Bài kệ 4
Thiểu vãng thiện đạo
少 往 善 道
Thú ác đạo đa
趣 惡 道 多
Như đế tri thử
如 諦 知 此
Nê hoàn tối an
泥 洹 最 安
Ở đời, ít người được đi trên nẻo thiện,
Trong khi ấy, kẻ đi trên đường ác thì nhiều.
Cứ nhìn vào sự thực mà tìm hiểu
Thì Niết bàn là nơi an toàn nhất.
Thiểu vãng thiện đạo: Thiểu là số ít (thiểu số). Vãng là đi trên con đường (lai vãng). Thiện đạo là con đường tốt.
Thú ác đạo đa: Trong khi đó, người hướng về con đường ác thì nhiều, đa số.
Đạo là con đường (mārga). Trong giáo lý Tứ diệu đế, con đường chánh là sự thật thứ tư. Thiện đạo ở đây là sự thật thứ tư, là con đường bát chánh.
Sự thật thứ nhất là khổ đế (duḥkha) 苦 諦 , sự thật thứ hai là tập đế 集 諦 (saṃudāya). Ác đạo là con đường ngược với thiện đạo. Vì vậy, sự thật thứ hai cũng là một loại con đường, nhưng không phải đường chánh mà là đường tà. Sự thật thứ ba là diệt đế (nirodha) 滅 諦 và thứ tư là đạo đế (mārga) 道 諦 . Đạo là con đường, ở đây là con đường lành, gọi là thiện đạo, tức bát chánh đạo 八正道.
Saṃudāya là gốc rễ của khổ đau, là nguyên do của khổ đau, là con đường đưa tới khổ đau. Saṃudāya cũng là một thứ đạo, một tà đạo 邪道 . Ít người đi trên con đường bát chánh đạo, trong khi nhiều người đang đi trên con đường bát tà đạo. Chúng ta phải hiểu như vậy mới đúng nghĩa của kinh. Còn nếu nói: “Ít người đi trên đường thiện, nhiều người đi trên đường ác” thì rất thường. Tại sao chúng ta phải hiểu kinh như vậy? Tại vì:
Như đế tri thử: Chữ đế có nghĩa là sự thật (satya). Như đế là nhìn vào sự thật mà xét. Sự thật ở đây là Tứ đế(Bốn sự thật). Nhìn vào Tứ đế, ta thấy có bát chánh đạo và bát tà đạo. Chánh đạo đưa tới sự dập tắt khổ đau, tức đưa tới Niết bàn, hạnh phúc. Tà đạo đưa tới khổ đau, sinh tử. Câu “như đế thử tri” nói rất rõ: Nhìn vào sự thật qua ánh sáng của Tứ diệu đế. Sự thật ở đây phải là Tứ diệu đế. Nhìn sự thật qua nhãn quan của Tứ diệu đế, chúng ta thấy rõ ràng: Những người đi trên đường bát chánh thì ít, những người đi trên con đường tà đạo thì nhiều.
Và điều thứ ba chúng ta thấy được là:
Nê hoàn tối an: Niết bàn là cái an toàn nhất.
Khi đọc kinh, chúng ta thấy bốn câu kệ trên không có gì lạ, có vẻ quá đơn giản và ai cũng có thể hiểu được. Nhưng người học kinh cần phải có cái nhìn sâu hơn. Bài kệ nầy dựa trên giáo lý rất căn bản: Nhìn vào giáo lý Tứ diệu đế chúng ta thấy, người đi trên bát chánh đạo thì ít mà người đi trên bát tà đạo thì nhiều và ít ai thấy được rằng: Niết bàn là cái an toàn nhất.
An toàn, có thể được dịch là safety, sécurité, không lo sợ. Nhưng chúng ta chỉ có thể hiểu được chữ an khi đối chiếu với bài kệ thứ hai và thứ ba.
Bài kệ thứ hai nói: Niết bàn là cái hạnh phúc cao nhất. “Nê hoàn tối khoái”, khoái là khoái lạc. Tối khoái là extreme happiness. Khoái là một chữ rất cổ. Trong bài kệ thứ ba nói: “Nê hoàn tối lạc”, có nghĩa: Niết bàn là cái lạc thú lớn nhất. Bài kệ thứ hai và thứ ba diễn tả Niết bàn là cái lạc thú, khoái lạc nhất.
Bài kệ thứ tư diễn tả Niết bàn là cái an toàn nhất.
Muốn tìm cái an toàn, chúng ta tìm tới Niết bàn.