Thiền cho tuổi thơ (phần III)

Thầy Chân Pháp Đăng

Hơi thở nhẹ

Các em thương mến! Mời các em thở với Lang nhé! Thở tự nhiên, thở bình thường, đừng cố gắng. Các em đặt hai bàn tay lên bụng. Và bây giờ, chúng mình cùng nhau tập thở cho an.

Thở vào, bụng phồng lên,

Thở ra, bụng xẹp xuống.

Phồng lên,

xẹp xuống.

Phồng lên,

xẹp xuống.

Thở ra, nhẹ nhõm.

Khỏe, nhẹ.

Khỏe, nhẹ.

Thở vào, tĩnh lặng

Thở ra, mỉm cười.

Lặng, cười.

Lặng, cười..

Thở vào, có mặt,

Thở ra, vui quá!

Có mặt, vui quá.

Có mặt, vui quá.

Thở vào, còn sống,

Thở ra, hạnh phúc.

Còn sống, hạnh phúc.

Còn sống, hạnh phúc.

Các em thấy như thế nào?

– Ồ, không khí nơi đây trong lành ghê! Thở ngon và khỏe quá. Xin cám ơn không khí. Không có không khí làm sao chúng em sống được. Nhớ lại, lúc ở dưới hầm sâu hoặc nơi đông người, chúng em cảm thấy ngột ngạt đến bơ phờ. Bây giờ, thở không khí trong lành sướng quá, đã quá. Thở khỏe nên chúng em vui. Nếu mệt mỏi thì làm sao vui cho được. Có phải không anh Lang?

Đúng vậy! Vì thế, dù ở nơi đâu, các em hãy nhớ thở. Các em có mặt cho hơi thở thì hơi thở có mặt cho các em. Có mặt là có sự sống. Các em thấy mình may mắn, hạnh phúc và thỏa thích. Các em có nghe con suối đang ca hát hay không?

– Dạ có.

Các em có thấy nắng vàng long lanh hay không?

– Dạ vâng.

Hơi thở đưa các em về với những gì mầu nhiệm đang xảy trong từng giây từng phút như ly nước mát, cây cà rem, suối ca, nắng ấm, hơi thở nhẹ…

Hơi thở còn cung cấp dưỡng khí cho hai lá phổi. Phổi cảm thấy sung sướng, mạnh khỏe và an vui nên các em vui lây. Phổi chuyền dưỡng khí lên óc nên các em tỉnh táo và sáng suốt. Các em có biết không? Bộ não làm việc bằng dưỡng khí, và nó là trung tâm điều khiển mọi cử động của cơ thể. Đi, đứng, nằm, ngồi, thở, nhìn, nghe đều do bộ não điều khiển hết. Nếu không có dưỡng khí thì bộ não không thể làm việc, và như thế là nguy to.

Hơi thở lại đẩy thán khí ra ngoài, giúp cho cơ thể mạnh khỏe. Các em ạ, thán khí giống như khói xe. Nếu phổi chứa đầy khói xe thì các em sẽ cảm giác khó chịu ghê lắm. Vì vậy, các em nên thường xuyên tập thở để có sức khỏe tốt.

Hơi thở còn đẩy sự căng thẳng ra ngoài. Có những khi, các em quên thở trong thời gian ngắn, vậy mà đã có sự căng thẳng trong thân tâm. Nếu thường hay quên thở, thì sự căng thẳng ấy lớn lên một mức cao. Bác sĩ Benson thuộc trường đại học Harvard có nói: “Tất cả bệnh tật đều do căng thẳng phát sinh ra.” Bớt căng thẳng thì khỏe nhẹ.

Cám ơn hơi thở. Hơi thở nuôi dưỡng. Hơi thở trị liệu. Hơi thở dễ thương. Bây giờ, các em tập thở một lần nữa theo bài thi kệ này.

“Thở vào tâm tỉnh lặng

Thở ra miệng mỉm cười

An trú trong hiện tại

Giờ phút đẹp tuyệt vời.”[4]

Lặng, cười

Lặng, cười.

