Thanh thản người về chơi biển lớn

BBT tường thuật lại một vài nét chính về lễ Tâm tang của Sư Ông Làng Mai, từ ngày 22 – 30.1.2022

Thời tiết tháng Giêng năm nay ấm hơn mọi năm nên đại chúng Tổ đình Từ Hiếu và Ni xá Diệu Trạm chấp tác ngoài trời rất hạnh phúc. Mọi ngõ ngách quanh chùa được quét dọn sạch sẽ. Những bông hoa nứt nẻ tím nhạt nở khắp nơi làm cho quý thầy phải lúng túng khi nâng máy cắt cỏ. Đại chúng đang chuẩn bị cho kỵ Tổ đệ tam, nhưng ai nấy đều có cảm giác như mình cũng đang chuẩn bị đón Tết.

Các thị giả làm tổng vệ sinh thất của Sư Ông, rồi vẽ một bức tranh thật to để trang hoàng cho Tết ngay trong phòng ngủ. Sư Ông không còn dạo chơi quanh thất nhiều như trước, nên tất cả mọi trang trí đều dồn vào bức tường chính trong phòng Sư Ông và hai cánh cửa sổ gần đó. Phía trên bức tranh có vẽ một cành hoa đào điểm những bông hoa bằng giấy đỏ thắm. Dưới nhánh hoa đào là hình vẽ Áo vách núi – hình ảnh trong một giấc mơ mà Sư Ông đã từng có.

Sư Ông nằm chơi hiền hoà và bình an. Sư Ông ngắm bức tranh. Ngoài cửa sổ nắng đang tưới lên hai chậu cúc đại đóa vàng ánh, loại hoa mà Sư Ông thích nhất. Có vẻ như Sư Ông ăn Tết sớm năm nay.

Để rồi, vào khoảng nửa đêm ngày 22 tháng Giêng năm 2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), tại thất Lắng Nghe nơi Tổ đình, Sư Ông bắt đầu hành trình chuyển hóa của mình. Sư cô Chân Không, thầy Pháp Ứng, sư cô Định Nghiêm, thầy Pháp Niệm, sư cô Linh Nghiêm, sư cô Thao Nghiêm cùng quý thầy thị giả đã có mặt bên Người trong những giây phút linh thiêng và an bình này. Quý thầy, quý sư cô chắp tay búp sen và nhẹ nhàng hát bài thiền ca Để Bụt thở do Sư Ông sáng tác, khi hơi thở của Người bắt đầu chậm lại.

Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi.
Bụt đang thở, Bụt đang đi, mình được thở, mình được đi.
Bụt là thở, Bụt là đi, mình là thở, mình là đi.
Chỉ có thở, chỉ có đi, không người thở, không người đi.
An khi thở, lạc khi đi, an là thở, lạc là đi.

Vị thầy kính yêu của chúng con ra đi bình an vào lúc 1 giờ 30, trụ thế 97 tuổi và 72 hạ lạp, sau ba năm và ba tháng an dưỡng tại đây, nơi Người đã xuất gia tám mươi năm về trước.

 

Ngay sau khi nhận được tin, chuông đại hồng được thỉnh lên tại các trung tâm Làng Mai khắp nơi trên thế giới, đại chúng xuất sĩ đắp y trang nghiêm vân tập về thiền đường lớn của trung tâm mình: từ xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới tại Làng Mai Pháp; Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, tu viện Suối Tuệ – ngoại ô Paris; Viện Phật học Ứng dụng châu Âu – Đức; tới các tu viện Làng Mai tại Mỹ: Lộc Uyển (California), Bích Nham (New York), Mộc Lan (Mississippi); chùa Liên Trì – Hồng Kông; các tu viện Nhập Lưu và Sơn Tuyền tại Úc; tu viện Vườn Ươm tại Thái Lan. Tăng thân xuất sĩ khắp chốn đã tọa thiền, theo dõi hơi thở, gửi năng lượng bình an và thương yêu đến Sư Ông cũng như đến các huynh đệ của mình ở Huế.

