Bình giảng
Dưới đây là kết tập lại những bài pháp thoại Thiền sư đã giảng trong hai khóa tu: Khóa tu mùa Xuân và Khóa tu mùa Đông, năm 2010, tại Làng Mai. Tất cả có đến mười bài pháp thoại. Sau khi giảng xong, Thiền sư cũng đã bắt đầu giảng một phẩm tương đương trong kinh Pháp Tập Yếu Tụng, cũng về chủ đề Niết bàn. Học xong phẩm Nê Hoàn trong kinh Pháp Cú, bạn có thể bắt đầu học phẩm Viên Tịch trong kinh Pháp Tập Yếu Tụng để có cơ hội so sánh đối chiếu hai kinh.
Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại là một phẩm của kinh Pháp Cú Hán tạng có tên là Nê Hoàn Phẩm. Nê Hoàn là Niết bàn (Nirvāna, Nibbāna). Trong bản dịch, chúng ta có chữ trời phương ngoại. Trời phương ngoại là cái không gian vượt ra ngoài không gian, chữ Hán gọi là thiên ngoại thiên hay phương ngoại phương. Phương là không gian, phương ngoại là ngoài không gian, nghĩa là không gian nằm ngoài không gian. Chúng ta sống trong không gian này, tuy bao la nhưng vẫn còn tù túng, tại vì không gian và thời gian ở đây được kết hợp với nhau. Đây là không gian của sinh, của diệt, của còn, của mất, của trên, của dưới, của trước, của sau. Trong không gian đó chúng ta vẫn chưa cảm thấy thật sự thoải mái. Chúng ta học được trong đạo Bụt rằng không gian và thời gian mà trong đó chúng ta sống không hẳn là một thực tại khách quan nằm ngoài tâm thức mà là một sáng tạo phẩm của tâm thức. Phương ngoại là một không gian khác vượt thoát không gian và thời gian của tâm thức. Không gian này bao la hơn. Trong đó không có sinh, không có diệt, không có tới, không có đi, không có còn, không có mất. Ở trong không gian ấy chúng ta thấy thoải mái hơn nhiều. Ngoại là ngoài, phương ngoại là vượt thoát không gian. Ngoài trời còn có trời, ngoài không gian còn có không gian. Rong chơi trời phương ngoại là đi chơi trong thế giới không gian ngoài không gian. Trong thế giới đó không có ta và không có người, không có sự phân biệt kỳ thị. Không gian đó bao la vô cùng, gọi là Niết bàn. Thường thì chúng ta nói Niết bàn là một cái gì không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ và ý niệm. Chúng ta không thể nói gì về Niết bàn, không thể có khái niệm về Niết bàn. Nó nằm ngoài tư duy và ngôn ngữ của mình. Nói về Niết bàn là nói chỉ để mà chơi, tại vì Niết bàn không thể diễn tả được bằng ngôn từ và khái niệm. Thế nhưng, Bụt đã nói về Niết bàn và chư Tổ cũng đã từng nói về Niết bàn. Các ngài đã làm một chuyện tưởng chừng như không thể nào làm được. Vì thương nên các ngài đã ráng nói một chút về Niết bàn và biết rằng trong khi nói, người nói phải rất cẩn thận vì người nghe có thể nắm lấy và kẹt vào những gì mà mình đã nói ra. Người nói phải có nghệ thuật nói để giúp người nghe đừng kẹt vào những điều mình nói. Các Tổ đã tìm cách nói như thế nào cho khéo. Là người nghe, mình cũng phải nghe cho khéo, nếu không, thì mình sẽ bị kẹt ngay vào những điều Bụt và các Tổ nói. Người nói và người nghe đều phải có cố gắng. Khi học kinh Niết Bàn, chúng ta phải có thái độ như vậy. Đó là điều rất quan trọng!
Rong chơi có nghĩa là đi chơi, là không còn vướng bận gì nữa, tiếng Anh có thể dịch là “Enjoy your time, enjoy yourself.” Trời phương ngoại tiếng Anh có thể dịch là “the sky (or space) of the ultimate” Rong chơi trời phương ngoại là “Enjoy the sky (or space) of the ultimate.” Hãy thích thú rong chơi trong bản môn, tại vì trong đó không có sinh, không có diệt, không có lo lắng sầu khổ, không có có, cũng không có không. Rong chơi có nghĩa là không có chuyện gì phải làm, không có nơi nào phải đi tới, ta chỉ đi chơi vui thú. Tiếng Anh là to enjoy, nhưng trong chữ enjoy không có ý của cái không gian mà ta đang đi chơi. Tiếng Pháp có chữ flâner có nghĩa là chỉ đi chơi, không có mục đích nào cả. Trong kinh sử dụng hình ảnh của những con chim trở về với mây trời, tự do bay chơi và hình ảnh của những con nai cảm thấy thoải mái khi trở về đồng quê. Niết bàn, có nghĩa là rong chơi. Take time to enjoy where you are.
