Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Con đường vui

Chân Văn Nghiêm

Say thời gian

Những ngày cuối năm 2014 đang qua, tôi luôn thấy thời gian trôi nhanh vào những ngày này. Tôi có cảm tưởng chóng mặt, say xe khi tôi cùng mọi người chuẩn bị tiễn đưa năm cũ và đón chào một năm mới. Tôi tự hỏi: “Có cái gì mất đi và có cái gì sinh ra? Phải chăng đó là thời gian? Ồ không? Thời gian là một dòng chảy mà! Tôi biết chắc như vậy”.

Thế cái cảm giác say từ đâu đến?” Qua bao năm thực tập nhìn rõ mặt thời gian, tôi phát hiện ra “tôi say thời gian”. Người ta thường nói say rượu, say tình… hay nặng hơn ‘say’ là ‘nghiện’: nghiện rượu, nghiện cà phê, thuốc lá, hay si tình, thất tình v.v…, một cảm giác không mấy dễ chịu. Còn tôi là người tu. Tôi quyết tâm thanh lọc rượu, bia, thuốc lá và cả tình cảm. Vậy mà tôi vẫn say. Tôi thấy mình dễ nổi cáu và mất tự chủ. Tôi quyết tâm rình bắt cho được anh chàng thời gian để xem mặt mũi, hình dáng anh như thế nào mà dám vào quấy phá sự tu học của tôi.

May nhờ có Thầy trao cho tôi chiếc nhẫn thần, nhờ thực tập dừng lại mà tôi khám phá ra căn bệnh say thời gian của mình. Thường thì tôi có khuynh hướng tìm ra nguyên nhân và gán tội cho thủ phạm. Bây giờ tìm ra thủ phạm là anh bạn thời gian rồi nhưng tôi không biết làm sao mà giận anh đây. Tôi bực mình nên giận những người xung quanh. Thật là dại dột.

Tôi ngồi yên và tự ngẫm rằng: “Không thể giận thời gian được”. Thế thì giận ai bây giờ? Loay hoay hoài mà không biết làm sao tiêu hóa cái giận, dù tôi đã học “Năm phương pháp diệt trừ phiền giận” hẳn hoi. Nhưng ứng với đối tượng thời gian thì khá mới mẻ. Nhất là ở trong một môi trường cởi mở nhận thức thì thời gian hình như đi nhanh quá? Cho đến một ngày giáp Tết, tôi nhận ra sự yên bình trở về trong bước chân tuổi thơ. Tôi đứng yên thưởng thức tiếng chuông cùng tiếng chim ríu rít trong bụi tre. Tôi như thấy thời gian dừng lại và cùng thở với tôi. Tôi cười. Nụ cười hạnh phúc đón chào năm mới vọng về trong những vần thơ:

Lòng quê dù có khát khao
Hoa mai vẫn cứ đồi cao gọi mời
Tháng Tư lá lục hoa cười
Cho trăng thêm tuổi, cho đời thêm xuân
Vườn xanh cây mướp trổ bông
Trẻ thơ đùa giởn trước sân nắng đào
Chợ văn bán sách lầu cao
Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui”.

(Thơ Thầy)

Trong hai câu thơ cuối tôi gặp lại Thầy, gặp lại ánh mắt và nụ cười của Thầy trong ngày đầu tiên tôi bước vào Nội viện Phương Khê, Thầy đã đọc cho tôi nghe hai câu thơ: “Chợ văn bán sách lầu cao. Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui”. Hôm nay tôi thấy tiếng cười nguyên sơ của tôi, trong nụ cười đó thấp thoáng niềm vui tu học của Thầy. Tôi vùng dậy lần theo tiếng cười…

Vì sao tôi đi tu?

Câu hỏi này nhiều người hỏi tôi, nhất là ba mẹ và bạn bè thân thuộc của tôi. Ai cũng thấy nửa thương tôi và nửa giận tôi. Tôi có rất nhiều lý do nhưng tôi vẫn không thấy thỏa đáng mỗi khi tôi trả lời câu hỏi này. Cho đến khi tôi được học Duy Biểu, tôi mới khám phá ra hạt giống đi tu đã có trong tôi từ khi tôi còn rất nhỏ. Bây giờ tôi thấy câu trả lời thỏa đáng nhất là “tôi thích đời sống xuất gia.”

