Chương 1: Đi không nói và không suy nghĩ
Thực tập thiền đi một trăm phần trăm
Trong buổi lễ Đối thú an cư, chúng ta đã đồng ý với nhau rằng sẽ thực tập nghiêm chỉnh thiền đi trong mùa An cư này. Chúng ta cũng biết rằng nếu ta thực tập được 100% thì rất dễ, còn nếu ta chỉ thực tập nửa vời thì sẽ không thành công. Thực tập được thành công thiền đi thì chúng ta sẽ thực tập được thành công trong những pháp môn khác.
Xuất sĩ cũng như cư sĩ, chúng ta đã quyết định phải thực tập thiền đi 100%, nghĩa là mỗi bước chân phải đi trong chánh niệm. Muốn có chánh niệm chúng ta phải ngưng sự suy nghĩ, bởi tư duy làm chúng ta bay bổng lên không trung, hay kéo ta đi về quá khứ hoặc hướng tới tương lai. Tư duy tuy đôi khi cũng hay nhưng thường thì không có lợi. Nó kéo ta đi về hướng thất niệm, làm tâm trí ta bị phân tán và suy nghĩ lung tung. Cách hay nhất để làm ngưng lại sự suy nghĩ là cột tâm vào hơi thở, dùng hơi thở làm đối tượng duy nhất của tâm, gọi là tâm nhất điểm. Tâm nhất điểm là định. Tâm ta chỉ để ý tới hơi thở và ta phối hợp hơi thở với bước chân. Hơi thở vào kết hợp với một, hai hay ba bước chân, hơi thở ra kết hợp với một, hai, ba hay bốn bước. Khi ta cột sự chú tâm vào hơi thở và bước chân thì tự nhiên tư duy ta sẽ ngưng lại. Tùy theo ý ta muốn mà ta có thể an trú trong trạng thái “không tư duy” đó trong thời gian mười, mười lăm hay hai mươi phút hay hơn nữa.
Mỗi khi đi ta không nói chuyện cũng không suy nghĩ. Không nói chuyện trong khi đi là điều chúng ta đã thực tập mấy chục năm nay, vì nếu nói chuyện trong khi đi thì ta không thể để tâm vào bước chân và hơi thở. Và nếu suy nghĩ thì ta cũng không có cơ hội để chú tâm vào bước chân và hơi thở. Sự suy nghĩ đã mang chúng ta ra khỏi giây phút hiện tại. Không phải trước đây chúng ta không thực tập “không suy nghĩ trong khi đi”, nhưng năm nay chúng ta sẽ chú trọng nhiều tới phần “không suy nghĩ trong khi đi thiền”. Nói thẳng ra là: Khi đi thiền hành thì thầy không được suy nghĩ, sư chú không được suy nghĩ.
Phái thiền Tào Động (Soto Zen) nói rằng: Bí quyết của thiền là không suy nghĩ (phi tư lương). Phi tư lương là không suy nghĩ. Không phải thiền là cấm ta tư duy, nhưng phần lớn các tư duy của ta không phải là chánh tư duy mà chỉ là những tư duy vòng quanh không đưa ta đi tới đâu. Nếu là chánh tư duy thì không sao, nhưng nếu không phải chánh tư duy thì ta bị kéo theo dòng tư tưởng và ta không để tâm được vào hơi thở và bước chân. Vì vậy nhắc nhau đừng suy nghĩ trong khi đi là một việc rất quan trọng. Trong khi đi ta để ý tới bước chân và hơi thở để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong hình hài ta và chung quanh ta để được nuôi dưỡng và trị liệu.
