Tiếng cười trẻ đã vang

Sư huynh Giác Thanh, một người anh cả trong tăng thân Làng Mai. Tại xóm Thượng, thầy ở một cái cốc trên sườn đồi nhìn về hướng mặt trời mọc. Cốc tên Phù Vân, nằm cạnh cốc Ngồi Yên của Sư Ông. Cho nên có khi thầy được gọi là thầy Phù Vân. Vào những năm đầu thành lập thiền đường Hoa Quỳnh (sau này có tên thiền đường Hơi Thở Nhẹ) tại Paris, Pháp, mỗi tháng thầy đến đó vào dịp cuối tuần để giảng dạy và hướng dẫn thiền sinh tu học. Xong việc, Thầy trở về chùa Pháp Vân để tiếp tục phụ giúp Sư Ông dẫn dắt đàn em trong sự thực tập. Vì vậy, cũng có người gọi thầy là thầy Hoa Quỳnh.

Ngoài hai biệt danh thầy Phù Vân và thầy Hoa Quỳnh mà một số người biết tới, thầy còn có một biệt danh nữa mà Sư Ông đã đặt cho, đó là Trà sư (Tea master). Có lẽ đây là biệt danh mà mọi người ưa thích và gắn liền với phong thái thiền sư của thầy. Cái biệt danh Phù Vân thầy cũng rất thích. Hai biệt danh này nói lên được phong cách nhàn tịnh, giải thoát, tự do, tự tại của thầy mà bất cứ ai khi có cơ duyên gần gũi đều được thừa hưởng. Thầy luôn toát lên năng lượng thánh thiện, chân tình. Người phương Tây rất quý mến thầy.

Cầu học

Ngày 12 tháng 6 năm 1994, khi tôi tới Làng Mai tập sự tu học thì thầy đã có mặt ở đó. Thầy tới Làng vào năm 1991. Tôi không biết nhiều về những năm trước đó của thầy. Tôi chỉ xin kể lại một vài giai thoại, vài khoảnh khắc đặc biệt khi tôi được hầu cận và học hỏi với thầy. Câu chuyện thầy đến với Làng Mai, tôi được nghe kể lại, rất kỳ thú. Thầy là một người luôn cầu học, đặc biệt về thiền. Lúc còn ở Việt Nam, thầy đã theo học thiền với thiền sư Thích Thanh Từ, Viện chủ tu viện Trúc Lâm. Thời đó cùng tu học với thầy còn có các thầy như thầy Thích Minh Nghĩa (nay là Viện chủ tu viện Toàn Giác, trú trì Tổ đình Giác Nguyên), thầy Thích Phước Tịnh (hiện đang ở tại Tu viện Lộc Uyển) và còn nhiều huynh đệ khác cùng thời với thầy nữa. Những ai muốn biết nhiều hơn về thầy thì nên thân cận với quý ngài vừa kể trên, đặc biệt là Hòa thượng Phước Tịnh.

Trong quá trình tìm thầy học đạo, theo tôi được biết, thầy là một con người rất ham học, chân tình, phóng khoáng, phá chấp. Còn về những kỹ năng công việc hay lễ nghi thiền môn thì có lẽ thầy không giỏi lắm. Thầy là một người chuyên tu và thích một đời sống trầm tư mặc tĩnh. Thầy luôn có một khát khao cháy bỏng tìm học và đạt cho được ý chỉ về thiền. Thầy bôn ba khắp chốn để cầu học, ngay cả sau khi qua đến phương Tây. Hễ nghe ở đâu có các vị thiền sư nổi tiếng, thì dù họ là người xuất sĩ hay cư sĩ, thầy đều tới để tham cứu về thiền.

Nghe kể rằng thậm chí thầy còn đến đảnh lễ thiền sư nữ cư sĩ để cầu pháp thiền. Chỉ chừng ấy cũng chứng tỏ được sự khát khao học hỏi và tinh thần phóng khoáng, phá chấp nơi thầy. Thầy nỗ lực tham thiền nhiều giờ và trầm tư mặc tĩnh mong tỏ ngộ thiền cơ. Có lẽ thầy thường hay nhập định sâu mà quên cả hình hài. Cũng có lẽ vì như thế mà sau này mỗi khi thầy ngồi nhập định, dù là trong khi nghe Sư Ông giảng, thầy hay lắc đầu qua lại mà không ý thức được cái đầu đang lắc. Mỗi lần thấy như vậy, Sư Ông thường hay gọi tên thầy: “Thầy Giác Thanh, thầy mở mắt ra đi! Đừng nhắm mắt nhập định nữa!” Nghe lời Sư Ông, thầy mở mắt ra thì đầu hết lắc.

Chấm dứt sự bôn ba tìm cầu

Thầy bôn ba khắp nơi tìm thầy học đạo. Một hôm đi Canada thăm gia đình, thầy gặp lại Sư Ông trong một khóa tu tổ chức tại Làng Cây Phong, Montreal. Mùa thu ở vùng Bắc Mỹ luôn rực rỡ sắc màu, đẹp không lời nào tả được, chỉ có thể im lặng mà thưởng thức, mà tận hưởng thôi. Trong buổi thiền hành, Sư Ông và đại chúng dừng lại, ngồi trên cỏ, ngắm mùa thu, uống trà. Thầy Giác Thanh ngồi bên cạnh Sư Ông.

Trong cái thực tại mầu nhiệm ấy, Sư Ông đã chỉ tay vào rừng thu đang phô bày rạng rỡ rồi nói với thầy Giác Thanh: “Thầy Giác Thanh, cái mà thầy bôn ba tìm kiếm lâu nay, nó đang nằm sờ sờ đó kìa! Nó đó kìa! This is it!” Lời khai thị, chỉ điểm đó đã như giọt nước cuối cùng công phá khiến nước tràn ly, tạo nên một sự toang mở và tháo tung trong tâm thầy, chạm tới được cái trạng thái kỳ diệu, cởi trói và giải thoát trong tâm thức. Niềm hạnh phúc của sự nếm trải tự do trào dâng. Có lẽ cảm giác hạnh phúc vô tận đó chỉ có thầy mới cảm nhận được rõ ràng. Thầy đã thực sự chấm dứt sự bôn ba tìm cầu và ở lại nương tựa Sư Ông cho tới khi viên tịch. Từ mùa thu năm đó, mỗi khi tưởng nhớ đến thầy Giác Thanh, các sư em của thầy luôn hát Một lá ngô đồng rơi, bài hát mà thầy rất thích:

Một lá ngô đồng rơi
Có hay chăng người ơi
Một lá ngô đồng rơi
Thu đẹp đã về rồi.
Ngàn chiếc lá còn rơi
Đỏ au hay vàng tươi
Ngàn chiếc lá rơi rơi
Bay vèo ngập cả trời…

Sư Ông cũng làm câu đối này tặng thầy sau khi thầy viên tịch:

Một lá ngô đồng rơi,
người vẫn cùng ta leo đồi thế kỷ

Ngàn hoa thủy tiên hé,
đất cứ theo trời hát khúc vô sinh

Trong những năm gần gũi học hỏi, uống trà với thầy, thầy có kể rằng trước khi tới Làng Mai, thầy có một giấc mơ. Khi đang nằm ngủ trên giường, thầy thấy có một bà lão đứng dưới chân giường nhìn thầy với ánh mắt hiền lành, rất từ bi, rất sáng và nói: “Về thôi con!” Sau này gặp được Sư Ông, thầy thấy bà lão trong giấc mơ đó giống Sư Ông lắm. Thầy khẳng định bà lão đó không ai khác chính là Sư Ông. Cũng chính những nhân duyên như thế mà trong lòng thầy luôn kính và thương quý Sư Ông, một cách vừa kín đáo vừa dễ thương vô cùng.

Câu chuyện giác ngộ khi ngắm mùa thu rực rỡ ấy có lẽ khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện của thiền sư Linh Vân Chí Cần. Trong một sáng thức dậy, nhìn thấy hoa đào nở, bỗng nhiên thiền sư giác ngộ, bao nhiêu mối nghi hoặc trong lòng được tháo gỡ, và chạm tới được cái như nhiên của sự sống, của bản thân mình. Ngài đã bỏ ra tới ba mươi năm để tìm trang kiếm khách, tức là khám phá cho ra cái bản lai diện mục, cái con người đích thực của mình. Hoa đào nở, và thiền sư thấy.

三十年來尋剑客
几回落叶又抽枝
自从一见桃花后
直至如今更不疑

Tam thập niên lai tầm kiếm khách
Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi
Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu
Trực đáo như kim cánh bất nghi

Ba mươi năm tìm trang kiếm khách
Bao phen lá rụng lại đâm chồi
Từ khi nhìn thấy hoa đào nở
Đến nay tin chắc chẳng còn nghi
Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch

Mặc áo giải thoát

Có một thời gian khá dài thầy “không đắp y”. Vào các buổi tụng giới thầy chỉ mặc áo tràng, thậm chí chỉ mặc bộ áo vạt hò rồi khoác chiếc áo Tiếp Hiện bên ngoài. Mỗi lần thấy thầy Giác Thanh, một đại sư huynh tới thiền đường tụng giới mà không đắp y, thầy trụ trì xóm Thượng lúc bấy giờ tỏ ra rất không vui. Tất nhiên sự không hài lòng của một vị trụ trì, người anh lớn thứ hai trong tăng thân, là điều dễ hiểu, vì trách nhiệm của thầy là phải hướng đại chúng vào nề nếp, không muốn trong chúng ai thích làm gì thì làm. Biết là vậy, nhưng dù thầy trụ trì có không vui, có xin thầy đắp y để tụng giới, làm gương cho các em, thầy cũng không đắp y.

Tôi lúc đó còn là một sư chú nhỏ, không đủ trình độ để có thể nói lên điều gì, nên chỉ ghi nhận một cách vô tư chuyện đang xảy ra. Sư Ông hẳn có nghe phàn nàn và biết chuyện đó, nhưng chẳng hiểu sao Sư Ông tỏ vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Đại chúng cũng không ai phàn nàn gì và cũng không ai bắt chước. Có một sự thật rằng Sư Ông là thầy của thầy, Sư Ông không nói gì thì mình làm sao đủ trình độ để hiểu sự kiện ấy. Chỉ có Sư Ông và thầy ở trong tần số ấy mới hiểu nhau. Có lẽ là vậy nên Sư Ông không nói gì. Cuối cùng thầy vẫn là thầy, không đắp y.

