Soi sáng
Tự Tứ
Hôm nay chúng ta học về pháp môn gọi là Soi Sáng. Pháp môn này đã có từ thời Đức Thế Tôn. Thường thường đến ngày Tự Tứ, tức là ngày kết thúc ba tháng tu học mùa mưa thì các thầy, các sư cô làm lễ Tự Tứ. Lễ Tự Tứ là một cơ hội để ta cầu sự soi sáng của những người bạn đồng tu, và nếu quý vị được phép quan sát các thầy, các sư cô thực tập Tự Tứ thì quý vị có thể rất cảm động và có thể chảy nước mắt.
Cầu soi sáng
Trong lễ Tự Tứ đó quý vị sẽ thấy một thầy đắp y chỉnh tề đến trước một thầy khác, lạy xuống ba lạy rồi quỳ lên và nói: "Thưa sư anh (hoặc là thưa sư em), trong ba tháng tu tập vừa qua thế nào em cũng có những khiếm khuyết, những lầm lỗi; vì vậy cho nên em cầu xin sư anh soi sáng cho em để em có thể có được tiến bộ trong những ngày tới." Nói xong thầy đó lạy xuống ba lạy. Cái đó gọi là cầu soi sáng. Nếu là sư cô thì ta lạy xuống trước một sư cô khác, người đó là sư chị hay sư em của ta để cầu xin soi sáng. Ta có thể cầu xin không phải chỉ với một người mà ta có thể cầu xin hai người, ba người, bốn người, năm người và ta có quyền cầu xin tất cả mọi người trong đại chúng, trong tăng thân soi sáng cho ta. Ta phải lạy người kia và mong muốn người kia đem lòng từ bi mà chỉ dạy cho ta để ta thấy được những điểm nào ta còn yếu, cần được soi sáng. Ở Làng Mai số người tối thiểu mà các thầy, các sư chú, sư cô cần phải được soi sáng là sáu người. Mỗi người phải tới với sáu người mà ta chọn lựa và tin tưởng. Ta tới với từng người một, ta cầu xin người đó soi sáng cho ta. Nếu ta không cầu xin thì không ai soi sáng cho ta cả vì nói sự thật ra ta có thể buồn hay giận họ, do đó ai dại gì mà nói. Vì vậy cho nên ta phải lạy xuống, phải khẩn thiết, phải cầu xin thì người kia với tấm lòng thương tưởng của họ, với ý thức trách nhiệm mình là một người sư anh, một người sư chị hay là một người sư em, phải có bổn phận soi sáng cho người bạn tu của mình, họ mới nói ra những lời soi sáng. Thường thường thì người được cầu xin hay nói ra những điểm tích cực của người kia trước để tưới tẩm những hạt giống tích cực này rồi mới nói đến những khuyết điểm và những điểm tiêu cực của người đó. Thường thường ta cầu xin một người lớn tuổi tu hơn ta, nhưng cũng có nhiều người mới tu mà ta có đức tin rất lớn tại vì người đó tu rất giỏi, rất thành công thì ta cũng có thể lạy xuống trước người đó để cầu xin. Con mắt ta tuy có chất liệu trí tuệ, vì ta đã tu một năm, hai năm thì thế nào con mắt ta cũng có chút tuệ nhiều hơn trước, nhưng mà mắt ta làm sao mà so sánh được với mắt của Tăng thân? Tăng thân tức là thân thể của đoàn thể ta. Vì vậy cầu xin Tăng thân soi sáng là một phương pháp thực tập đã có từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế.