Chúng ta có thể học kinh này bằng thái độ của một nhà khoa học, hay thái độ của một tín đồ. Nhà khoa học cho rằng, học với thái độ của một tín đồ thì không thể nào khách quan được; vì hễ Thượng đế, chúa Jésus hay Bụt nói gì thì chúng ta phải nhất luật tin theo, mà không cần đặt câu hỏi. Như vậy là trái với tinh thần khoa học. Học với tư cách một tín đồ, một đệ tử, mới nhìn thì có vẻ không hay lắm. Nhưng xét cho kỹ, học với tư cách một tín đồ cũng có cái hay của nó. Trước hết, ta có niềm tin nơi thầy của ta. Khi có niềm tin, ta không hời hợt bác bỏ ngay cái mình chưa hiểu. Nếu nhìn bằng con mắt dò xét, nghi ngờ, đặt câu hỏi, có thể ta không thiết lập được liên hệ tốt với thầy, với người nói. Do đó, sự tiếp thu có thể yếu kém. Sự liên hệ thầy trò, liên hệ tín đồ có thể là một điều tốt. Cái hiểu không phải chỉ do trí năng mà thôi, đôi khi ta có thể hiểu bằng con tim của mình. Tâm của mình không chỉ là đầu óc, tâm của mình còn là trái tim nữa. Nhiều khi con tim có những tuệ giác, những lý luận của nó.
Trong đạo Bụt có nói đến khả năng quyết trạch, so sánh, đối chiếu gọi là tỷ lượng, trong đó có quy nạp (induction) và diễn dịch (deduction). Khoa học dùng tâm mình để quy nạp, diễn dịch. Ví dụ chúng ta nói: Tất cả loài sinh vật đều phải chết. Con người là một loài sinh vật, vì vậy con người cũng phải chết. Đó là lý luận, là tỷ lượng.
Ngoài ra, chúng ta có một khả năng nhận thức khác, không cần phải đi ngang qua lý luận, gọi là hiện lượng, tức là nhận thức trực tiếp (direct perception), không cần đi qua lý luận. Đây là một khả năng tuyệt vời, nhiều khi tự nhiên ta đạt tới sự thật mà không cần phân tích, suy nghĩ và lý luận. Trong sự giác ngộ, phần hiện lượng rất quan trọng, giác ngộ mà không cần phải đi ngang qua môi giới của suy luận. Đó là một loại trực giác (intuition).
Trong đạo Bụt ta cũng có nói tới một khả năng thứ ba gọi là thánh giáo lượng. Các bậc giác ngộ đã đi ngang qua những kinh nghiệm, họ đã thấy nên họ tìm cách chỉ lại cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần nương trên tuệ giác của họ để tới cho mau mà khỏi phải lần mò đi tìm một mình. Đó gọi là thánh giáo lượng. Kinh là thánh giáo lượng, là những gì mà người đi trước đã đạt tới và tìm cách nói lại cho chúng ta. Nếu khéo léo, chúng ta có thể nương theo đó mà đạt được. Nhưng các ngài không đạt giúp cho ta mà các ngài chỉ có thể hướng dẫn để ta phải tự đạt lấy. Ví dụ, chúng ta chưa bao giờ ăn trái kiwi. Những người đã ăn nói với chúng ta rằng trái kiwi không giống trái cam, trái quít, nó nhỏ bằng quả trứng, vỏ có lông, vị của nó chua chua, ngọt ngọt… Người kia có ngồi nói như vậy cả ngày thì ta cũng không có được nhận thức trực tiếp về trái kiwi. Nhưng dù vậy, những gì người ấy nói cũng giúp mình rất nhiều. Ta biết trái kiwi không phải là trái cam hay trái quít và mình đỡ mất rất nhiều thì giờ. Khi thấy trái kiwi ta sẽ không ngồi lý luận nữa, ta lấy dao cắt ra ăn và đạt tới nhận thức trực tiếp. Trong khoa học cũng có thánh giáo lượng. Có những nhà khoa học đi trước đã tìm ra và người đi sau chỉ cần kiểm chứng, không cần phải mất công tìm tòi. Thánh giáo lượng ở đây rất cần thiết. Khoa học mà kỳ thị tôn giáo là một điều không đúng. Là một đệ tử, một tín đồ, chúng ta thừa hưởng thánh giáo lượng nhưng chúng ta cũng có thể lợi dụng được phương pháp của khoa học. Khoa học có thể giúp cho chúng ta rất nhiều. Ví dụ như trong kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại, nếu có phương pháp khoa học, chúng ta sẽ tìm ra được ý nào là ý của Bụt và ý nào là của chư Tổ đã thêm vào. Bụt nói, chư Tổ ghi lại bằng cái hiểu của mình, nên những câu ghi chép đó phản ảnh cái thấy của chư Tổ nhiều hơn là cái thấy của Bụt. Nếu có thái độ khoa học, ta có thể lọc ra ý của chư Tổ để nắm lấy ý của Bụt. Hơn nữa, có thể xảy ra đôi chút vụng về hay khuyết điểm trong khi trao truyền. Thí dụ, “Đường xưa mây trắng” mà ta nghe hấp tấp thành ra “Áo sơ mi trắng”.