Mùa xuân ở phương Tây đẹp vô cùng. Vào mùa đông, rừng cây trút hết lá, chỉ còn trơ trọi cành, trông như cây chết. Thế nhưng sau hơn ba tháng ngủ đông, những nụ, chồi non nứt ra rất nhanh, và chỉ trong một thời gian ngắn bao nhiêu lá xanh biểu hiện. Rừng cây đã xanh mơn mởn, đầy sức sống. Có những lần vào mùa xuân, thầy hay ngồi dưới hiên cốc Phù Vân rồi ngâm nga: “Y ta là đất trời bao la, là màu xanh của thiên nhiên, ngày này, thời nào ta cũng mặc…”

Cố Hòa thượng Mãn Giác, là huynh đệ, là bạn thâm giao của Sư Ông, có làm bài thơ:

Đạt đạo

Qua thiền môn: thấy trời xanh
Kim Cang kinh tụng chân thành từng trang
Khói hương quyện cảnh mơ màng
Hư không là chiếc y vàng quấn thân

Thiền Môn xưa sạch phong trần
Kim Cang kinh khép trầm luân thoát rồi
Ta từ sinh tử về chơi
Ngồi trên chót đỉnh mỉm cười với trăng

Thân ta là giải đất bằng
Tâm ta là nước sông Hằng mênh mông
Tình ta là đóa hoa hồng
Ý ta là cả cánh đồng tâm linh

Còn đâu nữa Kim Cang kinh
Thiền Môn biến mất mà mình vô ngôn
Bình minh về ngập hoàng hôn
Cười lên một tiếng tỉnh hồn ngàn năm

Có lẽ bài thơ Đạt đạo này đã nói lên tất cả tâm tư của con người giải thoát trong thầy. Thầy đã vượt ra khỏi cái tướng giả tạo và thể nhập vào thực tại vô tướng mà chỉ có thầy mới cảm nhận sâu sắc về nó. Sư Ông hiểu được thầy. Tuy trên hình tướng thầy đã không đắp y, nhưng trong nội dung, trong lòng của một người đã đạt tới thực tại vô tướng thì thầy vẫn luôn đắp y. Thầy đã đắp y giải thoát, mặc áo giải thoát và ai có thể thấy biết được điều đó? Chính thầy và Sư Ông.

Sự tĩnh tại và tự do trong lòng các thiền sư được biểu hiện qua rất nhiều phong thái khác nhau. Có một điều đặc biệt, mà ai cũng biết, là chúng ta không thể nào bắt chước để thật sự trở thành họ được. Nếu cố bắt chước phong thái thiền sư, thế nào cũng bị cho “ăn gậy thiền”.

Bất động và tự tại

Xóm Thượng trong những ngày đầu tiên tôi đến vẫn còn rất hoang sơ. Vật chất, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Chúng tăng lúc đó chỉ có khoảng 15 vị. Anh em sống với nhau rất hạnh phúc, biết đủ. Vào những ngày đông giá lạnh, phòng ốc còn chưa kín kẽ, trong phòng chỉ có cái lò sưởi củi nhỏ và cái giường làm bằng một tấm ván ép kê trên mấy cục gạch.

Đầu hôm chúng tôi đốt lò sưởi để ngủ, nhưng tới giữa đêm thì củi tàn, bếp lạnh và chúng tôi cũng lạnh, nằm co ro trong túi ngủ mỏng manh. Thức dậy sáng sớm luôn là một thách thức rất lớn. Phải anh hùng lắm. Muốn dậy là phải dậy ngay và phải nhảy, phải vận động cơ thể một lúc mới dám bước ra ngoài đi rửa mặt, đánh răng và đi công phu. Thiền đường xưa vốn là chuồng bò, không có lò sưởi, bốn vách được xây bằng đá vôi. Dù lạnh như nước đá, anh em vẫn đi ngồi thiền, công phu sáng tối đều đặn.

Ở xóm Thượng có một nhà bếp nhỏ, trên nhà bếp có phòng gác. Đó là phòng ăn của chúng tăng. Bàn ăn được bố trí theo hình chữ khẩu để anh em ngồi ăn trông thấy mặt nhau, thực tập có mặt cho nhau. Một sáng nọ, sau hai tiếng chuông chấm dứt 20 phút ăn trong im lặng, có một sư em, vốn là người rất nóng tính, đứng dậy ở phía đối diện với thầy và mắng thầy rất nặng khiến ai nấy đều chưng hửng, bàng hoàng.

Tôi không thể ngờ được một sư em có thể chửi mắng đại sư huynh của mình như vậy: “Thầy là thiền sư gì mà thiền sư! Thầy là đồ cứt, là đái…!” Khi tôi nhìn sắc thái của thầy Giác Thanh, tôi càng kinh ngạc hơn. Thầy vẫn ngồi ăn một cách bình thản, an nhiên, bất động, tự tại trước những lời lăng mạ của sư em mình. Thầy nhìn sư em với ánh mắt thương xót và cảm thông. Các sư anh khác tới can ngăn và kéo thầy đó rời khỏi nhà ăn. Tôi nghĩ sẽ có chuyện lớn xảy ra rồi đây. Thế nhưng mọi thứ vẫn êm đềm như đã không có gì xảy ra. Có lẽ thầy đã không cho thầy trụ trì bắt sư em mình ra sám hối, có lẽ thầy đã bảo chuyện đó cứ để cho sư huynh giải quyết. Nơi thầy có tấm lòng bao dung, độ lượng, và luôn muốn đơn giản hóa vấn đề.

Vài ngày sau, sư em đó tự động đắp y ra cốc và lạy sám hối thầy vì sự u mê của mình. Thầy cũng không để cho sư em đó lạy mà bảo giải y và ngồi xuống chơi với sư huynh. Thầy pha trà cho uống, chia sẻ, lắng nghe và dạy bảo nhẹ nhàng. Ngay sau đó, mọi chuyện như chẳng có gì đã từng xảy ra. Câu chuyện này khiến cho tôi có niềm tin vững chãi hơn nữa rằng: chuyện giải thoát, giác ngộ là có thật, là thứ mình chứng kiến được bằng đôi mắt của mình mà không chỉ được đọc trong sách vở. Tôi hạnh phúc khi được gần gũi một đại sư huynh như vậy.

Không có gì sinh, không có gì diệt

Có lần trong khi làm thị giả, tôi vô ý làm vỡ cái tách trà cổ của thầy. Thầy có bộ trà cổ mà thầy rất quý. Thầy là một trà sư. Trà sư luôn có trà ngon và có những bộ bình trà quý. Tuy nhiên, thầy chỉ có một bộ bình trà quý đó thôi. Thầy luôn có nhiều thiền sinh từ nhiều quốc gia đến thăm. Tùy khách mà thầy đãi trà. Trở lại câu chuyện tôi làm vỡ tách trà cổ quý của thầy. Lúc thầy đang rửa bộ trà dưới hiên cốc, thầy nhờ tôi lấy giúp cái xốp rửa chén. Khi mang tới đưa cho thầy thì tôi đã sơ ý chạm nhẹ ngón chân vào một trong bốn cái tách trà khiến nó lăn mấy vòng, rồi tự dưng bể làm hai.

Lúc ấy tôi sợ tái mặt, người run lên không thể kiềm chế. Thấy vậy, thầy nhanh tay nhặt hai mảnh vỡ lên, giấu nó sau lưng, rồi thầy nói: “Hừ! Đâu có gì bể đâu, phải không con? Cái tách này vốn chưa từng bể. Nó giả vờ bể vậy thôi chứ nó làm sao bể được. Tất cả đều do nhân duyên mà hợp, rồi cũng do nhân duyên mà ẩn tàng. Bản chất của nó không hề bể”. Tôi thì sợ và tiếc cho thầy vì biết thầy rất quý những cái tách đó. Nhưng sau khi nghe thầy nói vậy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Thầy đã từ bi lấy đi cái lo sợ trong lòng tôi và còn dạy cho tôi tính chất không sinh không diệt của cái tách trà. Đó là bài học mà tôi không bao giờ quên được. Thầy rất quý bộ trà đó nhưng thầy cũng sẵn sàng buông bỏ nó bất cứ lúc nào.

Chút trẻ con dễ thương trong thầy

Có một thời gian dài thầy không đi thiền ngoài trời với đại chúng. Bệnh tiểu đường khá nặng đã hành thầy. Trong hai năm liền, ngoài việc làm thị giả cho Sư Ông, tôi còn đảm trách lo cơm nước, giặt giũ cho thầy. Thức ăn của thầy người bình thường không thể ăn nổi vì không sử dụng bất cứ gia vị gì kể cả muối. Tôi đã phải sáng tạo rất nhiều, chế biến các món ăn lạ lẫm để tạo cảm hứng cho thầy. Thầy ăn giỏi lắm. Nhưng giỏi cách mấy, cố gắng cách mấy có khi cũng ngán. Có lần thầy ngán quá, không biết thầy đã xin đâu được gói mì, thầy lén chế mì ăn. Tôi bắt gặp và cố gắng ngăn thầy không cho thầy ăn. Thầy nói: “Pháp Niệm! Để sư huynh ăn một gói này cho đỡ ngán”. Thế là tôi không thể ngăn cản thầy được. Thật ra tôi cũng chỉ giả bộ làm vậy chứ biết là thầy ngán thức ăn của thầy lắm lắm rồi.

Có lần thầy bị sưng cổ chân, đi lại không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu cố gắng thì thầy vẫn đi được. Vì nhiều tháng thầy không đi thiền ngoài trời với đại chúng nên Sư Ông đã đích thân đến thăm và bảo thầy nên ra ngoài đi thiền với đại chúng. Thầy nói chân con đau, đi không được. Tưởng như vậy thì Sư Ông sẽ để yên, ai dè Sư Ông còn ép ra đi thiền hành. Sư Ông đã rầy nhẹ thầy và bảo thầy phải đi thiền ngoài trời mỗi ngày thì cái chân đó mới lành được. Không dám trái lệnh Sư Ông, thầy tuân theo, nhưng trong lòng thầy khó chịu, thầy thầm nghĩ: “Dạ, được thôi, mình đi cho cái chân này nó sưng vù lên cho bõ ghét! Đã không thương hại rồi mà còn ép đi thiền nữa!” Nhưng sau khi thầy đi thiền với đại chúng chừng một tuần thì điều kỳ diệu xảy ra, cổ chân của thầy hết sưng, lành lặn và đi lại dễ dàng. Vô cùng ngạc nhiên, thầy đã thốt lên: “Hừ! Ông già ghê quá!” Chúng ta ai cũng có cái tính trẻ con trong mình dù mình đã lớn cách mấy. Và cái tính trẻ con đó hồn nhiên, đẹp một cách lạ lùng nơi thầy.

Hát khúc vô sinh

Năm 2001, trong khi Sư Ông và tăng thân đang hoằng pháp ở Trung Quốc thì hay tin thầy viên tịch. Sư Ông và đoàn làm lễ tưởng nhớ thầy trên xe buýt vì những ngày này lịch hoằng pháp rất dày. Những năm cuối đời, thầy đã được Sư Ông bổ nhiệm làm trụ trì tu viện Lộc Uyển ở Nam California. Thầy đã làm một vị trụ trì rất tuyệt vời. Ngày thì làm việc, đêm về nằm nghỉ, đeo cái túi lọc thận suốt 12 tiếng đồng hồ. Thương thầy quá. Có điều lạ là, khi thầy về tu viện Lộc Uyển và làm trụ trì, không biết vì lý do gì, thầy đã đắp y trở lại. “Tùy xứ tác chủ, lập xứ đắc chân” (Thiền sư Lâm Tế). Tùy nơi, tùy hoàn cảnh, tùy nhân tình mà thầy biết cần hành xử như thế nào cho thích hợp. Âu tất cả chỉ là thị hiện. Đối với thầy thì nắm hay buông cũng đều tự tại. Con người tự do không kẹt vào hình tướng nào dù đó là “vô tướng”. Trong kinh Kim Cương cũng đã nói: “Thầy Tu Bồ Đề, thầy đừng nghĩ rằng Như Lai đạt tới vô thượng chánh đẳng chánh giác mà không cần tới các tướng một cách đầy đủ. Tu Bồ Đề, đừng nghĩ như thế.”

