Bài kệ 18
Chư khổ pháp dĩ tận
諸 苦 法 已 盡
Hành diệt trạm nhiên an
行 滅 湛 然 安
Tỳ-kheo ngô dĩ tri
比 丘 吾 已 知
Vô phục chư nhập địa
無 復 諸 入 地
Nếu khổ đau đã hết và các hành đã lắng dịu
Thì hạnh phúc sẽ có mặt một cách lặng lẽ, và sẽ có bình an
Này các vị Tỳ-kheo, tôi đã thực chứng điều này
Cho nên tôi không cần phải đi tìm vào một cõi nào nữa.
Chư khổ pháp dĩ tận: Chư khổ pháp là những hiện tượng đem tới khổ đau như vô minh, buồn giận, đam mê, lo lắng, u sầu, sợ hãi. Dĩ tận là đã hết. Khi những pháp khổ đau đã hết.
Hành diệt trạm nhiên an: Tất cả các hành trở thành vắng lặng. Chữ diệt phải được hiểu là vắng lặng, lắng dịu, không còn xôn xao. Chữ diệt ở đây không có nghĩa diệt và sinh, có hay không có. Chữ diệt trong Niết bàn, có nghĩa là vắng lặng, là lắng dịu, là mát mẻ và an ổn. Hành là tất cả những hiện tượng như sông núi, mặt trăng, mặt trời, con người, chim muông, cây cỏ, đất đá, thân thể của chúng ta… Hành là saṃskāra, tiếng Anh là formations. Bông hoa là một hành, được tập hợp bởi những yếu tố như đất, nước, lửa, gió, sức nóng và người làm vườn. Cái bàn cũng là một hành, trái núi là một hành, ngôi sao kia là một hành. Đó là những hành vật lý (physical formations). Hình hài của chúng ta cũng là một hành, gọi là hành sinh lý (physiological formation). Cái giận, cái buồn, cái vui của chúng ta cũng là những hành, gọi là hành tâm lý (mental formations). Tất cả hành có thể có tác dụng gây đau khổ nếu ta bị dính vào chúng, nếu ta có cái thấy sai lạc về chúng.
Chúng ta không biết được bản chất của các hành, chúng là vô thường mà ta tưởng là thường, là vô ngã mà ta tưởng là ngã. Chính cái thấy sai lạc đó đưa tới đau khổ, chứ không phải các hành làm cho ta đau khổ. Hình hài của chúng ta làm cho ta đau khổ, tại vì ta có một quan niệm sai lầm về hình hài của mình. Đối tượng đam mê mà ta chạy theo kia không làm cho ta đau khổ, mà chính tại vì ta có một cái nhìn sai lạc về nó nên ta bị dính vào nó. Ta có vọng tưởng về đối tượng đam mê, nên ta có dục tưởng. Dục là sự đam mê, và chính vì có dục tưởng cho nên ta khổ, chứ không phải đối tượng đam mê làm cho ta khổ. Danh lợi không làm cho ta khổ, nhưng cái thấy của ta về danh lợi làm cho ta khổ.
Cái ví dụ về con chó bị anh chàng liệng cục đá lại chạy theo sủa cục đá rất hay. Cục đá, thật ra, đâu có tội tình gì, nguyên do làm cho con chó đau khổ là anh chàng liệng cục đá. Con chó vô minh tưởng cục đá là kẻ thù của nó. Khi đau khổ, chúng ta nghĩ rằng thế giới này hay hình hài, năm uẩn này làm cho mình đau khổ. Thật ra, chỉ vì ta có nhận thức sai lầm về thế giới, về năm uẩn, nên ta mới đau khổ.
Hành diệt, có nghĩa là những cái thấy sai lầm của chúng ta về hành không còn nữa và các hành, tuy là còn đó, nhưng không còn làm cho mình đau khổ nữa. Những cái thấy thì ta vẫn còn thấy, những cái nghe thì ta vẫn còn nghe, những cái suy nghĩ thì ta vẫn còn suy nghĩ; nhưng cái thấy, cái nghe, cái suy nghĩ của ta không còn sai lạc nữa và ta không còn đau khổ nữa. Trạm nhiên, có nghĩa là rất yên tĩnh. Khi tri giác sai lầm không còn, thì có sự vắng lặng, có sự thanh tịnh, an bình. Sự an bình đó là Niết bàn. Nếu khổ đau đã hết và các hành đã lắng dịu thì hạnh phúc sẽ có mặt một cách lặng lẽ và sẽ có bình an.
Tỳ kheo ngô dĩ tri: Ngô là cái ngã. Dĩ tri là đã biết. Ngày xưa, có khi người ta dịch “vô ngã” là vô ngô.
Ta chưa biết ta là ai! Trong Thiền tông thường có câu hỏi: “Anh là ai?” (Who are you?) Đó là một công án. Một công án khác cũng rất phổ thông, nổi tiếng ở Trung Quốc là câu hỏi: “Niệm Phật thị thùy?” (Who is the one that invokes the Buddha’s name?). Niệm Phật thị thùy có nghĩa là: Ai là người đang niệm Phật? Công án này là một câu hỏi: Anh là người đang niệm Phật, nhưng anh là ai? Người đang niệm Phật đó là ai? Anh đã biết anh là ai chưa? Ta tu để nhìn sâu và để biết ta là ai. Nhưng trong công án này có một lỗ hổng và nhiều người không thành đạt được công án này, tại vì họ không biết lấp lỗ hổng đó. Lỗ hổng nằm ở chỗ ta hỏi người niệm Phật là ai như thể ta đã biết Phật là ai rồi. Có Phật và có người niệm Phật. Thật ra, chúng ta cũng chưa biết Phật là ai? “Who is the Buddha whose name you invoke?” Tôi đề nghị công án thứ hai: “Phật thị thùy?”(Who is the Buddha?) Trong công án “Niệm Phật thị thùy?” ta muốn biết người niệm Phật là ai và ta tưởng ta đã biết Phật là ai rồi.
