Chương 13: Có kẻ làm người chịu không? Họ là một hay là hai?
Các hành đều Không
Từ kinh Tùy thuận Duyên Khởi Tương Ưng Không chúng ta có cụm từ tùy thuận duyên khởi tương ứng Không .
Trên bình diện tương đối thì có sinh, có hữu, có tác và hành. Ở bình diện tuyệt đối thì có vô sinh, vô hữu, vô tác, vô hành. Vô sinh là không sinh, không diệt. Vô hữu là không có, không không.
Vô tác là không có tác giả và thọ giả như những thực thể riêng biệt và thường tại. Tác giả và thọ giả không phải là một linh hồn bất tử mà là một dòng liên tục luôn luôn biến chuyển, vô thường và vô ngã. Ngã là một cái gì thường tại, bất diệt. Giáo lý vô tác dạy về vô ngã, không có ngã mà chỉ có một dòng liên tục.
Giáo lý vô hành nói về Không. Tất cả những hiện tượng mà ta thấy, bề ngoài giống như có nhưng bên trong thì chúng trống rỗng, chúng là Không. Chúng không có cốt lõi, không có tính cách trường cửu, vĩnh viễn, bất diệt. Ví dụ như bông hoa, nhìn bề ngoài rất đẹp nhưng bên trong chỉ toàn là những cái không phải hoa tới với nhau để làm thành hoa. Hoa không có cái ngã riêng biệt. Vô hành dạy về Không 空 (Emptiness, śūnyatā). Không là một giáo lý thậm thâm vi diệu.
Nhưng mấy trăm năm sau khi Bụt nhập diệt, người ta chỉ phát huy giáo lý vô ngã mà không phát huy giáo lý Không. Tông phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) là một bộ phái có nguồn gốc từ Thượng Tọa Bộ (Sthaviravāda). Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ (Mahāsānghika) xuất hiện từ sự phân chia bộ phái vào khoảng 140 năm sau khi Bụt nhập Niết bàn. Đại Chúng Bộ đông hơn và trẻ hơn, Thượng Tọa Bộ ít hơn và già hơn. Thượng Tọa Bộ có vẻ thủ cựu (conservative) và hơi cứng nên Đại Chúng Bộ tách riêng ra và có những tư tưởng phóng khoáng, tiến bộ, muốn thích ứng được với thời đại.
Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ phát triển giáo lý vô ngã và làm ra những bộ luận Abhidharma (A tỳ đạt ma) rất đồ sộ để phát triển giáo lý vô ngã như một chủ thuyết. Sau này Thượng Tọa Bộ phân ra làm hai là Phân Biệt Thuyết Bộ và Hữu Bộ. Khi vua A Dục lên ngôi và thống nhất nước Ấn Độ thì Hữu Bộ đã ra đời và chủ trương “Ngã không pháp hữu” 我 空 法有 . Trong khi đó thì Bụt nói các pháp đều trống rỗng.
Phân Biệt Thuyết Bộ được cảm tình của vua A Dục nhiều hơn nên Hữu Bộ di cư lên miền Bắc ở vùng Kashmir hiện nay. Hữu Bộ lập một cơ sở rất lớn, tồn tại hơn 1000 năm, sáng tạo ra rất nhiều tác phẩm trong đó có Đại Tỳ Bà Sa Luận (Maha-vibhāsā- śāstra). Từ căn cứ này Phật giáo đã truyền sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, v.v… Những chủ trương của Thượng Tọa Bộ hơi cứng và có tính cách giáo điều. Ví dụ như khi nói về vô ngã thì nói: “Làm gì có người? Không có ta nên không có người (pudgala).” Một thầy đang ngồi thì có một người đàn ông tới hỏi:
– Dạ bạch thầy, thầy có thấy một người đàn bà đi ngang qua đây không?
Thầy nọ trả lời:
– Tôi không thấy người đàn bà nào cả. Tôi chỉ thấy một mớ tập hợp của da, xương, thịt, móng tay, v.v… đi ngang qua đây thôi.
Trả lời như vậy thì có vẻ quá lý thuyết và giáo điều. Trong khi đó thì Bụt không giáo điều như vậy. Ngài dùng danh từ “tôi” và “thầy” rất rõ ràng: “Thầy A Nan, thầy có muốn đi lên đồi chơi với tôi không?” Trên bình diện chân lý tương đối, chúng ta thấy có thánh và phàm khác nhau, có Bụt và chúng sinh khác nhau, có thầy và trò khác nhau. Vì vậy sau đó có một bộ phái đã phản ứng lại, đó là bộ phái Pudgalavāda. Pudgalavāda chủ trương “có người” và trích ra những câu Bụt nói trong kinh. Trong kinh Anguttara Nikaya Bụt nói: “Này các vị Tỳ kheo có một người mà sự xuất hiện của người đó trên đời này đem lại lợi lạc cho không biết bao nhiêu người khác. Người đó là ai? Người đó là một vị Bụt.” Những phái chủ trương “có người” có rất đông người theo như Độc Tử Bộ (Vātsiputrῑya) và Chánh Lượng Bộ (Sammitῑya) xuất hiện từ Độc Tử Bộ .
