Điều phục tâm hành (2)
Ba câu thần chú
Biết phương pháp thực tập rồi thì mỗi khi giận ta phải làm theo phương pháp này là khi giận thì phải trở về với hơi thở, chế tác chánh niệm, ôm ấp lấy sự giận đó, và sau đó phải nói cho người kia biết là ta giận, ta đang đau khổ, và ta muốn cho người kia biết. Tại vì nói ra được thì nhẹ, nhưng phải nói bằng lời nói rất ái ngữ. Theo pháp môn này thì ta không được giữ cái giận riêng cho ta quá 24 tiếng đồng hồ vì nó có thể làm ung thối tâm ta. Cho nên phải nói ra và câu nói như thế này:
Câu thứ nhất: "Em đang giận, em đang khổ, và em muốn anh biết chuyện đó" hoặc là "anh đang giận, anh đang khổ và anh muốn em biết chuyện đó" hoặc là "ba đang giận, ba đang khổ, và ba muốn con biết chuyện đó."
Đó là câu nói của ta nhưng ta phải nói bằng giọng rất bình tĩnh. Tại vì nếu giữ cái giận riêng cho ta thì rất nguy hiểm. Lỡ ta thực tập chưa thành công thì nó làm ung thối trong tâm ta, rất là nguy. Theo phương pháp đạo Bụt thì ta không đè nén cái giận xuống. Đè nén nguy hiểm lắm. Một ngày nào đó nó sẽ nổ bùng lên làm tan xác ta và tan xác người kia luôn. Cho nên phương pháp Đức Thế Tôn dạy là không đè nén mà ôm lấy và chuyển hóa. Trong khi chờ đợi sự chuyển hóa thì ta có thể cho người kia biết là ta đang giận, ta đang khổ và muốn người đó biết điều đó cho ta.
Câu thứ hai: "Em đang cố gắng với tất cả sức của em, nghĩa là em đang thực tập theo lời Bụt dạy, lời thầy dạy, nghĩa là em không nói, không làm điều có thể gây đổ vỡ và em đang trở về hơi thở của em để thực tập chuyển hóa.”
Khi người kia nghe câu nói đó thì sẽ nể ta, sẽ thấy ta là người biết quay về thực tập, ta đã cố gắng không nói, không làm trong cơn giận và người đó cũng sẽ quay trở về với sự thực tập của người đó. Thành ra một mũi tên mà ta có thể cứu được hai con chim. Nghĩa là một mũi tên bắn vào cành cây, hai con chim bay mất. Còn nếu ta bắn một con, người kia bắn một con thì chết hết cả hai. Bắn vào cành cây là tốt nhất.
Câu thứ ba là "Anh ơi, anh giúp em đi!" hay "Em ơi, em giúp anh đi!" hay "Ba ơi, ba giúp con đi!”