Ở tu viện Lộc Uyển, trên sườn núi, có dựng ngôi tháp để tưởng nhớ thầy. Lòng tháp khắc bài thơ Sư Ông viết truy tán thầy:

Trượng phu tiếng đã biết
Việc đáng làm đã làm
Tháp vừa dựng sườn núi
Tiếng cười trẻ đã vang

Thầy đúng là một bậc anh hùng, một trượng phu. Và việc đáng làm nhất của người tu thầy đã thực hiện được, đó là sự nghiệp giác ngộ. Ngôi tháp mà giờ đây chúng con đang thừa hưởng đã được thầy dựng lên không phải bằng đá mà bằng chính chất liệu giải thoát, giác ngộ, bất động, tự tại. Ngôi tháp đó cũng là tăng thân của thầy. Trong nhiều năm qua, từ khi thầy thị tịch, đã có nhiều bạn trẻ người Việt cũng như người Mỹ đến tu tập và xuất gia tại Lộc Uyển. Tất cả đều là sự tiếp nối của thầy. Tiếng cười hồn nhiên, an vui, tự tại và giải thoát vẫn luôn vang vọng giữa đất trời bao la vô tận này.

Thưa thầy Giác Thanh, có nhiều người có nhiều câu chuyện để nói về thầy hay hơn những khoảnh khắc con đã có được với thầy. Mỗi khi ngồi pha một bình trà để uống, con luôn nhớ đến thầy với những pháp âm sống động, vang vọng trong tâm trí và trong những tách trà ấm áp thuở nào thầy đã dạy con cách uống trong tỉnh thức.

Hừ! Thầy vẫn luôn có mặt đó, trong mỗi chúng con và vẫn đang vui đùa, uống trà cùng chúng con đó mà. Hừ! Hừ! Hừ!

Con thành tâm đảnh lễ Giác linh thầy.

(Thầy Chân Pháp Niệm)

Vườn Ươm vào ngày chư Tăng hoan hỷ 2022

Vào ngày 09 tháng 10, tại Tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan đã diễn ra Lễ Tự Tứ  kết thúc Khoá tu An Cư Mùa Mưa năm 2022 với sự tham dự của gần ba trăm vị xuất sĩ nam, xuất sĩ nữ cũng như cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Buổi lễ diễn ra trong một buổi sáng trời trong, cơn mưa phùn nhẹ rơi lất phất làm thanh tịnh và êm dịu cả vùng đồi núi. Đất trời dường như đang hòa chung niềm vui với đại chúng.

Sau ba tháng thực tập miên mật và hết lòng, khu vườn tâm của mỗi người được chăm sóc kĩ càng giờ đây đã đơm thành những nụ cười tỏa chiếu an lạc và kết nên thật nhiều những ánh mắt lấp lánh yêu thương. Đây thật sự là ngày Tết của những người con Bụt, xuất gia cũng như tại gia. Tự tứ còn là ngày Bụt hoan hỷ, chư Tăng hoan hỷ bởi nhân dịp này, mỗi người được thực tập nương tựa Tăng thân, cầu mong sự soi sáng, chỉ dẫn từ những người bạn đồng tu đã sống và thực tập chung trong suốt thời gian an cư. Đôi mắt của Tăng thân giúp mình thấy rõ mình hơn, nhờ vậy mà mình thêm vững vàng để bước tới và tiến xa trên con đường tâm linh. Sự thực tập vững vàng của từng cá nhân sẽ góp phần vào năng lượng tập thể, làm thành sức mạnh đưa con thuyền tăng thân đi tới, tiếp tục công trình đẹp đẽ của Bụt, đem từ bi, hiểu biết đóng góp cho cuộc đời.

Trong ngày này, đại chúng cũng bày tỏ niềm biết ơn đối với liệt vị tổ tiên tâm linh cũng như huyết thống, tổ tiên đất đai bằng sự thực tập chánh niệm qua các buổi lễ như Lễ chúc tán Tổ sư Khương Tăng Hội, Lễ hiệp kỵ và đồng thời cầu nguyện bình an đến với mọi người, mọi loài bằng nghi thức Cúng đại thí thực.

Dưới đây là một vài hình ảnh của ngày Tự tứ, mời mọi người cùng sẻ chia niềm vui với đại chúng Vườn ươm:

 

Điện thư từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam

Thân mến gửi tăng thân Làng Mai,

Một vĩ nhân đã rời xa chúng ta.

Tôi biết rằng những học trò của Ngài sẽ tiếp tục con đường chánh niệm mà Ngài đã mở ra.

Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội đã đăng tải thông điệp này trên Facebook để tưởng nhớ tới một bậc thầy tâm linh vĩ đại, hiện thân của bình an, trí tuệ và sáng tạo.

“Chúng tôi xin được bày tỏ lòng kính ngưỡng đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã viên tịch vào thứ Bảy vừa qua ở tuổi 95 tại Tổ đình Từ Hiếu, Thành phố Huế. Chúng tôi xin gửi lời phân ưu sâu sắc tới toàn thể thân quyến cùng hàng trăm ngàn học trò của Thiền sư – những người đã được Thiền sư khơi nguồn cảm hứng. 

Là một nhân vật Phật giáo lỗi lạc, một nhà hoạt động vì hòa bình nổi tiếng, Thiền sư đã tạo ảnh hưởng tâm linh sâu rộng trên toàn thế giới, đặc biệt ở Pháp, nơi Người đã sống hơn 40 năm và viết rất nhiều sách về thiền tập. Chính tại miền Tây Nam nước Pháp, Thiền sư đã tạo dựng nên Làng Mai – một trung tâm thiền tập và một tu viện Phật giáo chính ở châu Âu. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đồng thời còn là một nghệ sĩ, một nhà thư pháp được nhiều người biết tới qua những tác phẩm viết bằng mực Tàu trên giấy dó mà chúng tôi đã có hân hạnh được thưởng lãm trong đợt triển lãm thư pháp của Thiền sư tổ chức tại Hà Nội hồi năm ngoái.”

 

Nicolas Warnery

Đại sứ Pháp tại Việt Nam

 

 

 

 

 

Ngày thu tri ân

Một ngày cuối tuần mùa thu, khi những tia nắng đầu ngày đang háo hức thả mình trên từng chiếc lá bạch dương reo vui trong gió, xóm Hạ chào đón quý thầy, quý sư cô và các vị thiền sinh đến tham dự ngày quán niệm. Như muôn sông chảy về biển lớn, hơn 500 người cùng hướng về thiền đường Hội Ngàn Sao để nghe pháp thoại. Trong bài pháp thoại của mình, sư cô Hội Nghiêm đã kể cho đại chúng nghe về cuộc đời và sự nghiệp của Sơ tổ Thiền tông Việt Nam – Khương Tăng Hội. Nội dung kinh 16 phép quán niệm hơi thở mà sư cô trình bày cũng tiếp nối hạnh nguyện của chư Tổ – như những giọt mưa pháp, rơi xuống, tắm mát khu vườn tâm của mỗi người.

Sau đó, đại chúng được đứng bên nhau hát những bài thiền ca và thực tập thiền hành. Vòng tròn Tăng thân hôm nay thêm rộng lớn với sự có mặt của các vị thiền sinh trong tăng thân cư sĩ thành phố Toulouse, miền Tây Nam nước Pháp. Dưới mỗi bước chân an lành, từng đóa hoa của lòng biết ơn hé nở nhẹ nhàng nơi thật địa. Hoa cũng nở thầm lặng cả trong lòng người bởi hôm nay là một ngày đặc biệt khi đại chúng vừa được tưởng nhớ và nuôi dưỡng trong lòng công hạnh của Tổ sư Khương Tăng Hội và cũng gửi biết bao lòng biết ơn tới người Mẹ đã ban tặng cho đời một vị Thầy vĩ đại – Thầy Làng Mai của tất cả các con gần xa. Không gian yên lặng của bữa trưa thêm ấm cúng khi đại chúng được dùng cơm chung với chư Tổ, với Mẹ và với Thầy. Trong giờ phút thân thương và đầm ấm đó, tiếng hát họa mi của Sư cô Chân Không đã vang lên thanh thoát, nhẹ nhàng nhắc nhở mỗi người về lòng biết ơn tới bát cơm mình được thọ nhận. Mọi người thực tập ăn cơm im lặng với thật nhiều niềm vui,  ý thức rằng cả vũ trụ đang dang tay góp mặt để nuôi dưỡng mình.

Để ăn mừng ngày Tiếp nối của Thầy 11.10, chiều cùng ngày, bên tách trà nóng và những miếng bánh của tình huynh đệ, tăng thân lại quây quần bên nhau để kể cho nhau nghe những kỉ niệm về Thầy, đọc thơ Thầy và hát những bài thơ đã được phổ nhạc của Thầy… Nhân ngày biểu hiện của Thầy, chúng con nguyện cùng nhau đi tới, nỗ lực duy trì những thực tập Thầy đã trao truyền. Và để dòng chảy tâm linh tiếp tục chảy tới những nơi đang cần đến chúng con và pháp môn tu học.

Với bước chân chánh niệm Thầy đã trao truyền, chúng con nguyện bước xuống thật địa những bước chân thảnh thơi và vững chãi để mời Thầy có mặt trong từng phút giây hiện tại của tất cả chúng con.

 

 

Nếp chùa

Thuở ấy, chúng ta sống còn nhiều khó khăn, thu nhập còn thấp. Ăn mặc thiếu thốn, dậy sớm thức khuya để làm việc. Ngôi chùa mới được dựng lên còn sơ sài, vật liệu làm chùa được tận dụng từ ngôi trường cũ, có sẵn ở khuôn viên chùa. Phật tử lên rẫy canh tác mưu sinh, đốn cây gỗ Ké còn lại. Gỗ Ké rất cứng, chắc và chịu được nắng mưa. Cưa, búa, bào, đục chạm vào là rất mau lụt, phải mài dũa nhiều lần trong một buổi, làm rất nhọc sức và mất công. Phật tử cùng nhau công quả, nhờ thêm bò kéo cộ mới chở gỗ về được. Đường đất lên rẫy qua dốc rồi lại xuống trũng. Cộ bò mới kéo được đất đắp nền. Đi xa chở nước tưới nền, nước đựng vào các thùng phuy. Phải hết lòng mới dựng được chùa rộng thoáng và mới có nơi cho đông người ngày đêm tu học. Hồi ấy, điện nước chưa có, đèn dầu thì hạn chế theo chỉ tiêu, không có bán ở ngoài cửa hàng hợp tác xã. Một hộ được mấy lít theo định kỳ. Thế mà thầy trò vẫn tu học đều đặn mỗi đêm. Học giáo lý nội dung không chờ đợi thần linh, ngày giờ tốt xấu. “… Tự mình thanh tịnh mình, không ai thanh tịnh ai”. Tụng kinh sám hối bằng kinh Pháp cú. Những đoạn trong bộ Nikaya, dễ hiểu, có thể ứng dụng vào đời sống hàng ngày. Bài giảng như cách niệm Phật, cụ thể sau đây: “không đào khoai từ, khoai tía, không hái đu đủ, rau lang là niệm Phật thiết thực, an lạc ở trần gian”. Sinh hoạt không khí vui tươi, đầm ấm thân tình. Qua năm tháng, chúng ta có đủ sức duy trì, tu bổ và phát triển tuỳ duyên. Nhờ thế mà chùa mỗi ngày mỗi tươm tất hơn.

