Bài kệ 14
Phù duy vô niệm giả
夫 唯 無 念 者
Vi năng đắc tự trí
為 能 得 自 致
Vô sinh vô phục hữu
無 生 無 復 有
Vô tác vô hành xứ
無 作 無 行 處
Chỉ khi đạt được vô niệm
Mới có thể tới được Niết bàn
Nếu đã là vô sinh diệt thì không còn hữu vô nữa
Lúc ấy không còn thấy sự tạo tác, cũng không còn thấy sự hình thành
Phù duy vô niệm giả: Chỉ có những người đạt được vô niệm. Vô niệm là không còn ý niệm (conceptualization), như ý niệm về sinh, diệt, có, không, cái này, cái kia. Vô niệm là một giáo lý rất cao siêu, muốn đạt tới chỗ thấy và hiểu được thực tế, thì phải buông bỏ tất cả mọi ý niệm sinh-diệt, có-không, còn-mất. Duy là chỉ có, giả là người.
Vi năng đắc tự trí: Mới có thể có khả năng đạt tới chỗ đó. Tự là tự mình.
Chỉ có những người đạt được vô niệm mới có khả năng tự mình đạt tới chỗ đó. Chỗ đó là Niết bàn.
Vô sinh vô phục hữu: Nếu không còn sinh thì không còn hữu. Sinh là birth, là arising. Chúng ta có thể hiểu chữ sinh là được sinh ra, tiếng Phạn là jāti. Vô sinh là unborn, non-being. Chữ sinh đại diện cho nhiều khái niệm khác, tại vì sinh đi đôi với diệt, vô sinh đi đôi với vô diệt. Hữu là existence, tiếng Phạn là abhāva. Vô hữu là abhava. Không sinh, không diệt, không có, không không, không tới (vô lai), không đi (vô khứ), không một (vô nhất), không khác (vô dị), đó là những ý niệm chúng ta phải vượt thắng, vượt thắng được thì gọi là vô niệm. Chữ vô sinh đại diện cho tất cả những cái vô. Nó là Niết bàn, tại vì Niết bàn là thể tánh không sinh, không diệt, không tới, không đi, không có, không không, không còn, không mất. Đạt tới vô sinh là đạt tới Niết bàn, không còn sinh diệt, khứ lai, nhất dị. Hữu không còn thì vô cũng không còn, tại vì hữu-vô là một cặp đối nghịch. Có người sợ chết vì họ sợ trở thành hư vô, nhưng có người lại sợ sống, sợ phải sống hết đời này sang đời khác. Nhiều người trong chúng ta ước có thuốc trường sinh để được sống hoài không chết. Trong lịch sử văn học Tây phương và Đông phương, đều có nói tới những người đi tìm thuốc trường sinh. Nhưng có người trong chúng ta lại rất sợ sống hoài. Nếu bị một quan tòa lên án: “Anh phải sống hoài, không bao giờ được chết” thì chúng ta có bằng lòng không? Có người thèm hữu (abhāva), nhưng có người thèm vô (abhāva), như những người tự tử chẳng hạn. Nhưng abhāva hay abhāva đều là những ý niệm. Niết bàn vượt thoát being và non-being, nếu tiếp xúc được Niết bàn thì thoát khỏi hữu và vô.
Vô tác vô hành xứ: Không có chỗ để tác và hành. Tác là tạo tác (action), hành là hình thành.
Làng Mai có một bài kệ được sử dụng khi thực tập thiền thở, thiền đi, thiền ngồi rất hay. Bài kệ bắt đầu bằng nhận thức lưỡng nguyên:
Để Bụt thở, để Bụt đi
Mình khỏi thở, mình khỏi đi
Tại vì trong ta có tính làm biếng, thấy thực tập hơi khó nên ta để Bụt làm. Là học trò, là con của Bụt, đã từng nghe giáo lý và đã từng thực tập nên ta hiểu có Bụt trong mỗi tế bào của ta. Bụt ở trong ta chứ không phải ở ngoài ta. Ta làm biếng nên ta để Bụt thở, để Bụt đi, ta khỏi thở, ta khỏi đi. Bụt rất siêng năng nên khi được mời thì Bụt thở, Bụt đi ngay, nhờ đó ta có cơ hội được thở, được đi.
Tôi đã thực tập theo bài này bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn thấy hay.
Để Bụt thở, để Bụt ngồi
Mình khỏi thở, mình khỏi ngồi.
Để Bụt thở, để Bụt rong chơi
Mình khỏi thở, mình khỏi rong chơi.
Để Bụt thở, để Bụt nghỉ ngơi
Mình khỏi thở, mình khỏi nghỉ ngơi.
Có thì giờ nghỉ mà chúng ta không chịu nghỉ, nhiều khi đã lên giường rồi mà vẫn còn tranh đấu. Vì vậy, khi Bụt thở, Bụt nghỉ ngơi, thì ta được thở, được nghỉ ngơi.
Bụt đang thở, Bụt đang rong chơi
Mình được thở, mình được rong chơi
Đó là bài kệ hay nhất, dễ nhất và hạnh phúc nhất để thực tập.
Bụt đang thở, Bụt đang ngồi
Mình được thở, mình được ngồi
Bụt đang thở, Bụt đang nghỉ ngơi
Mình được thở, mình được nghỉ ngơi
Bài kệ này tôi thực tập luôn luôn thành công, không lần nào mà không thành công.
