Chương 10: Pháp ấn phải có Niết bàn
Tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và Niết bàn
Kinh Chiên Đà (Chanda sutra)
Bản kinh chúng ta đang có là bản kinh 262 trong Tạp A Hàm Hán Tạng. Trong Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya) của tạng Pāli có một kinh tương đương, đó là kinh Chiên Đà.
Kinh này kể về câu chuyện đi học đạo của thầy Chiên Đà. Lúc bấy giờ Bụt mới nhập diệt nên thầy Chiên Đà tìm tới vườn Lộc Uyển, tức là nơi Bụt thành đạo. Ở đó có nhiều vị thượng tọa khất sĩ đang cư trú. Vườn Lộc Uyển thời đó có những túp lều nhỏ dùng làm tịnh xá cho các thầy. Thầy Chanda tới hỏi về tinh túy của đạo pháp. Phần lớn các thượng tọa đều nói về ba pháp ấn như: Chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã và Niết bàn tịch tĩnh. Nhưng thầy Chiên Đà không hiểu, thầy hỏi thêm thì các vị thượng tọa không trả lời. Vì vậy thầy đi tìm thầy A Nan.
Đặc biệt là trong kinh này giáo lý Tam pháp ấn (Three Dharma Seals) được lặp lại năm lần: Chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh. Đó là một công thức rất rõ ràng, không thể lầm lẫn được. Nhưng vì có sự thất thoát, rơi rụng trong sự truyền thừa nên Tam pháp ấn của Phật giáo Nam tông (Theravada) hiện nay là: Chư hạnh vô thường (all formations are impermanent), chư pháp vô ngã (all phenomena are without self) và khổ (everything is suffering).
Ý niệm về khổ bao trùm cả giáo lý. Người ta bị ám ảnh bởi giáo lý khổ của đệ nhất đế, vì giáo lý Tứ đế bắt đầu bằng sự thật về khổ. Đây là tính cách thiết thực của đạo Bụt. Giáo lý đạo Bụt rất thực dụng, không lý thuyết, không hí luận. Vì vậy khi bắt đầu giảng dạy, Bụt nói có những cái khổ và chúng ta phải công nhận sự có mặt của khổ. Nhưng cũng có những phương pháp thực tập để chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc. Trong bài thuyết pháp đầu tiên Bụt nói về khổ, sự thật đầu tiên là khổ đau. Nhưng trong bài thuyết pháp đó Bụt cũng nói về hạnh phúc. Nếu sự thật thứ nhất là khổ thì sự thật thứ ba là sự chuyển hóa khổ đau. Hết khổ thì có vui, không còn bóng tối thì có ánh sáng. Nhưng con người lại bị ám ảnh bởi sự thật thứ nhất. Vì muốn chứng tỏ mình hiểu Bụt nên cứ cố chứng minh rằng tất cả đều là khổ. Vì vậy Tam pháp ấn trở thành vô thường-vô ngã-khổ mà không còn là vô thường-vô ngã-Niết bàn. Đạo Bụt mà không có Niết bàn thì không còn là đạo Bụt. Tam pháp ấn, có khi còn được dịch là The Three Signata. Giáo lý nào thiếu ba dấu ấn của vô thường- vô ngã và Niết bàn thì không đích thực là giáo lý của đạo Bụt.
Cấu trúc của kinh Chiên Đà rất chặt chẽ nên các thầy không dám sửa trong khi truyền thừa. Tam pháp ấn còn được giữ nguyên trong kinh, vì vậy kinh này rất quý. Nhờ có kinh này mà ta biết Tam pháp ấn vốn là vô thường- vô ngã- Niết bàn. Sau này chúng ta còn có Tứ pháp ấn (vô thường-vô ngã- khổ-Niết bàn), Ngũ pháp ấn (vô thường-vô ngã- khổ-Niết bàn-Không). Trong bản tiếng Pāli của kinh Chiên Đà các thầy chỉ truyền lại hai pháp ấn là vô thường và vô ngã, không có pháp ấn Niết bàn và khổ. Nếu có pháp ấn khổ thì như thế là các thầy công nhận tất cả các pháp đều khổ, pháp Bụt cũng khổ, và pháp Tăng cũng khổ.
Kinh Chiên Đà bản Hán tạng có cấu trúc rất chặt chẽ và lặp lại năm lần công thức vô thường-vô ngã- Niết bàn. Nhờ kinh này mà ta phục hồi được Tam pháp ấn vô thường-vô ngã-Niết bàn. Chúng ta có một bằng cớ rất hùng hồn nữa là trong Đại Trí Độ Luận của thầy Long Thọ vào thế kỷ thứ 2 sau Thiên chúa cũng xác định Tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Tôi đã trích kinh Chiên Đà trong cuốn “Trái Tim của Bụt” và tìm cách phục hồi lại Tam pháp ấn. Điều đáng quý nữa là trong kinh Chiên Đà có lặp lại kinh Kātyāyana, trong đó Bụt dạy chánh kiến là cái thấy vượt thoát có và không.
Không có ngã nhưng vẫn thấy và hiểu được pháp
Thầy A Nan đã lặp lại y nguyên kinh Kātyāyana, nhưng trong kinh Chiên Đà có vài chi tiết giúp ta hiểu được kinh Kātyāyana hơn, như câu hỏi của thầy Chiên Đà. Thầy nào cũng nói về vô thường, vô ngã và Niết bàn. Nhưng thầy Chiên Đà vẫn chưa hiểu. Nếu vô ngã thì ai tu tập, ai chứng Niết bàn, ai có thể thấy, có thể hiểu được pháp? Tôi có thêm vào vài chữ nằm trong ngoặc đơn để giải thích cho dễ hiểu hơn. Ví dụ như theo nguyên văn thì: “khi sinh thì cái khổ sinh, khi diệt thì cái khổ diệt”. Nhưng tôi dịch là: “Người ta sẽ thấy rằng khi (điều kiện có đủ để) cái khổ sinh thì cái khổ sinh, khi (điều kiện hết để cái khổ) diệt thì cái khổ diệt.”
Lúc ấy tôn giả A Nan nói với thầy Chiên Đà: Tôi đã đích thân được nghe đức Thế Tôn dạy cho tôn giả Maha Kātyāyana như sau: Người đời thường bị vướng vào hai cái thấy cực đoan, đó là cái thấy có và cái thấy không. Người đời vì bị kẹt vào trong các cảnh giới (của nhận thức) cho nên tâm họ bị ràng buộc. Nếu không tiếp nhận, không nắm bắt, không ở trong cái kẹt ấy, không kế độ chấp trước vào một cái ngã thì người ta sẽ thấy rằng khi (điều kiện có đủ để cái khổ) sinh thì cái khổ sinh, khi (điều kiện hết để cái khổ) diệt thì cái khổ diệt,(trong đó không cần một cái ngã và trong đó những ý niệm có và không không thể áp đặt vào được).
Đây chính là điều thầy Chiên Đà muốn biết, vì thầy hỏi nếu không có cái ngã thì cái gì thấy pháp, cái gì tu tập, cái gì chứng ngộ, cái gì sinh ra và cái gì chết đi? Nhưng Bụt nói không cần có một cái ngã mà vẫn thấy được pháp.
Này Kātyāyana,( khi một người thấy được như thế thì) người ấy không còn hồ nghi gì nữa, không bị phiền não nào (sai sử) nữa, và cái thấy ấy không do ai trao truyền mà chỉ mình tự biết. Cái thấy ấy gọi là chánh kiến mà Như Lai đã nói đến.