Những lời trung thực
Sự thực tập này của tu viện, của chùa cũng có thể được chia sẻ ra ngoài để thực tập trong gia đình huyết thống và trong gia đình tâm linh của ta. Nghĩa là trong các đoàn của Gia Đình Phật Tử, đoàn thiếu nam, đoàn thiếu nữ hay trong đoàn Oanh Vũ ta cũng có thể học hỏi và thực tập phương pháp soi sáng này. Các em Oanh Vũ tuy mới 6, 7, hay 10 tuổi nhưng ta có thể tập cho các em biết cầu xin sự soi sáng hoặc ta cầu xin sự soi sáng nơi các em vì con mắt của đoàn thể thế nào cũng sáng hơn con mắt của chính mình. Trong Tăng thân người nào cũng tu tập, người nào cũng có cái thấy của họ. Các em bé nhiều khi thấy được những điều mà người lớn không thấy và các em bé có thể nói ra một cách dễ dàng những điều mà người lớn khó nói ra được. Ở Tây phương cũng như ở Đông phương người ta thường nói: "Sự thật được nói ra từ miệng của trẻ thơ". Vì vậy cầu xin soi sáng không hẳn chỉ cầu xin nơi những người lớn tuổi và có kinh nghiệm hơn mình. Ta có thể cầu xin ở tất cả, ở cả những người trẻ tuổi hơn ta. Những lời soi sáng đó không phải là những lời mắng nhiếc hay chê bai mà là những lời trung thực được nói ra với tình thương để giúp cho người kia thấy được những ưu, khuyết của mình mà chuyển hóa và đi tới. Vì vậy trong Gia Đình Phật Tử, ta phải biết học hỏi và thực tập phương pháp soi sáng mà người xưa gọi là Tự Tứ.
Đừng để tự ái bít lấp
Cố nhiên là các anh trưởng, chị trưởng và các đoàn sinh phải ngồi với nhau để mà pháp đàm, nghĩa là đàm luận để tìm ra phương pháp áp dụng. Chúng ta ai cũng có tự ái cả, nhưng mà tu là để làm gì? Tu là để ta có thể vượt được tự ái của mình. Tự ái của ta có thể không cho phép ta lắng nghe và chấp nhận sự thật. Nhưng mà sự thật là gì? Sự thật là cái năng lượng có thể giải phóng ta được. Người Tây phương cũng tin như vậy. Vì thế đừng để cho sự thật bị bít lấp vì cái tự ái của ta, và vì sự thật đó có thể được nói ra từ những em bé và từ những người bạn tu của ta cho nên ta phải lạy trước sự thật. Tôn trọng sự thật là một trong Năm Điều Luật của người Phật tử. "Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật". Sự thật làm sao để thấy được? Sự thật chỉ có thể có được, có thể biểu lộ được khi mà ta dẹp tự ái của ta. Nếu mà chị Huynh Trưởng, nếu mà anh Huynh Trưởng tự ái thì làm sao các em không tự ái được? Vì vậy người Huynh Trưởng phải làm gương cho các em. Người Huynh Trưởng phải tiếp nhận sự soi sáng và cầu xin sự soi sáng của những người trong Gia Đình mình. Quý vị có thể phỏng theo mô thức thực tập ở chùa, ở tu viện. Quý vị có thể mời năm hoặc sáu vị khác ở trong Đoàn hoặc ngoài Đoàn, những người mà đã có nhận xét về mình, rồi quý vị cầu xin những người đó soi sáng cho và quý vị phải hứa trước là mình sẽ thành khẩn tiếp nhận những lời soi sáng đó. Có thể là những lời soi sáng đó không đúng 100% nhưng mà ít nhất nó cũng đúng 60%, mà 60% là đã nhiều lắm rồi. Có khi nó đúng tới 70%, 80% hay 90%. Chính nhờ những sự soi sáng đó mà ta chấp nhận những yếu kém của ta và khi đã chấp nhận được thì dù chưa tu gì cả, chưa thực tập gì cả nhưng điều đó đã đưa ta đi tới rất xa. Chỉ cần chấp nhận thôi, chấp nhận được những yếu kém của mình là ta đã vượt qua bao nhiêu là dặm đường