Tôi thích khám phá sự sống trong mình. Tôi thích tiếp xúc thực tại bằng cả con người của mình. Thích chạm được vào những buồn vui sâu kín trong tôi. Thích rong chơi cùng sự sống với những thay đổi của bốn mùa, của chồi non và hoa lá. Tôi thích nhìn đàn cá bơi tung tăng trong nước, những cánh chim bay lượn tầng không và con người sống hòa ái bên nhau.

Từ nhỏ tôi thường quanh quẩn trong nhà, ở trường và chùa. Tôi cảm thấy có một cái gì thân quen khi đến chùa, khi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử. Nhưng tình bạn và học đường có sức lôi cuốn tôi hơn. Được đi học là một niềm vui lớn. Tôi thật sự mất định hướng khi rời giảng đường, mọi cái dường như quá xa lạ với tôi. Thế giới người lớn đòi hỏi tôi phải thay đổi, tôi thấy mình ngơ ngác và tội nghiệp. Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm trôi qua, tôi cảm thấy có một cái gì thiếu thốn mà tôi không thể tìm thấy trong sách vở, trong công danh sự nghiệp. Tôi say sưa trong công việc, cũng có nhiều niềm vui nho nhỏ, nhưng tôi thấy mình đang đi theo mọi người để sống mà không hiểu vì sao mình cứ phải sống như vậy?

Ngày bạn tôi mất, tôi nhận ra ánh mắt sợ hãi của bạn khi đối diện với tử thần, và tôi thấy đôi mắt đó thi thoảng xuất hiện trong tôi, trong những người xung quanh. Thì ra đã có những lúc mình đánh mất sự sống mà mình không biết? Tôi nhận ra sách vở, kiến thức học đường và công nghệ máy móc không đáp ứng cho tôi tìm lại sự sống. Có lần tôi thấy mình lạc vào nghĩa địa. Những nấm mồ là hàng chục chiếc máy vi tính tối tân câm lặng. Một không gian chết.

Lúc đó tôi thật sự cầu nguyện cho tôi gặp Thầy, gặp bạn. Tôi sẽ làm lại từ đầu. Thầy đã từ bài giảng bước ra như một phép lạ. Thầy dạy: “Người ta thường mất nhiều thời gian để chuẩn bị sống nhưng chưa thật sự được sống…” Câu nói ấy đi vào tâm thức tôi, xuyên qua bao tường thành kiên cố và cuối cùng ở lại trong tôi. Tôi tìm đọc sách của Thầy, nghe pháp thoại của Thầy, tôi như sống lại và trở thành một con người mới. Tôi thường tự gọi đùa với mình rằng: “Công chúa ngủ trong rừng ơi, tỉnh dậy đi nào!”.

Tôi được thức tỉnh nhờ những bước chân bình an của Thầy đi qua đồi thông chùa Từ Hiếu. Hình ảnh ấy rất quen thuộc. Tôi không hiểu vì sao tôi kết duyên cùng bước chân Thầy. Và tôi quyết lần theo những bước chân huyền thoại…

Trong niềm vui đó có những vần thơ ra đời:

Khai tâm bừng tỉnh ngộ
Giữa rộn ràng quanh ta
Lời Thầy vang vọng mãi
Hoa lá vẫy tay chào.

Tâm ai như bay bổng
Không một chút bủa vây
Cuộc đời như cánh hạc
Vút giữa bầu trời trong.

Những lo âu thế cuộc
Phút chốc bỗng nhẹ nhàng
Những khổ đau buồn bực
Nhẹ rủ chẳng buộc ta.

Thênh thang chân ta bước
Giữa đất trời bao la
Không lo sợ ta bà
Sẽ làm tâm mệt nữa.

Dừng, chân tâm bên Bụt
Thấy an lòng vui thay
Hé mở cửa giải thoát
Ngại gì, chẳng bước ngay.