Chánh kiến là trực giác do sự quán chiếu. Khi quán chiếu cái sinh, cái diệt ta không thấy có ngã trong đó, không có chủ thể sinh, cũng không có chủ thể diệt. Trong những tác phẩm như Trung Quán Luận của thầy Long Thọ hay trong Thắng Nghĩa Già Đà của thầy Vô Trước đều có nói: “Không cần có một chủ thể. Có tư duy mà không cần có người tư duy” là một sự thật. Trong tư duy có chủ thể và đối tượng, chủ thể và đối tượng tư duy cùng biểu hiện một lần như mặt trái và phải. Không phải phải có trước rồi trái mới sinh ra hay trái có trước rồi phải mới sinh mà trái và phải biểu hiện cùng một lúc. Chủ thể tư duy và đối tượng tư duy biểu hiện cùng một lần, chúng chỉ biểu hiện trong chốc lát rồi nhường chỗ cho giây phút tư duy khác.
Tại sao như thế, Kātyāyana? Tại vì khi một người quán chiếu sự tập khởi của thế giới một cách đúng phép thì người ấy không làm phát khởi ý niệm không, và khi người ấy quán chiếu sự hoại diệt của thế giới một cách đúng phép thì người ấy không làm phát khởi ý niệm có.
Khi một pháp ngưng biểu hiện thì ta không thể nói là nó không có. Những người từ Á Đông sang nước Pháp vào mùa Đông không thấy một con bướm hay một con chuồn chuồn nào. Ta có cảm tưởng như chúng nó không có, ta có thể kẹt vào ý niệm không. Chúng không biểu hiện nên ta nghĩ là chúng không có. Nhưng đến tháng bảy, tháng tám chúng biểu hiện ra rất nhiều. Ý niệm có và không của chúng ta không đi sát với thực tế. Hai ý niệm về có (being) và về không (not being) đều sai lạc.
Trong kinh Phạm Võng, Brahmajala sutra (The Net of views), phạm là cao quý, võng là cái lưới, Bụt có nói tới những kiến chấp trong thời đại của Ngài. Có vào khoảng 62 quan điểm mà hầu hết những cái thấy đó đều phát xuất từ ý niệm có và không (to be or not to be). Đức Thế Tôn đã quăng một cái lưới để tóm thâu tất cả những cái thấy sai lầm đó, lưới đó là chánh kiến. Hình ảnh hay nhất là hình ảnh của những người mù sờ voi. Những người mù này có người sờ vào chân voi thì cho là con voi giống như cái cột nhà, người kia sờ đuôi voi thì nói con voi giống như cây chổi, người khác sờ tai voi thì nghĩ con voi giống như cái quạt. Những cái thấy đó đều là tà kiến. Ý nghĩa của kinh Phạm Võng được ví như khi ta quăng một cái lưới xuống và hốt hết những tà kiến của thế gian.
Trong Trung Quán Luận (Madhyamaka-śāstra), một bộ luận nổi tiếng của thầy Long Thọ, thầy chỉ trích dẫn một kinh duy nhất. Thầy Long Thọ (Nāgārjuna) là một người rất đặc biệt trong đạo Bụt, giống như Einstein. Ngài đã dùng biện chứng pháp (dialectics) để lật ngã tất cả các tà kiến đó. Ngài đem biện chứng pháp chiếu vào cái thấy nào thì cái thấy đó đổ nhào. Hiện nay các nhà khoa học và phần lớn các nhà triết học vẫn còn đang bị vướng vào cái thấy có và không. Stephen Hopkins, một nhà khoa học nổi tiếng ở nước Anh, vẫn còn đặt những câu hỏi như: “What is the origin of the universe?” Trong khi đó cách đây 2600 năm đức Thế Tôn đã vượt thoát ý niệm có và không, và Ngài đã nói rất chính xác là chánh kiến là cái thấy vượt thoát ý niệm có và không. Vượt thoát được ý niệm có và không thì đồng thời ta cũng vượt thoát được ý niệm sinh và diệt.
Trong khoa học hiện đại, luật bảo tồn năng lượng cho chúng ta biết rằng thật sự là không có sinh không có diệt. Bản chất của năng lượng là không sinh không diệt, nó chỉ chuyển biến. Lavoisier đã nói rất rõ: “Rien ne se crée, rien ne se perd, tout se transforme”. Đó là cái thấy không sinh không diệt, chỉ có biến chuyển, tức là vô thường. Trung Quán Luận của thầy Long Thọ bứng đi những cái thấy như có, không, sinh, diệt, v.v… Lâu nay người ta cho Trung Quán Luận là một tác phẩm Đại thừa, nhưng thực ra giáo lý Không đã có mặt trong đạo Bụt Nguyên thỉ, không phải tới khi có Đại thừa thì mới có giáo lý Không. Nhưng có những tông phái trong đạo Bụt chưa phát triển được giáo lý Không đúng mức, như phái Theravada không dạy nhiều về Không. Therevada có giáo lý Tam giải thoát môn (Three Doors of Liberation) tức ba cái định lớn: Không, vô tướng, vô tác nhưng lại chưa khai thác được giáo lý này. Không quán không được phát triển. Nếu quý vị đang đứng trong truyền thống Theravada thì quý vị nên tìm cách để xiển dương giáo lý Tam giải thoát môn, làm cho Không quán trở thành một phép quán quan trọng. Đạo Bụt Bắc tông đã làm được như vậy, và trong toàn bộ Trung Quán Luận thầy Long Thọ không trích dẫn một kinh Đại thừa nào cả, tuy là trước thầy Long Thọ đã xuất hiện những kinh Đại thừa như kinh Bát Nhã. Trong Trung Quán Luận thầy Long Thọ chỉ trích một kinh duy nhất, đó là kinh Kātyāyana, kinh mà trong đó Bụt nói: “Chánh kiến là cái thấy vượt thoát có và không”.
Bụt dập tắt có không
Trong kinh Ca Chiên Diên
Ngài đã nói giáo lý
Lìa có cũng lìa không.
Kinh Ca Chiên Diên, tức kinh Trung Đạo Nhân Duyên trong Nhật Tụng Thiền Môn 2012, là kinh duy nhất được nhắc tới trong Trung Quán Luận. Kinh này là kinh Nguyên thỉ và đã được lặp lại trong kinh Chiên Đà.
Này Kātyāyana, Như Lai loại bỏ cả hai ý niệm cực đoan ấy và thuyết pháp về Trung đạo.
Như Lai không bị kẹt vào ý niệm có và ý niệm không. Thuyết pháp Trung đạo là cái thấy vượt thoát có và không, sinh và tử.
Nghĩa là cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh.
Câu này là câu rất quan trọng, là phương pháp tùy thuận để đi tới chân lý tối hậu tức là bản môn. Sau đó Bụt dẫn dụ bằng Thập nhị nhân duyên: Vì vô minh nên có hành, vì hành nên có thức, v.v… cho đến sinh, lão, tử, ưu, bi, khổ não. Đó là sự tập khởi của đau thương, nghĩa là vì cái này không nên cái kia không, vì cái này diệt nên cái kia diệt, cũng như khi vô minh diệt thì hành diệt, v.v… cho đến sinh, lão, tử, ưu, bi, khổ não. Đó là sự chấm dứt của đau thương.
Chúng ta phải xét xem đoạn này có phải là kinh liễu nghĩa không và nó có đi theo phương pháp tùy thuận hay không.
Trong lúc tôn giả A Nan thuyết pháp, khất sĩ Chiên Đà đạt tới tình trạng viễn trần ly cấu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh. Bây giờ khất sĩ Chiên Đà thấy Pháp, đắc Pháp, biết Pháp, làm cho Pháp hưng khởi, vượt thoát được mọi sự hồ nghi. Cái thấy ấy của thầy không do kẻ khác trao truyền lại.