 

 

Phật tử âm thầm thu xếp việc nhà, lúc thời tiết cho phép, đem nông cụ đến cuốc đất trồng mì, bắp, đậu… Đến lúc thu hoạch, lại đến giúp đỡ, xắt phơi… Có nhà phát tâm làm giúp một sào. Diện tích đất của khuôn viên chùa là hơn 2 mẫu tây. Nhờ thế, thầy và mẹ thầy có đủ ngày tháng sống không chút thiếu thốn. Mì lát khô dư ra thì đem đổi lấy xi măng đúc nền chùa, mua gỗ để lúc cần thì sử dụng. Thời gian thầy qua Pháp tu học, phật tử ở nhà tự chia phiên nhau ngủ đêm, trực ngày để vừa tự tu học, vừa làm các việc cần làm. Còn thầy luôn để tâm nâng cao phẩm chất của sự thực tập và cải thiện phương pháp hướng dẫn sao cho hiệu quả cho mọi giới. Có bao nhiêu nghi ngờ khó khăn đã đến. Song, thuận duyên vẫn đủ để đi tới. Đó là nhờ ơn tổ tiên che chở, nhờ quý Phật tử yểm trợ hết lòng. Và nhờ lòng người cảm thông rộng mở, cho nên chúng ta vẫn thực tập chánh pháp cho tới hôm nay. Trải qua gần nửa thế kỷ, Từ Đức đã thay đổi một cách đáng trân quý, dù con đường hành trì vẫn chưa đến đâu.

Con Phật muốn tu, giáo hội giúp đỡ và xã hội khắp nơi cảm thông, lòng tin trong sáng trong chúng ta mới được lớn lên qua tháng ngày. Chúng ta thực tập đạo lý Duyên khởi, Tứ đế, Bát chánh đạo. Đặc biệt, pháp hành hằng ngày là Chánh niệm. Chánh niệm là hạt giống giác ngộ tiềm ẩn trong tâm thức. Trong mọi sinh hoạt, chúng ta nuôi dưỡng ý thức sáng tỏ bằng hơi thở, bước chân thì hạt giống giác ngộ sẽ phát khởi cho mầm, cho lá và cho cây. Cây giác ngộ giúp ta minh mẫn an lạc, hạnh phúc, hiểu và thương tự thân, mọi người, mọi loài, giúp mọi người tiếp nhận hành trì cải thiện nếp sống mỗi ngày. Lúc ấy, thiên nhiên phản hồi trị liệu dưỡng nuôi. Đó là con đường có khả năng chuyển hoá khổ đau, tạo niềm an lạc, hạnh phúc cho tự thân, cho gia đình và xã hội.

 

 

Mọi người sống hiếu thảo với chính mình, với tổ tiên và với cuộc đời. Từ lâu, chúng ta đã bỏ hút thuốc, rượu bia… xóm làng yên ổn, hiền hoà. Chúng ta đã cùng nhau trồng cây phủ xanh đồi trọc gần khoảng 9 mẫu. Tuy rằng do dịp nắng lớn, lâu ngày không mưa đã làm rừng cây bị chết, nhưng năng lượng bảo vệ thiên nhiên vẫn còn đó với đời sống của chúng ta.

Các dịp lễ lớn hoặc sáng mồng 4 Tết Nguyên Đán, chúng ta về chùa, chia nhau đi nhặt rác khó phân huỷ ở đường tàu, ở chợ Vĩnh Thái, ở nghĩa trang và một số con đường chính sau khi trình rõ với chính quyền địa phương. Chúng ta thực tập chánh niệm trong việc làm này để mọi người có hạnh phúc tập thể, tạo được một năng lượng chung để bảo vệ môi trường nơi tâm thức cộng đồng. Đó là pháp môn “niệm rác”. Pháp môn giản đơn mà ảnh hưởng rất sâu sắc và lâu dài.

Khuôn viên chùa, từ năm 1975 đến nay, không bón phân hoá học, thuốc diệt cỏ, không phun thuốc trừ sâu. Không đốt rác, rác được trộn xuống để cải thiện đất. Chúng ta đã trồng cây xanh qua nhiều giai đoạn. Ban đầu là cây Tràm, một ít cây Sứ, rồi cây Sao, Sến. Rồi cây Xà Cừ, cây Bàng nhỏ lá, cây Gió, cây Tùng, Bằng Lăng, Dầu. Cuối cùng, là một ít cây Ô Môi và cây Giáng Hương. Đến bây giờ cây xanh trồng không còn chỗ trống. Bỏ dần gần hết cây Điều và Xoài mà ban đầu đã được trồng để làm kinh tế. Chùa còn trồng thêm một ít cây Mít múi đỏ để đại chúng dùng lúc chín. Chất đốt của chùa chưa bao giờ thiếu. Vài bữa nữa thợ đến, xây hai lò nấu bằng củi có thể đảm bảo đủ cho số đông người ăn uống. Các thức ăn được nấu bằng bếp củi thì có nhiều ích lợi cho sức khoẻ hơn là nấu bằng bếp gas hay bếp điện. Đó là kinh nghiệm của đông y. Nấu củi ít ô nhiễm môi trường, ít xảy ra tai nạn cho người đứng bếp. Lò nấu củi do thợ có chuyên môn thi công, nên không những sẽ tránh được khói toả ra lung tung, mà còn ít tốn củi và ít nóng bức cho người đứng bếp. Các thứ treo ở giàn bếp được xông khói sẽ bảo quản được rất lâu và có thể làm thuốc theo đông y. Thầy trưởng ban xây dựng cho biết, chùa chuẩn bị xây 2 lò nấu củi, chi phí khoảng hơn 100 triệu. Tuy số tiền nhiều nhưng vì lợi ích nhiều mặt nên chùa vẫn thực hiện. Mong sao bếp củi được hoàn thành càng sớm càng hay.

Về phần nước uống, chúng ta đã có máy lọc nước điện phân, rất tốt cho sức khoẻ và có ích cho việc trị bệnh. Nhiều vị Phật tử xa gần vì cảm được cách sống ở Từ Đức, nên đã phát tâm yểm trợ. Nhờ vậy, chùa càng ngày càng thêm đầy đủ, có thêm điều kiện để chăm sóc cho các vị thường trú và mọi giới xa gần đến đây. Chăm sóc thân thêm sức khoẻ và tâm thấy thư thái, lắng yên. Đồng thời, biết cách chuyển hoá khổ đau, căng thẳng, chế tác an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại và cả trong tương lai lâu dài. Đây là nhu cầu rất cấp thiết giữa thời đại có quá đủ tiện nghi mà đầy khó khăn, sầu khổ và chán chường.

Pháp môn chánh niệm giúp con người xuất gia hay tại gia biết thay đổi tư duy và hành động. Từ chối mọi cách sống sa vào cạm bẫy độc hại của máy móc tối tân. Từ chối thức ăn, thức uống đã được chế biến sẵn, tuy hấp dẫn cho con mắt và cho vị giác nhưng làm tổn hại cho sức khoẻ con người và cộng đồng. Nhờ vậy, mọi người dễ dàng sống theo con đường Tứ thực (Đoàn thực, Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực), con đường của Bát chánh đạo.

Chánh niệm về hơi thở là khi thở vào, ta để tâm bám sát hơi thở vào cho đến lúc thở ra. Khi thở ra, ta cũng để tâm bám sát hơi thở ra cho đến lúc thở vào. Bám sát hơi thở vào và hơi thở ra như vậy sẽ tạo nên sự hoà hợp giữa thân thể, hơi thở và tâm. Tâm thức làm một với hơi thở, tâm là hơi thở. Đó là thực tập sống có Chánh niệm. Chánh niệm có mặt thì Định lực có mặt, đồng thời Tuệ giác cũng có mặt. Niệm, Định, Tuệ chân chánh giúp con người biết cách sống một nếp sống an lạc và tự do. Một thời gian nếp sống ấy chín muồi, Niệm, Định, Tuệ giúp con người có cái thấy rõ bản chất của sự sống là sát na Vô thường, Vô ngã và Niết bàn. Đến đây, con người không còn bị trói buộc vào ý nghĩ, vào ý niệm sinh, già, bệnh, chết cho dù điều đó vẫn cứ diễn ra. Chúng ta thường hiểu rằng mục đích của sự tu tập là để chấm dứt luân hồi sinh tử. Nhưng luân hồi làm sao mà chấm dứt được. Vì luân hồi chấm dứt là sự suy tư trái với sự thật, trái với bản chất của sự sống, của các pháp là Vô thường, luôn biến chuyển từ dạng này qua dạng khác một cách cực kỳ nhanh chóng. Tu chỉ có mục đích là chuyển từ luân hồi sinh tử buộc ràng liền biểu hiện thành luân hồi sinh tử an lạc và tự do. Đó là đạo lý Duyên khởi tương tức “không sinh cũng không diệt, không có cũng không không, không dơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt. Tuệ giác qua bờ ấy không một pháp nào trên”.

 

 

Mong sao chúng ta có đầy đủ duyên lành để có thể sống theo được ít nhiều nếp sống mà đức Thế Tôn đã để lại. May thay, nhờ có bậc Thầy tuệ giác hiện tại, một bậc Thầy đã hết lòng chỉ dạy những pháp môn hành trì một cách rõ ràng và cụ thể cho mọi giới. Những pháp môn ấy đã và đang được người Việt Nam cũng như mọi người ở các nước phương Tây tiếp nhận để hành trì và tiếp tục hướng dẫn cho mọi thành phần trong xã hội bây giờ và mãi mãi. Ngỏ hầu báo đáp Năm ân cao quý sâu dày. Muốn ước mơ này trở thành sự sống cụ thể, thì chúng ta cần chia sẻ thế nào để cho con cháu mình để tâm đầu tư vào nếp sống tâm linh chân chính. Để thực hiện được điều đó thì mọi lứa tuổi cần về chùa tu tập mỗi đêm, mỗi Chủ nhật trong ngày Quán niệm. Có như vậy thì hạt giống Chánh niệm và những hạt giống tốt khác trong chiều sâu tâm thức của mỗi chúng ta mới được tưới tẩm thường xuyên và sớm có hiệu quả. Ở chùa, chúng ta lại nương nhờ vào năng lượng Chánh niệm tập thể để cùng thực hành những pháp môn cụ thể, rõ ràng. Nhờ sử dụng tiếng Việt trong sáng, linh động và chúng ta là người Việt, nên sẽ rất dễ dàng để tiếp nhận các nội dung thâm sâu như Duyên khởi, Vô ngã, Vô thường… Sự tiếp nhận này giúp cho cái học, cái hiểu của chúng ta thêm thấu đáo và sự hành trì của chúng ta mỗi ngày sẽ thêm vững chãi và thảnh thơi hơn trên con đường chánh pháp. Vì hạnh phúc an lạc cho mỗi người, mỗi gia đình và xã hội, các Phật tử thơ ấu lẫn đã lớn tuổi nên phát tâm về chùa thực tập với quý Thầy, quý Sư chú và các bạn đồng tu đang chăm chỉ thực hành.

