Chương 20: Chuyển luân Thánh vương
Giáo lý dạy cho các vương quốc: Kinh Chuyển Luân Thánh Vương
Chúng ta đã học kinh Người Áo Trắng và kinh Giáo Hóa Người Bệnh là hai kinh Bụt đã dạy cho thương gia Cấp Cô Độc. Phần lớn các kinh là Bụt nói cho người xuất gia, người xuất gia trong truyền thống của Bụt và người xuất gia trong các truyền thống khác. Các vị xuất gia từ các truyền thống khác thường rất muốn tới thăm giáo đoàn của Bụt và nghe Bụt thuyết pháp. Bụt dạy nhiều kinh cho các vị tỳ kheo và nhiều kinh cho các vị Bà la môn, các vị phạm chí. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những kinh Bụt dạy cho người cư sĩ mà kinh Người Áo Trắng là một trong những kinh đó. Chúng ta thấy rõ là Bụt cho người cư sĩ một chiều hướng tâm linh trong cuộc đời của họ. Bụt nói trong kinh Người Áo Trắng, người cư sĩ chỉ cần thực tập Năm giới và Bốn phép tùy niệm là bảo đảm không bị sa đọa vào những con đường xấu, không những trong kiếp này mà ngay cả trong kiếp sau. Thực tập đúng đắn Năm giới là ta đã ở được bờ bên kia rồi. Nếu thực tập thêm Bốn phép tùy niệm thì tâm ta tịnh hóa và ta có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Ta không cần phải trông ngóng hạnh phúc ở tương lai. Có 3 điều lợi ích khi ta thực tập Năm giới và Bốn phép tùy niệm:
- Lợi thứ nhất là không bị sa đọa
- Lợi thứ hai là có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại mà không cần chờ tới tương lai.
- Lợi thứ ba là chứng được quả vào dòng và cứ đi theo một mạch là tới giác ngộ hoàn toàn.
Thật ra, kinh Người Áo Trắng là kinh mà Bụt đã dạy đặc biệt riêng cho các nhà doanh thương, khoảng 500 vị doanh thương đã có mặt vào buổi đó. Trong các năm gần đây, Làng Mai có tổ chức các khóa tu cho những nhà doanh thương ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Đại Hàn và Hồng Kông. Chúng ta cũng căn cứ trên giáo pháp của kinh Người Áo Trắng để giúp cho các doanh thương có hạnh phúc trong giây phút hiện tại, đừng đánh mất mình trong công việc, có thì giờ để chăm sóc mình và chăm sóc người thương của mình, đem lại hạnh phúc cho mình, cho người thương và cho công nhân của mình. Chúng ta đã theo rất sát lời dạy của Bụt để cung cấp giáo lý và sự thực tập cho giới doanh thương.
Cho giới chính trị thì Bụt đã dạy những gì? Các nhà chính trị đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội nên chúng ta cần phải học thật kỹ kinh Bụt dạy cho các nhà chính trị. Chúng ta cũng đã từng mở các khóa tu cho những dân biểu quốc hội ở các nước như Hoa Kỳ, Ái Nhĩ Lan, v.v… Trong khóa tu sắp tới ở Thái Lan, chúng ta cũng có một ngày tu cho các nhà chính trị Thái Lan. Mahanama là vua kế tiếp vua Tịnh Phạn. Thỉnh thoảng Bụt cũng về thăm và dạy cho Mahanama cách trị dân. Vua Mahanama thường thỉnh Bụt và tăng đoàn đến nhà để cúng dường và nhân những cơ hội đó, Bụt đã dạy cho Mahanama nghệ thuật trị dân. Ngài dạy gần giống như đã dạy cho trưởng giả Cấp Cô Độc, nghĩa là Ngài cũng dạy Bốn phép tùy niệm và Năm giới nhưng có thêm vào năm lực, tức là tín, tấn, niệm, định và tuệ. Bụt nói người làm chính trị phải có niềm tin (tín), tin rằng nếu làm đúng thì mình sẽ có hạnh phúc và dân trong nước mình sẽ có hạnh phúc. Nhà chính trị phải trị dân theo chánh pháp gọi là đức trị, mà không trị bằng uy quyền. Phần lớn các vua chúa trên thế giới đều là những nhà độc tài. Bụt và giáo đoàn tìm cách hướng dẫn các vua chúa để họ có từ bi hơn trong việc cai trị dân chúng. Bụt cho họ một niềm tin, nếu có đức tin thì vua có hạnh phúc và có thể làm hạnh phúc cho những người khác, trước hết là cho dân trong nước của mình. Bụt dạy vua Mahanama thực tập Năm lực (the five powers), nghĩa là thực tập tín, tấn, niệm, định và tuệ. Tấn là sự siêng năng. Niệm, định và tuệ là ba năng lượng mà chúng ta đã học. Trong niệm có Bốn phép tùy niệm, tức là phải luôn luôn nhớ tưởng tới Bụt, Pháp, Tăng và Giới. Ngoài ra với các nhà chính trị, Bụt dạy thêm hai phép tùy niệm nữa là niệm thí và niệm thiên.