Pudgalavāda chủ trương phải có người để tu học và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Pudgalavāda nói rất mạnh: Cho rằng không có ngã, không có người là một tà kiến, không phù hợp với thực tế. Nhìn bên ngoài ta thấy giống như họ đi ngược lại với giáo lý vô ngã, nhưng thực ra đó là một phản ứng đối lại với thái độ cứng nhắc của Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ. Những người theo phái Pudgalavāda khá đông. Lúc thầy Huyền Trang từ Trung Quốc sang Ấn Độ du học vào thế kỷ thứ 7 đã có 60 ngàn thầy theo phái Pudgalavāda.
Một bộ phái khác cũng chống lại thái độ giáo điều cứng nhắc của Thượng Tọa Bộ là Kinh Lượng Bộ (Sautrāntika). Kinh Lượng Bộ không tin vào những bộ Abbidharma dày cộm mà chỉ chuyên trích dẫn kinh Bụt. Kinh Lượng Bộ, Chánh Lượng Bộ và Độc Tử Bộ cùng chĩa mũi dùi vào Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ để chống lại thái độ cứng nhắc và bảo thủ của hai bộ phái này.
Vào khoảng 100 năm trước Thiên chúa giáng sinh, phong trào Đại Thừa xuất hiện và sản xuất ra những kinh dạy về giáo lý Không, tức giáo lý vô hành (asamskṛtam), vì Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ chỉ chú trọng vào giáo lý vô ngã mà không chú trọng tới giáo lý thậm thâm vi diệu của Không. Phong trào Đại Thừa chủ trương “Ngã không mà pháp cũng không”. Đó là phát súng thần công đầu của Đại Thừa. Tất cả các kinh Bát Nhã xuất hiện vào thời đó chỉ dạy về một cái, đó là Không (Emptiness). Đại Thừa có vẻ nhu nhuyến, mềm dẻo hơn nên sau mấy trăm năm đã chiếm được đại đa số quần chúng.
Thấy như vậy chúng ta biết rằng đạo Bụt như một thực tại linh động sẽ không bao giờ ngưng lớn lên và vẫn còn đang tiếp tục phát triển. Cái thấy của chúng ta về lịch sử của đạo Bụt rất cần thiết để chúng ta biết mình cần phải làm gì và không nên làm gì trong thời đại hiện nay. Giáo lý về Không 空có thể là giáo lý tối hậu của Bụt. Ý niệm về Không diễn tả được chiều sâu của bản môn, tức Niết bàn, vì bình diện của không sinh, không diệt, không có, không không, không tác, không hành được tóm tắt bằng chữ Không (true Emptiness, śūnyatā). Nhưng trong kinh cũng nói rất rõ Không không có nghĩa là không có gì hết, Không chỉ có nghĩa là trống rỗng.
Chúng ta hãy cùng đọc một kinh rất ngắn nhưng rất hay để chúng ta có thể hiểu rõ hơn. Đó là kinh “Các Hành Đều Không”, kinh 273 trong Tạp A Hàm:
Đây là những điều tôi đã được nghe:
Hồi đó, Bụt cư trú ở tu viện Jetavana (Kỳ Thọ Cấp Cô Độc) ở thành Sravasti (Xá Vệ). Bấy giờ Bụt nói với các vị khất sĩ:
Cũng ví như khi hai bàn tay vỗ vào nhau làm gây ra tiếng động, khi con mắt và sắc duyên nhau làm phát sinh ra nhãn thức. Ba yếu tố ấy (nhãn, sắc, thức) khi hòa hợp với nhau tạo ra sự xúc chạm. Xúc chạm làm cho cảm thọ phát sinh. Cảm thọ (thọ) tạo ra tri giác (tưởng) và ý chí (tư).
Tất cả các pháp ấy đều không phải là một cái ta, không phải là thường còn. Nếu nói đó là một cái ta thì đó là một cái ta vô thường, không vĩnh cửu, không an ổn, không thể không biến dị. Tại sao thế?
Này các vị khất sĩ! Tại vì đó là những pháp thụ sinh, phải đi ngang qua sinh, lão và tử.
Các vị khất sĩ! Các hành (hiện tượng) như thế đều như huyễn thuật, như ngọn lửa cháy, chỉ tồn tại trong vòng một sát na rồi hủy diệt, không thực sự có tới rồi có đi.
Vì thế cho nên các vị khất sĩ! Đối với các hành trống rỗng (không) ấy, các vị nên liễu tri, nên hoan hỷ, nên quán niệm và luôn nhớ rằng các hành là vô thường, là những pháp (hiện tượng) không thường hằng, không ở lại lâu dài, không thể không biến dịch, không phải ngã và ngã sở.
Trường hợp của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng thế. Khi các điều kiện ý và pháp có mặt thì ý thức phát sinh. Ý, pháp và ý thức phát sinh thì đưa tới xúc, thọ, tưởng và tư. Tất cả các pháp ấy đều vô ngã, vô thường… không phải là ngã và ngã sở.
