Bậc thầy đích thực
(Sư cô Chân Thệ Nghiêm)
Kính bạch Thầy, mỗi khi nghĩ về Thầy, tâm thương yêu của Thầy lại đong đầy trong trái tim chúng con. Nhớ ơn Thầy, chúng con xin nguyện gìn giữ những kỷ niệm đã từng có với Thầy trong trái tim thương yêu và rộng mở của chúng con.
Con rất biết ơn khi được làm đệ tử của Thầy, một vị thầy tâm linh đích thực. Người đã hướng dẫn chúng con trên con đường tâm linh, là hiện thân của hiểu biết, thương yêu, và truyền cảm hứng cho đệ tử qua cách sống của chính mình.
Năm 21 tuổi, con được ba con giới thiệu quyển sách Being Peace (Muốn an được an) của Thầy. Một thế giới mới như đang mở ra trước mắt con: Ồ, đây đúng là nếp sống an lành và từ bi. Con thấy một vị thầy đang chia sẻ rất chân thực, đầy bình an, niềm vui và tuệ giác. Lời Thầy thổi sức sống vào trái tim con, hướng đôi mắt con về con đường tâm linh. Nhờ Thầy, con đã được thức tỉnh và tìm đến nếp sống xuất gia.
Hiện thân của hiểu biết và thương yêu
Làm đệ tử của Thầy, con có cơ hội để trực tiếp cảm nghiệm sự hiểu biết và lòng từ bi của Thầy. Trong những năm đầu con ở Làng Mai, nhiều anh chị em chúng con may mắn được luân phiên nhau làm thị giả cho Thầy. Dù chúng con mỗi người có khả năng và tài năng khác nhau, Thầy vẫn luôn tìm cách để hiểu từng người và hướng dẫn thêm cho chúng con.
Trong những năm đầu xuất gia, con chật vật ghê lắm trong chuyện buông bỏ những thói quen riêng và tập thích nghi với đời sống tăng thân. Bởi vậy đến phiên làm thị giả cho Thầy, con hay căng thẳng mỗi khi Thầy có mặt. Mà Thầy thì luôn có mặt trọn vẹn và là tâm điểm chú ý của đại chúng trong mọi thời khóa. Khổ nỗi, trong thời sadi, con thường không cảm thấy thoải mái và tìm mọi cách để tránh những nơi tâm điểm đó.
Ấy vậy, Thầy luôn làm chủ được những hoàn cảnh tưởng chừng như căng thẳng ấy với sự khoan thai, đầy ung dung tự tại. Lấy đi sự ngăn cách giữa mình và mọi người, Thầy hiến tặng sự nhẹ nhàng ấy cho những người xung quanh. Đó chính là những lúc con tiếp xúc được lòng từ bi nơi Thầy. Thầy không bị chi phối bởi các tâm hành mặc cảm, hay những cảm xúc lên xuống khổ sở, nhưng Thầy cảm thông được với những ai rơi vào tình trạng đó. Đồng thời, Thầy hiểu cho tâm trạng của một người khá nhạy cảm và cần sự tế nhị.
Có một lần, con làm thị giả lái xe đưa Thầy từ xóm Mới về xóm Hạ. Trước đó, con có học cách lái xe tay số trên đường làng của Pháp, nhưng con thấy mình chưa thực sự vững lắm. Sáng hôm ấy, hai thầy trò đi khá êm đềm và suôn sẻ… cho tới khi xe chạy đến ngã tư. Chiếc xe tự nhiên giật mạnh rồi dừng lại đột ngột vì chết máy. Con nhìn xuống chiếc cần gạt, đỏ bừng mặt vì nghĩ mình đã làm gì sai rồi.
Nhanh như chớp, nhưng vẫn điềm tĩnh và nhẹ nhàng, Thầy chỉ tay ra ngoài cửa xe, vui vẻ ngắm cảnh gì đó ở đằng xa để giúp con bớt mặc cảm trách móc bản thân. Lúc đó, con vừa quê vì thấy mình làm lỗi, mà cũng vừa ý thức là Thầy đang giúp mình “thay chốt”, nên con chỉ biết im lặng. Tuy vậy, trong con đã ghi tạc lòng từ bi của Thầy. Bạch Thầy kính thương, cảm ơn Thầy đã từ bi với con.
