Chương 17: Mười bốn câu hỏi không nên trả lời
Có một thầy đệ tử của Bụt tên Mālunkyāputta (Mãn Từ Tử) thường hay hỏi những câu hỏi về thế giới, về tương lai, về con người, những câu hỏi có tính cách siêu hình như:
– Thế giới này thường tại hay một ngày kia nó sẽ bị tiêu diệt?
– Thế giới này có ranh giới hay không có ranh giới, nó hữu hạn hay vô hạn?
Thường thì Bụt không trả lời những câu hỏi này, cho nên thầy Mālunkyāputta đã rất giận và nói:
– Nếu Bụt không trả lời cho con thì con không tu nữa.
Bụt gọi thầy Malunkyaputta lại và nói:
– Ngày thầy đi xuất gia tôi có hứa với thầy là tôi sẽ trả lời những câu hỏi như vậy không?
– Dạ không, đức Thế Tôn không có hứa như vậy.
– Vậy tại sao thầy lại nói nếu tôi không trả lời những câu hỏi đó thì thầy thôi tu.
Rồi Bụt kể chuyện của người bị trúng tên độc. Khi người ta mời thầy thuốc tới chữa trị thì người bị trúng tên nói: “Khoan chữa trị đã, trước hết tôi muốn biết người bắn tôi tên họ là gì, thuộc quốc tịch nào, vì cớ gì mà bắn tôi, có thù hận gì với tôi hay với dòng họ của tôi không? Tôi muốn biết hết rồi tôi mới chịu cho chữa trị”. Ông thầy thuốc nói: “Nếu anh để thì giờ tìm hiểu cho hết những câu hỏi đó thì anh sẽ chết vì thuốc độc trước khi tất cả các câu hỏi đó được trả lời”.
Bụt dạy:
– Trong chúng ta ai cũng có những nỗi khổ niềm đau, nếu ta chỉ muốn hỏi những câu như vậy thì nỗi khổ niềm đau đó sẽ không bao giờ được chữa trị. Vì vậy tôi chỉ dạy những điều ích lợi, giúp cho anh chuyển hóa, trị liệu những nỗi khổ niềm đau của anh mà thôi.
Đạo Bụt có tính cách thực tiễn (practical). Đức Thế Tôn chỉ dạy về khổ đau và những phương pháp chuyển hóa khổ đau, còn những câu hỏi siêu hình kia, tuy Ngài có thể trả lời được nhưng Ngài đã không trả lời vì Ngài biết chúng không có ích lợi gì cho người tu. Hơn nữa có những câu hỏi không thể trả lời được không phải là đức Thế Tôn không biết trả lời, nhưng không thể trả lời những câu hỏi đó bằng hai phạm trù có và không.
Hồi đó Bụt đang ở Kosambi, một hôm Bụt đi thiền hành về, Ngài cầm một nắm lá simsapa trong tay đưa lên và hỏi các thầy:
– Các thầy, nắm lá trong tay tôi nhiều hay ít hơn lá trong rừng?
Các thầy nói:
– Bạch đức Thế Tôn, lá trong rừng nhiều hơn lá trong tay Ngài.
Đức Thế Tôn nói:
– Đúng như vậy, lá trong rừng nhiều còn lá trong tay tôi thì rất ít. Những điều tôi biết như lá trong rừng, còn những điều tôi đem ra dạy các thầy thì ít như lá trong tay tôi. Tại sao? Tại vì những điều tôi dạy là những điều rất quan trọng để giúp các thầy có thể chuyển hóa và trị liệu, còn những cái khác không có tác dụng giúp các thầy chuyển hóa và trị liệu thì tôi không dạy.
Câu chuyện này chứng tỏ đạo Bụt có mục đích rất thực tiễn. Chúng ta phải dành thì giờ của mình để chuyển hóa và trị liệu. Nhưng người đời, trong đó có các vua quan và cả những đệ tử của Bụt, rất thích hỏi những câu hỏi siêu hình. Có tất cả 14 câu hỏi vô ký, nghĩa là những câu hỏi mà Bụt không bao giờ muốn trả lời.
Thế giới là:
- Thường tại?
- Không thường tại?