Đây là những chuyện xảy ra trong đời sống hằng ngày, nhưng Bụt quán sát chúng như một nhà khoa học: có xúc 觸 (contact), có thọ 受 (feeling), có tưởng 想 (perception) và có tư 思 (intention). Hai bàn tay vỗ vào bàn tay tạo thành tiếng động, con mắt (sense organs) chạm vào sắc (object of sense organs) sinh ra cái thấy (view). Con mắt là một hành (formation), một hiện tượng vô thường và luôn luôn biến chuyển nhưng nó có đó. Sắc cũng vô thường và không có ngã. Con mắt và sắc va chạm nhau thì sinh ra cái thấy, giống như hai bàn tay vỗ vào nhau thì sinh ra tiếng động. Chúng ta hỏi: Ai thấy? Có cái thấy nhưng không có người thấy. Trong những bài kệ thắng giải, thầy Vô Trước nói: Nhãn bất năng kiến sắc 眼 不 能 見 色 , tức là con mắt không thể thấy sắc. Câu này khiến cho người ta bị sốc, nhưng điều này rất khoa học.
Con mắt làm sao thấy được sắc? Con mắt chỉ là một trong những điều kiện đưa tới cái thấy. Muốn có cái thấy thì phải có nhiều điều kiện khác như ánh sáng, đối tượng tức sở duyên, thời gian, không gian, con mắt, dây thần kinh, não bộ, v.v… Cho con mắt là chủ từ (subject) của động từ (verb) thấy là không đúng. Tư duy đó không phải là chánh tư duy. Truyền thống triết học gọi là Hiện tượng luận (Phénoménologie) có nói: Ý thức luôn luôn là ý thức về một cái gì. Conscience est toujours conscience de quelque chose. Thức là cái thấy, trong đó chủ thể thấy và đối tượng thấy cùng phát sinh ra một lần. Đối tượng thấy (sắc) là một điều kiện, con mắt cũng là một điều kiện để làm phát sinh ra cái thấy. L’oeil ne peut pas voir, l’oeil est seulement une condition pour que la vision puisse être possible.
Trong thiền tông có công án: “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?” Một bàn tay không thể tạo ra âm thanh của tiếng vỗ. Bài kinh này có thể là gốc của công án đó. Cũng như hai bàn tay chạm nhau tạo thành một âm thanh, căn và trần chạm nhau thì tạo ra thức. Thức là cái thấy, cái nghe và cái suy tư. Vì vậy có sự suy tư mà không cần có người suy tư đứng ngoài, có cái thấy mà không cần có người thấy đứng ngoài, có cảm thọ mà không cần có người cảm thọ đứng ngoài. Đó là vô ngã, là không có một linh hồn bất diệt đứng ngoài thể xác. Chỉ có các pháp giao với nhau để tạo ra cái thấy, cái nghe, cái biết và cái xúc chạm mà thôi. Đó là vô tác, có luân hồi và nghiệp báo mà không cần phải có tác giả và thọ giả. Đó mới đúng là đạo Bụt. Nếu ta tin có một linh hồn bất tử đi luân hồi và nhận nghiệp báo thì đó là một loại Phật giáo pha loãng chỉ dùng cho những người sơ cơ mà thôi. Không có chủ nhân, không có người làm, không có người chịu nhưng vẫn có sự luân hồi và nghiệp báo. Nếu tin được điều này thì ta thoát ra khỏi được thân phận của những người theo đạo Bụt nhưng vẫn tin theo Bà la môn giáo. Luân hồi, nghiệp báo phải được hiểu theo ánh sáng vô ngã thì mới đúng là giáo lý của Bụt.
Nếu hiểu được vô tác thì ta hiểu được vô hành. Tuy ta thấy có các pháp (hành) nhưng nhìn sâu thì các pháp (hành) đó trống rỗng. Nhìn kỹ một bông hoa ta thấy trong đó không có yếu tố nào thực sự được gọi là bông hoa cả. Những yếu tố không phải hoa tới với nhau làm ra cái ta gọi là hoa. Hoa không có tự tánh (own nature), nhìn vào hoa ta chỉ thấy những cái không phải hoa như ánh sáng, đất, mưa và mây, v.v… Danh từ hoa là một giả danh (prajñapti) dùng tạm để gọi, tiếng Anh là conventional designation.
Tên Thomas hay Elisabeth cũng chỉ là những giả danh. Nhìn kỹ thì chúng ta thấy chúng ta được làm bằng những yếu tố như: cha, mẹ, ông, bà, cơm, nước, học đường, khổ đau và hạnh phúc, v.v… Không có một Thomas hay một Elisabeth thật mà chỉ có một dòng liên tục do các duyên hợp lại làm thành. Thomas hay Elisabeth là trống rỗng (empty), không có thực chất. Nói nó có không đúng mà nói nó không có cũng không đúng. Đó gọi là chư hành đều Không.
Tất cả các pháp ấy đều không phải là một cái ta, không phải là sự thường còn, (nếu nói đó là một cái ta thì) đó là một cái ta vô thường, không vĩnh cửu, không an ổn, không thể không biến dị. Tại sao thế? Này các vị khất sĩ! Tại vì đó là những pháp thụ sinh, phải đi ngang qua sinh, lão và tử.
