Thiền tập trong đời sống hàng ngày

 

Trong suốt khóa tu, thỉnh thoảng vị tri chung sẽ thỉnh lên một tiếng chuông. Trước tiên, người ấy đọc thầm bài thi kệ:

Ba nghiệp lắng thanh tịnh

Gởi lòng theo tiếng chuông

Nguyện người nghe tỉnh thức

Vượt thoát nẻo đau buồn.

Sau đó vị ấy sẽ thở ba hơi thở thật chậm rãi và khoan thai rồi mới thỉnh chuông. Khi nghe chuông, chúng ta sẽ dừng lại mọi suy tư, theo dõi hơi thở vào ra ba lần và đọc bài thi kệ:

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.

Thiền là ý thức những gì đang xảy ra trong thân thể, trong cảm thọ, trong tâm hành và trên thế giới. Thiền tập là gia tài quý giá nhất của đạo Bụt. Điều quan trọng là chúng ta phải thiền tập trong trạng thái vui tươi. Phải cười nhiều mới có thể thiền tập được. Tiếng chuông chánh niệm sẽ giúp ta làm được điều này.

Giả sử bạn đang có một đứa con trai hư hỏng, khó có thể tha thứ và thương yêu được. Điều đó cũng bình thường thôi. Để được người khác thương thì mình phải dễ thương. Nếu đứa con trai của ta trở nên khó thương như vậy thì ta sẽ đau khổ lắm. Ta mong là ta có khả năng thương được nó, nhưng cách duy nhất để thương được nó là phải hiểu nó, hiểu rõ tình trạng của nó. Ta phải lấy con ta làm đề tài quán chiếu của mình. Thay vì quán chiếu về ‘không’ hay về những đề tài khác, ta có thể lấy con ta làm đề tài quán chiếu cụ thể.

Trước hết ta cần dừng lại những suy nghĩ, cảm thọ đang xâm chiếm ta khiến cho năng lực định tĩnh và khả năng thiền quán của ta yếu đi. Định, tiếng Sanskrit là Samadhi. Một em học sinh, muốn làm bài tập tốt phải ngừng nhai kẹo ‘chewing gum’, ngừng nghe nhạc, để có thể tập trung vào bài tập. Muốn hiểu con mình, ta phải ngưng lại tất cả những thứ làm ta xao lãng. Định, Samadhi, là bước thực tập đầu tiên.

Khi bật đèn đọc sách, muốn cho ánh sáng tập trung vào quyển sách, ta cần có cái chao đèn (chụp đèn) để gom ánh sáng lại, để ta có thể đọc sách dễ dàng hơn. Thực tập định cũng giống như cái chao đèn, giúp chúng ta tập trung tâm ý vào một đối tượng nào đó. Khi ngồi thiền, đi thiền, ta không nghĩ về quá khứ, không nghĩ về tương lai, chỉ an trú trong hiện tại, như vậy là ta phát triển được năng lực định tĩnh trong ta. Với năng lực định tĩnh này, ta có khả năng nhìn sâu vào vấn đề. Và khi nhìn sâu vào vấn đề, ta hiểu được tình trạng và bản chất của nó. Trong trường hợp này, ta thấy được tình trạng khó khăn và khổ đau mà đứa con ta đang gặp phải.

Ta không than phiền, trách móc con trai ta. Ta chỉ muốn hiểu tại sao nó trở nên như vậy. Từ từ ta sẽ tìm ra được tất cả những nguyên nhân xa gần dẫn đến tình trạng hiện tại của nó. Càng thấy rõ vấn đề ta càng hiểu con ta hơn. Càng hiểu ta càng thương hơn. Hiểu biết là suối nguồn của thương yêu. Hiểu chính là thương. Hiểu là một cách nói khác của thương. Thương là một cách nói khác của hiểu. Thực tập theo đạo Bụt là phải thực tập như vậy.