Tôi đề nghị là nếu trong vòng 24 tiếng đồng hồ mà ta chưa thể nói ba câu đó bằng giọng bình tĩnh thì ta phải viết ba câu đó xuống và đưa cho người kia, miễn là đừng quá 24 tiếng. Tại vì đưa cho người kia mà người kia đọc rồi thì ta bớt khổ liền. Phương pháp của Bụt không phải là phương pháp đè nén. Ta nhận diện cái giận bằng năng lượng chánh niệm, ôm ấp cái giận bằng năng lượng chánh niệm, chuyển hóa cái giận bằng năng lượng chánh niệm. Chánh niệm càng hùng hậu thì công việc càng dễ dàng. Muốn cho chắc ăn, ta lấy một miếng giấy rồi viết ba câu đó xuống rất rõ ràng bằng tiếng Việt hay bằng tiếng Anh. Viết trên miếng giấy nhỏ bằng tấm danh thiếp rồi bỏ vào ví. Khi nào giận thì rút tờ giấy đó ra và suy nghĩ xem ta nên đưa liền cho người đó hay thực tập trước. Nếu thực tập giỏi thì đâu cần phải đưa, tới nói thẳng thôi. "Anh ơi, em đang giận anh lắm đó. Em đang khổ lắm và em muốn anh biết chuyện này. Anh giúp em đi!" Nghĩa là có ý muốn nói anh đừng có nhởn nhơ, anh tưởng là mọi chuyện êm đẹp thì không đúng…
Một mũi tên cứu được hai con chim
Khi ta đưa người kia cái tờ giấy có 3 câu đó thì người kia sẽ giật mình và thấy là họ đã vô ý, đã thiếu chánh niệm, đã gây đau khổ cho người họ thương. Thì người kia sẽ suy nghĩ là họ đã làm gì, đã nói gì đến nỗi làm ta giận như vậy. Đọc tới câu thứ hai: "Em đang làm hết sức của em" thì họ thấy người này đáng quý thật, vì khi giận người này đã không nói năng gì, không làm điều gì, chỉ trở về với hơi thở, đi thiền hành và chăm sóc cơn giận thì thật là hay. Khi đọc xong câu đó thì thế nào người đó cũng trở về với hơi thở và sự thực tập. Một mũi tên cứu được hai con chim. Và câu thứ ba thì rất hay: "Giúp em với!" vì trong khi ta giận thì ta hay chứng tỏ là ta không cần người kia: "Tôi không cần anh, để tôi yên, tôi tự sống một mình được mà!" Con người sao mà dại quá chừng! Người kia thấy ta không hạnh phúc, người kia tới gần hỏi: "Em có sao không? Em có giận anh không?" Ta sẽ sừng sộ: "Giận hả? Tại sao tôi phải giận?" Nói vậy đó. Ta không công nhận sự thật. Và nếu người kia nói: "Anh thấy em khổ quá đi" thì ta trả lời: "Khổ hả? Tại sao tôi phải khổ?" Rồi người kia thấy tội nghiệp, để tay trên vai ta thì ta né ra và nói: "Để tôi yên, kệ tôi!" Đó là tánh con nít của mọi người chúng ta. Khi giận thì không muốn người kia động tới và không muốn kêu cứu với người đó. Tự ái ta rất lớn. Thà rằng ta đóng cửa, khóa lại và khóc thầm trong phòng hơn là nói với người kia là ta khổ. Vì vậy khi nói được với người kia "Giúp em với!" thì đó là lời nói của yêu thương. Tại vì khi ta cam kết sống với người đó suốt đời thì ta đã cam kết sẽ chia sẻ những khổ đau và hạnh phúc. Nhưng khi ta khổ đau mà nói: "Em không cần anh!" thì ta đã phản bội lời cam kết.
Đối với con ta cũng vậy thôi. Là cha con, mẹ con với nhau thì ta phải chia sẻ những khó khăn và hạnh phúc với nhau. Tại sao ta tự ái, để tự ái chia rẽ hai người? Cái đó không phải là tình thương đích thực. Khi có tự ái ở trong thì tình thương đó không phải là tình thương đích thực. Thành ra câu số ba quan trọng lắm. Câu "Giúp em đi!" chứng tỏ ta cần người kia. Khi thương ta phải biết nói câu đó. "Anh hãy cắt nghĩa cho em (hoặc em hãy cắt nghĩa cho anh) là tại sao anh nói câu đó, anh làm điều đó cho em khổ?" Cắt nghĩa rồi thì người kia sẽ hối hận, người kia sẽ thở và nói