Con còn một kỷ niệm khác với Thầy. Có một ngày, con làm thị giả cho Thầy ở thiền đường Cam Lộ, xóm Hạ. Trong khi Thầy và đại chúng đã an tọa, chuẩn bị cho buổi cơm quá đường rồi, con vẫn còn đứng ở lối đi chính giữa thiền đường. Đang loay hoay tìm cách làm sao để đến chỗ ngồi dành cho thị giả, con bỗng thấy một chỗ trống sát tọa cụ của Thầy. Thở phào nhẹ nhõm, con tìm lối đi tắt để tới chỗ đó, mà hoàn toàn không ý thức đó là một bước hết sức dại dột: lối đi đó băng ngang mâm cơm và bình bát dành cho Thầy. Thời điểm đó, sự thực tập của con còn non nớt lắm. Con nào biết bước qua đồ đạc của thầy mình là một sự thất lễ, huống hồ đây lại là mâm cơm của Thầy.
Ngay khi vừa dợm bước, con bắt gặp ánh mắt sắc bén và nghiêm nghị của Thầy ngước nhìn lên. Con lập tức bị đóng băng. Khi nhận ra người hậu đậu ấy là con, ánh mắt ấy ngay lập tức dịu lại. Với một cái gật đầu như để khẳng định, Thầy nhẹ nhàng nói: “À, đi đi con!”
Lại một lần nữa, cũng như bao lần khác, Thầy đã thông cảm cho sự vụng dại của con và xử lý tình huống thật từ ái. Hôm ấy, lẽ đương nhiên con đã học được một bài học về uy nghi rồi. Nhưng bài học lớn hơn mà Thầy đã dạy là tấm lòng độ lượng, bao dung vốn phát sinh từ tâm hiểu biết. Tấm lòng ấy luôn khiến con cảm động mỗi khi nhớ về Thầy. Đó cũng là điều mà con rất muốn tiếp nối Thầy và nuôi lớn trong sự thực tập của riêng con.
Hướng dẫn học trò một cách khéo léo
Thời còn là sadi, việc chuyển từ môi trường gia đình nhỏ sang sống ở môi trường cộng đồng như xóm Hạ quả là đầy thử thách đối với con. Con từng có bao nhiêu thắc mắc và băn khoăn xoay quanh chuyện “thế nào là nương tựa Tăng thân”, vì Thầy đặc biệt nhấn mạnh vào sự thực tập này. Con không thể nào hiểu được làm sao có thể nương tựa vào cái mà ta không thể định hình được và dường như không toàn hảo.
Một ngày nọ ở xóm Hạ, con thao thức quá chịu không nổi nên hỏi Thầy, với đôi mày nhíu lại đầy khẩn khoản: “Bạch Thầy, Thầy dạy chúng con về tầm quan trọng của Tăng thân, nhưng con thực sự không hiểu. Xin Thầy cho con hỏi: Tăng thân là gì?”
Thầy yên lặng nhìn con một lúc, rồi nhẹ nhàng trả lời: “Như trong bài hát đó con: Năm uẩn là Tăng … phối hợp tinh cần”. Ô hay! Cái câu này con nghe đi nghe lại, hát tới hát lui nhiều lần rồi. Nhưng lần này lại khác. Lời của Thầy như một luồng sáng, soi thấu vào sự hoang mang trong con. Giây phút ấy, con chợt nhận ra được mình và tiếp xúc được với thực tại dưới chân mình.
Ngẫm lại cuộc đối thoại giữa hai thầy trò, con nhận thấy Thầy có thể có rất nhiều cách để trả lời con. Vậy mà, Thầy đã chọn cách vượt thắng lối suy nghĩ theo trí năng và điều phục cái tâm đang còn nhiều lăng xăng của con. Câu trả lời của Thầy chạm tới những kinh nghiệm sống của con trước đây và giúp con có khả năng tiếp nhận ngay thời điểm đó.