Không do kẻ khác trao truyền lại có nghĩa là cũng không do thầy A Nan trao truyền lại. Thầy A Nan chỉ giảng giải thôi mà tâm tư của thầy Chiên Đà mở ra và thầy đắc pháp. Cánh cửa mở ra là ở trong trái tim của thầy Chiên Đà và chìa khóa là của thầy A Nan.
Giáo lý chân truyền
Kinh Ca Chiên Diên và kinh Chiên Đà có cùng một đề tài. Nhưng thầy Chiên Đà xuất gia hơi trễ, lúc đó Bụt vừa mới nhập diệt. Thầy Chiên Đà ở bên bờ sông Hằng, thầy muốn học thêm giáo lý nên đã đến vườn Lộc Uyển để thưa hỏi các vị thượng tọa đang cư trú ở đây:
Đây là những điều tôi đã được nghe:
Hồi ấy có những vị thượng tọa khất sĩ cùng cư trú tại vườn Lộc Uyển ở Isipatana, thành Vārānasi. Đức Thế Tôn vừa mới nhập diệt không lâu. Lúc bấy giờ khất sĩ Chiên Đà (Chanda), vào buổi sáng khoác y, mang bát đi vào thành phố Vārānasi để khất thực. Khất thực và thọ trai xong, thầy Chiên Đà cất y bát, rửa chân, cầm theo chiếc chìa khóa cửa, đi từ cụm rừng này sang cụm rừng kia, từ tịnh thất này đến tịnh thất kia, từ con đường thiền hành này tới con đường thiền hành khác. Đến đâu khất sĩ Chiên Đà cũng thưa với các vị thượng tọa khất sĩ:
– Xin quý thượng tọa dạy cho con, thuyết pháp cho con để con có thể hiểu được Pháp, thấy được Pháp và như thế con có thể thật sự hiểu được Pháp và quán chiếu Pháp đúng pháp.
Lúc bấy giờ các vị thượng tọa khất sĩ nói với thầy Chiên Đà:
– Sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành và thức cũng là vô thường. Tất cả các hành đều vô thường, tất cả các pháp đều vô ngã và Niết bàn là sự yên ổn lắng dịu.
Câu này rất quan trọng mà chúng ta không thấy trong kinh Ca Chiên Diên. Nó là một công thức giống như một dấu ấn chứng thực được tinh túy của đạo Bụt trong Tam pháp ấn. Nhưng vì sau này có sự thất truyền nên Tam pháp ấn không còn giống như Tam pháp ấn trong kinh Chiên Đà. Hiện nay theo Nam Tông, Tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và khổ, trong khi tam pháp ấn đích thật ngày xưa là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Nhờ có kinh Chiên Đà mà chúng ta mới có thể tái lập lại được tam pháp ấn theo đúng Nguyên thỉ. Trong kinh Chiên Đà tam pháp ấn được lặp lại nhiều lần:
1. Chư hạnh vô thường (諸 行 無 常 – anityāḥ-sarva-samskārāḥ)
Tất cả các hành đều vô thường. Hành là samskāra, là sự vật, là hiện tượng. Ví dụ như bông hoa là một hành, cái ly là một hành, cuốn sách là một hành. Sự vật là vật hành, thân của mình là thân hành, cái giận hay cái buồn của mình là tâm hành. Dù cho là vật chất, là hình hài hay là tâm lý thì chúng đều là những hành. Hành là những pháp do sự tập hợp mà có (composited dharma, conditioned dharma). Vô thường là dấu ấn thứ nhất chứng tỏ đây là giáo lý chân truyền đích thực của Bụt. Giáo lý nào mà không có dấu ấn vô thường thì đó không phải là giáo lý của Bụt.
Khi quán sát ta thấy tất cả đều vô thường. Như vậy thì các nhà khoa học hiện nay đều là bạn của Bụt, vì họ thấy tất cả đều vô thường. Tâm lý cũng như sinh lý đều có tính cách vô thường, không có gì chắc thực, không có gì lâu dài. Có hai cách nói về vô thường:
- Vô thường trong từng sát na, hay còn gọi sát na vô thường 剎 那 無 常 , impermanence at every instant. Khi thắp lên một ngọn nến, ta có cảm tưởng là ngọn lửa đó thường. Nhưng nhìn cho kỹ thì đó là một loạt của những ngọn lửa nối tiếp nhau, cũng như khi chiếu phim lên màn ảnh ta thấy có một người đưa tay lên nhưng thật ra đó là một loạt của những hình ảnh rời rạc tiếp nối nhau. Hình ảnh của một người đưa tay lên là một ảo tưởng. Thường là một ảo tưởng, vô thường mới là sự thật.
- Vô thường từng giai đoạn hay là nhất kỳ vô thường 一 期 無 常 . Chúng ta thấy một người sinh ra và đến 80, 90 năm sau thì chết. Nhất kỳ là một tương tục (continuation), tiếng Phạn là santati. Bắt đầu từ Henri Bergson người ta dùng chữ nature cinématographique. Theo Bergson thì tâm của ta có tính chất điện ảnh và thực tại cũng có tính chất điện ảnh. Bụt không cần sử dụng những dụng cụ thí nghiệm như chúng ta hiện nay, Bụt dùng tâm để quán chiếu và thấy được thực chất của thực tại là vô thường.
2. Chư pháp vô ngã ( 諸 法 無 我 – nirātmānāḥ sarva-dharmāh)
Dấu ấn thứ hai là các pháp vô ngã. Ātman là một cái ngã, là linh hồn bất tử. Đây là niềm tin của rất nhiều giáo phái. Bà la môn giáo tin rằng có một ātma đi luân hồi cho tới khi trả hết nợ thì về hòa hợp lại với brahma hay đại ngã. Brahma là linh hồn của vũ trụ, còn ātma là linh hồn của cá nhân. Linh hồn cá nhân đi lang thang, bỏ xác thân này để vào xác thân khác. Cứ luân hồi mãi mãi cho tới khi trả hết nghiệp đời rồi trở về với đại ngã.
Bụt không chấp nhận niềm tin đó. Ngài là một nhà cách mạng, Ngài không chấp nhận có một linh hồn bất diệt. Ngày xưa khi kinh Vệ Đà hay Áo Nghĩa Thư nói tới luân hồi là nói tới linh hồn bất diệt. Bụt cũng chấp nhận giáo lý luân hồi nhưng giáo lý này khi trở thành Phật pháp thì không còn mang ý nghĩa như trước nữa. Bụt đã thấy được vô thường nên Ngài không chấp nhận được một cái gì trường cửu. Người ta đã đặt ra vấn đề: Nếu không có một linh hồn bất tử thì ai đi luân hồi, cái gì đi luân hồi? Luân hồi chỉ có thể có được nếu có một linh hồn bất diệt đi vào xác thân này, rồi đi ra khỏi xác thân này để đi vào xác thân kia. Đó không phải là luân hồi của đạo Bụt. Đạo Bụt không công nhận một linh hồn bất diệt, một cái ngã (jiva). Người nào không đồng ý với Bụt về vô ngã thì người đó không phải là tri kỷ của Bụt. Chúng ta phải hiểu luân hồi, nghiệp, quả báo, Tứ đế, Bát chánh đạo dưới ánh sáng của vô thường và vô ngã. Nếu ta không hiểu Tứ đế và Bát chánh đạo dưới ánh sáng của vô thường, vô ngã thì ta không hiểu giáo lý Tứ diệu đế và Bát chánh đạo.