Khi ta trồng cây mà nó không lên ta không thể đổ lỗi cho cái cây ấy. Ta chỉ tìm hiểu nguyên do tại sao cây không lớn lên được. Có thể chúng cần thêm phân bón, thêm nước hoặc bớt ánh nắng mặt trời. Chúng ta không bao giờ phàn nàn, đổ lỗi cho cây, ấy vậy mà ta lại lên án, đổ lỗi cho con ta. Nếu biết cách chăm sóc thì con ta cũng lớn lên khỏe mạnh vui tươi như cái cây kia. Đừng phàn nàn đổ lỗi, đừng lên án, trách móc, đừng cố tìm lý do này lý do nọ để tranh cãi. Đổ lỗi, trách móc chẳng bao giờ đem lại một kết quả tốt đẹp nào. Không tranh cãi, không lý luận, không đổ lỗi, không trách móc, chỉ tìm hiểu thôi. Đó là kinh nghiệm của tôi. Nếu bạn hiểu được vấn đề, hiểu và thông cảm được người ấy, thương được người ấy thì tình trạng sẽ đổi thay.

Tiếng chuông chánh niệm là tiếng gọi của Bụt gọi ta trở về với bản tâm ta. Ta phải tôn trọng tiếng chuông đó. Khi nghe chuông, ta dừng lại mọi suy nghĩ, nói năng và hành động để trở về với chính mình, mỉm cười và theo dõi hơi thở. Bụt ở đây không phải ở ngoài ta mà Bụt trong chính tự thân ta, gọi ta trở về. Nếu không có khả năng nghe chuông thì ta không thể nghe được bất cứ một âm thanh nào khác mà những âm thanh ấy cũng là tiếng gọi của Bụt, như tiếng gió, tiếng chim, hay ngay cả tiếng xe hơi hoặc tiếng khóc của trẻ thơ. Tất cả đều là tiếng gọi của Bụt gọi ta trở về. Nghe chuông  là một pháp môn  rất hay, rất hữu hiệu. Khi đã thực tập được với tiếng chuông, ta có thể thực tập với tiếng gió hay những tiếng khác. Không những với âm thanh mà với hình ảnh chúng ta cũng có thể thực tập như vậy. Ánh nắng xuyên qua khung cửa cũng là tiếng gọi của Pháp thân, gọi chúng ta trở về cho Phật thân có mặt, cho Tăng thân trở thành một Tăng thân đích thực.

Khi ngồi thiền, đi thiền, chúng ta có thể đọc thầm: Tĩnh lặng, Mỉm cười, Hiện tại, Tuyệt vời; hoặc sử dụng những phương pháp khác, như phương pháp đếm hơi thở. Thở vào đếm một, thở ra đếm một. Thở vào đếm hai, thở ra đếm hai. Vào đếm ba, ra đếm ba. Cho đến mười. Sau đó đếm ngược lại từ mười xuống chín, tám, bảy… Đếm hơi thở là một trong những phương pháp giúp ta dễ định tâm.

Nếu không đủ định lực, chúng ta sẽ không đủ khả năng đi sâu vào quán chiếu. Vì vậy thở, đi thiền, ngồi thiền, nghe chuông, ăn cơm im lặng… là những bước đầu tiên giúp ta nhận biết được mức độ định tĩnh của ta. Đó gọi là “chỉ”, là dừng lại. Dừng lại để tập trung tâm ý, để định tâm. Cũng như cái chao đèn, có tác dụng gom ánh sáng lại, không cho ánh sáng phân tán để chúng ta có thể đọc sách dễ dàng hơn. Bước đầu tiên của thiền là chỉ, chỉ là dừng lại. Dừng lại những xao lãng, phân tán, để tập trung tâm ý vào một đối tượng. Đối tượng hay nhất, luôn có mặt với ta là hơi thở. Hơi thở rất mầu nhiệm, có khả năng đem tâm trở về với thân, làm hợp nhất thân tâm. Đếm hơi thở hay theo dõi hơi thở cũng chỉ là để dừng lại.

Dừng lại và nhìn sâu (chỉ và quán) rất gần nhau. Ngay khi ta dừng lại thì chữ nghĩa trên trang giấy trở nên rõ ràng hơn. Vấn đề của đứa con ta cũng trở nên rõ ràng hơn. Dừng lại và nhìn sâu là thiền tập, là tuệ giác. Tuệ giác là cái thấy sâu, cái thấy về thực tại. Dừng lại cũng là nhìn sâu (chỉ cũng là quán). Nhìn sâu giúp ta  có khả năng dừng lại. Hai là một. Chúng ta làm quá nhiều, chạy quá nhanh và hoàn cảnh của ta quá khó khăn nên nhiều người thường hay nói: “Làm gì đi chứ, sao lại ngồi không đó.” Nhưng ‘làm’ đôi khi lại làm cho tình trạng tệ hại hơn. Vì vậy chúng ta nên nói: “Đừng làm gì hết, hãy ngồi yên đó”. Ngồi yên, dừng lại, có mặt với chính mình trước và mọi chuyện bắt đầu từ đó. Đó là ý nghĩa của thiền tập. Khi ngồi trong thiền đường, ở nhà hay bất cứ ở đâu, chúng ta cũng có thể làm như vậy. Tuy nhiên chúng ta phải thực sự ngồi. Ngồi không thì không đủ. Ngồi và phải có mặt. Ngồi mà không có mặt thì không phải là ngồi.