Các vị khất sĩ! Các hành (hiện tượng) như thế đều như huyễn thuật, như ngọn lửa cháy, chỉ tồn tại trong vòng một sát na rồi hủy diệt, không thực sự có tới rồi có đi.
Vì thế cho nên các vị khất sĩ! Đối với các hành trống rỗng (không) ấy, các vị nên liễu tri, nên hoan hỷ, nên quán niệm, luôn nhớ rằng các hành là vô thường, là những pháp (hiện tượng) không thường hằng, không ở lại lâu dài, không thể không biến dịch, không phải là ngã và ngã sở.
Trường hợp của con mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng thế. Khi các điều kiện của ý và pháp có mặt thì ý thức phát sinh. Ý, pháp và ý thức phát sinh thì đưa tới xúc, thọ, tưởng và tư. Tất cả các pháp ấy đều vô ngã, vô thường… không phải là ngã và ngã sở.
Kinh rất ngắn, nhưng có nói tới sáu căn tiếp xúc sáu trần làm ra sáu thức. Tất cả thế giới và vũ trụ đều nằm trong mười tám phạm trù đó gọi là thập bát giới (eighteen realms of being). Trong thập bát giới không có cái nào là thường còn và bản chất của chúng là trống rỗng.
Chúng ta đã được học nhiều về giáo lý luân hồi (samsara), nghiệp (karma) và quả báo. Những giáo lý này đã có trước khi Bụt ra đời. Khi Bụt tiếp thu chúng để làm nền tảng cho đạo đức, Ngài đã dạy chúng ta phải hiểu luân hồi, nghiệp và quả báo dưới ánh sáng của vô ngã. Nếu ta tin có một linh hồn bất tử đi luân hồi, tạo ra nghiệp rồi chịu nhận quả báo thì đó không phải là Phật giáo. Nhưng đại đa số quần chúng không nắm được điều đó, tại vì luân hồi mà không có ngã, tạo nghiệp mà không có ngã, thọ báo mà không có ngã đối với họ rất khó hiểu. Vì vậy trong đạo Bụt luôn luôn có khuynh hướng muốn đi tìm một cái gì đó thay cho cái ngã để có thể giải thích luân hồi, nghiệp và quả báo dễ dàng hơn.
Thượng Tọa Bộ (Theravāda) đặt ra cái gọi là hữu phần thức 有 分 識 , bhāvanga, tức một dòng sinh mạng liên tục. Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) thì có căn bản thức 根 本 識 , mūla-vijñāna. Chánh Lượng Bộ (Sammitῑya) thì có tế ý thức 際 意 識 , và trong Duy Thức học thì có tàng thức 藏 識. Người ta luôn luôn đi tìm một cái luôn biến chuyển, tương đương với cái ngã mà không phải là cái ngã, để giải thích luân hồi. Điều này chứng tỏ rằng đại đa số quần chúng muốn có một cái gì đó liên tục, còn mãi để có thể hiểu được luân hồi, nghiệp và quả báo. Còn trong giáo lý Nguyên thỉ thì có luân hồi, nghiệp và quả báo nhưng không có linh hồn bất tử. Có một dòng liên tục nào đó gọi là santati nhưng không có một linh hồn bất tử.
Vì vậy câu hỏi : “Sau khi Bụt nhập diệt thì Bụt còn, hay không còn, hay vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn?” phát xuất từ ý niệm muốn biết có một cái gì trường cửu tồn tại hay không. Trong khi đó thì Bụt dạy rằng ý niệm về thường hay về đoạn là những tà kiến. Thỉnh thoảng có người hỏi Bụt: Người làm và người nhận là một người hay là hai người khác nhau? Ví dụ hôm nay ta tạo ra một nghiệp rồi ba bốn năm sau ta nhận chịu quả báo đó. Vậy người tạo nghiệp và người nhận chịu quả báo là một người hay là hai người? Bụt không trả lời câu hỏi đó. Nếu Bụt nói người tạo nghiệp và người chịu quả báo là một người thì Bụt rơi vào trong kiến chấp gọi là thường kiến (eternalism). Trong khi tất cả đều biến chuyển trong từng sát na mà tin vào một cái gì vĩnh viễn bất di dịch thì đó là tà kiến. Nếu Bụt nói người tạo nghiệp và người nhận quả báo là hai người khác nhau thì Bụt rơi vào kiến chấp khác gọi là đoạn kiến (annihilism). Đoạn kiến cũng là một tà kiến. Chánh kiến là vượt thoát hai tà kiến thường và đoạn, cho nên Bụt không trả lời.