Chùa Từ Đức, ngày 24 tháng 6 năm 2022

Thân Kính

Thích Giác Viên

 

Niềm thương bình an

Vậy là đã gần hai năm qua, cả thế giới cùng trong cơn đại nạn. Ở nơi rừng yên này, không phải kinh qua những khó khăn một cách trực tiếp, nhưng tôi vẫn tiếp xúc, vẫn đồng cảm, vẫn là một với tất cả, và có mặt ôm lấy niềm đau của nhân loại. Một hôm, trong tư thế phủ phục, tôi lắng nghe văn quán niệm về Ba cái lạy và đã có những cảm nhận thật sâu sắc, như nhịp đập yêu thương của trái tim mình.

    “Năm vóc sát đất, con tiếp xúc với mọi người và mọi loài đang có mặt với con giờ này trong sự sống.Con thấy con là sự sống mầu nhiệm đang dàn trải trong không gian. Con thấy con liên hệ mật thiết tới mọi người và mọi loài; tất cả những hạnh phúc và khổ đau của mọi người và mọi loài là những hạnh phúc và khổ đau của chính con. Con là một với những người sinh ra đã có khuyết tật, hoặc vì chiến tranh, tai nạn hay ốm đau mà trở thành khuyết tật. Con là một với những người đang bị kẹt vào những tình trạng chiến tranh, áp bức và bóc lột. Con là một với những người chưa từng có hạnh phúc trong gia đình, không có gốc rễ, không có bình an trong tâm, đói khát hiểu biết, đói khát thương yêu, đang đi tìm một cái gì đẹp, thật và lành để bám víu vào mà tin tưởng. Con là một với người đang hấp hối, sợ hãi không biết sẽ đi về đâu. Con là em bé sống trong nghèo khổ, tật bệnh, chân tay gầy ốm như những ống sậy, không có tương lai. Con là kẻ đang chế tạo bom đạn để bán cho các nước nghèo khổ.

Con là con ếch bơi trong hồ mà cũng là con rắn nước cần nuôi thân bằng thân ếch nhái. Con là con sâu con kiến mà cũng là con chim đang đi tìm kiếm con kiến con sâu. Con là cây rừng đang bị đốn ngã, là nước sông và không khí đang bị ô nhiễm, mà cũng là người đốn rừng và làm ô nhiễm không khí và nước sông. Con thấy con trong tất cả mọi loài và tất cả mọi loài trong con.” (Nhật tụng thiền môn 2012)

Bằng thiền quán, những cảnh khổ tôi có thể tiếp xúc được là hình ảnh những nạn nhân covid sống trong bất an sợ hãi, trong khổ đau khi từng người, từng gia đình, từng cộng đồng bị lây nhiễm; những đau đớn, hãi hùng, tuyệt vọng và cô đơn của những nạn nhân thiếu may mắn phải đối diện với cái chết. Khổ đau không chỉ dừng lại ở bệnh tật mà bên cạnh đó, bao nhiêu người khốn đốn do sự bất ổn của nền kinh tế, bao người thất nghiệp, bao công ty phá sản, bao người nông dân thất thu,… Nơi thì thực phẩm không đủ, nơi thì phải bỏ đi công phu lao tác của mình. Bao khổ đau, bế tắc phủ lên tất cả nhân loại không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, màu da, tôn giáo.

Tôi ở đây không lãng quên nỗi khốn khổ ngoài kia. Tôi cũng có trái tim biết đau cái đau chung. Và tôi chọn nuôi lớn bình an của chính tôi trong đời sống hàng ngày để gởi đi năng lượng thương yêu dù nhỏ bé mong xoa dịu một đại thể đang tổn thương. Tôi chọn trân trọng những điều kiện hạnh phúc đang có quanh mình. Sự trân trọng ấy giúp tôi sống trọn vẹn từng giây phút. Dù có chuyện gì đến, tôi cũng sẽ chấp nhận vì tôi đã hết lòng với những gì tôi đã sống. Đó là cách tôi đóng góp tình thương yêu của mình cho cuộc đời.

Ta ngồi yên trước gió
Gió thổi đời lao xao
Ta ngồi yên như núi
Vững lặng niềm thương sâu

Nhìn mây bay qua núi
Hoa rơi bên trời xa
Thương đời giông gió lạnh
Bình yên ta nuôi ta

Ta không xoay gió được
Ta khó dời lao xao
Bình an ta thở nhẹ
Bình an ta về nhà

Ta không xoay gió được
Ta khó dời lao xao
Ta gom bình an lại
Gửi cuộc đời thương sâu

Ta và người không khác
Đau thương thở cùng nhau
Chắp bàn tay cầu nguyện
Mong gió đời qua mau

Có hơi thở, có sự trở về, có tình thương thắp sáng, tôi có động lực để làm giàu đời sống tâm linh của mình. Mỗi sáng thức dậy nơi góc yên, tôi chế tác từng tâm niệm an lành. Góc nhỏ của tôi vẫn đủ đầy và ấm áp. Mùa này, tôi vẫn thường nhận được chậu lúa non mà sư em gieo tặng. Mỗi sớm, những hạt sương đọng trên đầu ngọn lúa trong ngần và mầu nhiệm. Tôi có mặt quan sát và tận hưởng những gì đang xảy ra vì biết rằng sáng ra, những giọt sương sẽ tan đi, và tôi sẽ không nuối tiếc. Giọt sương trên ngọn lúa như cuộc đời mong manh, vô thường nhưng rất đẹp, rất nhiệm mầu. Tôi nhận ra cuộc đời mình cũng vậy. Tôi sẽ sống đẹp như những mầm lúa non, như những giọt sương ấy vì đó là giá trị, là ý nghĩa của việc tôi được sinh ra. Có vậy, nếu cần ra đi thì hẳn lòng tôi sẽ thanh thản.

Có những nỗi khốn khổ mà mình chẳng biết làm gì ngoài sự chấp nhận. Tôi thầm biết ơn những vị Bồ tát Phổ Hiền ngoài kia, ngày đêm chung cánh tay của mình cứu giúp người trong biển khổ. Các vị y bác sĩ, các nhà lãnh đạo chính quyền, các nhà lãnh đạo kinh tế,… các vị đã trực tiếp hành động vì thương yêu. Ở đây, tôi thực tập chế tác từ tâm, gởi đi năng lượng bình an, có mặt để ôm lấy, xoa dịu những tổn thương ngoài kia.

Đôi tay ơi cuộc đời kia quá rộng
Nhưng tấm lòng có thể hóa vô biên
Sức nhỏ bé nhưng chở tâm quảng đại
Bước vào đời thỏa nguyện với núi sông

Đôi tay ơi tuy cuộc đời vốn rộng
Hành động thôi cho tất cả lên đường
Gởi tình thương nép vào lòng khiêm hạ
Bé nhỏ vô cùng nhưng lại hóa bao la

Đôi tay ơi cứ thảnh thơi gieo hạt
Đợi ngày mai, ngày mốt sẽ nảy mầm
Cứ kiên nhẫn tưới tình thương lên đất
Hẳn một ngày vườn từ ái trổ bông

Đôi tay ơi xin cứ vậy thong dong
Bởi một mình không làm nên tất cả
Hợp duyên lành kết nối bao xa lạ
Nương vào nhau sẽ đủ sức chuyển dời

Đôi tay ơi xin xây dựng tình người
Công trình ấy cần muôn đời hoàn tất
Nên chớ vội, chớ đòi mà chật vật
Hãy vững tin cùng đi tới tương lai.

Những ngày tháng này, tôi cùng quý sư cô thiền đường Trạm Tịch tổ chức những ngày tu quán niệm và những buổi sáng tụng kinh cầu an trực tuyến. Có lẽ đó là niềm an ủi dành cho tôi trong thời gian này. Được có mặt cho mọi người qua buổi lễ cầu an, qua buổi ăn cơm chánh niệm, hay những buổi pháp đàm, thiền trà, chia sẻ, vấn đáp hay thơ nhạc, lòng tôi thấy hân hoan như mình đang được có mặt, san sẻ với mọi người những khó khăn ngoài kia và hiến tặng những cái thấy giúp mọi người có được bình an, vượt qua những khó khăn của mình. Tôi có thể làm gì hơn ngoài việc cùng tăng thân xây dựng bền vững một nơi có nhiều thương yêu, vững chãi để mọi người hướng về nương tựa.

Những ngày này tôi lại thấy lòng phấn khởi khi được đóng góp bàn tay của mình vào việc nhận và chuyển thực phẩm cho các gia đình bị phong tỏa hay cách ly nơi địa phương tôi sinh sống. Đó là niềm vui của tất cả các chị em chúng tôi khi ngồi rửa từng củ cải bám đầy đất, khi nhặt và bó từng bó rau, khi phân chia mấy trăm phần củ quả, khi giữa đêm đi nhận hàng, chuyển hàng về chùa,… Và tình thương tạo nên sức mạnh để chúng tôi có thể bốc vác, chuyển nhiều chuyến xe chở hàng tấn gạo, mì, đường, muối,… Khi tình thương được hóa thành hành động, công việc không còn vất vả, khó khăn. Niềm hạnh phúc được hiến tặng thương yêu và san sẻ khó khăn luôn mang đến những nụ cười hoan hỷ trên từng gương mặt của các chị em tôi.

Mùa an cư năm nay, tôi có nhiều thay đổi, bớt chấp chặt những khó khăn. Tôi thấy mình thảnh thơi hơn, trong lòng có nhiều không gian hơn, sự bao dung được lớn lên, mà hơn hết là có một ít vững an ở đó. Tôi biết tôi đã có mặt cho chính tôi và tôi cũng đã có mặt cho cuộc đời bằng tất cả sự chân thành, như bài kệ kiến giải tôi đã dâng lên Thầy tổ:

Hòa con nước, dòng tình trong lắng lặng
Suối tâm an từng hạt thuận dòng trôi
Về với mình thêm thương hiểu cuộc đời
Tròn ước nguyện đến đi lòng tĩnh mặc.

Tôi chắp tay cầu nguyện cho đại dịch sớm qua để mọi người được gặp lại nhau mừng rỡ và trân trọng, để cuộc sống được thiết lập lại trong niềm hạnh phúc đơn giản. Chúng ta cùng chung tay xây dựng lại cuộc đời bằng sự tỉnh thức; giữ gìn, bảo hộ đất Mẹ; xây dựng tình thương đại đồng để cuộc sống mới có nhiều bình an, sức khỏe và hạnh phúc.

( Sư cô Chân Tuyết Nghiêm )

 

Kinh sơ tâm

Đất Tổ linh thiêng

Ba ơi, Ba là đệ tử của Bụt, của Sư Ông.

Mỗi người có một phước phần khác nhau. Riêng con, niềm vui, may mắn cũng như phước phần lớn nhất là gặp được tăng thân, bước những bước đầu tiên trên con đường tâm linh, trải nghiệm cảm giác thảnh thơi, an lạc khi sống trong giây phút hiện tại. Và quan trọng là trong từ điển cuộc đời có thêm ba chữ tình huynh đệ.