Thế là tôi đi tu. Mới đó mà gần mười năm rồi, nhanh thiệt là nhanh. Năm nay tôi về lại xóm Mới An cư để được sống gần Thầy như lời Thầy nhắn nhủ:

Con trân quý những tháng năm còn lại
Hạnh phúc cười trên nẻo đường con đi”.
Vậy mà Thầy bệnh nặng. Những ngày bắt đầu An cư với tôi thật khó! Tôi thương tôi bao nhiêu thì tôi lại nhớ Thầy nhiều bấy nhiêu. Lạ thật! Tôi nghe tiếng Thầy vọng về qua hơi thở yếu ớt của tôi như một lời dặn dò, gửi gắm tâm sự. Tôi thở cho Thầy là tôi thở cho tôi. Và lời Thầy trong câu chuyện hai cha con làm xiếc: “con giữ gìn thân mạng cho con và ta giữ gìn thân mạng cho ta, tức là ta đang giữ gìn thân mạng cho nhau”. Đó là câu nói đánh động tôi, giúp tôi cùng tăng thân đi qua bao buồn vui, khó khăn, nhất là trong sự kiện Bát Nhã. Trong thời gian đó tôi được làm thị giả cho Thầy và tôi thường quên thở. Thầy đã khéo léo nhắc: “Thở đi con”. Nhờ lời nhắc nhở đầy tình thương và gần gũi trong khi nghe pháp thoại hay những dịp ở cạnh Thầy giúp tôi nhận ra tôi có thói quen quên thở, nhất là những lúc khó khăn, căng thẳng, buồn lo…

 

Thở cho vui, Đi cho vui

Tôi thật buồn vì nhận ra tập khí quên thở của mình trong khi gia tài của pháp môn Làng Mai là “THỞ”, là “ĐI”. Tôi tập đi chậm rãi, nhưng tôi thấy tôi chưa thật sự hạnh phúc khi đi. Đôi lúc nhìn dáng vẻ bên ngoài có vẻ thiền hành nhưng tôi vẫn quên thở. Nhất là những lúc nấu ăn. Tôi loay hoay với chính mình rất lâu, và tôi nhận ra đi thiền kết hợp được với hơi thở và bước chân không dễ như Thầy dạy mà tôi đã được học. Cho đến một ngày Thầy bật mí cho tôi một sự thật là đi không cần tới, mình cứ đi như người mù, mình biết hết tất cả mọi nơi trong nhà rồi, nên đến ngang đâu là mình cảm được ngay, dù mình nhắm mắt đi nữa…

Làm thị giả cho Thầy, tôi thật sự ấn tượng bởi sự di chuyển của Thầy, nhất là những chỗ Thầy đã ở, đã làm việc. Nhất là những hôm Thầy bệnh, Thầy chóng mặt, bước chân Thầy không vững, nhưng Thầy có khả năng định vị rất tốt. Đôi lúc Thầy lim dim nghỉ mà vẫn biết xung quanh đang xảy ra chuyện gì. Thầy đi thiền như một cuộc dạo chơi thú vị, mỗi cảnh mỗi vật đều trở nên thân quen gần gũi. Chính niềm vui này đã giúp tôi gặp lại tôi ngày bé.

Mẹ tôi đi dạy xa, tôi và chị tôi còn quá nhỏ nên phải có hai người chăm hai chị em tôi. Chị Nở, người chăm sóc tôi bị tật ở chân, một chân của chị không gập lại được, chị đi đứng rất khó khăn. Tôi thường nhoài người ra để tụt xuống đất trước khi chị có thể đặt chân tôi chạm đất. Nhưng tôi thường thấy chị nhìn cây cối và bầu trời rất trìu mến.

Rồi chị xin mẹ tôi về lại với ruộng đồng. Mỗi lúc nhớ chị, tôi lại thấy hình ảnh chị ngồi duỗi chân bên cây đa, một tay chị cầm nón lá quạt thong thả, mắt ngước nhìn trời xanh. Đôi mắt Thầy đã nhiều lần nhìn mọi vật như thế. Cái nhìn đó chạm vào ký ức tôi và tôi đã gặp lại đôi mắt của người chị nuôi tôi ngày bé. Tôi nhớ những ngày tôi chạy theo bên chị, tôi thấy mình gần với trời xanh và đất mẹ. Chị sống hiền lành, đơn giản, không đua đòi theo đám đông nên được ở gần chị, tôi luôn cảm thấy bình an lạ. Chị đã ở lại với ruộng đồng, còn tôi học hành và mưu cầu cuộc sống tiến bộ. Tôi quên bẵng chị. Vậy mà Thầy đã đem chị về cho tôi. Ký ức tôi theo bước chân thiền hành đã tiếp xúc được với ân tình của chị. Tôi thật sự giật mình. Bởi tôi đâu có ngờ chị đã gieo duyên cho tôi được gặp Thầy. Người chị bị khuyết tật, không học hành nhưng chị giữ được một tâm hồn thật đẹp. Chị cho tôi lấy lại niềm tin một cách dễ dàng. Tôi biết rõ chị, tôi đã được sống và cảm được sự nhẹ nhàng của một người chị nghèo. Và tôi thật vui khi ngày bé tôi đã có được giấc ngủ ngon lành cùng chị trên đống rơm khô. Tôi nhận ra Thầy giúp tôi tiếp xúc với chính tôi, với hiện tại và quá khứ, với những người thương.