1. Niệm thí
Thí (the practice of generosity) là đừng khư khư giữ của trong kho, phải chia của cải cho người nghèo, phải giúp vốn cho họ. Ví dụ đối với những nông dân nghèo thì ta phải cho họ hạt giống, phân bón, đối với những tiểu thương thiếu vốn thì ta cho họ vốn, đối với những cô nhi quả phụ không có khả năng tự lập thì ta phải tổ chức cho họ những cơ hội để họ có thể sinh sống. Khi thực tập thí thì trong lòng ta có hạnh phúc ngay, ta không mong cầu sự báo đáp, đền trả trong tương lai. Bố thí là sự hiến tặng, ta đừng trông cầu quả báo trong tương lai như là một sự đổi chác. Ta bố thí một cách vô tướng, thấy được niềm vui của người khác là tự nhiên mình đã được đền bù.
Nhưng có người trong chúng ta nghĩ bố thí là bỏ vào trương mục tiết kiệm siêu hình của mình một số công đức để dành xài sau này trong tương lai. Bố thí như vậy cũng hay, nhưng chưa hay lắm. Bố thí vô tướng thì hay hơn. Bố thí cho ta niềm vui ngay trong giây phút hiện tại. Thấy hành động bố thí của mình làm cho người khác vui và bớt khổ đó là phần thưởng cho mình ngay lập tức. Ở Việt Nam chúng ta có câu “Ăn ở hiền lành để phước cho con”, hay câu “Cha ăn mặn thì con khát nước”. Bố thí rộng rãi thì các con thế nào cũng có tương lai. Niềm tin đó cũng rất hay. Đối với các ông vua, Bụt đề nghị sự thực tập niệm thí, luôn luôn nghĩ tới sự hiến tặng. Hiến tặng hạnh phúc là phận sự của một vị vua.
2. Niệm thiên
Niệm thiên là niệm các cõi trời và các cư dân trên cõi trời đó. Từ xưa người ta tin có các thiên nam và thiên nữ, tiếng Anh là Gods. Nhưng trong đạo Bụt, trên cõi trời cũng có sinh ra và chết đi. Nếu có phước chúng ta sinh ra ở cõi trời, tuy sống lâu và có hạnh phúc nhưng rốt cuộc cũng vẫn phải chết. Nhưng nếu ở cõi trời mà ta biết thực tập Bốn phép tùy niệm và Năm giới thì sau khi chết ta sẽ sinh lại ít nhất là ở cõi trời chứ không bị thoái đọa.
Các vị vua thường nghĩ mình là người đặc biệt, nếu không đặc biệt thì tại sao họ lại làm vua? Ở Trung Quốc các ông vua thường nghĩ mình là con của trời (thiên tử) được sai xuống để trị dân gọi là Thiên tử. Niềm tin đó rất phổ biến trên thế giới như ở Ai Cập, Tây Tạng, Miến Điện, v.v… Ở nhiều nước Âu châu người ta cũng tin rằng ông vua được trên trời gửi xuống để trị dân. Vì vậy trong đạo Bụt người ta xây dựng một hình tượng gọi là Chuyển luân thánh vương. Chuyển là xoay, luân là bánh xe.
Đức Bụt là một vị Chuyển luân vương nhưng bánh xe của Ngài là bánh xe pháp. Ngài là một ông vua đi chân đất, một ông vua pháp (dharma king) không có quyền lực chính trị nhưng trong tay có rất nhiều quyền lực tinh thần, tâm linh. Trong khi đó, một vị Chuyển luân thánh vương thì lại có những quyền lực khác. Chuyển luân thánh vương là một hình ảnh mà đạo Bụt dựng lên để các nhà chính trị đi theo. Một Chuyển luân thánh vương là một ông vua đã chinh phục rất nhiều đất đai, có rất nhiều tướng tài, nhiều chiến xa, nhiều voi và ngựa ra trận, có những cố vấn rất giỏi, có nhiều hoàng tử thông minh và nhiều anh hùng có thể giúp vua trị nước… Niềm tin đó đã có sẵn trong thời của Bụt. Khi Siddharta ra đời, các nhà tiên tri đã đoán đứa bé này lớn lên sẽ trở thành một vị Chuyển luân thánh vương (universal monarch) hay là sẽ đi tu và sẽ dạy đạo cho toàn thế giới. Cuối cùng thì Siddharta không làm vua với quân đội, lính hầu mà làm vua với chiếc bình bát và những bước chân khất thực thảnh thơi. Trong kinh có đưa ra hình ảnh của một vị Chuyển luân thánh vương, một Chuyển luân thánh vương phải có bảy loại châu báu: luân, tượng, mã, châu, nữ, cư sĩ, chú binh thần.