rồi. Quý vị hãy tin nơi tôi, những người mà không có tiến bộ, không có chuyển hóa là tại vì họ không chấp nhận được những yếu kém của họ. Một khi họ đã chấp nhận những yếu kém của họ rồi thì họ bắt đầu đi rất mau trên con đường chuyển hóa. Ta phải làm gương cho em ta, ta phải cầu xin và tiếp nhận sự soi sáng từ người khác. Ta đừng có khư khư giữ lấy ý của mình, bảo vệ cho hành động của mình; thái độ đó gọi là thái độ cố chấp. Người Tây phương gọi đó là một trở lực lớn cho sự lớn lên của một con người, luôn luôn lý luận để bảo vệ cho hành vi, thái độ của mình và không mở lòng ra để đón nhận sự soi sáng của người khác. Người khác tại sao phải soi sáng cho mình? Tại sao phải nói ra những điều đó để cho mình giận, mình không ưa, mình ghét? Vì vậy người ta không muốn nói ra đâu, tội gì người ta nói để cho mình nổi sân, nổi si lên rồi ghét họ. Thành ra đừng tưởng cầu soi sáng là dễ. Muốn cầu người ta soi sáng thì ta phải chí thành, chí thiết, chí tâm; phải lạy xuống thì người ta mới chịu soi sáng cho mình. Ở trong chùa như vậy và ở ngoài đời cũng vậy. Có khi ở ngoài đời còn khó hơn nên nếu ta không biểu lộ tâm thành của mình thì đừng mong có người khác soi sáng cho ta. Vì vậy nếu làm trong Đoàn thì ta phải làm thế nào cho không khí trở thành trang nghiêm; có khi ta phải lên Chánh Điện và mời những người mà ta mong muốn soi sáng ngồi xuống để ta lạy ba lạy rồi ta nói ra những lời thành khẩn thì những người đó mới soi sáng cho mình. Và khi họ soi sáng như vậy không phải là họ chê trách ta đâu, họ làm với tất cả tấm lòng xót thương của họ và ta phải lạy họ sau khi họ đã soi sáng cho ta, dù ta nghĩ rằng sự soi sáng này không đúng 100%. Lúc đầu có thể ta thấy không đúng nhưng khi về, quán chiếu thì ta sẽ thấy tại sao người kia lại có cái thấy như vậy. Lần lần ta thấy người soi sáng đó có cái lý của họ và đứng về quan điểm khác thì người kia có thể thấy được những điểm mà ta không thể thấy được khi đứng ở quan điểm của mình. Ví dụ như khi đi Sea World thì đứng ở góc độ này quý vị chỉ có thể thấy được cái bụng của con cá nhưng mà đứng ở điểm khác quý vị có thể thấy được lưng của con cá, có phải như vậy không?
Pháp môn này có thể sử dụng trong Gia Đình Phật Tử là gia đình tâm linh của chúng ta, nhưng người Huynh Trưởng phải áp dụng pháp môn này trong chính gia đình của mình. Người Huynh Trưởng còn trẻ có thể chỉ có chị, có anh, có cha, có mẹ thôi; nhưng người Huynh Trưởng lớn tuổi có thể có em, có con. Đối với các thành viên của gia đình huyết thống của mình, ta phải áp dụng phương pháp soi sáng. Gia đình của ta là nền tảng mà căn cứ trên đó ta có thể trở nên một người Huynh Trưởng kiểu mẫu và có thể thực hiện được lý tưởng đạo đức của mình. Các em đoàn sinh có thể nhìn vào gia đình ta để đoán định cái khả năng Huynh Trưởng của ta. Nếu ta thất bại trong gia đình huyết thống của mình thì làm sao ta có thể thành công trong gia đình tâm linh được? Cho nên điều tiên quyết là ta phải thực tập ngay trong gia đình huyết thống của ta, đối với cha mẹ, đối với con cái, anh em của ta. Khi các em thấy ta xuất thân từ một gia đình có hòa điệu, có hạnh phúc như vậy thì các em có niềm tin rất lớn và ta nói gì các em cũng sẽ nghe theo.