- Vừa thường vừa không thường?
- Vừa không thường vừa không không thường?
Bụt không trả lời những câu hỏi trên vì mệnh đề nào trong bốn mệnh đề trên cũng đều sai. Bốn mệnh đề này gọi là tứ cú, mà tuệ giác của Bụt vượt khỏi tứ cú gọi là ly tứ cú.
- Hữu hạn?
- Vô hạn?
- Vừa hữu hạn vừa vô hạn?
- Vừa vô hạn vừa không vô hạn?
Bụt cũng không trả lời bốn câu hỏi này tại vì chúng là vô ký 無 記 avyākrta, tiếng Anh là non- declared.
Như Lai sau khi chết là:
- Còn?
- Không còn?
- Vừa còn vừa không còn?
- Vừa không còn vừa không không còn?
Linh hồn và thể xác:
- Là một (sameness)?
- Là hai (otherness)?
Louis de La Vallée Poussin là một nhà Phật học người Bỉ. Ông học Phật rất nhiều, ông biết chữ Hán, chữ Phạn, chữ Pāli rất giỏi. Ông đã từng dạy ở Institut Catholique Paris vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đã từng dịch tác phẩm Abbhidharmakośa- śāstra của thầy Vasubandhu và Thành Duy Thức Luận của thầy Huyền Trang. Ông có đặt vấn đề là: Bụt không chịu trả lời một số câu hỏi. Bây giờ Ngài mất rồi thì ta phải chịu thôi. (Nói như vậy giống như là có những điều Bụt giữ một mình không chịu nói ra). Ông nói có sự mâu thuẫn giữa giáo lý của Bụt và triết học của Bụt. Ông đặt ra ba vấn đề:
1- Cơ chế nghiệp báo luân hồi (le mechanisme de la retribution des actes)
Bụt không nói rõ cơ chế nghiệp báo luân hồi. Nếu không có chủ thể, không có ngã thì ai tạo nghiệp và ai thọ báo? Tín ngưỡng luân hồi, nghiệp báo trong Bà la môn giáo thì dễ hiểu, vì trong truyền thống Bà la môn giáo có một thần ngã (ātma). Jīva (principe vital) là mạng 命 , là linh hồn. Vậy linh hồn và thể xác (thân) là một hay là hai? Đối với nhà Phật học này thì cơ chế nghiệp báo luân hồi không được Bụt nói rõ, tại vì đạo Bụt chủ trương vô ngã. Không có ngã thì làm sao giải thích được nghiệp báo và luân hồi. Ai tạo nghiệp? Ai thọ báo? Ai đi luân hồi? Đây là những điều Louis de La Vallée Poussin đã viết ra trong cuốn sách cuối cùng của ông “Le dogme et la philosophie du Bouddhisme” (Giáo điều và triết học của Phật giáo). Sau khi đã dịch xong Câu Xá Luận và Thành Duy Thức Luận mà ông vẫn còn hỏi những câu hỏi như vậy.
- Tính chất của linh hồn (la définition du principe qui transmigre)
Bụt không nói rõ về bản chất của chủ thể đi luân hồi (linh hồn). Ai đi luân hồi?
- Niết bàn (l’exégèse du Nirvana)
Bụt không nói rõ là Niết bàn có phải là một cõi hay không? Cõi này nằm ở đâu? Ta đi tới cõi đó như thế nào? Đối với nhà học giả, tính chất của Niết bàn không rõ ràng, nhưng theo tôi thì Bụt đã nói rất rõ về Niết bàn.
Chúng ta cũng phải biết qua những câu hỏi của những nhà học giả để tìm cách giải thích cho những người nghiên cứu về Phật giáo sau này.
Trong kinh có nói tới hai thứ vô ngã:
- Nhân vô ngã 人 無 我 , pudgalanairātmya.
Nhân là pudgala (con người). Vô ngã là nairatmya. Nhìn cho kỹ, trong con người của ta không có một cái ngã, nghĩa là không có một thực thể tồn tại bất biến và tiếp tục mãi mãi. Ngã được định nghĩa là một cái gì thường tại, không thay đổi. Nếu phân tích con người thì ta thấy có năm yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tất cả năm yếu tố đó đều vô thường biến chuyển trong từng giây từng phút. Không có gì là không thay đổi từ hình hài đến cảm thọ, tri giác và nhận thức. Năm dòng sông đó luôn luôn biến chuyển, không có gì thường tại và vĩnh cửu. Như vậy làm gì có một cái ngã ngoài năm yếu tố đó?