Vậy là, Thầy đã phá tan chướng ngại và mở ra cánh cửa cho con có cơ hội lớn lên bằng kinh nghiệm trực tiếp của chính mình. Đã bao nhiêu năm rồi, lời dạy của Thầy vẫn tiếp tục là công án quý giá cho con quán chiếu. Từ nhiều góc độ khác nhau về thời gian và kinh nghiệm, con thường trở về với lời Thầy dạy để một lần nữa nhìn sâu vào cách hiểu và sự thực tập của mình.
Người làm vườn tận tụy
Thầy thường được ví như một bậc thầy về làm vườn. Thầy khéo léo vun xới, làm cho vườn ươm tăng thân ngày càng đa dạng và lớn rộng bằng sự nuôi dưỡng và khích lệ của mình. Người kiên trì chăm sóc từng chồi non trong sự thực tập của chúng con. Thậm chí ở mức căn bản hơn, Thầy chăm sóc cẩn thận hạt giống niềm tin đôi khi còn ngủ vùi trong chúng con, để rồi giúp chúng con đánh thức niềm tin vào khả năng tỉnh thức hay tính Bụt trong chính mình.
Với sự hiểu biết và niềm tin cậy, Thầy đã tưới tẩm hạt giống đức tin nơi con. Nhờ đó, con mới có thể khám phá ra tính lành thiện trong mình và xung quanh mình.
Một ngày nọ, trong không gian yên lắng ở Sơn Cốc, Thầy đem đến cho con một chậu hoa còn đang hé nụ. Thầy trò ngồi yên ngắm chậu hoa, rồi Thầy nói: “Con thấy không, con người mình cũng như bông hoa này đây. Hễ đúng thời điểm, và khi hoa đã sẵn sàng, các cánh hoa sẽ tự khắc bung ra thôi, con ạ”. Trong giây phút ấy, con cảm được sự cảm thông và chấp nhận của Thầy cho người học trò còn nhiều dè dặt, lúng túng và thiếu tự tin như con. Đồng thời con cũng cảm nhận Thầy như khéo léo động viên con: hãy cho phép bông hoa trong con được tự nhiên hé nở.
Mở thêm rộng lớn con đường
Đúng như hạnh nguyện của Bồ tát, Thầy luôn khuyến khích chúng con mở rộng đường tu và phụng sự. Đôi khi, điều này đòi hỏi chúng con phải vượt lên trên những tiện nghi, thách thức và mối quan tâm hiện tại của riêng mình để tăng thân có thể phát triển, để vòng tay của tăng thân có thể nới rộng thêm ra. Nhiều lần, Thầy đã thách thức chúng con mở rộng con tim, cởi mở tấm lòng để có thể hòa nhập và sánh kịp với tầm nhìn rất sâu rộng của Người.
Vào tháng Năm năm 2007, tăng thân nhỏ tại tu viện Thanh Sơn và tu viện Rừng Phong ở Vermont cuối cùng đã đóng cửa. Mùa hè năm ấy, sau nhiều tháng chuẩn bị và đóng thùng đồ đạc, đại chúng quyết định chuyển về “nhà mới” ở ngoại ô New York: Tu viện Bích Nham.
Như một đàn kiến tập hợp lại sau khi bị lìa đàn, anh chị em chúng con bắt đầu tiến hành công việc chuyển đổi khách sạn và khu nghỉ dưỡng mùa hè trước đây thành một tu viện hoạt động quanh năm. Công việc chậm đã đành mà còn có phần thiếu tổ chức. Vào đầu mùa thu, công việc có tiến triển chút đỉnh, nhưng dường như không nhiều.
Tăng thân của Bích Nham thời đó giống một đoàn tàu nhỏ đang leo dốc. Đại chúng cố gắng nghĩ chuyện thực tế, nên thỉnh cầu Thầy cho phép tạm dừng việc tổ chức khóa tu lớn đầu tiên trong mùa tới. Nhiều lý do được đưa ra: nào là thời điểm hãy còn quá sớm, mình chưa chuyển thành tu viện kịp, đại chúng chưa chuẩn bị để sẵn sàng nhận thiền sinh… Thầy trả lời: “Tăng thân làm được”. Chúng con đưa thêm lý do: các dãy nhà chính vẫn cần được tu sửa. Thiền đường thậm chí lúc đó đâu đã được xây. Câu trả lời của Thầy: “Đó cũng không là trở ngại”. Kêu gọi sức mạnh và tinh thần tập thể, Thầy dạy đại chúng thuê một cái lều thật lớn thay cho thiền đường lúc đó chưa hiện hữu.