Sự tiếp nối của ta
Nếu ta làm con thì cố nhiên cha và mẹ sẵn sàng soi sáng cho ta, nhưng mà soi sáng không có nghĩa là la rầy và nói ác. Vì vậy người con có thể đứng dậy chắp tay nói: "Ba ơi, con xin lạy Ba ba lạy để Ba soi sáng cho con, cho những yếu kém, những lầm lỗi của con" rồi lạy xuống ba lạy. Người cha sẽ ngồi rất bình tĩnh, sẽ dùng ngôn từ hòa ái mà chỉ ra những yếu kém của ta. Nếu người cha không làm như vậy mà chỉ biết sử dụng ngôn từ chửi mắng, nguyền rủa, chê bai thì người cha không phải là một Phật tử đích thực. Người Phật tử đích thực là người có thể dùng ngôn từ hòa ái gọi là Ái Ngữ. Ta không thể lấy tư cách của một người cha để chửi mắng, nguyền rủa, chê bai con ta. Trong giáo lý của Đức Thế Tôn thì con ta là ai? Con ta là ta, là sự tiếp nối của ta. Nếu ta nhục mạ con ta thì chính là nhục mạ bản thân mình. Ai sinh ra nó? Có phải ta sinh ra không? Ta làm ăn như thế nào mà để con ta đi tới tình trạng này, tình trạng mà ta phải chửi bới, phải nhục mạ, phải từ nó? Có phải ta là người chịu trách nhiệm đó không? Vì vậy ta phải biết rằng con ta là tác phẩm của ta, và nếu tác phẩm đó hư hại thì ai chịu trách nhiệm nếu không phải là cha là mẹ của tác phẩm đó? Khi tôi dạy một người đệ tử, đệ tử tại gia hay đệ tử xuất gia thì tôi biết rằng đây là tác phẩm của mình. Nếu người đệ tử không thành công thì đó một phần lớn là do tài năng của mình thiếu kém, đức độ của mình thiếu kém và tôi không đổ lên đầu người đệ tử đó tất cả những lỗi lầm, trách móc. Ta phải thấy được điều đó. Và nếu ta có một đứa con mà ta không vừa ý thì ta biết rằng ta phải chịu trách nhiệm một phần khá quan trọng trong chuyện con ta trở thành như vậy. Đứng về phương diện thân giáo, nghĩa là giáo dục không phải bằng lời nói mà bằng sự sống hàng ngày của ta, ta đã có thể làm gương cho con ta hay chưa? Ta có nói những lời ái ngữ và ta có lắng nghe hay không? Nếu ta không biết nói lời ái ngữ, lễ phép và lắng nghe thì làm sao ta trông đợi con ta nói những lời ôn tồn, lễ phép, hay biết lắng nghe. Do đó ta phải thấy trách nhiệm của mình và khi con ta cần soi sáng thì ta phải soi sáng cho con bằng tất cả tình thương của mình. Nghĩa là trước hết ta phải nói về những điểm tích cực của con, thế nào cháu cũng có những điểm tích cực. Không có người nào mà chỉ có những điểm tiêu cực, người nào cũng có những điểm tích cực trong đó. Cháu có những tài năng gì thì ta phải biết.