Khi ta biết ta là ai, thì ta cũng biết Bụt là ai và khi ta biết Bụt là ai, thì ta cũng biết ta là ai. Hai câu hỏi “Niệm Phật thị thùy?” và “Phật thị thùy?” là một. Chúng ta đã học một bài kệ rất hay:
Bụt đang thở, Bụt đang đi
Mình đang thở, mình đang đi
Ngoài chuyện thở và chuyện đi, có một người thở và đi. Ta nghĩ phải có một chủ thể, thì hành động mới xảy ra được. Nhưng trong tuệ giác vô ngã, thì có hành mà không cần phải có hành giả, có tác mà không cần có tác giả. Khi nói “gió thổi”, ta nghĩ có “gió” và có “một người thổi”, nhưng sự thật là chỉ có gió (wind) mà không có người thổi (blower). Nếu không có thổi (blowing), thì không có gió (wind). Gió mà không thổi, thì không phải là gió; hễ có gió là có thổi. Chúng ta chỉ cần gió mà không cần một người đứng ngoài để thổi, cũng như niệm Phật là niệm Phật, mà không cần có người niệm Phật. Chỉ có chuyện niệm Phật đang xảy ra, vì niệm là một tâm hành. Trong tâm hành niệm có năng niệm và sở niệm, niệm luôn là niệm cái gì, ví dụ như niệm hơi thở, niệm bước chân hay niệm Bụt. Có chủ thể niệm và đối tượng niệm, nhưng cả chủ thể và đối tượng đều nằm trong niệm, vì không thể nào có chủ thể mà không có đối tượng. Bụt có dạy, nơi nào có chủ thể thì nơi đó có đối tượng và nơi nào có đối tượng thì nơi đó có chủ thể. Chủ thể và đối tượng đi đôi với nhau. Không thể có chủ thể niệm đứng riêng, rồi ta đem chủ thể đó đến đối tượng niệm như là ta đem cây thước tới đo cái bàn rồi đo cái ghế. Tâm của ta gồm cả chủ thể và đối tượng, nếu cho tâm chỉ là chủ thể thì đó là một sự sai lạc căn bản mà chính khoa học bây giờ cũng chưa thoát ra khỏi. Khoa học nghĩ rằng, có một cái tâm bên trong và cái tâm đó vươn ra để nắm bắt thế giới bên ngoài. Khoa học kẹt vào cái thấy lưỡng nguyên, cho tâm và vật là hai cái riêng biệt. Chỉ một số rất ít nhà khoa học đang tìm cách vượt khỏi chướng ngại đó, còn phần lớn vẫn còn kẹt vào trong cái thấy lưỡng nguyên, tức cho rằng tâm tồn tại độc lập ngoài vật.
Người niệm Phật là ai, có nghĩa là người niệm là một thực tại riêng biệt và Phật được niệm là một thực tại riêng biệt. Thấy mình và Phật là hai thực tại riêng biệt là một cái thấy sai lầm. Niệm là một tâm hành, hễ là tâm hành thì phải có đối tượng và chủ thể. Khi niệm Phật xảy ra, thì năng niệm và sở niệm đều có mặt trong niệm; chúng ta không cần có một người đứng ngoài để làm chuyện niệm, cũng như có gió mà không cần một người đứng ngoài để thổi. Đây là phương diện của tâm học sâu sắc.
Bài tập của chúng ta rất hay, ban đầu ta tưởng Bụt và mình là hai thực thể:
Bụt đang thở, Bụt đang đi
Con đang thở, con đang đi
Nhưng sau đó, ta tìm ra được:
Bụt là thở, Bụt là đi
Con là thở, con là đi
Ngoài cái thở và đi không có Bụt, không có con. Con và Bụt nằm ngay trong cái thở, cái đi. Khi Bụt thở thì hơi thở rất có phẩm chất; vì hơi thở có phẩm chất, nên chúng ta thấy có Bụt trong hơi thở.
Tỳ kheo ngô dĩ tri: Này các vị Tỳ kheo, tôi đã biết rồi. Tôi đã thực chứng điều này rồi.
Vô phục chư nhập địa: Tôi đã biết mình là ai rồi, thì không cần có một cõi để đi vào, dù cõi ấy là Niết bàn.
Ta nghĩ khi chết rồi, ta sẽ đi vào một cõi nào đó,ta sẽ xuống địa ngục hay lên thiên đường, ta lên cõi trời này, cõi trời kia hay vào Tịnh độ. Đó là cái thấy nhị nguyên: có một người và người đó sẽ đi vào cõi này hay cõi kia. Nhưng khi hiểu được vô ngã, không còn đi, không còn tới thì ta không còn lo lắng ta sẽ đi về đâu nữa, tại vì sẽ không có chuyện đi, chuyện tới.
Trong bài kệ này, Niết bàn được diễn tả rất cụ thể và sâu sắc. Nếu ta đã biết mình là ai rồi, thì ta không còn phải lo lắng sau này mình sẽ đi vào cõi nào: Tịnh độ, Thiên đường hay Cực lạc thế giới.