Bài kệ 22
Sở kiến bất phục khủng
所 見 不 復 恐
Vô ngôn ngôn vô nghi
無 言 言 無 疑
Đoạn hữu chi xạ tiễn
斷 有 之 射 箭
Cấu ngu vô sở ỷ
遘 愚 無 所 猗
Cái mình thấy không làm cho mình sợ hãi nữa
Không còn nghi ngờ gì nữa về ngôn từ hay không ngôn từ
Mũi tên bắn rơi được cái ý niệm có không rồi
Thì khi gặp kẻ ngu muội không cần diễn bày gì nữa cả.
Chúng ta hãy nhớ lại câu: Chim chóc ưa trở về mây trời, hươu nai ưa trở về đồng quê, còn các bậc chân nhân thì ưa trở về Niết bàn.
Niết bàn là nơi thảnh thơi, Niết bàn đang có mặt ở đây trong giây phút hiện tại. Tùy ta muốn chọn sự bận rộn, lo lắng, sợ hãi hay muốn chọn Niết bàn. Có hai cách để định nghĩa Niết bàn:
Định nghĩa đầu là sự vắng mặt của các phiền não như đam mê, hận thù, nghi kỵ, tại vì đam mê, hận thù, nghi kỵ là những ngọn lửa đốt cháy mình. Sự vắng mặt của đam mê, hận thù, nghi kỵ là sự mát mẻ. Định nghĩa đầu của Niết bàn là sự mát mẻ, sự tắt lửa. Khi ngọn lửa đam mê, hận thù đang cháy, thì ta không có Niết bàn. Nhưng khi ta thấy không có ngọn lửa đam mê và hận thù đang cháy thì đó là Niết bàn. Nirvāna trước hết có nghĩa là không bốc cháy.
Định nghĩa thứ hai của Niết bàn là sự vắng mặt của sự kỳ thị, của cái nhìn lưỡng nguyên. Dưới cái nhìn lưỡng nguyên, ta thấy có trong có ngoài, có ta có người, có chủ thể có đối tượng. Khi vượt thoát cái nhìn lưỡng nguyên, ta không còn thấy sự tách biệt giữa chủ thể và đối tượng, tâm và vật, ta và người. Không còn thấy sự kỳ thị và phân biệt, ta có rất nhiều tự do, tự do thênh thang, đó là Niết bàn. Thấy có ta và có người, ta so sánh ta thua người đó, hay hơn người đó, hoặc bằng người đó. Đó là ba loại mặc cảm: Mặc cảm thua người, mặc cảm hơn người và mặc cảm bằng người. Ba loại mặc cảm này đều dựa trên sự phân biệt giữa ta và người. Khi thấy rõ ta với người đó tương tức, ta có trong người đó và người đó có trong ta, thì ta không còn mặc cảm, dù là mặc cảm thua người, hơn người hay bằng người. Không còn cái thấy nhị nguyên, ta sẽ có rất nhiều không gian, có rất nhiều tự do. Đó là Niết bàn. Niết bàn có mặt trong giây phút hiện tại, ta không cần phải đi tìm ở một cõi xa xăm nào trong tương lai.
Đợt sóng khổ đau tại vì nó lên xuống, sinh diệt, tự so sánh mình với những đợt sóng khác và nó có mặc cảm. Nhưng khi đợt sóng biết rằng nó là nước thì nó không còn đau khổ vì chuyện lên xuống, ra vào, lớn nhỏ. Đợt sóng không cần phải đi tìm nước ở chỗ khác, tại vì chính nó đã là nước rồi. Nếu ta nghĩ Niết bàn là một thực tại ở ngoài mà ta cần phải đi tìm, thì ta vẫn còn kẹt trong cái thấy nhị nguyên. Đó không phải là Niết bàn, Niết bàn không có trong và ngoài, này và kia. Trong khóa tu ở Nottingham University vừa rồi, tôi nói với báo chí: Nếu Tây phương đặt Thượng đế trở lại vào đúng vị trí của Ngài thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp. Ta đặt Thượng đế sai chỗ, vì ta cho Thượng đế là một thực tại ở bên ngoài mà ta phải đối phó nên ta mới đưa thế giới tới sự khủng hoảng hiện nay.
Sở kiến bất phục khủng: Cái ta thấy, ta không còn sợ nữa. Sở kiến là cái ta thấy. Bất phục khủng là ta không còn sợ hãi nữa.