Khi dạy một người đệ tử tôi luôn luôn nhìn kỹ để khám phá ra những tài năng của người đệ tử đó, và tôi khen ngợi, tưới tẩm những hạt giống ấy để những điểm tích cực ấy lớn lên, chuyển hóa những điểm tiêu cực kia. Sư cô Chân Không ngày xưa không chịu hát thì tôi nói với sư cô là "con phải tập hát vì con có giọng có thể hát hay được." Từ đó trở về sau sư cô Chân Không phát hiện dần tài hát của mình và sư cô đã hát không biết bao nhiêu lần tại nhà thờ, tại chùa và ở các buổi tu học. Tiếng hát của sư cô Chân Không là một dụng cụ rất hữu hiệu trong sự hướng dẫn người ta tu học. Tôi đã khám phá ra tài hát của sư cô Chân Không. Ở Làng Mai có một chị thiền sinh tên là Tịnh Thủy và cũng chính tại Làng mà tài năng của Tịnh Thủy đã được khám phá ra. Tịnh Thủy đã sáng tác những bài hát đạo trong đó có bài "Từng Bước Chân Thảnh Thơi" mà có thể quý vị đã biết. Bài đầu tiên Tịnh Thủy viết là bài: "Nhìn Thầy lòng thanh thoát, nghe Thầy hết đắm say. Ngồi bên Thầy ấm áp, buổi chiều qua không hay. Mê, nghe kinh trọn kiếp. Ngộ, chỉ một phút giây. Gần Thầy trong chốc lát, thanh thản nẻo đi về". Ngay bài đầu đã hay rồi và đến bài "Từng Bước Chân thảnh thơi" lại càng hay. Vì vậy làm cha, làm mẹ, ta phải khám phá ra những điểm tích cực mà cha ông tổ tiên đã trao truyền cho con ta qua ta. Đôi khi ta muốn con ta học cái này, làm cái kia nhưng mà con ta có thể không có khiếu về cái đó, con ta có những năng khiếu khác mà ta chưa khám phá được. Vì vậy ta phải sống rất chánh niệm, rất sâu sắc mới thấy được những hạt giống tích cực và tiêu cực ở trong con ta. Những hạt giống tích cực thì ta ca ngợi và tưới tẩm để nó lớn lên. Những hạt giống tiêu cực thì ta chỉ cho con biết: "Này con, con có những điểm yếu này, con phải nhận thức để đừng có tưới tẩm và để đừng cho nó lớn lên". Người cha cũng như người mẹ dùng ngôn từ hòa ái để soi sáng cho con. Ngôn từ của chửi rủa, trách móc, của la rầy không soi sáng được cho con, trái lại sẽ tạo ra một cái hố rất sâu giữa ta và con ta.
Là cha hay là mẹ ta cũng cần được soi sáng. Ta nhờ người bạn hôn phối soi sáng cho mình: "Này em, thế nào anh cũng có những điểm tiêu cực, những yếu đuối và anh mong rằng em sẽ soi sáng cho anh." Đó là tiếng nói của tình thương, tình thương đích thực, tại vì chúng ta ai mà không có những điểm yếu kém? Và ta cũng có thể nói những điều đó với con mình: "Con ơi, thế nào ba cũng có những điểm yếu kém và con thấy ba nên chuyển hóa những điểm yếu kém nào thì con cứ nói đi!" Đứa con sẽ dùng một ngôn từ rất lễ phép, rất kính cẩn để chỉ cho ta thấy những điểm tiêu cực của ta. Dĩ nhiên trước khi nói như vậy thì nó ca ngợi những điểm tích cực của ta; và vì vậy hai cha con có thể giúp soi sáng cho nhau, hai vợ chồng có thể giúp soi sáng cho nhau và ta có thể cầu xin sự soi sáng của tất cả mọi người trong gia đình. Đó là sự thực tập ở trong gia đình huyết thống.
Là người Huynh Trưởng, là anh, là chị, ta có thể tạo dựng hạnh phúc cho rất nhiều gia đình. Mỗi đoàn viên, mỗi đoàn sinh trong Đội của ta, trong Đoàn của ta đều có mái gia đình riêng của họ. Ta theo dõi, ta nâng đỡ, ta liên đới, ta có thể giúp gia đình của đoàn sinh đó thiết lập được, khôi phục lại được những cái mà ta đã thiết lập, tạo dựng, khôi phục trong chính gia đình của mình. Vì vậy khi ta thực tập thành công pháp môn này trong gia đình thì ta cũng có thể chia sẻ được kinh nghiệm đó trong đoàn.