Ba ơi, trước đây, mỗi lần con thực tập tiếp xúc với bản thân là mỗi lần con ý thức mình cũng đang tiếp xúc với ba. Nhưng ba biết không, mỗi lần như vậy, cảm xúc trong con đi lên một cách mãnh liệt như cơn đại hồng thủy sẵn sàng phá tan những gì cản trở trước mặt nó. Ký ức trở về, mang theo nhiều kỷ niệm được chôn sâu trong tàng thức. Ngày ba mất, vô thường đến quá nhanh, con chưa sẵn sàng đón nhận. Nhưng bây giờ, nhờ có pháp môn tu tập nên con có khả năng quán sát và ôm ấp những cảm xúc ấy cho đến khi nó tan dần, tan dần. Không như những ngày đầu mới tu, bị nó xoay như chong chóng ba ạ!

Nghĩ về những ngày ba bị bệnh, con cảm thấy hối hận. Con đã chẳng giúp được gì, mà đôi lúc còn quên luôn sự có mặt của ba để đi tìm những hạnh phúc giả tạo bên ngoài. Con cũng giận bản thân vì lúc ba trở bệnh nặng, đã nắm tay ba nhưng con lại không nói được câu: Ba ơi, con thương ba lắm!

Ba biết không, từ khi vào tăng thân cho đến nay, cuộc đời con thay đổi rất nhiều. Bây giờ, con là đệ tử của Bụt, sống đời xuất gia, ăn chay, theo tăng thân học hỏi cách tổ chức khóa tu. Người ta đến tham dự khóa tu từ khắp mọi nơi, và có những người khổ đau nhiều lắm. Ấy vậy mà sau mỗi khóa tu, họ đã có sự thay đổi. Họ cười được, vui vẻ trở lại. Con hay thấy họ đến chắp tay cảm ơn quý thầy, quý sư cô. Những điều đó như một phép lạ vậy đó ba, như thể những khổ đau của họ tan biến đi đâu hết rồi vậy!

 

 

Ba biết không, tu cũng vui nhưng không dễ đâu. Thỉnh thoảng vẫn có những khó khăn, trở ngại trong nội tâm. Con không biết phải diễn tả sao cho ba hiểu… Giống như, sau khi mình phát một lời nguyện nào đó thì trở ngại bắt đầu hiện ra trước mắt liền. Rồi thân tâm được rèn luyện từ đó, như vàng được nung trong lửa. Và nhờ lửa nung vàng như vậy mà vàng trở thành vật hữu dụng. Đôi khi nung lâu quá nên cũng cảm thấy hơi nóng trong người ba ạ!

Ba biết không, có những lúc Bụt phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong tăng đoàn: bị hiểu lầm, bị vu oan giá họa, thậm chí còn bị đệ tử làm hại. Ấy vậy mà Ngài vẫn giữ được nét mặt hiền hòa, an nhiên. Bụt dạy các đệ tử rằng dư luận phát sinh, dư luận tồn tại rồi dư luận sẽ hoại diệt. Điều con tâm đắc nữa là Bụt không hề giận hay ghét những người gây khó khăn cho mình mà còn độ cho các vị ấy. Điều đó còn hơn cả thần thông nữa phải không ba? Có lẽ nhờ ngọn đèn từ bi trong Ngài đã được thắp sáng cho nên Ngài mới hành xử được như vậy. Ba biết không, có lúc Bụt cũng buồn, nhưng không buồn lâu. Ngài chỉ vào rừng chơi vài ngày, thăm con hươu, con nai, thăm mấy bông sen, thăm mấy con khỉ con. Rồi sau đó lại về với tăng thân để tiếp tục công việc của mình. Bụt không nản chí, vẫn nuôi dưỡng niềm tin ở mỗi người đệ tử. Vẫn tin rằng ai cũng có một ngọn đèn sáng trong tâm. Chỉ cần nhân duyên hội tụ đầy đủ, Bụt sẽ chỉ cho họ thấy được ngọn đèn ấy, thắp nó lên, và rồi bóng đêm sẽ tự nhiên biến mất, họ trở thành một pháp khí trong tăng thân. Bụt đã giữ trọn vẹn ước muốn giúp đời của mình. Nói đến đây con nhớ tới sư tổ Liễu Quán với câu kệ:

Tảo tri đăng thị hoả
Phạn thục dĩ đa thời
Sớm biết đèn là lửa
Cơm đã chín lâu rồi.

Tức là, trong nhà có sẵn ngọn đèn dầu mà cứ chạy đi xin lửa. Bụt có phải là người đi ban đèn, ban lửa đâu mà cứ chạy tới xin đèn xin lửa hoài, Bụt cũng biết mệt chứ bộ! Nói vậy thôi chứ nồi cơm của con cũng chưa chín. Nhưng con biết, nếu còn ở trong tăng thân thì một ngày, hay một giây phút nào đó, nó sẽ chín ba ạ!

 

 

Có cái này hay, con cũng muốn kể cho ba nghe. Thời gian gần đây, con luôn tự hỏi niềm vui thật sự của mình là gì? Có phải những trò thể thao, những buổi nói chuyện không có điểm dừng…? Đối với con bây giờ, những thứ ấy chỉ hỗ trợ cho đời tu thôi, chưa phải là niềm vui chân thật. Kẹt vào đó là chết liền. Khi có buồn giận, trách móc hay phán xét ở trong lòng, chính thiền duyệt đã đưa con về với giây phút hiện tại, thiết lập lại sự ổn định nội tâm, không bị những tri giác sai lầm đánh lừa để rồi vung vãi những yếu kém, làm tổn thương huynh đệ mình. Cho nên nếu một ngày mà không dành riêng nửa giờ hay một giờ đồng hồ cho việc ngồi yên, đi thiền để nhìn lại tự tâm mình, như câu nói của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ phản quang tự kỷ bổn phận sự thì quả thật mình chưa thật sự muốn tìm cái hạnh phúc chân thật. Mình còn đang loay hoay với vọng tâm, hết thương rồi ghét. Đặt những câu hỏi vẩn vơ: Trời ơi, tại sao hôm nay gặp, bạn không chào tôi, không nhìn tôi, không cười với tôi? Tại sao bữa giờ không qua uống trà với tôi?… Vậy là tiêu rồi phải không ba? Một thứ hạnh phúc đòi hỏi điều kiện thì đâu còn là hạnh phúc chân thật nữa. Bây giờ, con mới hiểu một chút về câu chuyện giữa Sư Ông và một thầy trong chúng. Hôm ấy, thấy Sư Ông đang đi tới, thầy ấy liền đứng sang một bên, chắp tay chào với ước mong Sư Ông sẽ cười và chào lại mình. Nhưng không, Sư Ông đã đi thẳng, không chào lại thầy. Nhìn qua có vẻ như Sư Ông vô tình, nhưng nhìn cho sâu, sẽ thấy Sư Ông là người đầy tình thương. Sư Ông đang dạy đệ tử cái tình của người trong đạo. Nó tự do, không ràng buộc nhau, không chiếm hữu, dù là bằng ý niệm. Nó thảnh thơi như một đám mây trên trời.

Mỗi ngày con tập sống với cái tình đó. Tức là khi đi biết mình đang đi, nghe chuông thì dừng lại thở. Nếu có cơn gió mát khẽ chạm nhẹ vào má thì biết mát rồi cảm ơn gió mát. Gặp huynh đệ thì biết đó là huynh đệ. Họ đang còn trong tăng thân, vậy là hạnh phúc rồi, không cần phải thêm gì trong đầu nữa. Ngồi uống trà với huynh đệ, nói vài câu chuyện cười. Tới giờ ngồi thiền thì mặc áo đi ngồi thiền, bạn chung phòng nhờ bỏ bảng sức khỏe thì bỏ giúp, vui vẻ, trọn vẹn. Nhưng sẽ ngoảnh lại và nói: nếu thấy không mệt lắm thì ra ngồi với đại chúng cho vui. Rồi đi, nhẹ nhàng, trọn vẹn.

Càng tu con càng nhận ra nhiều điều. Xã hội bây giờ có nhiều người khổ quá, khổ cả thân lẫn tâm. Con thấy thương họ lắm, nhưng không chỉ có người bên ngoài mới khổ đâu ba. Người tu mà không khéo tu thì cũng khổ như vậy không khác gì. Cho nên, con chỉ biết tự nhắc nhở mình thực tập cho đàng hoàng. Bởi vì, nếu con tu thành công thì ba và mọi người cũng thành công. Con nhớ Bụt có dạy: Hãy tìm hạnh phúc ngay trong khổ đau. Câu nói tuy ngắn gọn, nhưng phải mất rất nhiều thời gian để lĩnh hội cũng như thực tập được. Nói đến đây con mới thấy thương Sư Ông. Sư Ông rất từ bi, cho pháp hành chứ không cho một mớ lý thuyết. Tức là có thực hành theo thì có thành công, còn nếu chỉ nói suông thôi thì mình không thoát khổ được.

Ở trong tăng thân vui lắm ba. Ở nhà có vài anh chị em thôi, nhưng ở đây con có tới mấy trăm sư em. Nhìn mặt ai cũng hiền. Chưa kể sư anh, sư chị, rồi còn cả sư cha, sư mẹ, nhiều lắm ba ơi. Dù không phải ruột thịt ấy vậy mà có lúc, con thấy còn thân hơn cả ruột thịt nữa. Mọi người đùm bọc và che chở cho nhau. Cũng nhờ Sư Ông đó ba. Ai mới vào tăng thân cũng đều được dạy như vậy. Theo thời gian, nếp sống này tự nhiên ngấm vào trong máu. Con biết hằng ngày ba cũng đang cùng con trải nghiệm đời sống trong tăng thân, ba cũng đang thực tập, cũng được ngồi thiền, thiền hành cùng đại chúng. Khi con nghe chuông, ba cũng được thực tập dừng lại, thở những hơi thở bình an, nhẹ nhàng và tự do.

 

 

Tăng thân biểu hiện được là nhờ lòng từ bi của Sư Ông. Mặc dù công việc xây dựng tăng thân rất khó nhưng con thấy Sư Ông chưa bao giờ nản lòng. Con cũng nguyện thực tập như vậy, đóng góp một chút sức nhỏ bé của mình vào công trình này. Con biết, năng lượng từ bi của chư Bụt, chư Tổ, của các vị Thánh tăng và Sư Ông đang đồng hành, nâng đỡ cho con thực hiện lời nguyện ước này.

Ba ơi, ngồi đây viết cho ba con như đang được trở về tiếp xúc với sơ tâm của chính mình. Những ước nguyện tu tập, chuyển hóa nơi con dường như cũng ấm áp và tươi mới lên thêm.

Con của ba

(Thầy Chân Trời Lĩnh Nam)

 

Con gà và quả trứng

Tình thầy trò đã được trao truyền qua rất nhiều thế hệ, chưa bao giờ đứt đoạn, từ thời đức Thế Tôn cho tới bây giờ. Sự trao truyền ấy là có thật. Con đã tiếp nhận được tình thầy trò giữa Sư Cố với Sư Ông qua một cách nào đó mà tự thân con cảm nhận được. Điều này đã biểu hiện rõ nét trong một khóa tu rất khó khăn đối với con.

