ của những người trẻ. Phạm Duy không thấy rõ là những người trẻ bây giờ đang là sự tiếp nối của mình và mình sẽ không bao giờ chết. Bài Người tình già trên đầu non là một cái suy nghiệm về thời gian. Mộ Phần Thế Kỷ – bài thứ hai có đưa ra hình ảnh hoa và rác. Những rác của thế kỷ 20 nếu mình biết cách thì mình có thể biến rác thành hoa được. Thành ra Phạm Duy cũng có những cách tư duy, chiêm nghiệm, thiền quán của Phạm Duy. Chỉ có cái là không có người hướng dẫn. Nhưng trong sự sống, thực sự đã có những giây phút Phạm Duy có cái nhu yếu làm thoả mãn niềm quan tâm về tối hậu.

 

Người đi trong mùa Đông
Lòng bâng khuâng như làn sương
Theo người phu đi dọn xác chiến trường
Người phu sau thời gian
Một trăm năm đã gần xong
Anh bình tâm đi lượm xác trên đường
Những xác úa một thời
Có bóng dáng triệu người
Phiêu diêu nơi Thế Chiến Một, Thế Chiến Hai
Hết Thế Chiến, lại là
Anh em trong một nhà
Lấy chém giết để giải hoà trong quốc gia

Người đi trong mùa Đông
Đội khăn tang, mang tình thương
Theo người phu đi đào lỗ bên tường
Vùi sâu trong mộ chung
Hoặc vùi nông trong mộ hoang
Anh hùng rơm hay chủ nghĩa phi thường
Vùi chôn bao lầm than
Một trăm năm, bao trẻ em
Mang bộ xương, theo Thần Đói lên đường
Những ác chúa từng miền
Những xác ướp bạo quyền
Chôn ngay đi, vứt chúng vào hố lãng quên
Vứt Phát Xít vào mồ
Ném Mác Xít vào mộ
Hãy lấp kỹ cả tội hèn trong chúng ta

Biết lấp kỹ thì chúng sẽ trở thành hoa màu cho thế kỷ 21.

 

Đó là tư duy của Phạm Duy, là thiền quán của Phạm Duy. Và có thể trên rác bạo động, hận thù đó mình sẽ có đoá hoa của tình thương nở lên cho những người trẻ của thế kỷ 21. Cái đó là thiền quán chứ gì nữa.

 

Trong bài Trăng Già – Rong Ca số 8 –  thì hơi tội nghiệp. Có câu là “Trăng ơi, im lặng suốt đời. Mà sao ta cứ đứng ngồi không yên.” Rất là là tội nghiệp. Đây là sự bất an. Rất tiếc là không có (thầy trò) mình đó để mình chỉ cho nhạc sĩ thở theo An Ban Thủ Ý, an tịnh tâm hành, an tịnh thân hành, an tịnh những cái cảm thọ. Đứng ngồi không yên là tại vì không biết an trú trong hiện tại. Không biết điều phục chăm sóc cái thân hành và tâm hành. Trong bài Rong ca số 9 – Ngựa Hồng –  thì có một câu rất là hay. Ngựa Hồng ngày xưa đã từng ra trận, đã có những thời oanh liệt. Nhưng mà sau trở thành ra kéo xe cho những người giàu có, cho vua chúa và trở thành nô lệ. Hai con mắt bị che thành ra không thấy được gì nữa. Người ta bắt chạy đâu thì chạy đó thôi. Ngày xưa đã vinh quang trong chiến trường bây giờ trở thành kiếp nô lệ, nạn nhân của tham nhũng, nạn nhân của bạo quyền. Một bữa nọ, có một con ngựa rừng nó đi ngang qua. Nó nói “Tại sao mày dại như vậy? Cuộc sống của một con ngựa tự do trên rừng sướng biết bao nhiêu mà lại đem thân mạng làm một nô lệ như vậy?” Nó khuyên một câu thì con Ngựa Hồng này tỉnh ngộ. Nó đưa chân đá vỡ yên cương, tìm đường thoát thân.

 

Ngựa Hồng vươn lên phi qua lỗ bé trôn kim
Thong dong đi vào cõi không !

