Tôi sẽ xin rằng tất cả

Nếu hỏi rằng “người muốn bao nhiêu

Tôi sẽ xin rằng “tất cả”.

Tôi tham lam hơn ngày xưa, tham lam cực độ,

Cả ngài, cả tôi, cả người thiên hạ.

Núi sông, cây cỏ,

Xuôi về, sáng hôm nay, trong duy-nhất nhiệm mầu.

Ôi những mảnh rời nhau, khổ đau.

Tách ra ngoài đại-thể !

Đã từ lâu, ngàn vạn đời,                                                                           

Chúng tôi tự tìm, sờ soạng, trong ngục tù an vui.         

Sáng hôm nay em tôi trở về quỳ dưới Phật đài

Mắt đầm đìa lệ.

Ôi ! một  linh hồn đi tìm bến đỗ.

(Hình bóng của tôi xưa,

phiêu lưu ngàn năm, một hôm sầu khổ, khao khát bến bờ!)

Hãy để yên cho em quỳ lâu, rất lâu trên Phật điện.

Cho lệ em thầm lặng chảy, cho lệ em mặc sức tràn trề.

Cứ để yên cho quỳ lâu thêm nữa,

Đủ thì giờ cho lệ em khô ráo.

Bởi vì, người ơi, một mai kia,

Tôi sẽ đến châm lửa vào túp lều nho nhỏ của em ở ven đồi,

Túp lều duy-nhất còn lại của đời em.

Cho lửa cháy lên cao,

Cho tan-hoang tất cả,

Cho chỗ nương tựa cuối cùng tan rã.

Cũng như chiếc bè, trong đại-dương, tan rã.

Để vỏ cứng hồn em, trong hỗn độn nhiệm mầu,

Sẽ vỡ toang. Tràn trề ánh sáng.

Tôi sẽ đợi em, bên ánh lửa hồng cháy rực rỡ của túp lều.

Nước mắt sung-sướng chan hoà,

Tôi nhìn em.

Rồi khi cầm tay em, tôi hỏi rằng: “em muốn bao nhiêu

Tất nhiên em sẽ cười mà  xin rằng “tất cả ”.

Bài thơ này được in lần đầu trong tạp chí Phật Giáo Việt Nam (số 13, rằm tháng tám Đinh Dậu, 1956), cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam do Hoà Thượng Huệ Quang làm chủ nhiệm và thầy làm chủ bút. Trong Phật Giáo Việt Nam số 16 (ngày rằm tháng 11 Đinh Dậu, 1956) có một bài ký tên Thiều Chi đàm luận về bài thơ này. 

Lê Minh,

Đã hai tháng rồi, chú hứa giảng cho cháu bài thơ đăng ở số 13. Thế mà lận-đận mãi chẳng viết cho cháu được một chữ. Hôm nay, năm gần hết, Tết gần đến, chú cũng muốn làm cho xong công việc mà chú đã hứa với cháu. Để còn sửa-soạn ăn Tết nữa chứ. Để dây-dưa qua sang năm thì có lẽ cả chú cháu ta đều không an lòng. Có phải không hở Lê-Minh?

Tác-giả bài “Tôi sẽ xin rằng tất cả” chỉ mỉm cười khi nghe chú nói đến câu chuyện giảng thơ. Thì cũng như chú đã viết cho cháu trong thơ trước đấy. Giảng thơ là một việc mà các tác-giả không bao giờ muốn làm. Giảng thơ, cũng như “chữa giúp” một bài thơ, đều là những việc làm gượng gạo, máy móc, và có khi tàn nhẫn nữa. Tàn-nhẫn là bởi người ta không thể nào nói cho hết được cái hay sâu-xa của bài thơ, cái hay mà mỗi người chỉ có thể nhận thấy một cách trực-tiếp khi đọc bài thơ ấy. Và như thế là giết chết giá-trị bài thơ. Còn gì mà không tàn-nhẫn. Có khi ta đọc một bài thơ, thấy hay “đến tận xương tủy”, mà nói cái hay ấy ra thì không thể nào nói được.