Kể từ khi bị tai biến vào tháng 11 năm 2014, Sư Ông vẫn không ngừng hiến tặng sự có mặt và dìu dắt tăng thân bằng đạo đức vô hành của mình. Đó là những tháng năm của hành động: nhẹ nhàng, quyết đoán và đầy yêu thương. Nghị lực cùng ý chí vượt lên trên nghịch cảnh mà Sư Ông thể hiện trong khoảng thời gian này là bài học sâu sắc cho chúng con về lòng từ bi trong hành động. Vượt qua một cách mầu nhiệm lần tai biến đầu tiên và ở lại với chúng con thêm bảy năm, đó đích thực là một hành động thương yêu.

Đồng ý tới San Francisco để thử nghiệm những phương pháp điều trị đặc biệt, Sư Ông đã dạy chúng con bài học không bao giờ bỏ cuộc trước những nhiệm mầu của sự sống. Bằng sự có mặt đầy bình an tại Làng Mai Pháp trong năm 2016, Sư Ông trao truyền cho chúng con tình thương và niềm tin, giúp chúng con lớn lên một cách vững chãi. Tháng 12 năm 2016, quyết định về Làng Mai Thái Lan, Sư Ông muốn dành tình thương và sự quan tâm của mình cho các đệ tử mới xuất gia cũng như yểm trợ nền tảng tu học của tu viện. Khi quyết định trở về Tổ đình Từ Hiếu, nơi Người bắt đầu con đường xuất gia tu học 80 năm về trước, Sư Ông đã “khép lại vòng tròn”. Sư Ông muốn hiến tặng năng lượng bình an, từ bi và tình huynh đệ cho quê hương yêu dấu, đồng thời đem tăng thân quốc tế của Người trở về với gốc rễ tâm linh Việt Nam. Đối với nhiều người trong tăng thân, Sư Ông như một người mẹ đầy tình thương. Ngay cả cách Người ra đi cũng chứa đầy thương yêu, tin tưởng và bình an.

Khi tăng thân đưa ra thông cáo chính thức về sự viên tịch của Sư Ông, ngay lập tức thông tin được truyền đi nhanh chóng trên các kênh truyền thông quốc tế lớn như BBC, CNN, Sky News, Al Jazeera, và báo chí của khắp các quốc gia trên thế giới. Chúng con thật xúc động khi nhận được hàng ngàn lời chia sẻ bày tỏ sự cảm kích và lòng biết ơn đối với Sư Ông trên trang nhà Làng Mai cũng như các trang mạng xã hội khác. Nhiều người chia sẻ những lời dạy của Sư Ông đã “cứu sống” hoặc giúp hàn gắn các mối quan hệ của họ như thế nào, hay đã mang lại cho họ ý nghĩa, mục đích và hy vọng ra sao khi họ cảm thấy đã mất tất cả. Chúng con thật không thể tưởng tượng có biết bao nhiêu người trên khắp thế giới yêu quý Sư Ông đến vậy.

Khi lễ Tâm tang đang được chuẩn bị tiến hành ở Việt Nam, tu viện Lộc Uyển (California) là trung tâm đầu tiên trong số các trung tâm của Làng Mai đã tổ chức một buổi lễ Tưởng niệm lớn, truyền trực tuyến từ thiền đường Thái Bình Dương. Hơn 10 ngàn người đã có mặt để chia sẻ giây phút ấy với tăng thân. Tiếp theo đó, buổi tọa thiền và tụng kinh cầu nguyện tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai Pháp cũng được truyền trực tuyến.