Mỗi bước chân là nuôi dưỡng
Mỗi bước chân là trị liệu
Mỗi bước chân là phép lạ
Mỗi bước chân là thảnh thơi
Chữ phép lạ (thần thông) là do tổ Lâm Tế đặt ra, Ngài nói bước đi có chánh niệm trên hành tinh này đã là một phép thần thông. Ta biết mình đang còn sống, hai chân mình vẫn còn khỏe và đang đi những bước thanh thản trên hành tinh này là đang thực hiện một phép thần thông. Đó là địa hành thần thông (the miracle is to walk on earth). Thảnh thơi là giải thoát, không bị ràng buộc. Nếu bước chân có nuôi dưỡng, có trị liệu, có phép lạ, có thảnh thơi thì bước chân ấy đem lại rất nhiều hạnh phúc. Nhìn một người đang đi ở xóm Thượng, xóm Hạ hay ở xóm Mới ta biết người đó có hạnh phúc hay không. Không cần phải chứng đạo, là một người thường ta cũng có thể thấy người đó có để ý tới bước chân, hơi thở và người đó có an lạc, thích thú khi bước đi hay không. Ta có thể nhận ra rất dễ dàng. Trong khuôn viên của chùa, một người đi có chánh niệm, thảnh thơi, an lạc là một tiếng chuông nhắc nhở ta phải thực tập đi như vậy. Sự có mặt của một người biết cách đi và đi trong hạnh phúc rất có lợi cho tăng thân. Ta đi như một người giải thoát, một vị Bụt, một vị Bồ tát.
Ta phải đi có chánh niệm, ta phải có hạnh phúc trong từng bước chân thì ta mới có thể đóng góp phẩm chất an lạc và hạnh phúc của ta cho tăng thân. Thấy người kia đi hấp tấp, không có chánh niệm, đó cũng là một tiếng chuông chánh niệm cho mình. Nếu ta đi đúng và những người khác cũng đi đúng thì người kia sẽ thay đổi cách đi trong một vài ngày. Người kia sẽ đi lại một cách có chánh niệm và có hạnh phúc. Có thể hôm mới tới cô ta không đi được như thế, ngày thứ hai cô cũng chưa đi được. Nhưng thấy các thầy, các sư cô, các đạo hữu khác đi thảnh thơi như vậy thì cô giật mình: Mình tới đây chính là để thực tập những bước chân an lạc, hạnh phúc như thế. Cô ấy thay đổi được là nhờ ta đã thay đổi trước. Khi thực tập thiền đi như một tăng thân, người nào cũng có được an lạc, hạnh phúc thì chúng ta tạo ra được một năng lượng tập thể, năng lượng của niệm, định và tuệ, năng lượng của an và lạc. Năng lượng tập thể đó nuôi dưỡng tất cả mọi người trong tăng thân. Khi 500 người hay 1000 người cùng đi như vậy thì năng lượng của niệm, của định, của lạc và an rất hùng hậu. Năng lượng đó nuôi dưỡng và chữa trị được cho rất nhiều người.
Vậy trong khi đi ta hãy ngưng suy nghĩ và nói năng để có thể chú tâm vào hơi thở và bước chân. Ta phối hợp hơi thở và bước chân, đi như thế nào để mỗi bước chân mang lại sự nuôi dưỡng, nuôi dưỡng bởi những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong ta và chung quanh ta như khí trời, cây cỏ,v.v… Khi được nuôi dưỡng thì ta cũng được trị liệu. Sự trị liệu xảy ra khi ta biết buông thư, ta để cho những mầu nhiệm của sự sống thấm vào trong cơ thể và trong tâm hồn của ta. Có những người chỉ đi thiền hành mà trị được bệnh của họ. Mỗi bước chân giúp ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống để ta có thể trị liệu, nuôi dưỡng và chế tác được hỷ và lạc. Đó là phương pháp đi của Làng Mai. Đi được như thế ở Làng Mai thì khi trở về thành phố ta cũng đi được như vậy. Ta mang Làng Mai theo bất cứ nơi nào ta tới.
Trong thiền phái Tào Động có câu: Tư duy cái mà ta không tư duy được thì làm sao mà tư duy? Tư lương cá bất tư lương để, bất tư lương để như hà tư lương? Phi tư lương thị thiền chi yếu dã. How can you conceive of something that cannot be conceived?
Not thinking, not conceiving is the secret of meditation. Tư là tư duy, tư lương (hay tư lượng) là đo lường. Thực tại không thể nắm được bằng tư duy. Trong khi đi chúng ta phải thực tập phi tư lương 非 思 量 . Ta cột tâm vào hơi thở, vào bước chân. Đó là niệm và định. Niệm là nhớ hơi thở, nhớ bước chân. Định là ở với hơi thở, ở với bước chân. Có niệm và định thì ta có được tuệ giác là ta đang còn sống, ta đang đi trên đất Mẹ mầu nhiệm. Mỗi bước chân có thể có hỷ, có lạc và tự do, đó là thảnh thơi. Chữ thảnh thơi (moksa, vimukti) có nghĩa là tự do (freedom), là không bị ràng buộc, lôi kéo hay đè ép. Có thảnh thơi thì ta mới có hạnh phúc.