Vô ngôn ngôn vô nghi: Không còn nghi ngờ gì về vấn đề ngôn từ hay không ngôn từ nữa. Ngôn là cái có ngôn từ, vô ngôn là cái không có ngôn từ.
Đoạn hữu chi xạ tiễn: Mũi tên bắn rơi đượccái ý niệm có không. Tiễn là mũi tên. Đoạn là làm cho chấm dứt. Hữu là being in existence. Người hành giả giương cây cung, lắp một mũi tên, nhắm cái hữu (being) mà bắn một phát. Hữu rơi xuống, đồng thời vô cũng rơi xuống. Một nhà thần học nói: “Thượng đế là nền tảng của hiện hữu” (Paul Tillich). God is the ground of being. Trong tuệ giác của đạo Bụt, being là một ý niệm đối lại với ý niệm non-being. Nhà thần học này có khuynh hướng muốn liệt Thượng đế vào phía being. Ta có thể đặt câu hỏi: “Nếu Thượng đế là nền tảng của being (hữu thể) thì ai là nền tảng của non-being (vô thể)?” Người hành giả tu thiền lắp mũi tên vào cây cung, nhắm cái being mà bắn một phát. Nếu bắn rớt cái being xuống, thì cái non-being cũng rớt theo, tại vì đây là một cặp đối nghịch. Trong chân lý tuyệt đối, không có ý niệm being hay non-being, cho Thượng đế là being là sai, mà cho Thượng đế là non-being cũng sai. Thượng đế là cái tuyệt đối (ultimate) vượt thoát cả being và non- being, tại vì being và non-being vẫn còn nằm trong vòng lưỡng nguyên. Đặt Thượng đế vào being là đặt không đúng chỗ. Nói không có Thượng đế là sai, mà nói có Thượng đế cũng sai. Thượng đế vượt ra ngoài ý niệm có và không.
Niết bàn, trước hết là sự vắng mặt của những ngọn lửa và sau đó là sự vắng mặt của những cặp ý niệm đối lập nhau. Mục đích của người hành giả không phải là đi tìm cái non-being, mà là tìm sự vượt thoát cả being và non-being. Mục đích của người tu là đạt tới vô sinh (birthlessness). No-birth không có nghĩa là death, không lý ta tu chỉ để tìm cái chết? Khi ta lắp mũi tên vào cây cung và bắn rơi cái sinh, thì cái tử cũng rơi theo, đó gọi là bất tử (deathlessness). Một mũi tên bắn rơi hai lá cờ ảo tưởng.
Năm 1962, tôi xin xuất bản một tập thơ tại Sài Gòn có tên “Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện”, đó là những bài thơ nói về thao thức muốn chấm dứt chiến tranh, đạt tới hòa bình. Người ta gọi những bài thơ đó là phản chiến, nhưng sự thực thì không phải như thế. Khi đem lên kiểm duyệt, người ta bỏ hết, chỉ để còn lại ba bài. Có một bài nhan đề là “Một mũi tên rơi hai cờ huyễn tượng”, bắn một mũi tên làm rơi hai lá cờ nhị nguyên hữu và vô, sinh và diệt. Nhưng những người làm chính trị không hiểu được. Họ cho là mình vừa chống quốc gia, vừa chống cộng sản, đi theo phong trào trung lập, mà phong trào trung lập lúc đó đang bị cấm ở Việt Nam, vì bị cho là thân cộng. Những người trong ban kiểm duyệt của Bộ thông tin không thể nào hiểu được ý của bài thơ này: Với niệm lực và định lực, mình bắn rơi hai ý niệm, mình đang cổ vũ cho đường lối trung lập.
Khi mũi tên bắn rơi cái hữu, thì cái vô cũng rơi theo, lúc đó chúng ta có vô phân biệt trí (nirvikalpa-jñāna). Cái sinh-diệt rơi xuống rồi, thì không gian mở rộng với bao nhiêu là tự do, bao nhiêu là hạnh phúc.
Cấu ngu vô sở y: Vô sở y là không cần nói. Đối với người có thành kiến sâu dày, thì không làm sao nói được, ta không có nhu yếu cãi lộn nữa tại vì người ấy không thể hiểu.
Khi biết được Thượng đế là ai rồi, là gì rồi, thì anh không còn là nhà thần học nữa. Nghe người khác cãi nhau, ta chỉ ngồi cười, tại vì cãi nhau rằng có Thượng đế hay không có Thượng đế, có Niết bàn hay không có Niết bàn, chỉ tốn công vô ích.