Tại Việt Nam, vào lúc 7 giờ sáng Chủ nhật, ngày 23 tháng 1, chư Tôn đức tăng ni cùng Phật tử cư sĩ từ khắp mọi miền đất nước đều quy tụ về Tổ đình Từ Hiếu trong buổi lễ Nhập Kim Quan, dù trong bối cảnh đại dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Mười ngàn người đã tham dự buổi lễ truyền trực tuyến qua kênh Youtube Làng Mai. Những cảm xúc được lắng dịu khi trên màn hình, tăng thân khắp chốn được thấy Sư Ông, với tấm y vàng đắp trên chiếc áo Tiếp hiện và áo tràng nâu, đầu trần, nằm thư thái như đang ngủ một giấc ngủ dài, bình an vô sự. Tại chùa Tổ, xung quanh Sư Ông, mọi hình thức nghi lễ, bài trí đều rất đơn sơ, trong khung cảnh trầm lắng, thanh tịnh, trang nghiêm của núi đồi Dương Xuân. Tăng thân được chứng kiến giây phút rước Sư Ông từ thất Lắng Nghe tới thiền đường Trăng Rằm trong tiếng niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm, với âm điệu dân tộc mà trước kia Sư Ông đã sáng tác và tập cho các đệ tử. Các sư cô ở ni xá Diệu Trạm trang trí kim quan bằng những tràng hoa cúc đại đóa màu hỏa hoàng – loài hoa mà Sư Ông ưa thích.

Các nghi lễ được làm ngắn gọn đơn giản nhất để phù hợp với tâm nguyện làm mới đạo Bụt của Sư Ông. Đây có lẽ là lần đầu tiên tại cố đô Huế, ban kinh sư xướng tụng phần lớn bằng tiếng quốc ngữ trong một tang lễ. Ai nghe cũng hiểu được từng chữ, từng lời, và thấy chấn động cả tâm can. Nội dung buổi lễ được quý thầy, quý sư cô tường thuật và chuyển ngữ song song sang tiếng Anh đã giúp cho các thân hữu ở khắp nơi trên thế giới có thể hiểu và tiếp xúc được vẻ đẹp cũng như sự sâu sắc của các nghi lễ Phật giáo Việt Nam.

Ngày hôm đó cũng là ngày đầu tiên của khóa tu Tâm tang với chủ đề “Quay về nương tựa hải đảo tự thân”. Tuần lễ Tâm tang, từ ngày 23 đến 30 tháng 1, được tổ chức dưới hình thức một khóa tu im lặng nhằm chế tác năng lượng chánh niệm, bình an, từ bi để tưởng nhớ và tôn vinh gia tài mà Sư Ông đã trao truyền qua tăng thân, qua những lời dạy và những phương pháp thực tập. Nhờ vậy, năng lượng ở chùa Tổ trong những ngày này rất tĩnh lặng. Nhiều người nói rằng khi bước vào chùa không nghĩ là có tang lễ vì không khí rất yên tĩnh.

Hàng ngàn người không quản đường xa đã tới Tổ đình dự lễ Tâm tang, để được học thở, học đi, học cách tọa thiền, kinh hành, để được đảnh lễ trong chánh niệm trước bàn thờ Sư Ông cũng như bày tỏ lòng thương kính và biết ơn đối với Người. Số người thọ tang Sư Ông nhiều hơn dự tính nên, chỉ sau một ngày, băng tang đã gần hết, phải đặt gấp thêm. Nhiều sư thầy, sư cô tháo tang mình đang đeo để nhường cho các vị cư sĩ.

Đại chúng tại các trung tâm tu học của Làng Mai trên thế giới đều tham gia vào tuần lễ Tâm tang. Trên bàn thờ Sư Ông ở khắp các tu viện, trên khắp các châu lục, luôn sáng ánh nến. Mỗi ngày, trà cùng các món ăn Sư Ông ưa thích được các đệ tử chuẩn bị và dâng lên Người bằng tất cả niềm thương kính.

Tại Làng Mai Pháp, hàng ngày các buổi lễ đều được truyền trực tuyến. Hơn mười ngàn thiền sinh khắp nơi trên thế giới cùng nhau thực tập thiền hướng dẫn, nghe kinh, thưởng thức các bản nhạc kinh mới được xướng lên hòa trong tiếng vĩ cầm, tiếng trung hồ cầm hay ghi-ta vừa trang nghiêm vừa tha thiết.