Các sư cô xóm Mới báo cáo rằng từ khi bắt đầu áp dụng phương pháp đi không nói 100% thì năng lượng trong đại chúng lên rất cao, sự thanh tịnh an vui tăng tiến rất nhiều. Các sư cô nói thực tập 100% dễ hơn thực tập nửa chừng. Mỗi sáng sau khi công phu xong, chúng ta đọc lên lời nhắc nhở như sau bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt: “Xin đại chúng hãy ý thức đất Mẹ luôn có mặt và đang nâng đỡ từng bước chân của chúng ta. Chúng ta hãy nên có mặt một trăm phần trăm trong từng bước đi của mình, để hết tâm ý trong phút giây hiện tại, khi đi thì không nói chuyện và dừng suy nghĩ. Nếu cần trao đổi hoặc lắng nghe thì nên tập dừng lại. Cảm ơn đại chúng cùng nâng đỡ trong sự thực tập chung này.” Thực tập được như vậy, chúng ta sẽ đem lại rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho đại chúng. Chúng ta đang thực tập địa hành thần thông.
Thiền là chấm dứt sự tư duy
Trong khi ngồi thiền hay đi thiền ta nên chấm dứt sự suy tư, vì ta thường tư duy trong trạng thái tâm tán loạn (dispersion). Tư duy đó kéo ta ra khỏi giây phút hiện tại, đưa ta đi về quá khứ hay đi tới tương lai, tạo ra sự lo lắng sợ hãi, làm cho ta không có cơ hội sống được những giây phút mầu nhiệm của sự sống. Khi ngồi thiền hay đi thiền ta nên tập chấm dứt tư duy, dù cho tư duy đó là tà tư duy hay chánh tư duy. Phải tập chấm dứt tà tư duy thì ta mới có thể chế tác chánh tư duy. Vì vậy khi đi thiền một mình hay đi với đại chúng ta phải tập làm sao để không những chấm dứt sự nói chuyện mà còn chấm dứt luôn sự suy tư. Nếu ngưng nói năng nhưng cứ suy tư liên tục thì ta cũng không thật sự có mặt. Chấm dứt nói năng đã đành mà ta cũng phải chấm dứt luôn tư duy, không tầm, không từ.
Triết gia Pháp René Descartes rất hào hứng khi tìm ra được một sự thật và ông cho đó là một công thức toán học: “Je pense, donc je suis” – Tôi tư duy tức tôi có mặt. Nhìn cho kỹ thì ta thấy câu này không đúng lắm, vì khi tư duy thì ta bị tư duy kéo về quá khứ hay kéo tới tương lai, ta không thật sự có mặt trong giây phút hiện tại. Descartes nghĩ rằng hễ có sự tư duy đang xảy ra thì phải có chủ thể tư duy, cái này có nên cái kia phải có, tức là có một cái tôi, có một cái ngã. Đây là một điều ngược lại với đạo Bụt. Đạo Bụt dạy: “Có tư duy nhưng không có người tư duy”. There is thought, but there is no thinker.
Ngày xưa tôi có thấy một bức hí họa vẽ ông Descartes đang đưa một ngón tay lên và đọc câu thần chú của ông: “Je pense, donc je suis”. Phía sau ông có một con ngựa ngẩng đầu lên hỏi: “Ông là gì?” (you are what?) Câu trả lời rất rõ: “Tôi chính là tư duy”. Nếu tư duy đó viển vông đi vòng vòng thì ta là sự viển vông. Trong khi ngồi thiền ta đi vòng vòng, trong khi đi tới sở làm ta cũng đi vòng vòng. Muốn thật sự có mặt thì trước hết ta phải tập ngừng tư duy. Theo thiền phái Tào Động thì tinh túy của thiền là không tư duy. Phi tư lương thị thiền chi yếu dã. 非 思 量 是 禪 之 要 也 . Đi thiền như vậy là chúng ta đi vào nhị thiền, không còn tư duy mà chỉ còn hơi thở và bước chân. Ngồi thiền như vậy thì ta chỉ còn hơi thở mà thôi. Nếu ta tư duy liên tục trong đầu thì ta không tu được, giống như có một đài phát thanh đang luôn luôn phát sóng hay như có một tổ ong đang bay vù vù suốt ngày đêm. Đó là tà tư duy nên ta phải tìm nút bấm tắt nó đi. Nút bấm đó là hơi thở, là bước chân. Khi ta để hết tâm vào hơi thở và bước chân thì tự nhiên tư duy dừng lại. Tuy ta có thể đi xa hơn trong khi ngồi thiền nhưng trước tiên là ta phải ngưng lại sự tư duy.