Gặp lại chị tại Làng trong mỗi bước chân sự thật tôi quá bất ngờ. Cái tâm bình an trong cái nghèo những năm sau 1975 tại quê tôi luôn làm tôi mặc cảm. Nhưng từ khi gặp lại chị, tôi thấy chị nghèo thật nhưng chị không mặc cảm. Chị không đi bình thường, nhưng tôi thấy chị chấp nhận cái không bình thường của mình, và đặc biệt là chị có niềm vui không ai lấy đi được. Niềm vui ấy không cần giàu sang, bằng cấp, địa vị mới có được. Niềm vui của sự bình an chị đã tặng tôi mà tôi không hay biết. Gặp được Thầy, tôi đã gặp lại chị, gặp lại tuổi thơ của mình. Lạ thật, mỗi lúc Thầy đưa mắt nhìn trời, nhìn cây cỏ là tôi lại thấy hổ thẹn vì tôi đã bỏ rơi tôi mấy chục năm trời. Thời gian Thầy bệnh, thức dậy, tôi mở cửa bước ra ngoài, trời lạnh nhưng có nắng, ngước mắt nhìn bầu trời ban mai, lòng tôi vui khôn tả. Tôi thấy niềm vui của Thầy trong bài trường ca Avril và niềm vui của tôi ngoi lên thành hai câu thơ:

Sáng nay trời vẽ mây hồng
Thênh thang cõi Bụt trong lòng chúng sinh.

 

Học để mà học

Tôi bắt đầu học Đi để mà đi trong nhà mỗi sáng thức dậy, rồi khi thấy vui vui với cách đi này tôi áp dụng Đi để mà đi cho thời khóa. Có những sinh hoạt không di chuyển như ngồi thiền, ăn cơm, nghe pháp thoại, họp, pháp đàm v.v. tôi thấy rõ là mình đi, đi nhiều hướng là đằng khác.

Thầy vẫn ân cần chỉ dạy chúng tôi nhớ thở khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi ăn, khi hát, khi tụng kinh hay cả khi đọc sách, viết văn, làm vi tính và cả khi đóng sách nữa… Với tôi đây là một công án.

Tôi nghĩ, tôi phải chọn một cái để thực tập cho ra hồn. Thử qua một loạt tôi vẫn thấy khó quá! Tôi lại thích thực tập hòa đồng với mọi người để không ai phát hiện ra là mình đang thực tập. Tôi chọn một thực tập chưa được phổ biến rộng rãi, đó là thực tập viết. Lúc đầu tôi viết tất cả những vui buồn trong ngày. Và tôi nhận ra những vui buồn ấy làm ảnh hưởng sự thực tập Đi để mà đi của tôi. Tôi ngừng viết, ngừng đọc và chuyển sang “tập chép” theo nhu cầu học ngôn ngữ.

Từ ngày xuất gia, tôi tạm ngưng đọc sách các tác giả khác. Tôi chuyên chú vào sách Thầy. Tôi đọc một cuốn như thưởng thức một món ăn rỉ rả, đọc một ngày một vài trang thôi để trị cái tập khí đọc sách ngấu nghiến của tôi xưa nay. Lúc đầu thật khó chịu, nhưng nhờ biết thiểu dục tri túc nên tôi nghĩ ra cách tập chép để trị cái bệnh lười học ngoại ngữ của tôi luôn thể.

Thầy đã chỉ tôi cách học Anh văn sau bao ngày tôi không có hứng thú. Thầy đã dạy Sư cô Chân Không học Anh văn bằng cách chép lại và tự đối chiếu lỗi của mình chép lại theo sách mẫu. Rồi tự mình so sánh và tự sửa lấy. Tôi bắt chước, thấy hay hay khi nhận ra chỉ đọc qua mà viết lại còn không đúng nữa là. Thật là tam sao thất bổn! Nhờ đó tôi học luôn đức khiêm cung với lỗi của mình và của người khác. Bởi chỉ cần lơ đểnh là tôi thêm cái biết của tôi vào liền.