Nhớ đến Sư Cố đã được sư huynh mình làm lễ thế độ trước kim quan của Bổn sư, các sư anh sư chị lớn đã sắp xếp nhanh chóng cho lễ xuất gia của gia đình cây Mimosa (gồm 35 thành viên) được diễn ra tại nhiều tu viện Làng Mai, vào ngày 25 tháng 1: Làng Mai Pháp, Làng Mai Thái Lan, Diệu Trạm (Huế), tu viện Lộc Uyển và tu viện Bích Nham (Mỹ). Các sư em được tăng thân trao cho những cái tên thật đẹp:

Tại Làng Mai Pháp: Chân Trời Định Thành, Chân Trăng Lâm Hỷ, Chân Trời Định Túc, Chân Trời Định Thường, Chân Trời Định Tín.

Tại Diệu Trạm (Huế): Chân Trời Tương Tức, Chân Trăng Tâm Tường, Chân Trăng Tâm Đức, Chân Trăng Tâm Minh, Chân Trời An Dưỡng, Chân Trăng Tâm Bi, Chân Trăng Tâm An, Chân Trăng Tâm Kính, Chân Trăng Tâm Anh, Chân Trăng Tâm Thường, Chân Trời Biển Hiếu, Chân Trăng Tâm Từ, Chân Trăng Tâm Như, Chân Trăng Tâm Hỷ, Chân Trăng Tâm Nhiên, Chân Trời Biển Tâm, Chân Trăng Tâm Xả, Chân Trời Lắng Nghe, Chân Trăng Tâm Tuệ, Chân Trăng Tâm Bình, Chân Trăng Tâm Hòa, Chân Trăng Tâm Định, Chân Trăng Tâm Hiếu, Chân Trăng Tâm Thuận, Chân Trăng Tâm Hiền, Chân Trăng Tâm Nguyên, Chân Trời Bát Nhã.

Tại tu viện Lộc Uyển (Mỹ): Chân Trăng Thanh Hòa.

Tại tu viện Bích Nham (Mỹ): Chân Trời Định Tâm.

Tại Làng Mai Thái Lan: Chân Trăng Tâm Phúc.

Buổi lễ truyền giới sadi, sadi nữ diễn ra tại xóm Thượng đã được truyền trực tuyến, hàng ngàn thiền sinh trên thế giới đã có mặt hộ niệm và chứng kiến “sự tiếp nối” của Sư Ông. Vậy là trong vòng 34 năm, Sư Ông đã nhận tổng cộng 1214 đệ tử xuất gia và khoảng 100 đệ tử y chỉ. Sư Ông đã truyền đăng cho 759 đệ tử xuất gia và đệ tử cư sĩ để trở thành giáo thọ.

Trong những tuần lễ đầu, sau khi Sư Ông viên tịch, các video bài giảng của Sư Ông và các buổi lễ tưởng niệm Sư Ông trên kênh Youtube Làng Mai đã thu hút hơn tám triệu lượt người theo dõi. Nhìn trên màn hình, tăng thân khắp chốn được chứng kiến hình ảnh tăng đoàn với dáng dấp vững chãi, trong y áo vàng rực chiếu sáng khắp khung trời Á, Âu, Mỹ cùng với các vị cư sĩ yên lặng và trang nghiêm. Trong lòng người chỉ còn một cảm giác bình yên khó tả. Từng khuôn mặt trầm tĩnh không giấu được nỗi buồn. Nhưng những giọt nước mắt âm thầm chảy của quý thầy, quý sư cô đã không kéo ai chìm xuống với khổ lụy, mà trái lại đã làm tâm thức mọi người thăng hoa trong một không gian chung, lắng yên và hùng tráng. Một vùng năng lượng ấm áp của tình thương, của sự chia sẻ đã nối kết, bao bọc và lan tỏa khắp thế giới. Chúng con biết ơn vô hạn những lời dạy sâu sắc về vô sinh, về sự tiếp nối mà Sư Ông đã trao truyền cho chúng con trong nhiều thập kỷ qua.