Nhờ có phương pháp của khoa học nên chúng ta có thể lượm ra những sai lầm và phục hồi lại cái nghĩa cũ. Bây giờ ngành khảo cổ học và văn bản học có thể giúp được rất nhiều cho việc đó. Trong khi học chúng ta phải áp dụng thêm thái độ của nhà khoa học chứ không chỉ có thái độ của một tín đồ. Có thể trong kinh có những điều không ăn khớp với nhau. Không ăn khớp với nhau không hẳn là trái chống nhau.
Trong đạo Bụt có hai loại sự thật: sự thật tuyệt đối (chân đế) và sự thật tương đối (tục đế). Sự thật tuyệt đối còn được gọi là chân đế hay đệ nhất nghĩa đế. Những kinh diễn tả được sự thật tuyệt đối gọi là liễu nghĩa kinh. Còn sự thật nửa vời thì được gọi là sự thật tương đối. Những kinh Bụt dạy cho người sơ cơ (người mới học) diễn tả sự thật tương đối gọi là bất liễu nghĩa kinh, để giúp cho những người ấy dễ dàng hiểu được, rồi từ đó mới đi sâu hơn vào để tìm về sự thật tuyệt đối. Trong tục đế có sinh, có diệt, có có, có không; nhưng trong chân đế thì không có sinh, không có diệt, không có có, không có không. Đứng về phương diện hình thức thì hai cái chống đối nhau, nhưng trên phương diện nội dung thì cái này giúp đưa tới cái kia. Đôi khi thấy có sự mâu thuẫn trong kinh, chúng ta đừng ngạc nhiên, đừng cho là kinh nói không thống nhất.
Khi dựng lên kinh Niết Bàn, các Tổ đã lấy những lời Bụt nói về Niết bàn ở các kinh khác rồi tóm tắt lại. Có thể trong kinh có vài câu còn mang hương vị tục đế nên chúng ta phải hiểu rằng cái này không chống đối cái kia mà chỉ là bước thứ nhất để đưa tới bước thứ hai. Đó là tất cả những điều chư Tổ dặn dò, là người học Phật chúng ta phải rất cẩn thận.
Trong Phật học chúng ta có bốn nguyên tắc để căn cứ gọi là tứ y:
Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh: Chỉ căn cứ vào kinh liễu nghĩa và không căn cứ vào kinh không liễu nghĩa. Chúng ta có thể dùng kinh bất liễu nhưng đừng nên cho đó là kinh liễu nghĩa.
Y pháp bất y nhân: Căn cứ vào pháp, đừng nên căn cứ vào người. Đôi khi có người tuy đã là giáo thọ nhưng sự thực tập của vị ấy không biểu lộ được pháp một cách hoàn mỹ. Có thể vị ấy giảng về uy nghi rất hay nhưng chính vị ấy lại thực tập uy nghi chưa hay gì mấy, thậm chí vị ấy còn hơi khó chịu, nhưng vì vị ấy nắm vững được giáo lý nên ta phải chịu khó nhẫn nại để học cho được giáo pháp mà vị ấy đang có. Nương vào pháp mà đừng nương vào người, nếu chê người thì ta sẽ mất pháp. Khi giảng về “y pháp bất y nhân” các Tổ dùng một hình ảnh rất vui: Trong một thùng rác có một viên ngọc. Nếu muốn có viên ngọc thì ta phải chịu thọc hai bàn tay vào thùng rác bẩn để lấy viên ngọc ra. Hồi còn sa di tôi đã được học phương pháp y pháp mà không y nhân, y vào kinh liễu nghĩa mà không y vào những kinh bất liễu nghĩa.
Y nghĩa bất y ngữ: Nương vào nghĩa lý của kinh mà đừng bị kẹt vào danh từ. Phải nghe và hiểu được ý nghĩa tiềm tàng trong lời nói.
Y trí bất y thức: Thức là nhận thức, là tâm thức của mình. Tâm thức đó có thể bị màn phiền não vô minh che lấp nên không thật trong sáng. Khi đã lấy đi được sự giận hờn, si mê, ganh tị thì ta có trí, sáng suốt hơn nhiều. Học hay nghiên cứu kinh bằng tâm thức còn mang nặng đam mê, giận hờn thì sẽ không đạt được. Vì vậy trong khi học kinh chúng ta phải dùng trí nhiều hơn dùng thức. Tâm thức thì còn mang nặng khuynh hướng phân biệt. Trí tuệ là trực giác có khả năng đưa ta tới sự giác ngộ, sự liễu ngộ rất nhanh chóng. Đó là bốn nguyên tắc nương tựa trong khi học kinh gọi là tứ y. Chúng ta đã nghe nói về phương pháp học hỏi, nghiên cứu. Người đời gọi là phương pháp học. Nắm vững được phương pháp chúng ta mới có thể đi sâu và đi xa. Bây giờ, chúng ta hãy đi vào bài kệ đầu.