Hiện tại, tuyệt vời

Hiện tại, tuyệt vời.

– Ồ! Sướng quá. Thích ghê. Cám ơn anh Lang.

Trở về

Con người trọn vẹn luôn có cả thân và tâm. Thế mà, tâm thường ưa đi chơi xa. Tâm đã quen thói chạy rong nên nó không chịu ở yên với thân. Nó để thân ở lại một mình trong cô đơn. Buồn cho thân ghê, có phải không các em? Thân không có tâm thì sống không có ý thức. Ăn không cảm giác ngon. Nhìn không thấy rõ mặt người thân. Cái gì cũng trở nên mờ mờ, ảo ảo. Thân ở đâu, tâm ở đó, thì sự sống mới thật là sự sống linh động.

Giờ đây, anh Lang hỏi nhỏ các em: “Tâm của các em có ở với thân hay không?”

– Dạ có. Vậy thì hay quá.

Các em ạ, nếu các em để ý một chút, các em sẽ thấy ngay có gì đó làm cho chúng mình có cảm giác thiếu thốn, bơ vơ và trống trãi nếu tâm không có mặt nơi thân và nơi giây phút hiện tại.

Bây giờ, chúng mình thử tập đưa thân và tâm trở về với nhau nhé. Trở về vui lắm. Trở về ấm áp vô cùng! Như đi ngoài trời mưa thì lạnh cóng, nhưng khi trở về nhà thì ấm áp liền. Trước hết, chúng mình trở về với chính mình. Thử xem sao!

Thở vào, có mặt

Thở ra, mỉm cười.

Vào, có mặt.

Ra, mỉm cười

Vào, có mặt.

Ra, mỉm cười.

Thở vào, em trở về với em.

Thở ra, em là em.

Vào, trở về.

Ra, là em

Vào, trở về.

Ra, là em.

Thở vào, cảm ơn sự sống

Thở ra, cho em đời thật vui.

Vào, cảm ơn.

Ra, đời thật vui.

Vào, cảm ơn.

Ra, đời thật vui.

Các em cảm thấy như thế nào?

– Ôi! Sung sướng quá. Chúng em gặp lại mình rồi. Hơi thở đưa chúng em trở về. Cám ơn hơi thở nhiều. Đi lang thang hoài chán lắm mà mệt mỏi nữa, anh Lang ạ! Có hay ho gì đâu. Nhớ lại lần đi chơi với gia đình, vui thì vui thật đấy, nhưng chúng em cảm thấy mệt nhừ. Chúng em cứ mong mau trở về nhà. Chỉ có mái nhà mới đem lại sự bình an chân thật. Anh Lang có nói: “Thân tâm đoàn tụ là mái nhà tâm linh.” Chúng em hiểu rồi và tin lắm. Chúng em cảm thấy đầy đủ, vẹn toàn.

Các em thành công rồi đó. Trở về với sự sống là một tin mừng. Biết sống là một viên ngọc màu xanh vô giá! Các em có cả một kho tàng hạnh phúc, dùng để hiến tặng cho ba mẹ, anh em và bè bạn. Biết sống là biết thương, biết cảm, biết nghe, biết ăn, biết uống… Sống không có ý thức xem như đã chết. Không ý thức nên không thấy được sự sống rõ ràng. Nắng sớm có đó cũng như không. Ăn cơm vội vàng hoặc trễ nải, thiếu cẩn trọng, không thiết tha nên không thấy ngon hoặc chẳng biết cái ngon, cái quý thực sự nơi thức ăn. Uống nước không nếm được vị ngọt, vị mát lành trong nước… Các em có hiểu không?

– Dạ vâng, chúng em hiểu rồi.

Từ đây trở về sau, các em cố gắng trở về với mình, về với sự sống, về với hiện tại. Đưa tâm rong ruổi trở về với thân nha.

– Dạ vâng. Cám ơn anh Lang.

[4] Nhất Hạnh

[5] Nhất Hạnh

* Các bài có liên quan:

– Thiền cho tuổi thơ (phần I)

– Thiền cho tuổi thơ (phần II)