Ta phải nhớ trong khi đi thiền không những ta phải chấm dứt sự nói năng bên ngoài mà ta còn phải chấm dứt sự nói năng bên trong (discour mental) và bắt đầu tiếp xúc với những mầu nhiệm của vũ trụ. Tới Làng Mai thực tập một tuần lễ, ta phải sử dụng thời giờ một cách khéo léo. Mỗi bước chân phải tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống để nuôi dưỡng, trị liệu cho mình và để đạt tới tuệ. Chúng ta thường nghĩ đạt tới tuệ giác là nhờ tư duy, nhưng phần lớn những tư duy của ta là tà tư duy. Ta phải dùng sự thông minh của mình để thực tập. Sụ thực tập thiền đi rất hay. Tôi đã tạo ra những phương pháp để tự thực tập cho riêng mình như:
Thở vào tôi đi ba bước và nói thầm: Mỗi bước chân.
Thở ra đi ba bước tôi nói thầm: Là phép lạ.
Đây không phải là tư duy mà là những câu thiền ngữ để nhắc mình trở lại với giây phút hiện tại. Ta phải thấy được mỗi bước chân là phép lạ vì ta còn sống đây, ta còn đủ chân để đi và còn hai lá phổi để thở. Đó là thần thông, thần thông là đi trên mặt đất. Ý thức rằng mình đang còn sống và đang bước đi trên hành tinh xinh đẹp này thì đó đã là một sự giác ngộ, vì hầu hết những người đi trên mặt đất này đều đi như bị ma đuổi. Người ta đi trong u mê, quên lãng, đi trong thất niệm; còn ta đi trong tỉnh thức, trong giác ngộ. Ta đang tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, ta đang thực hiện thần thông. Chỉ cần nhớ là ta đang còn sống đây, ta đang có mặt thật sự và đang bước những bước chân thảnh thơi, an lạc, đó đã là một phép lạ. Ánh nắng đó rất đẹp, sương mù kia rất đẹp và ta đang được tiếp xúc với ánh nắng, với sương mù. Tư duy làm cho ta mất tất cả, ngưng tư duy thì tự nhiên tất cả những mầu nhiệm đó đều là của ta.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không được quyền suy nghĩ. Một sư cô có hỏi tôi: “Con có nhiều chuyện quá mà thầy không cho con suy nghĩ thì làm sao con giải quyết được những vấn đề của con?” Theo phương pháp thiền thì chánh tư duy mới có ích lợi và đem lại kết quả tốt. Thường thì hơn 90% tư duy của chúng ta là tà tư duy. Nó chỉ đưa ta đi vòng vòng, càng tư duy thì ta càng bị rối như tơ vò. Tư duy như vậy không giúp ta giải quyết được vấn đề. Ta cần phải có niệm và định. Nếu dùng tà tư duy thì ta sẽ khó giải quyết được vấn đề. Vì vậy ta nên giao phó cho tàng thức giúp ta tìm ra giải pháp. Giống như khi ta gieo hạt vào trong đất, gieo hạt xong ta tưới nước, ủ rơm và chờ cho hạt giống nảy mầm. Trong thiền gọi đó là công án. Ta chôn công án (câu hỏi) vào trong đất của tàng thức. Ý thức không phải là đất, chính tàng thức (store consciousness) mới là đất. Gieo xong thì ta phải đợi, vì trong khi ta ngủ, ta đi hay trong khi ta làm việc thì tàng thức làm việc và một lúc nào đó tuệ giác sẽ bừng lên. Ta không phải suy tư mà vẫn có thể giải quyết được vấn đề, ta không nương tựa vào ý thức mà nương tựa vào tàng thức của mình. Phương pháp thiền là giao phó những vấn nạn cho tàng thức và có niềm tin nơi nó. Ta dùng niệm và định để tưới tẩm nó, có thể sau một hay hai ngày thì hạt giống sẽ nảy mầm, đó gọi là giác ngộ tức là thấy được.