- Pháp vô ngã 法 無 我, dharmanairātmya.
Nhìn vào sự vật như cái bảng này, ngọn núi nọ, dòng sông kia ta cũng không thấy có gì bất biến, còn mãi. Vì vậy trong con người không có cái ngã mà trong sự vật cũng không có cái ngã.
Vô thường là khởi điểm, tất cả đều biến chuyển. Tất cả mọi pháp đều có tính cách sát na sinh diệt, nghĩa là các pháp thay đổi trong từng sát na. Các pháp có tính cách điện ảnh. Nhiều người khi nghe nói vô thường thì có cảm giác tiêu cực. Nhưng thật ra nếu không có vô thường thì làm gì có sự sống? Chính nhờ có vô thường nên mới có sự sống. Nếu như có một cái nút, ta bấm vào thì thế giới sẽ ngưng lại, lúc đó tất cả đều cứng đơ và không còn sự sống. Cũng như trong khi đang chiếu phim lên màn ảnh, ta bấm nút dừng thì tất cả mọi hoạt động và hình ảnh đều ngưng lại. Sở dĩ có được sự sống là nhờ có vô thường. Không có vô thường thì hạt bắp ngàn đời cũng vẫn là hạt bắp, ta sẽ không bao giờ có cây bắp và trái bắp để ăn. Nếu sự vật không vô thường thì em bé luôn luôn là em bé, không bao giờ lớn lên được. Nếu tất cả không vô thường thì khi có bệnh là ta bệnh hoài không bao giờ lành, một chế độ độc tài sẽ kéo dài mãi mãi mà không bao giờ có được dân chủ. Vô thường rất hay, nhưng mỗi khi nghe tới vô thường ta lại cảm thấy có một cái gì tiêu cực và bi quan yếm thế? Sự thật thì vô thường là nền tảng của sự sống, không có vô thường thì không có sự sống. Vì vậy cho vô thường là khổ là không đúng.
Trong kinh có nhiều chỗ lặp lại câu chuyện Bụt nói với đệ tử. Bụt hỏi:
– Sắc là thường hay vô thường? Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
Vị đệ tử trả lời:
– Dạ vô thường.
Bụt hỏi:
– Nếu vô thường thì là khổ hay lạc?
Người đệ tử trả lời:
– Vô thường là khổ.
Đây không phải là ý của Bụt mà do sự truyền thừa sai lạc. Bụt có những đệ tử rất thông minh, nhưng cũng có những đệ tử không thông minh. “Vô thường thì đưa tới khổ” không phải là ý của Bụt. Không có vô thường thì làm sao ta giác ngộ, ta cứ vô minh hoài, vô minh ngàn đời. Phải có vô thường thì phiền não mới thành bồ đề. Vô thường chính là cái gốc của sự chuyển hóa và an lạc.
Người ta bị ám ảnh bởi tư tưởng khổ, luân hồi nên đã làm méo mó những lời Bụt dạy. Theo nguyên tắc thì câu chuyện giữa Bụt và đệ tử phải như thế này:
– Sắc là thường hay vô thường?
– Bạch đức Thế Tôn là vô thường.
– Nếu vô thường thì có cái ngã hay không?
– Bạch đức Thế Tôn, không có ngã.
Vô thường thì không có ngã vì ngã là một cái gì thường tại. Vì vậy vô ngã và vô thường là một, hễ là vô thường thì vô ngã. Linh hồn (jiva) không phải là một cái ngã thường tại. Nói linh hồn và thể xác là một là sai, mà nói linh hồn và thể xác là hai cũng sai, tại vì không có cái linh hồn thường tại bất biến đó.
Trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo có một cuộc vấn đáp giữa thầy Na Tiên và vua Milinda. Vua Milinda hỏi:
– Bạch Thầy, linh hồn và thân xác là một hay là hai?