Con mắt của tăng
Có một cách soi sáng khác có tính cách tập thể hơn, có nghĩa là thay vì mỗi người tự lựa cho mình 5 hay 6 vị để lạy xuống cầu soi sáng thì tất cả đại chúng ngồi lại để đóng góp cái nhìn của từng người. Có khi đương sự có mặt, có khi không có mặt. Nếu có mặt thì thời gian ngồi trong buổi soi sáng ta lắng nghe với tất cả lòng khiêm cung và cầu tiến. Soi sáng không có nghĩa là chỉ trích. Soi sáng tức là chỉ cho ta thấy rõ về tình trạng, về những khả năng và những yếu kém của ta, và trong thời gian soi sáng đó ta được nghe không phải là một người mà là được nghe tất cả mọi người trong chúng nói cho mình. Một người có thể không thấy rõ tất cả những gì thuộc về mình, nhưng mà nhiều người thì thế nào với con mắt của tăng, gọi là Tăng Nhãn có thể thấy được ta rõ hơn tại vì mỗi người, ai cũng có con mắt cả. Thấy được mình rõ hơn thì ta biết rằng ta phải thực tập như thế nào để có những bước tiến. Trong buổi soi sáng đó, ban đầu ta nghĩ rằng người được thừa hưởng là người đang được soi sáng, nhưng mà kỳ thực tất cả mọi người trong chúng đều được thừa hưởng sự thực tập của pháp môn soi sáng đó hết. Vì trong những buổi đó ai cũng học được hết, ai cũng thấy được mình nhiều hơn, thấy được người em, người anh, người chị của mình rõ hơn. Tại vì thường thường ta có một cái thấy về ta, và cái thấy về ta có thể rất là sai lạc. Do đó ta cần phải có anh ta, chị ta, em ta chỉ cho ta thêm về ta. Hơn nữa, ta cũng có những cái thấy về người kia mà ta nghĩ rằng đúng, nhưng những cái thấy đó có thể là những cái thấy sai lầm. Cho nên sau khi ta soi sáng cho người đó rồi thì ta lắng nghe những người khác soi sáng. Có người thì có vài cái nhận thức giống như ta đã có, nhưng mà cũng có những nhận thức khác mà ta không có. Và khi ta ngồi lắng nghe tất cả mọi người trong chúng rồi thì ta thấy cái nhận thức ban đầu của ta đối với đương sự được soi sáng đã thay đổi.
Nếu người kia đồng ý với ta thì không nói gì, nhưng mà nếu người kia nói rằng cái ta thấy đó là sai thì cái đó gọi là Phản Đề. Và cái Đề này (nhận thức của mình) đang được đối diện với cái Phản Đề, và đối diện lần thứ nhất có thể là chưa có kết quả bởi vì ta không thấy được các yếu tố tích cực ở trong điều người kia nói, ta chỉ thấy những cái tiêu cực thôi. Nhưng mà có thể khi nghe một người thứ hai nói, người thứ hai nói có thể hay hơn, giỏi hơn thì tự nhiên ta thấy có một vài điểm đúng ở trong Phản Đề đó. Thành ra trong nhận thức ta bắt đầu có sự chuyển đổi. Ta nghe nhiều người nói rồi thì có thể cái Đề của ta dung hợp với những Phản Đề khác thành ra một cái Hợp Đề. Sau khi nghe hết tất cả mọi người nói rồi thì ta có một nhận thức rất là khác, khác với nhận thức ta có lúc ban đầu. Và sau buổi soi sáng đó cái thấy của ta rất gần với cái thấy của tăng thân, cái thấy của ta rất gần với Tăng Nhãn (con mắt tăng), tại vì ta thấy được qua con mắt của những người khác trong tăng thân, trong đoàn. Cái này gọi là thực tập ‘ Kiến hòa đồng giải’.