Thiền duyệt vi thực
Tôi thấy khi thở ra thì số bước chân nhiều hơn khi thở vào nên thở vào tôi bước ba bước và thở ra tôi bước năm bước:
Mỗi bước chân
Là phép lạ / phép lạ
Đi ba, bốn lần như vậy tôi thấy rõ ràng là mình đang làm phép lạ. Mình thực tập được “địa hành thần thông” như tổ Lâm Tế đã nói. Ta có thể làm phép thần thông nếu ta thấy mình có một hình hài và ta đang bước những bước chân tỉnh thức, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Ta cũng có thể sử dụng câu khác:
Mỗi bước chân
Là nuôi dưỡng / nuôi dưỡng
Tất cả những mầu nhiệm như không khí trong lành, ánh nắng mặt trời, cây cối xanh tươi đều có tác dụng nuôi dưỡng; còn ta thì đang bị bệnh không ít thì nhiều. Cái mà ta đang tìm cầu là làm thế nào để hết bệnh, bệnh tâm cũng như bệnh thân. Vì vậy đi thiền là một phương pháp trị bệnh rất hay. Muốn được trị liệu thì ta phải được nuôi dưỡng, nhưng làm sao có thể được trị liệu khi những yếu tố nuôi dưỡng đang có mặt đó mà ta không tiếp xúc được? Mỗi bước chân ta phải tiếp xúc được với những mầu nhiệm của vũ trụ để được nuôi dưỡng. Khi ta cảm thấy mỗi bước chân có sự nuôi dưỡng thì sự trị liệu cũng đang xảy ra.
Mỗi bước chân
Là trị liệu / trị liệu
Trong khi đi thiền thì ta phải có sự nuôi dưỡng và trị liệu, vì vậy nếu ta nói chuyện hay tư duy thì sự nuôi dưỡng và trị liệu sẽ không thể xảy ra. Từ cư xá tới thiền đường chúng ta phải đi như thế nào để mỗi bước chân là phép lạ, là hạnh phúc, là nuôi dưỡng và trị liệu.
Mỗi bước chân
Là thảnh thơi / thảnh thơi
Người tu phải có thảnh thơi, nếu còn nhiều vướng bận thì không phải là người tu. Trong khi đi chúng ta phải có tự do thật sự. Có thảnh thơi chúng ta mới tiếp xúc được những mầu nhiệm của sự sống, và tiếp xúc được thì ta được nuôi dưỡng và trị liệu. Chúng ta có thể đặt ra những câu thiền ngữ khác, ví dụ như trong kinh có rất nhiều câu hay:
Mỗi bước chân
Đi vào Tịnh độ / Tịnh độ
Mỗi cái nhìn
Thấy được pháp thân / pháp thân
Khi sáu căn
Tiếp xúc sáu trần / sáu trần
Đem ý thức
Tinh chuyên phòng hộ / phòng hộ
Tất cả các kinh đều có thể đem ra sử dụng trong khi đi thiền. Khi ngồi thiền, thay vì dùng chữ “mỗi bước chân” thì ta nói “mỗi hơi thở”:
Mỗi hơi thở
Là phép lạ / phép lạ
Ta đang còn sống, ta còn thở vào thở ra là một điều mầu nhiệm. Đến lúc thở xong hơi thở cuối cùng thì dù có muốn ta cũng không thể thở thêm được một hơi nào nữa.
Mỗi hơi thở
Là nuôi dưỡng / nuôi dưỡng
Mỗi hơi thở
Là trị liệu / trị liệu
Mỗi hơi thở
Là thảnh thơi / thảnh thơi
Trong khi ngồi thiền ta điều phục được hơi thở, điều phục được thân và tâm thì ta bắt đầu có thiền duyệt, tức là niềm vui của thiền định. Pháp lạc là thức ăn của người tu thiền. Thiền duyệt vi thực có nghĩa là hạnh phúc tạo ra trong khi thực tập thiền, thiền duyệt là thức ăn hằng ngày của ta. Thức ăn đó nuôi dưỡng và trị liệu. Nếu các sư cô, sư chú hay các vị cư sĩ đặt ra những câu thiền ngữ để thực tập mà thành công thì nên đem ra chia sẻ với đại chúng và chúng ta sẽ cho những câu đó vào sách Nhật Tụng Thiền Môn để kho tàng tư liệu thực tập của chúng ta ngày càng phong phú hơn. Mỗi người có quyền viết ra những bài thi kệ mới để thực tập. Ta phải làm thế nào để những buổi đi thiền không bị uổng phí. Những buổi đi thiền hay ngồi thiền đều cho ta sự nuôi dưỡng, trị liệu và thảnh thơi. Nếu ta thật sự có thảnh thơi, nuôi dưỡng và trị liệu thì ta sẽ không buồn ngủ nữa mà ta sẽ có nhiều hứng thú trong khi thực tập thiền ngồi và thiền đi.