3. Niết bàn tịch diệt ( 涅 槃 寂 滅 – śāntam nirvāņam)
Tịch diệt là vắng lặng, êm ả, bình an và lắng dịu. Chữ śaāntam từ chữ śānti mà ra, santi có nghĩa là hòa bình. Niết bàn là sự vắng mặt của khổ đau, của phiền não và những ngọn lửa đốt cháy. Niết bàn là một thực tại. Nếu ta không công nhận Niết bàn thì ta không phải là tri kỷ của Bụt. Bụt nói có vô thường, vô ngã, khổ đau nhưng cũng có an lạc và hạnh phúc, có hòa bình và sự lắng dịu. Nếu không đồng ý với dấu ấn thứ ba này thì ta không phải là bạn của Bụt.
Khi thầy Chiên Đà tới vườn Lộc Uyển hỏi các thầy thì ai cũng đều đọc cho thầy nghe ba câu đó: Chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch diệt. Nó trở thành một công thức. Có người nghe ba câu đó không hiểu và thầy Chiên Đà là một trong số những người đó.
Thầy Chiên Đà bạch với các vị thượng tọa khất sĩ:
– Con cũng đã biết sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành và thức cũng vô thường. Con biết tất cả các hành đều vô thường, tất cả các pháp đều vô ngã và Niết bàn là sự an ổn, lắng dịu. Nhưng con không vui khi nghe nói rằng tất cả các hành đều không, không thể nắm bắt được và chỉ khi nào ái dục chấm dứt thì mới có Niết bàn. Nếu như thế thì có một cái ngã (một cái chủ thể) nào có thể biết (sự thật) một cách chân thực, có thể thấy (sự thật) một cách chân thực để ta có thể nói rằng “thấy được Pháp?”
Thầy Chiên Đà lặp lại câu ấy hai rồi ba lần. Rồi thầy tự hỏi: “Ai trong số các vị thượng tọa này có thể dạy cho mình để mình có thể hiểu được Pháp và thấy được Pháp.”
Thế rồi thầy Chiên Đà lại nghĩ: “Tôn giả Ananda hiện đang cư trú tại vườn Ghosita trong vùng Kosambi. Tôn giả là người đã từng được gần gũi và làm thị giả cho đức Thế Tôn, đã từng được Bụt khen ngợi và được tất cả các bậc tu phạm hạnh biết đến. Tôn giả ấy chắc chắn sẽ có khả năng thuyết pháp cho ta, để ta có thể biết được Pháp và thấy được Pháp.”
Thầy Chiên Đà nghỉ ngơi qua đêm. Sáng hôm sau khoác y và mang bát, thầy đi vào thành phố Vārānasi để khất thực. Khất thực và thọ trai xong, thầy xếp chiếc giường nằm của thầy lại. Xếp dẹp xong thầy khoác y, cầm bát lên đường đi về Kosambi. Đi nhiều chặng, thầy tới nơi. Rồi thầy đặt y bát xuống, đi rửa chân và đi tới chỗ tôn giả Ananda cư trú. Sau khi chào hỏi tôn giả, thầy ngồi xuống một bên tôn giả. Lúc bấy giờ, thầy Chiên Đà hỏi tôn giả Ananda:
– Thưa tôn giả, hồi ấy nhiều vị thượng tọa khất sĩ đang cư trú tại vườn Lộc Uyển ở Isipatana, thuộc thành phố Vārānasi. Buổi sáng ấy con mang y cầm bát đi vào thành Vārānasi để khất thực. Khất thực và thọ thực xong, con cất y bát, rửa chân, cầm theo chiếc chìa khóa, đi từ cụm rừng này đến cụm rừng kia, từ tịnh thất này đến tịnh thất nọ, từ con đường thiền hành này tới con đường thiền hành khác. Đến đâu gặp các vị thượng tọa khất sĩ, con cũng đều xin quý vị dạy dỗ, trao truyền cho con và thuyết pháp cho con để con có thể biết Pháp và thấy Pháp. Lúc bấy giờ các vị thượng tọa khất sĩ thuyết pháp cho con và dạy con rằng:
– Sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành và thức cũng vô thường. Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các pháp đều vô ngã và Niết bàn là sự an ổn lắng dịu.
Khi ấy con có thưa với các vị thượng tọa khất sĩ rằng: Con đã biết sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành và thức cũng vô thường. Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các pháp đều vô ngã và Niết bàn là sự an ổn lắng dịu. Nhưng con không được vui khi nghe nói rằng tất cả các hành đều trống rỗng, không thể nắm bắt được và chỉ khi nào ái dục chấm dứt thì mới có Niết bàn. Nếu như thế thì trong đó có một cái ngã (chủ thể) nào có thể biết được (sự thật) một cách chân thực, thấy được (sự thật) một cách chân thực để ta có thể nói rằng “thấy được Pháp?”
Lúc ấy con mới tự hỏi rằng trong số các vị thượng tọa khất sĩ, ai là người có khả năng vì ta mà thuyết pháp khiến cho ta biết được Pháp và thấy được Pháp? Rồi con nghĩ: “Tôn giả Ananda hiện đang ở trong vườn Ghosita trong vùng Kosambi. Tôn giả là người đã từng được gần gũi và làm thị giả cho đức Thế Tôn, đã từng được Bụt khen ngợi và được tất cả các bậc tu phạm hạnh biết đến. Tôn giả ấy chắc chắn sẽ có khả năng thuyết pháp cho ta, để ta có thể biết được Pháp và thấy được Pháp.”
Lành thay, tôn giả Ananda! Xin tôn giả bây giờ đây thuyết pháp cho con, khiến cho con biết được Pháp và thấy được Pháp.
Nhờ được lặp đi lặp lại như vậy nên Tam pháp ấn được chép rất nhiều lần trong kinh, khiến người ta thuộc lòng và không thay đổi được. Trong kinh Chiên Đàn bản tiếng Pāli, người ta chỉ giữ lại hai pháp ấn là vô thường, vô ngã và bỏ pháp ấn thứ ba là Niết bàn. Kinh này cũng có trong tạng Pāli, nhưng thay vì chép “chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh” thì người ta chỉ chép “chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã” thôi. Những nhà chú giải như thầy Buddhagośa khi chú giải đến đây thì hỏi tại sao không ghi luôn pháp ấn thứ ba là “tất cả đều là khổ”, và người ta cắt nghĩa nếu để khổ vào thì hóa ra Niết bàn cũng là khổ hay sao? Người ta đã quen với ba pháp ấn vô thường,vô ngã và khổ, nhưng kỳ thật trong đạo Bụt nguyên chất ba dấu ấn không phải là vô thường, vô ngã, khổ mà là vô thường,vô ngã và Niết bàn. Theo tiêu chuẩn trong kinh thì người nào không công nhận có Niết bàn, nghĩa là có sự lắng dịu, sự giải thoát thì người đó không phải là tri kỷ của Bụt. Người ta bị ám ảnh bởi giáo lý Tứ diệu đế và hiểu lầm giáo lý này nên đã để khổ lên thành dấu ấn thứ ba.
Bông hoa này vô ngã nhưng nó không khổ. Nó là vô thường, vô ngã nhưng ta tưởng nó là thường, là ngã nên ta khổ. Khổ không phải là thuộc tính của sự vật mà do cách ta nhìn. Năm uẩn là vô thường, vô ngã mà ta tưởng nó là thường, là ngã nên ta mới khổ. Khổ không phải là một trong ba thuộc tính của sự vật. Chúng ta có sự thất truyền, tam sao thất bản. Một vị Phật tử bên Mỹ gửi con qua Làng Mai tu học, nhắn với sư cô Chân Không khi đứa con về thì sư cô gửi cho bà ta cuốn sách “Đường xưa mây trắng”. Cậu con nghe không rõ ràng nên nói với sư cô Chân Không: Má con nói sư cô gửi cho má con “áo sơ mi trắng”. Trong kinh cũng vậy, cũng có sự thất truyền như “Đường xưa mây trắng” lại trở thành “áo sơ mi trắng”. Phải khảo cứu một cách thông minh thì ta mới có thể tái lập lại sự thật. Chúng ta phải thiết lập lại Tam pháp ấn.