 

Phạm Duy thấy cuộc sống này chật hẹp, thấy thế giới của tích môn này chật hẹp. Trăm năm không đủ và có nhu yếu muốn vươn tới một cõi, gọi là cõi lớn, cõi không. Phạm Duy có cái đó chứ không phải không. Phạm Duy là con nhà Phật tử. Rất tiếc là không có thầy, có bạn, có tăng thân ở bên. Thành ra không có làm tròn ước mơ của mình là Trường Ca Trường Sơn. Vì vậy mình phải nói với Phạm Duy là anh không có đi đâu hết. Anh phải ở đây cùng với con cháu anh làm cho tôi được Trường Ca thứ ba là Trường Ca Trường Sơn.

 

Bài Rong Ca số 10 – Rong Khúc cũng là một sự chiêm nghiệm. Bài này mình sẽ nghe con trai của Phạm Duy là Duy Quang hát. Cả hai cha con đều mất tháng trước. Đây là bài chót của Rong Ca. Có thể là tiếng chào tạm biệt của Phạm Duy trước khi ra đi:

Từ cõi xa xôi, muôn ngàn thế giới
Anh đã đi theo nắng từ trời vui
Anh xuống nơi chơi lúc Người mới tới
Anh đã hân hoan ghé qua cuộc đời

 

Đây là một tư duy rất truyền thống. Tại vì những người tài ba, những thi sĩ, những văn sĩ luôn luôn nghĩ mình là một ông tiên sống ở trên thiên đình. Vì có cái lỗi gì đó mà bị đày xuống cõi này, cõi hạ giới. Hoặc là uống rượu, uống trà làm rơi cái ly bể rồi Thượng Đế nói “mày không có chánh niệm cho xuống dưới ở”. Ở Việt Nam hay các nước Á Châu hay có tín ngưỡng đó. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình là một vị tiên trên thượng giới tại vì một cái lầm lỡ nào nên bị đày xuống cõi cõi ta bà này.

 

Cuộc đời trần gian
Chỉ có 100 năm
Anh đã rong chơi khắp miền hoang dã
Anh đã đi qua bốn bể gần xa,
Êm ái rơi theo tuyết miền băng giá
Hay cuốn bay theo gió sa mạc già
Ở nơi dương thế… mặn mà.
Dương thế này cũng được tại vì mặn mà.
Anh đã rong chơi khắp nẻo đường trần
Anh đã quên đi những nẻo đường tiên

 

Tức là không biết kiếp trước mình ở trên thượng giới, không biết con đường tiên đẹp như thế nào. Giờ đây chỉ biết rong chơi những nẻo đường trần thôi. Đường trần thì gặp bụi bặm, gặp những điều không như ý. Có một sự phân biệt rất rõ ràng. Đường tiên trên kia thì nhẹ hơn, không có bụi. Đường trần dưới này thì có bao nhiêu trắc trở. Trong khi đó tại Làng Mai thì chúng ta biết rằng cũng con đường đó tùy theo cách đi của chúng ta. Nếu đi theo cách này thì đó là con đường tiên. Nếu đi theo cách kia, nó là con đường trần. Rất tiếc là Phạm Duy chưa thấy được cái điều đó.

 

Chân đã tung tăng khắp nẻo đường đời
Anh đã cho Anh sống thật đầy vơi.

 

Tức là sống cũng không có uy nghi, không có giới luật lắm. Anh đã cho Anh sống thật đầy vơi. Câu này nói rất là nhiều.

 

Đã chót đưa Em tới nguồn yêu dấu
Anh cũng theo Em bước vào khổ đau

 

Cố nhiên là chưa học Tứ Vô Lượng Tâm thì làm sao biết yêu được. Cho nên yêu là tạo ra đau khổ cho người và tạo đau khổ cho mình. Chưa biết yêu, chưa biết thương cho nên khổ là chuyện bình thường. Vì vậy người nào mà chưa học cách thương của Bụt là phải học gấp. Phải có Từ-Bi-Hỷ-Xả để thương mới không có khổ.