Trong kinh A Nậu La Độ, nếu để trả lời câu hỏi là: “Sau khi chết thì Như Lai còn hay không còn, hay vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn ?” bằng một trong bốn mệnh đề đó thì có thể rơi vào thường kiến hay đoạn kiến. Hình hài của Bụt là một hành (formation), hình hài của ta cũng là một hành. Hành không phải là một cái ngã. Khi đã thấy được sự thật vô ngã theo giáo lý vô tác, tức là không có chủ nhân, không có tác giả, không có thọ giả thì ta thấy rằng các hành đều trống rỗng (empty). Chúng không có tự tánh (self- nature), svabhāva. Ví dụ như trong bông hoa chỉ có toàn là những yếu tố không phải hoa như xương các loài động vật, lá mục, sương, nắng, v.v… Chỉ có tự tánh của bông hoa là không có. Bông hoa không thể tự nó biểu hiện ra, bông hoa phải dựa vào những cái không phải bông hoa để biểu hiện. Bông hoa không có tự tánh, không có cái ngã riêng của nó. Như vậy không có nghĩa là không có bông hoa, nói không có bông hoa là không đúng, bông hoa chỉ không có cái ngã riêng mà thôi. Đi tìm Bụt ngoài năm uẩn rất khó mà cho năm uẩn là Bụt thì cũng không được.
Ta phải quán chiếu để thấy được tính Không của bông hoa, của năm uẩn. Tâm Kinh có nói: Quán chiếu ngũ uẩn giai không. Không ở đây không có nghĩa là không có mà là không có một cái gì trường cửu có mặt tách riêng ra những cái khác. Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ nhấn mạnh nhiều về vô ngã: Chỉ có các pháp mà không có ngã. Giáo lý vô tác được Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ khai thác triệt để. Có hành động nhưng không có người hành động, cũng như có mưa mà không có người làm mưa. Khi mắt và hình sắc chạm nhau thì sinh ra cái thấy, nhưng không có người đứng sau để thấy. Những tri giác tới với nhau tạo thành những tư tưởng, nhưng không có người đứng ngoài để suy tư. Đó là giáo lý của Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ, cụ thể nhất là một câu trong Thanh Tịnh Đạo Luận của thầy Phật Âm (Buddhaghosa). Thanh Tịnh Đạo là bộ luận rất nổi tiếng của Nam tông:
Cái khổ có đó, nhưng không có người đang khổ. Hành động có đó nhưng không có người đang làm. Niết bàn có đó nhưng không có ai nhập vào Niết bàn và con đường có đó nhưng không có ai đang đi trên con đường.
Đó là giáo lý của Thượng Tọa Bộ. Ta nghĩ có người đi vào Niết bàn là sai, có Niết bàn nhưng không có người đi vào Niết bàn.
Vì vậy trong mấy trăm năm người ta chỉ xiển dương được giáo lý thứ ba là vô tác: Sự vật có đó, nhưng chủ nhân, tác giả và thọ giả thì không có. Có khi chủ trương có tính cách hơi cứng, hơi giáo điều khiến cho nhiều người cảm thấy khó chịu như qua câu trả lời của một thầy ở ví dụ trước: “Tôi không thấy một phụ nữ nào cả. Tôi chỉ thấy một tập hợp của sắc, thọ, tưởng, hành và thức đi ngang qua thôi.”
Câu trả lời đó rất đúng với giáo điều, nhưng nó rất cứng và không thực tế. Vì vậy có nhiều phản ứng chống lại thái độ cứng ngắt, giáo điều đó. Chúng ta có một kinh, trong đó có nói tới cái ngã: Đó là một cái ngã, nếu có một cái ngã thì cái ngã đó được làm bằng những yếu tố không phải ngã, một cái ngã luôn luôn chuyển biến, luôn luôn biến dịch, luôn luôn vô thường và hoại diệt. Nói như vậy thì người ta dễ hiểu hơn. Ngày xưa chúng ta có câu kệ trong khi thỉnh chuông:
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm
(I listen, I listen.
This wonderful sound brings me back to my true self.)
Nghe câu này có người phản đối, nói rằng trong đạo Phật không chủ trương có ngã (self), vậy tại sao Làng Mai lại sử dụng chữ true self. Phải chăng người đặt câu hỏi đã quá giáo điều? Nếu họ biết cái ngã được làm bằng toàn những cái vô ngã thì họ sẽ không bị kẹt. Ta sợ danh từ, ta có hơi giáo điều. Ta nói “tôi với anh đi chơi” thì không sao, nhưng ta lại sợ dùng chữ “true self”. Câu kinh “đó là một cái ngã vô thường, luôn luôn biến dịch, không có tính cách bất biến và không hoại diệt” thì nhân bản hơn, ít có tính cách giáo điều hơn.
Khoảng 100 năm trước Thiên chúa giáng sinh, Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có chủ trương là các pháp quá khứ, hiện tại và vị lai đều có. Đó là giáo lý “ngã không pháp hữu”. Lúc đó có một phong trào phản ứng rất mạnh nói rằng Bụt có dạy các hành là trống không, và người ta bắt đầu khai thác giáo lý vô hành. Một loạt kinh mới ra đời sau đó, trong đó có kinh Bát Nhã.
Bồ tát Quán Tự Tại
Khi quán chiếu thâm sâu
Bát Nhã Ba La Mật
Tức Diệu Pháp Trí Độ
Bỗng soi thấy năm uẩn
Đều không có tự tánh
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn.
Nền văn học Bát Nhã chuyên xiển dương giáo lý thứ tư là vô hành (asankhatam): vô năng hành và vô sở hành.