Hàng ngàn người trên khắp thế giới đã viết thư gửi về trang nhà Làng Mai, chia sẻ những câu chuyện về sự chuyển hóa, trị liệu mà Sư Ông đã đem lại cho cuộc đời họ. Những bức điện chia buồn từ các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng được gửi đến cho tăng thân, trong đó ghi nhận những đóng góp của Sư Ông cho sự nghiệp hòa bình, xây dựng cộng đồng và góp phần vào năng lượng tỉnh thức trên thế giới.

Chúng con rất xúc động khi nhận được những lời chia buồn đầy tình thương từ Đức Đạt Lai Lạt Ma, thầy Matthieu Ricard – một vị thầy theo truyền thống Tây Tạng và Cha David Steindl-Rast dòng Biển Đức, cũng như từ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhiều nhà lãnh đạo khác trong cộng đồng quốc tế.

Ngày 26 tháng 1, thay mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã dẫn đầu đoàn đến viếng Sư Ông. Cùng đi có ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Đào Huy Cường, Phó Vụ trưởng vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Văn Lập, Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại lễ viếng, đoàn đã thắp nén tâm hương và trao bức trướng “Đạo quả viên thành” tri ân những đóng góp của Sư Ông trong việc giới thiệu và phát triển Phật giáo, văn hóa Việt Nam trên thế giới.

Các tờ báo nổi tiếng như The New York Times, The EconomistThe Washington Postcũng đã có những bài viết rất sâu sắc về cuộc đời và di sản của Sư Ông. Triết gia đương đại Rebecca Solnit, trong bài viết trên tờ The Guardian, đã nói lên những ảnh hưởng lớn lao của Sư Ông khi lan tỏa pháp môn chánh niệm trong xã hội Tây phương.

Ngày 27 tháng 1, tại Làng Mai Pháp đã có một ngày Quán niệm trực tuyến. Hôm ấy, đất trời phủ sương trắng khắp xóm Thượng, như cũng muốn tham dự Tâm tang với tăng thân.

Tại châu Âu, Mỹ và châu Á, các giáo thọ cư sĩ đã tổ chức các buổi tọa thiền, pháp đàm trực tuyến để giúp ôm ấp nỗi đau mất mát và nuôi dưỡng tuệ giác tập thể. Hàng nghìn người đã tham gia tổ chức các buổi lễ tri ân, tưởng niệm Sư Ông tại các tăng thân địa phương của mình.

Chiều ngày 28 tháng 1, tại Tổ đình Từ Hiếu, chư Tôn đức đã có mặt, chứng minh và hộ niệm cho buổi lễ cung thỉnh Giác linh Sư Ông tham yết Bụt Tổ tại ngôi bảo điện. Rất nhiều Phật tử cư sĩ cùng có mặt trong buổi lễ. Đây là một nghi lễ rất đẹp. Chúng con cảm nhận rằng Sư Ông đang nắm tay chúng con đi thiền hành quanh chùa Tổ trước khi dắt chúng con lên chánh điện để thầy trò cùng đảnh lễ tri ân Tam Bảo. Ngôi Đại hùng bảo điện của Tổ đình Từ Hiếu vừa được trùng tu và khánh thành trong thời gian Sư Ông về an dưỡng tại đây. Chính lời kinh tiếng kệ, chính tiếng chuông đại hồng mỗi sáng tối là một trong những nhân duyên nuôi lớn chí nguyện xuất trần của sư chú Phùng Xuân ngày nào.

Sư Ông cùng đại chúng thiền hành ra Tổ đường, nơi tôn trí Long vị Lịch đại Tổ sư qua các thế hệ của Tổ đình Từ Hiếu. Chúng con được cùng Sư Ông lạy xuống trước chư Tổ, và dâng lên lời tri ân liệt vị Tổ sư đã tiếp nối mạng mạch chánh pháp, xây dựng nơi đây thành một đạo tràng thanh tịnh cho tứ chúng cùng trở về nương tựa. Thế hệ con cháu chúng con cảm nhận ân đức thâm sâu ấy luôn được tiếp nối tại thánh địa Từ Hiếu.

Trong buổi chiều cùng ngày, chư Tôn Thiền đức cũng đã quang lâm cử hành nghi lễ sái tịnh đài trà tỳ tại công viên Vườn Địa Đàng, tọa lạc ở phường Thủy Bằng, thành phố Huế.

