Bài kệ 7
Trong Đại Tạng Tân Tu:
Thỉ vô như bất
始 無 如 不
Thỉ bất như vô
始 不 如 無
Thị vi vô đắc
是 為 無 得
Diệc vô hữu tư
亦 無 有 思
Trong một bản in khác:
Thỉ vô thỉ phủ
始 無 始 否
Như bất như vô
如 不 如 無
Thị vi vô đắc
是 為 無 得
Diệc vô hữu tư
亦 無 有 思
Thấy được cái không trước, không sau
Không là, không không là
Cái đó là vô đắc
Cũng là cái không thể tư duy được.
Đây là một bản đàn đã được chư Tổ đánh lên. Những nốt đàn đã nằm sẵn trong kinh, chư Tổ lấy ra dạo lên cho ta nghe để ta thấm được, hưởng được Niết bàn.
Bài kệ này là một đoạn văn rất khó!
Thỉ vô như bất: Ở đây người ta chép lộn chữ thỉ 始 thành ra chữ như 如. Trong một bản khác là:
Thỉ vô thỉ phủ: Phủ là phủ nhận. Không có cái bắt đầu, cũng không có cái không bắt đầu. (There is no beginning, there is no non-beginning).
Nếu là một nhà thiên văn học đang tin vào thuyết “Big Bang”, quý vị cần đọc kinh này. Theo thuyết “Big Bang”, thì có cái ban đầu, trước “Big Bang” không có gì hết. Không gian và thời gian chỉ biểu hiện sau cái “Big Bang”. Hiện nay, có người hỏi: Trước “Big Bang” có cái gì? Các ý niệm về ban đầu và không ban đầu chống đối nhau. “Có cái ban đầu” có thể sai, mà “không có cái ban đầu” cũng có thể sai, tại vì tất cả đều chỉ là ý niệm.
Trong Cơ đốc giáo, có ý niệm về sáng thế, tức sự tạo dựng của đất trời. Ban đầu, chưa có gì hết và Thượng đế đã tạo đựng ra thế giới, đó là ý niệm “thuở tạo thiên lập địa”. Nhưng trước “thuở tạo thiên lập địa” thì có cái gì? Có thể cái không trở thành cái có hay không? Cái non- being tự nhiên trở thành being được không? Trước khi cái being hiện ra, thì có cái non-being không? Đó là một vấn đề lớn.
Đứng về phương diện Niết bàn, ta không thể suy nghĩ với phạm trù có không, being và non-being. Nói Nirvāna là being cũng sai, mà nói là non-being cũng sai, tại vì Niết bàn là sự vắng mặt của tất cả mọi ý niệm. Nếu đi sâu vào thần học, thì Thượng đế cũng vậy. Nói Thượng đế có cũng sai, mà nói Thượng đế không có cũng sai. Có và không chỉ là những ý niệm trong đầu của ta, chúng không thể áp dụng được vào trong thực tại tuyệt đối mầu nhiệm.
Đây là sự thực tập của sóng để trở về với nước. Khi đợt sóng trở về với nước, nó cảm thấy rất hạnh phúc, rất an toàn. Sự thực tập này nằm trong tầm tay của mình, của các bậc chân nhân, của người tu.
Thỉ bất như vô: Ở đây người ta đã chép lộn chữ như 如thành ra chữ thỉ 始. Trong một bản khác là:
Như bất như vô: Chữ như dịch ra tiếng Anh là to be. To be or not to be, that is not the question.
Không phải là vấn đề bắt đầu hay không bắt đầu. Không phải là vấn đề to be hay không to be. Niết bàn vượt thoát ý niệm “beginning or non-beginning” và ý niệm “to be or not to be”.
Thị vi vô đắc: Đó gọi là vô đắc. Vô đắc là aprapti hay anupalambha (bất khả đắc). Bất khả đắc là không nắm được.
Ta nắm bằng cái gì? Mùa Xuân đang có mặt, ta tìm cách nắm bắt mùa Xuân lại, hay nắm bắt ngọn gió Xuân lại, được hay không? Ta có thể nhốt ngọn gió Xuân vào trong rương được không? Không được. Người yêu của ta ta cũng không nắm bắt được (ungraspable). Các nhà khoa học tìm cách nắm lấy các lượng tử, nắm bằng trí óc của họ. Nhưng họ không biết rằng bản chất của lượng tử là bất khả đắc. Tất cả đều là bất khả đắc.
Sử dụng các phạm trù tư tưởng (mental categories) để nắm bắt thì không thể được, bởi vì Niết bàn cũng như Thượng đế đều là cái không thể nắm bắt. Vô đắc là một đặc tính của Niết bàn. Ta chỉ có thể ca hát về Niết bàn, và kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại là một bản nhạc giúp cho ta nhiều điều kiện để có thể tiếp cận với Niết bàn.
Thị vi vô đắc: Nó là cái ta không thể nắm bắt được.
Vô đắc không có nghĩa là không có mặt. Gió Xuân hay nắng mai tuy có mặt đó, nhưng ta nắm bắt không được. Ta chỉ có năm ngón tay thì làm sao nắm được gió Xuân?
Diệc vô hữu tư: Và cũng không thể suy nghĩ được. Tư có nghĩa là tư duy. Vô hữu tư là không thể tư lượng được. You can not conceive it with your mental categories. Nó là bất khả tư nghì, không tư duy, không nói năng được, không thể dùng tâm mà nắm bắt được. Tiếng Phạn là acintiya. Thiền Tào Động có câu: “Không thể tư lương về cái không thể tư lương. Không tư lương là chỗ thiết yếu của thiền.”
Chúng ta hãy xem kinh như một bài hát hay một bài thơ và đừng bị kẹt vào ngôn từ, kỵ nhất là bị kẹt vào những ý niệm. Nếu may mắn thì nhờ bài hát, bài thơ đó ta có thể tiếp cận được với Niết bàn có sẵn trong lòng ta.
Thấy được cái không trước không sau
Thấy được cái không là và cái không không là
Cái đó là cái vô đắc
Và chính cái đó cũng là cái không thể tư duy được.