(Đây là một bài thực tập tiếp xúc với Thầy – Chân Minh Hy)
Này anh, này chị, này em
Hôm nao đất trời mở hội, chúng ta sẽ đi gọi Thầy về.
Có một câu chuyện, Thầy nói Thầy có ý mà viết chưa xong. Chuyện nói về một người Thầy và một người thị giả. Người thị giả này rất hiểu ý Thầy. Chú biết lúc nào Thầy có thể tiếp khách, lúc nào Thầy cần nghỉ ngơi.
Một hôm nọ, có người khách lên thăm. Khách hỏi: Thầy có ở nhà không hả chú? Dưới bóng mát của những cây tùng mà Thầy đã trồng năm xưa, chú thưa: Dạ, Thầy con vừa mới vào núi hái thuốc ạ.
“Bên cội tùng chú bảo
Thầy vừa đi hái thuốc
Chỉ tại núi này thôi
Mây mù không thấy được.” (*)
Chú thị giả có lẽ là một người nào đó trong chúng ta. “Thưa ông, nếu ông có chuyện gấp tôi sẽ xin vào núi tìm Thầy. Mây tuy dày đặc, nhưng tôi có thể đưa tay làm ống loa để gọi: Thưa Thầy, Thầy đang ở đâu, con đang đi tìm Thầy, có người khách đang đợi.”
Người khách kia có thể là ai đó trong chúng ta đang đi tìm Thầy. “Xin sư chú đừng bận tâm. Xin sư chú cứ cho tôi tự nhiên. Tôi muốn được ngồi đây, uống một chén trà và ngắm núi rừng sương phủ. Xin đừng làm rộn Thầy. Lúc nào Người về cũng được. Người không về thì cũng không sao. Nơi đây có nhiều mây, nhưng chính nơi đây tôi sẽ thấy rõ được mặt Người. Nơi đây có nhiều mây, nhưng chính nới đây tôi sẽ thấy rõ được mặt tôi.”
Thầy đang đi hái thuốc ở rừng Đại Lão, ở Phương Bối am, Phương Vân am, Phương Khê, ở núi Thệ Nhật, Hoa Mai thôn, Thiên Ý thôn, Đại Ẩn sơn, hay bên khe suối ở Mộc Lan, có khi ở đồi An Ban, chùa cổ Đại Bi hay ở núi đồi Dương Xuân.
Có hôm tuyết phủ trắng khắp nơi, chú sợ Thầy bị lạnh – Thầy dễ bị trúng gió lắm. Chú thưa:
– Thưa Thầy, hôm nay trời rất lạnh, Thầy ở trong nhà cho ấm. Thầy nhìn chú:
– Ở trong núi nhiều thuốc lắm, Thầy hái bao nhiêu thuốc mà cũng không đủ cho mọi người con à.
Hai thầy trò uống xong một ấm trà, chú giúp Thầy mặc áo, Thầy cầm chiếc gậy tre và đi vào trong núi tìm thuốc. Lần này chú được Thầy cho đi cùng. Hai thầy trò đi thong thả qua những con đường tùng. Được đi bên Thầy chú thấy bình an chi lạ. Đó thật là những giây phút huyền thoại.
“Con đi với Thầy
Đi như đi chơi
Đi là hạnh phúc
Đi là thảnh thơi.”
Có những hôm hái thuốc xong, thầy trò đi gom lại một ít củi khô và nhóm lửa để nướng khoai, bắp hay một vài hạt dẻ nhặt được trên đường đi. Có khi chú hái được chục tai nấm mối, chú nướng trên than cho thơm rồi dâng lên Thầy. Những bữa cơm chiều tuy đơn sơ nhưng chú thấy mình thật giàu có. Có bếp lửa, có tình thầy, có ánh trời chiều, có khi là một vầng trăng mới lên. Thầy rất chịu chơi. Thầy nhặt vài thanh tre khô rồi đặt vào trong đống lửa, tre khô cháy rất nhanh và phát ra tiếng nổ như pháo trong đêm ba mươi, nghe thật vui tai. Có khi ngồi nghỉ chân, Thầy rưới mật phong trên tuyết trắng và chỉ cho chú ăn si-rô tuyết. Em bé thơ hồn nhiên, trong sáng nơi Thầy chưa bao giờ mất. Chú cảm thấy thật dễ chịu khi ở bên Thầy.
***
Những khi đi hái thuốc trong núi, Thầy lúc nào cũng dặn dò chú rất kỹ cách gọi Thầy về, vì nhỡ lúc sương mù chú lạc mất Thầy.