câu xin lỗi. Và khổ đau sẽ hết, tình thương sẽ được tái lập trở lại. Mà nếu sau khi thực tập thấy lỗi của ta thì ta nói rõ ràng: "Sau khi thực tập em thấy lỗi của em rất là nhiều, em xin lỗi anh." Cứ nói sự thật ra như vậy. Nếu ta là người chồng thì ta cũng viết như vậy. "Anh đang khổ, anh đang giận em lắm. Và anh muốn em biết cho điều đó. Anh đang cố gắng thực tập theo lời thầy dạy. Em giúp anh một phần với, em là người đạo hữu của anh, em là người bạn đời của anh trên con đường thực tập mà." Đối với con, ta cũng có thể thực tập như thế: "Con ơi, bố đang đau khổ, bố đang giận con và bố muốn con biết cho bố điều đó. Bố đang cố gắng thực tập đây, con giúp bố đi". Thì ta phải trở về giúp bố ta. Bố ta đang khổ, bố ta đang thực tập thì ta cũng phải thực tập. Thành ra lời nói đó là lời nói của thương yêu đích thực và không có dấu hiệu của cái gọi là tự ái trong đó. Chứ nếu ta nói: "Mình là cha nó chứ nó đâu phải ông nội mình mà viết thư cho nó!" thì lúc đó cái tình giữa hai người chưa phải là tình thương đích thực. Và bà có thể viết câu này nhưng đừng đưa cho ông coi, bà đọc thôi (ông cũng vậy, ông có thể viết câu này nhưng đừng đưa cho bà coi, ông đọc thôi): "Em đang giận anh lắm, em muốn trừng phạt anh, em muốn làm anh khổ cho bõ ghét. Nhưng em biết nếu có tai nạn xảy ra mà anh chết thì em sẽ suốt đời khóc thương anh". Cứ đọc câu đó đi là sẽ hết giận liền lập tức. Quý vị cứ ghi câu đó vô. Viết cho ta đọc thôi, giữ kỹ trong ví của ta, đừng cho ổng thấy. Mỗi khi giận quá thì rút tờ giấy đó ra đọc!
Chất độc
Trong con người chúng ta có hai chất độc, hai chất độc này làm cho ung thối con người của chúng ta, làm cho chúng ta không có hạnh phúc. Chất độc thứ nhất gọi là sự thèm khát, và chất độc thứ hai gọi là hận thù. Hận thù là một năng lượng ở trong con người của ta. Bắt đầu thì ta cũng như người khác, hạt giống của sự hận thù nhỏ thôi, nhưng tại vì ta không biết sống chánh niệm cho nên mỗi ngày ta cứ tưới tẩm hạt giống hận thù, giận hờn ở trong ta. Hạt giống đó lớn lên từ từ rồi biểu hiện ra trong lời nói và trong hành động. Và khi mà có năng lượng của sự sân hận, của sự oán thù ở trong người của ta rồi thì những lời nói, hành động của ta có công dụng làm đổ vỡ. Đổ vỡ cái gì? Đổ vỡ sự liên hệ giữa ta và người ta thương. Bắt đầu thì chỉ có một sự bực mình nho nhỏ, nhưng mà ta đâu có biết phương pháp để quản lý sự bực mình đó, vì vậy cho nên mỗi ngày bực mình thêm một chút, và sự bực mình đó trở thành sự hờn giận, sự hờn giận trở thành sự hận thù, đó là những cốt tủy khổ đau trong con người của ta. Khi đó những gì ta nói và làm đều có thể gây đổ vỡ cho người bạn lứa đôi của ta. Ban đầu khi hai người mới cưới nhau thì tin tưởng rằng nếu không có nhau chắc là sống không nổi. Sau đó một thời gian, không biết tu học thì hai người gây khổ đau cho nhau, đầy buồn giận, đầy oán thù, rồi bây giờ không thể nhìn nhau được nữa. Ban đầu thì hai người ngồi đó chỉ nhìn nhau là đủ no rồi, thấy người kia sao mà dễ thương quá, nếu người đó không có mặt chắc đời sống ta không có ý nghĩa. Bây giờ đây khi nhìn nhau sao ta thấy mặt người kia dễ ghét quá chừng, nếu ta có tự do thế nào ta cũng ly dị để khỏi phải thấy nhau nữa. Ban đầu thì nói rằng nếu không có em thì đời đâu còn có nghĩa gì nữa; bây giờ ta lại nói rằng nếu có em thì chắc anh sống không nổi quá.