- Luân, tức chiến xa
- Tượng, tức voi trận
- Mã, tức ngựa trận
- Châu, tức châu báu, vàng bạc
- Nữ, tức cung tần mỹ nữ xinh đẹp
- Cư sĩ, tức là các vị bộ trưởng rất giỏi lo về quân sự, giáo dục, kinh tế,v.v…
- Chú binh thần, tức những tướng tá rất tài giỏi
Có bảy thứ báu đó trong tay thì vua có quyền lực rất lớn. Trong kinh Thiên Nghiệp Thí Dụ (Divyāvadāna) tả một vị Chuyển luân thánh vương như thế này: Vị vua đó đứng đầu quân đội của mình, một vị vua rất công bằng, một vị vua dựa vào chánh pháp, có bảy thứ báu: chiến xa, voi, ngựa, châu báu, hoàng hậu và cung phi mỹ nữ, có các bộ trưởng, các tướng tá. Vị đó có 100 đứa con trai, đứa nào cũng đẹp và hùng mạnh, là những anh hùng có khả năng tiêu diệt được quân đội thù nghịch. Vị vua đó đã chinh phục được đất đai rộng lớn cho đến đại dương. Vị đó dẹp bỏ tất cả những hình phạt độc tài và trị nước không bằng gươm đao mà chỉ sử dụng đức độ.
Các ông vua thường nghĩ mình từ trên trời đưa xuống để trị dân. Là vị Chuyển luân thánh vương thì phải làm đúng sứ mệnh trời giao, phải trị nước bằng đức độ, bằng giáo pháp, không được sử dụng những phương pháp bạo động, gian dối và hận thù. Vua phải làm được những điều mà dân trông chờ như phải biết bố thí, lấy của trong kho ra giúp cho người nghèo, đừng áp dụng những hình phạt nặng nề. Nếu vua làm được như vậy thì tất cả dân chúng đều yểm trợ, dân chúng trong nước tuân phục nên vua sẽ trị nước một cách dễ dàng. Một Chuyển luân thánh vương trị nước căn cứ hoàn toàn trên pháp (Dharma), đó là hình ảnh của một vị Chuyển luân thánh vương do Bụt đưa ra.
Trong kinh 26 của Trường Bộ hay kinh 6 trong Trường A Hàm gọi là Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành Kinh, Bụt dạy cho vua phương pháp trị nước để vua có hạnh phúc và dân chúng trong nước cũng có hạnh phúc. Giáo lý mà Bụt ban phát cho giới chính trị rất đầy đủ. Sau đây là vài nét đã được ghi lại trong kinh:
Y ư pháp lập pháp cụ pháp.
Y ư pháp là nương tựa vào pháp. Lập pháp là thành lập chánh pháp. Cụ pháp là đầy đủ chánh pháp.
Một vị Chuyển luân thánh vương chỉ nương tựa vào pháp, lấy giáo pháp làm nền tảng của sự trị dân.
Cung kính tôn trọng quán sát ư pháp
Là một vị vua phải có tâm cung kính, tôn trọng và quán chiếu về pháp.
Dĩ pháp vi thủ hộ chánh pháp
Lấy chánh pháp làm đầu mối và phải biết bảo hộ cho chánh pháp.
Nếu vua biết bảo hộ chánh pháp thì chánh pháp sẽ yểm trợ cho vua. Khi vua biết tu tập theo Năm giới và Sáu phép tùy niệm thì vua sẽ có sức khỏe, sống lâu và trị dân lâu dài. Vua thực tập rồi khuyến khích hoàng hậu, cung phi cùng thực tập theo. Tu thân rồi mới tề gia, lo cho thân mình rồi mới lo tới gia đình. Sau khi tu tập được thì vua phải dạy cho hoàng hậu, các cung phi, các hoàng thái tử cùng tu tập với vua. Tiếp theo vua phải mời các quan đại thần cùng thực tập theo. Khi các quan đại thần đã thực tập theo vua rồi thì lúc đó mới ra chỉ dụ khuyên dân chúng trong nước cùng thực tập. Như vậy chắc chắn thế nào trong nước cũng có đoàn kết và an cư lạc nghiệp. Đó là những lời Bụt dạy trong kinh “Sự Thực Tập Của Một Chuyển Luân Thánh Vương”.
Nếu trong nước có những vị A la hán, có những nhà tu thành đạo (một nhà tu thật có đức tính khiêm cung, có trí tuệ, có nhẫn nhục, có biện tài, có lòng nhân ái,v.v…) thì vua phải tới thăm hỏi, gần gũi để học hỏi từ các vị đó. Nếu có vấn đề khó khăn trong nước thì vua phải tới tham vấn rồi vâng theo lời chỉ dạy của các vị đó, vì các vị trưởng lão thật tu đại diện được cho Pháp. Vấn đề không phải chỉ là cúng dường hay ban cho cà sa màu tím và đưa vị đó lên địa vị quốc sư. Cái chính là vua phải thân cận với vị đó để học hỏi, tham vấn khi gặp khó khăn trong sự trị nước.