Tối ngày 28 tháng 1, tại thiền đường Trăng Rằm, chúng con lại được ngồi bên Sư Ông và chư Tôn đức trong buổi lễ Tưởng niệm Ân Sư. Chư Tôn đức với lòng thương kính Sư Ông và lòng bi mẫn hàng cháu con, đã có mặt bằng năng lượng vững chãi, bằng đức độ vô hành của quý Ngài. Sự có mặt của chư vị trong suốt khóa tu Tâm tang là nguồn an ủi cho chúng con trong sự mất mát lớn lao này. Quý Phật tử cư sĩ cũng trở về Tổ đình Từ Hiếu rất đông để có mặt cùng chúng con trong khóa tu. Chúng con cùng nhau đảnh lễ chư Tôn Thiền đức hiện tiền và chư Tôn Thiền đức khắp mười phương, dâng lên quý Ngài lòng biết ơn sâu sắc của chúng con. Chúng con tri ân các Tổ chức ban ngành trong nước và quốc tế đã gửi điện thư chia buồn đến Tâm tang. Đại diện Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã có mặt trong buổi lễ và có lời cảm niệm ghi nhận những đóng góp của Sư Ông đối với nhân dân Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế.

Thầy Pháp Ấn đã thay mặt tăng thân đọc lá thư “Thầy trò ta cùng nhau leo đồi thế kỷ”. Chúng con không thể giấu được niềm xúc động. Chúng con biết ơn Sư Ông đã thương mà ở lại với chúng con trong nhiều năm qua, cho dù có khi thân thể Sư Ông rất mệt. Sư Ông đã từ bi, kiên nhẫn có mặt đó để trao truyền cho chúng con những bài học sâu sắc từ thân giáo của Người, để chờ chúng con lớn thêm lên. Sư cô Định Nghiêm đại diện tăng thân dâng lên Sư Ông lá thư Cảm niệm Ân đức Thầy. Chúng con cảm nghe trong lá thư ấy có cùng một tâm nguyện, cùng một hơi thở chung của tất cả các thành viên trong tăng thân. Ba tiếng chuông kết thúc buổi lễ là lúc chúng con được trở về nuôi lớn tình thầy trò, tình huynh đệ và nghĩa đồng môn trong mỗi chúng con. Sư Ông đang nắm tay chúng con đi về tương lai.

Cùng ngày, tại Làng Mai Pháp, đại chúng cũng tổ chức lễ tưởng niệm Ân Sư với thơ, nhạc cùng những câu chuyện, những lời chia sẻ về tình thầy trò rất cảm động. Bài thơ “Nhất Như” của Sư Ông đã được thầy Pháp Linh phổ nhạc và cúng dường lên Sư Ông trong buổi lễ. Tại tu viện Lộc Uyển, Mỹ, đại chúng được nghe thầy Pháp Dung chia sẻ về ước mơ xây dựng tăng thân của Sư Ông và làm thế nào chúng ta có thể tiếp nối hạnh nguyện của Người.

Sáng ngày 29 tháng 1, tại thiền đường Trăng Rằm, Tổ đình Từ Hiếu, chư Tôn Thiền đức đã quang lâm chứng minh, hộ niệm cho lễ Thiên Quan Giác linh Sư Ông. Hàng ngàn Phật tử cư sĩ và khách mời các giới cũng đã có mặt từ rất sớm trong khuôn viên chùa để đảnh lễ, ngồi thiền, kinh hành, cùng thở những hơi thở chánh niệm với Sư Ông.