Vậy hôm nay chú giảng một bài thơ, tức là chú đã gượng- gạo và tàn-nhẫn đấy. Nhưng biết làm sao hơn? Cháu đọc bài thơ, cháu không hiểu, không cảm, và nhất định đòi chú phải giảng cho bằng được. Mà chiều cháu, tức là làm trái ý tác-giả bài thơ. Thôi cũng đành. Nhưng trước hết, chú phải nói rằng những lời giảng của chú chỉ có thể “giúp” cháu nhận được cái hay của bài thơ mà thôi chứ không phải là để “nói” ra cái hay của bài thơ đâu, cháu nhé. Có như thế chú mới không mang tội với tác-giả, và không làm ngược lại với điều mà chú nghĩ.

Giảng một bài thơ đã là chuyện khó, huống nữa lại là giảng một bài thơ đạo. Bởi vì những tình-cảm và những ý-tưởng trong một bài thơ đạo rất khác với những tình-cảm và những ý-tưởng của một bài thơ thường. Trong thơ thường, các thi-sĩ nói lên những buồn nhớ, thương yêu, giận ghét, nói tóm lại, là những tình-cảm rất “con người” của họ. Những tình-cảm ấy, đã là con người (nhất là con người phàm-tục chúng ta) ai cũng có. Và vì vậy, mỗi khi chúng ta đọc thơ của họ là chúng ta thấy rung-cảm ngay.

Chúng ta sống với những tình-cảm mà thi-sĩ đã sống: tâm-hồn chúng ta đã được rung-động theo chiều-hướng rung-động của tâm-hồn thi-sĩ. Thi-ca đã tác-động được trên tâm-hồn chúng ta, vì thế mà chúng ta thấy cái hay. Tóm lại, ta cảm được nghệ-phẩm là vì ta rất gần nghệ-sĩ. Khi ta mang một tâm-trạng u-buồn chẳng-hạn, ta sẽ nghe thấy tiếng tiêu buồn-bã hơn ngày thường. Nhưng giá ta đang vui (như khi cháu được tin thi đỗ chẳng hạn) ta sẽ thấy tiếng tiêu ấy không còn buồn bã như thế nữa.

Cháu bảo rằng cháu không thấy bài thơ ấy hay, vì bài thơ ấy không gây được rung-cảm trên tâm-hồn cháu. Đúng như thế. Nhưng không phải vì cháu không rung-cảm mà cháu có thể nói rằng bài thơ kia thiếu mất yếu-tố tình-cảm. Không! Đối với chú, tình- cảm bài thơ ấy rất dồi-dào. Trong một bài thơ đạo, tình-cảm không phải là những thứ tình- cảm đau khổ vui buồn nặng-nề và phàm-tục. Tình-cảm ở đây là những tình-cảm siêu-thoát, an-lạc, mà chỉ những tâm-hồn thanh-tịnh mới cảm thấy được. Mang một tâm-hồn trĩu- nặng những tình-cảm thế-nhân mà đọc thơ giải-thoát thì làm sao mà rung-cảm, mà nhận được cái hay, hở cháu?

Cho nên người xưa rất thận-trọng trong việc đọc thơ. Họ đọc thơ cũng như đọc kinh. Trước khi xem một bài thơ, có người đã ăn chay ba bốn hôm, tắm rửa sạch-sẽ. Họ ngồi bên án-thư, đốt trầm lên cho không-khí thanh-khiết mới bắt đầu thưởng-thức bài thơ. Bao nhiêu hận-phiền lắng xuống. Tâm hồn họ lúc bấy giờ đã thanh-thoát lắm rồi. Như thế họ mới mong tiếp-nhận những tình-cảm siêu- thoát mà thi-nhân trang-trọng gửi cho họ. Giọng ngâm thơ có thể biểu-lộ một phần nào tính-cách siêu-thoát của những tình cảm trong thơ. Cháu có nghe người ta ngâm thơ trên các đài Phát-thanh đấy chứ? Cháu có thấy giọng ngâm nào cũng buồn, và nếu không buồn thấm-thía thì cũng buồn xa-vắng mênh-mông không? Đấy! Không buồn thì không hay, bởi vì chính tình-cảm của các tác-giả đều là những tình-cảm thế- nhân, nặng-nề, sầu đau ngàn kiếp. Thơ mà cứ một hướng đi như thế, chả trách có người đã bảo chất thơ là một chất sầu-não ma-túy, làm héo hắt tâm hồn con người.