Ngay lúc Bụt chưa thành đạo, vua Tần Bà Sa La đã muốn mời Ngài về làm quốc sư. Một ông vua làm chính trị luôn luôn phải có một nhà đạo đức bên cạnh mình. Đứng về phương diện hình thức thì đó là một hình ảnh rất đẹp, dù cho về phương diện nội dung ông vua đó có nghe theo lời khuyên dạy của nhà đạo sư hay không. Vua Quang Trung, người đã đánh bại quân Thanh cũng đã tìm La Sơn phu tử về làm thầy. Có nhiều nhà tu trốn vào trong núi, vậy mà vua cũng cho thám tử đi tìm để mời về kinh. Thời triều Nguyễn, các vua cũng cho mời các thầy giỏi về giảng dạy cho gia đình hoàng gia như vua cuối cùng của triều Nguyễn đã mời hòa thượng Thập Tháp về giảng dạy trong cung. Những ông vua trị nước luôn khao khát có một vị đạo cao đức trọng ở gần bên mình. Đứng về phương diện hình thức thì đó là một loại trang điểm, nhưng đứng về phương diện nội dung thì vị đó giúp cho vua được an tâm khi trong nước xảy ra những vấn đề lớn và chỉ dẫn cho vua cách hành xử có từ bi.
Dân chúng và cả cộng đồng Phật giáo đòi hỏi vua phải tu tập. Khi trong nước có bệnh truyền nhiễm làm chết rất nhiều người hay trong nước bị mất mùa, hạn hán, dân chúng đói kém liên tiếp nhiều năm thì dân chúng thường đổ trách nhiệm cho vua. Họ cho rằng vua tu hành không đàng hoàng nên đất nước mới có vấn đề. Vua bị áp lực phải thực tập phạm hạnh, không đụng tới nữ sắc, phải ăn chay, nằm đất, còn các thầy trong chùa thì cầu nguyện, phóng sinh. Chính các vua triều Nguyễn, trước khi lên đàn Nam Giao ở Huế để tế trời, phải ăn chay nằm đất để tịnh hóa rồi mới có tư cách tế trời. Khi một ông vua tự nhận mình là Chuyển luân thánh vương thì dân chúng, các thầy, các bậc đạo sư trong nước trở thành cảnh sát tâm linh của vua. Vua có nhiệm vụ phải tu thì đất nước mới được bình an. Đó là phương pháp của đạo Bụt và phương pháp đó rất thành công.
Nếu học lịch sử của các nước Á châu, chúng ta thấy hầu hết các nước đều có những nhà quân sự độc tài, tàn bạo. Ở Miến Điện, Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn hay Việt Nam, v.v… đều có những nhà chính trị rất tàn bạo. Khi đạo Bụt đi tới các nước đó thì sự thực tập đạo Bụt đã nhân từ hóa những nhà chính trị rất nhiều.
Ở Việt Nam, trong đời nhà Đinh, những hình phạt còn rất dã man như đem tội nhân cho cọp ăn, bỏ vào vạc dầu sôi, v.v… Nhưng khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi, vua đã dẹp bỏ hết những hình phạt dã man đó. Vua là một tập sự xuất gia, là đệ tử của thiền sư Lý Khánh Vân, tức anh của thiền sư Lý Vạn Hạnh. Thầy Khánh Vân gửi học trò của mình là Lý Công Uẩn cho thiền sư Vạn Hạnh nuôi. Thầy Vạn Hạnh thấy Lý Công Uẩn thông minh nên tiến cử vào cung để giúp vua. Cuối cùng thì Lý Công Uẩn đã trở thành vua đầu tiên của triều Lý. Vì đã được huấn luyện trong chùa nên vua Lý Thái Tổ trị nước rất nhân từ, vua dùng chánh pháp để làm nền tảng cho việc trị nước. Theo giáo sư sử gia Hoàng Xuân Hãn triều đại nhà Lý với mấy trăm năm trị vì là một triều đại từ bi nhất trong lịch sử Việt Nam. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã viết: “Triều Lý là một triều đại thuận từ nhất trong lịch sử Việt Nam”. Nhà Trần cũng tiếp tục được như vậy nên triều đại Lý và Trần kéo dài được mấy trăm năm trong hòa bình, an lạc. Vua và dân rất thương nhau. Chuyện này đã xảy ra ở khắp các nước như Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ, v.v… Nhiều nhà chinh phục rất tàn bạo, nhưng khi họ đã nhận theo đạo Bụt, muốn làm một Chuyển luân thánh vương thì họ thay đổi. Một vị vua khác mà ai cũng biết đến là vua A Dục (Asoka), vào thế kỷ thứ III trước Thiên chúa. Vua là một nhà chinh phục và đã chinh phục toàn cõi Ấn Độ. Vua thấy rằng tuy cuộc chinh phục thành công nhưng đã làm tổn hại biết bao nhiêu mạng người nên vua đã hối hận và cuối cùng vua đã xin được quy y Phật pháp. Sau khi vua quy y thì có nhiều điều mầu nhiệm đã xảy ra như: vua cho đào giếng, trợ cấp cho người nghèo, yểm trợ cho các thầy, cấm sát sanh, v.v… Vua Aśoka trở thành Dharmāśoka. Aśoka là vô ưu, dharmāśoka là pháp vô ưu. Vua Aśoka đã đóng vai Chuyển luân thánh vương một cách hoàn hảo. Không những vua đã yểm trợ đạo Bụt hết lòng mà vua cũng đã yểm trợ các tôn giáo khác không hề kỳ thị. Nếu không có vua Asoka thì đạo Bụt sẽ không thể trở thành một tôn giáo quốc tế. Vua đã gửi các phái đoàn truyền giáo đi khắp mọi nơi, đi xuống miền Nam đến tận Tích Lan, đi lên miền Bắc đến tận Kashmir, đi qua miền Tây đến tận Hy Lạp. Trong khi Bà la môn giáo và Kỳ na giáo vẫn ở trong biên giới nước Ấn Độ thì Phật giáo vượt khỏi biên giới Ấn Độ và trở thành một tôn giáo quốc tế. Đó là công trình của vua A Dục. Vua đã xứng đáng là một vị Chuyển luân thánh vương. Những kinh xuất hiện sau này đã mô tả vua A Dục là một vị Bồ tát của Đại thừa, vì nếu không có vua thì đạo Bụt sẽ không hưng thịnh như bây giờ.