Sau đó thầy Ananda nói với thầy Chiên Đà như sau: Tôi khen thầy đó. Thầy không hiểu, thầy dám nói là thầy không hiểu. Như vậy thầy mới có cơ hội hiểu được lời Bụt dạy. Thầy lắng nghe tôi đây. Tôi đã từng thân cận đức Thế Tôn và có một lần tôi nghe đức Thế Tôn trả lời cho thầy Kātyāyana khi thầy hỏi chánh kiến là gì. Nếu thầy lắng nghe và hiểu được thì thầy có thể biết được Pháp và thấy được Pháp. Và thầy A Nan lặp lại nội dung của kinh Trung Đạo Nhân Duyên. Đã có kinh Kātyāyana rồi, chúng ta phải có thêm kinh Chiên Đà vì kinh Chiên Đà giúp ta thiết lập lại được Tam pháp ấn ngày xưa.
Vô thường là vô ngã
Khi nghe thầy A Nan nói: Tôi rất vui khi thấy thầy rất thành thật, thầy không hiểu thì thầy nói là không hiểu. Như vậy thầy sẽ có cơ hội để hiểu được và tôi sẽ chỉ dạy cho thầy.
Nghe câu đó thầy Chiên Đà rất phấn khởi. Lần đầu tiên có một vị đại trưởng lão, một cao đệ của đức Thế Tôn khen là mình có khả năng hiểu được giáo pháp thâm diệu của đức Thế Tôn.
Lúc bấy giờ tôn giả A Nan Đà nói với thầy Chiên Đà: Hay thay thầy Chiên Đà, tôi rất vui mừng cho thầy vì thầy có khả năng đứng trước người tu phạm hạnh mà không che giấu những gì trong tâm mình để mong phá trừ những gai gốc hư ngụy trong tâm. Có cái nghi, cái không hiểu mà dám nói ra cái nghi, cái không hiểu.
Thầy Chiên Đà, những người phàm phu si mê không có khả năng hiểu được sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, không biết rằng tất cả các hành là vô thường, tất cả các pháp đều vô ngã và Niết bàn là sự an ổn, lắng dịu. Giờ này đây khi thầy đã có khả năng tiếp nhận giáo pháp thâm diệu thì hãy lắng nghe, tôi sẽ vì thầy mà nói.
Lúc bấy giờ thầy Chiên Đà nghĩ: Bây giờ đây ta có được niềm vui, có được tâm trạng mầu nhiệm hết sức này, bởi vì ta biết giờ đây ta có được khả năng tiếp nhận giáo pháp thâm diệu. Lúc ấy tôn giả A Nan Đà nói với thầy Chiên Đà là thầy đã đích thân được nghe đức Thế Tôn dạy cho tôn giả Maha Kātyāyana như sau: Người đời thường bị vướng vào hai cái thấy cực đoan, đó là cái thấy có và cái thấy không. Người đời vì bị kẹt vào trong các cảnh giới của nhận thức cho nên tâm họ bị ràng buộc.
Câu này có nghĩa là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì sinh ra sáu tưởng, tức cảnh giới hay đối tượng của nhận thức và chúng ta bị kẹt vào trong cảnh giới đó. Ta bị dính vào sự ưa thích hay sự ghét bỏ, muốn hay không muốn, nắm bắt hay chạy trốn. Nếu một người không tiếp nhận, không nắm bắt và không đứng trong cái kẹt ấy, không kế độ và chấp vào một cái ngã thì người ấy sẽ thấy rằng khi điều kiện có đủ để cái khổ sinh thì cái khổ sinh và khi có đủ điều kiện để cái khổ diệt thì cái khổ tiêu diệt, không cần có một cái ngã, và ý niệm có và không không thể áp đặt vào được.
Ban đầu vì có xúc 觸 nên sinh ra tưởng và ta bị kẹt vào đối tượng của sự xúc chạm đó, gọi là thủ 取 , tiếng Anh là grasping. Ta cứ ở trong cái tưởng đó, gọi là trú 住 ,và ta so đo, so sánh về một cái ngã gọi là kế 計 . Nếu không kẹt vào xúc, thủ, trú và kế thì tự nhiên ta thấy được sự thật.
Thầy Chiên Đà nói rằng: Nghe các thầy nói ba câu đó con không hiểu, con không được hạnh phúc. Con nghe nói rằng mọi vật đều vô thường, đều trống rỗng, đều không có ngã và khi thấy được sự trống rỗng đó, khi buông bỏ được cái ngã thì có thể thấy và hiểu được pháp. Nhưng nếu không có cái ngã thì ai thấy, ai hiểu được pháp? Vì vậy con vẫn không hiểu thế nào là vô ngã, không và Niết bàn, tại vì Niết bàn là sự chấm dứt của ái dục.
Bụt dạy thầy Ca Chiên Diên rằng đối với người đời, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì phát sinh ra tưởng và ta có thể bị kẹt vào những cái tưởng đó. Ta ở trong tưởng không thoát ra được và ta chấp rằng có một chủ thể đi qua cái tưởng đó. Vì vậy nên ta không thấy được pháp và ta không hiểu được pháp. Nhưng không cần phải có cái ngã mà vẫn có xúc, thủ, trú, kế, cũng như vẫn có tư duy mà không cần phải có người tư duy, có tác nghiệp mà không cần phải có tác giả, có cảm thọ mà không cần phải có người nhận chịu cảm thọ.
Chúng ta thường nói: “Mưa rơi! Gió thổi!” Chúng ta tưởng tượng có một chủ thể và một hành động tách rời nhau, có một chủ thể đứng ngoài hành động và một hành động đứng ngoài chủ thể. Đó là thắc mắc của thầy Chiên Đà: Nếu không có cái tôi thì làm sao có sự tư duy? Nếu không có cái tôi thì ai thấy được pháp, ai hiểu được pháp, ai đi vào Niết bàn? Thầy A Nan hiểu được câu hỏi của thầy Chiên Đà và trả lời rằng không cần có một cái tôi. “Mưa” và “rơi” có phải là hai cái khác nhau không? Mưa mà không rơi thì không phải là mưa. Ta không thể lấy “rơi” ra khỏi “mưa”, không thể lấy hành động ra khỏi chủ thể. Hoa là nở, mây là bay, gió là thổi. Nếu gió không thổi thì không phải là gió mà là không khí, thổi nằm ngay trong gió, hành động và chủ thể là một. Không cần có một ông thần đứng sau gió để thổi, chỉ có tác nghiệp mà không cần có tác giả. Đó là giáo lý vô ngã, là tinh hoa của đạo Bụt.
Thầy Chiên Đà đã lớn tuổi và đi xuất gia sau khi Bụt nhập diệt. Nhưng khi thầy gặp được thầy A Nan, nghe thầy A Nan thuyết pháp thì tâm tư thầy bừng sáng và đắc được pháp nhãn thanh tịnh. Được như vậy là nhờ thầy A Nan giúp thầy Chiên Đà lấy đi cái mặc cảm là mình không thể hiểu được pháp. Thầy A Nan khen: “Tôi rất hạnh phúc khi thấy sư em rất giỏi, không hiểu thì sư em nói là không hiểu và sư em có ước muốn tìm hiểu cho được. Bây giờ sư em nghe tôi đây, tôi sẽ kể lại những điều Bụt dạy cho thầy Ca Chiên Diên”. Thầy Chiên Đà rất sung sướng nghĩ rằng: “Mình đang đứng trước một vị đạo cao đức trọng như thầy A Nan Đà mà thầy nói mình có khả năng thấy và hiểu được pháp”. Trong tâm trạng đó thầy Chiên Đà mở lòng ra nghe và thầy đã giác ngộ.