Con đường từ Tổ đình Từ Hiếu lên đài Trà tỳ sáng hôm ấy thật yên bình. Sư Ông có mặt cùng chúng con, đi qua những lối mòn có hàng tùng uy nghi; có những gốc sứ già trăm tuổi và tán bàng đã trút lá khẳng khiu; có bậc cấp nơi sư chú Phùng Xuân ngồi gọt mít non cho dì Tư nấu canh với lá lốt, lá sân. Những thân dừa vươn cao, ẩn hiện mái tam quan nơi hơn ba năm trước khi về lại chùa Tổ, Sư Ông đã đặt bàn tay đầy tình thương chạm vào bức tường cổ. Dòng sông Hương thấp thoáng, hàng chuối xanh, rặng tre nghiêng nghiêng, những tán thông xanh mướt… Không gian thật yên tĩnh. Đoàn người đặt từng bước chân chánh niệm đi bên cạnh Sư Ông. Nếu không có Linh Quan, có lẽ không ai nghĩ đó là một tang lễ. Ngang qua con đường nhỏ dẫn vào Ni xá Diệu Trạm, bỗng nhiên Kim quan dừng lại một lúc. Quý sư cô đang trực xóm rất xúc động, cảm như Sư Ông đang có mặt và vào thăm các sư con ở Diệu Trạm. Các sư cô chắp tay khóc, nhưng trong lòng nở nụ cười chào Sư Ông.

Đi thiền hành theo Sư Ông từ Huế hay từ khắp nơi trên thế giới có những vị xuất gia, những người cư sĩ từ mọi truyền thống Phật giáo như Nam tông, Tịnh độ tông, Tây tạng, thiền Nhật Bản, và từ mọi tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Tin Lành. Dự tính khoảng 100 chiếc xe đưa Sư Ông nhưng thực tế, con số lên đến hơn 300. Nhiều người đặt bàn thờ trước nhà đợi Sư Ông, nhiều vị xuất sĩ trẻ đứng đợi Sư Ông trước Phật học viện để đảnh lễ khi Sư Ông đi qua. Cây cối còn mờ trong sương mù khi Sư Ông ra đến vùng quê. Buổi thiền hành kéo dài để Sư Ông cùng đại chúng có thì giờ thưởng thức không khí trong lành, như mỗi khi Sư Ông được đi chơi trong thiên nhiên.

Tại Vườn Địa Đàng, đài trà tỳ được làm bằng đất sét, do các nghệ nhân của phường đúc đồng thành phố Huế dựng lên. Đài Địa dư (bên ngoài) cũng được chế tác thủ công với các hoa văn phật giáo. Hàng trăm bông sen trắng – loại sen bách diệp cũng được trang trí bên cạnh những hoa văn ấy. Chư Tôn Thiền đức và đệ tử Sư Ông cùng chú nguyện, rước ngọn lửa tam muội đến đài trà tỳ. Thầy Pháp Ấn đã hướng dẫn đại chúng theo dõi hơi thở. Năng lượng đại chúng yên xuống. Ai cũng thực tập hết lòng khiến định lực và năng lượng bình an tập thể trở nên rất hùng hậu. Ngọn lửa bốc cháy từ giây phút ấy.

Trong suốt thời gian trà tỳ (khoảng 17 giờ đồng hồ), đại chúng cùng thực tập ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, niệm Bụt, hay ngồi bên nhau nghe đọc thơ Sư Ông, hát thiền ca, cùng chia sẻ những kỷ niệm đẹp với Sư Ông, cũng như thắp nến cầu nguyện bình an cho thế giới. Sư Ông đang được tiếp nối trong mỗi thành phần của tăng thân. Chúng con biết, ai trong đại chúng cũng đang xây cho mình một cái tháp đẹp nhất bằng bước chân và hơi thở chánh niệm để dâng lên cúng dường Sư Ông.

Đại chúng vô cùng xúc động khi nghe Sư cô Chân Không hát bài “The smile”. Lời bài hát giúp đại chúng tiếp xúc với Sư Ông nơi ánh mặt trời, nơi những cơn mưa, nụ hoa, nơi ánh mắt em thơ… Thường sau mỗi buổi pháp thoại công cộng, Sư Ông hay mời Sư cô lên hát bài này và trong khi Sư cô hát, Sư Ông nhẹ nhàng rời khỏi pháp tòa. Sư cô Định Nghiêm cũng cúng dường Sư Ông bài hát tiếng Pháp “Le bonheur” mà Sư Ông yêu thích.

