Bốn viên sỏi dễ thương

Thiền cho tuổi thơ (phần V) – Thầy Chân Pháp Đăng

Các em có cái túi chứa sẵn bốn viên sỏi hay chưa?

– Dạ thưa! Có. Chiều hôm qua, chúng em đã tự may lấy cái túi này và đã tìm được bốn viên sỏi ở ngoài vườn. Chúng em rửa các viên sỏi thật sạch, phơi khô và bỏ vào túi để cho buổi thiền tập này.

Tốt quá. Bây giờ, các em ngồi cho đẹp trong thế hoa sen. Mở túi ra, lấy bốn viên sỏi, đặt xuống đất bên phía tay trái của các em. Chúng mình cùng nhau thiền sỏi.

Là hoa tươi mátThở vào, là hoa.

Thở ra, tươi mát.

Thở vào, là hoa.

Thở ra, tươi mát.

Thở vào, là hoa.

Thở ra, tươi mát.

Các em thực tập “là hoa, tươi mát” trong ba hơi thở nhé. Tay trái lấy hòn sỏi đầu chuyền qua tay phải, rồi đặt nó xuống đất bên phía tay phải. Hãy hình dung mình là một bông hoa, và mình tươi mát, xinh đẹp.

Muốn tươi đẹp, các em nuôi mãi nụ cười trên môi, giữ cho nét mặt tươi sáng. Tuổi thơ là tuổi thân tiên, có nụ cười tươi, có đôi mắt sáng, có nét mặt xinh. Ai nhìn các em cũng cảm thấy hạnh phúc.

 

Loài người là loài hoa. Bụt cũng là một bông hoa Ưu Bát Đa La. Giữ được sự tươi mát là người có hạnh phúc, có niềm vui, có sự tinh khiết.

Chúng mình thực tập bài thứ hai nhé.

Ngồi yên như núi

Thở vào, là núi.

Thở ra, vững vàng.

Thở vào, là núi.

Thở ra, vững vàng.

Thở vào, là núi.

Thở ra, vững vàng.

Các em thở vào, thở ra ba lần cho bài tập “là núi, vững vàng”. Hãy thấy các em là núi. Một trái núi đứng vững vàng. Cho dù mưa to, gió lớn, núi vẫn đứng yên bất động. Thế ngồi hoa sen là thế núi vững. Vững chãi là không lung lay, không lên xuống. Các em không bị chi phối bởi ngoại cảnh, không bị buồn vui, thương ghét cuốn đi. Có sự vững vàng, các em mới có sức mạnh, có đức tự tin. Cũng vậy, tay trái nhặt lấy viên sỏi thứ hai chuyền qua tay phải, rồi đặt nó xuống đất bên phía tay phải.

Các em thương mến! Chúng mình thực tập tiếp bài thứ ba. Chúng mình là nước nên lặng chiếu. Thử nhé.

Nước tĩnh lặng chiếu

Thở vào, nước tĩnh.

Thở ra, lặng chiếu.

Thở vào, nước tĩnh.

Thở ra, lặng chiếu.

Thở vào, nước tĩnh.

Thở ra, lặng chiếu.

Các em thấy như thế nào?

– Chúng em thấy hồ nước yên tĩnh. Nó có chiếu áng mây ở trong lòng. Nó còn in dáng cành, lá và trời xanh nữa.

Ồ! Các em giỏi quá.

Trong ba hơi thở vào, ra, các em làm cho tâm yên tĩnh, lắng trong như một mặt hồ. Các em thở, thì tâm từ từ tĩnh lặng. Những suy nghĩ, lo âu sẽ lắng đọng lại nên các em thấy được các bóng dáng như buồn, vui, lo, sợ… trong lòng. Thấy hoạt động của tâm là bước tiến lớn của thiền. Thấy nên hiểu, hiểu nên chấp nhận và yêu thương. Hãy nhặt viên sỏi thứ ba chuyền qua tay phải, rồi đặt nó xuống lòng đất bên phía tay phải. Các em thực tập giỏi lắm.

Nào, chúng mình thực tập bài cuối nhé.

Không gian thênh thang

Thở vào, không gian.

Thở ra, thênh thang.

Thở vào, không gian.

Thở ra, thênh thang.

Thở vào, không gian.

Thở ra, thênh thang.

 

Các em lại thấy như thế nào?

– Vui lắm. Làm không gian thật là khỏe. Chúng em cảm thấy tâm mình thênh thang, thanh thoát lạ lùng.

Tốt lắm. Các em thực tập bài này trong ba hơi thở hoặc nhiều hơn. Hình dung cho được mình là không gian rộng lớn. Thi sĩ Walt Whitman làm một bài thơ có câu:

“Tôi là không gian

Tôi rộng lớn

Tôi thênh thang…”

Tâm rộng lớn là tâm không hẹp hòi, không bị kẹt, không cố chấp. Không có một cái gì đè nặng trong lòng của các em. Vì thế, các em cảm thấy thanh thoát và nhẹ nhàng. Sống cho hồn nhiên thì tâm tư sẽ chứa đầy không gian bao la như vũ trụ.

Tóm lại, thiền sỏi giúp cho các em hồi phục lại sự tươi mát của hoa, vững vàng của núi, lặng chiếu như nước hồ thu và thênh thang như không gian bao la, bát ngát.

Thiền sỏi là một bài hát. Chúng mình cùng nhau hát cho vui nhé.

Thở vào, thở ra

Thở vào, thở ra.

Là hoa, tươi mát.

Là núi, vững vàng.

Nước tĩnh, lặng chiếu

Không gian, thênh thang.

 

(Vẽ tranh minh họa: sư cô Trăng Tuyết Hoa)

Các bài có liên quan:

– Thiền cho tuổi thơ: phần I, phần II, phần III, phần IV