Quán nguyện trước khi soi sáng
Tại Làng Mai, trước khi soi sáng thì đại chúng phải ngồi thiền cho tĩnh tâm trước, rồi sau tiếng chuông thì một người sẽ đọc lời quán nguyện. Dưới đây là văn quán nguyện:
"Lạy Bụt, lạy Tổ, chúng con thực tập soi sáng cho các sư anh, sư chị, sư em của chúng con, chúng con biết tất cả chúng con đều là những thành phần của cùng một tăng thân, tất cả chúng con đều là xương thịt của cùng một tăng thân. Vì vậy, chúng con ý thức rằng soi sáng cho bất cứ ai trong tăng thân cũng là tự soi sáng cho chính mình. Chúng con nguyện sẽ đem hết tình thương và sự hiểu biết của chúng con để thực tập công việc soi sáng. Chúng con nguyện tất cả những gì chúng con nói ra đều phát sinh từ thiện ý, muốn đi tới một cái thấy chính xác về đối tượng soi sáng, và cống hiến cho đương sự những đề nghị thực tập thực tế để có thể đưa tới những chuyển hóa tốt đẹp cho đối tượng soi sáng. Chúng con nguyện cố gắng không để cho sự buồn giận, thành kiến làm sai lệnh cái thấy của chúng con. Chúng con nguyện bất cứ lời nói nào của chúng con cũng đều phát xuất từ tình thương. Chúng con biết trong khi soi sáng cho một thành phần của tăng thân, chúng con cũng đang soi sáng cho bản thân chúng con, vì vậy việc thực tập soi sáng cũng đem lại lợi lạc cho bản thân mỗi chúng con. Lạy Bụt và chư Tổ gia hộ cho chúng con để buổi thực tập soi sáng này được thành công viên mãn.”
Soi sáng phải khiêm cung
Khi soi sáng cho một người, ta ý thức rằng tình thương ta chỉ có hạn và sự hiểu biết của ta về người đó cũng có hạn, nhưng ta đem hết tất cả những cái đó ra soi sáng. Có cái gì ta hiến tặng cái đó, ta không thể hiến tặng hơn những cái mà ta đang có, nhưng điều đó cũng đỡ lắm rồi. Ta cũng ý thức rằng soi sáng cho người này cũng là soi sáng cho chính ta. Tại vì những ưu điểm của người này có thể ta cũng có, và những khuyết điểm của người này có thể ta cũng có, có thể những khuyết điểm của người này ta có nhưng mà ít hơn, nhẹ hơn, hay có khi lại nhiều hơn. Và mỗi khi ta nói được những ưu điểm của người này thì ta nhìn lại coi mình có những ưu điểm đó hay không, và nếu có thì ta mừng vui và phát nguyện rằng ta sẽ phát triển thêm. Nếu có ít thì ta hổ thẹn, tự nói rằng ta sẽ cố gắng cho được như người này hoặc hơn người này. Thành ra trong khi soi sáng người khác ta có thái độ rất khiêm cung, sợ hãi. Sợ hãi này là một sợ hãi rất là lành mạnh, tức là ta không quá tin rằng những điều ta nói là đúng. Cũng như các vị tổ Long Thọ, khi mà đi vào trong một tác phẩm của mình viết, dầu mình có kiến thức phật pháp rất là sâu rộng, nhưng các Tổ luôn luôn viết kệ nói trước: "Con cầu mong chư Bụt gia hộ điều con nói đây phù hợp với giáo lý của Ngài". Các Tổ như Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân đều viết những câu như vậy trước khi đặt bút xuống viết một cuốn Luận. Còn ta, ta là ai mà không có sự khiêm hạ, không có sự khiêm cung trong khi soi sáng cho sư anh, sư chị, hay sư em của mình? Ta phải khiêm cung lắm mới được.