Hôm nay tôi cũng bắt chước thầy A Nan Đà kể lại câu chuyện của thầy Ca Chiên Diên. Nếu quý vị không có mặc cảm và có thể có mặt trong giây phút hiện tại, thì tâm tư của quý vị cũng có khả năng bừng sáng và thấy được thế giới không sinh, không diệt, không có, không không, không ngã là có thật và ta có thể tiếp xúc với thế giới đó ngay trong ngày hôm nay.
Niết bàn là sự thật
Trong kinh có nói tính vững chãi và thảnh thơi là hai đặc tính của Niết bàn. Có vững chãi và thảnh thơi trong mỗi bước chân là ta tiếp xúc được với Niết bàn. Niết bàn không phải là cái gì trừu tượng nằm ở phương trời xa hay ở trong tương lai nào đó, mà Niết bàn có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Với hai chân, ta có thể tiếp xúc với Niết bàn vì hễ có vững chãi, thảnh thơi là có Niết bàn. Niết bàn được diễn tả bằng nhiều danh từ rất hay mà danh từ đầu tiên là sự lắng dịu, là sự tắt ngấm của những ngọn lửa phiền não (the extinction of affliction). Những ngọn lửa đốt cháy không còn nữa: ngọn lửa của hận thù, lo sợ, nghi ngờ và tham dục. Ta có thể tiếp xúc với Niết bàn trong từng hơi thở, trong từng bước chân của mình. Thiền đi là một pháp môn thực tập rất sâu chứ không hời hợt như ta tưởng.
Niết bàn là sự thật. Trong đạo Bụt chúng ta được học về ba dấu ấn về sự thật:
1. Vô thường
Dấu ấn đầu là vô thường, vô thường là một sự thật mà không ai có thể chối bỏ được.
2. Vô ngã
Sự thật thứ hai là vô ngã, vô ngã là không có một linh hồn bất diệt, không có gì là thường hằng, bất diệt. Có thể có những dòng liên tục, nhưng những dòng liên tục này luôn luôn chuyển biến như một dòng sông. Hôm qua chúng ta nhìn thấy sông Marne và hôm nay tới cũng thấy dòng sông Marne đó, chúng ta nghĩ dòng sông Marne luôn luôn là nó, nó thường hằng, vĩnh cửu. Hai mươi năm sau trở lại thấy dòng sông Marne vẫn còn đó, ta tưởng dòng sông Marne là vĩnh cửu. Thật ra theo lý vô thường thì dòng sông Marne cũng chuyển biến trong từng sát na. Nhìn kỹ dòng sông Marne ta thấy các loại sinh vật trong nước cũng sinh diệt, những giọt nước bây giờ không phải là những giọt nước của hôm qua. Bề ngoài ta thấy dường như có một cá thể riêng biệt thường tại, nhưng thật ra không có gì là trường cửu, bất diệt.
Tâm thức ta là một dòng liên tục của những sát na tâm thức. Có những cảm thọ, những tri giác nối tiếp nhau, nhưng không có cái gì trường cửu bất diệt. Đó là vô ngã. Nếu tin vào một linh hồn bất tử là ta rơi vào tà kiến, gọi là thường kiến (the view of eternalism). Nếu nghĩ sau khi chết rồi thì ta vẫn còn hoài không thay đổi, ta có một linh hồn bất tử thì đó là thường kiến. Thường kiến là một tà kiến mà không phải là sự thật. Sự thật là vô ngã, là không có một thực thể thường tại, bất biến. Nhưng cho rằng sau khi chết là không còn gì nữa cũng là một tà kiến, gọi là đoạn kiến (the view of annihilation). Đoạn kiến cũng không phải là sự thật. Trong đạo Bụt, vô ngã nằm ở trung đạo, vượt thoát khỏi thường kiến và đoạn kiến.
Khoa học có thể giúp chứng minh được hai sự thật vô thường và vô ngã: không có gì thường tại, tất cả đều thay đổi.
3. Niết bàn
Sự thật thứ ba là Niết bàn. Niết bàn là tính chất chân thật của vạn pháp. Đứng về phương diện hiện tượng thì các pháp có sinh, có diệt, có có, có không, có tới, có đi. Nhưng nhìn cho kỹ thì bản chất của các pháp là không sinh, không diệt, không có, không không. Những phạm trù tư tưởng như có (being), không (non being), sinh (birth), diệt (death) không diễn tả được thực tại. Nhìn một cách cạn cợt thì ta thấy sự vật có khi có, có khi không, có khi sinh, có khi diệt. Nhưng nhìn cho kỹ thì có, không, sinh, diệt chỉ là những ý niệm của mình. Sự thật là sự vật không có cũng không không, không sinh cũng không diệt. Làng Mai thường nói đám mây không sinh cũng không diệt, có nghĩa là đám mây không phải từ không mà trở thành có, đám mây tới từ hơi nước, vì vậy đám mây là vô sinh. Đám mây cũng không chết tại vì chết là từ có mà trở thành không, đám mây chỉ có thể trở thành tuyết, mưa, nước đá, v.v… vì vậy bản chất của đám mây là không diệt. Ý niệm sinh diệt bị lấy đi thì ý niệm có và không cũng bị lấy đi theo.
Nhìn vào đám mây ta có thể thấy được sự thật vô thường, sự thật vô ngã và sự thật Niết bàn, tức tính chất không sinh, không diệt, không có, không không. Niết bàn là sự thật căn bản. Chúng ta cũng giống như đám mây, bản chất của chúng ta là không có cũng không không. Có là một tà kiến mà không cũng là một tà kiến, sinh là một tà kiến mà diệt cũng là một tà kiến.
Trong khoa học cũng tìm ra được Niết bàn. Luật thứ nhất của nhiệt động học nói rằng: Vật chất và năng lượng không sinh cũng không diệt. Chúng ta không thể tạo ra cũng không thể tiêu diệt được vật chất và năng lượng. Nhà khoa học Lavoisier đã nói rất rõ: Rien ne se crée, rien ne se perd. Tout se transforme. Đó là đặc tính của Niết bàn. Vật chất cũng như năng lượng luôn luôn chuyển biến, đó là sự thật về vô thường. Chúng ta không thể tạo ra vật chất mới, vật chất có thể trở thành vật chất dưới một hình thái khác, hoặc vật chất có thể biến thành năng lượng, nhưng vật chất không thể nào bị tiêu diệt được. Năng lượng cũng không thể chết, năng lượng chỉ có thể trở thành năng lượng khác, hoặc trở thành vật chất. Đó là luân hồi (transmigration, rebirth). Không có gì là thường, là ngã, là sinh, là diệt.
Trong một phản ứng hóa học, các chất hóa học phản ứng với nhau và ta thấy hình như có một chất hóa học không còn nữa (diệt). Thật ra nếu đếm số lượng phân tử của các chất hóa học thì số lượng phân tử của các chất trước khi phản ứng bằng số lượng của các chất sau khi phản ứng. Khoa học, bằng phương pháp của mình, cũng đã khám phá ra tính không sinh không diệt của thực tại. Tuy hơi khó thấy nhưng sự thật là bản chất của thiên nhiên, của vật thể là không sinh không diệt. Nếu đã không sinh không diệt thì cũng không có, không không, vì ý niệm về sinh-diệt đưa tới ý niệm về có-không. Sinh là từ không mà trở thành có, nhưng trên thực tế thì không có gì từ không mà trở thành có, cũng không có gì từ có mà trở thành không. Thực tại vượt thoát ý niệm sinh-diệt, có-không. Đó là Niết bàn, là bản chất của sự thật về ta và về thế giới. Tiếp xúc được với Niết bàn thì ta không còn sợ hãi về ý niệm có- không, sinh-diệt. Ta có thể tiếp xúc được với Niết bàn bằng hình hài, bằng bước chân, bằng hơi thở của mình. Niết bàn không phải là cái gì trừu tượng. Vật chất và năng lượng là Niết bàn, vì bản chất của nó là không sinh, không diệt, không có và không không.