Tôi phát hiện ra. Đi để mà đi dễ hơn học để mà học. Bởi vì khi đi mình có thể không cần suy nghĩ, nhưng khi học thì phải suy tư chứ! May mà hình ảnh Thầy bình an ngồi viết thư pháp đã khích lệ tôi khám phá cái nghịch ngợm học để mà học của tôi. Tôi có thói quen quậy phá để tạo cảm hứng cho mình học cũng thư tu. Tôi không bằng lòng với hạnh phúc của người khác. Tôi đi tu là muốn nếm cho được cái vị hạnh phúc của mình. Và đó cũng là cách duy nhất tôi tạo niềm tin cho mình.

Đang loay hoay với việc tạo cảm hứng thực tập cho mình. Tôi lại thấy có nhiều niềm vui khi thấy Thầy ngồi bình an bên bàn viết, vẽ vô số vòng tròn. Tôi nhớ hồi nhỏ tôi muốn sau này sẽ trở thành giáo viên dạy Toán. Mẹ tôi đã ra cho tôi một bài tập: chừng nào con vẽ được vòng tròn thật là tròn mà không cần compa, con có thể nghĩ tới việc làm giáo viên môn toán. Vậy là mẹ tôi cho tôi một cây bút và một cuốn tập, tôi cũng vẽ vòng tròn như Thầy với rất nhiều niềm vui. Chắc lúc đó tôi quậy dữ quá nên mẹ tôi phải tìm cách cho tôi chơi, khỏi quấy rầy mẹ.

Tôi nhìn Thầy vẽ với rất nhiều hạnh phúc, Thầy ngước mắt lên hỏi. “Con thấy Thầy vẽ vòng này có tròn không?”

Thay vì trả lời: “Thưa Thầy có” hay “Thưa Thầy không”, tôi lại thưa: “Thưa Thầy, có phải Thầy vẽ theo cái vòng tròn của tấm Thầy kê phía dưới?”. Thầy cười thật hiền rồi nói: “Không, thầy chỉ kê cho giấy khỏi chạy thôi. Còn mỗi vòng nó đi theo hơi thở khác nhau”. Lúc này thì tôi giật mình vì câu hỏi trẻ con của mình.

Thế là về nhà tôi bắt chước Thầy tìm cho ra cái hơi thở trong vòng tròn. Và tôi lại phát hiện ra lâu nay tôi vẽ cái vòng tròn thật khổ sở. Tôi dùng hết sức bình sinh của tuổi thơ để vẽ cho thật là tròn. Tôi đã quên thở, lại còn nghiêng người bên phải, bên trái như đang làm một việc gì nặng nhọc lắm. Tôi nhăn mày, nhíu trán, méo miệng theo cái vòng tròn. Thật là khổ sở. Sau đó tôi khám phá ra không những đó là thói quen tôi vô tình hình thành trong tôi mà tôi còn đem theo cái thói quen ấy khi viết, khi đọc và làm vi tính…

Đề tài thở vẫn còn canh cánh trong lòng tôi. Tôi mới gặp lại em bé trong tôi thật vui nên tôi chọn cuốn “Sen búp từng cánh hé” để tập chép ba ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt. Nhất là sau khi thực tập Đi để mà đi giúp tôi có thêm bình an, tôi có tham vọng Học để mà học cũng vui như vậy. Và tôi phát hiện ra tập khí tham lam kiến thức của mình khi học, mình bị dính chặt vào cái mình gọi là không biết, mà chất keo đó là sự sống còn, sự hơn thua, mặc cảm… Tôi đã từng khóc vì tội nghiệp cho tôi. Tôi đã không biết cách học. Tôi đã tạo ra khổ đau mà tôi lỡ cất giữ sau bao nhiêu năm vùi đầu vào sách vở.

