Bài kệ 21
Bất một bất phục sinh
不 沒 不 復 生
Thị tế vi nê hoàn
是 際 為 泥 洹
Như thị tượng vô tượng
如 是 像 無 像
Khổ lạc vi dĩ giải
苦 樂 為 以 解
Nơi không có cái mất đi cũng không có cái còn sinh ra
Nơi ấy là Niết bàn.
Như thế thì vấn đề có đối tượng tri giác hay không có đối tượng tri giác
Và vấn đề bản chất của cái khổ và cái vui, mình đã hiểu thấu.
Bất một bất phục sinh: Bất một, là không biến mất, không từ có trở thành không, tại vì có và không cũng chỉ là những ý niệm; chúng ta vượt thoát có và không. Bất phục sinh, là không hẳn mình phải sinh trở lại, tại vì không sinh cũng không diệt.
Thị tế vi Niết bàn: Tế là cõi. Cõi không có cũng không không, không sinh cũng không diệt, đó là Niết bàn. This domain is Nirvāna. Niết bàn đang có mặt cho ta, tùy ta có muốn hay không muốn thôi; cũng như trời mây lúc nào cũng có đó cho chim muông và đồng quê lúc nào cũng có đó cho huơu nai, tùy chúng muốn chọn hay không mà thôi.
Như thị tượng vô tượng;
Khổ lạc vi dĩ giải
Như thế thì có đối tượng của tri giác hay không có đối tượng của tri giác (Như thị tượng vô tượng), đối tượng của tri giác có thể là mặt trời, mặt trăng hay con người, thì bản chất của cái vui và cái khổ, ta đã hiểu thấu (Khổ lạc vi dĩ giải). Chữ dĩ 以 này có thể bị chép sai, đúng ra là chữ dĩ 已, có nghĩa là đã.
Khổ và vui thường được căn cứ trên các ý niệm của ta, như ý niệm có và không, sinh và diệt. Khi những ý niệm có đối tượng hay không có đối tượng không còn nữa, thì không gian của Niết bàn hiển hiện. Lúc đó, ta hiểu thấu được bản chất của khổ và vui, ta không còn bị cuốn hút, bị hạn chế, bị trói buộc bởi khổ và vui.
Khóa tu mùa Đông sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục học hết Phẩm Nê Hoàn và học một số các kinh khác, có thể chúng ta sẽ được học bản dịch mới của “Ba mươi bài tụng Duy Biểu”, có thể ta sẽ được học 44 bài kệ về chân lý tuyệt đối trong Du-Già Sư Địa Luận, có thể chúng ta sẽ tiếp tục học những kinh rất hay trong Pháp Cú Kinh chữ Hán.
Chúng ta may mắn được ở chung với nhau ba tháng, được ngồi thiền chung, đi thiền chung, học kinh chung, pháp đàm chung rất hạnh phúc. Xin đại chúng chuẩn bị ngày mai làm lễ Đối thú an cư, xác định nghiêm mật giới trường, đừng ra khỏi giới trường trong ba tháng an cư, ngoại trừ trường hợp tăng thân sai mình đi làm công việc. Đây là cơ hội rất tốt và rất hiếm, ở đời không biết có bao nhiêu người mong ước có được cơ hội tham dự khóa tu ba tháng. Ngay cả nhiều thầy, nhiều sư cô bên Mỹ, hay ở Âu châu cũng ít có cơ hội được an cư. Chúng ta có cơ hội này, chúng ta phải dâng lên niềm cảm tạ của ta đối với đức Thế Tôn và các vị tổ sư. Nếu đức Thế Tôn không chế ra truyền thống An cư thì có thể thầy và nhiều vị giáo thọ cũng phải đi dạy chỗ này chỗ khác. Nhờ có khóa An cư mà thầy trò được ở lại luôn ba tháng với nhau và thầy rất hạnh phúc. Hạnh phúc có đó, Niết bàn có đó. Niết bàn là sự vắng mặt của các ngọn lửa đốt cháy. Chúng ta học cách dập lửa, học từ các sư anh, sư chị của mình. Nếu có tri giác sai lầm nào làm mình đau khổ như nỗi buồn, sự cô đơn, tủi thân, thì ta phải nhờ sư anh, sư chị giúp ta tháo bỏ tri giác sai lầm đó; tháo bỏ được thì tự nhiên ta sẽ có Niết bàn. Niết bàn là công chuyện hàng ngày của mình. Nirvāna is our daily business.