Đạo Bụt đưa ra ba pháp ấn nói về thực tại là:
- Vô thường: Khoa học cũng công nhận tất cả đều vô thường.
- Vô ngã: Khoa học cũng công nhận không có gì thường tại bất biến, tất cả đều thay đổi.
- Niết bàn: Khoa học cũng phải công nhận sự thật này. Định luật bảo tồn năng lượng là sự xác nhận của khoa học về tính không sinh, không diệt, không có, không không của thực tại.
Nhưng khoa học không biết áp dụng cái thấy đó vào trong đời sống hằng ngày mà chỉ biết áp dụng vào kỹ thuật để chế tác đồ dùng. Nếu áp dụng cái thấy đó vào trong đời sống thì nhà khoa học có thể vượt thoát được những lo lắng, buồn khổ hay sự sợ hãi trước cái chết, sợ mình sẽ trở thành hư vô.
Trong Tương Ưng Bộ có một đoạn nói về Niết bàn và kể ra những tên của Niết bàn như là:
- Sự thật, nghĩa là không phải chuyện hư dối.
- Bờ bên kia, tức là bờ của sự chấm dứt những lo lắng, sầu khổ, là bờ có sự vững chãi và thảnh thơi. Còn bờ bên này là bờ của sự lo lắng, sầu khổ, giận hờn. Nếu biết cách thì ta có thể từ bờ bên này vượt sang bờ bên kia một cách mau chóng. Đang thất niệm, sầu khổ, ta thở vào và tiếp xúc với những mầu nhiệm của vũ trụ, ta buông bỏ quá khứ, buông bỏ tương lai. Có tự do là ta đã bước qua bờ bên kia. Bờ bên kia đang có mặt đó cho ta bất cứ trong giờ phút nào, chỉ cần một ít chánh niệm, một ít tuệ giác là ta có thể bước qua đó ngay. Ví dụ ta đang giận người yêu, ta muốn nói một câu cho người đó khổ vì ta nghĩ nếu người đó khổ thì ta sẽ đỡ khổ hơn. Thật ra nếu người đó khổ thì ta lại còn khổ hơn, ta đang đứng bên bờ của giận hờn, dại dột. Nhưng nếu lúc đó nghe một tiếng chuông, ta trở về với hơi thở, cảm xúc lắng xuống và ta thấy rằng ta đang dại dột, ta đang khổ và ta sắp làm khổ người yêu của ta. Đó là một sự dại dột vô cùng. Ta có sự tỉnh thức. Thở vào có chánh niệm (mindfulness) là có định (concentration) và có định là có tuệ (insight). Tuệ là cái thấy, thấy rằng ta đang dại dột, ta đang làm khổ ta và đang làm khổ người yêu. Ta sống được bao nhiêu năm mà làm khổ nhau như vậy? Thấy được như vậy là có tuệ. Có tuệ là vượt qua bờ bên kia ngay lập tức, gọi là Bát nhã ba la mật, prajñā- pāramitā. Niết bàn là bờ bên kia. Ta không phải chết đi rồi mới qua được bờ bên kia mà bờ bên kia đang có đó cho ta, vì ta dại dột nên ta cứ ở mãi bờ bên này.
- Bất khả tư nghị, ta không thể quan niệm, bàn tán được vì Niết bàn là sự thật không sinh không diệt. Không có danh từ nào có thể diễn tả được Niết bàn. Những ý niệm như sinh, diệt, có, không, còn, mất, tới, đi đều không diễn tả được Niết bàn. Niết bàn là sự tự do tuyệt đối. Niết bàn tương đương với Thượng đế (God). Thượng đế không phải dưới hình thái một người mà là bản chất của vạn sự, vạn vật. Trong Cơ đốc giáo có danh từ “resting in God”, có nghĩa là ta nên ở luôn bờ bên kia. Thượng đế là cái không sinh, không diệt, không có, không không. Tiếp xúc được với Thượng đế thì ta vượt thoát hết mọi sầu khổ. Một đợt sóng trên biển cả có lên, có xuống, có sợ hãi, lo lắng về chuyện sinh-diệt, có-không. Nếu đợt sóng có tuệ giác, nó trở về với chính mình và nhận ra rằng mình cũng là nước. Sóng thì có sinh, có diệt, có cao, có thấp, có còn, có mất nhưng nước thì không có sinh, diệt, cao, thấp, còn, mất. Giây phút mà đợt sóng biết mình là nước thì nó thoát khỏi mọi sợ hãi và nó đã sang tới bờ bên kia. Nếu đợt sóng chỉ nghĩ mình là sóng và đi tìm nước thì nó vẫn ở bờ bên này. Niết bàn là bản chất thật của ta, tức bản chất không sinh, không diệt.
Bất khả tư nghị có nghĩa là không thể lý luận bằng ngôn ngữ và khái niệm. Tư là suy nghĩ (thinking), nghị là bàn cải (discussable).
- An ổn, Niết bàn là nơi an toàn nhất vì bản chất của Niết bàn là bất sinh bất diệt.
- Hải đảo, chúng ta có một vùng rất an ninh, ở đó ta không có sợ hãi. Hải đảo đó nằm ngay trong tự thân. Vào năm đức Thế Tôn sắp nhập diệt, Ngài sợ đệ tử của mình sẽ đau khổ vì không có chỗ để nương tựa nên Ngài đi chung quanh thành phố Vaisali và dạy những bài pháp rất ngắn: Này quý vị, quý vị đừng nên nương tựa vào bất cứ cái gì mà chỉ nên nương tựa vào hải đảo trong tự thân, nương tựa vào Pháp mà đừng nương tựa vào người khác, tại vì ta luôn có Pháp trong ta. Chỗ để trú ẩn an toàn nhất là hải đảo trong tự thân.
Niết bàn được diễn tả như một hải đảo rất an toàn. Hãy tự mình làm một hải đảo an toàn để trú ẩn, đó là Niết bàn. Niết bàn tương đương với “resting in God” của Thiên chúa giáo.
Giáo lý vô thường, vô ngã là những phương tiện mà không phải là chân lý tuyệt đối
Chúng ta đã bắt được con sâu thứ nhất khá to trong kinh, bây giờ tới con sâu thứ hai. Chúng ta đã học về “Tam pháp ấn”, tức ba dấu ấn để chứng minh đó là pháp môn đích thực của Bụt. Tam pháp ấn 三 法印 (Three dharma seals), tiếng Pāli gọi là tilakkhaṇa, tiếng Phạn là trilakṣaṇa. Ấn là con dấu. Giáo lý nào mà không có dấu ấn đó thì không phải là giáo lý của Bụt.
Trong Phật giáo Bắc tông, Tam pháp ấn là: Vô thường 無 常 (impermanence), Vô ngã 無 我 và Niết bàn 涅 槃.
vô thường – vô ngã
Niết bàn
Nhưng trong Phật giáo Nam tông thì Tam pháp ấn là: Vô thường, Khổ và Vô ngã. Vô thường, vô ngã đại diện cho bình diện tích môn (historical dimension). Nhưng nhờ quán chiếu vô thường và vô ngã mà ta đạt tới bản môn tức Niết bàn. Trên bình diện tích môn có tà kiến thường và ngã, người ta nhìn sự vật là thường và ngã. Cái nhìn ấy đưa lại rất nhiều đau khổ. Vì vậy Bụt đưa ra hai pháp ấn đầu là vô thường và vô ngã. Vô thường và vô ngã giống như một cỗ xe đưa tới Niết bàn, tức hạnh phúc. Vô thường, vô ngã là con đường mà không phải là cứu cánh, là thuốc để chữa trị, là giải độc dược 解 毒 藥 (antidote).