Cũng bởi vì vậy mà chú ít ưa nghe những bản-nhạc sầu đau, những giọng thơ lâm-ly thống thiết. Nghe những thứ ấy, tâm hồn của chúng ta phải trở về sống với những tình cảm sầu đau, biết bao giờ vươn lên để sống trong thế-giới của tình-cảm siêu-thoát cho được? Hôm nào cháu ít việc, cháu thử lên chùa Báo-Quốc nhờ một thầy ngâm cho nghe theo điệu nhà Thiền một vài bài thơ ngày xưa, như bài “Vô biên phiền não đoạn” hay bài “Tào khê thủy” chẳng hạn. Cháu sẽ thấy giọng ngâm rất lạ kỳ, và nhạc-điệu mang rất nhiều màu-sắc giải thoát, siêu việt. Lối ngâm thơ ấy rất khó tập, chú bắt chước mãi mà hiện giờ mới chỉ tạm ngâm được thôi. Chính nhạc-sĩ Nguyễn-hữu-Ba đã nghiên-cứu kỹ-lưỡng về giọng ngâm ấy, và cũng công nhận là rất khó. Đôi khi phải tập nghe hằng năm cho quen tai mới bắt chước được đấy, cháu ạ.

Sở dĩ điệu ngâm khác hẳn giọng ngâm mà cháu thường nghe bởi vì có như thế mới diễn tả nổi những tình cảm siêu-thoát trong thơ. Mà trong khi nghe, chúng ta phải lắng lặng tâm tư, đem hết năng-khiếu của chúng ta ra để mà trực nhận. Hơn thế nữa, chúng ta phải biết sống với đời tâm-linh thanh-thoát. Phải thường thường gạt bỏ những mầu sống tình cảm thấp kém, để tập sống với những tình cảm cao thượng, giải-phóng. Có như thế, tâm hồn ta mới thanh- thoát, và có như thế ta mới trực-nhận được những tình cảm siêu-việt của bài thơ. Cháu không có rung cảm khi cháu đọc một bài thơ bởi vì cháu cách xa với tác-giả bài thơ quá. Nếp sống tình cảm của cháu còn cách xa nếp sống tâm-linh sâu xa của tác-giả quá. Cho nên, không có sự thông cảm, không có sự đồng thanh tương-ứng. Cháu “ghét” bài thơ là phải. Cháu bảo: “Cháu có cảm tình với tác-giả TIẾNG ĐỊCH CHIỀU THU bao nhiêu, thì nay cháu lại có ác-cảm với tác giả bài thơ kia bấy nhiêu.” Nhưng cháu có hiểu đâu rằng “Tiếng Địch Chiều Thu” phản chiếu một nếp sống tình cảm chưa lấy gì làm siêu-việt, vì thế rất gần với nếp sống tình cảm của cháu. Trong khi ấy, bài kia là một sản-phẩm gần đây của tác giả, lại phản chiếu một nếp sống tâm-linh giàu có và thanh thoát hơn nhiều. Giữa hai tác phẩm: một thời gian gần mười năm! Trong mười năm, tác-giả đã đi từ một nếp sống tình cảm tầm thường đến một nếp sống thanh-tịnh giải-thoát.

Đó chỉ là nói chuyện tình-cảm trong thơ. Nhưng thơ không phải chỉ là tình cảm. Thơ còn là hình bóng (images) nữa. Thơ mà không có hình bóng thì không còn vẻ đẹp. Những bài thơ hay tự cổ chí kim đều là những bài thơ mang đầy những hình bóng đẹp. Cháu đọc nhiều thơ chắc cháu đã nhận thấy như thế. Chúng ta thử đọc hai câu sau đây của Nguyễn-Gia- Thiều:

Sóng cồn cửa biển nhấp-nhô
Chiếc thuyền bảo ảnh lô-xô mặt ghềnh

Cháu có thấy đó là một hình bóng tuyệt- đẹp và tân-kỳ không? Qua hình-bóng đẹp ấy, chúng ta lại trực-nhận ngay được tính cách vô thường mong manh của cuộc đời. Đấy, những câu thơ như thế là những câu thơ hay; tác giả đã thành công. Nhưng trong một bài thơ đạo, hình bóng sẽ là những hình-bóng siêu-việt và linh-động hơn. Ta phải lột bớt những lớp màng mỏng trong con mắt ta thì mới nhận được những hình bóng linh diệu đó. Chú đã đọc nhiều bài thơ của các Thiền gia đời Lý đời Trần, đọc với một tâm hồn thanh-tịnh. Mỗi lần đọc là mỗi lần khám-phá. Có những hình bóng mà ban đầu chú đã không có thể nhận ra. Cháu thử đọc vài câu xem:

Càn khôn tận thị mao đầu thượng

Nhật nguyệt bao hàm giới tử-trung.