 

Khi thấy ai trong cõi trần khô héo
Anh đã dâng cho trái tim nhiệm mầu
Đời mà chìm sâu
Cũng muốn leo cao

Chìm thì rất là sâu mà leo thì muốn leo cho thật là cao. Và cố nhiên leo cao thì ngã đau.

 

Anh bước khoan thai lối rừng hun hút
Đưa đón chân Anh có lửa hoàng hôn
Anh dẫn Em vươn tới miền an tĩnh
Cho bớt mông mênh cõi sinh mệnh buồn
Ở nhịp trần gian… quay cuồng.

 

Thế giới này có những phiền não, có những hệ lụy. Cho nên lâu lâu thấy mình cần phải đi tới một chỗ nào yên tĩnh. Miền yên đó chính là thượng phương. Thượng phương tức là chùa. Thành ra mình giữ một ngôi chùa cho thanh tịnh để cho người đời tìm tới khi mà họ đau khổ, họ hệ lụy. Họ tới họ thở không khí đó họ đỡ khổ.

 

Anh đã rong chơi khắp nẻo đường tình

Yêu nhều lắm. Mà càng yêu thì càng rắc rối

Anh đã theo Em đi gặp bình minh.
Như đã rong chơi khắp nẻo đường chiều
Như đã đưa Em tới đỉnh tình yêu
Thôi nhé, cho anh giã từ trái đất
Anh đã nghe vang tiếng gọi càn khôn

 

Biết là mình sắp chết. Càn khôn là đất trời lớn. Tức là tiếng giả biệt. Em ở lại nhé. Anh phải đi…

 

Nhưng nếu Em yêu muốn vào cõi lớn
Anh sẽ cho Em dắt tay lên đường

 

Trong đây phân biệt hai cõi. Một là cõi lớn. Và cõi này là cõi tạm. Cõi tạm chỉ có 100 năm thôi rồi mình phải tới cõi lớn. Điều đó là điều Phạm Duy cần phải được nhắc nhở. Chúng ta ở Làng Mai là chúng ta biết rất rõ Ta Ba là Tịnh Độ. Sinh Tử là Niết Bàn tùy theo cách chúng ta nhìn ta sống. Nhìn như thế này, sống như thế này thì cõi này là cõi Sinh Tử, khổ đau nhưng mà nếu có Trí Tuệ, có Chánh Niệm thì nhìn như thế này, sống như thế này thì đây là Tịnh Độ, đây là Niết Bàn. Cõi lớn cũng ở đây mà cõi tạm cũng ở đây. Điều đó là điều Phạm Duy chưa có học được.

Nhưng nếu Em yêu muốn vào cõi lớn
Anh sẽ cho Em dắt tay lên đường

 

Không biết mình có vào cõi lớn được không mà dắt người khác. Mình phải vào cõi lớn được đã. Mà ngay trong giây phút này chưa vào cõi lớn được thì khi chết đi làm sao mình vào được, dắt ai được. Cho nên ngay trong hiện tại mình phải có khả năng tiếp xúc với cái cõi  lớn. Rồi mình mới có thể giúp người khác cùng đi vào cõi lớn. Còn trong 100 năm đó, mình không có khả năng tiếp xúc thì làm sao mình giúp người khác. Cho nên tư duy này vẫn là lưỡng nguyên. Cõi lớn, cõi tạm nó cũng ở đây. Tùy theo cách nhìn của mình mà nó là cõi tạm hay cõi lớn.

Một đường hành tinh
Đi thăm những Thái Dương
Anh dắt tay Em đi vào Ngàn Mai
Anh khoác vai Em bước về Ngàn Xưa

 

Đi về quá khứ, đi tới tương lai, mình có khả năng chưa mà dám nói mình sẽ đưa người yêu đi vào quá khứ, đi tới tương lai. Ngay đi vào hiện tại cũng chưa được. Hiện tại nắm chưa được mà sao đi vào quá khứ hay tương lai.

