Bài kệ 23
Thị vi đệ nhất khoái
是 為 第 一 快
Thử đạo tịch vô thượng
此 道 寂 無 上
Thọ nhục tâm như địa
受 辱 心 如 地
Hành nhẫn như môn quắc
行 忍 如 門 閾
Đó là cái lạc thú đệ nhất
Con đường yên lặng (của ý niệm và ngôn từ) này không có gì cao hơn
Lúc bấy giờ mình có khả năng nhẫn chịu được, tâm mình cũng như đất
Và cái hành nhẫn cũng như một thành quách.
Thị vi đệ nhất khoái: Đó là cái khoái lạc lớn nhất.
Thử đạo tịch vô thượng: Vô thượng là không có gì cao hơn. Không có con đường nào cao hơn con đường đưa tới sự vắng lặng đó. Vắng lặng không có nghĩa là không có âm thanh, mà vắng lặng có nghĩa là những ý niệm về có- không, sinh-diệt đã rơi rụng. Thi sĩ Bùi Giáng có làm câu thơ: Ta bước qua từ ngữ rụng hai lần
Nhờ sự quán chiếu, những ý niệm nhưcó hay không, sinh hay diệt rơi rụng và thực tại được hiển bày ra. Thực tại (ultimate reality) không thể nào được diễn tả bằng các ý niệm có-không, sinh-diệt. Trong Như Thị Ngữ (Itivṛttaka) nói: Có một cái không sinh, không diệt, không tới, không đi, không này, không kia, không có, không không. Nếu không có cái không sinh, không diệt, không tới, không đi, không này, không kia, không có, không không đó, thì làm sao có nẻo thoát cho cái có sinh, có diệt, có tới, có đi, có này, có kia, có có, có không.
Ta bước qua, là bước qua ngưỡng cửa của sự nhận thức lưỡng nguyên.
Con đường tịch diệt này không có gì cao hơn. Chữ tịch diệt ở đây không phải là không còn gì nữa, mà có nghĩa là sự vắng mặt của những ý tưởng xôn xao như có và không, tôi và anh, trong và ngoài, chủ thể và đối tượng. Những ý tưởng xôn xao không còn, thì gọi là vắng lặng, là im lặng hùng tráng.
Thọ nhục tâm như địa: Khi nếm được hạnh phúc lớn đó, khi đi vào được trong không gian mênh mông của sự vắng mặt tất cả các ý niệm đó, thì tâm mình giống như đại địa có thể chịu đựng được tất cả. Nhẫn là có sức chịu đựng rất lớn.
Khi dạy thầy La Hầu La, Bụt đã nói: Con phải luyện cho tâm con giống như đất. Người ta có đổ xuống đất dầu thơm, những thức ăn rất ngon, hoặc phân hay nước tiểu, thì đất cũng chấp nhận tất cả. Đất có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa rất hay, đất không kỳ thị; cái thơm ngon đất chấp nhận đã đành, mà cái hư thối đất cũng chấp nhận, đất không đau khổ và không kỳ thị.
Nếu nếm được cái lạc thú của Niết bàn, tâm ta rộng mở rồi, thì những gì trước kia ta không chấp nhận được, bây giờ ta có thể chấp nhận một cách dễ dàng. Tâm ta trở thành như đất (tâm như địa).
Hành nhẫn như môn quắc: Sự thực tập nhẫn nhục (kṣānti-pāramitā) trở nên vững chãi như một bức trường thành.