Lúc ấy, con mới tu được bốn hay năm năm, sự thực tập chưa vững vàng. Đại chúng đề cử con và một sư chú đi hướng dẫn khóa tu ở Đức. Đó là một khóa tu năm ngày, dành cho người Việt và người Đức. Khổ đau của thiền sinh trong khóa tu rất lớn, thậm chí, có người đã chia sẻ ý định tự tử. Con đã khóc khi nói pháp thoại. Vì biết khả năng của mình còn kém, thành ra con khóc giống như đang “ăn vạ” vậy, giống như đang “cầu cứu” năng lượng tâm linh từ liệt vị tổ sư. Và rồi, khóa tu đã diễn ra thật mầu nhiệm! Trong ngày có buổi lễ tạ ơn Tam bảo, khi cùng đại chúng lạy xuống, bỗng nhiên con cảm được rằng Sư Cố đã luôn âm thầm có mặt trong suốt năm ngày của khóa tu để nâng đỡ cho con mà con không hề hay biết. Ngay giây phút đó, bao nhiêu căng thẳng, bao nhiêu nỗi niềm lo âu đều tan biến. Con cảm được tình thương của Sư Cố, hoàn toàn là tình thương. Sư Cố ôm con vào lòng. Tình thương ấy đã được Sư Ông tiếp nhận và trao truyền lại cho con. Tình thương đó thấm vào thân tâm giúp con nhẹ, khỏe và đầy khiêm cung.

Sau khóa tu, có ngày quán niệm dành cho người Việt và người Đức. Buổi thiền hành diễn ra giữa cái nắng mùa thu rất đẹp. Con nắm tay một em bé người Việt. Bé vừa đi vừa chơi, đưa chân sút những chiếc lá trên đường. Con thì gồng người lên đi cho oai nghiêm vì con đang dẫn đầu đoàn thiền hành mà! Bỗng nhiên con nghĩ: Thôi, mình cũng chơi một chút với đôi chân của mình và những chiếc lá đi. Thế là con thấy thân tâm con mở ra, thấy mình được là mình, không cần gồng căng lên nữa. Lúc đó, con nghe tiếng Sư Ông nói trong lòng: Thầy đâu có muốn gì hơn, Thầy chỉ cần con có hạnh phúc thôi. Con cảm thấy thật biết ơn với tiếng nói sâu thẳm ấy của Sư Ông.

Qua kinh nghiệm đó, con thấy được giai thoại giữa Sư Cố với Sư Ông đang biểu hiện rất thật. Hồi đó, Sư Ông còn là một sư chú ở chùa Tổ. Một ngày nọ, thầy trò cùng nhau chấp tác ngoài vườn. Trời nắng gắt, làm được một lúc, Sư Cố với chiếc nón lá trên đầu, đứng dậy, mồ hôi nhễ nhại. Sư Cố chấp tác cũng mệt. Quay qua nhìn Sư Ông, Sư Cố nói: “Mệt quá! Chắc khi nào chết thì mới hết mệt!” Thông thường, chúng ta quan niệm là khi chết đi, mình sẽ rời xa người thân và đi qua một thế giới khác. Chuyện ở nơi đây không còn dính dáng gì tới mình nữa, mình khỏe rồi. Thành ra mới nói: “Mệt quá! Chết thì hết mệt!” Sư chú Phùng Xuân ngày đó nghe như vậy mà không hiểu gì. Sư Cố nhìn thêm một lần nữa và nói: “Nhưng nếu chết rồi thì ai hết mệt?” Chữ “ai” đó thật quan trọng.

Con cảm nhận rằng, Sư Cố thấy rất rõ, giống như chúng ta cũng thấy, tình thầy trò giữa Sư Cố với Sư Ông là vượt thoát thời gian. Sư Cố có cái nhìn của tương tức, không bị giới hạn bởi cái sống cái chết. Vì vậy Sư Cố luôn luôn có mặt với Sư Ông và với con cháu, đời này và đời sau. Nhờ sự tiếp nối và trao truyền chưa bao giờ đứt đoạn ấy mà cho tới bây giờ, chúng ta vẫn được thừa hưởng tình thương yêu và đùm bọc của các thế hệ Tổ tiên.

Câu nói này như một công án mà Sư Ông tiếp nhận từ Sư Cố. Bằng công phu thiền tập qua năm tháng, cuối cùng nó đã vỡ ra, giống như quả trứng nở ra con gà. Tây phương có câu hỏi tưởng như rất triết lý: Con gà có trước hay quả trứng có trước? Câu hỏi đó dựa trên cái thấy là con gà và quả trứng là hai thực thể riêng biệt, cho nên mới hỏi cái nào có trước, cái nào có sau, và bắt đầu vướng kẹt vào ý niệm đó. Theo tuệ giác của đạo Bụt, giữa con gà và quả trứng có mối liên hệ mật thiết, không thể nào tách rời hay chia chẻ được. Con gà và quả trứng có mặt cùng một lúc, và trong nhau. Nói theo danh từ chuyên môn là vô sinh, con gà biểu hiện từ quả trứng, quả trứng biểu hiện từ con gà. Vô sinh, bất diệt là như vậy.

Sư Ông đã đưa cái thấy này vào sự thực tập đã về – đã tới, bây giờ – ở đây, cửa vô sinh mở rồi. Cái thấy đó rất rõ ràng và xuyên suốt trong quá trình hành trì và giảng dạy của Sư Ông. Sư Ông đã nuôi dưỡng và trao truyền tuệ giác này cho không biết bao nhiêu đệ tử xuất sĩ cũng như cư sĩ khắp nơi trên thế giới. Chính nhờ cái thấy đó, chúng ta có thể thực tập để có được tình thương và an lạc đích thực. Quê hương của chúng ta là bây giờ, ở đây và khắp mọi nơi.

Và tuệ giác ấy giúp Sư Ông an trú trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Khi sống, chúng ta tập sống trong giây phút hiện tại, trong quê hương đích thực của mình. Và khi chết, chúng ta cũng chết trong giây phút hiện tại, trong quê hương đích thực của mình. Giây phút này có tính chất vượt thoát thời gian và tóm thâu cả ba thời: quá khứ, hiện tai, tương lai. Đến một hôm nào đó, khi sự kiện nhất kỳ vô thường xảy ra với Sư Ông, chúng ta chứng kiến, và chúng ta tạm gọi là Sư Ông tịch, nhưng thật ra khả năng an trú trong niệm định tuệ vẫn giúp Sư Ông có mặt đích thực trong giây phút hiện tại, bây giờ ở đây, trong quê hương của mình. Như vậy, Sư Ông có mặt cho chúng ta ngay bây giờ, và đời đời, mãi mãi về sau. Chư Bụt, chư Tổ cũng vậy. Đó là lý do tại sao chúng ta nói rằng sự truyền thừa chưa bao giờ và không bao giờ bị đứt đoạn. Đây chính là tuệ giác tương tức.

Con nhớ, có lần một sư cô gặp rất nhiều khó khăn và muốn ra đời. Sư Ông giúp không được, con thấy Sư Ông cũng khổ lắm. Trong một buổi pháp thoại, Sư Ông nói: “Thầy sẽ có mặt cả ngàn đời cho con.” “Ngàn đời” chỉ là cách nói nôm na về thời gian. Câu nói đó có nghĩa là Thầy luôn luôn có mặt cho con, bây giờ và mãi mãi. Sư Ông có tuệ giác đó, có khả năng an trú trong niệm định tuệ. Chúng ta đang tiếp nhận gia tài của chư Bụt, chư Tổ và của Sư Ông. Mỗi người trong chúng ta là một sự tiếp nối của chư Bụt, chư Tổ, và của Sư Ông trên một khía cạnh nào đó.

Nếu nghĩ hơi xa hơn một chút, Sư Ông có tịch thì chúng ta tiếp xúc với Sư Ông ở đâu? Câu trả lời là trong từng hơi thở, trong từng bước chân của chúng ta, ngay trong giây phút hiện tại, ngay nơi sự sống này. Chúng ta đừng nghĩ rằng Sư Ông về Niết bàn là sẽ ở một nơi nào khác, hay Sư Ông sẽ tái sinh nơi một hiện tượng nào khác trong đời sống. Những suy nghĩ đó chỉ là cái nhìn thông thường. Cái nhìn mà Sư Ông đã thực sự trao truyền cho chúng ta là Sư Ông đang có mặt bây giờ, ở đây, trong sự sống, trong tất cả chúng ta. Sư Ông đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần cho chúng ta khắc cốt ghi tâm tuệ giác ấy. Trong bài thơ Hãy gọi đúng tên tôi, Sư Ông cũng đã diễn bày tuệ giác này cho chúng ta thấy: Sư Ông là con chim, con kiến, là người này hay người kia, là cái thấy của bao dung… Sư Ông chính là sự sống, là ở đây, chưa bao giờ từng sinh, chưa bao giờ từng diệt, trong tất cả các hiện tượng khổ đau hay hạnh phúc.

Nếu duy trì được cái thấy đó thì chúng ta mãi mãi có Sư Ông. Sư Ông, cũng như chư Bụt, chư Tổ qua bao thế hệ, mãi mãi có mặt cho chúng ta và đưa chúng ta đi tới trên con đường thực tập và hành đạo.

( Thầy Chân Pháp Ứng)

Thiền ca

Thiền ca – một pháp môn mình tưởng là mới mẻ của Làng Mai, nhưng thực ra đây là một truyền thống thiền đã được Làng Mai ứng dụng một cách sáng tạo và rộng rãi để quần chúng đương thời, nhất là giới trẻ, có thể tiếp xúc dễ dàng với giáo pháp của Bụt, giúp cho mình ý thức hơn ý nghĩa của đời sống, làm cho đời sống lành hơn, đẹp hơn, giàu có hơn.

Trong đời sống thiền môn, quý thầy, quý sư cô xướng tụng kinh kệ kết hợp thỉnh chuông, mõ, linh, tang… Mình có thể hiểu đó là thiền ca – một hình thức thực tập giúp cho mình thấm nhuần những lời Bụt dạy. Những lời kinh như những giọt nước cam lộ thánh thót rơi xuống đất tâm của mình, làm nảy mầm những hạt giống tốt và tiếp tục tưới tẩm để chúng lớn mạnh, đơm hoa kết trái, làm cho đời sống xinh tươi, tốt đẹp hơn.

Khi con về Làng Mai – Pháp quốc, lần đầu tiên vào mùa hè 1987, con được nghe bài Ý thức em mặt trời tỏ rạng do chị ca sĩ Hà Thanh hát trong máy. Con thực sự rất xúc động, như là mình đang ngủ mê mà được lay thức dậy. Bụt nói mình khổ vì mình không thấy đường. Đường đời muôn vạn nẻo, nếu không may mắn được gặp Bụt đưa đường chỉ lối, mình rất dễ bị lầm lạc.

Cho nên một bài hát thiền như là một bài kinh, một ngón tay của Bụt chỉ cho mình lối đi về bình an. “May thay trong cõi ta bà, đâu cũng có cánh tay đức từ bi cứu độ”. Nếu không tu tập để có được ý thức tỏ rạng như mặt trời thì mình khó mà thấy được ngón tay chỉ đường của Bụt, và có lòng quyết tâm đi theo dấu chân của Ngài để đến được bờ tự do.