Bụt là hơi thở, Bụt là rong chơi
Mình là hơi thở, mình là rong chơi
Chúng ta bắt đầu đi sang tuệ giác vô ngã. Ban đầu, chúng ta tưởng Bụt là một thực tại riêng và thở là một thực tại riêng, có một người tên là Bụt và có một động tác tên là thở, có một người tên là mình và có một người đang thực tập. Nhưng bây giờ, ta thấy rõ khi Bụt thở, thì hơi thở này rất có phẩm chất, hơi thở rất có chánh niệm, rất thoải mái. Chúng ta thấy được Bụt trong hơi thở đó chứ không cần phải tìm Bụt ở ngoài. Không có chủ thể thở, chỉ có động tác thở (there is only the breathing, there is no breather). Khi chúng ta để Bụt thở, thì Bụt thở rất hay, rất có phẩm chất và chính trong phẩm chất của hơi thở mà chúng ta nhận diện ra Bụt, ngoài hơi thở không có Bụt. Nói có một người thở và có một hơi thở là không đúng. Bụt là ai? Bụt là đi, Bụt là thở, Bụt là ngồi. Chúng ta phải nhận ra Bụt nơi hơi thở, nơi dáng ngồi đó tại vì nếu là một người khác thì sẽ không thở, không ngồi được như vậy. Ngoài hơi thở và dáng ngồi, không có một chủ thể Bụt riêng. Có động tác thở, rong chơi hay nghỉ ngơi; nhưng không cần phải có một chủ thể để thở, để rong chơi hay nghỉ ngơi.
Chúng ta nói: Mưa rơi! Gió thổi! Mưa thì phải rơi, mưa mà không rơi thì không thể gọi là mưa, gió mà không thổi thì không thể gọi là gió. Có mưa mà không cần có chủ thể mưa. Khi xem tuồng múa rối, chúng ta thấy các con rối cử động; nhưng phía sau đó có bàn tay của người nghệ sĩ tác động vào. Còn ở đây, không có người ở phía sau, không có chủ thể đứng ở ngoài để thổi, gió chính là thổi và cũng không có một người đứng ở trên để thả mưa xuống, mưa chính là rơi.
Bụt là thở, Bụt là đi
Mình là thở, mình là đi
Trong khi thực tập, ta tiếp xúc được với sự thật là chỉ có thở, chỉ có đi và phẩm chất của hơi thở, của bước chân rất cao. Ta sẽ không tìm được Bụt ngoài hơi thở và bước chân đó. Lúc bắt đầu, ta và Bụt là hai thực thể khác nhau, nhưng khi tới câu kệ này, thì ta và Bụt trở thành một, chỉ có động tác mà không có người làm động tác. Đó gọi là vô tác.
Chỉ có hơi thở, chỉ có rong chơi
Không ai đang thở, không ai rong chơi
Chúng ta không cần có một chủ thể đứng ở ngoài, đó là vô ngã. Vô ngã tức là Niết bàn, đạt được vô ngã là đạt được Niết bàn. Bài tập này tuy đơn sơ, nhưng đem lại rất nhiều hạnh phúc và giúp ta tiếp xúc được với vô sinh.
Trong khóa tu dành cho xuất sĩ tại Pak Chong, Thái Lan, có một số các thầy Nam tông tới tham dự. Các thầy không tu theo Tịnh độ như các Phật tử Việt Nam. Nếu ta nói: “Mỗi bước chân đi vào Tịnh độ” thì các thầy sẽ không hiểu, nên chúng ta đã đổi lại là: “Mỗi bước chân đi vào vô sinh”. Vô sinh là Niết bàn.
Sự đi đang diễn ra nhưng không có người đi, người đi không tách ra được khỏi sự đi. Ngoài chuyện thở và chuyện đi, không có người thở và người đi. Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ chủ trương “không có ngã, chỉ có pháp”, tức không có người thở nhưng có cái thở, không có người đi nhưng có cái đi, không có người ngồi nhưng có cái ngồi, không có người rong chơi nhưng có cái rong chơi. Đó gọi là Ngã không pháp hữu.
Khi đạt tới cái thấy đó, thì không có tác, không có hành, không có hữu cũng không có vô.
Chỉ có thở nhẹ, chỉ có rong chơi
Không ai thở nhẹ, không ai rong chơi
Chúng ta không cần có một chủ thể đứng ngoài, có tác nghiệp mà không cần tác giả. Có cái thở, cái đi đang xảy ra, nhưng không có một cái ta núp đằng sau để điều khiển cái thở và cái đi. Có sự suy nghĩ, tư duy đang xảy ra, nhưng không có người suy nghĩ núp phía sau.
An khi thở nhẹ, lạc trong rong chơi
An là thở nhẹ, lạc là rong chơi
An và lạc là những cái có thật. Có thể có an, có lạc, có thở nhẹ và rong chơi mà không cần phải có một chủ thể núp phía sau như những bàn tay điều khiển con rối. Bài kệ này đơn sơ nhưng rất sâu sắc.
Đạt tới vô sinh thì không còn có hữu, nghĩa là không còn có vô, không có tác giả, tác nghiệp và cũng không có hành động và tạo tác.