Bài kệ 3
Cơ vi đại bệnh
飢 為 大 病
Hành vi tối khổ
行 為 最 苦
Dĩ đế tri thử
已 諦 知 此
Nê hoàn tối lạc
泥 洹 最 樂
Đói là cái bệnh khó chịu đựng nhất.
Các pháp hữu vi là cái gây khổ đau nhiều nhất.
Cứ nhìn vào sự thực mà tìm hiểu
Thì Niết bàn là cái lạc thú lớn nhất.
Cơ vi đại bệnh: Đói là cái bệnh khó chịu đựng nhất. Ở trong thính chúng này chưa có vị nào đã từng trải qua một cơn đói thực sự đâu. Bảy tám giờ tối chưa được ăn chưa phải là đói. Nhịn ăn mười, mười lăm ngày để thanh lọc cơ thể, chưa gọi là đói. Phải đói cả mấy tháng trời không có ăn, đó mới thật là đói. Khi ấy mới thấm thía được nỗi thống khổ của cái đói.
Hành vi tối khổ: Các pháp hữu vi (các hành) là cái gây khổ đau nhiều nhất.
Hành tiếng Phạn là saṃskāra. Trước hết, hành có nghĩa là tất cả các pháp, các hiện tượng, tất cả pháp hữu vi như núi, sông, cây cỏ, đất đá, con người và thú vật. Các pháp nương vào nhau mà biểu hiện ra, gọi là hành. Các hành đều vô thường và vô ngã. Các pháp hữu vi là mặt trái của Niết bàn. Niết bàn là vô vi. Các pháp hữu vi vì có sinh có diệt, có qua có lại, có còn có mất nên gây nên nhiều khổ đau. Nhưng khi tiếp xúc thật sâu với các pháp hữu vi, chúng ta chạm tới Niết bàn. Chạm vào Niết bàn là chạm vào pháp vô vi (asaṃskṛta). Chạm vào cái vô vi, thì không còn lên xuống, sinh diệt nữa.
Sóng là một pháp hữu vi có lên, có xuống, có có, có không. Nhưng khi sóng biết trở về và tìm ra được mình là nước, biết rõ mình là một pháp vô vi rồi, thì nó hết sợ, lên cũng vui mà xuống cũng vui. Hành là các pháp hữu vi ngược lại với Niết bàn là một pháp vô vi. Thật ra các hành không phải là nguyên do của khổ đau. Nguyên do chính của khổ đau là nhận thức sai lầm của chúng ta về các hành: chúng vô thường và vô ngã mà chúng ta cứ tưởng chúng là thường, là ngã, cho nên chúng ta khổ. Nếu nhìn sâu vào bản chất của chúng và thấy được tự tánh Niết bàn vô vi trong chúng thì chúng không còn làm cho ta đau khổ nữa.
Ta tiếp xúc với Niết bàn bằng cách tiếp xúc với các pháp hữu vi, cũng như ta tiếp xúc với nước bằng cách tiếp xúc với sóng.
Dĩ đế tri thử: Lấy sự thật mà xét, thì
Nê hoàn tối lạc: Niết bàn là hạnh phúc lớn nhất.
Còn tám ngày nữa chúng ta sẽ mở cửa cho thiền sinh các nước tới. Chúng ta hãy sửa soạn trái tim của mình cho lớn để có đủ không gian thênh thang cho những người đến với chúng ta. Có thể có đến 4000 người tới trong vòng bốn tuần lễ. Chúng ta có bổn phận đem niềm vui và hạnh phúc cho họ. Muốn được như vậy, chúng ta phải biết đem hạnh phúc lại cho chúng ta trước. Anh chị em trong nhà phải nương tựa vào nhau, nắm tay nhau trong tình huynh đệ. Như thế, chúng ta có thể làm hạnh phúc cho rất nhiều người trong vòng một tháng của khóa tu mùa hè. Các sư anh, sư chị lớn nên kể chuyện cho các sư em nghe, nhất là những sư em nào chưa từng được tham dự khóa tu mùa hè ở Làng Mai, về những kinh nghiệm, những niềm vui, những công việc, những phương pháp làm hạnh phúc cho các bạn thiền sinh tới với mình. Khi có sự hòa thuận, có tình anh chị em, có hạnh phúc và niềm vui trong tăng thân, thì chúng ta có thể làm hạnh phúc cho người khác một cách rất dễ dàng. Đọc kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại tôi có cảm tưởng như đang đọc một bài thơ. Khi dịch xong kinh này, tôi thấy rất biết ơn chư Tổ đã ngồi đọc hết các kinh rồi lấy những lời Bụt dạy rải rác trong tất cả các kinh về chủ đề Niết bàn để gom lại thành một kinh. Trong kinh Pháp Cú bằng tiếng Pali không có phẩm Niết Bàn. Phẩm Niết Bàn này chỉ có trong kinh Pháp Cú Hán tạng.