Bây giờ, mỗi khi cầm cuốn sách của Thầy là tôi thấy cả cuộc đời Thầy. Mười năm nay tôi chỉ đọc sách và nghe pháp thoại của Thầy như một nguồn thực phẩm lành mạnh, trong đó gói bao ân tình của Thầy để cuốn sách ra đời. Thầy dạy: “Viết văn làm thơ như một bà mẹ mang thai vậy đó!”. Phải chuẩn bị từ từ, phải có bình an và niềm vui thì khi mình đọc lên hay người khác đọc cũng cảm nhận được niềm vui đó. Thầy rất có niềm vui khi làm lại các bài Sám trong Nhật Tụng Thiền Môn. Khi mình tụng, đọc mà không thấy vui là mình phải xem lại sự thực tập của mình.

Tình huynh đệ

Mùa Đông này dù Thầy bệnh nặng, nhưng vẫn có Lễ xuất gia cho các sư em cây Sồi Đỏ. Các sư em đã cho tôi thêm niềm tin về con đường tâm linh. Tôi nhớ những đợt xuất gia trước, Thầy vui vẻ đặt tên cho các em và nói: các con có biết bây giờ Thầy đang mang thai các sư em tương lai, sắp tới ngày sinh rồi nên Thầy vui lắm!

Chúng tôi vui cùng niềm vui của Thầy khi nhìn các sư em hòa vào đời sống tăng thân. Mỗi tối, các sư em cùng theo đại chúng Xóm Mới đắp y cầu an cho Thầy được phục hồi sức khỏe. Khi tụng những bài Sám và Tâm Kinh ai cũng mang theo niềm vui và lòng biết ơn Thầy. Thầy đã dành cả cuộc đời để hiến tặng kinh nghiệm thực tập và tuệ giác của Thầy đến cho tất cả mọi người. Trong giờ phút ấy, tôi thấy hình ảnh Thầy trong mỗi câu kinh. Dù không hoàn toàn 100% nhưng các sư cha, sư mẹ, sư chị, sư em chúng tôi đều đang gìn giữ và tiếp nối Thầy. Những lúc thấy nhớ Thầy, các sư chị, sư em chúng tôi ngồi lại kể cho nhau nghe những kỷ niệm đẹp cùng Thầy và nhắc nhau mỗi ngày nhớ nghe thêm pháp thoại của Thầy.

Khi mô Thầy về!

Thầy kính thương, trong dịp mừng Giáng Sinh, chúng con đã tổ chức một buổi ngồi chơi tại Sơn Cốc, như Thầy vẫn còn ở nhà. Chúng con làm quà tặng nhau và kèm theo tình thương, sự tha thứ cho nhau. Sư em con đi quanh xóm ghi âm những tâm sự, những kỷ niệm đẹp, những bài hát để gửi lên bệnh viện, mong rằng Thầy sẽ phục hồi nhanh khi nghe giọng các sư con của Thầy. Con nằm nghỉ trưa nghe các sư chị sư em hát:

Con không thèm ăn kem
Con không thèm ăn bánh
Con chỉ cần Thầy khỏe bên con Thầy ơi!
Con đang thèm chơi tuyết
Nhưng tuyết giờ chưa rơi
Tuyết nói rằng sẽ có khi mô Thầy về?”
Mấy ngày cuối đông khí trời khá lạnh, đại chúng bệnh nhiều quá. Hôm nay sư em mang cho con tô cháo cảm, con như thấy sư mẹ Định Nghiêm chở nồi cháo bằng xe rùa đang đi quanh xóm Mới. Mỗi lần con vui với công việc hằng ngày, con lại thấy sư chị Thao Nghiêm cười khúc khích chia sẻ: “Con thích vui những cái bình thường trong ngày…” Khi Ôn Phước Huệ dặn dò: “Các con nên tiếp nối cái thư viện”, tức phòng triển lãm cần được giữ gìn trong sự thực tập của mỗi sư con thì ngay phút giây ấy, con bắt gặp nụ cười của sư mẹ Thoại Nghiêm trong công trình sưu tập v.v. Và con nghe rõ lời Thầy: “Các con là tay của Thầy, là mắt của Thầy, là chân của Thây đó…” Con an lòng nhận ra Thầy đã và đang có mặt trong lòng tăng thân. Và con
thầm đọc cho Thầy nghe mấy vần thơ nhỏ:
Gió thì thầm hoa như khẽ gọi
Suối róc rách cung đón mấy tầng xuân
Con gối đầu bên chân của Bụt
Thanh thản cõi lòng, vững chãi mỗi bước chân.