Dịch:

Càn khôn rút lại đầu lông xíu

Nhật nguyệt nằm trong hạt cải mòng.

                                        (Ngô-Tất-Tố)

hay

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,

Liên phát lô trung thấp vị can.

Dịch:

Trên núi, ngọc thiêu màu vẫn nhuận,

Trong lò sen nở sắc thường tươi.

(Ngô-Tất-Tố)

Những hình bóng đó có thể không là gì hết đối với cháu, nhưng đối với chú lại là những hình-bóng tuyệt-kỳ. Cháu có nghe nói đến hình bóng “cành mai” của Mãn- Giác thiền-sư không? Đấy, đó cũng lại là một hình bóng của lối thơ giải-thoát. Nếu cháu chịu khó đi sâu vào đời sống tâm-linh nội hướng, cháu sẽ khám-phá được nhiều mới lạ khi cháu đi vào trong nền văn-nghệ đạo học. Chưa chừng cháu sẽ có thể “đạt” hơn chú, và khám-phá nhiều hơn chú. Nhưng thôi, ta nói chuyện cũng đã lâu rồi, mà bài thơ thì chú chưa đề cập gì tới. Chú không tự- hào là đã hiểu và đã cảm được toàn thể bài thơ. Chú chỉ diễn tả một phần nào cái hiểu và cái cảm của chú mà thôi. Nếu những lời chú nói mà có thể làm cho cháu hé thấy một phần nào cái hay của bài thơ thì như thế chú cũng đã thành công vậy.

Bài thơ mà chúng ta đang nói đến đây, theo chú, đã có đủ hai yếu-tố để thành-công: đó là tình-cảm và hình- bóng. Chú đã nói cho cháu nghe qua quan-niệm về thi-ca của chú. Nhờ vậy, có lẽ chú sẽ diễn-bày nhận-xét của chú một cách dễ-dàng hơn.

Tác-giả bài thơ “Tôi sẽ xin rằng tất cả” đã muốn diễn-tả một trực-giác nội-tâm. Trực-giác nội-tâm ấy, nếu chúng ta miễn- cưỡng mà nói, là sự thể-nhận cái Ta rộng lớn và bao trùm tất cả vạn loại hữu-tình vô- tình. Cháu có thấy bài thơ chia làm hai đoạn rõ-ràng đấy không? Đoạn đầu trình-bày trực- giác đó, và đoạn kế tiếp là đoạn diễn-tả. Nếu đọc kỹ, cháu sẽ thấy đoạn sau này rất giàu hình-bóng và tình-cảm.

Chúng ta từ lúc sinh ra, ai nấy cũng đều mang theo một thứ trực-giác sai-lầm (nhà Phật gọi là tợ – hiện – lượng): đó là trực-giác ngã – chấp. Chúng ta tự tách riêng ra khỏi đại-thể bao-la, tự xem mình là một cá- thể biệt-lập, một cái Ta trường cữu bất biến. Thứ trực-giác sai lầm ấy là nguyên-nhân cho tất cả những tham vọng, ích kỷ và khổ đau. Đã có một cái Ta biệt lập (Ngã) cố nhiên cũng phải có những vật sở-thuộc của cái Ta ấy (Phi Ngã). Thế là đã có một ranh giới phân-biệt cái này và cái kia, ta và người. Ta tham cầu, là tham cầu cho cái Ta nhỏ bé. Ta vui, buồn, thương, ghét cũng là vì cái Ta nhỏ bé. Ta khổ đau cũng vì cái Ta nhỏ bé. Nếu nhận thức được (một cách thực nghiệm) rằng cái Ta nhỏ bé chỉ là giả-ảnh, ta sẽ thể nhập vào cái Ta rộng lớn tức là cái đại thể.

Nếu hỏi rằng “người muốn bao nhiêu
Tôi sẽ xin rằng “tất cả ”.