Chúng ta đã được học rằng luân hồi, nghiệp và quả báo có thể có, có thể đang xảy ra mà không cần phải có một cái ngã, có một linh hồn bất biến. Ví dụ như đám mây, một phần của đám mây đã biến thành mưa. Đám mây có vẻ như đã chết, nhưng thật ra nó không chết. Một phần của nó đã biến thành mưa. Mưa chết để trở thành dòng sông và dòng sông bốc hơi (chết đi) để trở thành hơi nước và hơi nước (chết đi) trở lại thành đám mây.
Nhìn bề ngoài ta thấy mọi sự vật (các pháp) dường như có sinh, có diệt, có sống, có chết, nhưng thật ra thì chúng không có sinh- diệt, không có sống- chết. Rõ ràng là đám mây đang đi luân hồi: từ mây nó thành mưa, từ mưa nó thành dòng sông, từ dòng sông nó trở thành hơi nước và từ hơi nước nó lại trở thành đám mây. Như vậy đám mây có cần có một cái ngã, một linh hồn bất diệt hay không? Cơn gió cũng vậy. Tất cả mọi sự vật trên đời đều như vậy. Luân hồi, nghiệp và báo có thể có được mà không cần có một linh hồn bất tử thường tại. Giáo lý luân hồi, nghiệp và báo không phải là sáng tạo của đức Thích Ca mà Ngài đã tiếp thu giáo lý đó từ truyền thống của Áo Nghĩa Thư. Tuy nhiên không có bao nhiêu người hiểu được luân hồi, nghiệp và quả báo dưới ánh sáng của vô ngã. Ta đã có cơ hội học và tiếp thu được đạo Bụt nguyên chất thì ta phải thấy đó là một sự may mắn.
Vô tác
Vô tác là không có chủ thể, không có cái ngã. Chúng ta đã nói chỉ có mưa mà không có người làm mưa. Trong 40 bài kệ Thắng Nghĩa, bài kệ đầu là:
Không hề có chủ nhân
Không kẻ làm người chịu
Không hề có chủ nhân: Có hình hài này, có tâm thức này nhưng không có người chủ của hình hài, của tâm thức này. There is this body, this consciousness, but there is no owner of this body, this consciousness. Có tư duy mà không cần có người tư duy. Rodin có tạc một tượng mang tên “Le penseur”. Thường thì ta tin rằng ta là chủ nhân của hình hài này, của tâm thức này. Hình hài này và tâm thức này là vật sở hữu của một cái ngã. Nhưng đạo Bụt dạy chúng ta rằng không có người làm chủ mà chỉ có hình hài và tâm thức, chỉ có năm uẩn mà không có người làm chủ năm uẩn, không có một cái ngã có thể lấy ra khỏi năm uẩn.
Không kẻ làm người chịu: Kẻ làm là tác giả 作 者 (actor), người chịu là thọ giả 受 者 (retributor), là người gánh chịu những hậu quả của việc mình làm. Không kẻ làm người chịu mới thật là đạo Bụt. Giáo lý về nghiệp báo vẫn còn mang nặng ảnh hưởng của Áo Nghĩa Thư, tin vào một linh hồn bất tử và chính người làm ra hành động đó sẽ nhận chịu quả báo, người làm và kẻ chịu là một. Ví dụ như khi ta làm một việc phước đức nào đó thì ta sẽ nhận được kết quả liền ngay chiều hôm nay hay là vào hai mươi năm sau. Nhưng đạo Bụt nói: Không có tác giả, không có thọ giả. Giáo lý về nghiệp và quả báo phải hiểu như vậy mới đúng là đạo Bụt nguyên chất. Nếu ta tin vào một linh hồn bất tử đi ngang qua, tạo nghiệp và chịu quả báo thì đó là đạo Bụt pha loãng (diluted Buddhism). Đạo Bụt không công nhận một cái ngã thường tại hay một linh hồn bất tử. Chủ trương cho rằng “người làm và người chịu là một” không phải là chủ trương của đạo Bụt. Đạo Bụt chủ trương vô ngã. Khi quán sát năm uẩn ta thấy năm uẩn không có giây phút nào là không biến chuyển, không có gì có thể kéo dài quá một sát na. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều sinh diệt trong từng giây phút. Không có gì thường tại, bất biến trong con người. Tin vào một linh hồn thường tại, bất biến là không phải đạo Bụt. Có hình hài và tâm thức nhưng hình hài và tâm thức chuyển biến trong từng giây từng phút, cái này làm duyên cho cái sau. Có nghiệp và quả báo nhưng không có kẻ làm và người chịu. Điều này rất khó chấp nhận vì nó trái với nhận thức thông thường của ta. Ta phải quán chiếu để thấy được là không có một cái ngã thường tại, bất biến đi ngang qua những biến chuyển. Hiểu luân hồi và nghiệp báo theo tinh thần vô ngã mới đúng là đạo Bụt đích thực. “Ta phải gánh chịu hậu quả tạo tác của ta” (on mange les fruits de ses actes) là một tà kiến, gọi là ngã chấp. Vô tác đã xô ngã ý niệm về ngã, về một ông chủ, về một linh hồn bất tử, về một tác giả nằm ngoài tác nghiệp. Tạo hóa, nếu nhìn dưới ánh sáng của vô tác, thì rất khác, không thể có một tạo hóa nằm ngoài tạo vật. Nếu có tạo hóa thì tạo hóa đó chính là tạo vật.