Sau vua A Dục có vua Milinda, vua Milinda là một nhà chinh phục Hy Lạp. Vương quốc của vua Milinda nằm ở phía Tây Ấn Độ. Vua mời một vị xuất sĩ là Na Tiên tỳ kheo (Nāgasena) về làm quốc sư cho mình. Vua Milinda và thầy Nāgasena đã cùng nhau đàm thoại rất nhiều và khá sâu sắc về Phật pháp. Những câu hỏi của vua đã được ghi chép trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo. Vua sống đúng theo tinh thần của một Chuyển luân thánh vương nên rất được dân chúng thương. Khi vua băng hà thì các tiểu bang ở Ấn Độ đều đến xin tro của vua để thờ, không khác gì tro của một vị Bồ tát hay một vị Bụt.
Vào thế kỷ thứ II sau Thiên chúa có vua Kaniṣka, vua cũng đã đi chinh phục, đã theo đạo Bụt và trở thành một vị Chuyển luân thánh vương. Vua đã đưa đạo Bụt lên miền Bắc để truyền sang Trung Quốc và các nước khác.
Trong lịch sử của Á châu có rất nhiều vua tự nhận mình là Chuyển luân thánh vương. Ngay cả vua Mông Cổ Genghis Khan cũng tự nhận mình là một vị Bồ tát nhất sinh bổ xứ. Kublai Khan cũng là một Chuyển luân thánh vương. Ở Cambodia, vua Jayavarman VII cũng nghĩ mình là một vị Bồ tát, một vị Bụt. Khi mẹ vua mất, vua đã cho tạc tượng Bát Nhã Ba la mật. Ngày xưa ở Ấn Độ, Bát Nhã ba la mật là mẹ của các vị Bụt. Kinh Bát Nhã có nói tất cả các vị Bụt đều do Bát Nhã Ba la mật sinh ra. Trí tuệ ba la mật (perfect understanding), prajñā- pāramitā là mẹ của tất cả chư Bụt. Người ta đã nhân cách hóa và tạc tượng prajñā-pāramitā dưới hình tướng của một nữ nhân. Ở Thái Lan, đến thế kỷ XX mà vua vẫn nghĩ mình là một vị Bụt. Các vua Miến Điện hay vua Tây Tạng, ai cũng nghĩ rằng mình là một vị Bồ tát, một vị Bụt. Muốn làm Bồ tát hay Bụt cũng được, nhưng vua phải thực hành chánh pháp và dân chúng đều là những vị cảnh sát để nhắc nhở vua.
Với phương pháp của mình, đạo Bụt đã từ bi hóa, nhân từ hóa biết bao nhiêu chế độ chính trị ở các nước Á châu. Trước đó những người cầm quyền là những nhà độc tài tàn bạo, nhờ sự giáo hóa của đạo Bụt mà những ông vua đã được thuần hóa. Đạo Bụt đưa ra hình ảnh của một vị Chuyển luân thánh vương trị nước theo chánh pháp và bắt buộc vua phải làm theo hình ảnh đó thì mới nhận được sự yểm trợ của dân chúng. “Chuyển Luân Thánh Vương Tu Tập Kinh” là kinh Bụt đã giảng khi Ngài còn tại thế.
Giáo lý Bụt dạy cho các nước dân chủ
Ngày xưa, phần lớn các nước theo chế độ quân chủ, nhưng trong thời của Bụt có một nước nhỏ đã bắt đầu muốn theo chế độ dân chủ. Đó là nước Vajji ở miền Bắc sông Hằng, có thể đó là một nước dân chủ sớm nhất trên thế giới. Vì vậy Bụt đã dạy những phương pháp hành trì theo thể thức dân chủ. Khi nghiên cứu sự song hành giữa chính trị và tôn giáo, chúng ta thấy có một điều rất lạ là tổ chức chính trị có lưng tựa ở tôn giáo. Lúc đầu chúng ta chưa có những vương quốc lớn do một ông vua thống lĩnh mà chỉ có những bộ lạc (tribut) do các ông trùm làm chúa tể. Tín ngưỡng của thời đó là tín ngưỡng đa thần (polytheism). Trong một xã hội có nhiều bộ lạc và mỗi bộ lạc là do một ông có quyền tuyệt đối đứng trên. Nhưng khi một nhà chinh phục liên kết các bộ lạc lại với nhau thành một vương quốc (monarchie) thì tín ngưỡng đa thần trở thành tín ngưỡng nhất thần (monotheism). Tín ngưỡng đa thần đi với chế độ bộ lạc và tín ngưỡng nhất thần đi với chính trị vương quốc. Có những nước hoàn toàn theo một tôn giáo và vị quốc vương là người lãnh đạo tôn giáo đó, như ở nước Tây Tạng thì đức Dalai Lama vừa là vua vừa là giáo chủ. Những nước đó được gọi là thần quốc (theocracy). Ở Ai Cập vua cũng là thần, hay ở nước Anh nữ hoàng cũng là người cầm đầu giáo hội Anh quốc.