Một bài hát gọi là thiền ca, thì lời và nhạc phải nhẹ nhàng, quyện vào nhau hài hòa như tâm ý Bụt. Thiền ca có tác dụng đánh thức mình dậy, không còn ngủ mê nữa, không còn chìm đắm trong sầu khổ nữa. Bài Thở vào, thở ra là bài hát con rất thích. Đây là một bài thiền ca căn bản, được hát bằng nhiều thứ tiếng, nhắc nhở mình tỉnh thức, trở về chăm sóc thân tâm trước khi bắt đầu làm một việc gì, nói một điều gì. Có như vậy mình mới có thể tránh được những lầm lỗi, gây khổ đau cho mình và người khác.

Cùng với bài hát, mình thực tập thở vào thở ra có ý thức, như Sư Ông dạy, làm cho thân tâm lắng dịu lại, tươi mát trở lại như hoa, vững vàng như núi, yên tĩnh như mặt hồ, và thênh thang như không gian, không còn điều gì làm vướng bận. Người hát và người nghe hát phải hết lòng sống với những gì mình đang hát, đang nghe. Có như vậy những hạt giống tốt trong mình mới thực sự được tưới tẩm và lớn mạnh, dâng hoa thơm trái ngọt cho mình, cho người.

Cách hát và cách nghe thiền ca rất quan trọng. Nếu người hát và người nghe hát không có sự tu tập thì khó mà truyền đạt và tiếp nhận được ý nghĩa của bài hát. Do đó có thể làm mất hết tác dụng của bài thiền ca, dù nhạc và lời của bài thiền ca có hay đến mấy. Cũng như Bụt là một bậc giác ngộ tuyệt vời. Pháp của Bụt rất thực tiễn, đem đến nhiều lợi lạc. Nhưng nếu không có một tăng thân tu tập cho đàng hoàng, vững chãi, thì mình cũng khó tiếp xúc được với chánh pháp, với Bụt. Cho nên, mình mới hiểu vì sao vua Ba Tư Nặc thưa với Bụt rằng: khi con nhìn tăng đoàn của Ngài, người nào cũng bình an, vững chãi, niềm tin của con nơi Ngài thêm kiên cố.

Một bài thiền ca theo đúng ý nghĩa, con nghĩ, phải chuyên chở được cả Bụt – Pháp – Tăng. Nếu người hát thiền ca có tu tập vững chãi, có giọng hát và phong thái đầy chất thiền, thì đôi khi chỉ cần hát một bài cũng có thể giúp cho người nghe phát tâm tu học, muốn thực tập bài hát trong đời sống hàng ngày để chuyển hóa khổ đau, lấy lại được niềm vui sống, và có thêm niềm tin yêu nơi chính mình, nơi cuộc đời.

( Sư cô Chân Quy Nghiêm)

Thầy ôm các con vào lòng

Sáng nay thức dậy, tôi ngồi yên trước ngọn nến, uống vài ngụm trà olong. Tôi cảm được không gian bình yên của buổi sáng. Bên ngoài, mọi loài còn đang chìm trong giấc ngủ ấm áp của mình. Những ngày làm biếng, tôi có cảm giác thật thân quen với căn phòng Bird nest này. Không gian nơi đây kéo tôi trở về, lắng xuống tận sâu trong tâm hồn. Căn phòng mới sửa, chưa được sử dụng nhiều, đôi chỗ còn dở dang, những cái kho nho nhỏ bên cạnh đang được sửa lại để tận dụng. Dù vậy, đây là nơi ổn định để tôi ngồi yên, học bài hay đọc sách trong những ngày làm biếng. Buổi sáng là không gian yên nhất trong ngày.

Sáng nay, cảm giác nhớ Thầy đi lên trong tôi. Hình ảnh thân quen của Thầy dần hiện rõ. Thầy thường đi đến các xóm trong dịp làm biếng. Qua xóm Mới, Thầy hay ngồi chơi, đi bộ với các con. Có lẽ mấy ngày qua nghe hồi ký của Thầy nên cảm giác nhớ Thầy về nhiều hơn. Trong hai tuần làm biếng sau an cư, có quý thầy từ Thái Lan ghé Làng trước khi qua Đức để nhập chúng nên sư mẹ Thoại Nghiêm sắp xếp cho anh chị em nghe chung hồi ký của Thầy. Tôi không nghĩ sẽ có ngày được nghe lại hồi ký của Thầy.

Thầy là người đã đặt những bước chân đầu tiên ở Làng, đã gầy dựng và phát triển Làng cho đến bây giờ. Điều này quả không dễ dàng. Tôi mong ai cũng có dịp đến Làng. Đến để mà thấy, để chứng nghiệm sự linh thiêng nơi mảnh đất này. Ở xóm Mới, tôi nhớ nhất là con đường Thầy thường dẫn đại chúng thiền hành. Con đường lên đồi Dương Xuân. Những ngày quán niệm tứ chúng tại xóm Mới, Thầy thường hướng dẫn đại chúng thiền hành lên đó. Một đoàn dài, có lúc hơn cả ngàn người. Thầy đã đến nơi, ngồi xuống mà phía sau, tít đằng xa vẫn còn người đang bước. Thầy thường thỉnh ba tiếng chuông cho đại chúng thở, ngồi yên để thưởng thức những mầu nhiệm của trời đất, thưởng thức khung cảnh thênh thang trước mặt. Lạ thay, cả ngàn người mà không ai nói với ai tiếng nào, không khí thật yên, ai cũng thưởng thức từng phút giây hiện tại, thưởng thức nhịp điệu của từng hơi thở, thưởng thức không gian, cảnh vật và tận hưởng năng lượng tập thể đang có mặt. Tất cả như đang thở cùng một nhịp. Đúng như một dòng sông. Thật là nhiệm mầu!

 

Ở xóm Mới, chị em chúng tôi được luân phiên hướng dẫn thiền hành. Có lần vào ngày quán niệm, tôi dẫn đại chúng theo con đường đó, mới đi được vài bước tôi nhớ đến Thầy, rồi hình ảnh Thầy trong tôi hiện lên rõ nét. Tôi đi với sự thực tập: con đang đi cho Thầy. Tôi để ý đến từng bước chân của mình và giữ ý thức: những bước chân này là bước chân của Thầy, thật vững chãi, thật yên, thật nhẹ nhàng. Thầy cùng tôi đi hết đoạn đường thiền hành trong bình an.

Thỉnh thoảng tôi đi một mình lên đồi Dương Xuân để ngồi yên. Chỉ đến đó thôi là tôi thấy trong lòng nhẹ nhàng, tâm hồn thoải mái như bỏ lại bao nhiêu thứ phía sau. Nhìn lên bầu trời, thấy lòng mình bao la, tôi có cảm giác như mình đang được cuộn tròn, được che chở bởi đất trời nơi đây. Niềm biết ơn trong tôi trào dâng. Tôi nhận ra rằng khi lòng biết ơn trong tôi càng lớn thì tôi hay nghĩ tới và cảm thấy áy náy với những gì Thầy gửi gắm, mong đợi nơi tôi. Sau khi nhận đèn truyền đăng làm giáo thọ vào năm 2012, tôi về Thái Lan tu học. Thái Lan lúc đó đang xây dựng trung tâm mới. Đầu tháng Ba năm 2013, đại chúng chuyển từ nhà bác Pu Lư lên đất mới. Đến cuối tháng Ba, Thầy cùng quý thầy, quý sư cô về Thái để khánh thành trung tâm mới cũng như mở khóa tu cho người Thái và người Việt. Sau khóa tu, tôi được làm thị giả đi khóa tu ở Hàn Quốc với Thầy. Kết thúc khóa tu, tôi và sư cô Linh Nghiêm, sư cô Quy Nghiêm về lại Thái Lan. Thầy và phái đoàn tiếp tục khóa tu ở Hồng Kông. Tôi biết sắp xa Thầy nên trước khi Thầy đi hai ngày, tôi tránh không gặp Thầy vì sợ sẽ khóc nhè. Vậy mà trước khi xe buýt lăn bánh, từ Seoul (Hàn Quốc) để ra phi trường bay đi Hồng Kông, tôi được gọi lên gặp Thầy. Khi ấy, Thầy đã ngồi sẵn trên xe. Thầy dặn tôi: “Con về Thái ôm hết các sư em cho Thầy”. Nghe Thầy dạy, tôi chắp tay “dạ”. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là về Thái thì thiền ôm các sư em giúp Thầy. Chỉ là thực tập “thiền ôm”, không làm có lẽ cũng không sao. Thực sự, tôi không thích thực tập pháp môn này lắm. Vậy rồi, tôi quên bẵng chuyện này đi một thời gian.

Sau đó vài năm, lời dặn của Thầy trở lại, đánh thức tôi. Tôi nhận ra rằng nó không đơn giản như tôi nghĩ. Lúc đầu tôi chỉ “dạ” vì Thầy dạy gì thì trước tiên cũng phải “dạ”. Khi nghe tôi “dạ”, Thầy cười và nói: “Con dạ rồi đó, con phải làm cho được”. Thầy Pháp Hữu, lúc đó đang làm thị giả, phá lên cười trước vẻ ngây ngô của tôi. Ui chao, bây giờ mới thấy Thầy đã trao cho tôi một công án và công án của thiền sư không dễ chút nào. Tôi còn nhớ Thầy thường hay viết thư cho các con của Thầy. Cuối thư Thầy viết: “Thầy ôm các con vào lòng”. Nghe thật đơn giản nhưng thấy được lượng bao dung từ Thầy. Thầy thấy và hiểu được những học trò của mình và với tình thương, với lòng bao dung Thầy đã “ôm” được hết tất cả.

Một lần, tôi tham dự buổi họp về vấn đề khó khăn của một sư em. Buổi họp kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Nhìn cho kỹ, ai cũng có những khó khăn, những vụng về, những hạn chế riêng nên mới cần được ôm ấp và chấp nhận từ người khác. Chỉ với một quyết định vội vàng, mình có thể mất sư em. Chỉ có lòng kiên nhẫn, tình thương, cùng với sự bao dung mới có thể thay đổi một con người.

Cái “dạ” ngày đó với Thầy làm tôi áy náy cho đến bây giờ. Càng ngày, tôi càng chạm vào thực tế một cách cụ thể hơn. Và lời nhắn nhủ của Thầy trở về với tôi nhiều hơn. Tôi thấy sự thực tập trong tôi còn giới hạn. Sự phân biệt đúng sai, thương ghét, giận hờn, đòi hỏi, hơn thua… vẫn còn đó. Làm sao có cái nhìn bao dung và tình thương lớn để chấp nhận hết tất cả mọi người. Càng lúc tôi thấy mình phải thực tập nhiều hơn, phải quán chiếu sâu hơn về điều này. Suốt cuộc đời chắc còn chưa đủ. Và có lẽ tôi sẽ vẫn còn những vụng về khi thực tập công án Thầy trao, nhưng tôi biết chỉ cần có sự chờ đợi và lòng kiên nhẫn thì một ngày nào đó tôi có thể thay đổi chính mình, đồng thời ôm ấp và chấp nhận người khác một cách dễ dàng hơn.