Bài kệ 19
Vô hữu hư không nhập
無 有 虛 空 入
Vô chư nhập dụng nhập
無 諸 入 用 入
Vô tưởng bất tưởng nhập
無 想 不 想 入
Vô kim thế hậu thế
無 今 世 後 世
Không đi vào cõi hư không
Không có cái nơi đi vào để đi vào
Không đi vào cõi tưởng hay cõi vô tưởng
Không đi vào đời này hay đời sau.
Vô hữu hư không nhập: Trong thiền định, có thể ta đi vào cõi hư không vô biên (infinity of space), tức không vô biên xứ. Không vô biên xứ là một trạng thái thiền định. Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ là bốn đối tượng của vô sắc định. Cõi vô tưởng (phi tưởng xứ) là cõi không còn tri giác.
Vô hữu hư không nhập: Không có cái cõi gọi là không vô biên xứ để mình đi vào, tại vì không có người để đi vào cõi đó.
Vô chư nhập dụng nhập: Không có những nơi đi vào để ta đi vào. Đi vào, hàm chứa chủ thể đi vào và đối tượng đi vào và khi thấy còn một chủ thể đi vào và một đối tượng đi vào hiện hữu độc lập với nhau, thì chưa thấy được sự thật. Biết được mình là ai rồi, ta vượt thoát được ý niệm về chủ thể và đối tượng riêng biệt. Không có người đi vào thì không còn lo lắng về chỗ mình sắp đi vào.
Vô tưởng bất tưởng nhập: Không đi vào cõi tưởng (cõi có tri giác) hay cõi phi tưởng (cõi không có tri giác).
Vô kim thế hậu thế: Không còn có đời này và đời sau, không còn sự phân biệt giữa hiện tại và tương lai, tức là đã vượt thoát thời gian.
Niết bàn là sự tự do, không bị hạn chế bởi thời gian và không gian. Vì vậy có Big Bang hay không có Big Bang, không phải là chuyện quan trọng. Không có bắt đầu, không có chung cục, không có nơi này, không có nơi kia, không có sự co lại hay phình ra. Hiện nay, có lý thuyết cho rằng vũ trụ đang giãn ra do Big Bang, rồi tới một lúc nào đó vũ trụ sẽ co lại.
Đối với Niết bàn, không có tương lai, không có quá khứ, không có thời gian, không có sự co lại, không có sự giãn ra. Kinh Niết Bàn không phải là kinh nói về chuyện siêu hình, kinh Niết Bàn rất thực tế, liên hệ tới sự sống hàng ngày. Chúng ta phải học kinh Niết Bàn như vậy, vì Phật học của chúng ta là Phật học ứng dụng. Ý nghĩa đầu tiên của chữ Niết bàn là sự mát lạnh. Định nghĩa thứ nhất của Niết bàn là sự vắng mặt của nóng bức, vì đam mê, sợ hãi, hận thù có khả năng đốt cháy; mà khi có sự đốt cháy thì không có Niết bàn. Niết bàn là chấm dứt sự đốt cháy (extinction).
Trong tâm học Phật giáo có tâm hành tham (đam mê), tâm hành sân (hận thù). Khi đam mê và hận thù bừng cháy lên thì có sức nóng đốt cháy và không có Niết bàn. Nhưng trong tâm học đạo Phật cũng có tâm hành vô tham, vô sân. Có những giây phút mà ta không bị ngọn lửa của đam mê, hận thù đốt cháy. Niết bàn có mặt khi những tâm hành vô tham, vô sân biểu hiện. Niết bàn không phải là cái gì quá xa vời mà ta tưởng tượng ra trong thế giới siêu hình. Niết bàn không phải là đối tượng của siêu hình học. Niết bàn là đối tượng của sự thực tập hàng ngày: Khi có tham, có sân là không có Niết bàn; khi có vô tham, vô sân là có Niết bàn. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có những giây phút có Niết bàn và những giây phút không có Niết bàn, tùy theo ý chúng ta chọn, cũng như con chim muốn chui vào trong lồng hay muốn trở về trời mây, cũng như con nai chọn vào ở trong sở thú hay chọn trở về đồng quê. Ta chọn đi về không gian của tự do, tươi mát hay không là tùy ta.
Định nghĩa đầu tiên của chữ Niết bàn là chấm dứt sự đốt cháy, là làm nguội xuống. Chúng ta có một vị Bồ tát tên là Thanh Lương Địa (the Bodhisattva of earth cooling). Chúng ta rất cần vị Bồ tát này, chúng ta phải gọi Ngài về lập tức tại vì chúng ta đang ở trong giai đoạn hâm nóng toàn cầu (global warming). Thanh lương là không có sự đốt cháy. Làm thế nào để Bồ tát Thanh Lương Địa có mặt trong từng giây phút của đời sống hàng ngày, tức là ta có Niết bàn. Niết bàn không phải là cái gì quá xa vời phải tu 10, 20 năm mới có.
Niết bàn, trước hết là sự vắng mặt của những ngọn lửa đang đốt cháy, ngọn lửa của tham, sân, nghi ngờ. Định nghĩa thứ hai của Niết bàn là sự vắng mặt của tri giác sai lầm, của cái nhìn nhị nguyên. Thấy có cái tâm hiện hữu ngoài vật, có cái trong đối lập với cái ngoài, có cái ta và có cái người, có chủ thể tồn tại độc lập ngoài đối tượng, là cái thấy nhị nguyên, cái thấy đó gây ra đau khổ và những nhận thức sai lầm. Niết bàn là sự vắng mặt của phiền não chướng và sở tri chướng. Phiền não chướng (kleśa- āvaraṇa) là tham, sân, si, mạn, nghi. Sở tri chướng (jñeya- avāraņa) là những cái kẹt về nhận thức. Đó là những nhận thức sai lạc: thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến và giới cấm thủ kiến. Đạt tới vô ngã là đạt tới Niết bàn.
Khi vượt khỏi cái nhìn nhị nguyên “có hiện tại và tương lai”, vượt thoát được thời gian, thì không còn kỳ thị, phân biệt. Lúc đó, những câu hỏi về nguyên ủy của vũ trụ như vũ trụ do ai sáng tạo ra, khi vũ trụ tiêu diệt thì sẽ có gì, hoặc những ý niệm về các cặp đối lập như có-không, còn-mất, tới-đi không còn nữa và Niết bàn có mặt. Ta không còn lo lắng (vô ưu) nữa và sự rong chơi được thỏa mãn một trăm phần trăm.