Nhưng khi người ta không còn thích chế độ vương quốc nữa và nghĩ rằng toàn dân phải cùng nhau chịu trách nhiệm thì họ đi tới chế độ dân quốc. Quyền quyết định không còn từ một người nữa. Đó là bước thứ ba về chính trị và tôn giáo: tín ngưỡng duyên sinh. Niềm tin thích hợp cho chế độ dân chủ là niềm tin nơi đạo lý duyên khởi, có nghĩa là: Nhờ anh mà tôi có thể sống được. Tôi là nhà chính trị nhưng nếu anh không dệt vải thì tôi không có áo mặc, anh không cày ruộng thì tôi không có cơm ăn. Anh cũng quan trọng như tôi. Chúng ta nương vào nhau mà sống. You are therefore I am. Tu es donc je suis. Đó là tín ngưỡng thích hợp nhất cho chế độ dân chủ. Trong lịch trình của sự tiến hóa, trên phương diện chính trị, chúng ta đi từ chế độ bộ lạc tới chế độ dân chủ thì trên phương diện tôn giáo chúng ta đi từ tín ngưỡng đa thần tới tín ngưỡng duyên sinh.
Bụt đã để thì giờ dạy cho những người trẻ ở nước Vajji cách thức tổ chức một xã hội dân chủ. Mỗi khi Bụt về Vajji thì người trẻ Licchhavis tới chơi rất đông. Người Licchhavis rất trẻ và cởi mở, họ tới nghe Bụt dạy những phương pháp để có một nước cộng hòa dân chủ tốt đẹp. Trong kinh thứ 2 của Trường A Hàm hay kinh thứ 16 của Trường Bộ có ghi những điều Bụt dạy cho họ. Lúc đó vua Bimbisāra đã qua đời và vua A Xà Thế (Ajãtaśatru) lên thay. Vua A Xà Thế có nhiều cố vấn hung dữ và vua đã từng đem quân đi chinh phục nước Kosala. Hồi đó Bụt đang ở tu viện Cấp Cô Độc thì vua A Xà Thế đem quân tới đánh Kāsi (Benares). Vua Ba Tư Nặc (Prasenajit), khi gã công chúa sang thành Vương Xá thì vua tặng theo một phong ấp (tức là một đồn điền rất lớn và thu hoạch rất nhiều) để làm của hồi môn. Nhưng thấy vua A Xà Thế quá dữ, đã giết cha để lên làm vua nên vua Ba Tư Nặc lấy lại phong ấp đó. Vua A Xà Thế giận quá, đem quân đội sang đánh và vua Ba Tư Nặc phải ra nghinh chiến. Trong trận đó vua Ba Tư Nặc thua và A Xà Thế chiếm được thành Vārāṇasī. Các thầy ở thủ đô Śrāvasti nhốn nháo lên báo tin cho Bụt. Bụt nói: Này các thầy, tuy vua Ba Tư Nặc thua nhưng vua có
nhiều cố vấn rất giỏi, có bộ trưởng và bằng hữu thông minh, có tài và trung kiên. Thế nào vua cũng tự vệ được. Còn vua A Xà Thế tuy hung mãnh như vậy nhưng chung quanh toàn là những bạn xấu thì sẽ không thành công được lâu dài. Các thầy phải thấy được điều đó và đừng nên sợ. Sau khi chiếm được Benares, quân đội của vua A Xà Thế tiếp tục tiến về thủ đô Śrāvasti. Nhưng vua Ba Tư Nặc đã cho chuẩn bị đối phó, tổ chức kháng chiến trong nội thành và ra lệnh cho các đội binh khác chuẩn bị sẵn sàng. Trong trận đánh thứ hai vua A Xà Thế thua và đã bị bắt sống. Biết bao nhiêu voi, ngựa và quân lính của thành Vương Xá cũng bị bắt. Người ta bảo phải giết vua A Xà Thế. Vua Ba Tư Nặc đã lên thăm Bụt ở tu viện Cấp Cô Độc và Bụt khuyên vua: Dù sao thì A Xà Thế cũng là cháu của vua. Nó có những sai trái thì vua nên kêu vào dạy như thế này:
– Con làm như vậy là sai. Con đã gây ra biết bao tổn thất, đã giết biết bao nhiêu mạng người. Ta sẽ chiếm hết tất cả những voi, ngựa, binh lính và sẽ tha cho con về để học lại cách trị dân, và đừng để chuyện này xảy ra lần nữa.
