Bài kệ 25
Đương tự cầu khứ thắng
當 自 求 去 勝
Dĩ thắng vô sở sinh
已 勝 無 所 生
Tất cố bất tạo tân
畢 故 不 造 新
Yếm thai vô dâm hành
厭 胎 無 婬 行
Chỉ nên tự cầu cái thắng lợi về Pháp
Đã có pháp thắng thì không còn sở sinh
Hết sở sinh rồi thì không tạo tác thêm nữa
Muốn không còn luân hồi thì đừng nên có những hành động phóng đãng.
Đương tự cầu khứ thắng: Chữ khứ 去 trong bài kệ là chép sai, đúng ra là chữ pháp 法 . Cái thắng mà ta đi tìm cầu là cái thắng về chánh pháp. Ta phải phát tâm cầu sự thắng lợi về chánh pháp, mà không phải những thắng lợi về tiền tài, danh vọng và địa vị. Mỗi ngày, phải có tiến bộ trong sự tu học của mình.
Dĩ thắng vô sở sinh: Khi đạt tới thắng pháp, tức tu tập thành công, thắng được phiền não, đam mê, ganh tị và hận thù, thì mình không còn sinh ra trở lại cõi hệ lụy nữa (vô sở sinh).
Tất cố bất tạo tân: Tất là làm cho xong. Đã hoàn toàn không còn sở sinh (tất cố) thì không tạo ra thêm chất liệu mới cho sự luân hồi (bất tạo tân), ta không dệt thêm những dây mơ rễ má của hệ lụy nữa. Hết chất liệu luân hồi (sinh tận) thì không còn tiếp nhận cái kia nữa. Ta tiếp tục luân hồi khổ đau tại vì ta còn cái sinh. Theo trong những bản chú giải của các Tổ thì sinh y gồm có uẩn, dục, phiền não và nghiệp. Nhưng ta nên hiểu sinh ở đây là tàn dư của phiền não còn sót lại chưa chuyển hóa hết. Còn sinh y, nên còn tiếp tục đi vòng trong cõi đau khổ. Khi những chất liệu tàn dư làm nền tảng cho luân hồi không còn, thì sẽ không còn hữu. Sinh y không còn thì bhava không còn, mà bhāva không còn thì cũng không còn bhāva, nghĩa là không còn hữu cũng không còn vô, chứ không có nghĩa là không còn hữu thì đi vào hư vô.
Trong một bài hát của Phạm Duy có tên Ngàn Thu, cũng gọi là Vô Hư, được làm tại Midway City, California, có câu:
Em là cơn gió
Anh là mây dài
Đi về bên nớ
Đi về bên này
Rồi trở về cho hết cái đong đưa.
Nếu hết chất liệu của luân hồi thì không cần đi luân hồi nữa.
Yếm thai vô dâm hành: Yếm là chán, yếm thai là không thích đi vòng vòng trong cõi hệ lụy nữa. Vô dâm hành là không đi về phía phóng đãng. Nếu đã chán đi vòng quanh trong thế giới của khổ đau luân hồi, chúng ta phải bỏ thói dâm đãng, đừng hành dộng theo lối dâm đãng nữa.
Đây nói về đời sống phạm hạnh của những người tu. Phạm hạnh là đời sống trong sáng của người xuất gia. Tu là phải chế tác chất liệu thánh. Chất liệu thánhkhông phải do người khác ban cho ta, không phải tại Giáo hoàng phong cho ta là thánh mà ta trở thành thánh. Ta là thánh khi ta chế tác được chất thánh. Thánh là chất liệu được chế tác bởi giới, niệm, định và tuệ. Nơi nào có giới, niệm, định và tuệ thì nơi đó có sự thánh thiện. Có niệm, định, tuệ thì không đi vào chốn khổ đau, hệ lụy. Có niệm là có giới, có giới thì ta không giết hại, không nói dối, không tà dâm, không làm những chuyện gây ra khổ đau. Ta sống theo giới luật, theo Pratimoksha, tức giới bản của người xuất gia. Ta theo con đường phạm hạnh (holy life), đó là cuộc sống thánh thiện. Cuộc sống thánh thiện có được là nhờ ta biết giữ giới, ta không đi về phía phóng đãng, dâm hành.
Người xuất gia là người sống cuộc đời phạm hạnh, thánh thiện, sự thánh thiện do công phu giữ giới mà có chứ không phải do người khác ban cho ta.
Chỉ nên tự cầu cái thắng lợi về Pháp
Đã có pháp thắng thì không còn sở sinh
Hết sở sinh rồi thì không tạo tác thêm nữa
Muốn không còn luân hồi thì đừng nên có những hành động phóng đãng.
Hết sở sinh: có thể được hiểu là không sinh ra trở lại trong luân hồi, hoặc là những phiền não, hệ lụy, lang thang đã được chuyển hóa không còn phát sinh ra nữa.