“Nhìn lại đi, Thầy đang ở trong con, trong từng nụ hoa, chiếc lá
Nếu gọi tên Thầy, con sẽ tự khắc thấy Thầy ngay.”
Thầy chỉ cho chú gọi Thầy về bằng cách xướng lên một bài kệ hay hát một bài hát, ngâm một bài thơ mà Thầy mới làm xong. Thầy rất dễ thương, chỉ cho chú từng chút một. Có lúc Thầy chỉ cho chú cách thỉnh chuông. Thầy có một cái chuông nhỏ luôn đem theo trong tay nải. Thầy nhẹ nhàng nâng chiếc chuông lên và đặt vào trong lòng bàn tay chú, thong thả nhưng rất gọn. Thầy xướng lên một bài kệ thỉnh chuông:
“Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn”
Rồi Thầy thỉnh một tiếng chuông tròn đầy, thầy trò cùng thở:
“Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng thân an miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.”
Thầy còn chỉ cho chú cách gọi Thầy về trong từng hơi thở bình an, trong từng bước chân vững chãi. Chú đặt tay lên ngực và mời Thầy cùng thở với chú:
“Thở vào, con mời Thầy cùng thở vào với con
Thở ra, con mời Thầy cùng thở ra với con.”
Chú đã ngồi yên như thế và mời Thầy cùng thở, vài ba phút chú lại mời Thầy thở với chú.
“Thở vào, con mời Thầy cùng thở vào với con
Thở ra, con mời Thầy cùng thở ra với con.”
Càng thở, chú thấy Thầy hiện ra rất rõ trong sự nhẹ nhõm của hơi thở. Chú cảm nhận hơi ấm bình an lan tỏa khắp con người chú. Chú mở mắt và thấy Thầy mỉm cười, chú cũng mỉm cười, chú thấy chú mỉm cười trong đôi mắt Thầy và Thầy cũng mỉm cười trong đôi mắt chú.
Đường về nhà, hai thầy trò đã thuộc lòng rồi nên chỉ cần có ánh trăng thôi cũng đủ soi rõ lối về.
***
Bao nhiêu năm theo Thầy, chú nhận thấy những phương thuốc của Thầy có nhiều công dụng rất đặc biệt. Thuốc của Thầy có khả năng nuôi dưỡng hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Hạnh phúc hay khổ đau luôn tồn tại dưới hình thức những điều kiện – đây là nguyên tắc chữa bệnh của Thầy.
“Muôn vật từ duyên sinh
Lại từ duyên mà diệt
Bậc giác ngộ trên đời
Đã từng như vậy thuyết.”
Nếu tiếp xúc được với điều kiện hạnh phúc thì sẽ hạnh phúc và ngược lại. Thầy đã nhiều lần dặn chú rằng: “Chúng ta đã có quá đủ những điều kiện để hạnh phúc.”
Thầy đã luôn tìm cách để nuôi dưỡng mọi người. Một trong những tài năng của Thầy mà chú thấy được, đó là Thầy có thể tạo ra một giây phút của niềm vui, hạnh phúc bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Trong hoàn cảnh khó khăn nào Thầy cũng tìm ra được ít nhất một điều kiện của hạnh phúc. Thầy không có phương thuốc thần kỳ chỉ uống trong vài giây là hết bệnh, thuốc của Thầy được uống trong hai mươi bốn giờ mỗi ngày, uống chậm rãi trong mỗi phút, mỗi giây của sự sống. Sống bên Thầy, chú thấy mình có thể tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc rất dễ dàng.
Công dụng thứ hai là sự cởi mở. Cởi mở để có thể chấp nhận những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, đó là sự khởi đầu cho việc chữa lành.
Cởi mở được thì sẽ đem thân tâm về lại với nhau, lắng nghe nhau, nuôi dưỡng và chấp nhận nhau. Anh-em, vợ-chồng, cha-con cũng về lại được với nhau.
Cởi mở để có thể lắng nghe được tận nguồn cơn của những nỗi khổ niềm đau, để có thể nuôi lớn được tình thương mà chữa lành những thương tích.
Thầy đã làm như thế trong suốt cuộc đời của Thầy. Thầy đã đem người Nam – người Bắc về lại với nhau, để nhìn rõ tường tận “kẻ thù chúng ta không phải con người”, và tình huynh đệ là cái quý giá nhất trên đời.