Trở về giây phút hiện tại
Trong chúng ta có những người bị ràng buộc bởi quá khứ. Họ không thể quên được quá khứ. Họ có những đau buồn trong quá khứ và thường trở về quá khứ để nhai lại những đau buồn đó mà không thoát ra được. Họ không có thảnh thơi, không có tự do. Ví dụ có một thiếu nữ bị hãm hiếp trong thời thơ ấu, nỗi đau khổ đó còn hằn trong thân tâm của cô. Hằng ngày cô không có khả năng sống trong giây phút hiện tại. Cô không thấy được vẻ đẹp của trời xanh mây trắng, không thấy được hoa nở, không nghe được tiếng chim hót và tiếng thông reo, cô đang bị quá khứ trấn ngự. Muốn đừng bị quá khứ trấn ngự thì cô phải phá bỏ ngục tù quá khứ và trở về với giây phút hiện tại. Cô có thể nhờ một người khác nhắc mình rằng chuyện bị hãm hiếp chỉ xảy ra trong quá khứ, bây giờ không còn nữa và cô đang có an ninh. Cô phải tự nhắc mình: Bây giờ không có chuyện đó nữa, nó đã là quá khứ. Nhưng vì quá khứ đó giống như một cuốn phim đang được chiếu lại liên tiếp dưới tiềm thức và mình cứ chui vào cái vùng đen tối ấy của tiềm thức để xem cuốn phim và để đau khổ rồi khóc. Đó không phải là sự thật đang xảy ra, đó chỉ là những cuốn phim. Trong khi ấy thì hiện tại là sự thật. Mây bạc, trăng trong, chim hót, thông reo, hoa nở đều là những mầu nhiệm đang có thật. Ta không có khả năng sống với những sự thật đó mà cứ chui vào trong hầm tối để coi lại cuốn phim, coi đi coi lại mãi. Vì vậy ta không có thảnh thơi, không có tự do.
Khi thở một hơi dài chừng ba hay bốn giây, ta đặt hết sự chú tâm vào trong hơi thở thì trong thời gian ba hay bốn giây đó ta buông được quá khứ và tự do liền có mặt. Tâm nhất điểm (one pointed mind) có nghĩa là tâm chỉ có một đối tượng là hơi thở. Nếu trong hơi thở của ta có niệm và định thì trong bốn giây đó ta có được tự do.
Tương lai cũng vậy, nó cũng ràng buộc ta. Ta không biết ngày mai ra sao? Có ai để cho ta nương tựa không? Cái gì sẽ xảy ra cho ta? Ta buồn khổ cho tương lai, tương lai trở thành ngục tù cho dù nó chưa tới và ta cứ sợ hãi tương lai. Quá khứ hay tương lai đều là những sợi dây ràng buộc. Khi ta bắt đầu thở và chỉ chú tâm vào hơi thở thì trong một, hai, ba hay bốn giây đó ta buông hết quá khứ. Ta chỉ ở trong giây phút hiện tại, vì hơi thở vào đó đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Nếu có được tự do trong bốn giây thì ta sẽ có được tự do trong tám giây, vì khi thở ra ta cũng chú tâm vào hơi thở ra mà không để tâm nghĩ về quá khứ hay nghĩ tới tương lai. Tư duy thường kéo ta về quá khứ hay tương lai nên ta cần phải chấm dứt sự tư duy.