Suốt đêm đó, chư Tôn Thiền đức đã có mặt cùng chúng con tại đài trà tỳ. Nhìn thấy chư Tôn đức thiền hành, ngồi thiền, tụng kinh, nâng nến cầu nguyện, chỉ dạy chúng con từng chi tiết nhỏ nhất, chúng con thấy lòng rất ấm áp và biết ơn. Tình thầy trò, tình huynh đệ và nghĩa đồng môn là những gì suốt cuộc đời Sư Ông chúng con đã xây dựng, chia sẻ và trao truyền. Quý Phật tử cư sĩ cũng đã ở lại rất đông để cùng chúng con thực tập có mặt với Sư Ông trong giờ phút huyền thoại ấy.

Tại Làng Mai Pháp, đại chúng vân tập về thiền đường Nước Tĩnh vào lúc một giờ sáng để có mặt với Sư Ông và tăng thân trong lễ Thiên Quan và Trà Tỳ (được truyền trực tuyến từ Huế). Sư cô Hiến Nghiêm cùng một số quý thầy, quý sư cô đã hướng dẫn sự thực tập cũng như giải thích những nét đẹp trong văn hóa và nghi lễ truyền thống của Phật giáo ở Huế cho cộng đồng quốc tế đang tham dự các buổi lễ trực tuyến này trên kênh Youtube tiếng Anh của Làng Mai. Lần đầu tiên trên toàn cầu, hơn 100.000 người đã tham dự trực tuyến một sự kiện trong suốt một ngày. Nhiều người đã viết thư về trang nhà Làng Mai nói rằng họ không bỏ lỡ một giây phút nào trong suốt các buổi lễ Tâm tang trực tuyến của Sư Ông, rằng sau khi theo dõi lễ Tâm tang, họ không còn sợ chết nữa vì đã hiểu thêm nhiều về giáo lý vô sinh bất diệt.

Sáng ngày 30 tháng 1, sau lễ Cung thỉnh Xá lợi và Long vị Sư Ông trở về an vị tại Tổ đình Từ Hiếu, trời nổi gió, một cơn mưa lạnh đã ghé ngang qua chùa Tổ. Suốt thời gian tổ chức Tâm tang, thời tiết rất đẹp. Xứ Huế trong những ngày cuối năm mà trời không mưa và lạnh suốt một tuần cũng là một điều lạ.

Bảy ngày Tâm tang tại Tổ đình Từ Hiếu đã diễn ra ấm cúng và viên mãn. Những ngày cuối năm chùa nào cũng có nhiều việc để sửa soạn đón năm mới nhưng chư Tôn đức khắp nơi đã về trực tiếp chứng minh, hộ niệm hoặc tổ chức lễ tưởng niệm từ xa. Nhiều tổ chức, đoàn thể và cá nhân đã đến dâng hương, đảnh lễ thọ tâm tang hoặc gửi điện thư và tâm niệm thọ tâm tang từ xa. Chúng con thành kính tri ân tình thương của chư Tôn đức cùng đại chúng khắp nơi đã dành cho Sư Ông và tăng thân chúng con.

Chúng con nguyện thực tập tinh chuyên để tiếp nối sự nghiệp tuệ giác của Sư Ông, mong phần nào báo đáp được ân đức của Bụt, Tổ và chư Tôn Thiền đức tăng ni cũng như sự trợ duyên kiên định từ quý vị Phật tử cư sĩ.

Một mùa xuân mới đang về, chúng con nguyện cầu chư Bụt và chư liệt vị Tổ sư luôn hộ trì cho chư Tôn Thiền đức tăng ni cùng quý thân hữu một Năm Mới Nhâm Dần 2022 được nhiều sức khỏe, an vui và thành tựu được chí nguyện độ tha của chư vị.

 
 

Tựa đề được lấy từ câu đối do Sư Ông Làng Mai viết, treo trong thiền đường Chuyển Hóa, xóm Thượng:
Giọt nước thành dòng sông, thanh thản Người về chơi biển lớn
Bước chân nên cõi Tịnh, thảnh thơi ta lên dạo đồi cao.