"…Chúng con biết tất cả chúng con đều là những thành phần của cùng một tăng thân, tất cả chúng con đều là xương thịt của cùng một tăng thân". Ở Việt Nam ta nói anh em như thể tay chân, tay và chân cùng là một xương thịt hết, thành ra tay phải đối với tay trái cũng vậy, tất cả cái đau nhức của tay trái cũng là của tay phải, tất cả những hạnh phúc của cánh tay phải là của tay trái. Phải soi sáng dưới tinh thần đó thì mới đúng. Vì vậy cho nên ta không muốn làm ta đau. Cho nên ta soi sáng như thế nào để người kia không bị đau, tại vì người kia đau chính là ta đau. "Chúng con nguyện đem hết tình thương và sự hiểu biết của chúng con để thực tập công việc soi sáng". Ta có tình thương, ta có nhận thức về người kia cũng như về ta, ta ý thức được tình thương của ta còn hạn hẹp, hiểu biết về chính mình và về người kia cũng đang còn hạn hẹp, nên ta không quá tin chắc là cái ta thấy đó tuyệt đối đúng. Điều này quan trọng lắm. Và đây là thực tập cho mình chứ không phải là cho ai hết. "Chúng con nguyện tất cả những gì chúng con nói ra đều phát sinh từ thiện ý muốn đi tới một cái thấy chính xác", tức là ta chỉ đóng góp một vài yếu tố để đi tới cái thấy chính xác đó thôi chứ không hẳn ta nghĩ rằng ta có đủ tất cả những yếu tố chính xác. Ta phải nhờ vào mắt của tăng thân nữa. Và cống hiến những đề nghị thực tập thực tế có thể đưa tới những chuyển hóa tốt đẹp cho soi sáng. Tức là nếu quả thực ta thương em ta hay là chị ta, ta muốn cho người đó có cơ hội chuyển hóa thì lời ta nói không có tính cách chỉ trích. Trong khi nói, tình thương của ta được biểu hiện ra thì người kia sẽ không bao giờ giận, mà tình thương đó, thiện chí đó ai cũng thấy nơi ta hết. Vì vậy cho nên ta phải sử dụng sự thông minh và kinh nghiệm của ta để cống hiến cho đương sự một nẻo thoát. Nếu ta không cống hiến được điều này thì dù ta có tình thương rồi nhưng ta không có trí tuệ thì tình thương đó chưa phải tình thương đích thực.
Có tình thương, muốn giúp nhưng mà phải tìm ra cách. Vậy trước buổi soi sáng ta đã tìm ra cách chưa, ta đã từng giúp em của ta chưa, ta đã từng gọi em tới hỏi han chưa? Nếu ta đã từng giúp em rồi thì trong buổi soi sáng này chỉ là sự tiếp nối của điều đó thôi và tình thương cũng như thiện chí của ta không những em nhận thấy được mà tất cả mọi người cũng thấy được, thấy được cái giá trị đó, tin được cái giá trị đó của ta, và ta sẽ làm gương cho những người khác. Khi soi sáng như vậy, ta là cái gương soi sáng cho những người khác. Và khi đến lượt họ soi sáng, họ cũng sẽ tập nói được như ta. Ở trong đoàn mà có một số người có thể làm được như vậy trong buổi soi sáng thì mọi người đang được học hỏi. Đó là một thứ thiền quán, gọi là thiền quán tập thể. "Chúng con nguyện cố gắng không để cho những buồn giận, những thành kiến làm sai lệch cái thấy của chúng con". Có thể là ta bực mình người đó trong cuộc sống hằng ngày, và bây giờ nhân buổi soi sáng này ta nói cho bõ ghét. Điều đó không đúng. Là con người ta còn có buồn có giận, nhưng cái buồn cái giận đó là một cơ hội cho ta thực tập, ta phải biết nhận diện cái buồn cái giận của mình, phải biết đi tới người kia để thiết lập sự truyền thông trở lại. "Chúng con biết trong khi soi sáng cho một thành phần nào của tăng thân thì chúng con cũng đang soi sáng cho bản thân chúng con, vì vậy việc thực tập soi sáng cũng đem lại những lợi lạc cho bản thân của mỗi chúng con". Trong một buổi soi sáng ta học được thêm về người đó có nghĩa là học được thêm về chính mình. Tại vì tất cả những điều của bất cứ ai nói ra đều có thể giúp ta thấy được mình rõ hơn, chứ không phải chỉ giúp cho ta thấy được người kia rõ hơn. Mỗi người trong chúng ta đều có những ưu điểm và những khuyết điểm hết nên khi ngồi trong những buổi soi sáng, ta thấy ta và ta thấy được người kia, nhìn người kia mà thấy ta.