Có rất nhiều phương pháp để dừng lại và nhìn sâu. Một người thầy có nhiều tuệ giác sẽ có khả năng chế tác ra nhiều phương pháp thực tập. Trong đạo Bụt, có tám vạn bốn ngàn pháp môn giúp ta đi vào thực tại, tiếp xúc với thực tại như thực tại chính nó. Pháp môn là những phương tiện, cách thức thực tập. Khi chúng ta cưỡi một con ngựa mà không điều khiển được nó thì ước muốn lớn nhất của ta là dừng lại. Nhưng dừng lại như thế nào? Chúng ta phải cầm dây cương để rị nó lại, nghĩa là làm cho tốc độ của con ngựa chậm lại. Tốc độ ở đây là những thứ khiến ta đánh mất bản thân. Ta phải tổ chức đời sống của ta như thế nào để có thể dừng lại những thứ đang lôi kéo ta. Ngồi uống một ly trà hai tiếng đồng hồ trong một buổi thiền trà là một hành động dừng lại. Dừng lại bất bạo động. Chúng ta có khả năng làm được điều này bởi vì chúng ta có Tăng thân. Chúng ta có thể làm chung với nhau. Chúng ta có thể dừng lại cách sống làm chúng ta đánh mất bản thân mình. Thiền đi cũng là một cách dừng lại. Ngồi thiền cũng là một cách dừng lại. Vì vậy nếu muốn ngăn chặn vũ trang, ta phải dừng lại, ta phải bắt đầu bằng chính đời sống hàng ngày của ta. Tôi thấy một chiếc xe hơi đến từ New York có một câu sticker dán trên xe: “Hãy để cho hòa bình bắt đầu với tôi”. Điều đó rất đúng. Nhưng nếu nói ngược lại: “Tôi sẽ bắt đầu bằng hòa bình” thì điều đó cũng đúng.

Đi thiền cũng rất vui và lý thú. Ta có thể đi một mình hay đi với người khác, chậm rãi, thong thả và thảnh thơi. Nếu được thì đi ở những nơi có khung cảnh đẹp. Đi thiền ta phải thực sự thích thú, đi không phải để tới, đi chỉ để mà đi. Mục đích của thiền đi là có mặt trong giây phút hiện tại và thưởng thức từng bước chân của mình. Vì vậy ta phải rũ bỏ tất cả những lo lắng buồn phiền, đừng nghĩ về tương lai, đừng nghĩ về quá khứ, chỉ tận hưởng giây phút hiện tại. Chúng ta có thể cầm tay một em bé để đi. Chúng ta bước đi như thể chúng ta là người tự do nhất trên Trái đất này.

Chúng ta đi rất nhiều nhưng thường thì chúng ta đi như chạy. Và đi như thế, chúng ta in lên đất Mẹ sự lo lắng, buồn phiền của ta. Chúng ta đi như thế nào để chỉ in lên đất Mẹ sự bình an, thanh tịnh của ta thôi. Mỗi người trong chúng ta ai cũng có thể làm được điều này. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể làm được. Nếu ta có khả năng bước được một bước như thế thì ta có thể bước được bước thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm… như thế. Nếu ta có khả năng bước được một bước bình an và hạnh phúc thì ta có khả năng đem đến bình an và hạnh phúc cho nhân loại. Đi thiền là một pháp môn rất thú vị đem lại cho ta nhiều lợi lạc.