Chúng con lo cho viễn cảnh về một khóa tu mà một nửa các sinh hoạt diễn ra ngoài trời trong thời tiết băng giá của vùng New England sẽ là trở ngại cho thiền sinh. Nhưng có hề hấn chi, ngay sau khi chương trình ghi danh mở ra, người ta đăng ký đầy hết, còn vượt quá sức chứa của tu viện nữa.
Vào giữa tháng Mười, Bích Nham đã thực sự có thể mở cửa để tổ chức khóa tu đầu tiên của mình, trước sự hân hoan của bao nhiêu người. Quả thật, trời lạnh đến nhớ đời, và thưa vâng, khóa tu hóa ra là một trải nghiệm rất đúng thời đúng lúc và cực kỳ xứng đáng cho mọi người, giống như Thầy đã hình dung.
Trong những năm qua, Thầy đã kiên trì truyền đạt, và bảo đảm cho chúng con rằng: Mình vậy là quá đủ rồi (You are more than enough), và dạy phải Mở thêm rộng lớn con đường (Open the path wider). Hai lời nhắc nhở này có tác dụng bảo hộ cho tăng thân, giúp chúng con có thêm niềm tin vào chính mình, đồng thời luôn nhớ mở rộng trái tim và mở rộng vòng tay.
Trông chừng và bảo hộ cho chúng con
Cách đây vài năm, trong chuyến hoằng pháp diễn ra hai năm một lần tại Hoa Kỳ, tăng đoàn đang trên đường đến khóa tu kế tiếp bằng xe buýt. Lúc đó đã vào khuya, và hầu hết mọi người đều đang ngủ. Con tình cờ ngồi phía trước gần Thầy và người lái xe buýt. Thầy quay lại, mỉm cười với con. Thầy nói bằng tiếng Việt: “Mình cần giúp bác tài tỉnh táo đó con”. Nghe vậy, con cũng cố gắng để mắt đến bác tài. Vậy mà cuối cùng, mí mắt con sụp xuống và ngay sau đó con ngủ gật. Một lát sau tỉnh dậy, con ngượng ngùng nhìn sang, bắt gặp một cảnh tượng quen thuộc và dễ chịu: Thầy ngồi đó lưng thật thẳng, rất tỉnh táo, đang hướng mắt về con đường trước mặt. Trong con dâng lên niềm biết ơn, cùng với ý nghĩ: Thầy đang trông chừng và bảo hộ cho chúng con…
Dưới sự bảo hộ của Thầy, chúng con có điều kiện để lớn lên trên con đường tu học. Thầy kiên nhẫn hướng dẫn chúng con tiếp xúc với người thầy trong tự thân, cũng như dạy chúng con chịu trách nhiệm về sự tu học và hạnh phúc của chính mình. Điều đáng nhớ là suốt cuộc đời mình, Thầy đã đặt nền tảng cho chúng con tiếp bước Người với tất cả sự cẩn trọng và đầy tình thương.
Trên thực tế, tăng thân chúng ta đã phát triển thành một khu rừng xanh tươi, màu mỡ, thuận lợi cho sự thực tập khám phá và chuyển hóa tự thân. Ngày nay, tăng thân là chiếc nôi nuôi dưỡng sức sáng tạo và tiềm năng tiếp xúc độ đời. Mong sao, chúng ta tiếp tục bồi đắp những lớp trầm tích màu mỡ để nuôi dưỡng sự tỉnh thức và an lạc của nhiều thế hệ tương lai. Để mai sau, không biết bao nhiêu thế hệ tiếp bước chúng ta vẫn còn vang vọng mãi lời chào từ trái tim: Kính chào Thầy! Kính chào tăng thân Làng Mai!
(Bài viết được dịch từ tiếng Anh)