Đó là lối diễn tả. Nếu không muốn “tất cả”, tức là đã muốn một phần. Mà muốn một phần, tức là còn chấp có Ta và những cái thuộc về Ta, nghĩa là còn phân biệt những ranh giới ảo-vọng. Xin rằng “tất cả”, có nghĩa là nhận thấy mối liên lạc mật thiết giữa mình và muôn loài, hơn nữa ,là nhận thấy vạn vật là những hiện tường diệu dụng cùng chung bản thể nhiệm mầu:

Tôi tham lam hơn ngày xưa, tham lam tột độ,
Cả ngài, cả tôi, cả người thiên hạ.
Núi sông, cây cỏ,
Xuôi về sáng hôm nay, trong duy nhất nhiệm mầu.

Tham lam” ở đây không còn có nghĩa là tham lam nữa. Bởi vì trong đại thể duy-nhất làm gì còn có Ta và cái phụ thuộc vào Ta để mà tham lam. Cực-độ của sự tham lam chính lại là sự chấm dứt của tham lam vậy. Tất cả đều là cái Ta rộng lớn thì ngoài ra còn có gì nữa mà để tham lam? Cái tiểu-ngã đã về hợp nhất với đại-ngã. Nếu chưa trở về thì vẫn còn là những mảnh riêng biệt, khổ đau:

Ôi những mảnh rời nhau, khổ đau
Tách ra ngoài đại thể !
Đã từ lâu, ngàn vạn đời,
Chúng tôi tự tìm, sờ soạng, trong ngục tù an vui.

Có phải cháu đã thắc mắc nhiều về những tiếng “ngục tù an vui” không? CÓ gì là khó hiểu đâu. Cháu nên nhớ rằng chúng ta, bất cứ là ai, bao giờ cũng muốn có một chỗ nương tựa, về tinh thần cũng như về vật chất. Về tinh thần, chúng ta mong muốn có một tình yêu bền chặt, một uy thế, một cái danh. Nhưng tất cả đều phờ phỉnh, đều vô thường, đều phản bội ta. Chính chỗ nương tựa cuối cùng của bao nhiêu người là sự nương tựa vào một đấng Tạo hoá cũng lại là mong manh, dễ đổ. Vì sao? Vì tất cả đều được xây dựng trên tư dục, trên ước mong. Về vật chất, ta lại càng thấy rõ. Tiền tài, sắc đẹp, là những thứ không thể nương tựa. Tất cả đều là những vô thường, phờ phĩnh, dối gạt. Ta nương tựa trên nó (nghĩa là nương tựa ngay trên dục vọng của chính ta) thì có ngày ta sẽ khổ đau, vì tất cả những thứ mà ta dựa nương đó, dù là tinh thần hay vật chất, đều là những thứ phải có ngày tan vỡ.

Bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp, chúng ta đã đi tìm một chỗ nương tựa cho bản thân ta. Bao nhiêu lần chỗ nương tựa tan rã là bấy nhiêu lần ta khổ đau sầu hận. Chỉ vì một nguyên nhân duy nhất: đó là vọng chấp hữu-ngã. Ta đã đi tìm toàn những chỗ nương tựa giả trá phờ phĩnh và tưởng rằng đó là những chỗ an vui của ta. Cứ như thế, ta loanh quanh luẩn quẩn mải với cuộc đời tư dục, không thoát ra ngoài được. Đó là một chốn ngục tù: ngục tù của dục giới. Lại cũng là ngục tù của bản ngã: cái vỏ cứng mà ta tự bọc mình vào chính là cái vỏ tự ngã ngăn cách ta với thế giới đại thể. Bao giờ ta thoát được vỏ cứng ấy, bao giờ ta không còn tìm những chỗ nương tựa an vui giả trá nữa, ta sẽ hoà mình vào với đại thể bao la.

Sáng hôm nay, em tôi trở về quỳ dưới phật đài
Mắt đầm đìa lệ.
Ôi! một linh hồn đi tìm bến đỗ
(Hình bóng của tôi xưa,
phiêu lưu ngàn năm, một hôm sầu khổ, khao khát bến bờ!)