Bản kinh căn bản liên quan đến thiền là kinh Satipatthana, có trong tạng Pali, Hán tạng và nhiều thứ tiếng khác, kể cả trong tiếng Anh và tiếng Pháp. Theo bản kinh này thì thiền là ý thức được những gì đang xảy ra trong thân thể, cảm thọ, tâm thức và đối tượng tâm thức. Mà đối tượng tâm thức ở đây là thế giới. Ý thức được những gì đang xảy ra, ta có thể thấy được vấn đề như chúng đang là, và ta có khả năng ngăn chặn được nhiều thảm họa sắp xảy ra. Khi mọi thứ đã xảy ra rồi thì quá trễ. Xử lý đời sống hàng ngày của ta là một vấn đề rất quan trọng. Làm chủ lời nói, làm chủ cảm xúc, xử lý cảm thọ và ý thức được những gì đang xảy ra trong đời sống hàng ngày chính là thiền tập. Chúng ta phải học cách ứng dụng thiền tập vào trong đời sống hàng ngày của ta.

Có rất nhiều thứ đơn giản và dễ làm. Chẳng hạn như trước buổi ăn tối, mọi người ngồi chung quanh bàn ăn, thở ba hơi thật chậm rãi và khoan thai. Có mặt cho chính mình và phục hồi lại chính mình. Chắc chắn mỗi khi thở sâu như vậy ta có khả năng trở về với ta và có mặt trọn vẹn cho ta. Trước khi ăn, ta có thể nhìn mọi người và mỉm cười, chỉ cần hai, ba giây thôi, không cần nhiều. Chúng ta luôn bận rộn, không  bao giờ có thời gian để nhìn nhau, ngay cả với người ta thương. Đến một lúc nào đó thì ta thấy tiếc nuối vì người thương của ta đã qua đời hay đã xa ta và lúc đó thì đã quá trễ. Vì vậy, chúng ta phải thực tập có mặt và trân quý những người thân trong gia đình.

Ở Làng Mai, trước khi ăn, có đọc năm quán. Thỉnh thoảng ta mời một em nhỏ đọc. Nâng bát cơm trên tay, ta thấy mình thật may mắn. Là một người tỵ nạn, người ấy ý thức rằng ở những nước Đông Nam Á trẻ em không có đủ thức ăn để ăn. Loại gạo ngon nhất mà người ta mua ở Tây phương được nhập khẩu từ Thái Lan. Nhưng ngay ở Thái Lan, trẻ em Thái cũng không có may mắn để được ăn những loại gạo ngon như thế. Họ ăn những loại dở hơn, kém chất lượng hơn. Loại gạo ngon đó họ cho xuất khẩu để đổi lấy ngoại tệ. Khi một đứa trẻ tỵ nạn cầm chén cơm trong tay, nó phải nhớ rằng nó rất may mắn. Nó biết rằng 40 ngàn trẻ em ở độ tuổi của nó chết đói mỗi ngày vì thiếu thức ăn. Đứa trẻ có thể nói rằng: “Hôm nay, ở trên bàn ăn có nhiều thức ăn ngon mẹ mới nấu. Nhìn vào thức ăn con có thể thấy ba, thấy anh hai, thấy em gái. Con rất hạnh phúc để ngồi với nhau và ăn cơm với nhau trong khi nhiều người đang đói khổ thiếu thốn. Con thấy trân quý và biết ơn vô cùng.”

Có rất nhiều pháp môn thực tập mà ta có thể ứng dụng để nâng cao ý thức trong đời sống hàng ngày, ví dụ như thở khi có điện thoại reo, đi thiền hành từ nơi này đến nơi khác, thiền tập trong khi giúp đỡ trẻ em đói hoặc những nạn nhân chiến tranh. Đạo Bụt phải được ứng dụng khắp nơi trong đời sống hàng ngày. Thiền có ích gì nếu nó không dính líu gì đến đời sống hàng ngày của ta?

Chúng ta có thấy hạnh phúc trong khi thở và mỉm cười không? Tất cả những điều kiện hạnh phúc đã có sẵn đó. Chúng ta có thể thực tập bất cứ ở đâu, trong tu viện, trong thiền đường, trong công viên, dọc bờ sông hay ở nhà. Mỗi gia đình nên có một phòng thở. Chúng ta có phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách, nhà bếp, thì tại sao ta không làm được phòng thở? Thở rất quan trọng.