Theo chính sách nhân từ của Bụt, vua Ba Tư Nặc đã tha cho vua A Xà Thế. Nhưng sau đó vua A Xà Thế lại có ý muốn chiếm nước Vajji. Trước khi cất binh đi, vua A Xà Thế gửi một viên đại thần là Vassakāra đến thăm dò phản ứng của Bụt. Hôm đó trời nóng, đại thần Vassakara thuộc giai cấp Bà la môn tới thăm Bụt và hỏi Ngài:
– Vua chúng con muốn chinh phục nước Vajji, không biết Bụt nghĩ thế nào?
Lúc đó thầy A Nan đang quạt cho Bụt, Ngài quay sang hỏi thầy A Nan:
– Thầy A Nan, thầy có nghe tình hình của nước Vajji như thế nào không?
– Bạch đức Thế Tôn, Ngài muốn hỏi về mặt nào?
– Tôi đã từng dạy cho họ phương pháp thực tập để nước mạnh dân giàu. Không biết họ có làm theo lời tôi dặn hay không? Thầy A Nan, họ có đi họp đều hay không?
– Bạch đức Thế Tôn, họ đi họp rất đều. Trong khi tụ tập, họ tụ tập rất đoàn kết và trong khi giải tán thì họ giải tán rất là hoan hỉ.
– Hay quá đi! Đi họp chuyên cần đã đành rồi mà tới với nhau trong đoàn kết và giải tán trong đoàn kết là đã đủ làm cho họ mạnh rồi.
– Họ có tuân thủ những đạo luật đã làm ra trước đây không? Họ có theo những tuệ giác của truyền thống không?
– Dạ có, họ rất tuân thủ những đạo luật của truyền thống. Nếu họ có thêm thắt chỉ là làm cho đạo luật hợp lý hơn chứ không bao giờ làm ngược lại đạo luật cũ.
– Như vậy là họ đang mạnh lắm. Này A Nan, người trẻ có biết tôn kính những người lớn tuổi có kinh nghiệm không?
– Dạ có, họ biết tôn trọng những bậc đạo cao đức trọng và họ biết nghe lời những người lớn tuổi.
– Như vậy là họ đang mạnh, chắc tới đánh không được đâu.
– Này A Nan, họ có lạm dụng tình dục với con nít và ép uổng phụ nữ ở với họ không?
– Dạ không, họ không lạm dụng tình dục với con nít và không ép uổng phụ nữ tới ở với họ.
– Nếu vậy thì khá lắm. Vậy họ có đi chùa để làm công đức không?
– Dạ họ đi chùa rất đàng hoàng.
– Họ có che chở, bảo hộ các vị A la hán hay không? Họ có tới tham vấn ý kiến của các vị đó không?
– Dạ có, họ rất tôn sùng các vị A la hán. Họ luôn tới thỉnh cầu ý kiến và họ thực tập những lời dạy của đức Thế Tôn rất tinh chuyên.
Hai thầy trò nói chuyện với nhau cốt ý để cho đại thần Vassacara nghe. Sau khi nghe thầy A Nan báo cáo, Bụt nói:
– Này thầy A Nan, tôi nghĩ rằng xứ đó mạnh lắm, không nước nào có thể xâm chiếm nổi đâu.
Bụt nhìn đại thần Vassacara và hỏi:
– Đại thần nghĩ thế nào?
– Bạch đức Thế Tôn, con đã nhận được thông điệp. Nếu xứ Vajji làm được một trong bảy điều đó thì cũng đủ mạnh để không thể bị xâm chiếm rồi, huống chi họ đã thực tập luôn bảy điều đó thì làm sao nước con có thể tới đánh họ được.
Nhờ cuộc nói chuyện này mà chúng ta biết Bụt đã dạy cho một nước dân chủ như thế nào. Bụt dạy rất rõ cho các nhà chính trị. Khi tổ chức khóa tu hay ngày quán niệm cho các dân biểu quốc hội thì chúng ta phải biết phương pháp này. Chúng ta phải chỉ cho họ cách thực tập ái ngữ, lắng nghe, thực tập Bốn phép tùy niệm và áp dụng chánh pháp vào trong đời sống của họ để họ có thể giúp cho những người trong gia đình và giúp các cử tri cùng thực tập với họ. Khi giảng dạy cho các nhà chính trị tôi luôn luôn theo đúng phương pháp Bụt đã dạy. Không những Bụt dạy cho các thầy, các sư cô, các xuất sĩ của các giáo phái khác mà Bụt còn dạy rất kỹ cho dân chúng. Chúng ta có thể viết sách nói về những giáo lý mà Bụt dạy cho nhà doanh thương, dạy cho nhà chính trị để học hỏi, ôn tụng và chia sẻ với những người có quyền lực trên thế giới hiện nay.