Thầy đã đem người Đông – người Tây về lại với nhau, để cùng nhau chung xây giấc mơ đại đồng, để nuôi dưỡng những mối liên hệ giữa con người với nhau, giữa con người với trăng sao, với đất Mẹ, trời Cha. Đất Mẹ là hành tinh xinh đẹp nhất mà không cần phải mơ tìm đến một vùng đất xa xôi nào cả.
***
Sáng hôm nay, chú đi vào núi tìm thuốc, nắng ấm trải dài trên từng lối đi. Những con đường huyền thoại vẫn còn đó, chú đã gọi Thầy về trên mỗi bước chân.
“Từng bước chân thảnh thơi
Nụ cười tươi thắm trên làn môi
Từng đám mây ngang trời
Là dòng sông chảy ra biển khơi
Nguồn khổ đau nhẹ vơi
Từng bước chân thảnh thơi
Cùng Người em bước đi mọi nơi.”
Chú ý thức rằng, mỗi bước chân, nếu chú làm phát khởi được tình yêu – lòng biết ơn – sự cẩn trọng là Thầy sẽ có mặt ngay lập tức. Chú không còn một mảy may nghi ngờ gì về điều này nữa. Chú đã thực tập như thế trong suốt thời gian qua từ ngày Thầy rong chơi. Thắp lên một ngọn nến, dâng một ly trà, lạy xuống một lạy trước Thầy, ngắm nhìn một người huynh đệ, một bông hoa, bước một bước chân, thở một hơi thở … chú thấy Thầy luôn có mặt rất rõ ràng ở đó.
Thầy vẫn ở đó, ở cốc Ngồi Yên, thất Lắng Nghe, cốc Chịu Chơi, thất Nhìn Xa hay bất cứ một cái am thất nào khác, chú chỉ cần ý thức là Thầy đang có mặt đó thì tình yêu, lòng biết ơn, sự cẩn trọng trong chú có mặt ngay lập tức. Chú sẽ gõ cửa, thở thong thả ba hơi rồi mở cửa đi vào, cảm nhận sự có mặt bình yên của Thầy.
Chú đã rất nhiều lần được ngồi chơi với Thầy, nhiều huynh đệ của chú cũng đã được ngồi chơi với Thầy. Và có nhiều huynh đệ chưa được ngồi chơi với Thầy lần nào, nhưng ai cũng được Thầy chỉ dạy cho cách gọi Thầy về. Gọi một lần Thầy chưa về thì gọi tiếp lần thứ hai, thứ ba … chắc chắn Thầy sẽ về.
Thở vào, con gọi Thầy trở về với con
Thở ra, con gọi Thầy trở về với con, con mời Thầy cùng thở với con.
Đã không ít lần, tăng thân đã ngồi lại bên nhau và thực tập gọi Thầy về và Thầy đã về thật. Chú cảm nhận Thầy đã có mặt rất rõ ràng trong năng lượng hùng tráng của tăng thân. Đó giống như cách mà Bụt Thích Ca đã gọi tất cả các hóa thân của Bụt Đa Bảo trở về, để cùng nhau mở cách cửa bảo tháp bản môn.
“Ngàn thủy tiên vươn mình trong nắng
Ngàn Bồ Tát tùng địa dõng xuất
Từ Pháp Thân Tạng mang lời thề năm xưa đi vào cuộc đời”
Mỗi người học trò là một hóa thân của Thầy. Tăng thân là tiếp nối thân của Thầy. Bất cứ lúc nào tăng thân có mặt là Thầy có mặt. Tình yêu, lòng biết ơn, sự cẩn trọng luôn giúp chú có thể gọi Thầy về bất cứ lúc nào.
Mùa xuân đã về, mỗi ngày chú sẽ đi gọi Thầy về, như trên bầu trời kia, từng đàn ngỗng trời đã gọi nhau trên đường về sau những ngày đông. Chú sẽ tiếp tục cùng Thầy đi hái thuốc. Nếu có người khách nào lên thăm Thầy, chú sẽ mời khách cùng lên núi gọi Thầy về.
“Am dựng bên sườn núi. Phía sau, bao nhiêu ngõ ngách, bao nhiêu lối mòn. Trên kia, đỉnh núi lấp trong mây, đỉnh núi ngự trị không biết tự bao giờ. Đỉnh núi chăm sóc. Đỉnh núi che chở. Mỗi buổi chiều, mây về quấn quanh đỉnh núi, mây về quấn quanh chân núi. Am ngủ trong lòng mây và am là am mây”
(Con thấy Thầy đang ngồi uống trà và nghe con đọc thơ. Thầy mỉm cười và nói: tay Thầy trong tay con.)
(*)Tầm ẩn giả bất ngộ – thơ Giả Đảo