Chúng ta sẽ học về 14 câu hỏi mà Bụt từ chối không trả lời như: Thế giới là vĩnh hằng hay là đoạn diệt? Thế giới là hữu hạn hay là vô hạn ? Linh hồn và thân xác là một hay là hai? Như Lai còn tồn tại khi từ giả cõi đời không? Bụt luôn luôn không trả lời 14 câu hỏi đó. Vào thế kỷ thứ II trước Thiên Chúa, một nhà chinh phục người Hy Lạp lên làm vua tên là Milinda. Ông cai trị một vương quốc khá hùng mạnh ở miền tây Ấn Độ, hiện nay là miền Punjap. Ông theo học đạo Bụt với một thầy rất giỏi là thầy Nagasena (Na Tiên tỳ kheo). Thầy này rất giỏi, thầy đã giải thích những thắc mắc của vua về những vấn đề rất hay. Những vấn đáp giữa thầy Nagasena và vua Milinda đã được chép lại trong Na Tiên Tỳ Kheo Kinh. Một hôm vua hỏi thầy Nagasena:
– Bạch thầy, linh hồn với thân xác là một hay là hai?
Linh hồn là jiva, là cái ngã bất biến trú ở trong thân của mình, và khi thân ta tiêu hoại rồi thì linh hồn đi ra ngoài tìm một thân khác. Đó là cái hiểu về linh hồn không phải của đạo Bụt. Thầy Nagasena, rất trung kiên với phương pháp Phật giáo, nói:
– Tôi không trả lời câu đó.
Vua nói:
– Lạ chưa, trước đây đại đức đã đồng ý với tôi là câu hỏi nào của tôi thầy cũng trả lời. Sao bây giờ thầy lại không chịu trả lời?
Thầy Nagasena nói:
– Đại vương, Ngài rất có tài hùng biện. Vậy bây giờ thay vì Ngài hỏi tôi thì tôi có thể hỏi Ngài một câu được không?
– Được, thầy cứ hỏi. Thầy Na Tiên hỏi:
– Đại vương, trong vườn hoàng cung các cây xoài ngọt hay chua?
– Sao tôi trả lời được?
– Tại sao đại vương không trả lời được?
– Tại vì trong vườn hoàng cung không có trồng xoài thì làm sao trả lời là xoài chua hay ngọt được.
Thầy Na Tiên mỉm cười nói:
– Đại vương, câu hỏi của Ngài cũng vậy. Làm gì có linh hồn bất diệt để nói nó là một hay không là một với thân thể?
Đó là những câu hỏi dựa trên ý niệm sai lầm nên không thể trả lời. Cũng giống như câu “sau khi chết Như Lai còn hay không còn, hay vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn?” Có bốn câu hỏi về Như Lai, bốn câu hỏi về thể xác và linh hồn, bốn câu hỏi về thế giới hữu hạn hay vô hạn và bốn câu hỏi về thế giới thường hay vô thường.
Vô tác có nghĩa là chỉ có các pháp làm duyên cho nhau thành một dòng liên tục. Có thể có nhân có quả mà không cần có tác giả và thọ giả, không cần có người làm và kẻ chịu, tức là không có ngã. Đó là một sự thật rất khó chấp nhận vì thông thường chúng ta đã quen tin vào một linh hồn bất diệt.
Trong bối cảnh tôn giáo và đạo học ở Ấn Độ vào thời đó, mọi người đều tin vào Phạm Thiên (Brahma) tức đại hồn (the universal soul). Phạm Thiên là linh hồn của vũ trụ. Mỗi người trong chúng ta đều có một tiểu hồn (individual soul) gọi là atman. Chúng ta phải luân hồi một thời gian để gột rửa hết những chướng ngại, những ràng buộc rồi mới thoát khỏi thân phận luân hồi để đoàn tụ lại với Phạm Thiên. Đó là niềm tin của Ấn Độ giáo và Bà la môn giáo. Trong khung cảnh của niềm tin vào maha-atman và hina-atman đó, Bụt nói không có atman, không có đại hồn và tiểu hồn, không có một cái ngã bất biến thường tại. Đó là một phát súng thần công bắn vào thành trì tín ngưỡng của Bà la môn giáo. Điều này đã khó chấp nhận, và một phát súng đại bác thứ hai lại bắn tiếp theo, đó là vô hành. Bụt dạy về Niết bàn: “Có cái không sinh, không hữu, không tác và không hành.” Niết bàn là cái không sinh, không diệt, không hữu, không vô. Đây là cái thấy chính xác, là chánh kiến của Bát Chánh Đạo. Nhưng còn không tác và không hành? Không tác có nghĩa là vô ngã, là không có một tác giả và một thọ giả, là cái chủ thể gây nghiệp và chịu quả báo như một thực tại tách rời, có thể có mặt độc lập ngoài nghiệp và ngoài quả báo. Đó là sự phủ nhận linh hồn bất tử. Đạo Bụt không công nhận cái atma, cái thần ngã, cái linh hồn bất tử của Bà La Môn giáo.
