Bài kệ 26
Chủng tiêu bất phục sinh
種 燋 不 復 生
Ý tận như hỏa diệt
意 盡 如 火 滅
Bào thai vi uế hải
胞 胎 為 穢 海
Hà vi lạc dâm hành
何 為 樂 婬 行
Hạt giống một khi bị đốt cháy rồi thì không sinh lại
Tâm ý đã dừng lại rồi thì cũng như lửa đã tắt
Chốn dâm căn là một biển ô uế
Tại sao lại đi tìm lạc thú ở nơi ấy?
Bài kệ này nói về nếp sống phạm hạnh của người xuất gia.
Chủng tiêu bất phục sinh: Những hạt giống của sầu đau, ái dục, hận thù, một khi đã bị đốt cháy rồi thì không thể nứt mầm và sinh ra trở lại.
Ý tận như hỏa diệt: Ý là vọng tâm tạo tác ra nghiệp.
Vọng tâm đã tiêu diệt như ngọn lửa đã tắt (như hỏa diệt). Hỏa diệt là hình ảnh Bụt thường dùng để nói về Niết bàn.
Chúng ta thường hỏi: Khi chết rồi tôi đi về đâu? Cái gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết? Ta nghĩ con người mình có phần hình hài và phần linh hồn. Sau khi ta chết, phần xác thân tiêu hoại không còn nữa, chỉ còn lại phần linh hồn, mà linh hồn này ta không thấy được. Linh hồn có thể đi lang thang, vất vưởng, rồi tìm một cái thân khác và chui vô trở lại. Đó là luân hồi hiểu theo kiểu bình dân.
“Người thương tôi chết, tôi phải đi tìm ở đâu?”, “Cái gì xảy ra sau khi mình chết?” Câu trả lời của Bụt là: Thân và tâm này là hai cái cùng nương vào nhau mà biểu hiện một lần. Cũng như tay trái và tay phải, ta không thể cắt chia làm hai, một nửa còn mà một nửa không còn. Không có cái này thì không có cái kia, không có cái kia thì không có cái này. Thân tâm nương vào nhau mà có; quan niệm chỉ có tâm mà không có thân, chỉ có linh hồn tồn tại mà thân xác thì không, vẫn còn là một quan niệm sai lầm khá phổ biến. Trong giai đoạn biểu hiện này, thân tâm tạo ra nghiệp, nghiệp thân, khẩu và ý. Những nghiệp này có thể chúng ta không thấy, nhưng điều này không có nghĩa là chúng không có. Những tư tưởng chúng ta chế tác ra là nghiệp, là năng lượng. Tuy chúng vô hình, nhưng chúng có công năng phá hoại, tiêu diệt hoặc có công năng xây dựng, trị liệu. Bất cứ tư tưởng nào mình chế tác ra cũng tác động lên thực tại trong và ngoài, và sẽ còn hoài. Những lời ta nói, những lá thư ta viết, những gì ta phát biểu, có tác động dây chuyền liền lập tức, cho dù có 15 con ngựa đuổi theo cũng không kéo lại được. Ta nói lời hận thù thì sẽ tạo ra những đổ vỡ, ta nói lời thương yêu sẽ tạo ra sự xây dựng. Những lời ta đã nói, tuy ta không nghe nữa, nhưng năng lượng nghiệp của chúng vẫn đang còn đó. Những gì ta đã làm bằng hình hài này, tuy ta không thấy nữa, nhưng chúng cũng đang đi vào thực tại và đang chuyển biến. Đó là nghiệp.
Tâm và thân nương nhau mà có, chúng không phải từ không mà trở thành có, chỉ từ chỗ chưa biểu hiện mà biểu hiện ra. Ví dụ, trong phòng này có hơi nước do mình thở ra, hơi nước có đó trong không gian; nhưng mình không thấy được. Nhưng nếu nhiệt độ trong phòng ấm, thì hơi nước sẽ đọng lại thành những giọt nước nhỏ và mình bắt đầu thấy sương mù. Lúc chưa thấy sương mù, mình cho là không có hơi nước và khi thấy sương mù, mình cho là có hơi nước. Kỳ thực, ta không thể nói là trong pháp đường này không có mây, tại vì mây đang ở trong ta, đang bao quanh ta mà ta không thấy. Thấy được là biểu, chưa thấy được là vô biểu.
Ta đã quen với hình thức hiện nay của ta nên ta hỏi: Khi chết đi ta sẽ thế nào? Kẹt vào hình thức thì ta không bao giờ tìm ra được. Khi ngọn lửa tắt, ta hỏi nó đi về đâu? Đi tìm ngọn lửa đã tắt dưới hình thức của ngọn lửa thì không bao giờ ta tìm ra ngọn lửa. Ngọn lửa không bao giờ mất. Khi đang biểu hiện, ngọn lửa chế tác ánh sáng, sức nóng và khói. Khi ngọn lửa không còn nữa, thì những cái nó chế tác vẫn còn. Vì vậy, đi tìm ngọn lửa trong hình thái biểu hiện cũ của nó là một chuyện rất ngây thơ.
Tâm ý không biểu hiện nữa (ý tận) giống như ngọn lửa không còn biểu hiện, nói nó giống như cái ngày xưa ta thấy là không đúng, mà nói nó không có mặt cũng không đúng. Ba chữ như hỏa diệt rất phổ thông, chính đức Thế Tôn đã dùng ba chữ đó để nói về Niết bàn. Đừng dùng hình ảnh ta đã có sẵn để đi tìm. Ngọn lửa đã tắt rồi, làm sao ta tìm được, vì từ biểu nó đã trở về vô biểu.
Khi tất cả những phiền não như tham dục, sân hận, si mê đã bị đốt cháy, thì luân hồi không còn tiếp tục. Ta không còn tìm được hình ảnh cũ, vì sự luân hồi của những phiền não, khổ đau, hệ lụy đã chấm dứt.
Bào thai vi uế hải: Bào thai là cơ quan sinh dục của phụ nữ. Uế hải là biển ô uế (the sea of impurity).
Hà vi lạc dâm hành: Là người xuất gia, tại sao ta lại còn đi tìm lạc thú ở những nơi đó? Đây nói về đời sống phạm hạnh của người tu, là sự thực tập quán chiếu bất tịnh.