Chúng ta có thể trang trí phòng thở thật đơn giản, không quá tối mà cũng không quá sáng. Chúng ta có thể đặt một chiếc chuông nhỏ có âm thanh hay, một vài cái gối ngồi hay vài chiếc ghế, một lọ hoa để nhắc nhở chúng ta trở về với chính mình. Các em nhỏ có thể cắm hoa trong chánh niệm, theo dõi hơi thở và mỉm cười. Nếu nhà mình có năm người thì có năm cái gối  ngồi hay năm chiếc ghế. Có thể thêm vài cái cho khách. Thỉnh thoảng mình có thể mời ai đó đến ngồi thở với mình vài ba phút.

Nếu muốn chúng ta có thể đặt một bức tượng hay một bức ảnh của Bụt. Tuy nhiên có nhiều tượng Bụt không bình an và thanh thoát lắm. Có thể các nghệ nhân khi làm tượng không buông thư đủ, không theo dõi hơi thở và mỉm cười. Nếu chúng ta muốn thỉnh Bụt về nhà thì phải chọn tượng cho đẹp. Bụt phải bình an, thanh thoát, mỉm cười, buông thư và hạnh phúc. Nếu nhìn vào Bụt mà ta không thấy thoải mái, tươi vui và hạnh phúc thì đó không phải là một tượng Bụt đạt tiêu chuẩn. Nếu chưa tìm được một tượng Bụt đẹp thì chúng ta phải đợi. Chúng ta có thể cắm một bình hoa thay cho tượng Bụt. Hoa là Bụt. Hoa cũng có tính Bụt.

Có nhiều gia đình, sau giờ ăn sáng, trẻ con vào phòng ngồi xuống thở vào thở ra mười lần trước khi đi học. Thực tập này rất hay. Nếu con ta không thích thở mười lần thì có thể thở ba lần. Bắt đầu một ngày mới với tính Bụt trong lòng như thế rất mầu nhiệm và nuôi dưỡng. Nếu buổi sáng ta làm Bụt và ta cố gắng nuôi dưỡng đức Bụt ấy trong ta suốt ngày thì chiều tối về ta vẫn có khả năng mỉm cười. Đức Bụt vẫn còn đó trong ta.

Khi nào bực bội, bức bối, bất an thì ta đừng nói hay làm gì cả. Chỉ theo dõi hơi thở và thong thả đi vào phòng thở. Phòng thở cũng tượng trưng cho một cõi tịnh độ bên trong của ta, vì vậy mà ta có thể vào đó bất cứ lúc nào ta cần, cho dù khi ta không có ở nhà. Tôi có một người bạn mà hễ lúc nào bất an, bực bội là anh ta đi vào phòng thở. Ngồi xuống một cách cung kính, theo dõi hơi thở vào ra ba lần rồi thỉnh chuông và đọc thi kệ. Tức thì anh ta thấy khỏe ngay. Nếu muốn ngồi lâu hơn thì anh ta ngồi lại thêm. Có khi vợ anh đang nấu ăn và nghe chuông cũng trở về nấu ăn trong chánh niệm. Những lúc như thế cô ta rất biết ơn chồng. Cô nói: “Anh rất tuyệt vời, rất khác với những người khác. Anh biết làm chủ cơn giận của mình.” Lúc đó, nếu cô ta đang bực bội, giận dữ thì cô cũng ngưng nấu ăn, đi vào phòng thở ngồi chung với chồng. Đó là một hình ảnh rất đẹp, đẹp hơn bất cứ một bức tranh đắt giá nào. Thực tập như thế sẽ gây ảnh hưởng tốt đến người khác. Và đó là một bài thuyết pháp không lời. Khi con ta bất an, có những cảm xúc mạnh đi lên, ta không cần phải nói: “Đi vào phòng thở đi.” Ta chỉ cần đến nắm tay con, cùng đi vào phòng thở và ngồi yên lặng với nhau. Đây là cách giáo dục con chế tác bình an hay nhất.

Mở đầu một ngày bằng ý thức ‘trong ta có Bụt’ rất đẹp. Mỗi khi thấy mình sắp từ bỏ Bụt mà đi thì hãy ngồi xuống, thở nhẹ nhàng cho đến khi trở về được với chính mình. Tôi đề nghị các bạn làm ba điều. Thứ nhất là tạo một phòng thở trong gia đình, thứ hai là tập thở chánh niệm và ngồi thiền với con vài phút vào mỗi sáng, thứ ba là đi thiền hành với con trước khi đi ngủ,  chỉ mười phút thôi cũng đủ. Điều này rất quan trọng, có thể làm thay đổi cả một nền văn minh của chúng ta.