Theo đúng với tinh thần đạo Bụt, thầy Na Tiên đã không trả lời. Vua Milinda nói:
– Thầy đã đồng ý với trẫm là câu hỏi nào của trẫm thầy cũng trả lời. Vậy tại sao bây giờ thầy không trả lời?
Thầy Na Tiên hỏi:
– Tâu bệ hạ, xoài trong vườn thượng uyển của bệ hạ ngọt hay chua?
Vua không trả lời được tại vì trong vườn thượng uyển của vua không có trồng xoài. Thầy Na Tiên nói:
– Cũng như vậy, làm gì có linh hồn bất tử mà nói nó và thân xác là một hay là hai.
Đây là một câu trả lời rất hay. Không có gì thường tại bất biến, không có ngã, vì vậy nói linh hồn là một với hình hài hay là khác với hình hài đều sai.
Một ông nọ tạo nghiệp vào năm 2000, ta gọi ông đó là tác giả, tức người làm (actor). Đến năm 2013 thì có kết quả và ta gọi người chịu quả đó là thọ giả. Người ta hỏi Bụt: Người làm và kẻ chịu là một người hay là hai người? Theo nhận thức thông thường, theo sự thật ước lệ thì người làm và kẻ chịu là một. Người gieo bắp thì hái bắp, người trồng đậu thì hái đậu, người gieo gió thì gặt bão. Nhưng đứng về phương diện sự thật tuyệt đối thì không phải như vậy, vì tất cả đều vô thường biến đổi. Từ năm 2000 đến năm 2013, ông nọ đã thay đổi rất nhiều về phương diện sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nếu đem ông “người làm” so sánh với ông “kẻ chịu” thì ta thấy rất khác nhau. Nói hai ông là một thì ta rơi vào tà kiến gọi là thường kiến (eternalism), là chấp ngã. Còn nếu nói hai ông là hai người khác nhau thì ta rơi vào tà kiến khác gọi là đoạn kiến (annihilation). Vì vậy Bụt đã nói: Tôi xa rời hai cực đoan để đứng chỗ trung đạo mà thuyết pháp. Trung đạo (the Middle way, la Voie du milieu) vượt thoát hai thái cực. Một (sameness) là nhất, hai (otherness) là dị 異. Phi nhất phi dị là trung đạo.
Vì vậy tất cả 14 câu hỏi trên đều không thể trả lời vì trong những câu hỏi đó đều có hàm ý rằng thế giới, Như Lai hay linh hồn là những cái gì thường tại, có ngã.
Nếu thế giới vô thường, biến chuyển thì nói thế giới là thường không đúng, nói nó là không thường cũng không đúng, nói nó vừa thường vừa không thường không đúng, mà nói nó vừa không thường vừa không không thường cũng không đúng.
Nếu thế giới là vô ngã, không có gì là vĩnh cửu thường hằng thì nói thế giới là hữu hạn không đúng, nói nó là vô hạn cũng không đúng, nói nó vừa hữu hạn vừa vô hạn không đúng, mà nói nó vừa vô hạn vừa không vô hạn cũng không đúng, tại vì người ta còn kẹt vào pháp ngã.
Thấy được nhân vô ngã và pháp vô ngã thì ta biết những câu hỏi đã đặt ra ở trên bị sai, cũng giống như câu hỏi của vua Milanda đặt ra cho thầy Na Tiên: Thân xác và linh hồn này là một hay là hai? Không có một linh hồn bất tử, không có một cái ngã thì làm sao trả lời là một hay là hai.
Không trả lời không có nghĩa là không biết, mà vì đứng ở trung đạo thì ta thấy những phạm trù tư tưởng (mental categories) đó không chuyên chở được sự thật. Những phạm trù như có, không, sinh, diệt, còn, mất, chủ thể, đối tượng đều là phạm trù tư tưởng, dùng những phạm trù để đưa tới câu trả lời đều sai. Vì vậy 14 câu hỏi trên đều không được trả lời, hễ trả lời là sai với trung đạo, mà trung đạo là thoát ra khỏi tà kiến, trong đó có tà kiến có sinh, có diệt, có thường, có đoạn, có có, có không, có tới, có đi, có một, có khác.
