Bài kệ 12

Vãng lai tuyệt vô sinh tử

往來絕無生死

Sinh tử đoạn vô thử bỉ

生死斷無此彼

Thử bỉ đoạn vi lưỡng diệt

此彼斷為兩滅

Diệt vô dư vi khổ trừ

滅無餘為苦除

Cái qua lại đã hết, thì cái sinh tử cũng hết

Sinh tử hết thì làm gì còn phân biệt cái này cái kia?

Cái này và cái kia, cả hai ý niệm đều được chấm dứt

Cái tịch diệt tuyệt đối là cái vắng mặt của cảnh giới đau khổ.

Vãng lai tuyệt vô sinh tử: Vãng lai tuyệt là không còn có cái qua lại. No coming, no going. Cái qua lại chấm dứt thì làm gì có cái sinh tử nữa. Sinh tử là sự qua lại, sinh ra, chết đi, rồi sinh ra lại… Cái qua lại đã không còn, thì làm gì có sinh tử?

Sinh tử đoạn vô thử bỉ: Khi sinh tử đã chấm dứt, thì làm gì còn có cái này, cái kia? Cái này, cái kia là sự phân biệt. Cái này là tôi, cái kia là anh. Cái này là chủ thể, cái kia là đối tượng. Cái này là thân, cái kia là tâm. Tất cả mọi phân biệt đều không còn.

Thử bỉ đoạn vi lưỡng diệt: Cái này, cái kia chấm dứt, thì hai ý niệm cũng chấm dứt. Lưỡng có nghĩa là lưỡng nguyên (dualistic thinking, dualistic view). Đó là nhị thủ (double grasping). Chủ thể, đối tượng (thử, bỉ) đều bị diệt một lần.

Sinh tử hết thì cái này cái kia hết, cái này cái kia hết thì nhận thức lưỡng nguyên cũng bị tiêu diệt.

Diệt vô dư vi khổ trừ: Diệt hết, lấy đi hết làm cho yên lặng mọi ý niệm đó là sự chấm dứt khổ đau. Diệt vô dư là cái tịch diệt tuyệt đối. Đó là cứu cánh Niết bàn. Chữ diệt có nghĩa là diệt ý niệm của mình: ý niệm khổ- lạc, ý niệm động-tĩnh, ý niệm tới-đi…