Trong nhận thức thông thường của thế gian thì vạn vật là thường và ngã, có tôi và anh là hai thực tại khác nhau, đó là tà kiến. Vì vậy Bụt đưa ra thuốc giải độc. Ta phải nhớ rằng những giáo lý Bụt đưa ra giảng dạy có công năng giải phóng. Mục đích sự ra đời của đạo Bụt không phải là để thiết lập một chủ thuyết hay một hệ thống triết học. Mục đích của đức Thế Tôn là giúp cho người hết khổ hay bớt khổ. Vì vậy Bụt đã đưa ra thuốc giải độc là vô thường và vô ngã. Bụt không có mục đích đưa vô thường và vô ngã ra để thành lập ra một hệ thống triết lý Phật giáo. Bụt không phải là một nhà triết học. Mục đích của Bụt là giải độc. Tà kiến là thuốc độc mang lại rất nhiều đau khổ. Sự vật là vô thường, vô ngã mà ta thấy chúng là thường, là ngã cho nên ta khổ đau, tuyệt vọng. Nhưng nếu ta bị kẹt vào các ý niệm về vô thường và vô ngã tức là ta đã bị rắn cắn. Nhiều người đã hiểu lầm giáo lý của đạo Bụt và tôn thờ giáo lý, cho đó là chân lý tuyệt đối. Người ta không biết giáo lý của Bụt chỉ là những phương tiện để đưa tới chánh kiến và Niết bàn, tức trạng thái chấm dứt những khổ đau, phiền muộn và nóng bức. Ta có thể dịch chữ Niết bàn là coolness. Khi giận hờn, tuyệt vọng, hận thù cháy bùng lên thì đó là những ngọn lửa làm ta đau khổ, làm ta thất điên bát đảo. Dập tắt được những ngọn lửa đó thì ta có tình trạng mát dịu gọi là Niết bàn (extinction). Extinction là sự dập tắt, dập tắt những phiền não (phiền não chướng) và những tà kiến (sở tri chướng).
Vô thường, vô ngã không phải là chân lý để ta thờ phụng mà là thuốc giải độc. Và khi đã giải được độc rồi thì ta không cần dùng thuốc đó nữa. Cũng như ta đi mua cái cuốc về để cuốc đất trồng khoai. Cái cuốc chỉ là một dụng cụ dùng để đào khoai, ta không thể ăn cái cuốc. Giáo lý của Bụt giống như một phương tiện giúp ta đạt tới Niết bàn, tức là cái thấy đưa tới sự lắng dịu. Vô thường, vô ngã là phương tiện mà không phải là chân lý tuyệt đối ngàn đời. Thấy được như vậy thì ta vượt thoát được sự cuồng tín (fanaticism) và thái độ giáo điều (dogmatism). Trong đạo Bụt không có cuồng tín, không có giáo điều. Ta không giận, không giết, không đánh phá khi người khác động tới đạo của mình, động tới giáo chủ của mình hay tới giáo lý của mình vì những giáo lý đó chỉ là phương tiện mà không phải là chân lý tuyệt đối. Trong đạo Bụt không có giáo điều để bảo vệ, thực tập giới Tiếp Hiện chúng ta thấy rất rõ điều này. Một Phật tử đích thực không bao giờ cầm gươm, cầm súng để đánh phá những người động chạm tới niềm tin của mình.
Vì vậy vào thế kỷ thứ X, khi những người Hồi giáo tới đập phá và tàn sát những tăng ni thì các thầy ở Ấn Độ đã chọn giải pháp bỏ chạy. Các thầy đã ôm theo một ít kinh sách và bỏ chạy lên miền Bắc (Nepal). Nếu các thầy tổ chức quân đội để đánh lại người Hồi giáo thì cũng giống như là các thầy đã chống lại chính mình. Ta đã nguyện đi theo con đường của từ bi bất bạo động mà ta lại đi bảo vệ Phật pháp bằng phương tiện bạo động và hận thù thì đó không phải là đạo Bụt, cho nên giải pháp của các thầy thời đó là đi tị nạn. Chúng ta rất biết ơn các vị đã không tổ chức kháng chiến bạo động. Các vị đã áp dụng phương pháp bất bạo động để tiếp tục làm người Phật tử.
Chúng ta thiết lập vô thường để thoát khỏi thường, thiết lập vô ngã để thoát khỏi ngã. Khi thoát khỏi thường và ngã rồi thì ta phải vứt luôn vô thường và vô ngã. Cũng giống như thuốc, khi đã hết bệnh rồi thì ta giữ thuốc lại làm gì nữa vì những người không có bệnh mà uống thuốc đó vào thì không tốt. Thuốc là để trị bệnh, vì có bệnh đó nên có thuốc đó. Vô thường, vô ngã cho đến cả tương tức hay Không cũng chỉ là thuốc giải độc mà không phải là chân lý tuyệt đối để ta thờ phụng. Như vậy chúng ta thoát được tính độc đoán và giáo điều.
Đại chúng được học là trong Tam pháp ấn của đạo Bụt phải có Pháp ấn Niết bàn. Nhiều vị kinh sư của Thượng tọa bộ đã bị ám ảnh bởi ý niệm về khổ cho nên đã thay thế Pháp ấn Niết bàn bằng Pháp ấn Khổ. Kinh Chiên Đà (Channa), kinh 262 của bộ Tạp A Hàm, còn giữ lại được nguyên vẹn công thức của ba Pháp ấn: chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh (anityāh sarvasamskārāh, nirātmānah sarvadharmāh, santam nirvāṇam). Công thức này được lặp lại tới năm lần trong kinh. Kinh Channa của tạng Pāli cũng nói tới chuyện thầy Channa đi cầu Pháp, nhưng đã bỏ mất Pháp ấn thứ ba là Niết bàn. Tuy nhiên không dám thêm vào pháp ấn khổ, sợ nói nếu tất cả các pháp đều là khổ thì như thế là vơ đũa cả nắm, cho các pháp như Tứ diệu đế và Bát chánh đạo, v.v… của Bụt cũng là Khổ. Đó là lời giải thích về sau của các tổ Thượng tọa bộ.
Tam Pháp ấn là ba dấu ấn rất quan trọng trong Phật pháp. Thiếu Pháp ấn thứ ba là Niết bàn thì giáo lý không thể đích thực là giáo lý của Bụt. Trên bình diện Tích môn ta thấy có sinh có diệt, có có có không, có người tạo nghiệp có người thọ báo, có pháp hữu vi có pháp vô vi, nhưng trên bình diện Bản môn thì ta phải thấy được tự tính của các pháp là không sinh không diệt, không có không không, không tác giả không thọ giả, không hữu vi cũng không vô vi. Đó là lời Bụt dạy trong các kinh Ưu Đà Na và Như Thị Ngữ: Có cái vô sinh, vô hữu, vô tác và vô hành. Thật tướng của các pháp là vô thường và vô ngã nhưng thật tướng của các pháp cũng là Niết bàn, do đó Niết bàn có thể tìm thấy trong sinh tử chứ không phải ngoài sinh tử. Truyền thống Bắc tông còn giữ lại được ba pháp ấn nguyên vẹn, và chính bộ Đại Trí Độ Luận của thầy Long Thọ cũng xác nhận ba pháp ấn là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Chính công phu quán chiếu về Vô thường và Vô ngã đưa tới sự tiếp cận Niết bàn tức là thể tính bất sinh bất diệt của vạn pháp.