Nếu đạo Bụt đã trở nên một nếp sống tâm linh toàn cầu, một phần công đức khá lớn là do các vị quốc vương đóng góp. Ngay từ hồi Bụt còn tại thế, các vị quốc vương như Ba Tư Nặc và Tần Bà Sa La đã là những nhà chính trị có tâm hộ pháp. Các vị vua ấy đã nghe lời Bụt trị nước và giữ nước bằng đạo đức nhiều hơn bằng gươm giáo. Hình ảnh quốc vương là một vị Bồ tát hộ pháp đã được tiếp tục xây dựng qua nhiều thế hệ. Vua A Dục là biểu trưng cho một hình ảnh như thế. Sau khi chinh phục được toàn cõi Ấn Độ, thấy được cảnh bao sinh linh bị tàn sát, vua đã phát tâm quy y Bụt và do đó có biệt hiệu là Pháp A Dục (Dharmāsoka), nghĩa là một vị vua tên A Dục trị nước theo chánh pháp. Vua đã yểm trợ tự viện, tăng đoàn, đã yểm trợ đại hội Phật giáo kết tập, đã dựng trụ đá ca ngợi Bụt và khuyến khích dân chúng tu học và làm lành, đã gửi những phái đoàn truyền giáo ra nước ngoài. Hình ảnh những vị vua hộ pháp trị nước theo tinh thần đạo đức như thế đã đi vào trong các kinh điển, như kinh Hộ Pháp Nhân Vương. Nhân Vương là ông vua nhân từ, cai trị không phải bằng gươm đao mà bằng đức độ. Nếu ở Trung quốc ngày xưa người ta tin vua là con trời được sai xuống để trị dân thì trong truyền thống này, vua là một vị Bồ tát, một vị vua Phật. Sau vua Asoka, có vua Milinda (165-130B.C), vua Kanishka (78-102 A.C.), vua Harsavardhama (606-647 A.C) và các vua trong triều đại Bà la (750-1150), vị nào cũng muốn mình có hình ảnh của bậc Nhân Vương Bồ Tát. Đạo Bụt đã tạo ra hình ảnh đó để làm mẫu mực lý tưởng cho những vị quốc vương noi theo, đó là hình ảnh Chuyển Luân Thánh Vương (Cakravartirājan).
Trong kinh Du Hành (Trường A Hàm 2, D 16), vua cũng nói về những biện pháp khiến cho một nước dân chủ như Vajji có thể trở nên hùng mạnh mà không một nước nào có thể xâm chiếm được. Có bảy biện pháp như thế gọi là Bảy Pháp Bất Thối, trong đó có sự thực tập hội họp thường xuyên, đến với nhau trong đoàn kết, chia tay nhau trong tình huynh đệ, tôn trọng và sống theo luật pháp đã có sẵn, biết tôn trọng các bậc trưởng thượng, nghe theo lời dạy của họ, không bắt ép và lạm dụng nữ giới, siêng năng tới chùa viện để tu tập, tụng giới, và biết che chở cho các vị A la hán đang có mặt trong đất nước của mình.
Trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành (Trường A Hàm 6, D 26) Bụt có đưa ra hình ảnh lý tưởng của một vị Chuyển Luân Thánh Vương (Universol monarch) như sau: “Vị vua ấy nương trên chánh pháp, trị nước hoàn toàn theo chánh pháp, cung kính, tôn trọng, học hỏi chánh pháp, lấy chánh pháp làm tiêu chuẩn, yểm trợ chánh pháp. Tu tập chánh pháp cho tự thân, vua dạy cho hoàng hậu, cung phi và các vương tử cùng thực tập theo. Vua lại khuyên các đại thần bách quan tu tập theo chánh pháp, và khuyên dân chúng nên thực tập theo chánh pháp. Vua thường tới lui thăm hỏi các vị sa môn và bà la môn để tham vấn và học hỏi. Nếu trong vương quốc có những vị sa môn đắc đạo, tu hành thanh tịnh, có tinh tiến, có nhẫn nhục, không kiêu mạn thì vua phải tới tham vấn về các vấn đề thiện và ác, tôn trọng và vi phạm, nên gần giũi ai, nên không gần gũi ai, nên làm gì, nên không làm gì, thực tập theo những pháp môn nào mà có được hạnh phúc lâu dài. Vua biết chu cấp cho cô nhi, quả phụ, tôn trọng luật pháp cổ truyền, v.v…”
Các vị cao tăng trong nước có bổn phận nhắc nhở các vị nhân vương hành xử theo chánh pháp, và các vị quốc vương biết rằng nếu được quần chúng Phật giáo yểm trợ thì việc cai trị sẽ dễ dàng hơn, cho nên các vị quốc vương ấy cố gắng đi theo con đường đức trị hơn là pháp trị. Các kinh như kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa ra đời là để xây dựng lên hình ảnh của một nhà vua như thế, một bậc Chuyển Luân Thánh Vương. Ở Việt Nam, vào đời Lý Trần, các vua đều có tu học, đều muốn noi theo con đường đức trị, và vua Trần Nhân Tông đã đi thật xa: thoái vị, xuất gia, và sử dụng cuộc đời còn lại của mình để dạy dân theo chính pháp. Chúa Nguyễn Phúc Chu cũng rất muốn là một vị vua như thế. Các vị vua , các nhà làm chính trị đến khi về già thế nào cũng có những thao thức, những mối quan tâm về sinh tử, cho nên sự xuất hiện của các kinh về đề tài trị nước theo chính pháp cũng là một trong những phương thức hoằng pháp giáo hóa quan trọng của truyền thống đạo Bụt.