Nhưng trên phương diện thế tục đế, đạo Bụt công nhận có kẻ làm, người chịu, có Bụt, có chúng sinh, có thánh, có phàm. Nghĩa là đạo Bụt công nhận có con người, có kẻ trách nhiệm về hành động của mình, nhưng con người ấy không phải là một linh hồn bất tử, một thực tại bất biến, có thể tồn tại độc lập, thường còn mãi mãi, không thể biến thiên.
Kinh Các Hành Đều Không (Tạp 273) dạy: “Tất cả các pháp đều không phải là một cái ta, không phải là thường còn. Đó là một cái ta vô thường, một cái ta không vĩnh cửu, không an ổn, không thể không biến dị”. Câu kinh này cho thấy tinh thần linh động và không giáo điều của Bụt. Ý Bụt là mình có thể nói tới một cái ta, với điều kiện là mình ý thức rằng cái ta ấy là vô thường, không vĩnh cửu, không an ổn, luôn luôn biến dị. Cái ta này có thể được xem như là một dòng liên tục (a continuum), bề ngoài thì thấy như có vẻ nó có mặt lâu dài, nhưng trong thực chất thì nó chuyển biến trong từng giây phút như một dòng sông. Cái dòng liên tục ấy (samtati, tương tục) bản chất của nó là vô ngã, nghĩa là không có tính thường tại, vĩnh cửu. Vô ngã không phải là một học thuyết, một chủ thuyết mà chỉ là một phép quán chiếu để đạt tới cái thấy giải thoát. Đó là ngón tay chỉ mặt trăng. Nhưng có nhiều vị đệ tử của Bụt trong Thượng Tọa Bộ và trong Hữu Bộ đã không được linh động như vậy. Các vị ấy hiểu theo kiểu giáo điều, và trong bao nhiêu bộ luận đã tìm cách chứng minh cho được cái “chủ thuyết” vô ngã ấy.
Họ khăng khăng nói là không có ta, không có người. Điều này làm cho sự giải thích về luân hồi, nghiệp và quả báo khó khăn thêm. Vì vậy mà đã có các tông phái ra đời phản đối lại thái độ giáo điều cứng nhắc kia, đó là các phái chủ trương có người, có bổ đặc già la (pudgala). Đó là các phái như Độc Tử Bộ (Vatsiputriya) và Chính Lượng Bộ (Sammitiya), v.v… Số lượng các thầy chủ trương thuyết “có con người” đông lắm. Hồi thầy Huyền Trang qua du học Ấn độ, đã có khoảng 60 ngàn thầy. Các thầy rất ưa trích từ kinh điển những lời Bụt nói để chứng minh chủ trương của mình. Ví dụ câu: “Có một người mà sự xuất hiện trên cõi đời này đem lại biết bao nhiêu lợi lạc cho thế gian.
Người ấy là ai? Người ấy là Bụt.” Có khi họ còn phản ứng rất mạnh. Họ nói: “Nói rằng không có con người, đó là một tà kiến, đứng về phương diện chân lý cũng như đứng về phương diện thực tế.” Không những các bộ phái Độc Tử và Chính Lượng phản ứng như thế đối với Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ mà bộ phái Kinh Lượng (Sautrantika) cũng phản ứng một cách dữ dội. Kinh Lượng Bộ chuyên trích dẫn lời kinh, để chống lại chủ trương của các bộ luận, được các thầy trong Thượng Tọa Bộ nhất là trong Hữu Bộ biên soạn.
Chủ trương của Hữu Bộ là ngã thì không mà pháp thì có. Dưới ánh sáng của kinh Ca Chiên Diên, chủ trương ngã không pháp hữu không tương ứng được với chánh kiến, bởi vì Bụt đã dạy chính kiến là cái thấy vượt thoát hai ý niệm hữu và vô. Đại Chúng Bộ có một bộ phái tên là Thuyết Giả Bộ (Prajnaptivada) chủ trương các pháp không thực sự tồn tại (hữu) mà chỉ là những giả danh, những tập hợp có tính cách vô thường, luôn luôn chuyển biến, không có tự tính độc lập, không vĩnh cửu. Ta có thể nói ngã là một sự tập hợp như thế, nghĩa là một cái hành (samskara, formation). Một tập hợp như thế, một giả danh (conventional designation) như thế, không thể được mô tả là có hay là không. Nó không thực có, mà nó cũng không phải là không. Chủ trương này có thể tương ứng (đi đôi) được với tuệ giác chánh kiến, không kẹt vào ý niệm có không. Thuyết Giả Bộ cũng là một phản ứng đối với thái độ giáo điều của Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ. Vô ngã, như thế, không phải là một chủ thuyết mà chỉ là một dụng cụ thực tập để đưa tới cái thấy Chánh kiến, giúp ta đạt được chánh trí và giải thoát. Vô tác cũng có nghĩa là không thể tách rời tác giả (actor) ra khỏi tác nghiệp (action). Hai cái dựa vào nhau mà biểu hiện, không thể lấy cái này ra khỏi cái kia, cũng như không thể lấy mặt phải ra khỏi mặt trái của cùng một tờ giấy.