Thương nhau là nhìn nhau
Có một tờ báo phụ nữ nổi tiếng ở Paris là tờ báo Elle có gởi một đặc phái viên tới Làng Mai để phỏng vấn các sư cô. Sau khi các sư cô đòi điều kiện là phải ở tu một tuần rồi mới cho phỏng vấn, bà ta cũng chấp nhận. Và sau khi ở tu một tuần rồi thì bà thích, bà thấy sao mà các sư cô sống với nhau có vẻ hạnh phúc, hài hòa và đem lại rất nhiều hạnh phúc cho những người tới với họ. Hôm đó tôi từ Sơn Cốc tới thăm Xóm Mới thì các sư cô sắp đặt để cho nhà báo đó được gặp tôi. Các sư cô dặn trước là gặp tôi đừng có hỏi lý thuyết mà hãy hỏi những câu hỏi rất thực tế vì tôi không có nhiều thì giờ. Bà ta hỏi tôi có phép thực tập nào giúp cho những người phụ nữ Pháp không thì tôi mới đề nghị phương pháp thực tập sau đây:
Hai vợ chồng người Pháp đang ngồi ở trong phòng khách, đang nhìn về hướng vô tuyến truyền hình thì người vợ mới xoay lại người chồng nói rằng: ‘Anh ơi! Anh có thể tắt máy truyền hình để em có chuyện rất quan trọng muốn nói với anh’. Người chồng có vẻ hơi bực, nhưng vì người vợ nói với tất cả sự dễ thương, nên người chồng đồng ý. Người chồng bắt buộc phải tắt Ti-vi, nhưng hễ tắt Ti-vi thì bắt buộc phải nhìn mặt vợ, mà bây giờ nhìn mặt vợ thì không có gì là hạnh phúc lắm. Lúc đó bà hãy thở vào một hơi cho sâu và thở ra một hơi cho thong thả rồi nhìn vào mặt ông, bà nói: ‘Anh ơi! Chúng ta có phải là một cặp vợ chồng có hạnh phúc không?’ Hỏi với tất cả trái tim của bà. Nếu câu trả lời là không thì tại sao, vì những lý do gì ta không có hạnh phúc? Tại sao ta có nhà, có xe, có công ăn việc làm, có địa vị trong xã hội, có trương mục trong ngân hàng, nhưng ta không có hạnh phúc? Nếu bà hỏi câu hỏi đó bằng tất cả trái tim của bà, đừng hỏi bằng giọng thách thức, châm biếm, buộc tội người đàn ông, thì người đó bắt buộc phải thực tập nhìn sâu với bà, nhìn sâu vào tình trạng hiện thời, để thấy tại sao họ có những điều kiện như vậy mà lại không có hạnh phúc.
Tôi nói với bà là tắt Ti-vi đi và cùng ngồi đó để nhìn vào tình trạng của họ. Đó là một phương pháp thực tập thiền quán. Nếu hai vợ chồng làm giỏi thì trong vòng một giờ đồng hồ là có thể tìm ra được lý do khiến cho họ đang không có hạnh phúc. Họ đã dại dột như thế nào, họ đã vụng về như thế nào để gây khổ đau cho nhau, gây khổ đau bằng lời nói và bằng hành động. Nếu nhìn sâu ta thấy rõ ràng rằng tại vì ta không quản lý được sự bực mình, sự giận hờn trong ta nên sự giận hờn đó được biểu lộ bằng lời nói, bằng hành động, làm đổ vỡ và sau đó chúng ta không thể nhìn nhau được nữa. Vì vậy cho nên những phương pháp Bụt dạy làm thế nào để quản lý cái giận, ôm ấp cái giận, chuyển hóa cái giận, là những phương pháp rất quý báu.