Khi có tự do thì ta có hạnh phúc. Hạnh phúc có khi ta tiếp xúc được với những cái hay, cái đẹp, cái mầu nhiệm, cái tươi mát, cái nuôi dưỡng đang có mặt trong giây phút hiện tại. Mỗi người trong chúng ta là một chiến sĩ. Ta phải dùng gươm trí tuệ để chặt đứt những sợi dây ràng buộc ta với quá khứ hay cột ta vào tương lai. Tự do là sự thực tập của chúng ta. Không phải sau khi thực tập mười năm chúng ta mới có tự do. Tự do đó tuy còn ít nhưng chúng ta có thể có liền được. Ngồi một mình ta có thể nói chuyện với em bé trong ta. Em bé đó muốn ta chú ý tới, nó hay kéo ta trở về quá khứ để gặm nhấm lại những đau thương. Ta phải trở về với em bé đó để nói chuyện với nó: Em bé ơi, tôi biết là em đang có đó trong tôi. Vì em đòi sự chú ý nên tôi đã trở về với em đây. Em bị thương rất nặng. Nhưng em nên nhớ rằng tôi cũng là em và em đã trưởng thành. Chuyện đau buồn của em là chuyện quá khứ. Hiện tại rất đẹp, có trời xanh, mây trắng, thông reo, hoa nở. Em phải cầm tay tôi đi ra khỏi quá khứ và trở về trong giây phút hiện tại.
Tăng thân là những người tu với ta và giúp ta làm chuyện đó. Chúng ta giúp nhau đi ra khỏi ngục tù của quá khứ hay sự lo lắng về tương lai để an trú trong hiện tại. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân đều có khả năng đem lại giải thoát và tự do. Những hơi thở, những bước chân có niệm, có định và có tuệ chính là những lưỡi gươm cắt đứt những sợi dây ràng buộc ta với quá khứ và tương lai.
Nếu nói chuyện trong khi đi, ta để cho câu chuyện hay sự suy tư kéo ta về quá khứ và tương lai. Ta không có cơ hội để tranh đấu cho tự do. Có thảnh thơi, tự do rồi thì ta mới có an lạc, hạnh phúc. An lạc không phải là cái xa vời ta chỉ có thể đạt được sau sáu năm thực tập. Mỗi hơi thở có chánh niệm và chánh định đều đem tới an lạc. Khi ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại thì an lạc liền có mặt.
Bước chân chuyển hóa
Cách đây chừng 30 năm, tôi đang ngồi ở phi trường Hawai thì có một người tới hỏi thăm:
– Thầy là ai? Thầy tu tập theo pháp môn nào?
Hỏi ra mới biết rằng ông này đã thấy tôi bước đi trong phi trường bằng những bước chân thảnh thơi, an lạc. Ông ta cảm được năng lượng của sự bình an, hạnh phúc. Ông hỏi vì ông thấy cách tôi đi mà thôi. Vì vậy cách đi của ta, không những đem tới hạnh phúc an lạc cho mình, mà cũng có thể đem lại hạnh phúc an lạc cho người khác, tạo ra một cơ hội cho người khác.
Ở chuyến đầu thăm Trung Quốc, tôi và phái đoàn đã tới viếng Ngũ Đài Sơn, chỗ của đức Văn Thù Sư Lợi. Đường lên núi rất cao, có cả ngàn bậc thang và người nào cũng mệt hết hơi khi lên tới nơi. Phái đoàn của mình gồm nhiều thầy, nhiều sư cô và một số cư sĩ. Đứng dưới chân núi tôi cung cấp những chỉ dẫn về cách leo núi và cách thở để mỗi bước chân đều chế tác được niệm, định, tuệ và sự hỷ lạc. Chuyện này có thể thực hiện được vì chúng tôi biết rằng chúng tôi đang được cùng nhau leo lên Ngũ Đài Sơn. Trong mỗi bước chân phải có hạnh phúc. Cô hướng dẫn du lịch, người đã từng hướng dẫn hàng ngàn phái đoàn du lịch, đã không vừa ý. Cô cầm cờ, phăng phăng đi trước với mong muốn phái đoàn phải đi nhanh theo cô. Chúng tôi không chịu và bảo cô phải đi sau lưng phái đoàn. Phái đoàn cứ leo mười bậc thang thì ngồi xuống, nhìn cảnh vật bên dưới, thở và mỉm cười. Cô hướng dẫn bắt buộc phải đi theo tại vì cô phải phục vụ khách hàng. Vì vậy tuy nói là cô hướng dẫn nhưng thật ra cô bị hướng dẫn. Cứ leo như vậy, càng lên cao thì càng đẹp, đi mà không cần phải tới, mỗi bước đã là tới rồi. Chúng tôi phải ngồi một bên để phía bên kia cho du khách tiếp tục leo, họ vừa leo vừa thở hỗn hển. Chúng tôi đi rất hạnh phúc và khi tới nơi thì rất khỏe. Hôm đó chúng tôi gặp được thầy trụ trì. Tôi hỏi:
– Thưa đại đức, đại đức có phải là đức Văn Thù ở đây không?