Hình ảnh của “người em” tức là hình ảnh của một con người đã bao nhiêu phen khổ đau vì cuộc thế vô thường. Đó là một con người, như muôn triệu con người khác, đã buồn đau sau bao nhiêu cuộc biến thiên, đã luống công tìm một nơi nương tựa lâu dài. Tất cả những nơi nương tựa căn cứ trên dục vọng mê lầm đều đã theo luật vô thường tan rã. Trong sự khổ đau vô biên của tâm hồn, con người chỉ biết quay về tìm sự an ủi vỗ về của tín  ngưỡng. Hình bóng của một con người mắt đầm-đìa-lệ trở về quỳ dưới Phật đài, cũng là hình bóng của một chiếc thuyền rã rời đi tìm bến đỗ. Đó cũng có thể là hình bóng của chính chúng ta, và của tác giả ngày xưa:

(Hình bóng của tôi xưa,
phiêu lưu ngàn năm, một hôm sầu khổ, khao khát bến bờ !)

Chúng ta hãy để yên cho người ta khóc! Nước mắt sẽ làm dịu bớt nỗi khổ trong lòng. Tín ngưỡng, tuy chưa phải là yếu tố tối hậu của giải thoát, nhưng là một thứ thuốc nhiệm mầu làm dịu bớt khổ đau:

Hãy để yên cho em quỳ lâu, rất lâu trên Phật điện.
Cho lệ em thầm lặng chảy, cho lệ em mặt sức tràn trề.
Cứ để yên cho quỳ lâu thêm nữa,
Đủ thì giờ cho lệ em khô ráo.

Biết bao nhiêu người đã tìm được sự an tĩnh của tâm hồn trong tín ngưỡng. Nhưng dù sao, tín ngưỡng vẫn là một phương tiện. Ở những tôn giáo thần truyền, tín ngưỡng đóng vai trò giải phóng con người. Ở đạo Phật, tín ngưỡng chỉ là tín ngưỡng. Tín ngưỡng cần thiết cho mọi chúng ta, những con người yếu đuối. Tín ngưỡng để bớt khổ đau, để chữa lành những vết thương tâm hồn mà ta đã mang lấy từ muôn ngàn kiếp khổ. Nhưng một ngày kia ta sẽ lành mạnh. Và có thể ta lại nối kiếp phiêu lãng tử sinh.

Nếu đã nhận thức được cái khổ của cuộc sống bồng bềnh phiêu dạt, ta sẽ không còn muốn trở về với kiếp đau khổ luân hồi. Ta sẽ tìm đường giải thoát. Nhưng giải thoát không phải chỉ là tìm kiếm sự an tĩnh của tâm hồn trong tín ngưỡng. Không! nếu tín ngưỡng là một phương tiện, thì mãi mãi nó vẫn là một phương tiện… Không thể để cho người ta an tâm trú ẩn trong túp lều phương tiện đó:

Bởi vì, người ơi, một sáng mai kia,
Tôi sẽ đến châm lửa vào túp lều nho nhỏ của em ở ven đồi,
Túp lều duy nhất còn lại của đời em.

Đấy, bao nhiêu kiếp khổ đau, rốt cuộc người ta đã rời bỏ tất cả những nơi nương tựa phĩnh phờ: chỗ nương tựa cuối cùng chỉ là một túp lều tín ngưỡng. Nhưng không lẽ để người ta an trú mãi trong túp lều nghèo khổ và tiêu cực đó. Cuộc đời đại ngã, không khổ đau, không ước vọng. Thời gian ẩn náu trong túp lều tín ngưỡng đã giúp người lành mạnh. Người đã đủ sức trở về. Chỉ cần một biến động cuối cùng, một sự khai ngộ để đưa người về cuộc sống. Túp lều sáng nay đã cháy và chỗ nương tựa cuối cùng tan rã.

Cho lửa cháy lên cao,
Cho tan hoang tất cả,
Cho chỗ nương tựa cuối cùng tan rã,
Cũng như chiếc bè trong đại dương tan rã.
Để vỏ cứng của hồn em, trong hỗn độn nhiệm mầu
Sẽ vở toang. Tràn trề ánh sáng.