Trong kinh Ca Chiên Diên (Kātyāyana) Bụt nói chánh kiến là cái thấy vượt thoát phạm trù có và không. Vượt thoát phạm trù có và không thì cũng vượt thoát phạm trù sinh và diệt.
Trong kinh A Nậu La Độ (Anurādha), thầy A Nậu La Độ bị các thầy giáo phái khác chặn lại hỏi:
– Sau khi đức Thế Tôn mất rồi thì Ngài còn hay không còn, hay vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn? Thầy phải trả lời một trong bốn mệnh đề đó.
Thầy Anurādha từ chối:
– Đức Thế Tôn, thầy của tôi chưa bao giờ dạy phải trả lời một trong bốn phạm trù đó. Ngài nói những câu hỏi đó là vô ký, không thể trả lời.
Các thầy ngoại đạo nghĩ thầy A Nậu La Độ mới tu nên không trả lời được câu hỏi của họ, và họ đã cho thầy đi. Thầy trở về tìm đức Thế Tôn kể lại câu chuyện:
– Bạch đức Thế Tôn, sáng hôm nay con bị các thầy ngoại đạo chặn lại hỏi và con đã trả lời như vậy. Xin đức Thế Tôn chỉ cho con để lần sau khi bị chặn lại hỏi nữa thì con có thể trả lời hay hơn.
Bụt đã dạy rất rõ:
– Này thầy A Nậu La Độ, tôi đang ngồi trước mặt thầy đây, thầy nhìn tôi và trả lời cho tôi: Như Lai có phải là hình hài này không?
– Bạch Thế Tôn, không phải.
– Vậy thầy có nghĩ là Như Lai có mặt ngoài sắc không?
– Dạ cũng không phải.
– Vậy có thể tìm Như Lai trong thọ không?
– Dạ không.
– Có thể tìm Như Lai ngoài thọ không?
Bụt hỏi thầy A Nậu La Độ những câu hỏi như vậy đi từ sắc đến thọ, tưởng, hành và thức. Bụt nói:
– Này thầy, tôi đang ngồi sờ sờ đây mà thầy tìm tôi không được, không tìm được một Như Lai thường còn, vĩnh cửu ngay trong khi tôi còn sống thì nói gì tìm được Như Lai khi hình hài này không còn biểu hiện nữa. Như Lai còn sống sờ sờ đây mà thầy còn không nắm bắt được thì tại sao thầy lại nghĩ nắm bắt được Như Lai sau khi Như Lai diệt độ.
Bụt nói rất rõ: Không bao giờ tìm thấy một Như Lai thường hằng, vĩnh cửu ngay cả trong khi Như Lai đang còn sống.
Ta không trả lời 14 câu hỏi trên, không phải vì ta không có khả năng trả lời. Một khi trả lời là sai vì những câu hỏi đó được đặt trên những phạm trù tư tưởng như sinh và diệt, có và không, một và khác.
Nếu nhìn với cái thấy trung đạo thì những ý niệm còn mất, có không, một khác, hữu biên vô biên, hữu hạn vô hạn, v.v… đều chỉ là những phạm trù tư tưởng không chuyên chở được sự thực, thì bất cứ câu trả lời nào cũng không nói lên được sự thật, như thế đâu phải là vì ta không biết cho nên không trả lời, hoặc vì ta biết mà không chịu trả lời? Vật chất và năng lượng, theo khoa học hiện đại, là không sinh không diệt, từ đám mây cho đến ngọn lửa, theo quy luật thứ nhất của nhiệt động học. Rien ne se crée, rien ne se perd, tout se transforme: Không có gì sinh, không có gì diệt, tất cả đều chuyển biến, nhà khoa học Antoine Lavoisier đã nói như thế. Nếu vạn vật không sinh không diệt thì chúng cũng không có và không không, bởi vì các khái niệm sinh diệt và có không nương vào nhau mà được thành lập. Nếu không có sinh có diệt thì làm gì có cái chết vĩnh viễn hoặc cái sống vĩnh viễn? Nếu có cái chết vĩnh viễn thì theo nguyên tắc cũng phải có cái sống vĩnh viễn chứ?