 

Ta sẽ quên như có mình nơi đó

Ta sẽ quên như có Ta nơi này

 

Nơi đó, nơi này tức là cõi Địa Cầu trong 100 năm. Khi mà bước vào cõi lớn thì không có quay lại đây nữa tại vì có nhiều hệ lụy, có nhiều đau khổ quá. Không muốn nhớ là đã có thời gian trong 100 năm mình đã ở chỗ đó. Muốn quên. Không cần nhớ nữa. Thành ra nó đi lại bài Rong Ca đầu Người tình già trên đầu non “Muốn lãng quên trăm năm một đời”.

 

Ta vứt sau ta những nẻo đường trần
Ta vút bay theo những nẻo đường tiên

 

Đường trần mình không đi nữa. Mình đi chỗ khác để có thể đi theo những nẻo đường tiên.

 

Ta vứt sau ta những nẻo đường trần
Ta vút bay theo những nẻo đường tiên
Nhưng nếu mai sau, ai gọi Người Tình
Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh.

 

Nẻo xanh với Phạm Duy tức là nẻo đó. Nhưng với chúng ta thì nẻo xanh đó là ngay chỗ này.

 

Giờ mời đại chúng nghe anh Duy Quang – hát bài này. Đây cũng là lời tạm biệt của Thầy đối với Phạm Duy. Anh không có đi đâu hết. Anh ở lại đây với chúng tôi. Anh phải tiếp tục cùng với con cháu. Anh phải làm cho được điều đã hứa với Thầy là viết cho được Trường Ca Trường Sơn.

 

Thầy có viết 1 lá thư cho Phạm Duy nhờ phổ nhạc Bài kinh ca ngợi Bụt Amitabha và Lời nguyện cầu hướng về đất mẹ. Lá thư đó phải chuyển vào nhà thương. Lúc đó Phạm Duy yếu rồi không có cơ hội để đặt nhạc cho hai bài kia. Rất là uổng.

Đại chúng nghe Duy Quang hát bài Rong Khúc

Từ cõi xa xôi, muôn ngàn thế giới
Anh đã đi theo nắng từ trời vui
Anh xuống nơi chơi lúc Người mới tới
Anh đã hân hoan ghé qua cuộc đời
Cuộc đời trần gian
Chỉ có 100 năm
Anh đã rong chơi khắp miền hoang dã
Anh đã đi qua bốn bể gần xa,
Êm ái rơi theo tuyết miền băng giá
Hay cuốn bay theo gió sa mạc già
Ở nơi dương thế… mặn mà.

Anh đã rong chơi khắp nẻo đường trần
Anh đã quên đi những nẻo đường tiên
Chân đã tung tăng khắp nẻo đường đời
Anh đã cho Anh sống thật đầy vơi.

Đã chót đưa Em tới nguồn yêu dấu
Anh cũng theo Em bước vào khổ đau
Khi thấy ai trong cõi trần khô héo
Anh đã dâng cho trái tim nhiệm mầu
Đời mà chìm sâu
Cũng muốn leo cao
Anh bước khoan thai lối rừng hun hút
Đưa đón chân Anh có lửa hoàng hôn
Anh dẫn Em vươn tới miền an tĩnh
Cho bớt mông mênh cõi sinh mệnh buồn
Ở nhịp trần gian…quay cuồng.

Anh đã rong chơi khắp nẻo đường tình
Anh đã theo Em đi gặp bình minh.
Như đã rong chơi khắp nẻo đường chiều
Như đã đưa Em tới đỉnh tình yêu

Thôi nhé, cho anh giã từ trái đất
Anh đã nghe vang tiếng gọi càn khôn
Nhưng nếu Em yêu muốn vào cõi lớn
Anh sẽ cho Em dắt tay lên đường
Một đường hành tinh
Đi thăm những Thái Dương
Anh dắt tay Em đi vào Ngàn Mai
Anh khoác vai Em bước về Ngàn Xưa
Ta sẽ quên như có mình nơi đó
Ta sẽ quên như có Ta nơi này
Và lộ trình Ta… miệt mài.

Ta vứt sau ta những nẻo đường trần
Ta vút bay theo những nẻo đường tiên
Nhưng nếu mai sau, ai gọi Người Tình
Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh.

 

Bài viết có liên quan: http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/con-nguoi-vn/13020-nhac-si-pham-duy-da-ve-da-den.html