Thầy ấy nói:
– Không phải, tôi là con chó của đức Văn Thù.
Chiều hôm đó ngồi trên xe bus, cô hướng dẫn viên kể lại câu chuyện cho một đồng nghiệp. Cô nói tiếng Hoa và nghĩ trong phái đoàn không có ai hiểu tiếng Hoa, nhưng không ngờ có một sư cô gốc Hoa và rất giỏi tiếng Hoa là sư cô Viên Quang. Sư cô Viên Quang báo cáo lại những gì cô hướng dẫn viên nói với anh đồng nghiệp:
– Cái ông thầy này lợi hại thật! Tôi đã từng hướng dẫn hàng ngàn phái đoàn leo núi. Mỗi khi leo lên tới nơi là mệt đừ, vậy mà lần này tôi không thấy mệt gì cả. Tôi đã viết báo cáo ngày hôm nay (chúng tôi đi đâu và nói pháp thoại nào thì cô đều ghi lại để báo cáo mỗi ngày, hướng dẫn viên du lịch phải làm việc chung với công an để theo dõi khách du lịch). Nhưng hôm nay tôi chưa nộp, tôi phải photocopy một bản để giữ lại mà thực tập, tại vì ông thầy này giảng về nếp sống hạnh phúc hay quá.
Đó là thiền đi, đi như thế nào để mỗi bước chân đều có niệm, có định, có tuệ, có hỷ và có lạc. Tới Làng Mai chúng ta phải tìm cách để đi được như vậy: đi mà không nói chuyện, không suy tư, đi như thế nào để có hạnh phúc. Thực tập vài ngày thì ta có thể làm được.
Một lần qua Ý, phái đoàn Làng Mai được một ngày nghỉ để tham quan. Các bạn thiền sinh thương mình, muốn đoàn mình được đi thăm các thành phố đẹp như Venise. Họ thuê một cô hướng dẫn viên du lịch rất giỏi tới hướng dẫn cho mình. Cô hướng dẫn viên cắt nghĩa di tích này, lịch sử kia, nhưng chúng tôi đã xin cô đừng nói, chúng tôi chỉ đi chậm và thưởng thức cái đẹp vậy thôi. Cô rất ngạc nhiên vì cô không được hành nghề, nhưng rốt cuộc cô đã chuyển hóa, sang Làng tu tập và cô đã thọ Năm giới sau đó.
Đây là lời nhắc nhở vào mỗi buổi sáng sau thời công phu: “Xin đại chúng ý thức là đất Mẹ luôn có mặt và đang nâng đỡ từng bước chân của chúng ta. Chúng ta phải đem hết thân tâm một trăm phần trăm đầu tư vào mỗi bước chân của mình để tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, để được nuôi dưỡng và trị liệu. Khi đi thì không nói chuyện và dừng suy tư. Nếu cần nói hoặc lắng nghe điều gì thì xin dừng lại. Cám ơn đại chúng cùng thực tập và yểm trợ cho sự thực tập chung này.”
Ta phải thấy được mỗi bước chân là phép lạ. Ta còn sống đây, còn đủ hai chân để đi và còn hai lá phổi để thở, đó là một sự mầu nhiệm. Bước đi mà ý thức rằng mình đang còn sống và đang bước đi trên hành tinh xinh đẹp này đó là một sự giác ngộ. Có những người đi như bị ma đuổi, đi trong sự quên lãng và thất niệm. Còn ta biết đi trong tỉnh thức. Mỗi bước chân là ta đang thực hiện “địa hành thần thông”. Thần thông không phải là đi trên mặt nước mà là đi trên mặt đất. Chỉ cần nhớ là ta đang còn sống đây, ta đang có mặt thật sự và đang bước những bước thảnh thơi, an lạc. Tia nắng đó, hạt sương kia đều rất đẹp. Nếu ta tư duy thì ta sẽ đánh mất cơ hội để tiếp xúc với chúng. Chỉ cần dừng tư duy thì những mầu nhiệm đang sẵn có đó, tất cả đều là của ta.