Nếu cháu có đọc những sách thiền học, cháu sẽ thấy lối khai thị nhiệm mầu của các vị Tổ sư khi truyền tâm ấn. Còn gì hoảng hốt cho bằng khi thấy chiếc bè chở mình tan rã giữa đại dương? Còn gì khổ đau bằng khi chỗ nương tựa cuối cùng của mình tan rã? Sự hỗn độn ấy gây nên một trạng thái khủng hoảng. Ở đây không phải là một sự khủng hoảng thất bại mà là một sự khủng hoảng trưởng thành, một sự khủng hoảng vỡ da (crise de croissance), một sự thoát hình. Sự hỗn độn ở đây, vì vậy, là một sự hỗn độn nhiệm mầu. Và chính trong sự  hổn độn nhiệm màu ấy, vỏ cứng của bản ngã tan vỡ.

Dấu chấm sau chữ “toang” diễn tả sự đột biến một cách tài tình. Tiếp ngay đó là một kết quả rực rỡ tràn trề ánh sáng.

Bây giờ đây là một cảnh tượng đẹp đẽ, oai hùng và cảm động, cảnh tượng của thành công:

Tôi sẽ đợi em, bên ánh lửa hồng cháy rực của túp lều,
Nước mắt sung sướng chan hoà,
Tôi nhìn em

Những con người vừa được cởi mở bỗng nhiên đẹp hẳn lên bên ánh lửa hồng rực rỡ của chiếc lều bừng cháy. Hình ảnh tàn tích của bao nhiêu kiếp sống vô minh như đang bị thiêu đốt tan tành theo túp lều tranh cùng với những mảnh vỏ vỡ toang của bản ngã. Nước mắt ở đây không còn là thứ nước mắt sầu đau. Cái nhìn ở đây không còn có lời gì mô tả. Còn nói năng gì được trong cảnh tượng hùng vĩ của giờ giải phóng. Cái nhìn ở đây cô đọng và mênh mang, chứa đầy những ý nghĩa mà ngàn vạn lời nói đi nữa cũng không thể nào diễn tả cho được:

Nước mắt sung sướng chan hoà,
Tôi nhìn em

(Đến đây, ta trở về với ý tưởng đoạn đầu, ý tưởng của sự trực nhận đại ngã:)

Rồi khi cầm tay em tôi hỏi rằng “em muốn bao nhiêu
Tất nhiên em sẽ cười mà xin rằng “tất cả”.

Lẽ đương nhiên như thế; con người đã trở về với đại ngã, làm gì còn có ý tưởng phân biệt ra những biên giới mê mờ.

Đọc toàn bài, chúng ta thấy phát ra tự thâm tâm những rung-động tinh-khiết, nhẹ-nhàng. Cháu có thấy một hồn thơ bàng-bạc từ đầu đến cuối bài thơ không? Sự rung-cảm ấy chỉ có thể có khi chúng ta “thấy” được hình bóng và hiểu được ý thơ.

Về phương-diện hình thức, cháu thấy thơ hoàn-toàn tự-do. Tính-cách hạn- cuộc của số câu số chữ sẽ ngăn cản ý thơ rất nhiều. Dùng đến ngữ-ngôn đã là bị hạn-cuộc một từng. Nếu còn bị bó vào khuôn-khổ của số câu số chữ thì làm sao diễn tả những trực-giác nội tâm cho được. Tuy nhiên, đọc kỹ lại, cháu cũng sẽ thấy được âm điệu đặc biệt của lời thơ. Có một vài vần khép lại rất nhẹ. Nhưng tính cách phóng-khoáng thì chúng ta thấy rất rõ.

Cháu viết: “Hay đó cũng là một lối thơ như thơ báo Sáng tạo”.

Không, cháu đừng so-sánh. Thơ họ cứ để mặc họ. Lối thơ đạo đã có từ xưa, và hình- thức hoàn-toàn tự-do. Cháu tìm đọc một vài bài thơ xưa của các thiền-sư hay cứ đọc ngay thơ của Tagore, của Chrisnamurti, của Trang- Chu chẳng hạn, cháu sẽ thấy rõ.

Có lẽ chú đã viết nhiều quá. Nhưng chú vẫn thấy bất-mãn. Hình như chú không nói được gì. Chú đã biết trước như thế, bởi vì giảng thơ quả thật là một việc tàn-nhẫn. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng trong đời chú. Tác-giả bài thơ có cười chú, chú cũng ráng chịu. Trước sau, chú vẫn vì cháu đấy.

Thôi năm hết Tết đến, nợ cháu chú đã trả rồi đấy. Chúc cháu một mùa Xuân mới thanh- tịnh, giải-thoát, và nhớ viết thơ cho chú.